1 Cô-rinh-tô
Tác giả: Ông Phao-lô.
Thời kỳ hình thành sách: Năm 55 SC, khi Hội Thánh bắt đầu bị đồng hoá với xã hội.

Mục đích: Nhằm dạy về những phương cách giải quyết các nan đề trong Hội Thánh và trả lời những thắc mắc về những thói tục trong Hội Thánh.

Đối tượng: Các Hội Thánh đang rối trí vì những chuyện bất khiết chưa xử lý và những vấn đề khó xử khác.

Tản mạn

Bạn có thể tiến hành thí nghiệm đơn giản này tại nhà riêng. Nhỏ vào bên trong một quả bong bóng hai ba giọt tinh dầu va-ni. Sau đó thổi quả bóng lên rồi cột chặt lại. Một lát sau, bạn khám phá ra một điều thật thú vị. Bạn có thể ngửi thấy mùi va-ni. Các phân tử va-ni thoát ra qua những lỗ siêu nhỏ trên quả bóng. Thí nghiệm đơn giản này minh hoạ cho một lẽ thật thuộc linh: Lớp vỏ của bong bóng không thể giữ cho tinh dầu va-ni khỏi rỉ ra ngoài thể nào thì bốn bức tường của nhà thờ cũng không thể ngăn cản tội lỗi ở bên ngoài đừng lan tràn vào trong Hội Thánh thể ấy. Ông Stanley Toussaint, giáo sư Viện Thần Học Dallas có nói: “Tội lỗi của nền văn hoá sẽ trở thành tội lỗi của Hội Thánh.”

Thâm nhập

Trong thời sứ đồ Phao-lô, Cô-rinh-tô là một trong những thành phố gian ác nhất và theo ngoại giáo mạnh nhất. Hội Thánh tại Cô-rinh-tô không thể tự tách ly khỏi những tội lỗi của thành phố. Nhiều thành viên của Hội Thánh Cô-rinh-tô bắt đầu khốn khổ với những nan đề y như những nan đề nhan nhản trong môi trường văn hoá chung quanh họ. Còn những người cưỡng lại được những ảnh hưởng này lại thắc mắc không biết họ nên sống và quan hệ ra sao đối với các tín hữu khác trong Hội Thánh lẫn đối với người ngoài xã hội. Thư 1Cô-rinh-tô là bài đọc cần thiết đối với bất kỳ Hội Thánh nào nhận thấy chính mình đang sống giữa một xã hội vô thần và trần tục. Có thể lắm thư 1Cô-rinh-tô bắt nguồn từ hai bức thư. Từ Chương 1 đến Chương 6 là bức thư thứ nhất. Trong bức thư này, ông Phao-lô khuyên các tín hữu tại Cô-rinh-tô dùng sự hiểu biết và sự khôn ngoan Chúa ban để giải quyết các nan đề trong Hội Thánh. Tín hữu ở Cô-rinh-tô viết thư trả lời kèm với bốn thắc mắc về thói tục trong Hội Thánh. Ông Phao-lô trả lời những thắc mắc đó trong bức thư thứ hai (từ Chương 7 đến Chương 16) . Trong bức thư này, ông bảo họ dùng tình yêu thương trong Chúa để giải quyết những vấn đề này. Chúng ta sẽ xem hai bức thư này là phần thứ nhất và phần thứ hai của thư 1Cô-rinh-tô.

