Cách đây gần 2.000 năm, có một môn đồ của Chúa tên là Thô-ma, khi nghe các sứ đồ báo tin Chúa Giê-xu sống lại, ông đã không thể nào tin nổi, làm sao mà một người chết có thể sống lại được?

Ông đã thắc mắc, nghi ngờ,… và cuối cùng ông tuyên bố: “Nếu tôi không thấy dấu đinh trong bàn tay Ngài, và nếu tôi không đặt bàn tay nơi sườn Ngài, thì tôi không tin! ”. Tám ngày sau, Chúa Giê-xu phục sinh lại hiện ra giữa các môn đồ. Ông Thô-ma sau khi nhìn thấy Chúa đã hiểu ra mọi sự và kêu lên: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi! ”. Tiếng kêu đó đã thể hiện một đức tin tuyệt đối, không còn chút nghi ngờ.

Nhiều người ngày nay cũng vậy, thỉnh thoảng vẫn còn thoáng lên trong lòng một vài thắc mắc, nghi ngờ về Tin Lành, về giáo lý, về nếp sống đạo,… nhưng lại ngại ngùng không dám nói lên những nghi ngờ của mình, để rồi ảnh hưởng đến đức tin nơi Chúa. Thật ra sự nghi ngờ không có gì sai cả, vì nghi ngờ không có nghĩa là vô tín, nhưng chỉ là thắc mắc về những gì mình chưa biết chắc mà thôi. Khi những thắc mắc ấy được sáng tỏ thì đức tin sẽ tăng trưởng như đức tin của Thô-ma ngày xưa vậy.

Những câu hỏi và giải đáp sau đây nhằm mục đích giúp cho quý vị giải toả phần nào những thắc mắc trong lòng, để rồi an tâm đặt niềm tin mình vào Chúa Cứu Thế Giê-xu một cách vững chắc.
Nhưng có một điều rất quan trọng mà quý vị cần biết, ấy là nếu ngày trước Chúa Giê-xu đã nói với Thô-ma: “Vì ngươi đã thấy ta, nên ngươi tin. Phước cho những kẻ chẳng từng thấy mà đã tin vậy ”. Không phải Chúa bảo phải tin một cách mù quáng, nhưng Ngài muốn nhắc cho chúng ta biết rằng con người là hữu hạn. Chúng ta không thể nào hiểu hết về Chúa, về thế giới Ngài tạo dựng và về những gì Ngài dạy. Cũng như vào ban ngày chúng ta không thể nhìn thấy các ngôi sao, nhưng không vì thế mà chúng không hiện hữu. Chúng ta không thấy vì mắt chúng ta bị hạn chế, không thể nhìn được các ngôi sao trong ban ngày mà thôi. Cũng một lẽ ấy, Chúa là Đức Chúa Trời, nên có rất nhiều điều chúng ta chưa biết hoặc không thể biết về Ngài, nhưng không vì thế mà chúng ta cho rằng Ngài và chân lý của Ngài sai lạc.

Vì là người nên có những giới hạn trong việc nhìn và hiểu sự vật, do đó nếu quý vị vẫn còn những thắc mắc, chưa thoả lòng sau khi đọc cuốn sách này thì nên hiểu rằng chúng ta đang được nhắc nhở về giới hạn của con người (cả quý vị và chúng tôi).

Ước mong những câu hỏi và lời giải đáp đơn sơ sau đây sẽ giúp quý vị giải toả nhiều khúc mắc trong niềm tin, hầu cho đức tin thêm tăng trưởng, thêm vững chắc, để quý vị cũng thưa với Chúa như Thô-ma đã thưa: “Lạy Chúa tôi và Đức Chúa Trời tôi! ”.

Ý NGHĨA CỦA SỰ TIN CHÚA

Một người thành tâm cầu nguyện tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu thì hưởng được sự tha tội và ơn cứu rỗi, được trở nên con cái của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, bạn có biết chắc chắn tội lỗi mình đã được tha, linh hồn mình đã được cứu, và bảo đảm có được sự sống nơi thiên đàng vĩnh cửu, hay vẫn đang hồ nghi, lo sợ? Lời Chúa sẽ giúp bạn giải toả những nghi ngờ trên.

Trước nhất, tin Chúa Giê-xu không có nghĩa là bạn chỉ tin có Chúa bằng lý trí, vì ma quỷ cũng tin có một Đức Chúa Trời và run sợ Ngài (Gia co 2:19). Tin Chúa không có nghĩa là ai bạn cũng tin hết: Chúa cũng tin, Phật cũng tin, hoặc thần nào cũng tin. Không thể tin theo kiểu uống thuốc bổ, vì nghĩ rằng uống thuốc bổ vào thì không bổ bề dọc cũng bổ bề ngang. Nhiều người đã quan niệm sai: “Thần nào cũng muốn cứu giúp người phàm, cho nên ai tôi cũng tin hết! Vị này không cứu thì cũng có vị kia độ, chứ đâu có thiệt thòi gì!”. Bạn cũng không thể tin theo suy nghĩ thông thường là đạo nào cũng tốt, đạo nào cũng dạy làm lành lánh dữ. Bởi đâu phải đạo nào cũng cứu rỗi được linh hồn bạn sau khi bạn qua đời.

Tin Chúa cũng không có nghĩa là bạn phải nhìn thấy Chúa rồi mới tin, hoặc chỉ tin khi chính mắt thấy được phép lạ nào đó rồi tin vào phép lạ. Ma quỷ cũng làm được một số phép lạ và nó cũng giả làm thiên sứ sáng láng để lừa gạt lòng người tin theo bất cứ những gì khác ngoài ra tin Chúa Giê-xu. Cảm xúc và tâm trí bạn có thể bị đánh lừa! Lòng thành đến đâu cũng vô ích nếu đức tin đặt sai đối tượng, vào những thần hư không, lừa dối. Tin Chúa cũng không có nghĩa là tin cho có hoặc tin để cầu may, hay là để được phước đời này, khi hết phước, hết may mắn thì hết tin.

Vậy tin Chúa Giê-xu thật sự là gì?

Tin Chúa nghĩa là trước hết bạn phải nhận biết mình là người có tội trước mặt Đức Chúa Trời thánh khiết. Nhận biết số phận mình đáng chết mất và không hy vọng gì tự cứu lấy mình bằng những việc công đức, bố thí, làm lành, hoặc cậy sức riêng tu trì. Chỉ còn biết ngửa trông, tin cậy vào ơn thương xót của Chúa để linh hồn được cứu khỏi chốn tuyệt vọng, chết mất đời đời. Kinh Thánh chép: “Vả, ấy là nhờ ân điển, bởi đức tin mà anh em được cứu, điều đó không phải đến từ anh em, bèn là sự ban cho của Đức Chúa Trời ”.

Tin Chúa thật sự nghĩa là bạn bằng lòng quyết định công khai tin và nhận Chúa Giê-xu vào lòng, mời Ngài làm Chủ đời sống mình. Tin vào dòng huyết của Ngài đã đổ ra trên thập tự giá đặng tha thứ tội lỗi của chính bạn, nhờ đó linh hồn bạn được cứu, và chắn chắn có được sự sống nơi thiên đàng vĩnh cửu.

Điều gì xảy ra ngay sau khi bạn tin nhận Chúa?

Sau khi bạn tin nhận Chúa Giê-xu thật sự, bạn sẽ được tái sinh bởi quyền phép của Đức Thánh Linh. Nghĩa là bạn được sinh ra trong gia đình của Đức Chúa Trời, trở nên con cái của Chúa và là công dân của Nước Trời (Giang 1:12). Bạn được Chúa tha thứ hết mọi tội lỗi và ban cho sức sống mới mãnh liệt, lòng quyết tâm vâng lời Chúa, cậy quyền năng Đức Thánh Linh để đắc thắng tội lỗi và bản ngã (Galati 5:24-25). Bạn biết sống yêu thương mọi người, quan tâm đến linh hồn của những tội nhân đang hư mất cần được Chúa cứu rỗi.

Đức Chúa Trời xoá đi bản án tội lỗi của bạn bấy lâu nay, đặng xưng bạn là công chính, nhưng Ngài không cất đi bản tánh xác thịt trong bạn. Là con người mới trong Chúa Giê-xu, bạn vẫn còn ý chí tự do lựa chọn giữa đòi hỏi của xác thịt và bản tánh thiêng liêng. Vì thế, bạn sẽ còn phạm tội với Chúa, còn có thể trở lại nếp sống cũ. Cho nên, mỗi ngày bạn phải nhờ sức Chúa để chiến đấu và đắc thắng con người xác thịt cũ còn trong bạn cho đến khi nào ý muốn xác thịt hoàn toàn bị tê liệt. Và có một điều chắc chắn xảy đến khi bạn tin Chúa thật lòng, ấy là thái độ của bạn đối với tội lỗi sẽ được thay đổi, bạn sẽ thấy ghét tội và không còn vui thích với tội lỗi. Ngộ nhỡ phạm tội với Chúa, lòng của bạn sẽ thấy bị ray rứt, khó chịu vô cùng, chính Đức Thánh Linh cáo trách, giúp bạn ăn năn tội, quay trở lại với Chúa và cam kết không phạm tội đó nữa.

Sau khi tin nhận Chúa, Đức Thánh Linh ngự trong lòng sẽ biến đổi đời sống bạn mỗi ngày, và quá trình thánh hoá này sẽ liên tục mãi cho đến ngày bạn gặp Chúa (Philip 1:6).
Thấu hiểu những ý nghĩa trên, bạn sẽ hưởng được sự bình an trong tâm hồn, bởi biết chắc mọi tội lỗi trong quá khứ đã được bôi xoá, mọi lỗi lầm hằng ngày cũng sẽ được Chúa thứ tha khi chúng ta ăn năn xưng tội với Ngài. Điều quan trọng hơn cả là giờ này bạn phải tin chắc rằng mình đã có một chỗ nơi thiên đàng.

ĐẠO TIN LÀNH

1. TIN LÀNH LÀ GÌ?

Tin Lành có nghĩa là “tin tức tốt lành ”.

Kinh Thánh chép rằng: “Theo như đã định cho loài người: Phải chết một lần rồi chịu phán xét ” (Heboro 9:27). Cho nên sống ở trên đời, có những tin lành (dẫu rằng lành ít dữ nhiều) đem đến những khoảnh khắc vui vẻ hạnh phúc, nhưng lương tâm ai cũng lo sợ đến sự phán xét ở đời sau. Mọi người đều chờ mong một tin lành có thể mang lại phước hạnh cả đời này lẫn đời sau.
Trong đêm Đức Chúa Giê-xu giáng sinh, thiên sứ đã loan báo tin: “Ta báo cho các ngươi một tin lành , sẽ là một sự vui mừng lớn cho muôn dân, ấy là hôm nay tại thành Đa-vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là Christ, là Chúa ” (Luca 2:10-11).

Đức Chúa Giê-xu giáng sinh, ấy chính là tin lành đích thực duy nhất mà con người mong chờ, bởi vì Ngài phán: “Ai tin Ta thì được sự sống đời đời; Ai không chịu tin Ta thì chẳng thấy sự sống đâu, nhưng cơn thạnh nộ của Đức Chúa Trời vẫn ở trên người ấy ” (Giang 3:36).

Loan báo cho đời tin tức tốt lành về Đấng Cứu Thế, để ai tin nhận Ngài được thoát khỏi sự hư mất, ấy là công việc của những người đã hưởng sự cứu rỗi.

Từ ngữ Tin Lành cho người ta biết rằng người Tin Lành có sự cứu rỗi, và nhắc nhở chúng ta trách nhiệm phải rao truyền Tin Lành đó cho người khác.

2. TIN LÀNH CÓ PHẢI LÀ MỘT TÔN GIÁO KHÔNG?

Có hai phương diện cần lưu ý ở đây:

1. Phương diện tổ chức:

Ta phải hiểu rằng khi nào có một nhóm người cùng sinh hoạt và làm việc chung với nhau thì cần phải có tổ chức. Vì vậy, những người Tin Lành ở trong một tổ chức, nơi đó rao giảng giáo lý về ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Giê-xu. Đó là ý nghĩa của từ tôn giáo.

2. Phương diện tín lý:

Roma 1:16 giải thích Tin Lành là quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin. Ngay hai chữ Tin Lành (tin tức tốt lành) cũng nói lên ý nghĩa Tin Lành không phải là một tôn giáo.
Chúng ta rao giảng Tin Lành, không phải mời người khác vào tổ chức Tin Lành, bèn là mời họ tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Giê-xu. Sau khi tin Chúa Giê-xu, thì nên gia nhập vào Hội Thánh Tin Lành để học hỏi thêm về Chúa, về giáo lý và củng cố niềm tin.

3. TÔN GIÁO NÀO CŨNG DẠY LÀM LÀNH LÁNH DỮ, ĐƯA RA NHỮNG PHƯƠNG CÁCH GIÚP CHO CON NGƯỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC HƠN. TIN LÀNH CŨNG VẬY THÔI.

Nhận định trên đúng cho tất cả các tôn giáo khác trừ Tin Lành, vì Tin Lành không dạy cách để con người sống đạo đức mà ngược lại, Tin Lành tuyên bố con người không thể nào dùng sức riêng của mình để sống đạo đức được. Con người hoàn toàn thất bại khi cố gắng sống đạo đức, càng cố gắng càng thấy mình tệ hơn.

Một Thánh nhân đã nói trong Kinh Thánh: “Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn, vì tôi không làm điều mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn ”. Và Thánh nhân này kết luận: “Ví bằng tôi làm điều không muốn, ấy chẳng phải tôi làm điều đó nữa, nhưng là tội lỗi ở trong tôi vậy ” (Roma 7:18-20).

Không có một phương cách nào giúp cho con người tự mình sống đạo đức được cả, kể cả “theo đạo Tin Lành”, vì tôn giáo không cứu được con người.

Chúng ta là những con người tội lỗi, và cả thế giới nầy cũng không có một ai sống đạo đức toàn hảo cả như Kinh Thánh chép: “Chẳng một người công bình nào hết, dẫu một người cũng không ” (Roma 3:10). Rất nhiều phương cách được đưa ra để giúp con người sống đạo đức hơn, nhưng vì tội lỗi đã ở trong bản chất của con người nên trước mặt Đức Chúa Trời mọi cố gắng đó cũng chỉ như là một chiếc áo nhớp nhúa tội lỗi mà thôi (Esai 64:6).

Để giải quyết cái gốc tội lỗi đó, Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, phải đến trần gian chịu chết đền tội cho con người, rồi Ngài đã sống lại từ trong kẻ chết để đảm bảo giá trị đền tội.

Kinh Thánh phán: “Thật vậy, khi chúng ta còn yếu đuối, Đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội ”. Do đó, đối với người tin nhận Chúa Giê-xu là Đấng chịu chết cho cá nhân mình, thì Kinh Thánh phán: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác ” (IGiang 1:9).

Vì vậy cách duy nhất để có thể sống đạo đức là tin và tiếp nhận Chúa Giê-xu vào lòng để Ngài sống trong chúng ta. Ngoài cách tin nhận Chúa Giê-xu thì không còn bất kỳ phương cách nào khác.

4. THEO ĐẠO TIN LÀNH CÓ PHẢI LÀ BỎ ÔNG BỎ BÀ KHÔNG?

Đa số người Việt Nam quan niệm rằng Đạo Tin Lành là Đạo bỏ Ông bỏ Bà. Thành kiến này do hiểu lầm cách thức người Tin Lành bày tỏ lòng hiếu thảo với tổ tiên, cha mẹ đã khuất, không giống với những hình thức thông thường của người chịu ảnh hưởng Tam giáo (Phật – Lão – Nho), nghĩa là không nhang đèn, không bàn thờ, không giỗ kỵ.

Thật ra, tin Chúa mới đáng gọi là hiếu kính. Điều răn thứ 5 trong 10 điều răn Chúa dạy: “Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất ” (Xuat 20:12). Luật pháp xử tử những ai mắng cha chưởi mẹ (Leviky 20:9). Chính Chúa cũng cấm những ai hầu việc Ngài thế cho sự hiếu thảo (Mac 7:10-12).

Về sự hiếu thảo thì loài người chưa có một tiêu chuẩn chung làm mực thước. Ví như bên kia rặng Hy-mã-lạp-sơn, một sắc dân ngày xưa, khi ông bà cha mẹ đến 60 tuổi là con cháu đưa lên cây cao, rồi chặt cho cây ngã xuống chết, họ cho đó là sự hiếu thảo. Về điều đó chúng ta nghĩ sao? Với những nước Tây phương, họ không có bàn thờ để thờ tự như người Á đông, chẳng lẽ tất cả họ đều bất hiếu? Mà sao họ lại giàu có văn minh như vậy, còn đa số người Á đông chúng ta lại làm sự đó để gọi là hiếu, để ông bà “phù hộ” lại nghèo nàn, lạc hậu.

Chúng ta suy nghĩ gì khi cổ nhân nói lên sự thật: “Sống không cho ăn, chết làm cỗ, làm văn tế ruồi ”. Hay khi đặt lên bàn thờ những hoa quả bằng nhựa để cúng thì có thể gọi là hiếu được không? Và thờ cúng ông bà thì đến bao nhiêu đời là đủ? Có người quan niệm được bao nhiêu hay bấy nhiêu, có người khác thì chừng ba hay bốn đời, còn trên nữa thì có chỗ khác lo!!!

