Gần 19 thế kỷ sau khi Phúc Âm cứu rỗi của Chúa Giê-xu được hoàn tất, Tin Lành mới đến mảnh đất Việt Nam giữa bao nhiêu khó khăn, nhọc nhằn. Mời quí độc giả theo dõi tiếp kỳ hai của chuyên đề “100 năm Tin Lành đến Việt Nam”.

Những bước khởi đầu – Giáo Hội Tin Lành Pháp

Thế kỷ 17: George Bois báo cáo rằng theo những gì Jaques Pannier tìm được trong Thư Viện Quốc Gia Hà Nội, thì một số người Tin Lành đã vào Ðông Dương từ thế kỷ 17.  Một số người Tin Lành từ Picardi (Bắc Pháp) đã theo  hãng buôn Dutch East India vào.  Charles Hartsingh, một thương gia và ngoại giao của hãng này lập một cơ sở đầu tiên cho hãng tại châu thổ Sông Hồng Hà (tài liệu MS Lê Hoàng Phu).

Thế kỷ 18: năm 1794, Chaigneau, một sĩ quan hải quân Tin Lành Pháp cùng một số sĩ quan Pháp khác tham gia các lực lượng hỗ trợ vua Gia Long trong cuộc nội chiến. Trong suốt 28 năm, viên quan này đã giúp thống nhất đất nước  và củng cố quyền hành cho Nguyễn Triều.  Sau ba năm về nghỉ ở Pháp, ông trở lại làm lãnh sự và đại diện đặc biệt cho Pháp, nhưng ông đã rời khỏi Việt Nam năm 1821 vì bất mãn về chính sách của vua Minh Mạng đối với nước Pháp. Viên quan này không bao giờ được xác nhận là người Tin Lành nhưng đã thành công trong việc giúp bốn giáo sĩ Công Giáo bí mật vào bờ biển Nam Việt.

100 1 b the ky 19

Việt Nam những năm cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19

Thế kỷ 19: “Thế kỷ lớn của Công Cuộc Truyền Giáo của Tin Lành”:

Bối cảnh nước Việt Nam

Dân số Việt Nam lúc ấy khoảng 20 triệu, chia ra: Tonkin, Annam và Cochin-chine. VN có đường xe lửa với hai giá vé. Hệ thống đường bộ và đường thủy khá tốt. Có bưu điện, và điện tín. Điện đã phổ thông và đã có điện thoại công cộng. Nhà thương và trường học miễn phí. Giáo dục có đến cao đẳng và đại học.

Các giáo sĩ nhận xét: người Việt không phải dân tộc có tôn giáo. Đền thờ không giữ, dân rất ít ý niệm về đạo, chỉ thích hội hè hơn là thờ phượng. Đa số thờ cúng tổ tiên.

Dầu người Pháp đã chiếm lĩnh hoàn toàn Ðông Dương, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy  trong hàng ngũ Tin Lành Pháp có kế hoạch truyền giáo cho miền đất này. Rất ít người quan tâm đến Ðông Dương. Các tuyên úy Tin Lành Pháp cũng thuộc hàng ngũ các đoàn quân lê-dương gởi sang Ðông dương.  Vì nhiệm kỳ phục vụ tương đối ngắn ngủi nên các vị này không thể học tiếng Việt và cũng không trao đổi giao dịch dễ dàng với người bản xứ.

Năm 1884,  Hội Truyền Giáo cho các thuộc địa của Pháp gởi sang vị mục sư đầu tiên, đó là Mục Sư Théophile Boisset. Mục sư này đến Hải Phòng để tổ chức một hội thánh cho Người Tin Lành thuộc sắc dân châu Âu. Sau có hai nhà thờ khác được lập tại Hà Nội và Ðà Lạt (1902). Năm 1886, Mục sư Boisset kêu gọi Hội của ông “gởi giáo sĩ sang một cánh đồng truyền giáo rộng hơn cả nước Pháp, đang mở rộng cửa và thời gian rất ngắn ngủi, xin đừng đợi cho tới khi quá trễ…” Tuy nhiên, lời kêu gọi của vị mục sư này và những người khác không được Giáo Hội Tin Lành Pháp lưu tâm. Các vị mục sư và tuyên úy Pháp dường như quá bận rộn với đòi hỏi của người Âu tại Ðông Dương nên không ai có thời gian để lo cho công tác truyền giáo cho người Việt Nam. Ngay cả người Việt Nam nói tiếng Pháp cũng không được thu hút vào các nhà thờ dành riêng cho người Âu này.