I. Nan đề của Hội Thánh (1-6) Phần thứ nhất đề cập đến hai vấn đề rất thường xảy ra trong nhiều Hội Thánh: Tinh thần chia rẽ (Chương 1-4) và kỷ luật, đúng hơn, là tình trạng thiếu kỷ luật giáo hội (Chương 5 và Chương 6) . Sự chia rẽ thường xảy đến từ hai nguyên nhân: thứ nhất là do sự khôn ngoan của thế gian (Chương 1 và 2) và thứ hai là do sự ghen tị (Chương 3 và 4) . Cả hai nguyên nhân đều dẫn đến tranh cãi và bất hoà trong Hội Thánh. Thứ nhất, thành phần nhờ cậy sự khôn ngoan của con người để lãnh đạo Hội Thánh sẽ gây ra sự chia rẽ trong Hội Thánh. Thứ hai, thành phần ghen tị người khác sẽ tỏ ra phách lối hợm hĩnh vì những việc họ làm cho Hội Thánh. Đối với nhóm người thứ nhất, ông Phao-lô khuyên đừng chia rẽ, nhưng phải hợp nhất và đồng tâm hiệp ý với nhau (ICorinhto 1:10). Đối với nhóm người thứ hai, ông Phao-lô khuyên hãy trưởng thành, đừng sống và phục vụ theo xác thịt (3:3). Ông nhắc nhở nhóm người thứ nhất rằng họ chẳng có gì để khoe khoang cả vì khi được Đức Chúa Trời lựa chọn, họ chẳng phải là người khôn ngoan, quyền thế hoặc xuất thân từ giới quyền quý (1:26). Thực sự là thế gian không thể nhận biết sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Đối với họ sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời là khờ dại (1:21). Tương tự, ông Phao-lô khuyên bảo nhóm người thứ hai rằng họ chẳng có gì để khoe khoang cả vì bất cứ điều gì họ có đều là do Chúa ban cho họ (4:7). Đối với Đức Chúa Trời sự khôn ngoan của thế gian này là khờ dại (3:19). Ông Phao-lô khuyên nhóm người thứ nhất đừng chia rẽ nhau vì Chúa Cứu Thế (chứ không phải ông Phao-lô hoặc ông A-bô-lô) đã chịu đóng đinh thay cho họ (1:13). Ông bảo nhóm người thứ hai rằng chính Chúa Cứu Thế (chứ không phải ông Phao-lô cũng chẳng phải ông A-bô-lô) là Đấng làm cho Hội Thánh tăng trưởng phát triển (3:6-7). Ông Phao-lô và ông A-bô-lô chỉ là những đầy tớ của Chúa Cứu Thế mà thôi. Do đó, khi phục vụ Hội Thánh tất cả các tín hữu nên hướng về một mục tiêu. Trên thực tế, ông Phao-lô muốn nói với nhóm người thứ nhất rằng họ cần có cùng một đường lối suy nghĩ, cùng một sự khôn ngoan để lãnh đạo cùng một Hội Thánh. Đối với nhóm người thứ hai, ông khuyên tất cả nên phục vụ Chúa với những công tác khác nhau trong cùng một Hội Thánh. Vấn đề thứ hai mà ông Phao-lô đề cập đến là tình trạng thiếu kỷ luật trong Hội Thánh. Một số thành viên của Hội Thánh phạm tội cách công khai (Chương 5, 6) . Rõ ràng là từ Chương 1 đến 4, ông Phao-lô khuyên đừng xét đoán nhau về sự phục vụ trong Hội Thánh. Ở đây, trong Chương 5 và 6, ông Phao-lô bảo họ xét xử nhau về những hành động tội lỗi. Chương 5 và 6 nói đến hai tội: tội gian dâm (5:1-136:12-20) và kiện cáo nhau (6:1-11). Trong cả hai trường hợp, ông Phao-lô đều bảo họ xét xử với sự hiểu biết và sự khôn ngoan của Chúa. Nếu có anh em nào phạm tội gian dâm thì phải loại họ ra khỏi Hội Thánh. Đối với trường hợp anh em tín hữu có vấn đề muốn đưa nhau ra toà, họ phải nhờ các trưởng lão trong Hội Thánh giải quyết ổn thoả vấn đề.

II. Các thắc mắc của Hội Thánh (7-16) Phần thứ nhất nói đến các nan đề trong Hội Thánh còn phần thứ hai đề cập đến các thắc mắc của Hội Thánh. Tín hữu Hội Thánh Cô-rinh-tô hỏi ông Phao-lô bốn câu sau đây:

