Theo ơn Ðức Chúa Trời ban cho tôi, tôi đã lập nên như một tay thợ khéo, mà có kẻ khác cất lên trên; nhưng ai nấy phải cẩn thận về sự mình xây trên nền đó. Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Ðức Chúa Jêsus Christ. Nếu có kẻ lấy vàng, bạc, bửu thạch, gỗ, cỏ khô, rơm rạ mà xây trên nền ấy, thì công việc của mỗi người sẽ bày tỏ ra. 1 Cô-rinh-tô (Corinthians) 3:10-15
According to the grace of God which was given to me, like a wise master builder I laid a foundation, and another is building on it. But each man must be careful how he builds on it. For no man can lay a foundation other than the one which is laid, which is Jesus Christ. Now if any man builds on the foundation with gold, silver, precious stones, wood, hay, straw, each man’s work will become evident; for the day will show it because it is to be revealed with fire, and the fire itself will test the quality of each man’s work. If any man’s work which he has built on it remains, he will receive a reward. If any man’s work is burned up, he will suffer loss; but he himself will be saved, yet so as through fire.
Dưỡng linh:
Sứ đồ Phao-lô đưa ra nguyên tắc hầu việc Chúa của ông rất rõ ràng: làm việc theo ơn Chúa ban, làm hết sức mình, và làm cách cẩn thận. Khi Phao-lô nói hầu việc Chúa “theo ơn Chúa ban” (according to the grace of God) có nghĩa là theo lòng thương xót và nhân từ của Ngài đã ban cho ông chức vụ đang có để được phục vụ Chúa và hội thánh của Ngài. Hay nói cách khác, Phao-lô hầu việc Chúa không dựa vào tài năng, tri thức, sự khen tặng của con người nhưng là sự ban cho nhưng không của Đức Chúa Trời dành cho cuộc đời đáng chết của ông. Người hầu việc Chúa và làm công việc Chúa phải luôn luôn tâm niệm điều này: bởi ơn Chúa ban cho mà tôi có chức vụ này, có cơ hội này, có dịp tiện này để phục vụ Chúa và hội thánh của Ngài. Đôi khi có người hầu việc Chúa vì tiền, vì lợi lộc cá nhân, vì tiếng tăm nên không thấy đó là ơn Chúa ban. Kết quả là người đó không trân quý chức vụ và cơ hội hầu việc Chúa. Nếu không trả lương đủ thì không hầu việc Chúa. Nếu không được người khác tôn trọng thì không hầu việc Chúa.
Nếu không ai khích lệ thì không hầu việc Chúa. Như thế không phải là hầu việc Chúa vì ơn Chúa ban. Lòng biết ơn Chúa đã khiến cho Phao-lô làm việc Chúa cách hết lòng, làm việc như “một tay thợ khéo” (a skilled master-builder). Trong nguyên văn Hi-lạp, đây là một từ ngữ được sử dụng diễn tả công việc của một kiến trúc sư lẫn kỹ sư xây dựng trong một công trình. Sứ đồ Phao-lô muốn nói chức vụ của ông mang tính chất vô cùng quan trọng, là một nhà xây dựng thuộc linh, đòi hỏi cả tấm lòng biết ơn Chúa lẫn kỹ năng của mục vu. Ông đã thiết lập một nền tảng thuộc linh cho hội thánh của Đức Chúa Trời khắp nơi tại vùng Tiểu Á Châu, Ma-cê-đoan, và Hi-lạp. Những người khác như Ti-mô-thê, A-bô-lô là những người xây dựng trên công trình của Phao-lô đã thiết lập. Dẫu cho rằng Phao-lô là người đặt nền móng ban đầu cho hội thánh và người khác tiếp nối chức vụ của mình, ông vẫn không thấy mình là quan trọng hơn người khác. Chúa Jesus mới là nền tảng căn bản của hội thánh. Công việc của ông và những người khác trong hội thánh của Đức Chúa Trời liên quan đến cõi đời đời, do đó Phao-lô khuyến cáo rằng mỗi người phải cẩn thận trong việc mình xây dựng trong công trường thuộc linh.
Nền duy nhất (the sole foundation) của hội thánh Đức Chúa Trời là Chúa Jesus Christ. Không ai khác hơn có thể chiếm lấy chỗ quan trọng này vì chính Chúa Jesus là đá góc nhà, đã bị người ta loại ra nhưng được Đức Chúa Trời quý trọng và trở nên đá góc nhà. Bởi Ngài, Đức Chúa Trời thiết lập hội thánh của Đức Chúa Trời (1 Phi-e-rơ 2:4-5). Điều này có nghĩa là tất cả mỗi người hầu việc Đức Chúa Trời bằng cách này hay cách khác, không phải là nền của hội thánh hay tự xem mình là người thật sự thành lập hội thánh.