Quan niệm biết ơn người có công sinh thành dưỡng dục là điều đúng, nhưng nên nhớ rằng tất cả mọi người trải qua các đời đều do Đức Chúa Trời dựng nên, và ban cho sự sống, nên chỉ thờ phượng một mình Ngài là đủ. Chúa cấm liên hệ đến người đã chết (Esai 8:19).

Quan niệm hiếu thảo của Cơ Đốc giáo như sau: khi ông bà cha mẹ còn sống thì phải lo cho tròn phận sự làm con; nếu cha mẹ chưa tin Chúa Giê-xu thì điều cần thiết nhất là khuyên lơn người tin Chúa để được cứu rỗi linh hồn; khi cha mẹ qua đời thì phải lo chôn cất đàng hoàng tử tế. Trong cuộc sống, phải sống đạo đức, chân thật với dòng họ, với mọi người, để dòng họ không bị tiếng xấu mà ô danh.

5. “HỮU XẠ TỰ NHIÊN HƯƠNG”. NẾU ĐẠO TIN LÀNH LÀ TỐT, LÀ ĐÚNG, THÌ TỰ NHIÊN NGƯỜI TA TÌM ĐẾN, CẦN GÌ PHẢI QUẢNG CÁO HAY TRUYỀN GIẢNG?

Đúng, vật tự nhiên thơm, thì không cần quảng cáo cái thơm. Tuy nhiên, để cho người khác biết thơm, thì phải đem cái vật thơm đó cho người ấy ngửi.

Cũng vậy, Tin lành nếu không giảng, không nói ra thì thể nào người ta có thể nghe, hiểu và tin nhận. Một câu chuyện hay, một một phương thuốc tốt, một tin tức quan trọng,… sẽ chẳng có ích lợi cho người nào nếu không ai biết đến nó. Và người ta chỉ nghe được Tin Lành khi những người đã tin Chúa loan báo. Vì vậy, người Tin Lành không quảng cáo đạo Tin Lành là tốt lành, bởi ngay hai chữ “TIN LÀNH” cũng đầy đủ mùi thơm, nhưng chúng ta rao giảng ấy là để mọi người hiểu được mình đang cần một tin tức tốt lành như vậy.

Nói với thân hữu của chúng ta: Bây giờ Tin Lành là “mùi thơm” đến với bạn, bạn có thấy “thơm” không? Có gì trở ngại khiến bạn chưa nhận “mùi thơm” Tin Lành.

Cũng xin nhắc các tín hữu, ngoài những lời làm chứng về sự cứu rỗi cho người khác, chúng ta phải có đời sống xứng đáng mà qua đó thiên hạ có thể nhận biết chúng ta là môn đồ Chúa. Hãy “rải mùi thơm về sự nhận biết Ngài khắp chốn ” (ICor 2:14).

6. TẠI SAO NGƯỜI TIN LÀNH HAY LÔI KÉO VÀ DỤ DỖ NGƯỜI KHÁC NHẬP ĐẠO CỦA MÌNH VẬY?

Từ “lôi kéo” hay “dụ dỗ” là cách mà nhiều người lên án khi nghe Tin Lành, mà Kinh Thánh cho biết họ bị “chúa đời nầy (ma quỷ) đã làm mù lòng họ, hầu cho họ không trông thấy sự vinh hiển chói lói của Tin Lành Đấng Christ, là ảnh tượng của Đức Chúa Trời ” (ICor 4:4).

Để gọi là “lôi kéo” hay “dụ dỗ” thì hành động đó phải nhằm một lợi ích cá nhân. Trong khi đó, việc rao báo Tin Lành không chiếm đoạt điều gì từ người nghe, trái lại còn đem đến cho họ sự cứu rỗi, phước hạnh cho cả đời này lẫn đời sau. Vậy nên, việc rao giảng Tin Lành chính là sự chia sẻ, là nghĩa cử tình thương.

Hơn nữa, người Tin Lành không kêu gọi người khác gia nhập vào Đạo, hay một tổ chức tín hữu, bởi như đã nói, chỉ một mình Đức Chúa Giê-xu mới cứu được con người, và Ngài chỉ cứu những ai tiếp nhận Chúa một cách thật lòng.

Thưa quý vị tín hữu, người đời có thể cho rằng chúng ta đang “dụ dỗ” hay “lôi kéo” người khác gia nhập đạo. Nhưng tự trong lòng mình phải biết rõ ràng Tin Lành mà chúng ta đã nhận lấy là Tin Mừng mà không thể nào giấu kín trong lòng, bắt buộc phải chia sẻ điều đó cho những người chưa biết. Đó là nếp sống, sự phát triển tự nhiên trong niềm tin của người tín hữu. Cũng cần phải biết rõ ràng phần thưởng của những kẻ dắt đem nhiều người về với Chúa là lớn lắm.

7. TIN THEO TIN LÀNH, PHẢI LÀM NHỮNG GÌ?

Nhiều người thường nghĩ rằng “Tin theo Tin Lành” nghĩa là tin để làm lành, chúng ta cần phải xác định rõ ràng Tin Lành là một tin tức tốt lành, là “quyền phép của Đức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin ”. Vậy, “Tin theo Tin Lành” không có nghĩa là theo một hình thức tôn giáo, mà là tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa cho cá nhân mình.

Xác định như vậy, ta sẽ thấy rằng không cần bàn thờ, không cần của lễ, mà chỉ cần lấy đức tin tiếp nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, mời Ngài ngự vào lòng mình. Bằng cách thưa chuyện trực tiếp với Chúa, một cách chân thành, hết lòng.

(Đại ý: “Kính lạy Chúa, con biết Chúa yêu thương con, đã đến trần gian làm người chịu chết đền tội cho con. Bây giờ con xin ăn năn tội của con bao nhiêu năm qua không thờ phượng Ngài. Con quyết định tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của con. Xin Chúa tha tội cho con, đổi mới đời sống con, ngự vào lòng con làm Chủ và dẫn dắt con đến khi con gặp Chúa. Xin dạy con biết chia sẻ tình thương này cho nhiều người xung quanh con. Con cầu nguyện nhân danh Đức Chúa Giê-xu. A-men ”)

Chúa sẽ đoái xem và nhậm lời cầu nguyện của mình, nhận ta làm con Ngài và và ban một sự sống phong phú, mới mẻ trong Chúa.

Sau khi tiếp nhận Chúa, trở nên con cái Ngài, chúng ta nên đến một nhà thờ Tin Lành gần nơi mình ở để cùng với anh em chung niềm tin thờ phượng Chúa, học hỏi Lời Chúa để mỗi ngày một kinh nghiệm Chúa nhiều hơn.

8. THEO ĐẠO TIN LÀNH CÓ ĐƯỢC GIÚP ĐỠ GÌ KHÔNG?

Một người tin Chúa với đức tin chân thật sẽ được hai nguồn giúp đỡ:

1. Từ anh em trong Hội thánh:

Khi tin Chúa Giê-xu, chúng ta trở nên con cái của Đức Chúa Trời, là anh em với những người tin Chúa trong Hội Thánh như trong một gia đình. Từ sự yêu thương đó, khi có những vui buồn, ta có thể được những anh em trong Chúa an ủi chia sẻ. Khi có những nan đề, ta sẽ được anh em cầu thay cho. Về phương diện vật chất, tuy rằng thỉnh thoảng có giúp, nhưng đó không phải mục đích của Hội Thánh, và thiết tưởng đó cũng không phải là mục đích để chúng ta tin nhận Chúa. Sự giúp đỡ vật chất chỉ là do yêu thương, do tự nguyện. Thêm một điều nữa, vì Chúa dạy yêu thương lẫn nhau, nên khi tin Chúa, ta cũng có bổn phận giúp đỡ người khác thay vì chờ người khác giúp đỡ mình.

2. Sự giúp đỡ từ Chúa:

Điều quan trọng là người tin Chúa sẽ được Đức Chúa Trời giúp đỡ, vì là con của Đức Chúa Trời. Kinh Thánh nhiều lần xác nhận như vậy (Thi Tv 23:1-6 và 121:1-6).

Lời Chúa dạy: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm mọi điều ấy nữa ” (Mat Mt 6:33). Nghĩa là ta phải hết lòng tìm kiếm cho được Chúa trước, thì mọi nhu cầu Chúa sẽ lo liệu chu tất. Bằng chẳng, ai tin Chúa vì mục đích mưu tìm vật chất, những sự trợ giúp,… thì chẳng thể nào gặp Chúa và cuối cùng sẽ mất hết cả hai (ICo1Cr 15:19).
Tóm lại, chúng ta chỉ nên quan tâm đến một điều quan trọng hơn hết ấy là linh hồn của mình, với những ai tin Chúa Giê-xu thật lòng, thì chắc chắn linh hồn sẽ được cứu rỗi. Chúa lại phán: “Ta đã đến, hầu cho chiên được sự sống, và được sự sống dư dật ” (GiGa 10:10). Nghĩa là chẳng những Chúa ban sự sống đời đời vinh hiển nơi thiên đàng, mà Ngài cũng hứa giúp đỡ cho ta một cuộc sống dư dật ở đời tạm này. Hãy đặt trọn niềm tin nơi Chúa, vì người nào nhờ cậy nơi Ngài thì được bình an vô sự (Thi Tv 91:1-16).

9. CÓ THỂ VỪA TIN CHÚA VỪA THEO CÁC TÔN GIÁO KHÁC ĐƯỢC KHÔNG?

Ta có quyền tìm hiểu nhiều tôn giáo cùng một lúc, để tìm biết cái đúng cái hay của mỗi tôn giáo. Nhưng nếu muốn được cứu rỗi, muốn được tha thứ tội lỗi, muốn được làm con Đức Chúa Trời thì chỉ có một cách duy nhất là tiếp nhận Đức Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của đời sống mình, chỉ một mình Ngài mà thôi. Vì chúng ta cần phải biết rõ:

1. Các tôn giáo đều chỉ giúp con người biết cái sai trật của mình và có những lời khuyên bảo, nhưng không có tôn giáo nào cứu được con người. Khổng Tử nói: “Hoạch tội ư thiên, vô sở đảo giả ” (nghĩa là: Phạm tội với Trời thì không thể cầu khẩn nơi nào ).

2. Kinh Thánh khẳng định, ngoài Đức Chúa Giê-xu không có sự cứu rỗi nào khác (Cong vu 4:12). Ngài phán: “Ta là đường đi, chân lý và sự sống; Chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha ” (Giang 14:6). Xin khẳng định với bạn rằng ngoài Chúa Giê-xu ra thì chưa có một ai, một giáo chủ nào tuyên bố rằng chính mình là chân lý cả.

Vậy thì thử hỏi, nếu bạn đã tìm ra đúng thứ thuốc có thể chữa lành bệnh cho mình thì có cần phải uống thêm tất cả mọi thứ thuốc khác cho chắc ăn không? Đó là một điều vô cùng nguy hiểm. Còn nếu bạn vẫn thật sự chưa an tâm vào những gì bạn đang tin, hãy phó thác niềm tin của mình cách trọn vẹn nơi Chúa, bạn sẽ thôi nghi ngờ, Ngài sẽ ban cho ta sự bình an thật, “sự bình an chẳng phải như thế gian cho ” (Giang 14:27).

10. TẠI SAO CÓ ÍT NGƯỜI THEO ĐẠO TIN LÀNH?

Thật ra tính chung trên thế giới thì số người theo Tin Lành là một con số khá lớn, nhất là tại các nước tiên tiến. Riêng tại Việt Nam, có hai lý do có ít người theo Tin Lành:

1. Lý do từ con người:

– Tin Lành bị hiểu lầm là Đạo bỏ ông bỏ bà (xem câu số 4).

– Vì cách sống của người Tin Lành theo Lời Chúa dạy là tỏ ra sự công bình, thánh khiết, yêu thương, nghĩa là phải có đức tin thật đặt nơi Chúa Giê-xu, để quyền năng Chúa tái tạo nên một người mới, thoát lốt người cũ, là người: “gian dâm, ô uế, luông tuồng thờ hình tượng, thù oán, tranh đấu, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống… ” (Galati 5:19-21). Trong khi đó bản tánh của con người tự nhiên thường đề kháng chống lại, không chịu như vậy (Roma 7:21).

– Do tôn giáo mà họ đang theo thường tạo một áp lực trong các cộng đoàn tôn giáo tập trung, nên một người Việt Nam tin Chúa theo Tin Lành hay bị gây khó khăn. Nếu một người không có đức tin thật nơi Chúa, thì khó giữ được đức tin trước những áp lực đó.

– Do cách truyền đạo của người Tin Lành: chỉ lấy tình yêu thương giải thích, khuyên mời, không muốn người mê tín, hay tin để được một thứ vật chất tạm trên đất, Đạo Chúa cũng không thoả mãn lòng tham muốn của dục vọng con người.

– Cũng có thể do sự thiếu tích cực của người đã theo Tin Lành.

2. Lý do từ ma quỷ:

Nên biết rằng, người tin Chúa Giê-xu, theo Tin Lành là người được thoát khỏi quyền lực quỷ Sa-tan mà đến với Đức Chúa Trời (Cong vu 26:18). Do đó nó sẽ không dễ dàng để người đã vốn thuộc về nó trở về thờ phượng Đức Chúa Trời Chân Thần, là Cha yêu thương. Ma quỷ sẽ tìm đủ mọi cách trong quyền lực tối tăm của nó để ngăn cản. Nếu người nào không quyết tâm nhờ Chúa, tin Chúa thì sẽ cứ thờ lạy nó.

Sự kiện ít người nhận được sự cứu rỗi cũng đã được Chúa Giê-xu nói đến: “Hãy vào cửa hẹp, vì cửa rộng và đường khoảng khoát dẫn đến sự hư mất, kẻ vào đó cũng nhiều. Song cửa hẹp và đường chật dẫn đến sự sống, kẻ kiếm được thì ít ” (Mathio 7:13-14).

Thưa bạn, là người đã hiểu Tin Lành của Đức Chúa Trời, bạn là người không tin mù quáng, không sống theo tiêu chuẩn đông người, Chúa kêu gọi bạn: “Hãy vào cửa hẹp để được sự sống ”.

ĐỨC CHÚA TRỜI

11. ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ AI?

Đức Chúa Trời chẳng phải là trời, chẳng phải là đất, chẳng phải lý, chẳng phải khí, chẳng phải tánh, chẳng phải người, chẳng phải vật chẳng phải quỷ thần, chẳng phải là bất cứ điều gì mà con người suy nghĩ. Bởi Ngài là Đấng Tạo Hoá dựng nên trời, đất, muôn vật và loài người. Ngài làm Chúa của muôn dân, Vua của muôn vua, không đầu tiên, không cuối cùng, Toàn năng, Toàn tri, Toàn tại, Trọn lành, Chí tôn, không ai sánh kịp.

Thiết nghĩ: con có cha, nhà có chủ, sông có nguồn, cây có cội, thân thể có đầu… Nếu con không có cha, bởi ai sanh dưỡng? Nhà không có chủ, lấy ai trông coi? Không có nguồn đâu thể có sông. Cây không rễ, ắt phải khô héo. Thân thể không đầu, làm sao sống được. Cũng vậy, nếu không có Đức Chúa Trời, ắt cũng không có trời đất, loài người và muôn vật. Người khôn ngoan thì xem ngọn biết gốc, xét lý lẽ biết nguồn cơn, nên hễ thấy trời, đất, muôn vật và loài người phải biết có một Đấng Tạo Hoá, tức là Đức Chúa Trời mà không còn nghi ngờ chi nữa.

12. ĐỨC CHÚA TRỜI SÁNG TẠO MUÔN VẬT, VẬY AI SINH RA ĐỨC CHÚA TRỜI?

Câu hỏi nầy mâu thuẫn ngay từ câu hỏi, vì Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá nên không thể có ai sinh ra Ngài được cả, nếu có ai sinh ra Đức Chúa Trời thì Đấng đó mới chính là Đức Chúa Trời. Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời là Đấng Tự có và Hằng có, chúng ta tất cả đều là tạo vật của Ngài, một tạo vật tôn thờ Đấng Tạo Hoá là điều tự nhiên và phải lẽ.

Vả, Đức Chúa Trời tạo dựng nên muôn vật, nếu bắt đầu từ muôn vật mà kể lên thì đến Đức Chúa Trời ấy là tột cùng, hết chỗ kể. Vậy, không thể hỏi là ai sinh ra Đức Chúa Trời. Ví như xem cây cối: hoa lá ra bởi nhành; nhành ra bởi thân cây; thân cây ra bởi rễ; rễ tức là cội của cây, cành, hoa, lá; không thể hỏi dưới rễ còn gì nữa. Cùng một lẽ ấy, Đức Chúa Trời như là rễ của cả cây, có lẽ nào còn hỏi rằng: Ai sinh ra Đức Chúa Trời?

Nay thử xét phổ hệ của loài người: Người sinh ta ra là cha mẹ; cha mẹ do ông bà sinh ra; ông bà được sinh ra bởi cố; cứ thế mà kể lên mãi đến ông kỵ, và đến cao cao tổ, viễn viễn tổ, ở đời thượng cổ, chắc không thể kể hết được. Rốt lại, phải chấp nhận rằng khi mới dựng nên trời đất, chắc chắn có một người nam và một người nữ, rồi lần lần sinh sản đông đúc thế này; người nam, người nữ ấy là nguyên tổ của loài người. Nguyên tổ ấy bởi ai sinh ra? Xin thưa, do Đức Chúa Trời tạo nên. Vậy thì Chân Thần không những là Cội Rễ của trời, đất, muôn vật, mà cũng là tổ tông của loài người; dường ấy ta phải kính thờ Ngài. Không nên tôn thờ một ai khác ngoài Đấng đã sáng tạo nên mình là Đức Chúa Trời.

