Sự Tái Sinh Hay Sinh Lại
Sự tái sinh là một trong những giáo lý căn bản của Cơ đốc giáo. Thật ra giáo lý nầy khiến Cơ đốc giáo khác hẳn các tôn giáo khác vì nó cho chúng ta thấy quyền năng biến đổi của đạo Chúa. Đừng quên rằng trong số những người theo Chúa có người thật tâm, có người không thật.
CHƯƠNG 11
Sự Tái Sinh Hay Sinh Lại
Sự tái sinh là một trong những giáo lý căn bản của Cơ đốc giáo. Thật ra giáo lý nầy khiến Cơ đốc giáo khác hẳn các tôn giáo khác vì nó cho chúng ta thấy quyền năng biến đổi của đạo Chúa. Đừng quên rằng trong số những người theo Chúa có người thật tâm, có người không thật.
Những ai tin nhận Chúa thật đều có một sự biến đổi sâu xa trong đời sống mình nghĩa là họ mang trong người một sự sống mới khác hẳn sự sống cũ đến nỗi Thánh Kinh phải dùng chữ “Tái sinh” hay “Sinh lại’ mới mô tả được hiện tượng nầy. Đời sống cũ quá hư hoại trước mặt Thượng Đế cho nên muốn đến gần Ngài chúng ta được tái tạo. Sự tái tạo nầy do Thánh Linh thực hiện.
Trong cuộc nói chuyện với Ni-cô-đem, một lãnh tụ cao cấp của Do thái, Chúa Giê-xu nói rằng “Không ai có thể vào nước trời nếu không sinh lại.” (Giăng 3:3) nghĩa là những người mang danh tín hữu mà không được sinh lại sẽ không được vào nước thiên đàng. Trong thơ II Cô-rinh 5:17 Phao lô viết, “Nếu ai thuộc về Chúa Cứu Thế, người đó là một sáng tạo mới. Mọi việc cũ qua đi hết; hiện giờ mọi việc đều mới.” Đó là hình ảnh tiêu biểu của một người đã được sinh lại.
Sự tái sinh xảy ra lúc nào?-Lúc một người đặt niềm tin mình nơi Chúa cứu Thế. Lúc đó tội lỗi được tha và Thánh Linh khiến người ấy trở nên một người mới. Hiện tượng nầy xảy ra một lần duy nhất mà thôi trong đời người, không thể diễn lại hai ba lần.
Sự tái sinh có tính cách thuộc linh. Phao lô nói đến bề ngoài con người có thể bị suy yếu nhưng người bên trong càng ngày càng đổi mới. (II Cô-rinh 4:16)
Câu hỏi ôn cho chương 11: Sự tái sinh
1. Một trong những giáo lý căn bản của Cơ đốc giáo là gì ?
2. Cái gì khiến cho Cơ đốc giáo khác hẳn các tôn giáo khác?
3. Sự biến đổi nầy xảy ra cho ai?
4. Đời sống cũ của chúng ta trước khi tin nhận chúa ra sao?
5. Tại sao chúng ta cần được tái tạo?
6. Ai thực hiện sự tái tạo nầy?
7. Nếu không được tái sinh thì chúng ta có thể vào Nước Trời được không?
8. Nếu ai thuộc về Chúa Cứu Thế thì như thế nào?
9. Sự tái sinh xảy ra vào lúc nào?
10. Sự tái sinh xảy ra mấy lần?
CHƯƠNG 12
HỘI THÁNH
Danh từ hội thánh trong tiếng Hi-lạp gọi là ekklesia gồm có hai phần: ‘ek’ nghĩa là ‘ra khỏi’ và ‘kalein’ nghĩa là ‘gọi.’ Như thế nguyên gốc của từ ngữ nầy có nghĩa là ‘gọi ra khỏi.’ Hay nói khác đi hội thánh gồm những người được gọi ra khỏi đời sống tội lỗi và nếp sống thế gian để họp thành một nhóm người có cùng một mục đích.
