THIÊN SỨ
Chúng ta thường nghĩ rằng con người là vật sáng tạo cao cả nhất của Thượng Đế. Thật ra ở giữa Thượng Đế và loài người có một loài thọ tạo khác cao hơn chúng ta, đó là các thiên sứ. Sách Hê-bơ-rơ 2:7 viết, “Thượng Đế tạo con người hơi thấp hơn các thiên sứ một ít” Như thế chúng ta thấy thiên sứ do Thượng Đế tạo nên.

CHƯƠNG 6

Các thiên sứ được tạo nên lúc nào thì Thánh Kinh không đề cập nhưng chúng ta có thể căn cứ theo sách sáng thế ký chương 1,2 mà ức đoán rằng các thiên sứ được dựng nên trước khi Thượng Đế tạo nên vũ trụ và loài người.

Làm thế nào chúng ta biết chắc có thiên sứ? Thánh kinh nhiều lần đề cập đến thiên sứ. Đặc biệt Chúa Giê-xu và thánh Phao-lô nói rất nhiều về thiên sứ.

I. Sự hiện hữu của thiên sứ

A. Do sự dạy dỗ của Chúa Giê-xu

Trong Ma-thi-ơ 18:10 Ngài nói, “Ta bảo cho các con biết là những thiên sứ của chúng nó lúc nào cũng ở cạnh Cha ta trên thiên đàng.”

Trong Lu-ca 15:10 Chúa Giê-xu cũng nói là “Các thiên sứ và Thượng Đế sẽ hân hoan khi một tội nhân ăn năn.”

B. Do sự dạy dỗ của Phao lô và các sứ đồ khác

Trong thơ II Tê-sa-lô-ni-ca Phao lô viết, “…Chúa Giê-xu hiện ra trong đám lửa hừng từ thiên đàng cùng với đoàn thiên sứ hùng hậu của Ngài.” Còn Phi-e-rơ cũng nói, “Nay Ngài đã trở về thiên đàng, ngồi bên phải Thượng Đế và đang cai quản các thiên sứ…” (I Phia-rơ 3:22)

II Bản chất của thiên sứ

A. Thiên sứ là vật thọ tạo của Thượng Đế

Sách Cô-lô-se 1:16 viết, “Qua quyền năng Chú Cứu Thế, muôn vật được thành hình: vật trên trời, dưới đất, vật thấy được, vật không thấy được…Tất cả đều được tạo nên qua Chúa Cứu Thế và vì Chúa Cứu Thế.”

B. Thiên sứ là thần linh

Hê-bơ-rơ 1:14 viết, “Các thiên sứ là thần linh hầu việc Thượng Đế…” Tuy là thần linh nhưng đôi khi thiên sứ hiện ra với hình dạng con người như trường hợp thiên sứ hiện ra cùng vợ của Ma-nô-a, mẹ Sam-sôn (Quan án 13:3) và thiên sứ Gáp-ri-ên hiện ra báo tin cùng Ma-ri về việc Chúa Giê-xu sinh ra (Lu-ca 1:26)…

C. Thiên sứ không có tính phái

Không như con người, thiên sứ không có phái nam hay phái nữ nghĩa là không thể kết hôn hay sản sinh được. Tuy nhiên theo Thánh Kinh cho biết, khác với con người, thiên sứ có sự sống bất diệt trên thiên đàng.

D. Thiên sứ rất hùng mạnh và khôn ngoan nhưng không phải có sức mạnh hay trí hiểu biết vô hạn

Thi-thiên 103:20 viết, “Hỡi các thiên sứ của Thượng Đế, là các đấng có sức mạnh làm theo mệnh lệnh Ngài…” Sách Ê-sai 37:36 ghi lại chuyện thiên sứ của Chúa giết một trăm tám mươi lăm ngàn lính A-xy-ri trong một đêm.

E. Các thiên sứ có đẳng cấp và ngạch trật

Trong sách Giu-đe chúng ta đọc về thiên sứ trưởng Mi-chen giành xác Mô-se. Trong Lu-ca 2 chúng ta đọc thấy một đoàn thiên sứ rất đông họp với thiên sứ đầu tiên ca vang lời chúc tụng Thượng Đế khi Chúa Giê-xu giáng sinh.

