THÁNH KINH
Từ ngữ ‘Thánh Kinh’ do chữ Hi-lạp ‘biblos’ có nghĩa là ‘sách.’ Tuy nhiên Thánh Kinh không phải là sách thường mà là một pho sách thánh.
Nói chung Thánh Kinh là một tập hợp 66 sách được nhiều tác giả viết ra trong hơn 1.500 năm. Pho sách thánh nầy chia làm 2 phần: Cựu Ước (39 sách) và Tân ước (27 sách).

CHƯƠNG 16: THÁNH KINH

Từ ngữ ‘Thánh Kinh’ do chữ Hi-lạp ‘biblos’ có nghĩa là ‘sách.’ Tuy nhiên Thánh Kinh không phải là sách thường mà là một pho sách thánh.

Nói chung Thánh Kinh là một tập hợp 66 sách được nhiều tác giả viết ra trong hơn 1.500 năm. Pho sách thánh nầy chia làm 2 phần: Cựu Ước (39 sách) và Tân ước (27 sách).

Danh từ “Ước” có nghĩa là “Giao ước” (Testament hay Covenant) thiết lập giữa Thượng Đế và dân của Ngài. Từ ngữ Cựu Ước và Tân Ước bắt đầu được dùng vào cuối thế kỷ thứ hai Dương Lịch để chỉ các sách thánh của người Do thái (viết xong 400 năm trước Dương Lịch) và các sách thánh của các Cơ đốc nhân (viết xong khoảng giữa thế kỷ thứ hai Dương Lịch).

Cựu Ước ghi lại việc Thượng Đế tạo dựng loài người, sinh vật và vũ trụ. Đồng thời ghi lại việc thành lập quốc gia Do thái qua các tổ phụ như Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp và việc Thượng Đế giải phóng dân Do thái ra khỏi ách nô lệ ở Ai-cập dưới sự lãnh đạo của Môi-se, một vĩ nhân do Thượng Đế chỉ định. Sau khi được giải phóng và lưu lạc trong sa mạc trong 40 năm, dân Do-thái đặt chân đến đất hứa là xứ Pha-lét-tin ngày nay. Sau đó là một lịch sử vừa sáng sủa vừa đen tối của dân Do-thái. Cuối cùng vì tội lỗi quá nặng nề của họ, Thượng Đế trao họ vài tay kẻ thù để trừng phạt họ bằng cách tiêu hủy quốc gia Do-thái và lưu đày họ ra các nước ngoài. Tuy nhiên qua các sách tiên tri trong Cựu Ước Thượng Đế hứa ban cho họ một Đấng Giải Cứu (Savior) để giải thoát họ khỏi gông cùm nô lệ của ngoại bang.

Cựu Ước gồm các loại sách lịch sử, văn thơ, tiên tri…Tất cả các tác giả đều được Thượng Đế soi dẫn để viết ra. Cũng nên nói thêm là các tác giả Cựu Ước thuộc nhiều thành phần khác nhau trong xã hội: từ vua chúa, học giả cho đến giới chăn chiên…vì thế mỗi quyển sách đều phản ảnh lối hành văn đặc biệt của từng tác giả.

Tân Ước nói về việc Đấng Giải Cứu (Chúa Giê-xu) đến thế gian và thực hiện chương trình Cứu rỗi của Ngài. Tuy nhiên không phải Ngài chỉ giải thoát dân Do-thái mà giải thoát toàn nhân loại ra khỏi tội. Ngài thực hiện điều nầy qua sự chết của Ngài trên thập tự giá. Tân Ước cũng có các sách lịch sử như 4 sách Tin mừng và sách Công-vụ các Sứ-đồ, nhưng hầu hết là các thư tín của Phao lô, một sứ đồ của Chúa viết cho các hội thánh.Ngoài ra cũng có các thư của Phia-rơ, Giăng là các môn đệ của Chúa Giê-xu. Sách cuối cùng của Tân Ước: Khải thị là một sách tiên tri mô tả thời kỳ tận thế và sự xét Xử sau cùng trước khi Thượng Đế thành lập thành trời mới, đất mới.

Tân Ước chỉ cho chúng ta, những tội nhân, làm thế nào để được cứu rỗi và tránh khỏi sự trừng phạt của Thượng Đế.

Ta có thể nói rằng ngay sau khi loài người phạm tội trong vường Ê-đen, đáng phải bị trừng phạt thì Thượng Đế đã lập chương trình cứu rỗi cho nhân loại. Chương trình nầy được thực hiện vào thời Tân Ước khi Thượng Đế sai Con một của Ngài đến thế gian để chịu chết thế tội cho chúng ta.

Sự soi dẫn của Kinh Thánh

Trong sách II Ti-mô-thê 3:16, sứ đồ Phao lô viết “Cả Kinh Thánh đều được Thượng Đế soi dẫn.” Chính vì sự soi dẫn (inspiration) nầy mà Sách Thánh khác hẳn các sách khác trên thế gian.

Soi dẫn là gì? Có phải là Thượng Đế đọc chính tả cho các tác giả viết không? Không. Nếu thế thì lời văn của các sách trong Thánh Kinh sẽ y như nhau. Soi dẫn là một tiến trình (process) trong đó Thượng Đế cho các tác giả biết ý muốn của Ngài. Tuy nhiên Ngài để mỗi tác giả tự diễn đạt theo cá tính và lối hành văn của họ nhưng nội dung vẫn ghi lại được điều Thượng đế muốn cho nhân loại biết. Điều chúng ta nên nhớ là hầu hết các tác giả ấy đều không biết rằng mình đang viết Thánh Kinh nhưng họ lúc nào cũng biết rằng họ là công cụ của Thượng Đế. Hay nói khác đi: Sứ điệp mà họ ghi lại được Thượng Đế soi dẫn. Vì thế mà khi chúng ta đọc Thánh Kinh trong bất cứ ngôn ngữ nào, chúng ta cũng hiểu được thông điệp của Ngài cho chúng ta vì sự Cứu Rỗi của Thượng Đế không bị hàng rào ngôn ngữ cản trở.