Trong Tân Ước hội thánh thường được dùng để mô tả một nhóm tín hữu địa phương họp lại tại một nơi (La-mã 16:5, I Cô-rinh 1:2)
Hội thánh không phải là một tổ chức loài người mà là do Chúa Cứu Thế sáng lập và là tài sản của Ngài. Không những Ngài là Đấng thành lập hội thánh mà đồng thời cũng là Đấng bảo vệ và nâng đỡ hội đó. Hội-thánh được chính thức thành lập vào ngày lễ Thất Tuần (Sứ đồ 2) tức là biến cố xảy ra 7 tuần sau khi Chúa Giê-xu sống lại từ kẻ chết.
1. Nguồn gốc của hội thánh: Do Chúa Cứu Thế Giê-xu thiết lập. Sách Mat-thi-ơ 16:18 ghi lại lời Ngài nói như sau “Ta sẽ lập hội thánh ta trên khối đá nầy.”
2. Thuộc viên của hội thánh: chúng ta phải phân biệt những tiêu chuẩn thiêng liêng và tiêu chuẩn loài người để làm thuộc viên của một hội thánh. Rất có thể có người làm thuộc viên của một hội thánh hay một giáo phái trên thế gian nầy mà không phải là thuộc viên của hội thánh của Chúa Cứu Thế. Những thuộc viên thực sự của hội thánh chúa Cứu Thế là những người đã được cứu và được sinh lại mà thôi. Sách Sứ đồ 2:47 viết, “Mỗi ngày Chúa thêm vào đoàn thể các tín hữu những người mới được cứu.” Như thế chúng ta thấy ngoài việc làm thuộc viên của một hội thánh địa phương chúng ta còn phải làm thuộc viên của hội thánh Chúa Cứu Thế mà thường được gọi là hội thánh phổ thông.
3. Các danh hiệu của thuộc viên: Các thuộc viên củ hội thánh thường được gọi là thánh đồ tức những người Chúa biệt riêng ra thánh khỏi thế gian. Danh từ nầy không có nghĩa là họ đã trở nên thánh thiện đâu nhưng là những người đã tách ra khỏi nếp sống tội lỗi trước kia để từ nay sống cho Thượng Đế.
Một danh hiệu khác là anh chị em tức là những thân nhân trong gia đình Chúa cứu Thế. Có khi các tín hữu trong hội thánh được gọi là chi thể của thân. Nghĩa là hội thánh ví như thân thể con người mà chúa Cứu Thế là đầu. Hình ảnh chi thể đôi khi cho ta thấy sự liên hệ mật thiết giữa các tín hữu với nhau. Mọi người cùng cộng tác chặc chẽ để toàn thân được lớn lên.
Các thuộc viên trong hội thánh có khi được gọi là đền thờ của Thánh Linh. Nghĩa là một nơi thánh dành cho sự thờ kính Thượng Đế. (I Cô-rinh: 3-16), Chúa Cứu Thế là đá góc của đền thờ đó, các sứ đồ và các tiên tri là nền của đền thờ và mỗi thuộc viên là “tảng đá sống” của tòa nhà (I Phia-rơ 2:5)
4. Những danh hiệu khác của hội thánh: hội thánh đôi khi còn được gọi là nàng dâu của Chúa Cứu Thế và khi Chúa trở lại Ngài sẽ mở tiệc cưới rước nàng dâu về với Ngài (Khải thị 19:7-9)
Trong khi còn sống trên đất, chúng ta như nàng dâu đang chuẩn bị để gặp chàng rễ tức chồng mình.
Tóm lược về vai trò của thuộc viên trong hội thánh
Khi chúng ta suy diễn về tất cả những điểm đã trình bày trên đây về hội thánh thì chúng ta có thể kết luận như sau về vai trò của các thành viên trong hội thánh:
1. Chúa Cứu Thế Giê-xu là đầu của hội thánh.
2. Mỗi tín hữu là một bộ phận của thân thể Chúa.
3. Cá nhân tín hữu không thể sống biệt lập, nghĩa là không cần đến các tín hữu khác.
4. Mỗi tín hữu đóng một vai trò trong thân thể Chúa, không có vai trò nào không quan trọng. Mỗi tín hữu có nhiệm vụ đóng vai trò của mình hết lòng để toàn thân được lớn lên.
5. Mỗi tín hữu phải liên kết với cái đầu tức là trung tâm chỉ huy toàn thân. Ai chạm đến một bộ phận tức là chạm đến toàn thân.