F. Con số của các thiên sứ

Hê-bơ-rơ 12:22 nói đến “hằng ngàn thiên sứ hân hoan nhóm họp.” Sách Nê-hê-mi 9:6 nói đến “vô số cơ binh trên trời.” Như thế con số thiên sứ không ai biết được. Chúng ta chỉ có thể nói là vô số.

III Vai trò và nhiệm vụ của thiên sứ

A. Ở trên trời

Ca ngợi Chúa và phục vụ Ngài (Ê-sai 6). Khải thị 5:11 cho thấy hàng ngàn hàng vạn thiên sứ kêu lớn lên rằng “Chiên Con đã bị giết đáng nhận quyền năng…”

B. Vai trò trên đất

Hướng dẫn, giữ gìn các con cái Chúa. Sứ đồ 8:26 cho thấy một thiên sứ Chúa chỉ bảo cho Phi-líp đi tìm hoạn quan Ê-thi-ô-bi để giảng đạo cho ông ta. Cũng trong Sứ-đồ 12:6-10 cho thấy một thiên sứ đã giải cứu Phia-rơ ra khỏi ngục.

Thiên sứ cũng chứng nhân trong khi hội thánh Chúa chiến đấu với tội ác (I Cô 4:9)

Các thiên sứ cũng sẽ cùng với Chúa Giê-xu khi Ngài trở lại lần thứ nhì để phân chia người tốt và nggười xấu (Ma 25:31-32), đề thi hành án phạt của Thượng Đế đối với người ác (Ma 13:39-42) Sách Khải thị ghi rõ những sự kiện kinh hoàng mà các thiên sứ sẽ làm vào ngày tận thế.

IV. Sự sa ngã của một số thiên sứ

Tất cả các thiên sứ được dựng nên rất tốt. Cũng như con người, thiên sứ có ý chí tự do chứ không phải là những người máy. Chính vì ý chí tự do đó mà một số thiên sứ đã sa ngã và phạm tội nghịch cùng Thượng Đế. Sách II Phia-rơ 2:4 viết “Khi các thiên sứ phạm tội, Thượng Đế chẳng để họ yên mà không trừng phạt…” Giu-đe 6 nói đến “Các thiên sứ không giữ địa vị quyền hành mà rời bỏ chỗ của mình thì Chúa nhốt họ trong nơi tối tăm, xiềng đời đời chờ ngày xét xử lớn.”

Nguyên nhân phạm tội của các thiên sứ có thể do tự phụ và kiêu căng (Ê-xê-chiên 28). Điển hình là Sa-tan, nguyên là một thiên sứ trưởng.

Khi sa ngã thì các thiên sứ ấy chống lại mục tiêu của Thượng Đế (Đa-niên 10:10-14), làm khốn khổ con cái Chúa (Lu-ca 13:16), cản trở cuộc sống thiêng liêng của con cái Ngài (E6ph 6:12) và tìm cách dỗ dành những người được cứu để họ xa lìa Chúa (I Sam 28:7-20)

Thánh Kinh cho thấy khi thiên sứ phạm tội thì sẽ không có phương cách cứu chuộc nào như phương cách cứu rỗi Thượng Đế dành cho con người. I Cô-rinh 6:3 cho thấy chúng ta sẽ xét xử các thiên sứ.

Câu hỏi cho chương 6: Thiên sứ

1. Ai dựng nên thiên sứ?
2. Thiên sứ cao hơn hay thấp hơn địa vị con người?
3. Làm sao chúng ta biết có thiên sứ?
4. Kể ra ít nhất ba bản chất của thiên sứ.
5.Thiên sứ có ngạch trật không? Ai là thiên sứ trưởng?
6.Thiên sứ là người hay là thần linh?
7. Vai trò của thiên sứ ở trên trời là gì?
8.Vai trò của thiên sứ dưới đất là gì?
9. Thiên sứ có thể sa ngã không? Tại sao?
10. Khi các thiên sứ sa ngã thì họ làm gì? (Kể ra ít ra là 3 điều mà những thiên sứ sa ngã làm nghịch lại con cái Chúa)