1. Cơ Đốc nhân có được phép lập gia đình không?

2. Cơ Đốc nhân có được phép ăn của cúng thần tượng không?

3. Cơ Đốc nhân nên sử dụng các ân tứ thuộc linh như thế nào?

4. Làm sao gom góp tiền bạc để giúp đỡ các tín hữu nghèo tại Giê-ru-sa-lem? Khi nói đến vấn đề hôn nhân (7:1-24), ông Phao-lô nhắc tín hữu đã lập gia đình nhớ mệnh lệnh của Chúa: không được ly dị. Tuy nhiên, nếu người vợ hoặc chồng không tin Chúa muốn ly dị, người chồng hoặc vợ đã tin Chúa nên cho ly dị. Về vấn đề độc thân (7:25-40), ông Phao-lô khuyên tín hữu còn độc thân nên duy trì hiện trạng của họ nếu có thể được. Sở dĩ ông khuyên như vậy vì ba lý do sau đây: Thứ nhất, lúc bấy giờ thành phố Cô-rinh-tô đang ở trong tình trạng khủng hoảng (7:26). Thứ hai, người lập gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn trong đời sống (7:28). Thứ ba, Chúa sắp trở lại và chúng ta không còn nhiều thì giờ. Do đó chúng ta nên chăm lo việc Chúa, chứ không phải lo việc riêng của mình (7:2932). Cần chú ý là đến nay lý do thứ hai và ba vẫn còn giá trị. Các Cơ Đốc nhân còn độc thân vẫn cần xem xét đến lời khuyên của ông Phao-lô về việc duy trì tình trạng độc thân. Tuy nhiên, nếu họ muốn lập gia đình thì cứ lập gia đình vì việc đó không phải là tội lỗi (7:2838). Về vấn đề của cúng thần tượng, ông Phao-lô nêu ra bốn điểm. Thứ nhất, ông bảo họ rằng thần tượng không có thật và ăn của cúng thần tượng chẳng hại gì. Nhưng chúng ta không ăn vì khi ăn có thể làm cho những người có lương tâm yếu đuối vấp ngã (Chương 8) . Thứ hai, ông Phao-lô đưa ra ví dụ về bản thân ông. Ông có quyền ăn, uống, lập gia đình và nhận thù lao…. Tuy nhiên, ông từ bỏ tất cả các quyền lợi đó vì ông muốn phục vụ người khác với tư cách là nô lệ của Chúa Cứu Thế (Chương 9) . Thứ ba, ông khuyên họ xa lánh, và đừng tham gia vào việc thờ cúng thần tượng. Tuy vậy, nếu được người chưa tin mời, cứ ăn các món họ dọn lên, đừng vì lương tâm mà hỏi han gì cả (Chương 10) . Cuối cùng, ông chỉ dẫn tín hữu, nam lẫn nữ về cách thờ phượng Chúa và cầu nguyện. Ông cũng khuyên dạy họ đừng dự Tiệc Thánh cách không xứng đáng (Chương 11) . Rồi ông Phao-lô giải đáp thắc mắc thứ ba. Đó là vấn đề các ân tứ của Thánh Linh (Chương 12 đến 15) . Các ân tứ của Thánh Linh ông được sử dụng với lòng yêu thương. Lãnh vực này gây ra nhiều cuộc bàn cãi trong cuối thế kỷ 20. Thay vì xây dựng cho nhau, người nhận ân tứ của Thánh Linh đã hành động trái ngược, có khuynh hướng gây chia rẽ trong Hội Thánh (12:25). Do đó, chúng ta cần nhớ điều quan trọng là dù có ân tứ mà thiếu lòng yêu thương thì tín hữu có thể kiêu căng, trở thành như cái chiêng đồng phát tiếng rền vang khi đang đến, hoặc như đôi chập choả khi đập vào nhau phát ra âm thanh loảng xoảng (13:1). Thay vì lao vào những cuộc tranh luận vô ích nhằm tán thành hoặc phản bác tiếng lạ, chúng ta hãy tập trung vào vấn đề chính – tất cả chúng ta đều có những ân tứ khác nhau và chúng ta phải sử dụng các ân tứ này vì lợi ích chung (12:714:41226). Khi chúng ta sử dụng ân tứ Chúa ban cho trong tình yêu thương (14:1) và làm việc trong niềm hy vọng về sự sống lại trong tương lai, công khó của chúng ta trong Chúa chẳng phải là vô ích (15:58). Vấn đề thứ tư và cũng là vấn đề cuối cùng, ông Phao-lô bảo họ gom góp sẵn tiền bạc để giúp tín hữu nghèo ở Giê-ru-sa-lem (Chương 16) . Ông sẽ phái ông A-bô-lô đến nhận số tiền đó rồi mang đến Giê-ru-sa-lem. Một lần nữa, nguyên tắc yêu thương được nêu rất rõ: chúng ta nên cho tín hữu nghèo với lòng yêu thương và tiếp rước đầy tớ của Đức Chúa Trời đến với Hội Thánh chúng ta trong tinh thần yêu thương tôn trọng (cho dù họ đến với mục đích thu gom tiền) .

