Rô-ma
Tác giả: Ông Phao-lô.
Thời kỳ hình thành sách: Năm 57 S.C
Mục đích: Nhằm trình bày toàn bộ Phúc Âm về sự cứu rỗi và sự tăng trưởng.
Rô-ma
Tác giả: Ông Phao-lô.
Thời kỳ hình thành sách: Năm 57 S.C
Mục đích: Nhằm trình bày toàn bộ Phúc Âm về sự cứu rỗi và sự tăng trưởng.
Đối tượng:
1. Người chưa tin Chúa, chưa biết Phúc Âm.
2. Cơ Đốc nhân chưa hiểu tường tận Phúc Âm.
Tản mạn
Vài năm về trước, có một chương trình ti-vi nổi tiếng dành cho thiếu nhi với nhan đề là He – Man. He – Man xuất hiện trên màn hình giơ cao thanh gươm và hét lên: “Ta có năng lực! ” Sau chương trình này đến một chương trình hoạt hoạ khác với tên gọi là Captain Planet. Captain Planet bảo thiếu nhi rằng: “Năng lực thuộc về các bạn!” Sau đó đến chương trình tên là Power Rangers, các nhân vật thừa hưởng năng lực từ khủng long. Các chương trình hoạt hoạ làm nổi bật một điểm lý thú: Năng lực có sức cuốn hút, ngay cả đối với thiếu nhi. Không phải chỉ các chương trình do phương Tây sản xuất mới có sức cuốn hút. Cũng không hẳn chỉ có các em trai mới bị lôi cuốn. Nhật Bản có sản xuất một chương trình hoạt hoạ dành cho các em gái với tên gọi là Sailor Moon. Năng lực của Sailor Moon đến từ mặt trăng. Có một thời giới doanh nghiệp thích ăn bánh mì nhồi thịt có nhãn hiệu là Power- lunches, mặc những bộ đồ có nhãn hiệu là Power-suites và ngồi làm việc nơi bàn giấy gọi là Power-desk. Năng lực quả là có sức thu hút. Nhưng cũng có thể có năng lực giả nữa. Năng lực mà thế giới này cung ứng thường là nhằm chế ngự kẻ thù, giành thắng lợi trong các cuộc đọ sức hoặc thi đấu và giành quyền kiểm soát. Năng lực thật mà Đức Chúa Trời cung ứng là năng lực trên tội lỗi. Đây là chủ đề của Phúc Âm của ông Phao-lô và là chủ đề của bức thư ông gửi cho Cơ Đốc nhân ở La-mã. Thâm nhập Ông Phao-lô viết thư cho hai thành phần: thành phần chưa hề nghe Phúc Âm (15:20) và thành phần đã biết đôi điều về Phúc Âm. Cả hai thành phần này đều cần đến một điều – sự truyền bá toàn bộ Phúc Âm (15:19). Dường như đó là nhu cần của nhiều Cơ Đốc nhân cũng như người chưa tin Chúa ngày nay. Thư tín này gồm có năm phần. Các Cơ Đốc nhân và người chưa tin sẽ tìm được nhiều điều rất bổ ích khi nghiên cứu kỹ tất cả năm phần này để vận dụng quyền năng đầy trọn của Đức Chúa Trời.
I. Con người cần đến Phúc Âm (1-3) Sau khi dẫn nhập và nêu chủ đề của bức thư (1:1-17), ông Phao-lô giải thích vì sao con người cần đến Phúc Âm: Vì “chẳng có một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không” (3:10). Người ngoại đạo, tức là những người công khai từ khước Đức Chúa Trời hoặc chưa hề nghe Phúc Âm, đều là tội nhân (1:18-32). Ngay cả giới có đạo đức đứng ra xử tội kẻ khác (2:1-16), và giới sùng đạo (2:17-3:8) cũng vậy. Kết luận là không có một ngoại lệ nào cả: tất cả mọi người đều là tội nhân và đều cần đến Phúc Âm (3:9-20). Trong phần này cũng có lời giải đáp cho vấn nạn: “Những người chưa hề nghe Phúc Âm thì sao?” (1:19-23). Ai cho là mình vô tội cũng cần đọc phần này (2:1). Ngay cả những người cố gắng sống cuộc sống sùng đạo cũng phải đọc phần này (2:21-22). Tất cả chúng ta đều là tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời. Nếu không nhìn thấy tội lỗi của chính mình là nghiêm trọng thì chúng ta không bao giờ hiểu được quyền hạn và quyền năng vô cùng lớn lao của Đức Chúa Trời trên tội lỗi.