6. Thân thể Chúa là một thực thể sống và tăng trưởng mỗi ngày.
Sứ mệnh của hội thánh
Thượng Đế thành lập hội thánh để mang vinh hiển vể cho Ngài. Vai trò nầy được thực hiện theo ba chiều :hướng ra ngoài trong nhiệm vụ rao giảng lời Chúa, hướng vào trong để củng cố và tăng trưởng đời thuộc linh của tín hữu, và hướng lên cao trong sự thờ kính Ngài.
Câu hỏi ôn cho chương 12: Hội thánh
1. Hội thánh là gì?
2. Ai sáng lập ra hội thánh?
3. Hội thánh phổ thông là gì?
4. Hội thánh có thể ví như gì?
5. Ai là đầu của Hội Thánh?
6. Con cái Chúa là gì của thân?
7. Cá nhân tín hữu có thể nào sống biệt lập, không cần đến các tín hữu khác không?
8. Muốn cho toàn thân được lớn lên, các tín hữu phải làm gì?
9. Sứ mệnh của hội thánh là gì?
10. Vai trò của hội thánh gồm 3 chiều hướng: hướng ra ngoài, hướng vào trong, và hướng lên trên. Ba hướng nầy có đặc tính gì?
CHƯƠNG 13: SỰ TÁI LÂM CỦA CHÚA GIÊ-XU
Sự tái lâm, hay trở lại lần thứ nhì của Chúa Giê-xu là một giáo lý vô cùng quan trọng trong Cơ đốc giáo. Có thể nói chỉ có Cơ đốc giáo mới cho chúng ta niềm hy vọng rằng Chúa Giê-xu se trở lại thế gian một lần nữa (Sứ đồ 1:11) Đây là một biến cố chắc chắn sẽ xảy ra vì Thánh Kinh nói rõ điều đó.
1. Khi nào thì Chúa Giê-xu sẽ trở lại?
Chúa Giê-xu nói rằng không ai biết ngày và giờ đó vì ngày của chúa sẽ đến bất thần như kẻ trộn trong ban đêm (I Tê 5:2) nghĩa là có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Điều nầy nhắc nhở chúng ta luôn luông sẵn sàng để gặp chúa.
2. Chúa Giê-xu sẽ trở lại như thế nào?
Sách I Tê-sa-lô-ni-ca mô tả như sau, “Sẽ có tiếng kêu lớn khi Chúa từ thiên đàng trở lại, cùng với tiếng thiên sứ trưởng và tiếng kèn vang dội của Thượng Đế.”
3. Những gì sẽ xảy ra khi Chúa Giê-xu trở lại?
Lúc đó những người chết trrong Chúa sẽ sống lại. sau đó chúng ta là những kẻ sống sẽ được tiếp lên thiên đàng cùng với họ để gặp Chúa giữa không trung. Rồi chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi. (I Tê 4:16-18)
4. Chúng ta phải chuẩn bị như thế nào để gặp Chúa?
Vì chúng ta là những người đã được cứu rỗi nên lúc nào cũng phải lấy đức tin và tình yêu thương mà tự vệ, biết sống tiết chế, luôn luôn cảnh giác không để bị ma quỉ khiến chúng ta ngủ mê. Chúng ta phải sống như con của ban ngày, của ánh sáng chứ không phải con của sự tối tăm (I Tê 5:5-6)
5. Chúng ta sẽ gặp Chúa với thân thể như thế nào?
Tất cả chúng ta đều sẽ được biến hóa, mặc lấy một thân thể thiêng liêng không chết nữa. Trong thơ Phi-líp 3:20-21 Phao lô viết, “Chúng ta là công dân trên trời, chúng ta đang trông mong Đấng Giải Cứu trở lại, Ngài là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài sẽ dùng quyền năng quản trị mọi loài mà biến hóa thân thể hèn mọn của chúng ta trở nên như thân thể vinh hiển của Ngài.” Như thế chúng ta sẽ thấy mình có một thân thể thiêng liêng, vinh hiển, không bao giờ mục nát khi chúng ta được Ngài tiếp về thiên đàng.