Chính Chúa Jesus mới là Đấng thiết lập hội thánh của Đức Chúa Trời. Ngày nay, có những hội thánh mà trong đó có một số người cho rằng hội thánh do mình thành lập và muốn nắm quyền cai trị hội thánh và muốn điều khiển những người hầu việc Chúa theo ý của mình. Bằng không thì sẽ tìm cách đẩy mục sư hay người lãnh đạo thuộc linh đi chỗ khác! Đây có thể nói là một hành động vô cùng thiếu khôn ngoan vì vô tình họ đã chiếm lấy chỗ của Chúa Jesus Christ và xúc phạm đến công tác cứu rỗi của Ngài. Mỗi người nếu được Chúa thương xót sử dụng vào việc quy tụ anh chị em để trở thành một hội thánh hữu hình thì cũng không phải bởi đó xem mình là người thành lập hội thánh thật hay vô hình của Đức Chúa Trời. Chỉ một Đức Chúa Trời là Đấng thành lập hội thánh của Ngài qua công lao cứu chuộc của Chúa Jesus Christ mà thôi.
Vì Chúa Jesus là nền tảng duy nhất của hội thánh Đức Chúa Trời, sứ đồ Phao-lô nói chúng ta ai nấy phải cẩn thận về những gì mình làm hay hầu việc Chúa trong hội thánh. Có hai loại nguyên liệu để xây dựng hội thánh của Chúa mà Phao-lô đề cập đến ở đây: (a) vàng, bạc, bửu thạch là những thứ không thể bị lửa đốt cháy; và (b) gỗ, cỏ khô, rơm rạ là những thứ dễ làm mồi cho lửa. Ông dùng hai thứ vật liệu này tượng trưng cho những công tác hay việc làm của mỗi Cơ-đốc nhân trong nhà của Đức Chúa Trời là hội thánh.
Tất cả những gì chúng ta phục vụ Chúa sẽ bị lửa phán xét của Đức Chúa Trời chỉ ra trong ngày cuối cùng.
Sau khi lửa thử nghiệm, điều gì còn lại thì người đó sẽ được phần thưởng. Bằng không thì người đó chỉ bước vào trong nước của Chúa “tay không” sau bao nhiêu năm gọi là “hầu việc Chúa.” Cụm từ “được cứu dường như qua lửa” ý không muốn nói đến “ngục luyện tội” nhưng nói đến một người sau những năm theo Chúa và phục vụ Ngài rồi bước vào trong nước Chúa chẳng có phần thưởng gì cả! Hiện tại, không ai có thể biết được rằng công việc của mình hay của người khác có giá trị như thế nào và tồn tại bao lâu trước mặt Đức Chúa Trời?
Khi chúng ta phục vụ Chúa nghĩa là chúng ta đang làm công việc của một người xây dựng đời sống tâm linh của hội thánh Đức Chúa Trời, góp phần xây dựng đời linh của con dân Chúa. Chúng ta không thể nào thấy được hết tầm quan trọng của việc hầu việc Chúa của chúng ta cách gián tiếp hay trực tiếp đã làm cho đời sống thuộc linh của hội thánh Đức Chúa Trời thăng tiến hay suy thoái. Chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể phán xét và thẩm định cách đúng mức sự phục vụ Chúa của chúng ta mà thôi. Chúng ta cần nhớ rằng chúng ta không thể theo Chúa và phục vụ Ngài với tiêu chuẩn và bằng năng lực riêng của chính mình, ngay cả dựa trên nguyên tắc hay nội quy của giáo hội. Tất cả mọi sự phải được thực hiện trong và qua công lao cứu độ của Chúa Cứu Thế Jesus. Sự cứu rỗi của Chúa Jesus phải là nền tảng của mọi thánh vụ và giáo vụ trong hội thánh của Đức Chúa Trời. Tất cả những hành động của chúng ta làm và việc chúng ta thực hiện trong hội thánh của Chúa được xem là của lễ được dâng lên và được Đức Chúa Trời nhậm duy qua công lao cứu chuộc của Chúa Cứu Thế Jesus mà thôi (1 Phi-e-rơ 2:5).
Rất dễ cho chúng ta tự lấy làm thỏa mãn khi nhìn lại hay đếm lại những năm tháng theo Chúa và phục vụ Ngài trong hội thánh của Đức Chúa Trời trong mọi phương vị. Tuy nhiên, Chúa không phán xét chúng ta theo số năm theo Chúa và phục vụ Ngài. Ngài chỉ xét chúng ta theo giá trị của việc theo Chúa và phục vụ Chúa của chúng ta. Hay nói cách khác, chúng ta đã theo Chúa và phục vụ Chúa như thế nào? Động cơ nào thúc đẩy chúng ta? Dựa trên nền tảng nào chúng ta phục vụ Ngài? Không một ai có thể vào thiên đàng bằng cửa sau hay thoát khỏi lửa phán xét của Đức Chúa Trời. Khi đó mọi sự sẽ được phơi bày trần trụi ra trước ánh sáng thánh khiết và công chính của Đức Chúa Trời. Chắc chắn rằng không ai trong chúng ta muốn mình chỉ “được cứu dường như qua lửa vậy.”
Alliance Theological College