Trọng tâm

Đừng để tội lỗi của nền văn hoá trở thành tội lỗi của Hội Thánh bạn.

Thực hành

Để ngăn chặn tội lỗi của nền văn hoá trở thành tội lỗi của Hội Thánh, chúng ta phải dùng sự khôn ngoan của Chúa để xét xử các nan đề trong Hội Thánh và giải đáp từng vấn đề trong Hội Thánh với tình yêu thương trong Chúa. Thứ nhất, chúng ta phải có tri thức của Chúa. Tri thức, sự khôn ngoan cùng sự ganh ghét của thế gian thường gây ra tội lỗi; và tội lỗi có thể len lỏi vào trong Hội Thánh. Chúng ta phải dùng sự khôn ngoan của Chúa tức là bày tỏ sự hiệp nhất và khiêm nhu của chúng ta mà chống lại điều này. Chúng ta cũng phải xét xử tội lỗi trong phạm vi Hội Thánh chúng ta thay vì phơi bày sự xấu hổ của chúng ta cho thế gian xem. Thứ hai, chúng ta phải có tình yêu thương của Chúa. Ai đã lập gia đình, hãy yêu thương bạn đời của mình, đừng ly dị. Ai còn độc thân, hãy yêu thương nhau, đừng tìm cách lập gia đình. Cứ duy trì tình trạng có gia đình hoặc độc thân như lúc mới tin Chúa. Đừng ly dị hoặc lo lập gia đình. Đừng tìm kiếm một địa vị cao hơn trong xã hội hoặc quyền công dân ở một quốc gia khác. Đừng tìm cách thoát ly khỏi mối quan hệ gắn bó, ràng buộc. Nhưng lo vun vén lòng yêu thương lẫn nhau mà thôi. Phát huy lòng yêu thương khi áp dụng bốn phương cách ngăn chặn văn hoá và phong tục tập quán ngoại đạo len lỏi vào trong Hội Thánh chúng ta. Thứ nhất, chúng ta biết rằng dù tham gia cách gián tiếp vào những phong tục ngoại giáo cũng chẳng có hại gì cho chúng ta, nhưng chúng ta vẫn không nên tham gia. Thí dụ nếu có người rủ bạn đi tham quan đền, miếu với họ trong tư cách là khách du lịch, nếu bạn đi thì chẳng có hại gì cho bạn cả. Tuy nhiên, bạn không nên đi vì việc đó có thể gây vấp phạm cho một tín hữu khác có lương tâm yếu đuối. Cần bày tỏ lòng yêu thương đối với anh em tín hữu yếu đuối đó. Thứ hai, chúng ta có quyền làm nhiều điều (như uống rượu chẳng hạn) . Nhưng chúng ta không nên dùng những quyền đó nếu chúng cản trở chúng ta phục vụ Chúa Cứu Thế và vươn ra cứu giúp người khác. Hãy sử dụng quyền hạn của bạn trong tình yêu thương. Thứ ba, chúng ta đừng bao giờ tham gia trực tiếp vào bất kỳ tập tục ngoại giáo nào. Nhưng khi được người chưa tin Chúa cho chúng ta món ăn này nọ, chúng ta không nên từ chối vì cớ e ngại có thể gián tiếp dính dáng vào tập tục ngoại đạo. Đừng tìm cách phát hiện những dấu hiệu có dính dáng đến tập tục ngoại đạo nhưng hãy lo yêu thương người chưa tin Chúa. Cuối cùng, chúng ta cần thực hiện những nghi thức liên quan đến sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Nếu Đức Chúa Trời dạy rằng phụ nữ phải trùm đầu (bằng tóc dài hoặc khăn trùm đầu) trong lúc thờ phượng, thì chúng ta hãy tuân thủ, đừng biện luận (11:16). Tìm cách bày tỏ lòng yêu thương lẫn nhau khi bạn thờ phượng Đức Chúa Trời và dự Tiệc Thánh. Cũng cần tuân thủ nghi thức thờ phượng ngay cả khi chúng ta vận dụng ân tứ của Đức Thánh Linh (14:40). Đừng bao giờ để buổi thờ phượng của chúng ta phản ánh sự hỗn loạn và sự tranh đua như tinh thần văn hoá chung quanh chúng ta. Chúng ta phải dùng các ân tứ của Thánh Linh để gây dựng cho nhau trong tình yêu thương. Câu Kinh Thánh chủ chốt của sách này gói ghém bài học chính: “Tri thức dễ sinh kiêu căng, còn lòng yêu thương gây dựng lẫn nhau” (8:1).  Đang khi sống trong một xã hội trần tục, nếu chúng ta chỉ trang bị kiến thức mà thôi thì chưa đủ, nhưng chúng ta cũng cần có tình yêu thương nữa. Nếu không có lòng yêu thương, chúng ta cứ ăn của cúng thần tượng trong khi biết rằng có thể làm cho người yếu đuối vấp ngã. Nếu không có tình yêu thương, chúng ta chỉ lo thụ hưởng những quyền lợi của mình mà không phục vụ người khác. Nếu chỉ có kiến thức nhưng không có tình thương, lúc nào chúng ta cũng chất vấn người ta về mọi thức ăn mà họ mời chúng ta dùng. Nếu không có lòng yêu thương, chúng ta sẽ dự Tiệc Thánh trong tinh thần hoàn toàn không quan tâm đến người khác. Sự hiểu biết đúng đắn và sự khôn ngoan của Chúa thật rất cần thiết để phòng ngừa sự chia rẽ và xử lý các vấn đề cần kỷ luật trong Hội Thánh. Nhưng phải thực hiện mọi việc trong tình yêu thương bằng không tín hữu sẽ sinh ra kiêu căng thay vì gây dựng Hội Thánh.

