BẢY MẮC XÍCH CỦA SỰ HIỆP NHẤT
Đây là tập thứ hai trong hai tập sách chú giải ghi lại những gì bạn nghe trên đài phát thanh (Đài Xuyên Thế Giới) về hôn nhân và gia đình.

Để có thể hiểu được chương trình phát thanh của chúng tôi về hai tập sách nhỏ nầy, bạn cần biết về câu chuyện minh họa dùng làm bộ khung cho tất cả các bài học nầy. Vì thế tôi xin mô tả câu chuyện minh họa mà tôi đã nêu lên trong tập trước. Sau khi nhắc lại câu chuyện nầy, tôi sẽ trình bày tiếp theo phần cuối của tập thứ nhất.
Một tín hữu Phi châu khắc nên một biểu tượng đẹp tượng trưng cho mối liên hệ Đức Chúa Trời đã định khi Ngài dựng nên đôi vợ chồng đầu tiên và tuyên bố hai người phải nên “một thịt”. Khi người tín hữu tài năng nầy điêu khắc tác phẩm của mình, thì ý ông muốn minh họa bảy phương cách mà qua đó người chồng và người vợ phải trở nên “một thịt”.
Tác phẩm của ông là tượng một người nam và một người nữ. Họ được thắt chặt với nhau bằng một sợi xích gồm năm mắc xích kép. Sợi xích nối kết họ lại với nhau được nối với một mắc xích trên đỉnh đầu của mỗi người. Mỗi một mắc xích mô tả một chiều kích về sự hợp nhất mà Đức Chúa Trời đã định cho họ. Những mắc xích trên đỉnh đầu họ mô tả về mối liên hệ thuộc linh của mỗi một người với Chúa. Việc tất cả các mắc xích khác được nối với hai mắc xích nầy chứng tỏ sự tương giao của họ về mặt thuộc linh là nền tảng cho mọi lãnh vực khác của sự hợp nhất giữa họ.
Mắc xích kép đầu tiên tượng trưng cho sự giao tiếp, đó là công cụ giúp họ có khả năng trau giồi và duy trì sự hợp nhất. Mắc xích thứ hai là sự tương hợp, là bằng chứng về sự hợp nhất của họ. Mắc xích nằm chính giữa năm mắc xích nầy tượng trưng cho tình yêu, là động lực cho sự hợp nhất. Sau mắc xích yêu thương là mắc xích cảm thông mô tả tiến trình tăng trưởng của sự hiệp nhất. Mắc xích cuối cùng của các mắc xích kép khiến họ trở nên một thịt là tình dục, biểu lộ niềm vui trong hiệp nhất.
Sự kiện tất cả các mắc xích nầy đều là mắc xích kép mô tả thực tế là tất cả mọi khía cạnh của sự hợp nhất nầy đều có tính cách hỗ tương, hay hàm chứa sự ban cho và tiếp nhận giữa người chồng và người vợ. Khi bạn thêm năm mắc xích nầy vào các mắc xích mà mỗi người có trên đầu, là mắc xích mô tả mối liên hệ thuộc linh mà mỗi người phải có với Chúa, bạn có bảy mắc xích hợp nhất.
Chương trình phát thanh hôn nhân và gia đình của chúng tôi dựa trên bảy khía cạnh của hôn nhân được mô tả bởi bảy mắc xích khiến cho người nam và người nữ trở nên một thịt. Qua hai tập sách nhỏ nầy, tôi muốn tóm tắt lại những gì bạn được nghe trên đài phát thanh về luật hôn nhân và gia đình của Đức Chúa Trời.

Chương 1: MẮC XÍCH CẢM THÔNG

Suốt những năm thi hành chức vụ Mục sư, khi tư vấn cho các cặp vợ chồng, tôi nghe nhiều người cứ mãi than phiền rằng: “Anh ấy không hiểu tôi.” hay, “Cô ấy không hiểu tôi.” Việc thiếu cảm thông nhau ở đây là động lực khiến cho các cặp vợ chồng đang gặp nan đề đến thảo luận với Mục sư về hôn nhân của họ. Có người định nghĩa sự cảm thông là “Đồng lòng giải quyết sự khác biệt.” Một định nghĩa khác: “Hiểu biết ý tưởng và ý định của nhau nhờ đó đạt tới sự hiểu biết sâu sắc và đồng cảm với nhau.”
Sứ đồ Phierơ truyền dạy người chồng phải lấy sự hiểu biết mà ăn ở với vợ mình, tức là phải hiểu vợ mình (IPhi 1Pr 3:7). Là chồng, bạn hiểu rõ vợ mình đến đâu? Giả sử cô ấy bị tai nạn xe hơi và các bác sĩ gọi bạn đến bệnh viện và hỏi về bệnh sử của cô ấy thì bạn có nói được đầy đủ không? Nếu người vợ bị suy sụp tinh thần, bạn có thể cho nhân viên y tế biết rõ về quá trình hoạt động của cô không? Đối với các bà vợ cũng có những câu hỏi tương tự về chồng như thế. Bạn hiểu chồng bạn tới đâu? Hai người hiểu nhau đến đâu? Có thật sự hiểu nhau không?