Có một trường hợp đặc biệt là một người Việt Nam được ghi nhận tin Chúa trước năm 1911. Ðó là Trung sĩ Dương. Ông này không biết đã nghe Tin lành từ bên Pháp hay tại Việt Nam, không ai rõ.

Tháng Mười Một năm 1906, một số báo đặc biệt của tạp chí  Foi et Vie (Tin và Sống của Giáo Hội Tin Lành Pháp xuất bản) có đăng bài về nhu cầu tại Ðông dương.  Mục sư  Adolphe de Richmond (cựu mục sư cho nhà thờ Pháp tại Việt Nam) đưa ra ba nguyên tắc cho việc truyền giáo, tương đối khá cao xa trong giai đoạn đó:

  1. Vì người dân bản xứ đã được văn minh hoá từ 15 thế kỷ rồi, nên cần phải có giáo sĩ có văn hóa cao để đảm nhận việc truyền giáo;
  2. Các giáo sĩ này phải cẩn thận lựa chọn địa điểm truyền giáo để khỏi va chạm với việc truyền giáo của người Công Giáo;
  3. Giáo sĩ không nên khiến người hỏi đạo trở thành người đạo Tin Lành, nhưng nỗ lực “thay đổi tâm linh họ” chứ không phải “chỉ đổi nhãn hiệu tôn giáo của họ mà thôi.”

Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại

Việc làm chứng đạo Tin Lành đầu tiên ở Việt Nam đã được Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại phát động cuối năm 1820.  Nhưng vì sự chống đối kỳ thị của cả người Việt Nam lẫn người Pháp, Hội phải hoạt động từ Thượng Hải. (Hồi ấy cơ quan này gọi là Thánh Thơ Công Hội).

Năm 1890 Ông Bonet, một giáo sư thuộc Trường Ngôn Ngữ Á Ðông tại Paris, là người chắc hẳn đã từng ở Việt Nam đã phiên dịch Phúc âm Lu-ca từ tiếng Pháp ra tiếng An-nam (có thể là tiếng Nôm, vì lúc đó chữ quốc ngữ chưa phổ thông).

Năm 1898, hai người Anh là James và Lawrence, đi thuyền từ Thượng Hải đến Trung Việt để thám hiểm khả năng truyền giáo. Hai ông mua một chiếc thuyền và dương buồm theo dọc theo bờ biển và vào các sông để phân phát các phần Phúc Âm bằng tiếng Việt (có lẽ là chữ Nôm hay chữ Hán) . Chưa đầy một năm sau hai ông bị trục xuất khỏi xứ vì “truyền đạo trái phép”, nhưng lúc đó ông James đã dịch xong phúc âm Mác ra tiếng Việt (Nôm) (Reimer paper).

100 1 b thanh kinh hoi

Chiếc thuyền của Thánh Kinh Hội đi dọc theo các vùng biển của xứ Tourane

Năm 1903 ông Charles Bonnet, một người Pháp khác gặp may mắn hơn, ngay sau khi đến Việt Nam, ông này đã quy tụ xung quanh một số người Việt mà ông huấn luyện họ làm người phát và bán sách (colporteurs), và khởi sự phân phát Lời Chúa.  Có hai mục sư người Pháp yểm trợ là mục sư Pannier ở Hà Nội và Richmond ở Huế. Hai vị mục sư này có lẽ chỉ biết giảng tiếng Pháp nhưng đời sống họ và công việc họ làm chắc cũng ảnh hưởng nhiều đến người Việt Nam.

Sau một dự định khởi đầu phiên dịch Kinh thánh ở Sài-gòn không thành, Thánh Kinh Hội đưa Ông Bonnet ra Tourane năm 1902.  Ông Bonnet mua một miếng đất của ông Nguyễn Văn Phúc, tọa lạc tại khoảng giữa ga xe lửa và kho đạn của thành phố Tourane. Từ trung tâm nhỏ bé này ông Bonnet đã cử các ông như Ấm, Lộ và Yến làm người phân phát và bán sách Tân Ước và các Phúc Âm bằng chữ Hán trong vùng tỉnh Quảng Nam. Không có tài liệu nào ghi lại kết quả ra sao.