1 Cô-rinh-tô

Từ chính: KHỦNG HOẢNG (TRONG) HỘI THÁNH

Chủ đề chính: Thói tục trong Hội Thánh Cụm từ chính: ‘Hội Thánh/ Hội Thánh của Đức Chúa Trời’ gr 8 (5 lần)

Câu chính: “Luận đến của cúng các thần tượng thì chúng ta biết mình đều có sự hay biết cả. Song sự hay biết sinh kiêu căng, còn sự yêu thương làm gương tốt.” (8:1)

Bài học chính: Đừng để tội lỗi của nền văn hoá trong xã hội trở thành tội lỗi của Hội Thánh của bạn.

2 Cô-rinh-tô

Tác giả: Ông Phao-lô. Thời kỳ hình thành sách: Năm 55 SC, sau khi ông Phao-lô thay đổi chương trình hoạt động của ông. Mục đích: Nhằm bênh vực chức vụ và chức sứ đồ của ông Phao-lô chống lại những lời chỉ trích gièm pha. Đối tượng: Các con cái Chúa, các vị mục sư và giáo sĩ bị chỉ trích gièm pha cách bất công và đang trải qua sự thử thách. Tản mạn Nhiều năm về trước, một người bạn trẻ nhưng khôn ngoan đã khuyên tôi một điều tôi vẫn nhớ đến tận bây giờ. Anh ấy nói rằng: “Người dại nào cũng có thể gièm pha, chỉ trích, chỉ có người tin kính Chúa mới có thể xây dựng”. Dường như là hễ bạn thực hiện bất cứ một việc gì đáng làm trên đời này là bạn sẽ bị chỉ trích, gièm pha. Còn khi bạn làm một việc gì đáng làm trong Hội Thánh, bạn sẽ bị gièm pha, chỉ trích nhiều hơn nữa. Ông Phao-lô chẳng phải là trường hợp ngoại lệ. Có lẽ ông là vị sứ đồ làm việc đắc lực nhất nên ông bị tố cáo, gièm pha nặng nề nhất thì chẳng có gì lạ cả. May thay, ông để lại một bức thư dạy chúng ta biết phải làm thế nào để có thể xử lý lời chỉ trích, gièm pha cách khoan dung – với ân sủng của Đức Chúa Trời. Đó là thư thứ hai gởi cho Hội Thánh Cô-rinh-tô. Thâm nhập Trước tiên, lời chỉ trích thường bắt nguồn từ chuyện rất nhỏ nhặt, tầm thường. Ông Phao-lô thay đổi chương trình hoạt động của ông và trì hoãn ngày viếng thăm Hội Thánh Cô-rinh-tô. Vì thế, ông bị chỉ trích gay gắt. Thứ hai, lời chỉ trích, gièm pha thường biến thành một cuộc đả phá một cá nhân. Trong trường hợp của ông Phao-lô, những người chỉ trích ông quay sang chất vấn lòng chân thành và những điều kiện cho phép ông là sứ đồ và truyền giáo. Thứ ba là những lời gièm pha, chỉ trích thường gia tăng lan qua nhiều lãnh vực khác. Những kẻ tố cáo ông Phao-lô không chỉ chất vấn chức sứ đồ của ông, nhưng họ còn chất vấn động cơ thúc đẩy ông phục vụ và lòng trung thực của ông trong vấn đề tiền bạc. Ba làn sóng gièm pha, chỉ trích nhằm vào ông Phao-lô tạo thành ba phần của bức thư này. Ông lần lượt xử lý từng đợt gièm