Cảm thông quan trọng như thế nào trong hôn nhân? Cảm thông quan trọng như thế nào đối với sự hòa hợp giữa vợ chồng? Tôi nghĩ là sẽ không thừa khi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự cảm thông nếu muốn cho những người được Đức Chúa Trời tác hợp kinh nghiệm được những gì Đức Chúa Trời định cho họ được hưởng trong hôn nhân. Nếu cả hai người phối ngẫu đều có sự tương giao với Đức Chúa Trời, một cách cá nhân hay cùng chung với nhau; nếu trong sự tương giao với nhau họ vui vẻ thể hiện sự thông công, dung chịu lẫn nhau, tình yêu và sự cảm thông, thì những mắc xích của sự hiệp một nầy sẽ tỏ rõ sự khác biệt giữa một bên là mối liên hệ hôn nhân bình thường và một bên là mối liên hệ hôn nhân chân chính mà Đức Chúa Trời đã định khi Ngài kết hiệp người nam và người nữ đầu tiên trở nên một thịt.
Tôi đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc rao giảng Phúc âm cho những người còn có cách nhìn nhận giá trị theo thế gian. Nhiều lần tôi nói với họ: “Hãy suy nghĩ về tất cả mọi điều mà vợ bạn đã làm cho bạn. Nếu bạn có tiền, bạn có thể mua được mọi thứ. Bạn có thể mua được quan hệ thể xác. Thậm chí bạn có thể thuê một người mẹ thay thế để sinh con cho bạn, và thuê một cô giáo để nuôi dạy chúng. Nhưng có một điều mà bạn không thể mua được, đó là mối quan hệ mà Đức Chúa Trời đã hoạch định cho hai vợ chồng.”
Là người thuộc linh, tức những người muốn tìm kiếm đường lối thuộc linh theo Thánh Kinh cho hôn nhân và gia đình, trước hết chúng ta nhìn nhận rằng Đức Chúa Trời đã hoạch định hôn nhân phải là một sự tương giao. Khi chúng ta cùng nhau xây dựng mối tương giao đó thì sự cảm thông phải là một trong những viên gạch được dùng đến. Mối liên hệ cá nhân giữa chúng ta với Chúa và cách mà mối liên hệ đó tác động đến hôn nhân của chúng ta chính là nền tảng cho sự hợp nhất. Tiếp xúc là công cụ qua đó chúng ta trau giồi và duy trì sự hợp nhất. Sự dung chịu lẫn nhau là bằng chứng cho sự hợp nhất của chúng ta. Tình yêu Đức Chúa Trời là động lực thúc đẩy sự hợp nhất của chúng ta, và cảm thông nhau làm cho sự hợp nhất đó tăng trưởng. Nếu chúng ta có sự cảm thông với nhau, chúng ta có thể xây dựng mối tương giao của mình và nhìn thấy nó lớn lên.
Mấy mươi năm trước đây, một nhà tâm phân học người Thụy Sĩ, cũng là một tín hữu sốt sắng, đã viết một cuốn sách nhỏ nổi tiếng có tên là “Để Cảm Thông Nhau”. Trong lời tựa của tác phẩm, Tiến sĩ Paul Tournier nói rằng, để cảm thông nhau chúng ta cần có ước muốn cảm thông; cần có sự can đảm để thực sự thông công; phải hiểu sự khác biệt giữa hai phái tính; phải hiểu tầm quan trọng của quá khứ, và phải có chiều sâu thuộc linh trong hôn nhân.
Hãy nghĩ đến những hiểm họa của việc thiếu cảm thông. Việc ly dị cứ lan truyền như bệnh dịch tại nhiều nơi trên thế giới ngày nay. Trong nhiều nền văn hóa và nhiều gia đình, người chồng phải đi làm, trong khi người vợ có trách nhiệm chăm lo con cái ở nhà. Người chồng đến văn phòng với y phục tươm tất và đầy sự thu hút, làm việc bên cạnh các nữ đồng nghiệp cũng ăn mặc đẹp và quyến rũ. Trong môi trường nầy, đôi khi người chồng quan hệ với cô thư ký nhiều hơn là với vợ mình. Người chồng biết rõ cô thư ký, tâm sự với cô và dành thì giờ cho cô nhiều hơn. Chẳng thế mà cô thư ký ấy, hay những người phụ nữ khác cùng làm việc với anh bắt đầu chiếm vị trí ưu tiên trong cuộc đời anh, và cuộc hôn nhân sẽ kết thúc bằng sự ly dị.
Cũng có hàng triệu cuộc hôn nhân mà trong đó, cả chồng lẫn vợ từ sáng sớm phải lìa mái ấm gia đình để đi làm. Nếu những cặp vợ chồng rơi vào trường hợp như thế, quá bận rộn đến nỗi không có thì giờ vun đắp cho mối liên hệ vợ chồng và chẳng còn hiểu nhau, thì việc một ai đó sẽ chen vào giữa hai người chỉ còn là vấn đề thời gian. Vì con người có nhu cầu sâu xa là cần được cảm thông, nên người chồng hay người vợ một ngày kia sẽ gặp được người biết quan tâm và cảm thông với mình.