13. ĐỨC CHÚA TRỜI CỦA NGƯỜI TIN LÀNH KHÁC VỚI CÁC THẦN CỦA CÁC TÔN GIÁO KHÁC NHƯ THẾ NÀO?

Nếu đã biết Đức Chúa Trời là ai, thì chúng ta sẽ thấy rằng, chẳng thể nào đem so sánh Ngài với bất cứ thần thánh của tôn giáo nào.

Đức Chúa Trời phán: “Ta là Đức Chúa Trời, chẳng có Chúa nào khác, Ta là Đức Chúa Trời, chẳng có ai giống như Ta ” (Esai 46:9). Bởi Ngài là Đấng Tạo Hoá muôn loài vạn vật, và trong đó con người chỉ là loài thọ tạo của Ngài, thì dẫu dù là một giáo chủ của tôn giáo nào, cũng chẳng thể đem so với Đấng dựng nên mình được. Hoặc với các thần khác do con người nghĩ ra như: Thần Gió, Thần Mưa,… thì đó cũng chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng mà thôi, làm sao ví sánh với Đấng đã tạo nên mọi sự vật hiện tượng ấy được. Hơn nữa, giáo chủ nào, thần thánh nào có thể hiện hữu để chúng ta so sánh với Đức Chúa Trời?

Sa-tan là kẻ đối địch với Đức Chúa Trời, tự nhắc mình lên cao hơn Đức Chúa Trời, nên đã bị quăng xuống nơi âm phủ, sa vào nơi vực thẳm (Esai 14:12-15). Chính Chúa Giê-xu đã phán cùng nó rằng: “Ngươi phải thờ phượng Chúa là Đức Chúa Trời ngươi, và chỉ hầu việc một mình Ngài mà thôi ” (Mathio 4:10).

Vậy nên chúng ta phải vui mừng vì Đấng mình đang thờ phượng là Đấng Chí cao, Chí đại. Sống trong Ngài thì không cần sợ bất cứ ai có thể cướp linh hồn chúng ta được (Giang 10:28). Lại cũng hãy mau nói cho mọi người để họ tiếp nhận Chúa và được cứu rỗi (Esai 45:22).

14. VŨ TRỤ RỘNG LỚN NHƯ THẾ, MUÔN VẬT NHIỀU VÔ KỂ, NẾU CHỈ CÓ MỘT ĐỨC CHÚA TRỜI THÌ LÀM SAO NGÀI CAI QUẢN NỔI?

Vũ trụ quả thật là vô cùng bao la rộng lớn và chứa đựng quá nhiều những sự vật, hiện tượng, nhưng nó chỉ quá lớn theo cái nhìn và suy nghĩ của con người. Trong khi đó, Đức Chúa Trời không như cách con người suy nghĩ về Ngài. Bởi như một cái đồng hồ chẳng thể nào hiểu được sự khôn ngoan của người kỹ sư đã tạo ra mình như thế nào, thì con người chúng ta chẳng thể nào đoán định hết sự khôn ngoan của Đấng đã tạo dựng nên mình. Sự khôn ngoan của Ngài chẳng phải như con người, bởi chính Chúa đã phán: “Ý tưởng Ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối Ta. Vì các từng trời cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối Ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng Ta cao hơn ý tưởng của các ngươi cũng bấy nhiêu ” (Esai 55:8-9).

Đối với con người trời đất là rộng lớn, nhưng đối với Đức Chúa Trời thì Ngài ví bầu trời chỉ như là ngôi và đất chỉ như là bệ chân của Ngài mà thôi (Mathio 5:34, 35). Vậy thì, đừng ai suy nghĩ rằng, Đức Chúa Trời chẳng thể nào cai quản đến từng chi tiết nhỏ nhất trên đời nầy. Bạn có tin không? Tóc trên đầu bạn cũng được Chúa đếm cả rồi (Mathio 10:30). Ví như người ta nói “chạy Trời không khỏi nắng ”, thì vua Đa-vít đã nói: “Tôi sẽ đi đâu xa Thần Chúa? Tôi sẽ trốn đâu khỏi mặt Chúa? ” (Thi Thien 137:7) bởi Chúa ở khắp mọi nơi. Ngài cũng ở trong tư tưởng và dò xét các ý định của chúng ta, thế nên phải cẩn thận giữ mình trong sạch cả bề trong lẫn bề ngoài.

Biết rằng, Đức Chúa Trời đang tể trị và cai quản muôn loài vạn vật, nên ta hãy giao trọn đời sống mình cho Chúa nắm giữ và sử dụng, tin chắc rằng khi ấy cuộc đời bạn sẽ ngập tràn phước hạnh.

15. TIN RẰNG CÓ ĐỨC CHÚA TRỜI KHI TA KHÔNG THỂ NHÌN THẤY NGÀI CÓ HỢP LÝ KHÔNG?

Nếu thấy được mới tin thì đó đâu phải là đức tin nữa. Và đức tin khi tin rằng có Đức Chúa Trời cũng không phải là đức tin mù quáng bởi trong thực tế cuộc sống, rất nhiều điều ta không thấy mà vẫn tin là có. Ví như ta không thấy các hoá chất cấu tạo nên viên thuốc nhưng bạn vẫn tin và uống thuốc khi bịnh; không thấy vi trùng nhưng vẫn tin có vi trùng; lại chẳng có ai bây giờ từng thấy Hai Bà Trưng nhưng vẫn tin rằng có Hai Bà Trưng qua lời chứng của lịch sử v.v…

Đức Chúa Trời đã làm người qua Chúa Giê-xu và hơn hai ngàn năm nay, những người sống chung với Ngài đã làm chứng lại tiếp nối cho đến ngày nay, nếu đã tin có Hai Bà Trưng thì chắc chắn ta cũng phải tin Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời làm người. Khi tin thì ta sẽ kinh nghiệm được sự thực hữu của Chúa qua đời sống của chính mình.

Lời Chúa dạy: “Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; Vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài ” (Heboro 11:6).

16. NGƯỜI TIN LÀNH NÓI ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC MỌI SỰ, VẬY NẾU TÔI THÁO BU-GI RA KHỎI XE, ĐỐ NGÀI ĐỀ ĐƯỢC CHO XE NỔ MÁY.

Vì Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá nên Ngài là Đấng Toàn năng, tuy nhiên vì là Đấng Toàn năng nên Ngài cũng là Đấng Khôn ngoan, vì vậy không bao giờ Ngài làm điều gì ngược lại với bản chất của Ngài cả. Ngài đặt ra quy luật và Đấng Khôn ngoan thì không tự phá quy luật của mình. Tuy nhiên tôi tin Đức Chúa Trời có thể đề cho xe không bu-gi nổ máy được, nhưng Ngài làm như vậy để làm gì? Chẳng lẽ Ngài là Đấng quyền năng, khôn ngoan mà lại làm theo lời khích bác của con người để làm những điều không vì một mục đích nào cả?

Kinh Thánh cho biết khi Chúa Giê-xu còn thi hành chức vụ trên đất, Ngài đã làm rất nhiều điều vượt lên trên quy luật thông thường, đó là những phép lạ như dẹp yên bão tố, làm cho người mù được sáng, người bại được đi, người chết sống lại… Tuy nhiên khi những nhà lãnh đạo tôn giáo giả hình thời đó yêu cầu Chúa cho xem phép lạ thì Ngài từ chối. Chúa chỉ làm phép lạ với một mục đích rõ ràng mà thôi, vì Ngài là Đấng Toàn năng Khôn ngoan.

Bạn cũng có thể kinh nghiệm được phép lạ lớn lao hơn cả việc đề chiếc xe không bu-gi nổ máy nữa, nếu như thật lòng tin và tiếp nhận Chúa Giê-xu vào lòng, bạn sẽ kinh nghiệm sự tha tội, được sống một cuộc đời hoàn toàn mới, đó chính là phép lạ lớn lao nhất mà không ai có thể làm được điều đó ngoài ra Đức Chúa Trời Toàn năng.

17. TẠI SAO ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG YÊU THƯƠNG MÀ LẠI CÓ NHỮNG NGƯỜI TẬT NGUYỀN, TẠI SAO NGÀI ĐỂ XẢY RA CHIẾN TRANH, THIÊN TAI, BỆNH TẬT, ĐAU KHỔ… VẬY NGÀI CÓ TOÀN NĂNG CHĂNG?

Kinh Thánh cho biết trước khi dựng nên con người, Đức Chúa Trời đã dựng nên một vũ trụ toàn hảo để phục vụ cho con người. Ngài cũng dựng nên con người toàn hảo và ban cho điều quý nhất không một sinh vật nào có là sự tự do. Ngài không dựng nên con người tật nguyền, cũng không dựng nên chiến tranh, thiên tai, bệnh tật hay đau khổ…, tất cả những điều đó là hậu quả của tội lỗi do chính con người tạo nên khi chống nghịch lại với Đức Chúa Trời. Con người không thể đổ thừa cho Đức Chúa Trời khi chính mình tạo ra những điều đó.

Tuy nhiên Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại, Ngài không muốn một ai bị chết mất, và Ngài đã chứng tỏ tình yêu ấy qua sự giáng sinh làm người của Chúa Giê-xu để gánh tội lỗi thay cho con người, chịu chết thế để con người được tha tội. Ai tin Chúa Giê-xu thì sẽ nhận được sự tha tội và sự sống đời đời.

Vậy thì ta đã rõ, những bệnh tật, đau khổ,… của cuộc đời này bày tỏ tình yêu thương lớn lao và quyền năng vô hạn của Đức Chúa Trời. Ai tiếp nhận Chúa thì hưởng được tình yêu thương và quyền năng biến đổi cuộc đời của Ngài.

Hãy hoà lòng với lời Thánh ca 211: “Dầu thân trên đất dồi dập, lao đao; Qua bao dặm dài, trải lắm đồi cao; Nhà xiêu vách nát, kèo cột lung lay; Giê-xu ngự vào hoá thiên cung ngay ”.
Nếu bạn đã thấy cuộc đời này là đau khổ, hoạn nạn với chiến tranh, thiên tai,… thì đừng nghi ngờ quyền năng hay tình yêu thương của Chúa, mà hãy chạy đến với Ngài bạn sẽ hưởng được những điều tốt lành mà Chúa vốn dành sẵn và muốn con người vui hưởng.

18. TẠI SAO CÓ NHỮNG NGƯỜI KHÔNG TIN CHÚA MÀ LẠI VẪN GIÀU CÓ SUNG SƯỚNG?

Cũng như những người không tin Chúa, có những tín hữu Tin Lành giàu có nhưng cũng nhiều người nghèo nàn, ấy là xét về phương diện tài sản vật chất. Đó là một thực tế, tuy nhiên có hai điều đáng nói, thứ nhất là giàu có không có nghĩa là sung sướng, bởi hạnh phúc chân chính không phụ thuộc vào giàu nghèo. Rất nhiều người giàu có đã tự tử trên đống tiền, cũng rất nhiều người nghèo xơ xác nhưng vẫn sống rất hạnh phúc. Thứ hai là mục đích của việc tin Chúa không phải để được giàu có về vật chất nhưng là để được tha tội và được cứu rỗi linh hồn. Người tin nhận Chúa sống thoả lòng trên đất nầy không phải vì giàu có nhưng vì được tha tội trong quá khứ, được thoát khỏi quyền lực của tội lỗi mà sống cuộc đời đắc thắng trong hiện tại, và được sống với Chúa đời đời trong tương lai.

Vật chất chỉ là phương tiện cho cuộc sống chứ không phải là cứu cánh của cuộc đời, người nào xem vật chất là mục đích sống thì người đó sẽ khổ sở vì đã dựa vào một nền tảng không bền vững. Hãy đặt niềm tin nơi Đức Chúa Trời là nền tảng không bao giờ thay đổi.

Kinh Thánh cho biết, người tin Chúa thật lòng thì sẽ nhận lấy “cơ nghiệp không hư đi, không ô-uế, không suy tàn ” (IPhiero 1:4). Và đây là lời chứng dành cho những kẻ thuộc về Chúa: “Trước tôi trẻ, rày đã già, nhưng chẳng hề thấy người công bình bị bỏ, hay dòng dõi người đi ăn mày ” (Thi Thien 37:25).

19. NGƯỜI ÁC Ở ĐỜI THƯỜNG LÀM HẠI NGƯỜI LÀNH; ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG CÔNG BÌNH, SAO NGÀI KHÔNG GIẾT HẾT NGƯỜI ÁC ĐỂ BÁO THÙ CHO NGƯỜI LÀNH?

Xem một bộ phim, ai cũng căm ghét nhân vật ác, và đều muốn thấy kẻ ác bị huỷ diệt càng sớm càng tốt. Nhưng với đạo diễn nào cũng vậy, số phận của kẻ ác luôn kéo dài và chỉ bị trừng phạt sau cùng, tuy nhiên điều đó cũng khiến mọi người thoả mãn. Nếu như kẻ ác chẳng bị tiêu diệt ắt mọi người sẽ vô cùng tức tối và giận dữ.

Cuộc đời cũng có nhiều kẻ ác, mà chúng ta nghĩ rằng họ không được phép hay xứng đáng sống thêm một giây phút nào. Đức Chúa Trời không nghĩ vậy, bởi Ngài là Đấng rất công bình, nhưng cũng rất nhân từ. Sự công bình muốn hình phạt, song sự nhân từ muốn tha thứ. Đức Chúa Trời không dung dưỡng tội ác, nhưng Ngài có lòng hiếu sinh, nên trời đất, muôn vật và loài người nhờ sự nhân từ của Ngài mà được dựng nên. Đức Chúa Trời lại có quyền thưởng, phạt. Ngày cuối, linh hồn mọi người chịu Ngài phán xét, ấy là lúc Ngài thi hành sự công bình. Chúa lấy sự nhân từ đãi người ta, có kẻ gian ác mà Ngài cũng khoan dung, cốt ý mong họ ăn năn, tin nhận Chúa Giê-xu, bỏ dữ làm lành, hầu cho linh hồn được cứu.

Thế mà nhiều người ác châm rễ trong tội quá sâu, dẫu có đạo thật dạy dỗ, đến chết cũng chẳng vâng theo, sau khi chết, Chúa bèn lấy sự công bình mà hình phạt họ. Nếu phạt người ác khi còn sống, e có hại cho người thiện. Vì nếu cha dữ mà sinh con lành, thì phạt cha ắt con mồ côi, đơn chiếc. Suy ra anh em, vợ chồng cũng vậy. Vì như nhổ cỏ thì hại đến lúa, chi bằng chờ khi lúa và cỏ lùng đều lớn lên, lúa thì “thâu trữ vào kho, còn cỏ lùng thì đốt trong lửa chẳng hề tắt ”.

Thưa bạn, cho đến ngày cuối cùng, Đức Chúa Trời cũng không vui khi kẻ ác phải chịu hư mất trong đường lối nó, nhưng nếu không ăn năn thì kẻ ác phải chịu hình phạt mà thôi, bởi Ngài là Đấng Công bình.

Vậy, đang khi Đức Chúa Trời còn bày tỏ sự nhân từ, ta hãy chạy đến với Ngài, biết sợ hình phạt của Ngài, mau mau tỉnh thức, ăn năn, tin Chúa Giê-xu để linh hồn được cứu rỗi đời đời. Lại chúng ta cũng hãy thương yêu linh hồn của những kẻ ác kia, giúp đỡ họ biết ăn năn, làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.

20. ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ CHĂM SÓC NGƯỜI CHƯA TIN KHÔNG?

Chẳng hề có người khôn ngoan, biết suy xét lý lẽ nào lại thốt lên rằng: Tôi sống chẳng cần sự chăm sóc của Đức Chúa Trời. Bởi người xưa có câu: “Tử sanh hữu mạng; Phú quí do Thiên ”, nghĩa là sự sống chết hay sang giàu trong đời người là do Trời quyết định. Con người có thể làm rất nhiều điều nhưng suy cho cùng phải thốt lên rằng: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên ”.

Trong khi có nhiều người ngoài miệng nói ra toàn những lời chống nghịch lại Chúa, tức là không tin có Trời, có Chúa, nhưng khi có hoạn nạn, tai ương như: bão lụt, hạn hán, sâu bọ tàn phá mùa màng,… thì nói là Thiên tai giáng xuống nơi nầy nơi nọ. Thật là cảnh trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, miệng nói không mà trong lòng nhận biết là có.

Hãy xem Đức Chúa Trời chăm sóc loài người trên địa cầu này như thế nào: chúng ta ăn mọi thức ăn của Trời ban, uống nước Trời cho, sống nhờ ánh sáng mặt trời, thở không khí Trời,… và hơn tất cả mọi điều ấy là Đức Chúa Giê-xu đã giáng sinh làm người, đến thế gian chịu chết đền tội để ban sự cứu rỗi cho nhân loại. Đức Chúa Trời chăm lo nhu cầu vật chất và cả nhu cầu tâm linh, Ngài quan tâm đến cõi đời này và Ngài cũng quan tâm đến cả đời sau.

Kinh Thánh chép: “Ngài khiến mặt trời mọc lên soi kẻ dữ cùng kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác ” (Mathio 5:45), bởi tất cả mọi người đều là tạo vật của Ngài. Nhưng ta phải cần biết một điều: “Thuận Thiên giả tồn, Nghịch Thiên giả vong ”, nghĩa là thuận ý Trời thì tồn tại, chống nghịch Trời sẽ bị diệt vong. Đời này chỉ là đời tạm, nếu muốn được Chúa chăm sóc chúng ta trong cõi đời đời nơi Thiên-đàng phước hạnh thì bạn phải mau quay lại ăn năn tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình.