CHƯƠNG 7

MA QUỈ/ SA-TĂNG

Trong chương 5 chúng ta học biết rằng nguồn gốc tội lỗi là từ ma quỉ khi nó lấy dạng con rắn cám dỗ bà Ê-va phạm tội nghịch với mệnh lệnh của Thượng Đế (Sáng thế ký 3)

A. Ma quỉ từ đâu mà ra?

1. Nó là một trong những thiên sứ được Thượng Đế dựng nên nnhưng lên mình kiêu căng, phản lại Ngài nên bị Ngài ném xuống thế gian. Sách Ê-sai 14:12-15 viết “Hỡi Lu-xi-phe (Sao mai), con trai của sáng sớm kia, sao ngươi từ trời sa xuống…ngươi vẫn bụng bảo dạ rằng: Ta sẽ lên trời, sẽ nhấc ngai ta lên trên các ngôi sao của Đức Chúa Trời …Ta sẽ làm cho mình ra bằng Đấng Rất Cao. Nhưng ngươi phải xuống nơi Âm phủ rơi vào vực thẳm.”

2. Nó là kẻ thù của Thượng Đế và của con cái Ngài. Sách I Giăng 2:18 viết “Các con đã nghe nói rằng Kẻ Nghịch lại Đấng Cứu Thế phải đến. Hiện nay có nhiều kẻ Nghịch Lại Ngài.” Sách I Phi-e-rơ 5:8 cho thấy “kẻ thù của anh em là ma quỉ như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào có thể nuốt được.” Gióp 1-2 cho thấy ma quỉ muốn hại ông.

3. Nó là kẻ hay kiện cáo chúng ta trước mặt ThượngĐế. Sách Khải Thị 12:10 viết “kẻ kiện cáo anh em chúng ta, kẻ ngày đêm kiện cáo chúng ta trước mặt Thượng Đế nay đã bị quăng xuống rồi.”

4. Nó là Chúa thế gian nầy. Sách II Cô-rinh 4:3-4 viết “Nếu Tin Mừng của chúng tôi bị che khuất là chỉ che khuất cho những kẻ bị hư mất, cho những kẻ chẳng tin mà chúa đời nầy mù lòng họ để cho họ không thấy sự vinh hiển của Tin Mừng.

5. Nó là kẻ cám dỗ. Nó đã cám dỗ Chúa Giê-xu trong đồng hoang (Ma-thi-ơ 4:1-11) Sách Tê-sa-lô-ni-ca 3:5 ghi “e rằng kẻ cám dỗ đã cám dỗ anh em mà công phu của chúng tôi trở thành vô ích.”

B. Phương pháp Sa-tăng hay dùng.

Nó dùng nhiều hình thức như đặt tội lỗi vào lòng như trường hợp của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. (Giăng 13:2 “Ma quỉ đã để mưu phản vào lòng Giu-đa”), dụ dỗ bằng những lời ngon ngọt như trường hợp Ê-va, dùng những tai nạn, đau khổ để kéo người ta xa Chúa như trường hợp của Gióp (Gióp 1:9-10), làm phép lạ, dấu kỳ để phỉnh dỗ người ta (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:9), giả mạo làm thiên sứ sáng láng (II Cô-rinh-tô 11:14) viết “Nào có lạ gì chính quỉ Sa-tăng mạo làm thiên sứ sáng láng”, dùng sự yếu đuối thể xác hay tinh thần của chúng ta để chúng ta phạm tội. Thư I Cô-rinh-tô 7:5 viết “kẻo quỉ Sa-tăng thừa dịp anh em không kìm hãm thân thể mình được mà cám dỗ anh em.”

Sa-tăng có thể giả mạo lời của Thượng Đế, khiến cho người ta tưởng đó là sự thật. Phao lô trong thơ II Cô-rinh-tô 2:7 viết “Chúng tôi không giả mạo lời của Thượng Đế như nhiều kẻ khác.”

Ngoài ra nó có thể làm cho người ta mù lòa, không thấy chân lý của Thượng Đế. Trong II Cô-rinh-tô 4:3-4 Phao lô cảnh cáo, “Nếu Tin mừng của chúng tôi bị che khuất là chỉ che khuất cho những kẻ bị diệt mất, cho những kẻ không tin mà chúa đời nầy đã làm mù lòng họ để họ không trông thấy sự vinh hiển của Tin Mừng của Đấng Cứu Thế là hình ảnh của Thượng Đế.”