Tôi biết có một người nam đến với Chúa sau nhiều năm sống cuộc đời đầy tội lỗi. Trong ba năm, cứ mỗi tuần tôi đều gặp anh ấy ba lần để dạy lời Chúa cho anh. Khi tôi thật sự hiểu anh, tôi đã học được nơi anh đôi điều. Trước khi tin Chúa, anh nổi tiếng là người chuyên ngủ với phụ nữ không phải là vợ mình. Anh cao to, đẹp trai và hấp dẫn, và anh nói rằng phần đông các cô nầy đều háo hức chạy theo anh. Anh nhận xét: “Những người phụ nữ mà tôi từng dan díu không phải quan hệ với tôi vì nhu cầu phái tính. Họ không tìm kiếm nhục dục. Điều họ thực sự cần đó là có người nào đó để trò chuyện. Họ bảo tôi rằng chồng họ chẳng bao giờ chịu tâm sự nên chẳng hiểu họ. Vì vậy, họ trò chuyện với tôi và tin rằng tôi hiểu họ”.
Chúng tôi cũng nghe một câu chuyện ngược lại. Một người chồng không được vợ cảm thông có thể dễ bị rơi vào chuyện tình cảm lăng nhăng. Phớt lờ trước nhu cầu cần được cảm thông của người phối ngẫu là điều hết sức nguy hiểm. Trong nhiều môn thể thao, cách phòng ngự tốt nhất đó là mạnh mẽ tấn công. Cách bảo vệ tốt nhất của chúng ta để khỏi mất người phối ngẫu vào tay người khác là cả vợ lẫn chồng đều phải cố gắng vun đắp để tăng cường sự hợp nhất. Một khía cạnh quan trọng của sự tăng trưởng là làm mọi sự mình có thể để cảm thông lẫn nhau.
Tôn Trọng Sự Khác Biệt
Đây là điểm tốt nhất để bắt đầu hiểu người phối ngẫu của bạn: Có sự khác biệt giữa nam và nữ. Giữa người nam và người nữ có những khác biệt về sinh học, thể chất, trí tuệ, tình cảm và tinh thần. Giữa nam và nữ có sự khác biệt trong cách suy nghĩ, hành động, cảm nhận và phản ứng trước các tình huống. Thậm chí cách thờ phượng của người nam và người nữ cũng không giống nhau.
Mấy năm trước tôi gặp một trường hơp điển hình không thể nào quên được. Vợ của một bác sĩ đến gặp tôi. Bà là một người dễ mến, tin kính Chúa, rất sốt sắng và năng nỗ, hướng dẫn nhóm cầu nguyện và các hoạt động khác trong Hội Thánh. Tôi gặp bà trong bối cảnh công tác của Hội Thánh. Chồng bà là một bác sĩ phẫu thuật tài ba, rất thành công, nhưng bà nói qua hai hàng nước mắt: “Tôi rất lo lắng về chồng tôi. Đơn giản ông ấy không phải là người thuộc linh, ông ấy không thuộc linh.” Tôi nói với bà: “Vâng, chúng ta phải cầu nguyện cho ông, vì chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể khiến ông trở nên người thuộc linh mà thôi.”
Ba tháng sau tôi được mời đến khi một chị em trong Hội Thánh bị bịnh nặng, vừa sưng túi mật vừa đau tim. Túi mật cần phải cắt bỏ, nhưng phẫu thuật sẽ rất nguy hiểm vì tim bệnh nhân rất yếu. Tôi có mặt tại bệnh viện với chồng bà, nói chuyện với ông ngay bên giường bệnh, vào lúc đó, vị bác sĩ giải phẫu “không thuộc linh” mời tôi ra khỏi phòng. Ông nói, “Tôi cần phải mổ để cắt bỏ túi mật nhưng sẽ rất nguy hiểm. Bệnh viện có một nhà nguyện nhỏ ở tầng dưới. Xin ông vui lòng xuống nhà nguyện để cầu nguyện cho đến khi tôi sai một cô y tá xuống báo tin với ông là mọi sự nguy hiểm đã qua.” Tôi bảo: “Vâng. Tôi rất sẵn lòng xuống đó để cầu nguyện.”
Tôi đi xuống nhà nguyện và cầu nguyện. Vào lúc 11 giờ sáng, khi đang cầu nguyện cho người chị em đó, tôi có một từng trải đặc biệt và tôi biết rằng Đức Chúa Trời sẽ làm việc. Khoảng 15 phút sau, cô y tá đến trước cửa nhà nguyện và nói: “Bác sĩ bảo mọi sự đều tốt đẹp. Mọi nguy hiểm đã qua.”
Sau cuộc phẫu thuật, chưa kịp nói lời nào với chồng của bệnh nhân, thì bác sĩ đã chạy đến bắt tay tôi và nói: “Cám ơn rất nhiều vì đã cầu nguyện. Vâng, cám ơn ông nhiều lắm. Chúng tôi qua được ca nầy quả là một phép lạ.”
Đây chính là vị bác sĩ không thuộc linh mà vợ ông đã nói với tôi. Khi gặp bà trong buổi nhóm tiếp theo, tôi nói: “Tôi nghĩ là nhận định của bà hoàn toàn sai. Chồng bà là một người thuộc linh đó.” Khi tôi kể cho bà nghe những gì ông đã làm thì bà khóc. Vị bác sĩ nầy là một người thuộc linh, nhưng ông đã không bày tỏ tính cách thuộc linh của mình như vợ ông. Bà xem điều đó đồng nghĩa với việc ông chẳng có đời sống thuộc linh gì cả. Điều nầy cũng chứng tỏ rằng bà thực sự không biết hay không có sự cảm thông sâu sắc với chồng bà.