KINH THÁNH

21. TẠI SAO CÓ NGƯỜI KHÔNG TIN KINH THÁNH LÀ LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI?

Nếu bạn có thể nhận ra tiếng người cha thân thương của mình trong hàng trăm hàng ngàn người mà không lẫn lộn, thì ấy là do bạn luôn gần gũi kề cận bên cha mình. Còn nếu bạn phân vân, lẫn lộn, không thể phân biệt chính xác được, chứng tỏ rằng bạn đã xa cách cha một thời gian quá dài. Vậy thì làm cách nào để bạn tìm đúng người cha của mình? Và nếu như bạn là một người cha đang kêu gọi đứa con yêu dấu mình, mà nó cứ ngoảnh mặt làm ngơ, loay hoay tìm một người nào khác thì tâm trạng của bạn sẽ ra sao?

Đức Chúa Trời là Đấng Tạo Hoá, là Cha Thiên Thượng, Ngài đang kêu gọi chúng ta qua Lời của Ngài trong Kinh Thánh. Trong khi đó, con người đã cách xa nhà Chúa, như đứa con hoang đàng đánh mất mọi ký ức về cha mình. Nếu như bạn đã được Chúa phục hồi địa vị làm con, đang ở trong nhà Ngài, thì rất dễ dàng bạn nhận ra Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời.

Vậy thì chúng ta sẽ không lạ lùng gì nếu như có người vẫn cho rằng Kinh Thánh không phải là Lời của Đức Chúa Trời. Điều ấy chứng tỏ họ đã xa cách nhà Chúa quá lâu rồi. Trách nhiệm của bạn và tôi là phải nói Lời Chúa cho họ, đặng họ mau quay về nhà Cha Thiên Thượng.

22. ĐƯỢC BIẾT KINH THÁNH LÀ MỘT CUỐN SÁCH LẠ LÙNG HƠN HẾT, VẬY ĐÂU LÀ SỰ LẠ LÙNG ĐÓ?

1. Kinh Thánh lạ lùng trong sự hiệp nhất : đây là thư viện gồm 66 sách, do nhiều trước giả viết ở những nơi khác nhau, vào thời gian cách xa nhau, nhưng hợp lại chỉ là một sách, không hề có sự mâu thuẫn nhau, vì chỉ có một tác giả là Đức Chúa Trời.

2. Kinh Thánh lạ lùng về tuổi tác : là sách xưa nhất trong tất cả các sách mà không hề bị lỗi thời (từ lúc Kinh Thánh bắt đầu được chép đến nay đã là 3.500 năm, và được hoàn thành cũng đã hơn 1.900 năm rồi ).

3. Kinh Thánh lạ lùng trong sự xuất bản : là sách bán chạy nhất khắp mọi thời đại, kể cả ngay ngày hôm nay (được biết đến năm 2.000, Kinh Thánh đã được dịch ra 2.800 ngôn ngữ, được in và phổ biến hầu như khắp thế giới ).

4. Kinh Thánh lạ lùng về sự hấp dẫn : đây là sách duy nhất được mọi người thuộc mọi thành phần nhân loại đọc đến, không phân biệt tuổi tác, trình độ, tầng lớp, dân tộc, phái tính.

5. Kinh Thánh lạ lùng về giá trị văn chương : những trước giả viết nên Kinh Thánh phần lớn là những người ít học, nhưng được xem là tuyệt tác văn chương.

6. Kinh Thánh lạ lùng về sự bảo tồn : là quyển sách bị ghen ghét hơn tất cả mọi sách, các vua, các chính quyền nhiều thời đại đã lần lượt đốt, thủ tiêu, cấm đoán Kinh Thánh, nhưng Đức Chúa Trời đã bảo tồn Lời Ngài, mãi đến ngày hôm nay vẫn còn tồn tại khắp nơi.

7. Kinh Thánh lạ lùng về giá trị biến đổi lòng người : Không ai đọc một sách toán hay sách triết mà cuộc đời được biến đổi cả, nhưng trên thế giới đã có hàng tỷ người được đổi mới đời sống khi đọc Kinh Thánh và hơn thế nữa Kinh Thánh cũng biến đổi địa vị của những con người đó từ chỗ thù nghịch trở nên con cái của Đức Chúa Trời. Lịch sử chưa hề ghi nhận một trường hợp thất vọng nào khi đặt trọn niềm tin vào Kinh Thánh.

Những điều lạ lùng thì không thể nào kể ra hết được, chúng ta chỉ biết cúi đầu cảm ơn Chúa vì đời sống chúng ta đã chứng thực được sự kỳ diệu hơn hết của Kinh Thánh. Giờ đây ta kíp mau đem sự kỳ diệu đó đến cho mọi người.

23. NÓI KINH THÁNH LÀ LỜI ĐỨC CHÚA TRỜI NHƯNG THẬT RA CHỈ THẤY LÀ LỊCH SỬ CỦA DÂN DO THÁI MÀ THÔI?

Quả thật, Kinh Thánh có ghi chép lại toàn bộ lịch sử của dân Do Thái cho đến ngày quốc gia này bị suy vong vì tội lỗi mà họ đã phạm. Nhưng nếu bạn đã đọc kỹ Kinh Thánh, thì dễ dàng bạn cũng nhận ra lịch sử của con người từ ngày tạo thiên lập địa, nguồn gốc của tội lỗi cho đến số phận của con người trong ngày tận thế cũng đã được Kinh Thánh mô tả vô cùng chi tiết.

Lịch sử dân Do Thái được ghi chép đầy đủ, cho phép mọi người tin rằng Đức Chúa Giê-xu không phải là một huyền thoại, mà Ngài là thật. Những chi tiết của lịch sử giải bày cho con người chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời thật trọn vẹn.

Đến đây, có lẽ chúng ta lại thắc mắc tại sao Chúa lại chọn dân tộc Do Thái để viết lên Kinh Thánh mà không phải là một dân tộc nào khác? Xin thưa, đó là một đặc ân mà Chúa dành cho dân Do Thái qua đức tin của tổ phụ họ là Áp-ra-ham. Tuy nhiên, “vì ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn ” (Luca 12:48). Dân Do Thái đã không xứng đáng là một nước thuộc riêng về Chúa, nên phải chịu vong quốc kể từ khi đóng đinh Chúa Giê-xu lên thập tự giá cho đến gần hai mươi thế kỷ sau (năm 1948) mới được phục quốc. Không một quốc gia nào trên thế giới phải khổ sở và chịu sự ghét bỏ cho bằng dân Do Thái.

Thưa bạn, Đức Chúa Trời chọn dân Do Thái, không có nghĩa là Ngài không yêu thương các dân tộc khác, nhưng Ngài yêu thương tất cả mọi người. Qua dân Do Thái, Kinh Thánh được viết ra, để chúng ta biết được ý chỉ của Ngài, biết được chương trình cứu rỗi của Ngài dành cho nhân loại. Nếu đã tin nhận Ngài, thì bạn chính là tuyển dân của Ngài, là dân Do Thái theo ý nghĩa thuộc linh, và điều quan trọng hơn hết là bạn được làm công dân thiên quốc.

Vậy thì trách nhiệm của bạn là phải nói Lời Chúa cho người khác, đừng ích kỷ như dân Do Thái xưa kia, vốn nghĩ rằng chỉ riêng mình là xứng đáng vào thiên đàng. Cũng nên nhớ một điều, nếu là con dân của Chúa thì bạn sẽ bị thế gian ganh ghét, tìm cách tiêu diệt, nhưng hãy cứ vững lòng vì Chúa đã đắc thắng thế gian (Giang 16:33).

24. NGOÀI KINH THÁNH RA, CÒN CÓ KINH SÁCH NÀO KHÁC ĐỂ CHÚNG TA TIN CẬY MÀ ĐƯỢC CỨU KHÔNG?

Dẫu Kinh Thánh có chứa đựng những tư liệu lịch sử, những nguyên tắc y học, thiên văn học, cũng có những áng văn tuyệt tác, lại trình bày cả đến thế giới vị lai,… Nhưng xin thưa Kinh Thánh không phải là quyển cẩm nang để bạn nghiên cứu các bộ môn khoa học đó. Nếu như các bạn muốn tìm hiểu y học, toán học,… thì tôi khuyên bạn nên tìm các sách chuyên môn. Nếu bạn muốn nghiên cứu về luân lý, đạo đức thì các kinh sách của các tôn giáo khác cũng có thể giúp bạn được điều đó. Nhưng nếu như bạn muốn tha tội, muốn hưởng được sự cứu rỗi thì bạn không thể tìm được bất cứ nơi nào khác ngoài quyển Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời.

Vậy thì trước hết tôi khuyên bạn phải bắt đầu với quyển Kinh Thánh, bởi vì chẳng những bạn sẽ tìm được sự cứu rỗi linh hồn, bạn lại cũng sẽ nhận lấy sự khôn ngoan. Vì Lời Chúa phán: “Kinh Thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Giê-xu Christ ” (IITim 3:15).

25. NGƯỜI TA NÓI: “TIN LÀNH KHÔNG THỜ HÌNH TƯỢNG, NHƯNG LẠI COI KINH THÁNH NHƯ LÀ THẦN TƯỢNG”.

Sự phê phán này có lẽ đã đến vì một vài thái độ đối với Kinh Thánh của một số người quá khích đã hôn Kinh Thánh, dùng Kinh Thánh như một thứ bùa trừ quỷ. Phải biết rằng ma quỷ không sợ quyển Kinh Thánh, nó chỉ sợ Lời Kinh Thánh được sử dụng bằng đức tin.

Người Tin Lành chúng ta yêu mến Kinh Thánh, quý trọng Kinh Thánh, nhưng đừng làm người ta hiểu lầm là tôn thờ cuốn sách Kinh Thánh.

Người Tin lành vâng theo Lời Chúa dạy trong Kinh Thánh (Xuat 20:4-6), nên không thờ hình tượng, kể cả quyển Kinh Thánh. Nhưng vì Kinh Thánh là Lời của Đức Chúa Trời, nên con cái của Chúa phải chuyên tâm đọc, nghiên cứu để làm theo, hầu được đẹp lòng Chúa (Mathio 7:12, 24-27). Vì là con của Chúa, chúng ta phải vâng theo những điều Chúa dạy, chúng ta quý trọng, yêu mến, bảo quản Kinh Thánh, nhưng không thờ lạy, coi đó là thần tượng. Lại cũng không giữ riêng Kinh Thánh cho mình nhưng đem ra học hỏi và chia sẻ Lời Chúa cho người khác.

26. TẠI SAO NGƯỜI TIN LÀNH LUÔN DÙNG KINH THÁNH TRONG KHI ĐIỀU ĐÓ CÓ THỂ GÂY KHÓ CHỊU CHO NGƯỜI KHÁC?

Tại sao người khác lại khó chịu khi chúng ta nói Kinh Thánh với họ? Chắc chúng ta đều hiểu rất rõ hiện tượng đó. Bởi nếu bạn và tôi ngay giờ nầy chưa tiếp nhận Chúa, thì cũng lấy làm khó chịu như vậy. Nhưng giờ đây, khi đã tin Chúa, ta hoàn toàn có thể giải thích được nguyên nhân gây ra sự khó chịu đó.

Trước tiên, ta biết được giá trị của Kinh Thánh, là Lời Sống và linh nghiệm có thể biến đổi lòng người, đưa một người từ tối tăm tội lỗi đến sự sáng láng thánh khiết. Đó cũng chính là lý do người Tin Lành chỉ sử dụng Kinh Thánh khi chia sẻ đức tin cho người khác. Vì thế, đối với một người chưa tin Chúa, khi nghe nói về Kinh Thánh, bị Lời Chúa “đâm thấu vào hồn, linh, cốt, tuỷ, xem xét tư tưởng và ý định trong lòng ” (Heboro 4:12) sẽ rất lấy làm khó chịu. Bởi tư dục đang điều khiển mọi tội lỗi bên trong người ấy phản ứng lại với Lời Chúa.

Nhờ đâu mà người Tin Lành lại ham thích Kinh Thánh và luôn muốn nói Lời Chúa cho người khác? Ấy là do đã để cho Lời Chúa đã bắt phục tư dục của mình, để Chúa làm Chủ đời sống mình, gớm ghê tội lỗi, chỉ muốn rao ra sự cao trọng của Đức Chúa Trời mà thôi.

Lại cũng nhắc nhở những ai đã cầu nguyện tin Chúa, nhưng đến nay vẫn chưa ham thích Lời Chúa, thì cần suy xét lại đức tin của mình, ăn năn đầu phục Chúa hoàn toàn chưa. “Hãy ham thích sữa thiêng liêng của Đạo (Kinh Thánh) như là trẻ con mới đẻ vậy, hầu cho anh em nhờ đó lớn lên mà được cứu rỗi linh hồn ” (IPhi 1Pr 2:2).

27. CÓ THỂ TỰ HỌC HỎI KINH THÁNH Ở NHÀ MÀ KHÔNG CẦN ĐẾN SỰ NHÓM LẠI KHÔNG?

Dĩ nhiên ta có thể tự học hỏi, nghiên cứu Kinh Thánh ở nhà, vì Lời Chúa cần phải được suy ngẫm và làm theo cả ngày lẫn đêm. Hơn nữa, việc tự học Kinh Thánh ở nhà, không có nghĩa là chỉ riêng một mình chúng ta tự suy nghĩ mà chính Đức Thánh Linh là Thần Lẽ-thật, là giáo sư từ trời sẽ hướng dẫn, giải bày Lời Chúa cho.

Tuy nhiên, có những khó khăn xảy ra nếu như khi ta chỉ tự học Kinh Thánh mà không đến nhà thờ hay nhờ sự giúp đỡ của Mục sư và các anh em trong Chúa khác. Khó khăn đó là bạn rất dễ nản lòng, và khó đào sâu Lời Chúa.

Lời Chúa là kho tàng vô cùng quý giá, chúng ta chỉ có thể tìm thấy khi đào sâu xới kỹ, công việc đó sẽ dễ dàng hơn khi có nhiều người cùng tham gia với bạn. Nếu chỉ tìm hiểu Lời Chúa cách cạn cợt, qua loa bạn sẽ thấy thất vọng nản lòng. Hơn nữa, những thú vui của thế gian, những cơn buồn ngủ do ma quỷ đưa đến sẽ khiến bạn dễ dàng ngã dài trước khi hiểu thấu Lời Chúa. Vậy nên, tôi khuyên bạn vẫn cứ siêng năng học Kinh Thánh ở nhà luôn luôn, lại cũng tham gia những giờ học Kinh Thánh với các nhóm. Đối với những câu Kinh Thánh khó hiểu, đừng bao giờ tự giải thích theo ý riêng, mà hãy nhờ đến sự giúp đỡ của Mục sư.

Cũng lưu ý một điều, bởi đây cũng có thể là một thắc mắc cho nhiều người, ấy là tại sao chỉ có một quyển Kinh Thánh không lớn lắm mà lại có quá nhiều trường Thần học, quá nhiều giáo phái giải thích Lời Chúa theo nhiều cách khác nhau? Thưa với các bạn cũng chung một câu Kinh Thánh, nhưng có nhiều người phải đi vào hoả ngục vì giải thích theo ý riêng, theo sự lầm lạc của tư dục mình. Vậy nên, khá cẩn thận khi học Kinh Thánh một mình, ta hãy hết lòng nhờ Thánh Linh dẫn dắt, đừng nghe theo sự xui giục của xác thịt. Hãy cầu nguyện mỗi khi bạn đọc hay học Kinh Thánh để được Chúa hướng dẫn mình.

28. NHỮNG ĐIỂM CẦN NHỚ KHI ĐỌC KINH THÁNH

1. Đọc cách yêu mến.
2. Đọc cách kỉnh kiền.
3. Đọc cách lắng nghe, vì đây là Lời phán của Đức Chúa Trời cho chính mình.
4. Đọc cách suy ngẫm.
5. Đọc cách có hệ thống.
6. Đọc cách thuận phục, sẵn sàng làm theo.
7. Đọc cách đều đặn mỗi ngày.
Hãy khiến Kinh Thánh thành người hướng dẫn và người bạn trong cuộc đời mình. Hãy xin Chúa dạy mình gìn giữ Lời Chúa, binh vực Lời Chúa khi cần và trung tín, dạn dĩ chia sẻ Lời Chúa cho người khác.

CẦU NGUYỆN

29. MỌI VIỆC ĐỀU CÓ SỰ SẮP ĐẶT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI, THẾ THÌ MÌNH CẦU NGUYỆN ĐỂ LÀM GÌ?

Chúng ta đừng nên hiểu lầm là số phận của mình đã được Chúa an bài, định mệnh sẵn. Đức Chúa Trời biết trước mọi điều sẽ xảy ra và có thể xảy ra trong cuộc đời của chúng ta. Ngài lại đã biết những nhu cầu của chúng ta trước khi mình cầu nguyện (Thi Thien 139:4). Cũng như cha mẹ biết con mình cần ăn, nhưng con có muốn ăn không? Cho nên cầu nguyện là cơ hội để bạn bày tỏ nhu cầu của mình với Chúa. Vả lại, dẫu bạn là con, Đức Chúa Trời vẫn không hề tước đoạt quyền tự do của bạn, bạn có quyền lựa chọn dâng cuộc đời mình trọn vẹn cho Chúa hoặc là không. Bạn phải thưa chuyện trực tiếp với Ngài, Chúa chỉ sử dụng cuộc đời bạn khi bạn đã dâng lên cho Ngài.