pha, chỉ trích trong mỗi phần. I. Ân sủng để có thể an ủi trong cơn thử thách (1-7) Trong phần thứ nhất, người ta chỉ trích ông Phao-lô là thay đổi chương trình hoạt động. Họ buộc tội ông là chỉ hứa suông, không đáng tin cậy về lời nói. Một khi họ bắt đầu nghi ngờ lời nói thì họ tiếp tục nghi ngờ lời giảng dạy và Phúc Âm mà ông rao giảng. Câu trả lời của ông Phao-lô cho người Cô-rinh-tô không chỉ bênh vực Phúc Âm và chức sứ đồ của ông, nhưng cũng là một bài học quan trọng giúp chúng ta biết phải làm thế nào để tiếp tục chức vụ bất chấp những lời chỉ trích oan ức. Thứ nhất, đáp lại lời chỉ trích, ông giải thích lý do thay đổi chương trình hoạt động: ông không muốn họ buồn rầu vì khi gặp mặt họ ông sẽ quở trách họ về những việc làm sai trái (II Corinto1:1-2:13). Thứ hai, trước những lời đả phá Phúc Âm, chức sứ đồ và công tác của ông, ông tự biện giải: ông giải thích rằng chính Đức Chúa Trời, chứ không phải con người, ban cho ông khả năng và lòng tự tin để thi hành chức vụ (2:14-7:4). Thứ ba, ông Phao-lô đi thêm một bước trong sự phục vụ người khác. Ông trở lại với chương trình hoạt động của ông và giải thích rằng ông đến với họ nữa để an ủi họ trong lúc buồn rầu (7:5-16). Ngoài việc trả lời cho những người chỉ trích, ông Phao-lô cũng chỉ dẫn tín hữu ở Cô-rinh-tô về việc họ nên làm: họ nên đáp ứng chức vụ của ông, phục hoà với Đức Chúa Trời (5:20), và mở rộng lòng để đáp lại tình yêu thương của ông (6:137:2). Thay vì gièm chê, chỉ trích mục sư và các nhân sự trong Hội Thánh về những vấn đề nhỏ nhặt, các thành viên của Hội Thánh cần phải phục hoà với Đức Chúa Trời và nói về mục sư và giáo sĩ với lòng bao dung rộng rãi. II. Ân sủng để có thể ban cho trong cảnh nghèo khó (8-9) Trong phần thứ hai, họ chỉ trích ông Phao-lô về vấn đề quản lý tiền quyên trợ giúp các tín hữu nghèo. Đáp lại lời chỉ trích đó, ông giải thích rằng người được các Hội Thánh cử đã cùng đi với ông để làm chứng rằng số tiền quyên trợ đó đã được phân phối đúng đắn (8:18-21). Một lần nữa, ông Phao-lô không chỉ lo trả lời những người chỉ trích, ông còn dạy tín hữu ở Hội Thánh Cô-rinh-tô hai nguyên tắc về việc dâng hiến. Thứ nhất là Nguyên Tắc Cân Bằng: khi bạn có dư, hãy giúp người túng thiếu (8:1314). Thứ hai là Nguyên Tắc Rộng Rãi: khi bạn dâng hiến cách rộng rãi, bạn sẽ được ban phước dồi dào (9:6-7). Đức Chúa Trời ban ân sủng cho chúng ta để chúng ta thực hiện cả hai nguyên tắc này (8:16799:8).

NHV SUU TAM