Nếu chúng ta muốn hiểu người phối ngẫu đang sống với mình, chúng ta phải hiểu sự khác biệt như thế giữa hai phái tính. Đức Chúa Trời tạo nên người nam và người nữ phải khác nhau; những khác biệt đó khiến cho người phối ngẫu thu hút bạn và bạn cũng thu hút người ấy. Một người nữ bị thu hút đến với người nam vì người nam có bản tính đàn ông. Một người nam bị thu hút đến với người nữ là do nữ tính của cô ấy. Những khác biệt nầy nên được tán dương hơn là chê trách. Thật là tai hại khi người ta nói với phụ nữ rằng để trở nên một người nữ có giá trị, họ phải rập khuôn và ganh đua với vai trò và chức năng của nam giới. Đó không phải là điều đem lại giá trị cho người nữ, thật ra điều ngược lại mới đúng. Giá trị của người nữ là ở vai trò và chức năng nữ tính của họ. Và dĩ nhiên điều nầy cũng áp dụng cho cả nam giới. Người nam sẽ tìm được giá trị thật của họ qua việc thực hiện đầy đủ vai trò và chức năng nam tính mà Đức Chúa Trời giao phó cho mình.
Nếu cả hai người hoàn toàn giống nhau thì một trong hai sẽ trở nên thừa. Đức Chúa Trời làm cho chúng ta có sự khác biệt vì, như chúng ta đã học qua cuộc sáng tạo được tường thuật trong Sáng Thế Ký, những khác biệt trong chúng ta sẽ bù đắp và bổ sung cho đến khi từ hai người chúng ta trở nên một “Ađam” trọn vẹn. (Đức Chúa Trời đặt tên là Adam chứ không phải “Adamses.” (SaSt 5:1) Kế hoạch của Đức Chúa Trời khi làm cho người nam và người nữ trở nên một thịt không phải hoặc/hoặc, mà là cả/lẫn, cả trong quá khứ lẫn hiện tại.
Tầm quan trọng của quá khứ
Cá tính của hết thảy chúng ta được hình thành qua kinh nghiệm sống. Bạn đã sống nhiều năm trước khi gặp gỡ nhau, cả bạn và người phối ngẫu của bạn đều chịu tác động bởi hoàn cảnh sống và ảnh hưởng của gia đình để trở nên con người hiện tại khi các bạn đến với nhau. Nếu các bạn muốn hiểu nhau thì chỉ cần biết tầm quan trọng của những ảnh hưởng trong quá khứ tạo nên con người của các bạn hôm nay. Tôi xin nêu lên chỉ một ví dụ minh họa mang tính cách cá nhân.
Trong những năm cuối cùng của thập niên 60, vợ tôi là Ginny rất ốm yếu. Những người quen biết chúng tôi lúc đó và cả những người gặp chúng tôi hiện nay cũng đều nghĩ chắc bà ấy phải ngồi xe lăn mất thôi. Một ngày kia khi tôi trở về nhà, Ginny bị sốt cao và các khớp xương sưng phù lên. Tôi đâm bực bội và chán nản. Gần như tôi muốn đá vào giường! Dĩ nhiên đó là kiểu phản ứng hoàn toàn ngược lại với điều mà bà ấy cần nơi chồng mình. Tôi thật là một người chồng biết khích lệ! Nhưng về sau điều đó giúp chúng tôi quay về với quá khứ để xem lý do tại sao tôi lại phản ứng như vậy đối với căn bệnh của bà ấy.
Khi tôi còn nhỏ, mẹ tôi lâm bệnh nặng. Anh em chúng tôi có cả thảy mười một người, và chẳng bao lâu sau khi đứa em út của chúng tôi chào đời thì bà bị chẩn đoán là ung thư ruột kết. Sau phẫu thuật và hơn hai năm ròng rã nằm trên giường bệnh, mẹ tôi đã về với Chúa. Suốt thời gian đó, tôi quan sát phản ứng của cha tôi. Cha tôi với một gia đình đông con và người vợ đau yếu. Ban ngày ông đi đưa thư và về đêm ông phải chạy taxi để nuôi sống cả nhà.
Dần dần trong trí tôi hình thành một ý tưởng: “Phụ nữ bịnh hoạn để đàn ông phải lo cho đàn con nheo nhóc.” Khi chúng tôi có năm đứa con, hai đứa còn quấn tả và ba đứa mới biết đi thì Ginny bị bịnh,. Ngày hôm ấy khi tôi trở về nhà, thấy vợ tôi nằm quằn quại đau đớn thì tác động của những ngày tháng tôi ngồi nhìn mẹ tôi chết dần chết mòn và cha tôi phải vất vả để lo cho gia đình đã khiến tôi có phản ứng như vậy. Khi chúng tôi phân tích những điều đó rồi, thật không khó để hiểu được lý do vì sao tôi giận dữ và ngã lòng khi vợ tôi ngã bịnh.
Việc Ginny hiểu được quá khứ của tôi là điều hết sức quan trọng. Nếu không hiểu, có thể cô đã đưa đơn xin ly dị! Thay vì thế, cô dành thì giờ tìm hiểu nguyên do thật sự khiến tôi giận dữ và chán nãn. Cuối cùng tôi tự nhủ: “Tỉnh lại đi! Cô ấy không phải là mẹ, đó là vợ mình kia mà, cô cần sự giúp đỡ của mình.” Việc tôi hiểu được những tác động trong quá khứ đã tạo nên con người của vợ tôi trong hiện tại lắm khi cũng giúp ích cho tôi rất nhiều. Nếu bạn muốn hiểu được người cùng chung sống với mình, bạn phải nhận ra tầm quan trọng của quá khứ.
