Trong những ngày đầu năm, chúng ta thường chúc cho nhau được phước. Những phước đó thường là phú quý thọ khang ninh, ta gọi là ngũ phúc hay năm thứ hạnh phúc. Chúa Cứu Thế Giê-xu trong lời dạy của Ngài về hạnh phúc, Chúa nói đến tám hạng người Chúa cho là hạnh phúc. Ta có thể gọi đây là Bát Phúc hay Tám Mối Phúc Thật. Tám hạng người Chúa Giê-xu gọi là hạnh phúc đó là những người có lòng khó nghèo, những người than khóc, những người khiêm nhu, những người đói khát công chính, những người có lòng thương xót, những người có lòng trong sạch, những người làm cho người hòa thuận và những người bị bách hại vì công chính.

Với cái nhìn của con người, những người nầy không có gì đáng cho là hạnh phúc cả. Hạnh phúc phải là giàu sang hay có nhiều tiền bạc chứ khó nghèo, than khóc, đói khát thì sao gọi là hạnh phúc được. Để biết tại sao những người nầy được Chúa cho là hạnh phúc, chúng ta hãy xem kết quả hay lý do Chúa cho thấy họ là những người hạnh phúc. Chúa phán:

Phước cho những kẻ có lòng khó nghèo vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy, phước cho những kẻ than khóc vì sẽ được an ủi, phước cho những kẻ khiêm nhu, vì sẽ hưởng được đất… (Phúc Âm Ma-thi-ơ 5:3-10)

Đọc qua những hạnh phúc nầy, chúng ta thấy rằng hạnh phúc của những người nầy là hạnh phúc tâm linh, là phước về phần hồn, không phải phần xác. Hạnh phúc vật chất là điều con người thường tìm kiếm nhưng hạnh phúc đích thực là hạnh phúc tâm linh. Dù là phú, quý, thọ hay khang ninh, tất cả những điều nầy rồi sẽ qua và không còn nữa, nhưng hạnh phúc tâm linh là hạnh phúc trường cửu, không bao giờ chấm dứt.

Chúa Giê-xu cho thấy người có lòng khó nghèo là người sẽ hưởng Nước Trời, người than khóc là người sẽ được an ủi, người khiêm nhu là người sẽ được thừa hưởng gia tài của Thiên Chúa. Hạnh phúc chúng ta cần đeo đuổi tìm kiếm vì vậy là hạnh phúc tâm linh như Lời Chúa đã dạy:

Trước hết hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công chính của Ngài thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa (Phúc Âm Ma-thi-ơ 6:33)

Mọi điều ấy nói đến nhu cầu vật chất và thể xác của con người. Nhìn quanh, chúng ta sẽ thấy rằng đầy đủ hay dư thừa vật chất không đảm bảo cho chúng ta hạnh phúc thật. Bao nhiêu người tiền của, tài sản không thiếu nhưng sống cuộc đời thật bất hạnh. Hoặc là quá lam lũ làm ăn, hay là chỉ biết có tiền bạc mà không thể tận hưởng đời sống. Cũng có những người vật chất dư thừa nhưng không thể đổi lại một ít hạnh phúc trong gia đình về tình cảm hay tình người. Cuộc đời chúng ta cần định hướng, cần có mục đích, từ đó chúng ta mới thấy được ý nghĩa đời sống và sống hạnh phúc. Định hướng và mục đích của đời sống bắt đầu từ ý thức về chỗ đứng của chúng ta trong vũ trụ và ý thức đó đưa chúng ta đến chỗ công nhận Đấng đã tạo dựng chúng ta và tôn thờ Ngài. Đó là hạnh phúc tâm linh chúng ta cần đeo đuổi và Chúa Giê-xu đã trình bày tiến trình tôn thờ Thiên Chúa qua hình ảnh tám mối phúc thật như chúng ta vừa nghe.

