Tại một Hội thánh kia, các trưởng lão đến gặp Ông bà Mục sư có việc quan trọng. Gần một năm rồi, hội chúng ngấm ngầm bất mãn vì sự kém hiệu quả của ông chủ tọa. Rõ ràng có điều gì đó không ổn, nhưng không ai có thể xác định được khó khăn ấy là gì.
Chương 3: SỰ HIỆP NHẤT TRONG TÂM HỒN
1. Vận Dụng Hay Giúp Đỡ.
Tại một Hội thánh kia, các trưởng lão đến gặp Ông bà Mục sư có việc quan trọng. Gần một năm rồi, hội chúng ngấm ngầm bất mãn vì sự kém hiệu quả của ông chủ tọa. Rõ ràng có điều gì đó không ổn, nhưng không ai có thể xác định được khó khăn ấy là gì. Tuy nhiên, những tháng gần đây các nhân vật lãnh đạo trong Hội thánh đều nhất trí với nhau rằng, nan đề dù ít hay nhiều đều có liên hệ đến cuộc hôn nhân của ông Mục sư.
Khi các trưởng lão họp đánh giá tình hình, họ đều đồng ý rằng bà chủ toạ càng lúc càng bị cuốn hút vào công việc tư vấn cho các thiếu niên có vấn đề. Họ thắc mắc không biết có phải vì công việc ấy đã vắt kiệt sức lực của bà chủ toạ đến độ bà không còn đủ sức để làm vợ nữa. Điều hiển nhiên là công việc tư vấn của bà càng tăng thì chồng bà càng bị ngập trong lịch sinh hoạt gồm hội họp, những trách nhiệm hành chính và trách nhiệm hằng ngày. Dường như ông mất đi sự tiếp xúc cần thiết với con người để phục vụ Hội thánh hữu hiệu hơn.
Mặc dù không ai hiểu cách chính xác làm thế nào ông mục sư rút bớt vai trò chăn bầy vì bà mục sư quá bận trong công tác tư vấn, nhưng các trưởng lão đều thống nhất rằng có điều gì đó đáng chú ý trong cuộc hôn nhân này. Khi họ bày tỏ mối quan ngại với ông bà trong một cuộc họp thì cả hai đều phản ứng gay gắt và buồn nản. Có những giây phút căn thẳng, và sau lời khuyến cáo kiên quyết ông bà mới đồng ý đi tìm chuyên gia.
Vài tuần sau đó họ đến văn phòng của tôi, họ tỏ ra nhiệt tình để che giấu hồi hộp: tôi khởi đầu cho họ biết ban trưởng lão đã viết cho tôi một thư đề cập đến nhận xét và mối quan tâm của họ. Ông mục sư kịch liệt phản đối những phỏng đoán của các trưởng lão và bảo đảm với tôi rằng cuộc hôn nhân của ông vẫn vững vàng như hồi nào đến giờ và rằng họ rất tôn trọng sự chủ trì của Chúa. Bà vợ đoan chắc rằng bà yêu chồng tha thiết và luôn luôn đặt gia đình lên trên mọi nhiệm vụ khác.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi cho thấy cặp vợ chồng này chân thành cảm biết họ yêu Chúa. Cả hai đều chứng tỏ mình biết cách vững vàng về tình yêu vô điều kiện của Chúa Jêsus Christ như là nền tảng của sự an toàn và mục tiêu đời đời của Đấng Christ là cái khung để chúng ta tìm được ý nghĩa. Tuy nhiên dù việc họ nắm chắc chân lý đạt vượt mức yêu cầu, tôi vẫn cảm thấy thiếu một điều gì đó. Không hề có một chút thân mật nào giữa hai người, không có tự nhiên, không có ấm cúng được chia sẻ, chỉ có tình bạn bền chặt và khéo gìn giữ.