Tính thiêng liêng của cá tính mỗi người
Đức Chúa Trời cho mỗi người chúng ta có nét độc đáo riêng. Mỗi khi tạo nên một người mới thì Ngài vứt bỏ khuôn mẫu trước. Từ “bản ngã” được từ điển định nghĩa là “tính độc nhất, cá biệt của một người, khiến cho người đó khác biệt với mọi người khác.” Trong chức vụ Mục sư, tôi đã quan sát trong nhiều năm và nhận thấy rằng, một trong những lời giải thích chủ yếu cho sự bất hạnh là trên thực tế người ta không nhận biết mình là ai, làm gì và ở nơi nào mà Đức Chúa Trời đã sắp đặt cho mình. Vợ chồng có thể giúp đỡ nhau để khám phá cá tính mà Đức Chúa Trời đã đặt để cho mình và ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời trên đời sống mỗi người (RoRm 12:1-2).
Đây là yếu tố quyết định khi chúng ta xét tầm quan trọng của sự cảm thông trong hôn nhân. Có người định nghĩa cảm thông là “đồng ý với nhau để giải quyết những sự khác biệt.” Phải chăng đó là một định nghĩa rất hay về sự cảm thông? Người khác lại định nghĩa cảm thông là “sự nhận biết ý tưởng và mục đích của nhau, đem đến sự thấu hiểu và đồng cảm.” Vả lại muốn hiểu người bạn đời của mình, bạn phải hiểu sự khác biệt về phái tính; bạn phải hiểu tầm quan trọng của quá khứ.
Để có thể cảm thông với người phối ngẫu, bạn phải có ước muốn cảm thông. Có nhiều người đã lập gia đình nhưng lại không chịu dành thì giờ và nỗ lực cảm thông để hiểu người bạn đời của mình. Còn bạn thì sao? Bạn có thực sự muốn hiểu biết người bạn đời của mình không? Nếu bạn có ước muốn đó, tôi xin đề nghị đôi điều.
Trước nhất, để hiểu được người phối ngẫu, chúng ta phải áp dụng Luật Vàng. Chúa Jêsus phán: “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri ” (Mat Mt 7:12). Đây là câu quan trọng nhất trong Thánh Kinh nói về mối liên hệ giữa con người với nhau. Để áp dụng sự dạy dỗ nầy, người làm vợ phải tự hỏi: “Nếu là chồng thì tôi sẽ muốn vợ tôi làm gì?” và các ông chồng cũng phải tự hỏi: “Nếu là vợ thì tôi sẽ muốn chồng tôi làm gì?” Điều nầy đi ngược lại bản tính con người muốn được người ta phục vụ, nhưng nếu cầu xin ân điển của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể đặt người bạn đời làm trung tâm và áp dụng Luật Vàng của Chúa Jêsus khi chúng ta cố gắng hiểu nhau.
Thứ hai, chúng ta phải biết lắng nghe. Lắng nghe thực sự là một nghệ thuật, và có nhiều điều phải học về cách lắng nghe mà nhiều người trong chúng ta chưa từng biết đến. Rõ ràng là có đôi lúc vợ hoặc chồng không chịu nghe người kia nói. Khi họ nói rằng mình đang lắng nghe thì đôi khi họ thực sự chỉ muốn nói là: “Anh đang nghĩ sẽ nói gì khi em dứt lời.” Chúa Jêsus phán: “Ai có tai mà nghe, hãy nghe ” (11:15). Bạn có thực sự nghe vợ hay chồng mình khi họ cố gắng thông đạt với bạn không?
Phúc âm Luca tường thuật câu chuyện về chuyến viếng thăm của Chúa Jêsus tại nhà một người Pharisi. Một phụ nữ bước vào và khóc khi bà khám phá ra rằng người Pharisi đó đã không rửa chân cho Chúa Jêsus. Điều nầy có nghĩa là người Pharisi đó đã không dành cho Chúa Jêsus lòng mến khách thông thường. Bà đã để nước mắt mình rơi trên chân Chúa rồi lấy tóc mà lau. Người Pharisi nghĩ trong lòng: “Nếu người nầy biết người phụ nữ đó là hạng người nào, ắt người sẽ không cho phép bà ta làm như vậy”.
Nhưng trong khi người Pharisi đang có ý tưởng đó, Chúa Jêsus hỏi ông một câu rất quan trọng. Ngài nói rằng: “Hỡi Simôn, ngươi có thấy người phụ nữ nầy chăng?” Trong Hy văn có nhiều từ ngữ khác nhau có nghĩa là “thấy.” Trong trường hợp nầy, chữ ø Chúa Jêsus dùng có nghĩa là: “Ngươi có thực sự thấy bà ấy không? Tức là, ngươi thấy gì khi nhìn người phụ nữ nầy?” Theo tôi, đây là câu hỏi tuyệt vời dành cho những người làm chồng. Bạn có thực sự thấy người phụ nữ mà bạn đã cưới làm vợ không? Bạn có thực sự lắng nghe khi nàng cố gắng thông đạt với bạn không?