Trên đây không phải là tất cả những mánh khóe hay phương pháp mà Sa-tăng hay dùng. Vì ma quỉ rất khôn ngoan cho nên nó có thể dùng vô số cách để lôi kéo tội nhân trở về với nó. Vì thế con cái Chúa phải rất thận trọng khi đối phó với những nưu mô của ma quỉ. Một trong những cách rất hữu hiệu mà ma quỉ hay dùng là gây chia rẽ giữa con cái Chúa với nhau vì nó biết rõ, “Nước nào tự chia xé nhau sẽ không tồn tại, và gia đình nào phân hóa sẽ tan hoang” Ma-thi-ơ 12:25) như Chúa Giê-xu đã cảnh cáo.

Sách Khải thị 12:12 cho biết thêm, “ma quỉ biết thì giờ nó chẳng còn bao nhiêu nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi.” Nghĩa là vào thời kỳ cuối cùng nầy ma quỉ càng hoạt động mạnh hơn nữa. Cho nên chúng ta phải đề phòng.

C. Số phận sau cùng của Sa-tăng và những người theo nó.

. Nó sẽ bị đánh bại: Sách Khải thị 12:9 cho thấy nó và các thiên sứ của nó sẽ bị quăng xuống. Nó sẽ bị xiềng trong một ngàn năm để nó không đi lừa dối người ta nữa (Khải thị 20:2-3) sự chết của Chúa Giê-xu trên thập tự giá để tiêu diệt quyền lực của Sa-tăng (Hê-bơ-rơ 2:14)

.Nó sẽ bị ném xuống hồ lửa đời đời. sách Khải thị 20:14-15 cho thấy chiến thắng sau cùng của Chúa đối với Sa-tăng là ném nó vào hồ lửa cùng với những người không có tên trong sách sự sống.

D. Chúng ta làm thế nào để chiến đấu với Sa-tăng?

Đừng cho nó cơ hội (Ê-phê-sô 4:27)

. Đứng vững trong đức tin (I Phia-rơ 5:9)

. Nhờ cậy huyết Chúa Giê-xu (Khải thị 12:11)

. Nhờ sự cầu thay của Chúa Giê-xu (Hê-bơ-rơ 7:25)

. Bước đi theo sự hướng dẫn của Thánh Linh (Ga-la-ti 5:16)

. Dùng các vũ khí của Thượng Đế cấp cho (Ê-phê-sô 6: 10-17). Phao lô trong thơ Ê-phê-sô 6:11 khuyên chúng ta “hãy mang lấy mọi khí giới của Thượng Đế để đứng vững mà chống lại nưu kế của ma quỉ.” Vũ khí đó lấy ở đâu? Đó là lời của Thượng Đế (Ê-phê-sô 6:17)

Câu hỏi ôn cho chương 7: Ma quỉ/ Sa-tăng

1. Ma-qủi từ đâu mà ra?
2.Ai là kẻ thù của Thượng Đế và con cái Ngài?
3. Ai là kẻ hay kiện cáo chúng ta trước mặt Thượng Đế?
4. Sa-tăng có bao nhiêu cách để kéo chúng ta xa Chúa?
5. Một trong những cách hữu hiệu nhất của nó là gì?
6. Tạo sao những người hư mất không nhìn thấy chân lý của Tin Mừng?
7. Vào thời kỳ cuối cùng nầy ma-quỉ hoạt động mạnh hơn hay yếu hơn?
8. Số phận sau cùng của Sa-tăng và những người theo nó (tức những người không tin Chúa) là gì?
9. Kể ra ba cách chúng ta có thể dùng để chiến đấu với mưu mô của Sa-tăng.
10. Chúng ta lấy khí giới ở đâu để chống lại Sa-tăn?