6. Sau khi Chúa tái lâm thì thế giới nầy sẽ ra sao?
Có hai trường phái: Một trường phái cho rằng sau khi Chúa tái lâm thì Ngài sẽ cai trị thế gian nầy trong một ngàn năm gọi là một ngàn năm bình an. Trong thời gian nầy Sa-tăng bị trói buộc, không thể đi lường gạt người ta được. Sau thời hạn một ngàn năm nó sẽ được thả ra và tiếp tục lường gạt khiến người ta đừng tin vào Thượng Đế. Nó còn triệu tập quân lính của nó để chiến đấu chống Ngài. Nhưng Ngài sẽ chiến thắng nó. Sau đó những người không tin Chúa sẽ được sống lại để chịu xét xử. (II Tê 2:1-12, I Cô 15 20-24, Khải thị 20:1-6).
Trường phái thứ hai cho rằng Chúa Giê-xu sẽ đến cai trị thế gian cuối thời kỳ một ngàn năm. Trong thời gain một ngàn năm đó Tin Mừng sẽ được rao giảng khắp muôn dân. Hết thời gian một ngàn năm sẽ có cuộc đại chiến giữa những lực lượng công bình và lực lượng gian ác. Rồi Chúa Giê-xu sẽ trở lại, mọi người chết đều sống lại để chịu xét xử hoặc được ban thưởng, hoặc chịu trừng phạt. (I Tê 1:6-10, Khải thị 20:11-15)
Tóm tắt những điều mô tả trên đây, chúng ta thấy sự tái lâm của Chúa Giê-xu có những điểm sau:
1. Có thể đến bất cứ lúc nào (Khải thị 22:7)
2. Chỉ có những ai thực sự được cứu mới có thể được cất lên cùng với Ngài. (I Cô-rinh 15:23)
3. Biến cố ấy sẽ xảy ra trong tích tắt, trong chớp mắt (I Cô-rinh 15:52)
4. Không phải tất cả các tín hữu đều sẽ qua đời nhưng tất cả điều sẽ được biến hóa. (I Cô-rinh 15:51). Họ sẽ trở nên giống như Chúa Cứu Thế. ( I Giăng 3:2, La-mã 8:16-25)
5. Sau đó là thời kỳ thái bình một ngàn năm.
Lưu ý: Vì là một giáo lý quan trọng cho nên nhiều người kém hiểu biết lạm dụng và hướng dẫn người khác đi sai lạc. Hầu như mỗi năm ta đều nghe các tiên tri giả giảng dạy về sự tái lâm của Chúa và thậm chí dám tuyên bố đích xác về ngày Chúa đến. Điều họ dạy mâu thuẩn với lời Chúa phán trong Thánh kinh. Nhiều người tin vào những sự dạy dỗ nầy và bị lường gạt. Chúng ta phải hết sức thận trọng để không rơi vào cạn bẫy của các tiên tri giả ấy.
Câu hỏi cho chương 13: Sự tái lâm của Chúa Giê-xu
1. Sự tái lâm của Chúa Giê-xu là gì?
2. Khi nào Chúa Giê-xu sẽ trở lại?
3. Việc Chúa Giê-xu trở lại là điều ức đoán hay chắc chắn? tại sao?
4. Chúa Giê-xu sẽ trở lại như thế nào?
5. Có gì xảy ra khi Chúa Giê-xu trở lại?
6. Chúng ta phải chuẩn bị như thế nào để gặp Chúa?
7. Chúng ta có mang lấy xác thể nầy khi gặp Chúa hay không?
8. Chúng ta sẽ gặp ở đâu?
9. Thời gian một ngàn năm bình an là gì?
10. Cuối một ngàn năm sẽ có việc gì xảy ra?
CHƯƠNG 14: THIÊN ĐÀNG VÀ HỎA NGỤC
Thiên đàng và hỏa ngục không phải do trí tưởng tượng của loài người mà là những sự dạy dỗ trong Thánh Kinh.