Francis of Assisi là một trong những người tôi rất ngưỡng mộ. Khi ông gia nhập trường dòng thì đó là một tin rất quan trọng vì ông xuất thân từ một gia đình thanh thế. Sau khi thực hành tất cả việc huấn luyện tại trường dòng (vào thời đó điều nầy có nghĩa là phải mặc quần áo dệt bằng vải bố để đi xin ăn trong một vài năm, đơn giản chỉ để chứng minh là người ấy đã từ bỏ thế gian, xác thịt và ma quỉ), theo thông lệ thì người thụ phong sẽ giảng tại buổi lễ phong chức. Thánh đường đầy ắp người dự lễ phong chức Francis vì trước khi bước vào tu viện, ông là người khá nổi tiếng. Khi ông bắt đầu giảng thì mọi người đều tưởng là sẽ được nghe một bài giảng đặc sắc chưa từng có, nhưng ông chỉ nói: “Chúa không kêu gọi tôi để giảng mà để làm việc. Thôi chúng ta hãy cầu nguyện”. Rồi ông cầu nguyện thế nầy:
“Lạy Chúa, xin biến con nên một công cụ hòa bình cho Ngài. Để con đem tình thương vào nơi oán thù; đem thứ tha vào nơi lăng nhục; đem tin kính vào nơi nghi sợ; đem hy vọng vào nơi chán chường; đem ánh sáng vào nơi tối tăm; đem niềm vui đến chốn ưu sầu. Ôi, lạy Chúa Chí Cao, xin cho con có lòng an ủi người khác hơn là được người khác an ủi; có lòng thông cảm người khác hơn là được người khác thông cảm; yêu hương người khác hơn là được người khác yêu thương. Vì khi ban cho là lúc chúng con nhận lãnh; khi thứ tha là lúc chúng con được tha thứ, và lúc chết đi là lúc chúng con được sống muôn đời.”
Đây là một lời cầu nguyện cao thượng và một thái độ đáng thán phục mà chúng ta nên áp dụng để cảm thông người bạn đời của mình. “Xin cho con có lòng thông cảm người khác hơn là được người khác thông cảm”. Bí quyết để cảm thông người bạn đời của mình đó là đặt người phối ngẫu làm trung tâm. Để hiểu được người phối ngẫu, chúng ta phải đoán biết nhu cầu của người ấy qua lời nói hay chữ viết.
Giống như sự dạy dỗ của Chúa Jêsus, lời cầu nguyện của Francis truyền đạt một khái niệm khá đơn giản. Nhưng khi bạn áp dụng sự đơn giản nầy vào trong hôn nhân của mình thì nó có thể đem đến sự thay đổi lớn. Sự thật đó là, hãy đặt người phối ngẫu của bạn làm trung tâm và đừng lo mình có được thông cảm hay không. Vấn đề bạn nên quan tâm không phải có được người bạn đời hiểu mình hay không mà là mình có hiểu người ấy hay không. Vấn đề không phải là bạn tiếp nhận tình yêu mà là ban phát tình yêu.
Chiều Sâu Trong Mối Thông Công
Để cảm thông người bạn đời của mình, bạn phải thông công ở mức độ sâu xa hơn. Có nhiều mức độ thông công trong hôn nhân. Trước nhất, là mức thông công số không, tức mối thông công nông cạn thể hiện qua việc bạn và người phối ngẫu của mình chẳng trò chuyện với nhau về một điều nào quan trọng cả. Ở mức sâu hơn một tí, bạn và người phối ngẫu chỉ nói về những gì mình biết. Đến một mức độ sâu hơn, bạn khởi sự chia sẻ cảm nghĩ của mình và kế đến là những gì bạn cảm nhận. Ở mức độ thông công sâu xa nhất, bạn bắt đầu nói bạn là ai, làm gì và ở đâu trong cuộc đời so với điều mà bạn tin là Đức Chúa Trời muốn bạn là ai, làm gì và ở đâu.
Rõ ràng là điều nầy không thể dừng lại ở những lời trao đổi lặt vặt như “đưa giùm lọ muối” hay “hôm nay trời sắp mưa”. Khi bạn thông công ở một mức độ sâu sắc thì bạn đang đặt con tim của mình trong tay người phối ngẫu để người ấy muốn làm gì cũng được. Có thể bóp nát, có thể ném xuống đất và chà đạp lên trên. Có lẽ điều tệ hại nhất người ta có thể làm khi cầm trái tim của bạn trong tay là chẳng để ý gì tới nó.
Trong một buổi tư vấn nọ tôi có nghe một người nói về người phối ngẫu của mình bằng những lời lẽ hết sức cay độc. Ông ta là một người to khỏe. Suốt buổi tư vấn, bà vợ luôn hỏi ông: “Anh nghĩ gì về em? Anh nghĩ gì về em?” Cuối cùng ông nhìn bà và nói: “Bà kia, bà tự tâng bốc mình thôi. Ta chẳng nghĩ gì đến bà cả”. Trái nghĩa của tình yêu không phải là thù ghét mà là sự lãnh đạm. Khi nói những lời trên, người chồng đó đã biểu lộ với vợ mình một điều ngược hẳn với tình yêu.