Trong khi tư vấn, tôi thường khuyến khích cả vợ lẫn chồng thảo luận về những sự kiện đặc biệt gần đây trong cuộc sống họ để tôi có thể quan sát sự phối hợp của họ. Ông mục sư mô tả một dịp mới đây hai vợ chồng cùng đi ăn nhà hàng, một dịp rất hiếm hoi. Trong khi họ đang ăn, thì người vợ nhận được cuộc gọi đi tư vấn cho một em gái bỏ nhà đi vừa bị cảnh sát bắt. Tôi hỏi ông mục sư cảm thấy thế nào khi vợ ông phải bỏ dở bữa ăn để đi khẩn cấp như thế.
Ông cười trả lời: “Nhà tôi thương tụi nhỏ lắm. Chúa cho bà ấy một chức vụ thật đặc biệt và quan trọng”.
Tôi hỏi tiếp: “Tôi không biết ông có khi nào ao ước bà nhà dành riêng một buổi tối cho ông mà không làm gì liên hệ đến chức vụ của bà, để có thể toàn tâm toàn ý lo cho ông không?”
Ông ta đáp: “Ồ có chứ, nhưng tôi tin rằng điều nhà tôi làm thật rất quan trọng. Và cả hai chúng tôi đều tận hiến cuộc đời mình để phục vụ theo ý Chúa.
Lúc này bà vợ bực tức: “Tôi không đồng ý với cách ông đặt vấn đề. Nhà tôi rất quan trọng đối với tôi hơn bất cứ cái gì hoặc bất cứ ai trừ Chúa và công việc Chúa. Tôi tin rằng Chúa dùng chúng tôi như một tổ để phục vụ tha nhân – Nhà tôi chủ toạ Hội thánh, còn tôi góp sức giúp những đứa trẻ Chúa đưa đến cho tôi. Xét trong cuộc sống tôi, tôi chẳng thấy có gì sai trật cả.” Đôi vợ chồng này có vấn đề hay không? Cuộc hôn nhân này có thích hợp với hoạch định của Đức Chúa Trời về sự hiệp nhất không? Rõ ràng họ hiểu rằng nhu cầu của họ được Chúa đáp ứng và họ tận tụy phục vụ Ngài. Tuy nhiên mối quan hệ giữa hai người dường như mờ nhạt. Có gì bất ổn chăng?
I/ KHÁI NIỆM VỀ SỰ HIỆP NHẤT TRONG TÂM HỒN.
Nhiều cặp vợ chồng tín hữu hầu như có thể nói cách lưu loát ý tưởng mình về sự Hiệp nhất trong Tinh thần: Đấng Christ là tất cả nhu cầu của tôi về an toàn và ý nghĩa; do đó tôi không cần mong đợi người bạn đời đáp ứng nhu cầu của tôi – Tôi có thể hi sinh tận hiến đời mình để ban phát, tin rằng Chúa sẽ lại làm đầy nguồn sinh lực nếu nó có bị khô cạn. Nhiều cặp hiểu rằng vì cớ lời hứa của Chúa nên họ có thể nhảy từ Vách An toàn xuống Vực Hắt hủi, chỉ còn có sợi dây Yêu thương của Đấng Christ để trông cậy trong khi người khác đã bỏ rơi họ.
Nhưng đối với đại đa số tín hữu, những điều này có vẻ lý thuyết. Thông thường các cặp vợ chồng không hề nghĩ rằng những điều ám chỉ trong những khái niệm này là dành cho mối quan hệ hôn nhân. Và vì cớ họ không biến nó từ lý thuyết sang kinh nghiệm nên những lẽ thật này không bao giờ được xem là quan trọng. Chỉ những lẽ thật nào cuối cùng nắm được cốt lõi của bản thân con người Cơ Đốc mới là những lẽ thật mà người ấy căn cứ vào đó để sống.
Những khái niệm đằng sau sự Hiệp nhất trong Tinh thần thường và cần dẫn đến một kiểu mẫu quan hệ vợ chồng mà tôi gọi là:” Hiệp Nhất Tâm Hồn”.