CHƯƠNG 8

SỰ CỨU RỖI

Sự Cứu Rỗi là chủ đề chính và lớn nhất của Thánh Kinh và của Cơ đốc giáo. Sự Cứu Rỗi bắt đầu từ ngay sau khi loài người phạm tội trong vường Ê-đen, cảm biết mình xấu hổ vì trần truồng không dám đối diện với Thượng Đế (Sáng thế ký 3:9-10) vì thế cho nên Ngài dùng da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam mặc (sáng thế ký 3:21). Việc lấy da thú có thể là da chiên, cho thất một con thú đã phải chịu chết, hy sinh mạng sống để con người không còn bị trần truồng. Ý niệm Cứu Rỗi bắt đầu từ đó.

Nghĩa chính của “Cứu Rỗi” là giải thoát hay, “cứu vớt”. Ý niệm này diễn tả một sự giải thoát một người ra khỏi tình trạng hiểm nguy, có thể hại đến tính mạng chẳng hạn cứu một người ra khỏi một tòa nhà đang cháy hay vớt một người sắp chết đuối. Trong các trường hợp trên đây ta phải hiểu 3 điều kiện:

1. Người được cứu đang gặp nguy hiểm sắp mất mạng.

2. Một người khác thấy hoàn cảnh đó liền đến ra tay tiếp cứu.

3. Người giải cứu thành công trong việc giải thoát người đang lâm nguy và cứu người kia thoát chết.

Các từ ngữ như “Cứu Chúa”, “Đấng Cứu Thế”, “Sự Cứu Rỗi”…được Thánh Kinh dùng đến luôn và có ý nghĩa tương tự nhau: Loài người được Chúa cứu khỏi chết về mặt tâm linh.

Trong chương trình Cứu Rỗi của thượng Đế ta thấy những điểm quan trọng sau đây:

1. Con người không thể nào tự cứu lấy mình. Bản chất tội lỗi của con người khiến chúng ta không thể nào cứu lấy mình được. Con người ở trong tình trạnh tuyệt vọng.

2. Sự công bình và thánh khiết của Thượng Đế buộc Ngài phải trừng phạt tội lỗi..Sách Xuất-Ai-cập 34:6 viết “Ngài không thể xem kẻ có tội như vô tội.” Nghĩa là ThượngĐế không thể dung tha hay chấp nhận tội lỗi. Sự trừng phạt tội lỗi là bị phân cách khỏi Thượng Đế, ở trong cách khốn khổ muôn đời. Đứng trước tình cảnh ấy con người chỉ có thể thốt lên “Tôi phải làm gì để được cứu.” (Sứ đồ 16:30)

3. Động lực thúc đẩy Thượng Đế lập chương trình Cứu Rỗi cho nhân loại là tình yêu thương của Ngài. Sách Giăng 3:16 cho thấy “Vì Thượng Đế yêu nhân loại đến nỗi hy sinh Con Một của Ngài để hễ ai đặt niềm tin vào Con ấy sẽ không bị chết mất mà được sự sống muôn đời.” Thư I Giăng 4:16 viết: “Thượng Đế là tình yêu thương.”

4. Chúa Giê-xu, Con Một của Thượng Đế đến thế gian làm người, chịu chết để cứu chúng ta. Sách Mác 10:45 viết “Con Người (Chúa Giê-xu) đến để hy sinh mạng sống và trả giá cứu chuộc cho nhiều người.” Lưu ý điều nầy: Chúa Giê-xu là Đấng vô tội chịu chết vì chúng ta là kẻ có tội. Nghĩa là Chúa Giê-xu mang tội lỗi của chúng ta, chịu chết thế cho chúng ta trên thập tự giá tức là chịu trừng phạt thế cho chúng ta. Ngài chiến thắng cái chết và hoàn thành điều đòi hỏi của Thượng Đế về sự công bình và thánh khiết của Ngài.

Điều kiện để nhận sự Cứu Rỗi của Chúa Giê-xu

Với sự hy sinh của Con Một Thượng Đế trên thập tự giá Chúa Giê-xu đã trả một giá rất cao để cứu nhân loại, như thế chúng ta hay bất cứ tội nhận nào phải làm gì để nhận sự cứu rỗi ấy?

1. Phải ăn năn tội. Ăn năn là một sự thay đổi thái độ hay chuyển hướng đối với tội lỗi, đối với con người của mình, đối với Đấng Cứu Thế và Sự Cứu Rỗi của Ngài.

