Ngày thứ Tư, 27 tháng 6 vừa qua, nữ hoàng Elizabeth II bắt tay với cựu lãnh tụ Bắc Ái-nhĩ-lan là Martin McGuiness. Người ta gọi đây là cái bắt tay lịch sử vì như chúng ta đã biết tổ chức IRA là tổ chức kháng chiến chủ trương bạo động chống lại chính quyền Anh quốc trong vùng Bắc Ái-nhĩ-lan.
Đây là cái bắt tay giữa lãnh tụ của hai phe thù địch kéo dài trong nhiều thập niên gây cho 3,500 người thiệt mạng trong số có cả người bà con của nữ hoàng là công tước Mountbatten đã thiệt mạng trong một vụ đặt bom của tổ chức IRA vào năm 1979. Người ta đã so sánh cái bắt tay của nữ hoàng Anh với cựu lãnh tụ tổ chức kháng chiến IRA với cái bắt tay của lãnh tụ của tổ chức giải phóng Palestine là Yasser Arafat với thủ tướng Do-thái Yitzhak Rabin vào năm 1993 hay cái bắt tay giữa tổng thống Nixon và Mao Trạch Đông vào năm 1972. Tất cả những cái bắt tay trên là biểu tượng của giải hòa, của hòa bình, của hai phe trước kia thù địch với nhau nhưng bây giờ bắt tay với nhau. Có một cuộc hòa giải khác, không được tượng trưng bằng cái bắt tay nhưng bằng một hình cụ được dùng để xử tử. Hình cụ đó là thập tự giá và cuộc hòa giải là hòa giải giữa Đức Chúa Trời và con người.
Tại sao thập giá lại là biểu tượng của cuộc hòa giải giữa Đức Chúa Trời và con người? Thưa quý vị, đó chính là trọng tâm của Phúc Âm, đó chính là tin mừng. Sứ đồ Phao-lô tuyên bố trong lá thư gởi cho người ở thành Cô-rinh-tô ngày xưa rằng:
Ở giữa anh em, tôi đã quyết định không biết gì khác ngoài Đức Chúa Giê-xu Christ và Đức Chúa Giê-xu Christ bị đóng đinh vào thập tự giá (Thư I Cô-rinh-tô 2:2).
Tại sao sự việc Chúa Giê-xu chịu đóng đinh trên thập giá lại ở vào vị trí quan trọng như vậy trong cuộc đời của Phao-lô? Thập giá hay cái chết của Chúa Giê-xu trên thập giá là phương cách Đức Chúa Trời dùng để cứu chuộc nhân loại. Cái chết của Chúa Giê-xu trên thập giá nói lên hai bản chất của Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời công chính và Đức Chúa Trời yêu thương. Vì công chính, mọi tội lỗi phải chịu án phạt. Vì yêu thương, phải có một người nhận án phạt thay thế cho con người. Chính vì vậy, Chúa Giê-xu đã chịu chết trên thập giá thay cho chúng ta, thế chỗ cho chúng ta. Đức Chúa Trời nhìn thấy tấm lòng ăn năn hối cải của chúng ta nhưng phải có cái chết của Chúa Giê-xu trên thập giá, Đức Chúa Trời mới có thể tha tội cho chúng ta. Đức Chúa Trời không thể vi phạm đức công chính của Ngài nghĩa là tự nhiên tha tội cho con người mà không có án phạt. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời đã thể hiện trong cái chết của một con người vô tội là Chúa Giê-xu trên thập giá để chuộc tội cho nhân loại. Kinh Thánh dạy:
Đức Chúa Trời đã sai chính Con Ngài mang lấy thân xác giống như thân xác tội lỗi để giải quyết tội lỗi. Ngài đã kết án tội lỗi trong thân xác để công chính mà luật pháp đòi hỏi được thực hiện đầy đủ trong chúng ta (Thư Rô-ma 8:3-4).