Khi Kinh thánh nói đến việc con người sử dụng khả năng của mình để liên hệ với Đức Chúa Trời, Kinh thánh thường nhắc đến họ như tâm linh hoặc bản chất tâm linh của con người (xin xem Giăng 4: 24). Nhưng “Khi chữ linh hồn được dùng để nói đến phần phi vật chất của con người, nó mô tả con người trong mối quan hệ nào đó trong những hoàn cảnh ở trần thế này”. ( J.Oliver Buswell, A Systematic Theology of the Christian Religion, Grand Rapids: Zondervan, 1972, part II, pp.239-40)
Trong phần giải thích về sự Hiệp nhất Tinh thần, tôi chủ yếu nhắm vào mối tương giao của mỗi người với Chúa và cách thức mối tương giao này vươn đến nhu cầu an toàn và ý nghĩa của một người. Nhưng khi chúng ta chuyển sang mối quan hệ giữa vợ chồng với nhau thì thuật ngữ” Hiệp Nhất Tâm Hồn” dường như thích hợp hơn và dễ chấp nhận hơn. Theo tôi hiểu hoạch định của Đức Chúa Trời thì Hiệp nhất Tinh thần mà các đôi vợ chồng được hưởng là nhằm đưa đến một sự hiệp nhất giữa hai người (hoặc linh hồn) sâu xa hơn.
Sự hiệp nhất này tăng trưởng từ một sự phó thác thông minh, có tính cách hỗ tương và không hạn chế để trở thành một công cụ của Đức Chúa Trời nhằm đáp ứng cách sâu sắc nhu cầu cá nhân của người phối ngẫu bằng một phương cách độc đáo có ý nghĩa và rất mạnh mẽ. Hay, đơn giản hơn, nếu Hiệp nhất Tinh thần là sự phục vụ hổ tương vào Đức Chúa Trời để được đáp ứng nhu cầu cá nhân, thì nền tảng của Hiệp nhất Tâm hồn là một sự tận hiến hổ tương để chăm sóc cho nhu cầu cá nhân của nhau.
Cũng giống như nhiều cặp vợ chồng Cơ đốc khác, ông bà mục sư không hiểu rõ mối quan hệ có tính cách hổ tương trong chức vụ. Thật ra khi phân tích kỹ sẽ thấy cuộc hôn nhân của họ được xây dựng chủ yếu trên sự tận hiến, không phải để chăm sóc cho nhau, nhưng để rèn luyện chính mình trong mối quan hệ mà sự đau đớn tình cảm được giữ ở mức tối thiểu. Không bên nào có ý thức đáng kể về:
1) Những nhu cầu sâu sắc tiềm ẩn bên dưới vẻ ngoài thuộc linh đáng nể.
2) Khả năng phong phú và dịp tiện để chăm lo cho những nhu cầu sâu kín này cách mạnh mẽ. Có một rào chắn giữa đôi vợ chồng này khiến họ không thể tiếp cận nhau cách có ý nghĩa. Bức tường ngăn cách có chức năng giống như cửa kính ngăn cách hai người muốn hôn nhau: tất cả những cử động cần thiết đều có đó, nhưng không hề có cảm giác – chỉ là tấm kính lạnh lẽo. Chỉ có cách thận trọng chuyển từ sự dấn thân cho vận dụng đến dấn thân giúp đỡ mới làm vỡ được bức rào chắn cho phép một mối quan hệ phong phú, thân thiết, đầy trọn của Hiệp nhất Tâm hồn. Chúng ta hãy xem điều này có nghĩa gì?
II. MỤC TIÊU CHÍNH XÁC CỦA BẠN LÀ GÌ?
Chúng ta làm gì cũng có mục tiêu. Chúng ta không phải là những con vật được huấn luyện để hành động cách tự phát, không suy nghĩ, theo một đáp án đã định sẵn – Chúng ta cũng không phải là những nạn nhân bất hạnh của những thế lực tâm lý nội tại không ngừng lái chúng ta về những hướng mình không muốn. Dù nhiều lúc có cảm tưởng như chúng ta làm những điều mình không muốn, sự thật là mỗi việc chúng ta làm đều bày tỏ một cố gắng đạt tới mục tiêu mà dù sao, có lẽ ở một mức độ vô thức, cũng có ý nghĩa với chúng ta. Có những điều tin tưởng được ghi khắc trong bản chất của chúng ta về cách thức làm thế nào để được xem là có giá trị hoặc làm sao tránh khỏi tổn thương lòng tự trọng của mình, làm sao để có hạnh phúc hoặc làm cách nào tránh đau khổ. Khi còn bé, chúng ta có được những ý tưởng về cuộc đời qua việc quan sát bố mẹ (điều gì khiến họ hạnh phúc, vì sao họ thất vọng) thầy cô, truyền hình hoặc những điều tương tự.