Nếu bạn đặt trái tim mình trong tay người phối ngẫu, bạn có thể bị đau đớn. Nhưng bạn sẽ không bao giờ đạt được sự cảm thông nếu bạn không sẵn sàng chịu xúc phạm. Quan hệ sâu đậm có nghĩa là học cách giải quyết xung đột. Khi bạn bước vào mối thông công sâu đậm hơn, không phải lúc nào người phối ngẫu cũng nói đều bạn muốn nghe. Người bạn đời tốt biết quan tâm đến sự tăng trưởng của bạn sẽ nói về điều bạn cần nghe, nhưng có khi bạn không muốn nghe điều đó. Đó là lý do tại sao tiến sĩ Tounier có viết một chương về “sự can đảm trong mối thông công.” Khi người phối ngẫu của bạn nói điều bạn cần nghe, nhưng bạn lại không muốn nghe, bạn có thể thu mình lại như con rùa rút vào trong chiếc mai, hoặc bạn có thể học cách xử lý những xung đột có thể xảy đến cho bạn ở mức thông công sâu đậm hơn.
Đối Phó Với Cơn Giận
Một cặp vợ chồng thông công ở mức sâu đậm cũng cần học cách đối phó với cơn giận. Người mà ta yêu nhiều nhất sẽ có nhiều khả năng làm cho ta giận dỗi nhất. Nóng giận là một cảm xúc đáng lưu ý. Bạn nghĩ gì về tính nóng giận trong đời sống của người theo Chúa? Bạn có tin Đức Chúa Trời muốn người tín hữu đầy dẫy Thánh Linh tức giận không? Sự giận dỗi có phải là cảm xúc có thể chấp nhận được nơi môn đệ của Chúa Jêsus không? Hãy lắng nghe những lời Phaolô nói về cơn giận trong đời sống của người theo Chúa:
“Ví bằng anh em đương cơn giận, thì chớ phạm tội, chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn, và đừng cho ma quỉ nhơn dịp. Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc. Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng,buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác ” (Eph Ep 4:26-27, 30-31). Giacơ cũng cho chúng ta một cái nhìn ngắn gọn, rõ ràng về cơn giận khi ông viết: “Vì cơn giận của người ta không làm nên sự công bình của Đức Chúa Trời ”(Gia Gc 1:20).
Trường Hợp Cá Nhân
Tôi là một tín hữu nhưng từ khi lập gia đình rất hay nóng giận. Tôi tự nhủ đó là một cơn giận công bình nhưng rõ ràng không phải vậy. Tôi phải tìm trong Kinh Thánh để học biết Đức Chúa Trời dạy gì về cơn giận. Một lần nọ, tôi đấm vào mặt trên của chiếc radio xách tay, để lại một lỗ thủng. Lỗ thủng đó trông giống như một cái hố bom vậy! Vài năm sau, khi chúng tôi chuyển chỗ ở, Ginny mang chiếc radio đó theo. Nàng đặt nó trên kệ sách gần giường tôi nằm, đơn giản là để nhắc nhở tôi. Tôi cố gắng giải thích với nàng rằng thực tình thì tôi không hề giận nàng. Tôi bị ông chủ ngân hàng gây rắc rối khi xin vay tiền. Tôi tự giận mình vì đã quản lý tài chánh quá tồi, vì vậy tôi đấm vào chiếc radio.
Có một vài câu hỏi mà bạn nên luôn tự hỏi về cơn giận của mình. Tại sao bạn giận? Bạn giận ai? Cơn giận bắt nguồn từ đâu? Mục đích thực sự của cơn giận là gì? Nguồn gốc và đối tượng thực sự của cơn giận thường không phải là người đang hứng chịu cơn phẫn nộ. Chúng ta thường nổi giận với chính mình, chẳng hạn như tôi. Có lẽ bạn giận ông chủ, và vì bạn không thể đánh vào mặt ông ta nên bạn đành đập phá một vài thứ nào đó khi trở về nhà. Dù bề ngoài cho thấy là bạn đang giận và dĩ nhiên vợ bạn cứ nghĩ là bạn đang giận cô ấy, nhưng có thể là không phải vậy. Thậm chí cũng có thể không phải là bạn giận ông chủ của mình, nhưng bạn đang giận chính mình. Điều quan trọng đối với bạn cũng như người phối ngẫu đó là phải hiểu được nguồn gốc của cơn giận đó.
Rõ ràng là trong đoạn Kinh Thánh nói về cơn giận được trích dẫn ở trên, Đức Chúa Trời không muốn người theo Ngài được Đức Thánh Linh hướng dẫn lại nổi giận. Trong Tân ước chúng ta đọc thấy: “Hãy giận đi nhưng đừng phạm tội ” (Eph Ep 4:26 – Bản Anh ngữ). Một số người biến những chữ đầu tiên đó thành câu Kinh Thánh riêng cho đời sống mình: “Hãy giận đi”. Nhưng cách dịch tốt hơn cho câu Kinh Thánh đó là: “Khi anh em đang giận, thì đừng phạm tội .” Đức Chúa Trời rất thực tế nên Ngài biết rằng đôi lúc chúng ta sẽ nổi giận. Nhưng sứ điệp của Thánh Kinh dành cho những tín hữu giận dữ đó là: “Đừng để cho cơn giận đưa đến chỗ phạm tội, và đừng căm giận cho đến khi mặt trời lặn ”. Thực chất điều mà Kinh Thánh dạy chúng ta về cơn giận đó là chúng ta phải “dẹp bỏ” mọi sự giận dữ và phẫn nộ (Eph Ep 4:26-27).