A. Thiên đàng
Chúa Giê-xu nhiều lần nói về “nước thiên đàng” hay “nước Trời.” Người tội phạm bị đóng đinh trên thập tự giá một bên Chúa Giê-xu đã xin Ngài, “Giê-xu ơi khi Ngài vào trong nước mình xin nhớ đến con.” Và Ngài đáp, “Hôm nay con sẽ ở với ta trong thiên đàng.” (Lu-ca 23:42-43)
Ngài cũng nhắc cho chúng ta biết rằng sự nhân đức của chúng ta phải hơn các người Pha-ri-xi và các giáo sư luật, nếu không sẽ không thể nào vào thiên đàng (Ma 5:20)
Tuy nhiên Chúa Giê-xu cũng cho biết rằng không cần phải đợi đến cõi tương lai mới hưởng nước thiên đàng vì Ngài dạy chúng ta cũng có thể nếm biết nước thiên đàng ngay trên trần thế: “Nước thiên đàng ở trong lòng các con.” (Lu 17:21)
Có lẽ trong khi sống trên thế gian Chúa Giê-xu dạy nhiều nhất về nước thiên đàng hay Nước Trời.
Nước thiên đàng sẽ đến khi Chúa Giê-xu trở lại rước chúng ta về ở với Ngài.
Sách Khải Thị cho chúng ta thấy hình ảnh của nước thiên đàng, tức là trời mới đất mới (Khải 21,22) nơi không có bệnh tật, đau đớn, chết chóc hay khóc lóc nữa. (Khải 21:4) Thiên đàng cũng không cần đèn soi vì Chúa là ánh sáng (Khải 21:5). Đó là một nơi đầy phước hạnh.
Trong bài cầu nguyện chung, Chúa Giê-xu cho chúng ta thấy thiên đàng là nơi Thượng Đế, cha chúng ta ngự. Ngài cũng cảnh cáo những người đóng nước thiên đàng không cho người khác vào (Ma 23:13)
Cựu Ước cho chúng ta biết những điều kiện và phẩm cách của người được và thiên đàng (Thi 15)
Nói chung người được vào thiên đàng là những người:
a) Đã thành thật công khai tin nhận Chúa Giê-xu (Ma 10:32-33)
b) Trung tín với Ngài cho đến cuối cùng.
c) Sống xứng đáng là con cái Ngài trên thế gian.
d) Trông đợi nước của Ngài.
B. Hỏa Ngục
Nếu thiên đàng là nơi Thượng Đế và con cái Ngài ở thì hỏa ngục là nơi ma quỉ và những kẻ không tin Ngài ở và bị trừng phạt.
Thánh Kinh có khi dùng danh từ “mồ mả, nơi người chết ở, thung lũng Hi-nôm…”nhưng các từ ngữ đó khác với: “hỏa ngục” mà Chúa Giê-xu dạy. Hỏa ngục là nơi trừng phạt những kẻ phạm tội và những người làm điều gian ác (Khải thị 21:8) Đó là nơi lửa diêm sinh cháy (Khải thị 19:20), nơi tối tăm, có khóc lóc nghiến răng, nơi sâu bọ không bao giờ chết (Ma-thi-ơ 8:12, 13:42).
Những ai phải vào hỏa ngục? Thánh Kinh cho biết những người không có tên trong Sách Sự Sống (Khải thị 20:11-15) đều bị ném vào hỏa ngục. Ai không có tên trong Sách Sự Sống: Tất cả những người không tin nhận Chúa Giê-xu là con Thượng Đế, chối bỏ công lao của Ngài trên thập tự giá và những người phục-vụ ma quỉ, tức kẻ thì của Chúa chúng ta.
Trong Tin Mừng theo Ma-thi-ơ 25:41-44 chúng ta đọc về những người phải đi vào hỏa ngục:
“Sau đó Vua sẽ bảo những người bên trái, ‘Hãy đi khuất mắt ta, những nguời bị Thượng Đế nguyền rủa. Hãy đi vào lửa đời đời đã được chuẩn bị cho ma quỉ và các thiên sứ của nó. Vì ta đói các ngươi không cho ta ăn, ta khát các ngươi không cho ta uống. Ta cô đơn và xa nhà các ngươi không thèm tiếp ta vào nhà. Ta không có áo quần các ngươi không mặc cho ta. Ta đau và bị tù các ngươi không thăm viếng và chăm sóc.’