Thêm nữa, cầu nguyện cũng có nghĩa là trò chuyện, tâm sự với Chúa. Có khi bạn không cần cầu xin, nhưng bạn cần tâm sự với Cha trên trời. Cầu nguyện là hơi thở, nó báo hiệu đời sống thuộc linh của bạn đang sống hay không.

30. SAO TÔI GẶP QUÁ NHIỀU HOẠN NẠN, NHƯNG CẦU NGUYỆN HOÀI VẪN CHẲNG THẤY ĐƯỢC QUA KHỎI?

Xin gởi đến bạn sự cảm thông trong Chúa giữa lúc bạn gặp hoạn nạn. Dầu vậy, xin bạn cứ vững lòng, đừng nghĩ rằng chỉ có một mình bạn chịu nhiều hoạn nạn. Hãy so sánh với đời sống của ông Gióp (Giop 1:1-2:10); hoạn nạn mà Phao-lô đã trải qua (IICor 11:23-29); hoạn nạn mà các thánh đồ chịu (Heboro 11:36-39). Những hoạn nạn mà bạn đang chịu có đáng kể không? Mong rằng những phân đoạn Kinh Thánh đó an ủi bạn, và bạn cũng hãy vui mừng vì được đứng chung hàng với các thánh đồ được thử luyện. Thánh đồ Gia-cơ cũng khuyên chúng ta: “Hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là đều vui mừng trọn vẹn ” (Giaco 1:2).

Chúa Giê-xu đã báo trước: “Các ngươi sẽ có hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi ” (Giang 16:33).

Nếu hoạn nạn bạn đang chịu là vì sự công bình, vì cớ Chúa, thì hãy vui mừng. Nhưng hãy cẩn thận suy xét, hoạn nạn cũng có khi xảy đến do tội lỗi, khiến Chúa dùng đòn roi để sửa phạt (Heboro 12:4-6). Nếu đúng như vậy thì bạn nên tỉnh thức ăn năn ngay.

Trong Mathio 11:28, Chúa kêu gọi hãy trao mọi gánh nặng mình cho Chúa, thì bạn chắc chắn sẽ được yên nghỉ. Và yên nghỉ không phải là bạn sẽ hết hoạn nạn, nhưng là bạn sẽ cùng với Chúa cưỡi lên trên hoạn nạn mà đi. Vậy thì hãy lớn tiếng cảm tạ Chúa, và an nghỉ trong bàn tay yêu thương của Ngài, Ngài sẽ gánh vác và bồng ẵm chúng ta trong mọi khó khăn hoạn nạn.

31. TẠI SAO TÔI CẦU NGUYỆN XIN CHÚA CHỮA BỆNH MÀ NGÀI KHÔNG TRẢ LỜI?

Trước hết xin khuyên bạn đừng nghi ngờ tình yêu hay quyền năng của Chúa, mà hãy để lòng mình suy xét tại sao bạn bệnh:

1. Vì bạn sống không điều độ: thức khuya, ăn uống không đúng giờ, làm việc quá sức,… Nếu vậy bạn phải sửa lại, vì chính bạn phạm tội phá huỷ thân thể Chúa ban cho bạn (ICor 3:16-17).

2. Vì thiếu điều kiện dinh dưỡng: do không biết cách ăn hay không đủ ăn. Đừng nên quan niệm thức ăn đắt tiền là tốt. Hãy biết tạo ra những món ăn ngon, bổ, phù hợp với nhu cầu của cơ thể.

3. Vì bạn thiếu vận động: trong Luca 12:19 có một người chỉ ăn, ngủ, hưởng thụ, kết quả là chết yểu. Không phải vận động để trở thành một lực sĩ, nhưng để cho mạnh khoẻ. Và cũng nhớ là đừng say mê nó mà quên đi sự tin kính (ITim 4:8).

4. Vì nhiều lo buồn: phải biết rằng: “Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay, còn trí nao sờn làm xương cốt khô héo ” (Cham Ngon 17:22). Nhiều người bị bệnh vì tâm lý lo buồn, quan tâm quá về mình, về đời nầy, hãy trao nó cho Chúa. Tội lỗi là nguyên nhân đem đến lo buồn, nên hãy ăn năn từ bỏ.

5. Vì ý muốn của Chúa: sau khi đã kiểm tra tất cả các lý do trên, bạn nên thuận phục ý Chúa như Phao-lô (IICor 12:7-10).

32. CÁCH CHÚA ĐÁP LỜI CẦU NGUYỆN?

Trước tiên, xin khẳng định rằng mọi lời cầu nguyện được Chúa nghe thì Ngài đều đáp lời. Điều đó có nghĩa là có những lời cầu nguyện Chúa không nghe. Lý do: chẳng phải Ngài nặng tai mà không nghe được, bèn là vì tội lỗi của chúng ta (Esai 59:1-2). Vậy hãy ăn năn tội lỗi và dọn lòng mình thánh sạch trước khi cầu nguyện.

Dựa trên lòng yêu thương, sự biết rõ nhu cầu và thấy trước tương lai của chúng ta, mà Chúa đáp lời cầu nguyện bằng những tiếng “Được”, “Không”, hoặc là “Chờ đợi”, tuỳ theo trường hợp Ngài thấy tốt lành cho chúng ta. Vì thế ta không nên bắt buộc Chúa phải làm theo ý mình xin mà phải cầu nguyện trong tinh thần “Ý Cha được nên”.

Chúng ta sẽ không bao giờ nhận bất cứ sự ban cho nào của Đức Chúa Trời nếu như cho đến giờ này chúng ta chưa từng quỳ gối xuống dốc đổ lòng mình nguyện cầu với Chúa. Ngài phán: “Đến bây giờ, các ngươi chưa từng nhơn danh ta mà cầu xin đều chi hết. Hãy cầu xin đi, các ngươi sẽ được, hầu cho sự vui mừng các ngươi được trọn vẹn ” (Giang 16:24).

Vậy, nếu Chúa đáp lời: hoặc được, hoặc không, hoặc chờ đợi, chúng ta cũng “hãy vui mừng trong sự trông cậy, nhịn nhục trong sự hoạn nạn, bền lòng mà cầu nguyện ” (Roma 12:12).

33. XIN CHO BIẾT CÁCH CẦU NGUYỆN NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG VÀ ĐẸP LÒNG CHÚA?

Có những nguyên nhân từ phía chúng ta khiến Chúa không nhậm lời cầu nguyện. Sẽ thật là đáng tiếc nếu như không học biết Lời Chúa cặn kẽ để hiểu rõ thánh ý Ngài, hầu hưởng được quyền năng từ lời cầu nguyện.

Phải biết rằng nếu có thái độ nghi ngờ, dẫu chỉ là trong tư tưởng thì chẳng bao giờ lời cầu nguyện bạn được Chúa nhậm (Giaco 1:6-8). Còn ai cầu nguyện với ý muốn ích kỷ, trái lẽ, nhằm thoả mãn tư dục cũng không nhận lãnh được điều gì cả (Giaco 4:3). Cũng đừng giả bộ cầu nguyện cho người khác thấy mình sốt sắng, hay là “dùng những lời lặp vô ích như người ngoại, vì họ tưởng vì cớ mình nói nhiều thì được nhậm ” (Mathio 6:5, 7). Đó là những lời cầu nguyện Chúa không đẹp lòng.

Còn lời cầu nguyện đúng thì phải:
1. Cầu nguyện nhân danh Chúa Giê-xu (Giang 16:23).
2. Cầu nguyện với đức tin (Mathio 21:22).
3. Cầu nguyện với lòng thành thật (Thi Thien 145:18)
4. Cầu nguyện khẩn thiết, sốt sắng (Gia co 5:17).
5. Cầu nguyện với tinh thần hiệp một (Mathio 18:19).
6. Cầu nguyện với cách khiêm nhường, hạ mình (IISu Ky7:14).
7. Cầu nguyện trong sự bền đỗ (Luca 18:1).
Hãy bắt đầu bằng những lời cầu nguyện đơn sơ tự đáy lòng mình, Đức Thánh Linh sẽ giúp đỡ bạn cách cầu nguyện tốt đẹp (Roma 8:26).

34. TẠI SAO CHÚA GIÊ-XU DẠY CHÚNG TA CẦU NGUYỆN THEO BÀI CẦU NGUYỆN CHUNG?

Khi các môn đồ xin Chúa Giê-xu dạy họ cách cầu nguyện, thì Ngài cho họ bài cầu nguyện chung được ký thuật trong Phúc-âm Mathio 6:9-13. Đây là một bài cầu nguyện mẫu để họ biết cầu nguyện cách nào. Nói cách khác, đó là một chỉ dẫn và là một chuẩn mực, chứ không phải là một bài kinh để chúng ta tụng mỗi khi cầu nguyện. Bài cầu nguyện chung hướng dẫn chúng ta cầu nguyện cách phải lẽ trước mặt Đức Chúa Trời.

Thí dụ, chúng ta phải kêu cầu Chúa đáp ứng đúng với nhu cầu theo ý Cha được nên trong bất cứ điều gì chúng ta cầu xin. Chúng ta cầu xin Chúa cho đức tin đủ mạnh để chống lại sự cám dỗ, đó là lời cầu xin của chúng ta theo đúng lời dạy của Ngài. Mỗi người có thể dùng cách diễn giải riêng của mình với lòng thành kính để trình dâng lên Ngài lời cầu nguyện cá nhân.
Bài cầu nguyện chung thường được các tín hữu dâng lên Chúa trong các thì giờ nhóm lại chung. Không phải là một hình thức nghi lễ, bèn là bày tỏ sự thành tâm hiệp một của những người đang hiện diện. Việc dâng lên Chúa lời cầu nguyện theo đúng nguyên mẫu bài cầu nguyện chung mỗi ngày, không được gọi là những lời lặp vô ích, bởi những nhu cầu được nêu ra trong lời cầu nguyện này là thiết thực và cần yếu mỗi ngày. Miễn là bạn đừng đọc bài cầu nguyện chung theo cách qua loa, chiếu lệ, Chúa không bao giờ đẹp lòng với tinh thần thiếu thành tâm, kỉnh kiền đó.

NAN ĐỀ TỘI LỖI

35. XIN CHO BIẾT CĂN NGUYÊN CỦA TỘI LỖI?

Trước tiên ta cần biết tội lỗi là gì? Từ điển gọi tội lỗi là sự xấu xa, vi phạm các nguyên tắc đạo đức, tôn giáo, hay những quy luật mà xã hội loài người đã thừa nhận. Kinh Thánh thì gọi tội lỗi là sự thiếu hụt tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời hoặc bằng hành động hay bằng bản chất (Roma 3:23).

Thông thường người ta quy tội lỗi xuất phát từ Sa-tan, bởi Sa-tan qua con rắn đã cám dỗ tổ phụ con người phạm tội. Thật ra, cách giải thích này không khác gì A-đam và Ê-va ngày xưa đã giải thích với Đức Chúa Trời. Chẳng những thế, họ còn ám chỉ chính Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo nên con rắn, đặng con rắn dỗ dành họ (Sang The Ky 3:13). Đó không phải là cách giải thích hợp lẽ, bởi nó cho phép nói rằng tội lỗi của chúng ta ngày nay chẳng qua là tai nạn của tiền nhân. Lời Chúa bảo chúng ta đừng tự dối mình, “vì ai gieo giống chi lại gặt giống ấy ” (Galati 6:7).

Căn nguyên của tội lỗi được nhận diện ấy là do tư-dục trong lòng của mỗi người (Gia co 1:14). Nguyên nhân chính để A-đam, Ê-va đã ăn trái cấm không phải là do con rắn cám dỗ, bèn là do tư dục xui họ muốn bằng Đức Chúa Trời.

Tư dục của con người càng ngày càng thấp hèn, càng xấu xa, nó không do Chúa đặt để trong con người như vậy. Đức Chúa Trời vốn ưu ái và ban cho con người có ý chí tự do, tự quyết định cho mình con đường để đi. Nhưng với sự tự do đó con người đã bày tỏ tham vọng ngang bằng Chúa, biến phước hạnh thành sự chết. Kinh Thánh nói rõ ràng: “bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian ” (Roma 5:12).

Đừng tìm kiếm nguyên nhân ở đâu xa bởi nó ở trong chính chúng ta, nếu muốn diệt trừ tội lỗi tận gốc chỉ cần mời Chúa cai trị lòng mình, bắt tư dục phục dưới Ngài, không cho nó có cơ hội ngóc đầu dậy.

36. ĐỨC CHÚA TRỜI DỰNG NÊN CON NGƯỜI PHẠM TỘI LÀM CHI ĐỂ PHẢI CHỊU CHẾT CỨU CHUỘC CON NGƯỜI, RẮC RỐI QUÁ?

Câu hỏi nầy có hai phần, phần đầu nói Đức Chúa Trời dựng nên con người là hoàn toàn đúng. Nhưng nói rằng Đức Chúa Trời dựng nên con người phạm tội là không đúng. Đức Chúa Trời không dựng nên con người như một cái máy, nhưng Ngài dựng nên con người có quyền tự do, tự do quyết định nhưng đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Tiếc thay con người đầu tiên là ông A-đam và bà Ê-va lại dùng sự tự do ấy để quyết định phạm tội. Vì tình yêu thương tạo vật của Ngài, nên Ngài không nỡ bỏ mặc con người trong tội lỗi, chính Ngài đã xuống trần làm người trong thân xác Chúa Giê-xu để chịu chết trên cây Thập-tự thế cho tội lỗi của con người, sau đó Ngài đã sống lại để chứng tỏ Ngài là Đức Chúa Trời và cũng để ban sự sống cho những ai bằng lòng tin và tiếp nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của đời mình, người đó sẽ không bị hư vong nhưng được sự sống đời đời.

37. NẾU ĐỨC CHÚA TRỜI YÊU THƯƠNG, KHÔNG MUỐN CON NGƯỜI PHẠM TỘI, THÌ TẠI SAO NGÀI ĐẶT CÂY “BIẾT ĐIỀU THIỆN VÀ ĐIỀU ÁC” ĐỂ TỔ PHỤ CON NGƯỜI PHẠM TỘI? PHẢI CHĂNG NGÀI ĐÃ GÀI BẪY CON NGƯỜI?

Trước hết xin xác định một điều, Đức Chúa Trời rất yêu thương con người, và không hề muốn con người phạm tội, do đó Ngài không bao giờ gài bẫy con người.

Từ “gài bẫy” được sử dụng khi “cái bẫy” được nguỵ trang, mà đối phương không thể nhận ra sự nguy hiểm. Ở đây, Đức Chúa Trời đã cảnh báo trước cho tổ phụ con người rằng: “Về cây biết điều thiện và điều ác, thì chớ hề ăn đến, vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết ” (SaSt 2:17), nên ta không thể nói rằng Ngài gài bẫy con người.

Thay vì dùng từ “gài bẫy”, thì từ đúng nhất mà ta có thể sử dụng ấy là “thử nghiệm”. Câu chuyện này cho thấy, Đức Chúa Trời đặt con người trong vườn phước hạnh, ban cho con người sự tự do, là điều duy con người mới có. Đức Chúa Trời đã tôn trọng sự tự do đó, nên Ngài đặt cây “Biết điều thiện và điều ác” để thử nghiệm con người sự tự do của mình với lời dặn bảo rất rõ ràng.
Rồi đọc SaSt 3:11, 13 Ta sẽ thấy loài người bị phạt không phải vì ăn trái cấm, bèn là do họ không chịu ăn năn. Bởi án phạt chỉ được công bố sau khi Chúa hỏi người nam, rồi hỏi người nữ, nghĩa là Ngài đã mở cho con người một đường ăn năn, nhưng tiếc thay án phạt phải được công bố bởi con người đã lựa chọn con đường chống nghịch với Đức Chúa Trời.

Cho nên vấn đề không phải là bạn phạm tội gì, nhưng là bạn có ăn năn không? Đức Chúa Trời cho bạn sự tự do lựa chọn cho mình con đường đến sự sống đời đời với Ngài hoặc là chịu khổ hình đời đời. Ngài không hề gài bẫy ai, nhưng đang tha thiết chờ đợi mọi người ăn năn. Hãy giải thoát khỏi tư tưởng bạn những gì không tốt về Đức Chúa Trời, bởi tình yêu thương của Chúa vô cùng lớn lao.

38. TẠI SAO BÀ Ê-VA VÀ ÔNG A-ĐAM CHỈ ĂN TRÁI CẤM MÀ BỊ PHẠM TỘI? ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ KHẮC KHE QUÁ KHÔNG?

Vì không đọc Kinh Thánh nên nhiều người đã hiểu lầm như vậy. Thật ra không phải vì ăn một trái cấm (hay trái táo như người ta thường nói) mà phạm tội, nhưng vì ăn trái cây mà Đức Chúa Trời không cho phép ăn, như vậy hai ông bà A-đam Ê-va phạm tội không vâng lời chứ không phải phạm tội vì ăn. Chúng ta thấy tội không vâng lời vẫn còn di truyền mãi cho đến ngày nay, từ khi còn là em bé cho đến khi già cả, bản chất không vâng lời vẫn không thay đổi. Chúng ta chỉ có thể được thay đổi khi có bản chất của Đức Chúa Trời trong ta, tức chúng ta phải tin và tiếp nhận Chúa Giê-xu vào lòng.

Bạn có mong muốn được thay đổi bản chất không? Chúng tôi tha thiết mời bạn.