2. Phải tin vào Tin Mừng tức là tin vào công ơn cứu chuộc của Chúa Giê-xu. Sách I Giăng 5:9-10 viết “Ai tin Con Thượng Đế thì có bằng chứng về sự cứu rỗi trong mình.”

3. Phải chấp nhận Chúa Giê-xu Cứu Thế làm Chúa của đời sống mình. Sự chấp nhận này là một hành vi tự nguyện và cương quyết, có tính cách cá nhân nghĩa là không có ai được cứu giùm cho ai cả: cha mẹ không thể được cứu giùm cho con, hay chồng được cứu giùm cho vợ…mặc dù sự cứu rỗi của người đã tin có ảnh hưởng đến người chưa tin cùng sống trong gia đình.

Trên đây là 3 điều kiện căn bản để nhận được sự Cứu Rỗi của Chúa Giê-xu. Để ý rằng sự Cứu Rỗi là một quà tặng từ Thượng Đế, chúng ta không thể mua bằng tiền mà cũng không phải trả tiền.

Bằng chứng về sự Cứu Rỗi

Làm thế nào để biết mình đã được cứu? Kinh Thánh trả lời dứt khoát: Hễ ai đặt niềm tin nơi con Thượng Đế thì được tha tội (Sứ đồ 13:38), được cứu (La-mã 8:1), và được sự sống đời đời (Giăng 3:16, I Giăng 5:13). Đức Thánh Linh đồng thời làm chứng rằng chúng ta là con cái của Thượng Đế (La-mã 8:16).

Phạm vi của sự cứu rỗi

Sự Cứu Rỗi bao gồm 3 phương diện: Quá khứ, hiện tại, và tương lai.

1. Quá khứ. Sự Cứu Rỗi tha thứ những tội quá khứ của chúng ta vì Chúa Giê-xu đã gánh thế những hậu quả của tội lỗi chúng ta cho nên chúng ta được giải thoát khỏi những hình phạt của những tội ấy. (La-mã 8:1; Giăng 5:24)

2.Hiện tại. Cứu rỗi nghĩa là được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi và vì có Thánh Linh ngự trị trong lòng cho nên chúng ta có thể chiến thắng tội lỗi (La-mã 6:14) Nói như thế không có nghĩa là hiện tại tín hữu không thể phạm tội vì ma quỉ lúc nào cũng đi rình mò xung quanh những con cái Chúa để nuốt những ai không cẩn thận (I Phia-rơ 5:8) nhưng tội lỗi không còn quản trị trên chúng ta nữa mà Chúa Cứu Thế.

3.Tương lai. Khi Chúa Cứu Thế trở lại, dù chúng ta còn sống hay qua đời chúng ta đều được Ngài rước vào nước thiên đàng vì chúng ta đã được Ngài ban cho sự Cứu Rỗi. Đây là kết điểm của sự Cứu Rỗi mà tất cả chúng ta đang trông mong. (Hê-bơ-rơ 9:28; I Tê-4:13-18)

Kết quả của sự Cứu Rỗi

Sau khi được Cứu Rỗi, chúng ta nhận được vô số kết quả hay ích lợi cho chính mình. Ở đây chúng ta chỉ liệt kê một vài lợi ích ấy:

1. Được làm con cái ThượngĐế. Sách La-mã 8:16 viết, “Thánh Linh làm chứng rằng chúng ta là con cái Thượng Đế.” (Ga-la-ti 3:26)

2. Được hòa thuận lại với ThượngĐế. Sách La-mã 5:1 viết, “Nhờ Chúa Giê-xu Cứu Thế, chúng ta được hòa thuận lại với Thượng Đế.”

3. Được sống cho Ngài. Sách II Cô-rinh-tô ghi, “Vì Ngài đã chết vì mọi người cho nên những người sống không vì mình mà sống nữa, mà sống vì Đấng đã chết và sống lại cho mình.”

4. Để phục vụ Thượng Đế. Sự phục vị nầy thể hiện qua các việc lành và làm chứng về Ngài cho người khác. (Êph 2:10, Mác 16:15-16)

5. Được thờ phụng, ca ngợi và cầu nguyện cùng Thượng Đế. Đây là một trong những đặc ân quí báu của con cái Chúa. Giăng 4:23-24 nói về một sự thờ phụng trong tâm linh với lòng chân thành. Hê-bơ-rơ 13:15 khuyên chúng ta dâng tế lễ bằng lời ca ngợi Chúa.