Vì cớ Satan là vua của thế gian này và vì bản chất sa ngã của chúng ta tự nhiên khiến chúng ta lập kế hoạch cho cuộc đời mình mà không kể gì đến Chúa. Mỗi chúng ta triển khai những niềm tin sai lạc về cách thức tìm ý nghĩa và tình yêu chúng ta cần. Một niềm tin về điều tôi cần sẽ gợi ý cho mục tiêu mà tôi theo đuổi. Nếu tôi tin rằng tôi cần thức ăn để sống, tôi sẽ nhắm mục đích là đến tiệm tạp hoá. Niềm tin định hướng cho mục tiêu.
Giả dụ có một cậu bé bị cha mẹ bỏ bê vì họ còn mải mê kiếm tư lợi. Cậu ta có thể phát triển một niềm tin rằng chẳng có ai đáp ứng nhu cầu của cậu. Niềm tin sai lạc ấy có thể dẫn cậu đến chỗ xem hoàn toàn tự lực chính là mục tiêu cần đạt được để tránh thương tổn cá nhân. Ấn tượng để lại từ những chấn thương tâm lý thời thơ ấu là những tin tưởng sai lầm rất khó gột bỏ. Thử đoán xem điều gì sẽ xảy ra khi một cô bé con thấy mẹ khóc vì bố không về nhà ban đêm. Cô bé bất hạnh này có thể học được một niềm tin rằng đàn ông gây tổn thương cho phụ nữ. Rồi cô có thể (trong vô thức) đặt mục tiêu cho mình là sẽ không để nam giới làm tổn thương. Khi cô lập gia đình, mục tiêu của cô sẽ khiến cô giữ mình, không bao giờ để mình thoải mái trong tình yêu của chồng, cũng không khi nào hiến dâng chính mình cách thoải mái cho chồng.
Một cậu bé có cha bận rộn suốt với sự thành đạt trong kinh doanh sẽ có thể học được một điều tin tưởng rằng muốn cảm thấy hài lòng (hoặc thấy mình có ý nghĩa) là “phải thành đạt” – (Chú thích: “Có lẽ …’nhơn tội tổ phụ phạt đến con cháu trải ba, bốn đời’ (XuXh 34:6-7) chính là việc cha mẹ làm gương cho con qua việc dạy những sự tin tưởng sai lạc vào cách thức làm cho mình có ý nghĩa). Thế là mục tiêu của cậu là có địa vị và được nể trọng. Khi cậu biết yêu, mục tiêu tội lỗi của cậu sẽ khiến cậu tìm cho mình một người phụ nữ có ích cho cậu trên đường danh vọng.
Đến đây xin chúng ta ôn lại những điều đã đề cập:
1) Chúng ta phát triển những điều tin tưởng sai lạc về cách trở nên an toàn và có ý nghĩa (hoặc tránh bất an và vô nghĩa).
2) Những điều tin tưởng ấy sẽ phác họa mục tiêu và hướng chúng ta đến điều chúng ta phải làm. Mục tiêu này trở thành nguyên tắc sống mà qua đó chúng ta thể hiện những cố gắng của mình.
3) Cách tốt nhất để hiểu tại sao chúng ta làm như thế là hỏi “Chúng ta đang cố gắng đạt được điều gì hay tránh điều gì?” Hoặc “Mục tiêu của chúng ta là gì?”. Khi đã xác định được mục tiêu, chúng ta có thể nhận dạng và thách thức những tin tưởng sai lạc tiềm ẩn đằng sau những mục tiêu. Xin chú ý đến cách khái niệm về mục tiêu ảnh hưởng trên hôn nhân. Xin xem xét những tình huống sau đây:
Tình huống 1: Sau khi trẻ con đã đi ngủ, người chồng để tay lên đùi vợ và nói: Em yêu, em thật tuyệt vời, anh yêu em.