Trong khi đó tại Mỹ

Chúa giục lòng ông Albert Simpson, 39 tuổi, một mục sư Canada thuộc hội Trưởng Lão ở Louisvilla, KY (Presbyterian clergyman in Louisville, KY.)  Ông nói cho bà vợ hay là ông có một khải tượng về một sân khấu vĩ đại, trên đó toàn là những gương mặt Á Ðông. Ông cho rằng Chúa kêu gọi ông vào cánh đồng truyền giáo.

100 1 b vo chong giao si ab simpson

Vợ chồng ông bà giáo sỹ A.B Simpson

Năm 1882, Tạp chí The Word, The Work and The World lần đầu tiên nhắc đến  “Cochin China and Tonkin…” Tức là Nam Kỳ và Bắc Kỳ

100 1 b ong simpson

Giáo sỹ A.B Simpson, năm 1882

Năm 1887, Mục sư Simpson viết “Vương quốc Annam phải được chiếm hữu cho Ðấng Christ…” (The Word, The Work and The World).

Cuộc thăm dò của Người Tin Lành

Năm 1890, Thánh Kinh Hội Anh Quốc và Hải Ngoại thăm viếng Việt Nam (BFBS-UBS).

Năm 1893, Mục sư David LeLacheur thăm Sài-gòn. Khi về đã khuyên giục người bạn thân là A.B.Simpson phải đem “Phúc Âm chiếm hữu Nam-kỳ (Cochin Chine).

Năm 1894, Mục sư Simpson kêu gọi khẩn cấp các giáo sĩ đem Phúc Âm đến Tibet, Sudan và Cochin Chine (Nam Kỳ).

Năm 1896,  Mục sư C. H. Reeves mở cuộc khảo sát từ Lũng Châu, Trung-hoa  sang thăm Lạng Sơn tháng Tám (ông mất đầu năm 1898).

Tiếp đó Ông R. A. Jaffray (23 tuổi) kêu cứu cho Ðông Dương trong lễ nhậm chức của ông tại New York. Năm 1889 Giáo sĩ Jaffray, tại nam Hoa, dự định từ Lũng Châu truyền giáo vào Việt Nam, nhưng không thành, vì người Pháp không cho phép.

100 1 b thoi tham do le nhiem chuc jaffray tai newyork

Tại buổi lễ nhậm chức của mục sư Jaffray tại New York

Từ năm 1901-1910, Ông Jaffray đi khảo sát thường xuyên hơn từ Trung Hoa sang Việt Nam. Ông tiếp tục hối thúc uỷ ban truyền giáo CMA khởi đầu công việc tại Việt Nam.

100 1 b jaffrey1

Cuốn sách kể về cuộc đời và chức vụ của mục sư Jaffray của tác giả A.W. Tozer

100 1 b 3 giao si tien phong i.r. stebbins d.i. jeffrey va e.f. irwin

Ba giáo sỹ tiên phong đến Việt Nam: (từ trái sang) I.R Stebbins, D.I. Jeffrey, E.F. Irwin

Ngoài ra, trong thời gian này, các thanh niên thiếu nữ Mỹ được khuyến khích dâng mình truyền giáo cho Việt Nam và nhiều người đã dấn thân: Họ trẻ tuổi (22-36) độc thân. Sau này sang Việt Nam mới gặp bạn đời và kết hôn như:  Cadman, Irwin, Olsen, Jeffrey ..v.v.

* Đã quá lâu cho ngày chờ đợi, Đức Chúa Trời đang vận hành những điều to lớn để thực thi chương trình cứu rỗi trên dân tộc Việt Nam. Mời quí độc giả đón đọc kỳ tiếp theo của Chuyên đề “100 năm Tin lành đến Việt Nam” với nhan đề: Giai Đoạn Thành Lập Hội Thánh Sơ Khai (1911-1927).

Tác giả: Nguyễn Sinh

Biên tập: Lê Tuấn – Linh Ân

Nguồn Tài Liệu tham khảo:
Lê Hoàng Phu Thesis
Reg Reimer Thesis Catholic Encyclopedia With Christ In Indochina
CMA Archives
Và các nguồn tài liệu sau đây:

100 1 cac tai lieu tham khao

Hoithanh.com