Rồi mấy người đó sẽ hỏi, ‘Thưa Chúa lúc nào chúng tôi thấy Chúa đói khát, cô đơn, xa nhà, không quần áo hoặc đau ốm hay bị tù mà không chăm sóc Ngài?’
Vua sẽ trả lời, ‘Ta bảo thật, hễ các ngươi không làm điều đó cho một trong những người rất hèn mọn nầy của ta tức là các ngươi không làm cho ta.”
Rồi họ sẽ đi vào sự trừng phạt đời đời, còn những người nhân đức sẽ đi vào sự sống đời đời.
Ngoài ra trong Khải thị 21:8 chúng ta biết thêm: “Còn những kẻ hèn nhát, kẻ không tin, kẻ làm ác, kẻ giết người, kẻ dâm dục, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng và kẻ nói dối-nơi ở của chúng nó là hồ lử diêm sinh. Đó là cái chết thứ hai.”
Như thế chúng ta thấy thiên đàng và hỏa ngục là hai nơi đối chọi nhau: một bên đầy phước hạnh, một bên đầy khốn khổ; một bên gồm những người được khen thưởng, một bên gồm những người bị trừng phạt.
Ngoài ra, sự trừng phạt nơi hỏa ngục có tính cách vĩnh viễn, đời đời không còn cơ hội để ăn năn, hối hận. Khải thị 20:10 ghi “Chúng sẽ bị trừng phạt khổ sở ngày đêm cho đến đời đời.”
Câu hỏi cho chương 14: Thiên đàng và hỏa ngục
1. Thiên đàng và hỏa ngục là do trí tưởng tượng con người hay do sự dạy dỗ của Thánh Kinh?
2. Trong Tân Ước hay dạy về nước thiên đàng (hay Nước Trời) nhiều nhất?
3. Chúng ta có thể nếm biết nước thiên đàng trên trần thế nầy không?
4. Nước thiên đang sẽ đến vào lúc nào?
5. Kể ra một vài đặc điểm của nước thiên đàng theo như sách Khải thị mô tả.
6. Ai là người được vào nước thiên đàng?
7. Ai là người phải ở trong hỏa ngục?
8. Những ai không có tên trong sách Sự Sống thì sẽ chịu hình phạt gì?
9. Kể ra một vài tội lỗi theo Khải thị 21:8 khiến người phạm tội đó sẽ bị ném vào hỏa ngục.
10. Sự trừng phạt nơi hỏa ngục có tính cách vĩnh viễn hay tạm thời?
CHƯƠNG 15: SỰ XÉT XỬ SAU CÙNG
Khi Chúa Giê-xu đến thế gian để chịu chết đền tội cho nhân loại thì Ngài đã cho chúng ta một cơ hội: Chấp nhận công lao hi sinh của Ngài trên thập tự giá để Thượng Đế tha tội cho chúng ta và được nhận làm con dân của Nước Trời nghĩa là chúng ta sẽ được về thiên đàng ở với Ngài lúc chúng ta qua đời hay khi Chúa Giê-xu trở lại lần thứ nhì.
Thế còn những người từ chối không tin nhận công lao chuộc tội của Ngài thì sao? Kinh Thánh nói rõ, những người ấy sẽ bị Thượng Đế trừng phạt. Chúng ta đừng vội cho rằng Thượng Đế không yêu thương khi trừng phạt những người không chịu tin. Ngài đã cho họ nhiều cơ hội để tin cho nên nếu họ vẫn khăng khăng từ chối thì việc họ phải lãnh sự trừng phạt của Thượng Đế là điều dĩ nhiên. Dù là Đấng yêu thương nhưng Ngài cũng là Đấng Công Bình, không bao giờ xem người có tội là vô tội. Ngài cũng là Đấng Thánh Khiết, không thể nào để kẻ có tội vào Nước Trời.