Công chính của Đức Chúa Trời đòi hỏi án phạt. Án phạt đó là sự chết và Chúa Giê-xu đã lãnh án phạt đó cho thay chúng ta khi Ngài chịu đóng đinh trên thập giá. Cái chết của Chúa Giê-xu là cái chết của một con người vô tội nên có thể thay thế cho toàn thể nhân loại tội lỗi. Nhưng nhân loại, nói đúng hơn, mỗi người chúng ta phải nhận mình là tội nhân, ăn năn tội và nhận rằng Chúa đã chết vì mình, chỉ khi đó, cái chết của Chúa Giê-xu mới có giá trị trên chúng ta.
Thập giá là biểu tượng của hòa giải giữa Đức Chúa Trời và con người, đúng hơn, thập giá hay cái chết của Chúa Giê-xu trên thập giá chính là phương cách Đức Chúa Trời dùng để cứu nhân loại. Nhưng tại sao lại cần phải hòa giải giữa con người với Đức Chúa Trời? Đức Chúa Trời và con người có hận thù gì với nhau mà cần phải giải hòa? Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời yêu thương, Ngài không bao giờ gây hận thù với ai cả nhưng chính trong bản tính công chính và thánh khiết tuyệt đối của Ngài mà một bức tường, một vực thẳm đã phân cách con người tội lỗi với Đức Chúa Trời thánh khiết. Kinh Thánh gọi đây là tình trạng chết về phần tâm linh. Sứ đồ Phao-lô nói với các tín hữu tại Ê-phê-sô về tình trạng của họ trước khi họ tin Chúa như sau:
Anh em đã chết vì những vi phạm và tội lỗi của mình (Thư Ê-phê-sô 2:1).
Khi chúng ta vi phạm luật của Chúa, phạm tội với Chúa, chúng ta bị kể là những người chết trước mặt Chúa. Chết là bị ngăn cách với Đức Chúa Trời, chết là mối tương giao bị cắt đứt. Kinh Thánh cũng gọi đây là tình trạng thù địch giữa Đức Chúa Trời và con người. Thù địch vì chúng ta đi ngược lại với bản tính và ý muốn của Đức Chúa Trời. Khi nhắc lại về tình trạng nầy, sứ đồ Phao-lô nói với các tín hữu tại Rô-ma như sau:
Khi còn là kẻ thù địch, nhờ sự chết của Con Ngài chúng ta được hòa giải với Đức Chúa Trời (Thư Rô-ma 5:10).
Con người đã được hòa giải với Đức Chúa Trời nhờ cái chết của Chúa Giê-xu trên thập giá. Cái chết của Chúa Giê-xu trên thập giá đã thỏa mãn công lý của Đức Chúa Trời vì công lý của Đức Chúa Trời đòi hỏi án phạt cho tội lỗi. Chúa Giê-xu đã chịu chết, mang bản án thay cho chúng ta nên Đức Chúa Trời kể như chúng ta đã chịu hình phạt rồi. Điều chúng ta cần làm là bởi đức tin, nhận mình là tội nhân, ăn năn tội và nhận rằng Chúa Giê-xu đã chịu chết thế cho mình, đặt lòng tin nơi Chúa. Khi chúng ta làm như vậy bằng một lời cầu nguyện đơn giản:
Lạy Chúa Giê-xu. Con cảm ơn Chúa đã chết vì tội của con. Con xin ăn năn tội và đặt lòng tin nơi Chúa. Xin Chúa tha tội cho con và nhận con làm con của Chúa.
Khi thưa với Chúa như vậy với một đức tin chân thành, lời cầu nguyện của chúng ta sẽ được Chúa nhậm và chúng ta sẽ được hòa giải với Đức Chúa Trời, mối quan hệ cha con giữa chúng ta với Chúa được nối kết trở lại. Chúng ta sẽ kinh nghiệm một đời sống có ý nghĩa trên đời nầy và một đời sống phước hạnh trong cõi đời đời. Thập tự giá không chỉ là biểu tượng của tình thương hay giải hòa, nhưng thập giá, cái chết của Chúa Giê-xu chính là phương cách Đức Chúa Trời dùng để cứu nhân loại. Cái bắt tay giải hòa giữa Đức Chúa Trời và con người bắt đầu từ cái chết chuộc tội của Chúa Giê-xu và hoàn tất với đức tin chân thành của con người tiếp nhận cái chết đó cho mình.