6. Được cấp cho một nhà đời đời trên thiên đàng. Trong Giăng 14:1-3 Chúa Giê-xu bảo các môn đệ rằng Ngài đi trước sắm sẵn cho họ một chỗ ở. Sách Khải thị 22:1-5 mô tả nơi ở nầy trên thiên đàng, chỗ không còn có đêm, không còn chết chóc hay bệnh tật nữa.

Câu hỏi cho chương 8: Sự Cứu Rỗi

1. Chủ đề chính và lớn nhất của Thánh Kinh và của Cơ đốc giáo là gì?
2. Sự Cứu Rỗi bắt đầu từ lúc nào?
3. Ý nghĩa của sự Cứu Rỗi là gì?
4. Tại sao chúng ta cần được Cứu Rỗi? Kể ra ít nhất 2 trong số 4 lý do.
5. Động lực thúc đẩy Thượng Đế lập chương trình Cứu Rỗi cho nhân loại là gì?
6. Ai chịu chết để cứu chúng ta?
7. Điều kiện đầu tiên để nhận được sự Cứu Rỗi là gì?
8. Sự Cứu Rỗi có tính cách cá nhân hay tập thể?
9. Ai chứng nhận rằng chúng ta đã nhận được sự Cứu Rỗi?
10. Một trong những kết quả quí báu nhất của sự Cứu Rỗi là gì?

CHƯƠNG 9

ÂN PHÚC

Ân Phúc thường hay đi đôi với sự Cứu Rỗi. Không có ân phúc của Thượng Đế thì tất cả chúng ta đều không được cứu. Ân phúc là gì? “Ân phúc là Ân huệ hay lòng nhân từ ban cho một người dù người đó không xứng đáng hay xấu xa đi nữa.”

Ân phúc là một trong những đức tính của Thượng Đế. Các từ ngữ sau đây thường hay dùng với “ân phúc”: lòng nhân ái (hay thương xót), tình yêu thương, sự nhẫn nhục (hay chậm giận).”

Sách Xuất Ai-cập 34:6 ghi, “Giê-hô-va là Thượng Đế nhân ái, chậm giận, đầy ân phúc.”

Trong khi ân phúc là ân huệ mà ta không đáng lãnh thì “nhân ái” (lòng thương xót) là sự trừng phạt chúng ta đáng nhận mà Chúa không thi hành.

Từ ngữ ân phúc được nhắc đến hơn 160 lần trong Thánh Kinh trong đó 128 lần được ghi trong Tân Ước. Sách Phia-rơ viết “Thượng Đế của mọi ân phúc” và Chúa Cứu Thế được Giăng mô tả là “tràn đầy ân phúc.” (Giăng 1:14) Sách Hê-bơ-rơ 10:29 cho thấy “Thánh Linh của ân phúc.” Do đó ta thấy cả 3 ngôi đều tràn đầy ân phúc.

Như thế ta thấy ân phúc là tình yêu dành cho một đối tượng không xứng đáng. Thượng Đế là tình yêu và khi Ngài tỏ lòng yêu thương cho loài người tội lỗi, dơ bẩn, xấu xa, phản nghịch…thì đó là ân phúc.

Một ví dụ điển hình về ân phúc là việc giải thoát hay cứu vớt dân Ít-ra-ên (Do thái) ra khỏi Ai-cập là đất nô lệ rồi dẫn họ vào Đất Hứa tốt đẹp. Thượng Đế làm điều đó không phải vì do công đức hay tài cán gì của dân Do-thái mà hoàn toàn do ân phúc của Thượng Đế.

Một vài đối chiếu về ân phúc

1. Đừng lầm lẫn ân phúc với việc làm. Nếu chúng ta có thể được Cứu Rỗi qua việc làm thì sự Cứu Rỗi đó chỉ là tiền công chứ không phải ân phúc. Sách La-mã 4:4-5 viết “Đối với người làm việc thì tiền công không phải là ơn mà là nợ còn người không phải làm gì hết nhưng tin Đấng xưng người có tội là vô tội thì đức tin của người ấy là ân phúc.”