Chúa bảo con người chúng ta phải bắt đầu từ chỗ ý thức về thực trạng nghèo khổ của mình. Đó là hạnh phúc của người nghèo khổ trong tâm linh, biết rằng mình không thể tự giải quyết vấn đề nhưng cần đến Thiên Chúa. Người ý thức như vậy sẽ ăn năn tội lỗi và đó là than khóc. Người ấy sẽ không hợm mình nhưng sống khiêm nhu. Sau đó người ấy sẽ tha thiết đeo đuổi tìm kiếm công chính, đói khát, mong chờ để sống một đời công chính. Khi vấn đề tâm linh của bản thân được giải quyết, con người hạnh phúc đó sẽ sống trong tình thương, thông cảm với những con người yếu đuối như mình. Người ấy sẽ sống trong sạch, trong sạch từ bên trong. Chẳng những sống trong sạch, người ấy luôn luôn là tác nhân hòa giải, xóa bỏ hận thù giữa người với người. Giữa một xã hội băng hoại, tội lỗi, cả đời đục mà một mình ta trong như thế dĩ nhiên người ấy sẽ gặp khó khăn. Người đó sẽ bị bách hại vì làm điều tốt, nhưng ngay cả trong bách hại, khó khăn đó, người ấy vẫn kinh nghiệm hạnh phúc vì biết rằng phần thưởng cuối cùng, ở cuối đường, đó mới là điều quan trọng.

Đối với con người, những điều Chúa Giê-xu gọi là phước lành thấy như mâu thuẫn, nghịch lý vì làm sao có thể hạnh phúc được với nghèo khổ, than khóc hay bị bách hại. Nhưng một lần nữa, chúng ta phải nhìn phía bên kia hay là kết quả của những điều nầy. Những kết quảù đó là nước thiên đàng, là được an ủi, là thừa hưởng gia sản, là được no đủ, là được thấy Đức Chúa Trời, được gọi là con Đức Chúa Trời. Chúng ta cần nhìn phần sau của những hạnh phúc nầy để sẵn sàng ý thức tình trạng nghèo khổ tâm linh của mình, ăn năn tội, sống khiêm nhu, sống thương xót, sống trong sạch, sống hài hòa, sống sẵn sàng chịu khổ.

Chúng ta chúc Tết cho nhau nhưng lời chúc có thành sự thật hay không là việc khác. Nhưng dù cho lời chúc trở thành sự thật đi nữa thì phú quý thọ khang ninh rồi cũng sẽ qua. Trong khi đó nước thiên đàng, sự an ủi, gia sản của Chúa, no đủ và sự hiện diện của chính Chúa trong đời sống là điều không bao giờ tàn phai. Như vậy, thay vì chúc Tết, chúng ta hãy cùng nhau sống với những lời dạy nầy của Chúa để kinh nghiệm hạnh phúc thật trong Năm Mới. Thánh Phan-xi-cô đã kinh nghiệm điều nầy nên ông nói:

Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh,

Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân,

Chính khi thứ tha là khi được tha thứ,

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời!

Đây không còn là nghịch lý nữa nhưng là chân lý mà chỉ những ai thực hành mới có thể kinh nghiệm.

Quý vị vẫn còn đang đi tìm Ngũ Phúc của trần gian hay tìm đến với Bát Phúc của Thiên Chúa? Hãy tiếp nhận phúc lành của Chúa bằng cách vâng theo lời dạy của Ngài trong Tám Mối Phúc Thật và quý vị sẽ kinh nghiệm hạnh phúc thật trong Năm Mới và suốt cả cuộc đời.

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

http://tinlanh.org/wp/batphuclammon/

*** Sau khi đọc bài này, nếu bạn thấy lòng mình cảm động và được thúc giục tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, thì xin bạn thành tâm cúi đầu cầu nguyện với Chúa như sau:

” Kính lạy Đấng Tạo Hóa, con biết con là người có tội. Con đã xa cách Chúa, sống theo đường lối và ý riêng mình. Hiện con đang đi trên đường dẫn đến sự hình phạt đời đời. Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã đến trong thế gian, chịu chết thay cho con để đền tội con trên thập tự giá. Giờ đây, con quyết tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của con, xin Chúa tha tội cho con và tiếp nhận con làm con cái yêu dấu của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Giê-su, Amen.”

www.vietchristian.com/niengiam/