II. Nguyên tắc của Phúc Âm (3-5) Ngay cả những người sùng đạo cũng không được cứu. Phần thứ nhất minh định đầy đủ rồi. Vậy thì làm sao chúng ta có thể được cứu? Ấy là nhờ ân điển của Đức Chúa Trời, bởi đức tin nơi Con Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu mà chúng ta được cứu. Đây là nguyên tắc của Phúc Âm. Phần thứ hai minh hoạ vấn đề này (3:21-5:21). Ai đặc biệt cần đọc phần này? Người chưa tin và nhiều Cơ Đốc nhân có thể vẫn còn nghĩ rằng nhờ công đức hoặc lễ báp-tem hoặc ngay cả nhờ sự vâng lời Đức Chúa Trời, họ có thể được xưng công nghĩa. Sứ điệp của ông Phao-lô rất minh bạch: tất cả mọi tội nhân đều bị lên án bởi tội lỗi họ, họ phải nhờ đức tin vào Con Đức Chúa Trời để nhận sự tha thứ (4:5, 5:1). Chúng ta nhận sự công nghĩa ở dạng một quà tặng (5:17), chứ không phải là tiền công (4:4). Nếu bạn chưa nhận được món quà đó thì Đức Chúa Trời mời gọi bạn tin Con Ngài và nhận sự công nghĩa của Ngài ngay giờ này. Bạn nên dừng lại tại đây và cầu nguyện thế này: “Lạy Chúa Cứu Thế Giê-xu, con nhận biết con là tội nhân. Con xin ăn năn tội lỗi của con và quay về với Ngài để nhận món quà của Ngài là sự công nghĩa. Cảm ơn đã chịu chết trên thập tự giá và tẩy sạch mọi tội lỗi của con. Amen”.
III. Quyền năng của Phúc Âm (6-8)
Thành phần Cơ Đốc nhân chậm tăng trưởng hoặc không tăng trưởng trong phần thuộc linh cần đọc phần thứ ba. Nhiều người hiểu rất mập mờ nội dung của phần này. Chẳng có gì là lạ cả. Vì nhiều Cơ Đốc nhân liên tục thất bại trước những thói quen tội lỗi trong cuộc sống. Họ chưa kinh nghiệm quyền năng lớn lao của Đức Chúa Trời trên tội lỗi của bản thân họ. Ngay từ Chương 6 trong phần này họ đã hiểu cách mù mờ rồi vì có thể giải nghĩa 6:6theo hai hướng cực đoan. Cách giải thích thứ nhất là cho rằng nếu thân thể tội lỗi của chúng ta đã bị diệt trừ (theo bản King James Version (K.J.V) ). Thế sao trong nội tâm Cơ Đốc nhân vẫn còn cuộc tranh chiến giằng co với tội lỗi (Roma 7:1-25 và Giang 5:1-26) ? Cách giải thích thứ hai cho rằng thân thể tội lỗi của chúng ta chưa bị diệt trừ hẳn nhưng đang trong quá trình bị diệt trừ. Những người giải thích theo lối này dựa vào thực tế là người thọ án tử hình trên thập tự giá ít khi chết ngay nhưng hấp hối suốt mấy ngày. Nhưng cách giải thích này cũng không đúng. Vì không phải ông Phao-lô chỉ xác định rằng chúng ta đã bị đóng đinh với Chúa Cứu Thế (6:6), nhưng ông cũng nói rằng chúng ta đã bị chôn với Ngài (6:4)! Chỉ có người đã thật sự chết mới bị chôn mà thôi! Thân thể tội lỗi của chúng ta không phải đang trong quá trình chết; nó đã chết hoàn toàn! Do đó, chúng ta có thể hiểu 6:6 rõ hơn theo bản N.A.S.B (New American Standard Bible) lẫn bản N.I.V (New International Version) trong phần chú thích: “Hầu cho thân thể tội lỗi của chúng ta trở nên bất lực.” Hiểu theo ý này chúng ta tránh được hai lối giải thích cực đoan trên đây. Một mặt, thân thể tội lỗi của chúng ta chưa bị tiêu diệt. Nghĩa là chưa biến mất đi, vẫn còn tồn tại. Mặt khác, nhưng