Tình huống 2: Khi người chồng ăn xong, chuẩn bị nhét giấy tờ vào đầy cặp, người vợ bảo: “Tối nay anh lại phải đi đến cơ quan nữa sao?”.
Tình huống 3: Sau một ngày mệt mỏi với 3 đứa trẻ. bà mẹ cáu kỉnh quát tháo đứa lớn nhất khi nó không làm trọn một việc được giao – Ông bố đang đọc báo nhìn lên và bảo: “Em yêu, mắng như phủ đầu con như vậy không ích gì đâu”.
Đặt giả thiết tôi yêu cầu mỗi nhân vật trong mỗi tình huống trên cho biết mục tiêu hoặc mục đích của họ – người chồng lãng mạn trong Tình huống 1 có thể nói: “Để vợ tôi biết rằng tôi yêu cô ấy”. Cô vợ thất vọng trong Tình huống 2 có thể cho biết: “Tôi chỉ muốn anh ấy gắn bó với gia đình hơn”. Còn người chồng có thiện chí trong Tình huống 3 có thể cho biết: “Tôi muốn cho cô ấy biết một cách khái quát về điều cô ấy đang làm. Tôi xem đó là một phần trong vai trò lãnh đạo thuộc linh nhằm giúp cô ấy làm tốt nhất công việc của người mẹ và vợ”.
Khi cố gắng định rõ động lực thúc đẩy sự hỗ tương giữa chúng ta với người phối ngẫu, chúng ta cần nhớ rằng nếu không có sự giúp đỡ của Thánh Linh, chúng ta khó thấy cách rõ ràng. Sự dối trá của tâm hồn khiến chúng ta khó có thể xác minh mục tiêu đích thực của mình nếu không có sự trợ giúp siêu nhiên.
Trong tình trạng sa ngã, ý thức của con người là một công cụ tuyệt vời cho sự tự lừa dối. Nó sẽ chỉ chọn những động cơ nào bảo vệ hình ảnh chúng ta thật tốt, khả ái và loại bỏ hoặc ít nhất cũng cải trang nhằm che đậy những mục tiêu vị kỷ, xấu xa mà chúng ta đang hướng tới. Chỉ có thần linh của Đức Chúa Trời giải bày lẽ thật trong Kinh thánh mới có thể cắt xuyên qua những tâm hồn dối trá của chúng ta để phơi bày động cơ vị ngã của mình. Vì thế, chúng ta cần liên tục mở lòng để Chúa soi sáng, nếu không e rằng chúng ta không thấu được mục đích của chương này: khám phá những mục đích phá hoại, tiềm ẩn đã hướng dẫn sự tương tác của nhiều cặp vợ chồng.
Chúng ta cùng nhau xem lại những tình huống ghi trên. Trong tình huống 1, người chồng si tình kia có thể đang muốn truyền đạt một thông điệp cụ thể với vợ: “Anh muốn yêu em”. Nếu phải nói thẳng thừng như vậy, anh có thể biện hộ cho mục tiêu thánh thiện của anh mà ông Phaolô đã hướng dẫn các cặp vợ chồng không được lừa gạt nhau về phương diện tình dục. (ICor 7:1-5). Có lẽ anh muốn khẩn khoản yêu cầu vợ anh đáp ứng đòi hỏi hợp lý của mình trong tinh thần ủng hộ, âu yếm. Tuy nhiên khi tìm hiểu kỹ càng thì mục tiêu của anh ta là vận động vợ đáp ứng theo cách anh ta đòi, mà không quan tâm lắm, hoặc nếu có cũng chỉ sơ sài, đến nhu cầu cảm thấy được yêu thương và cảm thông của người vợ hơn là bị ép buộc và sử dụng.