39. TÔI THẤY NHIỀU TÍN ĐỒ TIN LÀNH CHẲNG TỐT LÀNH GÌ, CÓ KHI CÒN BÊ BỐI HƠN NGƯỜI KHÔNG CÓ ĐẠO NỮA.

Không có một tín đồ Tin Lành nào, kể cả Mục sư, tự nhận mình là người tốt cả, vì tất cả đều là tội nhân trước mặt Đức Chúa Trời mà thôi. Chính vì vậy mà Đức Chúa Trời phải xuống trần để chịu chết cứu chuộc nhân loại. Khi tin Chúa thì cuộc sống người đó sẽ được Chúa cai trị để có một đời sống mới. Tuy nhiên có một số người chỉ “theo đạo”, chỉ làm “tín đồ Tin Lành” mà không tiếp nhận Chúa thật sự nên còn sống theo đời sống cũ, cũng bê bối, cũng phạm tội… Vì vậy vấn đề không phải là ai tốt ai xấu, nhưng vấn đề là ai tiếp nhận Chúa ai không.
Hơn nữa, Lời Chúa không bảo chúng ta phải nhìn xem người nào, mà dạy rằng: “Hãy nhìn xem Đức Chúa Giê-xu là cội rễ và cuối cùng của đức tin ” (HeDt 12:2). “Vì Đấng Christ đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chơn Ngài ” (IPhi 1Pr 2:21).

40. KHI NỀN VĂN MINH NHÂN LOẠI TIẾN BỘ THÌ CON NGƯỜI CÓ THỂ DÙNG NHIỀU PHƯƠNG CÁCH KHÁC ĐỂ GIÚP CHO CON NGƯỜI SỐNG ĐẠO ĐỨC HƠN.

Nói vậy chẳng khác nào chúng ta cho rằng các tiền nhân của chúng ta đã không thể sống đạo đức hơn chúng ta bởi thời xưa đâu có văn minh như ngày nay. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghĩ như vậy, nhưng thực tế thì lại khác. Con người càng văn minh thì càng phạm tội cách tinh vi hơn. Cứ nhìn xem những diễn biến trên thế giới thì rõ. Nền văn minh tiến bộ đó giúp con người tạo ra những thứ vũ khí giết người hàng loạt trong nháy mắt.

Vì con người đã phạm tội, bản chất tội lỗi châm rễ ở trong mỗi chúng ta, chỉ khi nào giải quyết được vấn đề tội lỗi thì mới có thể nói đến sống đạo đức được. Chẳng có phương cách nào để giải quyết vấn đề tội lỗi ngoài Đức Chúa Giê-xu! Nếu bạn mong muốn sống một cuộc sống đạo đức thì hãy tiếp nhận Chúa Giê-xu vào lòng để tội lỗi được tha, đời sống được đổi mới. Khi ấy ma quỷ cũng chẳng thể nào kiện cáo bạn trước mặt Chúa được nữa.

CHIA SẺ NIỀM TIN

41. VỚI NGƯỜI VÔ THẦN, KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN TÔN GIÁO.

Nếu quả thật có một ai trên thế giới này tự xưng mình là người vô thần, thì người ấy hẳn là Đức Chúa Trời. Bởi để kết luận là không có thần thánh nào cả, thì người ấy phải biết tất cả mọi điều (toàn tri), phải ở tất cả mọi nơi (toàn tại), sống trong mọi thời đại (hằng hữu).

Cho nên, tôi tin rằng tất cả mọi người sống trên trái đất nầy đều không phải là vô thần đúng nghĩa. Có người tin vào một thần linh vô hình, có người đang tin vào một thần tượng nào đó, người khác tin vào một chủ nghĩa, chủ thuyết, có người tin vào một con người mà nhiều người cùng đề cao, có người tin vào khoa học, có người tin vào chính mình… Điều đó có hợp tình hợp lý hay không? Các chủ nghĩa, chủ thuyết lần lượt bị thay thế, khoa học ngày càng nhận ra giới hạn của nó, còn ngay chính bản thân mình có nhiều điều đơn giản mà ta còn thiếu tự tin…
Còn chúng tôi đang tin vào Đức Chúa Trời hằng sống là Đấng tạo dựng nên vũ trụ, muôn vật và con người. Tin vào Đức Chúa Trời không phải chỉ tin có Đức Chúa Trời mà thôi, nhưng chính là sống với Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời làm người. Chúng tôi không nói về tôn giáo với bạn, nhưng mời gọi bạn tin Chúa Giê-xu và cùng sống với Ngài? Tin chắc rằng khoảng trống trong tâm hồn bất an của bạn sẽ ngập tràn bình an Thiên Chúa.

42. TẠI SAO NGƯỜI TIN LÀNH KHÔNG TIN VÀO THUYẾT LUÂN HỒI?

Trước hết vì chúng tôi tin Lời Chúa, Kinh Thánh cho biết con người gồm hai phần, thể xác được nắn nên bằng vật chất (bụi đất), và linh hồn là hơi sống của Đức Chúa Trời ban cho, khi chết, bụi đất trở về với bụi đất, còn linh hồn không chết mà chịu phán xét để hoặc sống đời đời hoặc chết đời đời.

Sau nữa vì có một số điều về thuyết luân hồi chúng tôi cảm thấy không được chính xác cho lắm. Thứ nhất nếu con người có thể luân hồi làm con vật và ngược lại thì con người đã bị đồng hoá với con vật? Thật ra Đức Chúa Trời dựng nên con người là sinh vật cao quý nhất mang hình ảnh của Ngài, không thể coi con người ngang hàng với con vật được. Thứ hai nếu có luân hồi thật thì tổng số con người và mọi sinh vật khác trên trái đất phải không đổi hoặc càng ngày càng giảm đi do có một số người thành chánh quả không còn luân hồi nữa. Tuy nhiên thực tế dân số luôn gia tăng. Có người nói rằng dân số gia tăng là do có một hành tinh trong vũ trụ bị huỷ diệt nên “dân số” trên đó đầu thai về trái đất. Nếu vậy thì phải có sự gia tăng đột ngột chứ không thể gia tăng từ từ như hiện nay. Thứ ba nếu trong điều kiện lý tưởng, mọi người đều đi tu hết, không dựng vợ gả chồng, không sinh sản, khi ấy có một linh hồn đủ tiêu chuẩn đầu thai làm người, thì linh hồn ấy sẽ đi đâu? Lên trời cũng không được, xuống đất lại không xong, bánh xe luân hồi dừng lại???

Chúng tôi nghĩ rằng không có ai tu luyện suốt đời mà trước khi nhắm mắt tắt hơi tin chắc mình được cứu cả, chính vì vậy thuyết luân hồi sẽ an ủi họ, kiếp nầy chưa được thì đợi đến kiếp sau. Thật ra không ai tự mình cứu mình được cả, như một người không biết bơi mà rơi xuống nước, không thể nào người ấy học bơi để tự cứu mình được mà phải nhờ một người khác cứu mình. Con người đang ở trong tội lỗi, chỉ có Chúa Giê-xu chịu chết trên Thập tự giá mới có thể chuộc tội cho chúng ta mà thôi. Ai tin Chúa Giê-xu người ấy được tha tội và được sống một cuộc đời mới có Chúa ngự trị trong lòng.

43. TẠI SAO CHÚNG TA KHÔNG THEO TRUYỀN THỐNG CỦA ÔNG CHA ĐỂ LẠI MÀ LẠI THEO MỘT TÔN GIÁO NGOẠI LAI?

Ngày nay chúng ta đã bỏ đi bao nhiêu truyền thống của ông cha mình? Tại sao bạn không mặc áo dài khăn đóng? Tại sao bạn phản đối khi bị cha mẹ áp đặt cho mình người phối ngẫu? Tại sao ngày tết cổ truyền bạn không trồng cây nêu, không đốt pháo? Tại sao??? Vì có những truyền thống không phù hợp. Truyền thống do con người đặt ra nên cũng thay đổi theo không gian và thời gian. Không thể coi Tin Lành là một truyền thống mới mà là chân lý muôn đời không thay đổi. Cũng không thể coi Tin Lành là tôn giáo ngoại lai vì Tin Lành là Tin vui về Đức Chúa Trời giáng sanh làm người để cứu chuộc nhân loại. Tin Lành không đến từ con người của bất kỳ nước nào cả nhưng đến từ Đức Chúa Trời.

44. ĐẠO LÀM NGƯỜI LÀ ĐÚNG NHẤT?

Chúng tôi rất đồng ý với bạn là Đạo làm người là đúng nhất, đó cũng là mục đích của Đạo Tin Lành rao giảng Lời Chúa dạy: Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi… Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình ” (Mat Mt 22:37-40).

Qua Lời Chúa dạy, bạn thấy rõ Tin lành không dạy người ta làm thần, làm một loại siêu nhân, hay làm ma quỷ, nhưng dạy con người làm người trọn vẹn qua hai phương diện với Trời và với Người.
Bạn chỉ cần làm người, chắc chắn bạn cũng muốn nghe một Thánh Nhân than thở: “Làm người khó thay! ” Thánh nhân mà còn than thở như vậy thì bạn với tôi có hơn gì.
Tại sao làm người khó? Như Lời Chúa Giê-xu dạy, khó là vì con người thiếu lòng kính Chúa, nên khó yêu thương người.

Bạn đã ý thức Đạo làm người là đúng nhất, thế thì bạn bày tỏ hành động làm người đúng nhất: ấy là kính Chúa, bằng sự vâng lời Chúa dạy, ăn năn tội và tiếp nhận Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời làm chủ đời sống bạn; Khi đó tình yêu của Chúa trong bạn sẽ khiến cho bạn yêu thương người. Làm người như vậy không thẹn với Trời, mà cũng không thẹn với người. Chúng tôi nghĩ đó là tâm ý của bạn. Thế thì bạn còn chờ gì mà không tiếp nhận Chúa Giê-xu. Khi ấy, bạn không cần phải cố gắng làm một con người tốt, bèn là bạn sẽ trở thành một con người tốt nhờ ơn và quyền phép của Chúa.

45. ĐẠO TIN LÀNH CÓ PHẢI LÀ ĐẠO CỦA MỸ?

Câu trả lời quả quyết là KHÔNG! Tại sao?

Nếu bảo rằng Đạo Tin Lành từ Mỹ mà có, thì là một sai lầm. Vì thế giới mới biết đến Châu Mỹ từ năm 1492, và nước Mỹ mới có từ năm 1776. Trong khi đó Đạo Tin Lành đã lan tràn khắp Âu – Á từ lâu.

Nếu bảo rằng Tin Lành của Mỹ vì do người Mỹ truyền sang cũng là một điều sai. Vì Tin Lành được truyền đến Việt Nam là do những Mục sư người Thuỵ Điển, người Ca-na-đa, người Anh.

Nếu bảo rằng Đạo Tin Lành của Mỹ vì nước Mỹ là nước Tin Lành, cũng là sai. Vì trên thế giới, không phải chỉ nước Mỹ là nước theo Tin lành, mà đa số là ở Đức, Hoà Lan, Thuỵ Điển, Na-Uy, Phần Lan, Nam Triều Tiên…

Nếu nói Đạo Tin Lành là Đạo của Mỹ, vì chữ Giê-xu là chữ Mỹ lại càng không đúng. Vì chữ Giê-xu hay Danh của Chúa Giê-xu không phải là chữ Mỹ, mà gốc là tiếng Hy lạp, một ngôn ngữ thông dụng trên thế giới thời đó (hơn 2.000 năm trước).

Trong khi đó, khi tra cứu về lịch sử thế giới và Kinh Thánh, chúng ta biết hai phương diện về nguồn gốc của Tin Lành.

1. Nguồn gốc trên đất :

Đạo Tin Lành là Đạo của Chúa Giê-xu, và Ngài đã từ trời giáng sanh tại nơi xứ Do Thái, thuộc Á-châu. Nhưng thật kỳ diệu, Tin Lành không phải là Đạo của riêng người Do Thái mà là của cả thế giới.

2. Nguồn gốc từ trời :

Kinh Thánh cho chúng ta biết: Tin Lành về nước Đức Chúa Trời (Mathio 24:14). Chính Đức Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời, nên nguồn gốc Tin Lành là từ trời.
Cho nên, một người tin Chúa Giê-xu theo Đạo Tin Lành, không phải là theo một tôn giáo mà là theo một Đạo của Đức Chúa Trời, là Đấng Tạo Hoá. Con người thờ phượng Đức Chúa Trời Tạo Hoá, tiếp nhận Đức Chúa Giê-xu là một việc làm phải lẽ. Người Việt Nam là dân tộc kính sợ Trời, lòng kính sợ đó bày tỏ qua việc lập bàn Thiên, thế lại càng hợp lẽ khi quay về với Tin Lành của Đức Chúa Trời.

46. TIN LÀNH CÓ PHẢI LÀ “ĐẠO RỐI”?

“Đạo rối ” là tên mà người Công Giáo đặt cho người Tin Lành trước Công đồng Va-ti-can II (1962-1965). Sở dĩ gọi như vậy, vì những người Công Giáo bảo thủ nhìn cuộc cải chánh Giáo Hội của Martin Luther tại Đức năm 1517, là làm rối Giáo hội.

Đọc lịch sử Giáo Hội thời Trung cổ (595-1517) và lịch sử Âu châu cùng thời, với các tác phẩm văn học phản ánh xã hội thời đó, ta thấy Giáo Hội đã không còn đặt đức tin trên Kinh Thánh, mà chỉ còn đặt trên con người và truyền thuyết. Các chức sắc đã dành độc quyền về Kinh Thánh, giáo dân trở thành người mê tín, cuồng tín.

Suốt cả 1.000 năm, sau nhiều lần, nhiều người ý thức và tìm mọi cách để phổ biến Kinh Thánh cho quần chúng, thì một người chức sắc Giáo-hội tại Đức tên là Martin Luther, đã đứng lên kêu gọi “Giáo Hội bỏ mê tín trở lại với Kinh Thánh ”. Lời kêu gọi này không được các nhà lãnh đạo Giáo hội thời đó chấp nhận và họ lên án Martin Luther, đồng thời coi những người theo đường lối cải chánh là làm rối Giáo Hội, nên từ đó có danh Đạo Rối.

Thật ra mục đích của Martin Luther và những người cải chánh chỉ muốn mọi người được nghe chính Lời Chúa là Thánh Kinh. Trong khi Giáo Hội muốn giáo dân chỉ cần nghe những người trong hàng Giáo phẩm. Câu hỏi đặt ra là: chúng ta nên vâng lời Đức Chúa Trời hay vâng lời hàng Giáo phẩm lấy ý con người dạy? Chúng ta hãy để Thánh Phi-e-rơ (Phê-rô), người được Giáo Hội Công-giáo La-mã tôn làm Giáo Hoàng đầu tiên trả lời: “Thà vâng lời Đức Chúa Trời, còn hơn vâng lời người ta! ” (Cong vu 5:29).

Dầu vậy, điều đáng khích lệ là sau Công đồng Va-ti-can II, người Công-giáo không còn gọi Tin Lành là Đạo Rối nữa, mà gọi là “Anh em Ly khai ”. Nghĩa là Tin Lành được công nhận vì không có ý xa rời Kinh Thánh. Nếu bạn là người chưa được đọc Kinh Thánh, chưa sống theo Lời Chúa, thì hãy vui lòng tìm đọc và trở lại làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.

SỐNG ĐẠO

47. TIN NHẬN ĐỨC CHÚA GIÊ-XU LÀ ĐỦ RỒI, SAO CÒN PHẢI CHỊU LỄ BÁP-TÊM VÀ GIA NHẬP HỘI THÁNH?

Người có tội tin nhận Cứu Chúa Giê-xu thì tuân lời Ngài mà chịu lễ Báp-têm để chứng tỏ mình là môn đồ Ngài. Cũng như kẻ nhập tịch làm công dân nước nào phải vâng theo luật lệ nước ấy. Đức Chúa Giê-xu có phán: “Ai tin và chịu phép báp-têm, sẽ được rỗi; nhưng ai chẳng tin, sẽ bị đoán phạt ” (Mac 16:16). Cho nên ai tin Chúa Giê-xu thì phải chịu lễ Báp-têm và gia nhập Hội Thánh. Chịu lễ Báp-têm là chịu dìm mình trong nước, rồi lên khỏi nước; làm vậy để tỏ ra rằng bởi đức tin, mình đã cùng Đức Chúa Giê-xu đồng chết, đồng chôn và đồng sống lại.

Gia nhập Hội Thánh, nghĩa là những tín đồ của Chúa Giê-xu hiệp lại lập nên một Hội, chẳng phải kết bè kết đảng, cầu lợi cầu danh nhưng chỉ để làm ích cho linh hồn mình và thuận lợi trong việc rao truyền Danh Chúa mà thôi. Đức Chúa Giê-xu dạy chúng ta gia nhập Hội Thánh có nhiều điều lợi:

1. Thêm sự hiểu biết : Người mới tin Chúa như con trẻ mới sinh, còn non nớt, dễ bị cám dỗ. Gia nhập Hội Thánh có Mục sư, Giáo sư đem Kinh Thánh dạy cho. Từ đó sự hiểu biết được thêm lên, đức tin được mạnh mẽ, thắng được ma quỷ cám dỗ.

2. Đức tin vững vàng : Người ta dầu ăn năn trở lại cùng Chúa, song lòng tin dễ nguội lạnh và lui đi. Gia nhập Hội Thánh để có Mục sư an ủi, tín hữu khích lệ, nhờ đó đức tin mạnh mẽ, vững bền.