giờ đây không còn khả năng khiến chúng ta phạm tội như trong quá khứ nữa. “Người cũ” của tôi đã bị tiêu diệt khi tôi chịu chết trên thập tự giá với Chúa Cứu Thế. Quyền lực của tội lỗi bị vô hiệu hoá trên thập tự giá vì tôi đã đồng chịu đóng đinh với Chúa Cứu Thế. Nguyên tắc ở đây là phải chịu chết trước khi sống, chịu đóng đinh trước khi sống lại. Giờ đây, chúng ta không còn thả lỏng cho chi thể mình làm những điều bất chính nữa vì quyền lực của tội lỗi trong chi thể chúng ta đã bị đóng đinh vào thập tự giá. Thay vào đó, chúng ta có thể dâng chi thể mình (tâm trí, môi miệng, đôi tay chúng ta…) làm dụng cụ của sự công chính để phục vụ Đức Chúa Trời (6:13). Bạn không còn có những hành vi tội lỗi vì cớ bạn đã được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi. Có thể một số Cơ Đốc nhân lâu năm bảo bạn rằng không phải chúng ta được giải phóng dứt điểm rồi nhưng chúng ta đang được giải phóng khỏi quyền lực của tội lỗi. Bạn nên xem lại 6:1-14 rồi tự quyết định. Nếu bạn để Thánh Linh mở trí, bạn sẽ khám phá ra rằng dù tội lỗi có quyền lực rất lớn mạnh cũng không còn ảnh hưởng trên bạn nữa. Phúc Âm đúng nghĩa, đầy đủ bao gồm cả tin mừng, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã khắc phục quyền lực của tội lỗi cho chúng ta bởi sự hy sinh của Ngài trên thập tự giá. Chúng ta không cần phải khắc phục tội lỗi bằng sức của mình nữa! Bạn cần tin Chúa Cứu Thế Giê-xu chịu chết trên thập tự giá để chịu án phạt về mọi tội lỗi của bạn (rồi bạn được xưng là công nghĩa) thể nào, thì bạn cũng phải tin rằng “con người cũ” của bạn đã chết trên thập tự giá với Chúa Giê-xu và tội lỗi trở nên bất lực trong đời sống bạn (rồi bạn sống nên thánh) thể ấy. Ông Phao-lô mô tả việc này là hành động “từ đức tin đến đức tin” (1:17). Nhiều Cơ Đốc nhân có niềm tin để được công nghĩa. Nhưng họ dường như thiếu niềm tin để sống nên thánh. Nhưng ngay cả khi chúng ta tin về sự nên thánh, chúng ta vẫn còn phạm tội. Chúng ta vẫn cảm thấy như thể chúng ta đang trải qua những cuộc chiến nội tâm tương tự như trường hợp của ông Phao-lô trong Chương 7. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vì chúng ta vẫn cứ cố gắng khắc phục tội lỗi bằng sức riêng của mình thay vì để Thánh Linh hướng dẫn và đưa chúng ta đến chiến thắng để sống một đời sống thánh khiết (Chương 8) . Thực sự, mục tiêu chính của Thánh Linh là thánh hoá đời sống của tín hữu (15:16). Nhưng nhiều Cơ Đốc nhân lại chuyển sang một trong hai thái cực: hoặc chỉ quan tâm chú trọng đến phép lạ của Thánh Linh hoặc hoàn toàn hờ hững với sự cộng tác của Thánh Linh. Thế cân bằng giữa hai thái cực đó là tương quan với Thánh Linh theo ý của Ngài. Ngài muốn chúng ta tương quan với Ngài trong sự thánh khiết. Nếu Thánh Linh không thánh hoá chúng ta, thì chắc chắn có trục trặc sai trật nghiêm trọng nào đó trong chúng ta. Ngài không mang danh Thánh Linh chỉ để làm. Thánh Linh ban cho chúng ta năng lực để trưởng thành bằng cách bảo đảm với chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời (8:16) ngay cả khi chúng ta than van rên rỉ vì thất bại (8:23). Khi chúng ta yếu đuối không thể cầu nguyện để chiến đấu chống tội lỗi được, thì Ngài cầu thay cho chúng ta (8:26). Đáp ứng của chúng ta là chú trọng đến (tức là nghĩ đến) những điều thuộc về Thánh Linh (8:5) và làm cho chết các việc của thể xác (8:13). Nên nhớ rằng chúng ta chỉ làm cho chết các việc xấu xa của thể xác, chứ không phải làm chết chính thể xác. Đừng bao giờ cố gắng giết chết thân thể, xác thịt, hoặc tội lỗi. Chúng đã chết rồi! Nên chú ý rằng chúng ta cần kiểm soát tâm trí trước khi kiểm soát thân thể. Nhiều Cơ Đốc nhân cố gắng sống thánh khiết bằng cách tập trung kiểm soát các hành vi của thể xác. Do đó, họ thường phải nhượng bộ tội lỗi và sự cám dỗ là chuyện chẳng mới lạ gì cả. (Có người mặc trên mình cái áo in dòng chữ: TÔI CÓ THỂ CHỐNG LẠI MỌI THỨ , ngoại trừ sự cám dỗ !) Tuy nhiên, ông Phao-lô dạy chúng ta rằng chúng ta phải để Thánh Linh điều khiển tâm trí mình (8:6). Khi Thánh Linh kiểm soát tâm trí thì chúng ta liên tục tăng trưởng.
IV. Vấn nạn về Phúc Âm.
Sau khi tuyên bố rằng dân Do Thái cũng như dân ngoại đều được cứu nhờ ân điển, bởi đức tin, ông Phao-lô trả lời năm câu hỏi quan trọng liên quan đến dân Y-sơ-ra-ên. Năm câu hỏi đó là: 1. Có phải Đức Chúa Trời bất công đối với dân Y-sơ-ra-ên không? (9:14-18) 2. Vì sao Đức Chúa Trời khiển trách dân Y-sơ-ra-ên? (9:19-29) 3. Có phải luật pháp làm cho dân Y-sơ-ra-ên thất bại không? (9:30-10:21) 4. Đức Chúa Trời có từ bỏ dân Y-sơ-ra-ên không? (11:1-10) 5. Phải chăng Đức Chúa Trời sẽ khôi phục dân Y-sơ-ra-ên? (11:11-36) Trong lời giải đáp, ông Phao-lô bày tỏ rằng Đức Chúa Trời vẫn giữ lời hứa của Ngài với dân Y-sơ-ra-ên, rồi đây cả dân Y-sơ-ra-ên sẽ được cứu (11:26). Những người cần đọc phần này là dân Do Thái và tất cả những người thắc mắc về sự công bằng của Đức Chúa Trời trong việc lựa chọn dân tộc này mà không lựa chọn các dân tộc khác. (Họ thường là con cháu của các Cơ Đốc nhân) . Họ cần nhận biết rằng Đức Chúa Trời cho họ được ưu tiên nghe rao giảng Phúc Âm. Đó là một đặc ân quý báu. Họ phải biết quý trọng. Thay vì chất vấn Đức Chúa Trời về sự công bình (9:14) và quyền tối cao của Ngài khi Ngài lựa chọn người mà Ngài muốn (9:21), họ nên đặt trọn niềm tin nơi Chúa Cứu Thế (10:8-9).
V. Thực hành Phúc Âm (12-15).
Sau khi đọc bốn phần trên, chúng ta cần tự hỏi: “Tiếp theo là việc gì?” Sau khi chúng ta nhờ Phúc Âm để có đủ năng lực chiến thắng tội lỗi thì tiếp theo chúng ta nên làm gì? Phần thứ năm ở cuối sách Rô-ma cho chúng ta câu trả lời: Tâm trí của chúng ta cần đổi mới, nhờ đó mối quan hệ giữa chúng ta với người khác được thay đổi (12:2). Từ Chương 12 đến 15, tác giả phác hoạ năm phương diện cần biến đổi trong mối quan hệ giữa hai người:
1. Yêu thương dân Đức Chúa Trời (12:9-16).
2. Sống hoà bình với kẻ thù mình (12:17-21).
3. Vâng phục các nhà cầm quyền trên trần gian (13:1-7).
4. Yêu thương người lân cận (13:8-14).