2. Đừng lầm lẫn ân phúc với luật pháp. Chúng ta không thể được cứu bằng cách vâng theo luật pháp (tức luật lệ Môi-se). Chúng ta được cứu hoàn toàn nhờ ân phúc của Thượng Đế. Nếu ta nhìn các điểm sau đây thì rõ:

a) Luật pháp bảo chúng ta phải làm một việc gì đó.

Ân phúc cho thấy công việc đó đã được làm rồi.

3. Luật pháp bảo, “Hãy làm điều nầy thì sẽ được sống.”

Ân phúc bảo, “Hãy sống và làm điều nầy.”

a) Luật pháp bảo, “Ngươi hãy yêu Chúa là Thượng Đế ngươi.”
Ân phúc bảo, “chúng ta yêu vì Chúa đã yêu chúng ta trước,” (I Giăng 4:19) và rằng “Thượng Đế đã yêu nhân loại.”
b) Luật pháp lên án người tốt nhất (La-mã 3:19)
Ân phúc cứu vớt tội nhân xấu nhất (I Tim 1:15)
c) Luật pháp cho thấy tội lỗi (La-mã 3:20)
Ân phúc bày tỏ sự Cứu Rỗi (Tít 2:11-13)
Tại sao chúng ta cần ân phúc?
1. Vì loài người phạm tội và chống nghịch Thượng Đế (Cô-lô-se 1:21) cho nên chúng ta chỉ đáng chịu hình phạt của Ngài mà thôi.
2. Vì loài người đã phá bỏ luật thánh của Thượng Đế (La-mã 3:19, Ga-la-ti 3:10) cho nên chúng ta không thể đứng trước tòa án của Ngài mà biện bạch được.
3. Vì loài người đã gạt bỏ và đóng đinh Con Thượng Đế (Giăng 12:31-33) cho nên chúng ta không thể đòi hỏi điều gì từ nơi Ngài.
Ân phúc đóng vai trò gì trong sự Cứu Rỗi?
Như trên đã trình bày, con người chỉ có thể được Cứu Rỗi qua ân phúc của Thượng Đế mà thôi. Vì Thượng Đế là Đấng thánh, Ngài không thể bỏ qua tội lỗi nghĩa là Ngài phải trừng phạt tội lỗi.

Kinh Thánh cho chúng ta biết Thượng Đế cứu chúng ta qua ân phúc mà vẫn là Đấng thánh qua việc Chúa Cứu Thế đã chịu trừng phạt vì tội lỗi chúng ta. Nhờ vào công tác cao cả nầy của Chúa Cứu Thế, Thượng Đế có thể tha thứ tội lỗi của những ai tin vào Chúa Giê-xu.

Chúa Giê-xu đã làm xong chương trình Cứu Rỗi. Ân phúc chỉ đòi hỏi tội nhân đặt niềm tin vào Ngài để nhận sự Cứu Rỗi ấy.

Thái độ của những người đã được ân phúc

Tuy rằng ân phúc là một quà tặng từ Thượng Đế và rằng chúng ta không phải làm gì để nhận món quà ấy nhưng đừng quên rằng món quà tặng ấy la do sự hy sinh của Chúa Giê-xu trên thập tự giá vì chúng ta. Vì thế thái độ của những người được cứu là:

1. Quí trọng ân phúc của Thượng Đế
2. Sống xứng đáng với ân phúc ấy qua những việc làm tỏ ra mình là con cái thật của Ngài.
3. Trông mong và tin tưởng vào ngày Chúa chúng ta trở lại để tiếp chúng ta về với Ngài.
Câu hỏi ôn cho chương 9: Ân phúc
1. Ân phúc là gì?
2. Lòng nhân ái (thương xót) là gì?
3. Sách Xuất Ai-cập 34:6 cho thấy Thượng Đế có 3 đức tính gì?
4. Một ví dụ điển hình về ân phúc củ Thượng Đế làm trong đời Cựu Ước là gì?
5. Chúng ta không nên lầm lẫn ân phúc với điều gì?

Giáo sư Phạm Quang Tâm
Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]

 

www.nguonhyvong.com