Khi tôi nhận thức điều Đức Chúa Trời bảo tôi qua lời được soi dẫn của Ngài rằng tôi không được giận dữ, tôi phải “ném bỏ nó”, nhưng thắc mắc của tôi là “Bằng cách nào?” Câu hỏi nầy dẫn tôi đến một chương trong sách Sáng Thế Ký, không những đã cho tôi những lời giải đáp cho thắc mắc của tôi mà còn giải thoát tôi khỏi sự giận dữ nữa. Tôi giới thiệu chương sách đó cho bạn nếu bạn đang gặp phải nan đề nầøy. Đó là một trong những câu chuyện tuyệt hay và quen thuộc nhất trong Thánh Kinh:
“Vả, cách ít lâu, Cain dùng thổ sản làm của lễ dâng cho Đức Giê-hô-va. Abên cũng dâng chiên đầu lòng trong bầy mình cùng mỡ nó. Đức Giê-hô-va đoái xem Abên và nhận lễ vật của người, nhưng chẳng đoái đến Cain và cũng chẳng nhận lễ vật của người, cho nên Cain giận lắm mà gằm nét mặt. Đức Giê-hô-va phán hỏi Cain rằng: Cớ sao ngươi giận, và cớ sao nét mặt ngươi gằm xuống? Nếu ngươi làm lành, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn như chẳng làm lành, thì tội lỗi rình đợi trước cửa, thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải quản trị nó. Cain thuật lại cùng Abên là em mình. Vả, khi hai người đương ở ngoài đồng, thì Cain xông đến Abên là em mình, và giết đi. Đức Giê-hô-va hỏi Cain rằng: Abên, em ngươi, ở đâu? Thưa rằng: Tôi không biết; tôi là người giữ em tôi sao? Đức Giê-hô-va hỏi: Ngươi đã làm điều chi vậy? Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến ta ” (SaSt 4:3-10).
Qua câu chuyện ngắn ngủi nầy, chúng ta tìm thấy sự dạy dỗ quan trọng về cơn giận. Có hai người là ông “Được Chấp Nhận” (Abên) và ông “Không Được Chấp Nhận” (Cain). Cả hai đều dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời. Thực ra điều nầy được thực hiện là do ý của Cain. Vả, Đức Chúa Trời chấp nhận Abên và của lễ ông dâng lên, nhưng Ngài không chấp nhận Cain cùng của lễ của ông. Tôi không nghĩ là Kinh Thánh cho rằng nơi của lễ của Cain có gì sai trái. Cain làm nghề nông nên ông dâng nông phẩm. Câu chuyện hàm ý nói rằng ông đã không dâng sản phẩm tốt nhất của mình.
Abên là người chăn chiên nên ông dâng súc vật. Có người cho rằng vấn đề ở đây là của lễ của Abên là của lễ bằng huyết và của lễ của Cain thì không như vậy, nhưng vào thời điểm nầy trong Kinh Thánh chưa có chỉ dẫn nào về của lễ dâng bằng huyết. Tôi nghĩ rằng Kinh Thánh nhấn mạnh trên con người hơn là trên lễ vật. Một người làm đẹp lòng Đức Chúa Trời nên Ngài chấp nhận lễ vật của ông. Người kia thì không làm đẹp lòng Ngài nên Ngài không chấp nhận lễ vật.
Màn kịch tiếp tục; ông “Được Chấp Nhận” bước đi bên cạnh ông “Không Được Chấp Nhận” và bị ông “Không Được Chấp Nhận” đánh chết. Sau đó Đức Chúa Trời đến với Cain và về cơ bản Ngài hỏi ông: “Tại sao ngươi giận? Sao ngươi cúi gằm mặt xuống? Em ngươi đâu? Ngươi đã làm gì? Nếu ngươi làm đúng. sao ngươi không được chấp nhận? Còn nếu ngươi làm sai thì cơn giận nầy là một tội lỗi sẽ tiêu diệt ngươi !”
Đây là một bài học quan trọng về cơn giận. Trong trường hợp tôi đánh vào chiếc radio thì không phải là tôi giận vợ tôi. Tôi giận chính mình bởi vì tôi là “Ông Không Được Chấp Nhận.” Do quản lý tài chánh tồi, tôi đã tự giận mình. Chúa đã phải hỏi tôi: “Tại sao ngươi giận? Sao ngươi lại đấm vào chiếc radio bé nhỏ đó?” Bài học lớn cho tôi là: “Hãy hòa thuận lại với Đức Chúa Trời. Hãy học cách quản lý tài chánh của mình và ngươi sẽ không bị chính mình, Đức Chúa Trời và người khác chối bỏ nữa. Nếu ngươi không giải quyết cơn giận của mình bằng cách trở nên người được chấp nhận, ngươi sẽ trải qua cả một cuộc đời chuyên đi đấm radio, hay “đánh Abên” và điều đó sẽ hủy diệt ngươi”.
Về sau, trong thư Êphêsô, sứ đồ Phaolô đưa ra một sự hiểu biết thấu đáo rất quan trọng về chủ đề nầy. Ông viết: “Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy” (Eph Ep 5:28). Bạn thấy đó, giá như tôi biết yêu chính mình trong trường hợp chiếc radio thì hẳn tôi đã có khả năng để yêu vợ tôi. Nhưng vì tôi thất vọng với chính mình nên tôi trút hết cơn phẫn nộ và giận dữ vào vợ tôi.
Khi tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề giận dữ của mình, tôi mới hiểu ra rằng tôi rất yêu vợ,