Tác giả Hê-bơ-rơ viết, “Anh chị em nghĩ sao về những kẻ coi thường Con Thượng Đế, xem huyết giao ước đã thánh hóa họ chẳng khác nào một thứ huyết khác, sỉ nhục Thánh Linh của ân phúc Thượng Đế. Chắc hẳn họ sẽ bị trừng phạt nặng hơn.” (10:29). Và Chúa phán thêm, “Ta sẽ trừng phạt kẻ phạm tội. Ta sẽ báo trả họ.” (Hê-bơ-rơ 10:30) và “Rơi vào tay Thượng Đế là một điều rất khủng khiếp.” (Hê 10:31)
Sự trừng phạt xảy ra khi nào? Biến cố nầy xảy ra sau khi có Sự Xét Xử sau cùng tức là cuối một ngàn năm bình an. Lúc ấy mọi người không tin Chúa đều sẽ sống lại và chịu xét xử.
Sách khải thị 20:11-15 mô tả rõ ràng về phiên tòa cuối cùng mà Thượng Đế dùng để Xét Xử mọi người,
“Rồi tôi thấy một ngai trắng và lớn cùng Đấng ngự trên ngai. Trước mặt Ngài trời đất trốn mất hết. Tôi thấy những người chết, cả lớn lẫn nhỏ đều đứng trước ngai. Các sách mở ra, rồi một sách khác là sách sự sống cũng mở ra nữa. Những người chết bị xét xử theo những điều họ đã làm được ghi trong các sách. Biển đem trả những người chết nó chứa, còn Sự Chết và Âm Phủn (Ha-đê) cũng mang trả những người chết chúng chứa. Mỗi người bị xét xử theo điều mình làm. Rồi Sự Chết và Âm Phủ bị ném vào hồ lửa. Hồ lửa là sự chết thứ hai. Người nào không có tên trong sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa.”
Ai không có tên trong sách sự sống? Trong một chương trước khi học về Thiên Đàng và Hỏa Ngục chúng ta thấy những người sau đây:
“Còn những kẻ hèn nhát, kẻ không tin, kẻ làm ác, kẻ giết người, kẻ dâm dục, kẻ phù phép, kẻ thờ thần tượng và kẻ nói dối-nơi ở của chúng nó là hồ lửa diêm sinh. Đó là cái chết thứ hai.” (Khải thị 21:8)
Như thế sự Xét xử sau cùng là điều chắc chắn xảy ra và số phận của những người không có tên trong sách Sự Sống đã được Kinh Thánh mô tả rõ ràng.
Vì thế những ai bị trừng phạt đều do kết quả của việc xét Xử sau cùng rất công bằng của Thượng Đế.
Trong thư II Phia-rơ 3:9 chúng ta đọc, “Ngài không muốn cho người nào bị chết mất nhưng muốn cho mọi người đều ăn năn.” Do đó khi một người không chịu tin và bị trừng phạt là sự lựa chọn của người ấy.
Như chúng ta đã học trong các bài trước, sau khi Chúa Giê-xu tiếp chúng ta (những người tin Ngài) về thiên đàng và lập nước bình an của Ngài trên đất, những người không tin có một cơ hội nữa là thời kỳ 1.000 năm để ăn năn, sau đó việc Xét Xử sau cùng mới xảy ra.
Nhắc lại rằng sau khi bị ném vào hồ lửa thì những ai bị ném vào đó phải lãnh một sự trừng phạt đời đời cùng với Sa-tan và các quỉ sứ nó. (Khải thị 20:10)
Câu hỏi cho chương 15: Sự Xét Xử sau cùng
1. Sự Xét Xử sau cùng sẽ xảy ra vào lúc nào?
2. Ai là người sẽ bị Xét Xử?
3. Tại sao họ bị Xét Xử?
4. Những người bị Xét Xử đã có cơ hội ăn năn tiếp nhận Chúa hay không?
5. Những người nào sẽ bị ném vào hỏa ngục?
6. Căn cứ vào tiêu chuẩn nào mà một người bị trừng phạt ở phiên tòa nầy?
7. Có phải Thượng Đế muốn trừng phạt con người ta không?
8. Sự Xét Xử sau cùng có phải là điều có thể hay chắc chắn sẽ xảy ra?
9. Ta có thể nói thế nào về những người bị ném vào hỏa ngục sau phiên Xét Xử sau cùng? Đó là do sự chọn lựa của họ hay tại Thượng Đế ghét họ?
10. Ngoài những người bị trừng phạt trong hồ lửa còn có ai khác?
NHV SUU TAM
Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com
www.nguonhyvong.com