3. Lập Nước Trời trên thế gian : Người ta nếu chưa trừ hết bản tánh ác thì dẫu lên trời, lòng cũng chẳng vui. Cho nên phải ở trong Hội Thánh, học tập chân lý, làm theo mạng lịnh của Chúa, giữ lòng thánh sạch để mai sau về Nước Chúa, chẳng những được cứu rỗi mà còn được phần thưởng vinh hiển. Hội Thánh có quyền thay mặt Chúa tiếp kẻ tin gia nhập Hội, truất kẻ giả dối ra khỏi Hội, khiến các tín đồ vâng giữ điều đáng vâng, làm sự phải làm, để biệt riêng ra khỏi thế tục và nêu gương sáng cho người đời cùng soi.

4. Hiệp sức rao truyền Danh Chúa : Người tin Chúa đã được cứu, ắt có lòng yêu thương, muốn cứu đồng bào, đồng loại. Nhưng riêng từng người một thì khả năng chưa đủ, của cải có chừng, không làm việc lớn được. Gia nhập Hội Thánh nhiều người hiệp sức, góp của, có thể truyền rao Tin lành dạn dĩ, mạnh mẽ.

Vì các lẽ trên nên ai tin Chúa cần chịu lễ Báp-têm và gia nhập vào Hội Thánh.

48. TÔI ĐÃ THỤ LỄ BÁP-TÊM, NHƯNG TẠI SAO SAU KHI LÊN KHỎI NƯỚC TÔI KHÔNG CẢM THẤY CÓ GÌ KHÁC LẠ CẢ?

Nhiều người sau khi quỳ gối cầu nguyện tiếp nhận Chúa cũng có đồng một thắc mắc như vậy. Thật ra “cảm thấy” là dựa trên cảm xúc, mà cảm xúc thì thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh, ví dụ như một người đang yêu thì uống ly nước trà cũng cảm thấy “ngọt”, ngược lại cũng ly nước trà đó nhưng người thất tình có cảm giác “đắng”! Lúc đang vui bạn sẽ cười khi nghe kể một chuyện vui, nhưng khi đang buồn, bạn sẽ bực mình khi ai đó kể chuyện cười với bạn. Khi học vật lý ai cũng biết thí nghiệm nhúng hai tay vào hai thau nước nóng và lạnh, sau đó cho cả hai tay vào thau nước ấm, kết quả tay trước đó nhúng vào thau nước nóng sẽ cảm thấy mát, còn tay kia cảm thấy nóng. Cảm giác không hoàn toàn chính xác, do vậy sau khi tin Chúa hay sau khi chịu phép Báp-têm, có người có cảm giác có người không thấy gì cả, ngay cả những người có cảm giác cũng không ai giống ai.

Có cảm giác hay không hoàn toàn không quan trọng, điều đáng nói là bạn có đức tin thật sự nơi Chúa hay không. Vì đức tin không lệ thuộc vào cảm xúc cũng không lệ thuộc vào hoàn cảnh, nên chỉ có đức tin mới đáng tin cậy. Khi quyết định cầu nguyện tiếp nhận Chúa, bạn tin chắc Chúa Giê-xu nghe, nhậm lời tha tội, bước vào lòng bạn và nhận bạn làm con cái của Ngài, thế là đủ. Khi thụ lễ Báp-têm, bạn tin chắc mình đồng chết, đồng chôn và đồng sống với Chúa, hãy đứng dậy và sống cuộc đời mới, bạn tin thế là đủ, giống như khi bạn uống thuốc trị bệnh, dù bạn không có cảm giác thuốc đang vận hành trong người bạn như thế nào thì thuốc vẫn không vì thế mà mất tác dụng. Mong bạn đặt đức tin mình cách vững chắc nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đức Chúa Trời.

49. TÔI ĐÃ TIN CHÚA, NHƯNG NGHĨ LẠI THẤY TẠI SAO CHỈ TIN THÔI MÀ ĐƯỢC CỨU, ĐƠN GIẢN QUÁ VẬY? CÓ NHỮNG NGƯỜI CỐ GẮNG TU THÂN TÍCH ĐỨC SUỐT BAO NHIÊU NĂM CÒN CHƯA ĐƯỢC GÌ KIA MÀ. TÔI HOANG MANG QUÁ.

Đúng là tất cả những ai tu thân tích đức, hay nói một cách tổng quát là những ai tự đi tìm con đường cứu rỗi cho mình, đều thất bại cả, vì một lý do thật đơn giản, chúng ta đều là những con người tội lỗi, mà lại cố gắng đi tìm sự toàn hảo là sự cứu rỗi, bằng sức lực bất toàn của mình thì chẳng thế nào được.

Còn chỉ tin đơn giản thôi mà được cứu có phi lý không? Trong cuộc sống bạn đã tin như vậy nhiều lắm, chẳng qua bạn không để ý đó thôi. Buổi chiều đi làm về, bạn mở ti-vi để xem, bạn có biết gì về máy móc điện tử, cũng không cần biết đến đài truyền-hình thu phát ra sao, bạn vẫn tin để bật ti-vi, và bởi tin nên bạn được xem một chương trình truyền-hình thật hay. Nếu bạn cứ cho rằng tại sao tôi không học về điện tử, cố học về nguyên lý phát thu sóng vô-tuyến, nghiên cứu về ăng-ten… để có được hình ảnh trên màn hình cho tôi xem, mà lại tin vào cái nút bấm của bộ điều khiển từ xa ấy, đơn giản chỉ bấm thôi sao? Không, bạn đang tin đấy chứ!

Sự cứu rỗi là việc của Chúa đã làm xong trên cây Thập-tự rồi, bạn không cần phải cố gắng cách vô vọng, cũng không cần phải thêm bớt chút nào cả, việc của bạn là tin mà thôi. Nếu bạn đã tin, xin hãy sống với niềm tin đó, rồi bạn sẽ thấy mỗi ngày mình kinh nghiệm Chúa nhiều hơn, đức tin của bạn trưởng thành hơn, bạn sẽ có một đời sống mới phong phú, sung mãn. Chúc bạn vững tin nơi Cứu Chúa.

50. KHI HỌC GIÁO LÝ BÁP-TÊM, TÔI ĐƯỢC DẠY TÍN ĐỒ KHÔNG LÀM ĐÁM GIỖ VÀ KHÔNG ĂN ĐỒ CÚNG, NHƯNG TẠI SAO TÔI THẤY CÓ MỘT SỐ TÍN ĐỒ TIN LÀNH LÀM LỄ KỶ NIỆM NGÀY CHẾT CỦA ÔNG BÀ? LỄ KỶ NIỆM NHƯ VẬY CÓ GIỐNG ĐÁM GIỖ HAY KHÔNG?

Truyền thống văn hoá quan trọng nhất của người Việt chúng ta là đám giỗ, tức một lễ thờ cúng mời ông bà về hưởng những thức ăn do con cháu dâng cúng. Đây là một việc làm không đúng vì thật ra ông bà đã chết đâu có thể “trở về”, và thực chất người ta làm cũng vì thói quen “xưa bày nay làm ” mà thôi, chứ không thể hiện lòng hiếu kính gì cả, bằng chứng là rất nhiều đám giỗ tổ chức ăn nhậu say sưa, thậm chí có khi gây gỗ, đánh nhau vì đụng chạm do rượu nữa.

Một số con cái Chúa không thờ cúng nhưng lại làm một lễ kỷ niệm ngày chết. Về hình thức thì không đốt nhang cúng bái gì cả, nội dung cũng rất tốt vì đây là dịp gia đình họp lại để nhắc công ơn ông bà cha mẹ, và cũng để có dịp họp mặt sau một năm bận rộn công việc làm ăn. Tuy nhiên xóm giềng bên ngoài không ai hiểu mình, nên có thể hiểu lầm là “đám giỗ Tin Lành ”. Lời Chúa dạy có những việc đúng nhưng chúng ta cũng không nên làm nếu việc đó gây vấp phạm cho người khác (ICor 8:13). Một số tín đồ bạn thấy đó nếu xét về lý thì họ không sai, tuy nhiên vì lợi ích của người khác (Philip 2:4; ICor 10:24), thì họ đã gây vấp phạm cho một số người (trong đó có bạn). Vì vậy tốt hơn hết chúng ta không nên làm lễ kỷ niệm ngày chết của ông bà, nếu muốn có một ngày để sum họp gia đình thì nên chọn ngày sinh để kỷ niệm sinh nhật, hoặc chọn một ngày nào trong năm đó làm ngày truyền thống gia đình thì tốt hơn.

51. KINH THÁNH KHÓ QUÁ, TÔI CÓ ĐỌC MÀ KHÔNG HIỂU GÌ CẢ NÊN NẢN LÒNG KHÔNG ĐỌC NỮA. TÔI CŨNG THỬ CẦU NGUYỆN NHƯNG CŨNG KHÔNG BIẾT PHẢI NÓI GÌ.

Đúng là Kinh Thánh khó hiểu đối với người mới tin Chúa, vì bạn tuy mấy mươi tuổi đời nhưng trong Chúa bạn chỉ mới là em bé mà thôi, đã là em bé thì không thể tiêu hoá được cơm hay thức ăn cứng, mà phải uống sữa. Chúng tôi đề nghị bạn thử bắt đầu đọc Tân Ước với Phúc Âm Mác, thư Gia-cơ, Phúc Âm Lu-ca, sách Công vụ các Sứ Đồ, rồi từ từ đến những sách khác. Cựu Ước có thể đọc sau, nhưng nếu có thì giờ bạn nên đọc sách Châm Ngôn, Truyền Đạo, Sáng Thế Ký, các sách Sử Ký… Khi đọc Kinh Thánh, có điều gì khó hiểu, bạn có thể ghi ra và hỏi Mục sư hoặc những anh em tin Chúa lâu năm, bạn sẽ được giúp đỡ. Bạn cứ bền lòng đọc Lời Chúa mỗi ngày, có thể ban đầu chưa hiểu gì nhiều, nhưng lâu ngày, tức khi bạn trưởng thành trong Chúa, Đức Thánh Linh sẽ soi sáng để bạn hiểu Lời Chúa nhiều hơn. Có một điều chúng tôi muốn nói với bạn là Đức Chúa Trời không đánh giá một tín đồ căn cứ vào sự hiểu biết Lời Chúa nhiều hay ít, nhưng Ngài đánh giá xem người đó có sống theo điều mình hiểu hay không. Một người hiểu ít mà làm theo còn tốt hơn người hiểu nhiều nhưng không làm theo gì cả.

Vấn đề cầu nguyện cũng vậy, khi hai bạn nam nữ mới quen nhau, chắc chắn chưa thể nói chuyện với nhau nhiều được. Nhưng lâu ngày khi tình yêu đã sâu đậm thì hai người dù có ngồi nói chuyện suốt đêm thâu vẫn thấy sao đêm ngắn quá! Cầu nguyện là tâm sự với Chúa, ban đầu bạn chưa biết nói gì nhiều, nhưng đâu cần phải câu nệ cầu nguyện dài ngắn, lưu loát hay ngập ngừng, nói hay hoặc nói dở… mà chỉ cần tấm lòng. Bạn cứ kiên trì tâm sự mọi nỗi lòng với Chúa, tin rằng lâu ngày tình yêu Chúa sẽ nẩy nở, lúc ấy bạn sẽ khao khát cầu nguyện nhiều hơn và muốn nói chuyện dài hơn với Chúa là người mình yêu. Mong bạn hãy bền lòng.

52. TÔI KHÔNG THỂ BỎ THUỐC LÁ ĐƯỢC NÊN NGẠI ĐẾN NHÀ THỜ.

Thật ra hút thuốc hay uống rượu không phải là tội lỗi gì cả. Bạn được cứu bởi đức tin chứ không phải bởi việc làm nên không phải ai bỏ rượu bỏ thuốc hoặc ai sống tốt mới được cứu. Tuy nhiên, khi một người đã được Chúa cứu, đã quyết định đồng chết và đồng chôn con người cũ với Chúa để sống bằng con người mới (IICor 5:7), thì người ấy phải có nếp sống mới theo tiêu chuẩn sống của Kinh Thánh. Sự đổi mới nầy không phải một sớm một chiều mà có được, nhưng là một sự đổi mới liên tục từng ngày cho đến khi gặp Chúa (Colose 3:10).

Chúng tôi tin rằng khi bạn thấy ngại vì còn một vài tật xấu nào đó thì chính bạn đang đổi mới, vì nếu không bạn sẽ chẳng thấy ngại gì cả. Và chính vì bạn đang trên tiến trình đổi mới nên có thể bạn chưa bỏ được thuốc ngay, đây cũng là chuyện bình thường. Quan trọng là bạn biết nhờ cậy Chúa để đổi mới cuộc sống mỗi ngày chứ không phải cứ dậm chân tại chỗ. Quá trình đổi mới có phần của bạn là ước muốn, cầu xin và quyết tâm; phần của Chúa là ban quyền năng và sức lực để bạn có thể đổi mới được. Nhanh hay chậm không ai giống ai, miễn là có đổi mới từng ngày. Xin Chúa cho bạn không mặc cảm nhưng cứ nhờ cậy Chúa để nhóm lại với Hội Thánh, chính sự gắn bó với cộng đồng cũng là một nguồn năng lực giúp bạn bỏ thuốc lá đấy.

53. CHÚA Ở KHẮP NƠI, VẬY TÔI CÓ THỂ THỜ PHƯỢNG CHÚA Ở NHÀ RIÊNG VÀO NGÀY CHÚA NHẬT MÀ KHỎI ĐẾN NHÀ THỜ ĐƯỢC KHÔNG?

Đúng là Chúa ở khắp mọi nơi, không ai giới hạn Chúa trong nhà thờ được. Tuy nhiên, thờ phượng mà không cần đến nhà thờ thì chưa đủ, vì thờ phượng của con cái Chúa ngoài việc tôn cao Danh Chúa còn có sự thông công với nhau nữa. Thập tự giá có hai chiều, chiều đứng là mối liên hệ giữa người với Đức Chúa Trời, chiều ngang là mối liên hệ giữa người với người, thiếu đi một chiều thì không thành hình thập-tự được. Đạo Chúa không dạy tín hữu đi tu, xuất thế, sống mà không cần đến người khác, nhưng ngược lại con cái Chúa phải nhập thế, sống với người để bày tỏ Chúa cho mọi người. Bạn cần có tinh thần thờ phượng trong tất cả mọi sinh hoạt của mình trong sáu ngày, nhưng ngày Chúa-nhật bạn cần đến nhà thờ, ngoài việc thờ phượng và tương giao với anh em cùng đức tin, bạn còn có nhiều cơ hội học hỏi Lời Chúa, dâng hiến, được cầu thay và giúp đỡ lẫn nhau trong tình yêu nữa. Tin rằng khi bạn gắn bó với Hội Thánh, bạn sẽ trông mong đến ngày Chúa-nhật vô cùng.

54. TÔI THẤY TRONG GIỜ NHÓM CỦA NGƯỜI TIN LÀNH CÓ VIỆC LÃNH TIỀN DÂNG, TÔI KHÔNG BIẾT VÌ MỤC ĐÍCH GÌ, NHƯNG CẢM THẤY NGƯỢNG NGÙNG KHI KHÔNG CÓ THỂ DÂNG NHIỀU TIỀN NHƯ NGƯỜI KHÁC.

Cảm tạ Chúa vì bạn đã tham dự các giờ nhóm nên biết rằng có tiết mục dâng hiến. Đúng là điều này có thể gây ngộ nhận cho những ai chưa hiểu rõ ý nghĩa, cho nên bạn cũng sẽ nhận ra rằng không có việc lãnh tiền dâng trong các giờ nhóm Truyền giảng. Điều đó cũng nói lên rằng dâng hiến tiền bạc là một phần trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời chứ không phải là chủ trương tạo ngân quỹ của Giáo hội.

Trong giờ nhóm, tiền bạc là tài vật chúng ta dâng lên thờ phượng Đức Chúa Trời, luật pháp của Chúa dạy rằng: “Đừng ai đến thờ phượng Chúa với hai bàn tay trắng; nhưng mỗi người phải dâng một lễ vật tuỳ theo khả năng, tương xứng với các phép lành Đức Chúa Trời chúng ta ban cho ” (Phuc Truyen 16:16-17). Tuy nhiên, đây là công việc tự nguyện bởi “Đức Chúa Trời yêu kẻ dâng hiến cách vui lòng ” (ICor 9:7).

Vậy mục đích của việc lãnh tiền dâng trong giờ nhóm thờ phượng là cơ hội để các con cái Chúa tự nguyện bày tỏ sự biết ơn về các phước lành mà Chúa ban cho trong cuộc sống của mình. Đây là sự thờ phượng phải lẽ mà Kinh Thánh đã phán dạy.

Chính Chúa Giê-xu đã quan sát sự dâng hiến tại đền thờ Giê-ru-sa-lem, điều Ngài để ý không phải là giá trị của món tiền mà người ta dâng bèn là tấm lòng. Ngài thấy rất nhiều người dâng rất nhiều tiền, có người dâng cả túi bạc, và một người đàn bà goá đã dâng chỉ hai đồng-xu nhưng được Chúa phán rằng đây là người dâng nhiều hơn hết, vì đó chính là tất cả những gì bà có. Đó cũng là điều Chúa đời hỏi chúng ta trong sự dâng hiến, Ngài muốn bạn và tôi dâng cả cuộc đời mình cho Ngài. Thánh Phao-lô khuyên chúng ta: “Hãy dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em ” (Rom 12:1).