Một anh chồng kia phản ứng với ý kiến này như sau: “Nhưng vợ tôi đâu có lý do gì mà cảm thấy bị hắt hủi hay không được yêu. Tôi yêu cô ấy mà, tôi chỉ mong cô ấy âu yếm hơn thôi. Thế cũng sai sao?”
Rõ ràng là không có gì sai và mọi sự đều đúng trong mối quan hệ thể xác đầm ấm khoái cảm. Không có gì sai khi đòi hỏi quan hệ xác thịt và mong đợi vợ hưởng ứng – và cho vợ biết yêu cầu của mình. Nhưng nếu chỉ được thúc đẩy bởi mục đích đạt được sự hưởng ứng của người bạn đời nhằm thỏa mãn dục vọng riêng, cho dù điều đó có hợp lý đến đâu đi nữa, vẫn là vi phạm tình yêu và vì vậy điều đó là sai. Tình yêu được định nghĩa cách cơ bản dưới dạng sự chú tâm đến nhu cầu của tha nhân. Trọng tâm của mỗi cuộc trao đổi giữa vợ chồng phải là chăm sóc cho những nhu cầu sâu kín nhất của nhau là an toàn và ý nghĩa. Tôi có quyền đòi hỏi vợ tôi đáp ứng cách đặc biệt, nhưng nếu vì lý do gì đó, vợ tôi không đáp ứng đúng nhu cầu tôi mong ước, thì tôi phải tôn trọng mục tiêu giúp đỡ của tôi qua việc chấp nhận không phàn nàn, không nài ép người bạn đời đang thất vọng của tôi. Sự chấp nhận này xuất phát từ việc tôi ý thức nhu cầu sâu kín của vợ trong tình yêu và sự tận tâm làm tất cả những gì có thể làm để có thể vươn tới những nhu cầu của cô ấy.
Khi một người chồng hoán đổi mục tiêu chăm sóc nhân danh tha nhân bằng mục tiêu vận động nhân danh cá nhân mình, anh ta phạm tội trọng vì đã bóp méo tình yêu của Chúa đối với cô dâu của Ngài.
Bây giờ sang Tình huống 2: khi người vợ khẽ khàng hỏi “Tối nay anh lại đến cơ quan làm việc nữa sao?” Bạn cho rằng mục đích thật của cô ấy là gì? Mục tiêu không che giấu là bằng cách nào đó thuyết phục chồng ở nhà. Khi người vợ theo đuổi mục tiêu này, bạn hãy để ý trọng tâm của cô không phải nhắm vào nhu cầu được tôn trọng và chấp nhận của chồng, nhưng chú ý đến ước ao của cô là được chồng thỏa đáp mong mỏi của mình. Cô ấy vặn lại người tư vấn: “Nhưng anh ấy hiếm khi ở nhà với tụi nhỏ lắm. Chúng nhớ anh ấy kinh khủng và đã than thở với tôi. Ông không cho rằng một người cha cần phải dành nhiều thời gian cho bọn trẻ đang thèm được chú ý hay sao? Đó không phải là một phần trong trách nhiệm Cơ đốc à?”
Câu trả lời tất nhiên là đúng. Nhưng nhận định của cô ấy còn chưa đề cập đến điểm chính. Vấn đề người vợ cần quan tâm không phải là “Chồng tôi phải làm gì?” mà là “Mục tiêu cơ bản của tôi khi tôi tương tác với anh ấy là gì? ” Mục tiêu chính yếu khi cô ấy yêu cầu chồng ở nhà không chỉ là bày tỏ ước muốn của mình, mục tiêu đích thực của người phụ nữ này là vận động chồng làm điều mà cô ta tin rằng anh ấy phải làm. Điều tôi quan tâm là động cơ của cô ấy chứ không phải sự đáp ứng đúng đắn cô mong nơi người chồng. Trong khi cô ấy cố thuyết phục chồng làm điều cô ta cho là tốt, cô không hề có một chút ý tưởng nào về sự hy sinh cho nhu cầu cảm nhận sự đầy đủ và tôn trọng của anh ấy.