Thái độ đúng đắn trong giờ dâng hiến không phải là sự phô trương cho người khác thấy mình dâng nhiều, cũng không phải ngượng ngùng sợ người khác biết mình dâng ít, bèn là hướng lòng về Chúa đặng cảm tạ và xét đời sống mình đã dâng hiến cách xứng đáng đẹp lòng Ngài hay chưa.

Nhân tiện, đã nói đến cách dâng, tôi cũng muốn đề cập đến của dâng. Có thể do chưa hiểu đúng mục đích của sự dâng hiến, nên nhiều người đã để vào hộp tiền những đồng bạc rách nát không thể sử dụng được. Đây là một hành động bất kính đối với Đức Chúa Trời Công-bình, nên Ngài sẽ đối xử lại tương xứng với những gì họ đã bày tỏ. Vậy thì, dù ít dù nhiều những đồng tiền mà Chúa ban cho trong cuộc sống lương thiện chúng ta cũng phải sửa soạn của dâng một cách xứng đáng, đó là những của lễ mà Đức Chúa Trời ưa thích và đẹp lòng.

55. TÔI TIN CHÚA HƠN NĂM RỒI, CŨNG CÓ ĐI NHÀ THỜ, CÓ CẦU NGUYỆN, DÂNG HIẾN… ĐỦ CẢ, NHƯNG SAO CUỘC SỐNG KINH TẾ TÔI VẪN CÒN KHÓ KHĂN?

Thưa bạn, theo chúng tôi biết thì trong cuộc sống nầy không có ai là không khó khăn cả, người khó mặt nầy, người mặt khác; có người khó khăn ai cũng trông thấy, người khác thì không ai nhìn thấy mà thôi. Kinh Thánh cho biết sau khi con người phạm tội thì cả con người lẫn thiên nhiên đều bị rủa sả, từ đó làm việc đối với con người không phải là phước hạnh nhưng là rủa sả (Sang The Ky 3:17-19), cuộc sống trên đất nầy không còn là địa đàng nữa.

Dầu vậy Đức Chúa Trời vẫn yêu thương tạo vật của Ngài, nên đã xuống trần làm người chịu chết thế cho chúng ta, và Ngài cũng đã sống lại để chúng ta được sống sung mãn trong Ngài (Giang 10:10). Cảm ơn Chúa vì chúng ta tin Chúa thì dù cuộc sống vật chất còn nhiều khó khăn nhưng đời sống tâm linh thật phước hạnh. Thiết nghĩ một người giàu có nhưng cuộc sống thiếu thoả lòng thì cũng như sống trong địa ngục. Chúng ta luôn thoả lòng trong mọi sự khi có Chúa ngự trị trong lòng, thì chẳng phải chúng ta đang giàu có đó sao. Điều quan trọng không phải chúng ta giàu hay nghèo nhưng là chúng ta sử dụng những gì chúng ta có như thế nào, có ít mà sử dụng theo ý Chúa vẫn phước hạnh hơn có nhiều mà sử dụng theo ý riêng.

Lời Chúa dạy chỉ cần đủ ăn đủ mặc thì đã thoả lòng (ITim 6:7). Bài hát Thoả Lòng đáng cho chúng ta suy ngẫm: “Có Chúa dắt đưa đời tôi thấy thoả lòng… dù nghèo vật chất mà cuộc sống tâm linh không nghèo… ” và điệp khúc của bài hát là tiếng kêu sung sướng bật lên từ một người cảm nhận được nguồn phước hạnh thật đang tuôn tràn trong cuộc sống của mình: “Đời tôi bay cao như chim, lượn qua không gian mênh mông, nhìn lên thiên nhiên xinh tươi Chúa ban. Hạnh phúc lớn quá ước muốn, Ngài ban cho tôi nhưng không. Tuyệt thay tình yêu Chúa rộng sâu ”. Chúc bạn sống thoả lòng.

56. TÔI THẤY HÁT KARAOKE CÓ TỘI GÌ ĐÂU MÀ NHIỀU NGƯỜI BẢO TÍN ĐỒ TIN LÀNH KHÔNG ĐƯỢC HÁT?

Đúng, hát karaoke đâu có tội lỗi gì, chỉ những người quá khích mới kết án hát karaoke là có tội. Cũng không ai bảo tín đồ Tin lành không được hát karaoke cả.

Tuy nhiên Lời Chúa dạy rằng: “Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích. Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt ” (ICor 10:23). Căn cứ trên Lời Chúa dạy, chúng ta xác định có nhiều việc chúng ta được phép làm, không tội lỗi gì cả, ví dụ như hát karaoke, uống một ly bia… nhưng không phải những việc đó đều có ích cho chúng ta; và có những điều không làm gương tốt cho người khác, ví dụ như hát karaoke. Chắc bạn cũng biết tại đất nước chúng ta, các tiệm karaoke đều bị tai tiếng rất nhiều vì vào đó người ta không chỉ có hát!!! Vậy bạn là con cái Chúa vào đó hát nghiêm túc, nhưng liệu điều đó có thể thuyết phục nhiều người không vấp phạm?

Vậy về nguyên tắc, chúng tôi khuyên tín hữu không nên (chứ không phải không được) đi hát karaoke ở các tiệm, vì cớ không làm gương tốt và dễ gây vấp phạm. Hát không có tội, nhưng khi bạn gây vấp phạm cho người khác khiến cho họ vì cớ ấy mà phạm tội thì bạn đã phạm tội trọng rồi (ICor 8:11, 12).

Nhưng trên phương diện thuộc linh, thiết tưởng một con cái Chúa cũng cần lưu ý, có nhiều bài hát bên ngoài ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi tình yêu chân chính… khá hay, nhưng lại cũng có rất nhiều bài hát nhạc rất hay mà lời không phù hợp, vậy không nên sử dụng môi miệng mình vừa hát những lời thánh ca cao trọng ca ngợi Chúa, vừa hát những bài hát bên ngoài thiếu chọn lọc (Gia co 3:10). Nếu bạn đã hát “Tôi dầu có miệng môi thật nhỏ; Ước Giê-xu dùng nó; Đêm ngày giúp vào công việc thánh; Mãi giảng rao Tin lành ”, mà bạn lại có những thì giờ hát karaoke với những bài hát có lời ca không thích hợp với niềm tin, thì e rằng Chúa Giê-xu chẳng thể nào dùng môi miệng bạn để phát thanh cho khắp đất nghe vang Tin Lành rồi.

Vậy, con cái Chúa trước khi làm một điều gì hãy tự hỏi xem việc mình làm có vì vinh hiển của Đức Chúa Trời hay không? Có làm làm gương tốt cho anh em mình không? (ICor 10:31, 33). Nếu câu trả lời là có thì cứ làm, còn ngược lại thì không nên.

57. CUỘC SỐNG TÔI CÒN KHÓ KHĂN QUÁ, NÊN CHƯA THỂ NGHỈ NGÀY CHÚA NHẬT ĐỂ THỜ PHƯỢNG CHÚA ĐƯỢC. KHI NÀO LÀM ĂN KHÁ HƠN MỘT CHÚT, TÔI SẼ NGHỈ CHÚA NHẬT.

Việc dành riêng ngày Chúa nhật là ngày thứ nhất trong tuần để thờ phượng Chúa và nghỉ ngơi là quy luật Chúa đặt ra nhằm đem lại lợi ích cho con người. Trong ngày Chúa nhật chúng ta gác qua những nhọc nhằn của công việc làm ăn để thờ phượng Chúa, tương giao với anh em và để nghỉ ngơi thể xác sau một tuần lao tâm lao lực. Khi Đức Chúa Trời đặt ra quy luật nầy thì Ngài không để ai phải thiếu ăn khi nghỉ ngày Chúa nhật cả. Mỗi sáng Chúa nhật, nếu nhìn kỹ bạn sẽ thấy rất nhiều tín hữu là dân lao động nghèo nàn, tuy nhiên trông họ thật sáng sủa khi ở trong đền thờ, và kinh nghiệm của con cái Chúa khắp nơi cho thấy ai bằng lòng biệt riêng ngày Chúa-nhật ra cho Chúa thì người đó luôn được Chúa bù đắp lại về mặt vật chất. Chúng tôi đề nghị bạn cứ nghỉ ngày Chúa nhật để thờ phượng Chúa, bạn sẽ thấy phước hạnh vô cùng, vì có thể bạn mất thu nhập về vật chất chút đỉnh nhưng bù lại bạn sẽ có “thu nhập” thuộc linh bội phần. Bạn làm sáu ngày để nuôi phần xác, sao không dám dùng một ngày để nuôi phần hồn? Linh hồn bạn đâu có thể ăn cùng một loại thức ăn với thể xác, vậy bạn không nên vì một ít tiền bạc mà bỏ đói linh hồn. Nếu bạn không trả giá ngay từ bây giờ thì sẽ bị ma quỷ cám dỗ để bạn hẹn mãi, vì chắc chắn chẳng bao giờ bạn cảm thấy “khá khá” được cả. Mong bạn hãy bắt đầu quan tâm đến linh hồn mình.

Và xin đừng bao giờ nghĩ rằng chúng ta chỉ nên thờ phượng Chúa khi nào rãnh rỗi có thời gian thừa thãi. Đức Chúa Trời sẽ đẹp lòng nếu bạn biết dâng những điều quý nhất trong đời sống mình cho Ngài. Cũng hãy luôn nhớ quy luật này: so với những điều dâng cho Chúa, thì điều bạn sẽ được nhận lãnh từ nơi Ngài là bội phần hơn.

58. TIN CHÚA RỒI ĐI NHÀ THỜ KHÔNG ĐỀU ĐẶN THÌ CÓ ĐƯỢC CỨU HAY KHÔNG?

Xin trả lời nhanh với bạn là chúng ta được cứu không do việc làm nhưng do đức tin nơi Chúa Giê-xu. Vì vậy không phải ai đi nhà thờ đều thì được cứu còn ai đi ít thì không. Bạn cần phân biệt giữa một người chuyên tâm đi nhà thờ, vì mong rằng bởi việc chịu khó đi nhà thờ của mình mà Đức Chúa Trời đoái xem, với một người chuyên tâm đi nhà thờ vì mình yêu Chúa. Đức tin khiến bạn được cứu, nhưng khi bạn được cứu bởi đức tin rồi thì chắc chắn bạn sẽ khao khát đến nhà thờ để thờ phượng, ca ngợi, tôn vinh Chúa và để được tương giao với anh em trong Chúa với nhau. Như vậy đi nhà thờ để được cứu và vì tôi được cứu nên tôi ham thích đi nhà thờ hoàn toàn khác nhau.

Nếu bạn ít đi nhà thờ, xin bạn xem lại nguyên nhân vì sao, có thể bạn chỉ theo đạo chứ chưa tiếp nhận Chúa thật sự nên việc đi nhà thờ chỉ là một sự cố gắng để mong Chúa chấp nhận bạn; có thể bạn đã tin Chúa rồi nhưng chưa yêu Chúa đủ; có thể bạn đang coi công việc trọng hơn sự thờ phượng Chúa… Mong bạn chân thành với Chúa để tìm ra nguyên nhân và chữa trị.

59. LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÔI CÓ THỂ YÊU CHÚA NHIỀU HƠN?

Chúng ta là những con người tội lỗi nên không thể nào yêu đúng được, chúng ta chỉ có thể yêu một cách đúng đắn khi có bản chất của Đấng Yêu-thương, là Đức Chúa Trời ở trong lòng chúng ta mà thôi. Vậy trước hết bạn phải tin Chúa thật sự để có Chúa trong lòng, sau đó bạn mới có thể yêu Chúa được (IGiang 4:19).

Bạn cần sống với Chúa mỗi ngày, phát triển mối tương giao với Chúa qua việc đọc Kinh Thánh, cầu nguyện để tình yêu Chúa mỗi ngày mỗi nẩy nở. Nếu không gần Chúa và tương giao với Ngài thì làm sao có thể yêu được?

Hãy vâng giữ Lời Ngài dạy dỗ trong Kinh Thánh, khi bạn nghe giảng nếu được Chúa nhắc nhở điều gì thì hãy làm theo (Giang 14:21).

Hãy sống với anh em trong Chúa bằng cách nhóm lại với các ban ngành cùng nhóm tuổi với mình, quan tâm lẫn nhau, chăm sóc lẫn nhau, cầu thay cho nhau (IGiang 4:20, 21).

Tóm lại bạn có thể tự trắc nghiệm xem mình có yêu Chúa hay không bằng cách tự hỏi:

– Tôi đã tin Chúa thật sự hay chưa?
– Tôi có ham thích đọc Kinh Thánh và cầu nguyện hay không?
– Tôi có sống theo Lời Chúa dạy hay không?
– Tôi có yêu anh em mình hay không?
Chúc bạn thoả lòng trong tình yêu của Chúa.

60. LÀM THẾ NÀO ĐỂ THẮNG HƠN MỘT TỘI LỖI ĐƯỢC VI PHẠM CÓ TÍNH HỆ THỐNG, BỞI ĐÃ LÀ THÓI QUEN TRƯỚC KHI TIN CHÚA?

Thắng hơn một thói quen tội lỗi, là một điều khó khăn, nhưng tạ ơn Chúa, vì bạn đã nhận ra đó là một tội lỗi cần phải tránh xa. Nhận biết tội lỗi là khởi đầu của sự ăn năn.

Eph 4:25-5:13 dạy: về phương diện bản thân, bạn phải chừa, bỏ, chớ làm,… nghĩa là bạn phải có ý chí dứt khoát, quay lưng lại với tội lỗi quá khứ, và quyết định bắt chước Đức Chúa Trời.
Về phương diện Đức Chúa Trời thì khi bạn cương quyết vùng ra khỏi đám người chết, thì Đấng Christ sẽ chiếu sáng bạn, quyền năng của Chúa sẽ hành động. Chúa sẽ ban cho bạn năng lực lìa bỏ tội lỗi (Eph 5:14).

Nếu thiếu một trong hai phương diện đó thì bạn sẽ thất bại. Ý chí của bạn mà không có quyền năng của Chúa, thì ý chí đó sẽ lung lay. Quyền năng của Chúa sẽ không kết quả, nếu bạn không muốn, vì Chúa tôn trọng quyền tự do của bạn.

Cảm ơn Chúa, bạn đã có ý thức không muốn phạm tội nữa, hãy đưa ý thức lên một bước là ý chí, nghĩa là quyết định dứt khoát. Sau đó, hãy cầu xin Chúa ban năng lực để đủ sức mạnh từ bỏ.

LỜI KẾT

Thưa quý vị, cuộc sống vốn dĩ luôn phát sinh nhiều nan đề, chưa trả lời thoả đáng điều này ta lại gặp nan đề khác, trong có những điều ta không thể giải đáp được nếu không có niềm tin. Niềm tin nơi Đức Chúa Giê-xu giải đáp mọi nan đề và đem lại cho chúng ta bình an, hy vọng nơi cõi trần này. Qua tập sách nhỏ này, cậy ơn Chúa và Kinh Thánh chúng tôi đã trình bày lại những kinh nghiệm trong niềm tin của mình, ngỏ hầu có thể góp phần nâng đỡ đức tin quý vị trong bước đầu theo Chúa. Chắc rằng có những điều các bạn đang cần mà tập sách này không đáp ứng được, và cũng có thể những nan đề bạn đang đối diện đó, chúng tôi cũng chưa từng kinh nghiệm qua. Vậy thì, xin tỏ cho bạn bí quyết duy nhất để giải toả ấy là hãy chạy đến với Chúa, Ngài là Đức Chúa Trời Toàn tri nên biết hết mọi sự, là Đấng Toàn năng nên có thể làm được mọi sự. Lời của một bài hát: “Trong thế gian ta không tìm được một câu giải đáp, Chúa Giê-xu là ánh sáng toả soi cuộc đời; Quả thật vậy, những câu trả lời có được trên đây ấy là khi chúng tôi chạy đến với Chúa.

Nguyện đời sống bạn luôn nương cậy nơi Chúa, chuyên tâm đọc Kinh Thánh, cầu nguyện đặng tìm biết ý muốn Ngài. Lại cũng đừng quên rằng chúng tôi, những người anh em trong Chúa luôn sẵn sàng cậy ơn Chúa giúp đỡ niềm tin quý vị.

BÀI CẦU NGUYỆN CHUNG

Lạy Cha chúng con ở trên trời!
Danh Cha được tôn thánh;
Nước Cha được đến;
Ý Cha được nên ở đất như trời.
Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày;
Xin tha tội lỗi cho chúng con,
Như chúng con tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con;
Xin chớ để chúng con bị cám dỗ,
Song cứu chúng con khỏi điều ác.
Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời vô cùng.
A-men

BÀI TÍN ĐIỀU CÁC SỨ ĐỒ

Tôi tin Đức Chúa Trời Toàn năng là Cha, là Đấng dựng nên trời đất.
Tôi tin Giê-xu Christ là Con Độc Sanh của Đức Chúa Trời, và Chúa chúng ta; Ngài được thai dựng bởi Thánh Linh, sanh bởi nữ đồng trinh Ma-ri, chịu thương khó dưới tay Bôn-xơ Phi-lát, bị đóng đinh trên Thập tự giá, chịu chết và chôn; Ngài xuống âm phủ; đến ngày thứ ba, Ngài từ kẻ chết sống lại; Ngài thăng thiên, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời Toàn năng là Cha; từ đó Ngài sẽ trở lại để xét đoán kẻ sống và kẻ chết.
Tôi tin Thánh Linh. Tôi tin Hội Thánh phổ thông, sự cảm thông của thánh đồ, sự tha tội, sự sống lại của thân thể, và sự sống đời đời.
A-men.

Unknown Author

www.nguonhyvong.com