Do đó mà chúng ta là Cơ Đốc nhân tin rằng Thánh Kinh là lời của Thượng Đế. Vì là lời của Chúa nên Thánh Kinh có khả năng thay đổi đời sống của tội nhân, khiến người xấu trở nên tốt, kẻ có tội được tha thứ bằng cách ăn năn và tin cậy vào lời Thượng đế.

Thánh Kinh mô tả một cách trung thực bản chất loài người với những điểm tốt, xấu, lương thiện hay gian ác theo cái nhìn của Thượng Đế vì chúng ta không thể che giấu điều gì trước mặt Ngài.

Cơ đốc nhân phải đọc Kinh Thánh như thế nào?

Vì là sứ điệp của Thượng Đế cho chúng ta nên chúng ta phải đọc với tinh thần cung kính và làm theo những sự dạy dỗ trong đó nếu không sẽ không bổ ích gì cho chúng ta. Kinh Thánh phải được dùng như cái địa bàn chỉ hướng cho chúng ta đi trên đời nầy để dẫn chúng ta vào Nước Trời.

Câu hỏi cho chương 16: Thánh Kinh

1. Thánh Kinh gồm có mấy phần?
2. Thánh Kinh có tất cả bao nhiêu sách?
3. Kể ra một vài loại sách trong Thánh Kinh?
4. Việc Thượng Đế thành lập vũ trụ và loài người được ghi ở phần nào trong Thánh Kinh?
5. Ai hướng dẫn dân Do-thái ra khỏi ách nô lệ của Ai cập?
6. Tại sao quốc gia Do thái bị tiêu hủy và dân chúng bị lưu đày ra hải ngoại?
7. Tân Ước nói về điều gì?
8. Chương trình cứu rỗi cho nhân loại được Thượng Đế lập ra lúc nào?
9. Soi dẫn là gì?
10.Muốn cho đời sống chúng ta được hướng dẫn đúng mức thì chúng ta phải sử dụng Thánh Kinh như thế nào?

CHƯƠNG 17: CÁC NGHI LỄ TRONG HỘI THÁNH

A.Lễ báp Têm

Báp têm là một nghi lễ mà Chúa Giê-xu truyền dạy các môn đệ Ngài phải giữ. Sách Ma-thi-ơ 28:19 viết, “Các con hãy đi ra làm cho mọi người thành môn đệ ta. Hãy làm lễ báp têm cho họ nhân danh Đức Chúa Cha, Đức Con Và Đức Thánh Linh.” Chính Chúa Giê-xu cũng chịu lễ báp-têm bởi Giăng-Báp-tít trước khi Ngài bắt đầu thi hành chức vụ (Mác 1:9-11)

Lễ báp-têm có ý nghĩa gì? Lễ nầy có hai ý nghĩa đặc biệt?

1. Chứng tỏ công khai niềm tin của mình vào Cứu Chúa Giê-xu. Sau khi một người tiếp nhận Chúa thì người đó chứng tỏ niềm tin của mình bằng cách chịu lễ lễ báp têm.

2. Chứng tỏ rằng mình đồng chết và đồng sống lại với Chúa. Nghĩa là người chịu báp têm công nhận mình chết về con người cũ và sống lại với Chúa Giê-xu trong con người mới.

Trong một vài giáo hội thì sau khi một tín hữu chịu lễ báp têm, người ấy được chấp nhận chính thức vào hội thánh. Tuy nhiên việc gia nhập hội thánh chỉ là một hình thức bên ngoài, đức tin chân thật trong cứu Chúa Giê-xu mới quan trọng.

Về phương cách nhận lễ báp têm thì có giáo phái chủ trương nhúng trọn con người trong nước, có giáo phái dùng hình thức đổ nước trên đầu người chịu báp têm, và có giáo phái rảy nước trên người ấy.

Điều quan trọng không phải là hình thức chịu báp têm mà là tấm lòng chân thật bằng lòng tiếp nhận Chúa Cứu Thế qua hai mục đích nêu ra trên đây.

Trong tiến trình thuộc linh của tín hữu lễ báp têm là một nghi thức quan trọng. Người chịu báp têm không nên xem thường lễ nầy.

B. Lễ Tiệc Thánh

Lễ nầy có khi gọi là Bữa Ăn của Chúa (The Lord’s supper hay commUNI0N) do Chúa Giê-xu thiết lập trước khi Ngài bị bắt, chịu khốn khổ và bị đóng đinh trên thập tự giá vì tội chúng ta.

Sách Mác 14:22-25 mô tả Chúa Giê-xu trao bánh cho các môn đệ trong bữa ăn cuối cùng và nói, “Các con hãy dùng bánh nầy; đây là thân thể của ta. Rồi Ngài cầm ly cảm tạ Thượng Đế và trao cho các môn đệ, ai nấy đều uống chung. Sau đó Chúa Giê-xu nói, ‘Đây là huyết của ta được đổ ra cho nhiều người để Chúa lập giao ước với họ.”

Như thế trong lễ Tiệc Thánh có hai yếu tố: bánh mì tiêu biểu cho thân thể Chúa, và nước nho tiêu biểu cho huyết Ngài.

Lễ nầy tượng trưng cho sự hi sinh của Chúa cho chúng ta. Khi dự lễ chúng ta tưởng nhớ đến Ngài nhưng chúng ta không cho rằng khi dự lễ thì bánh mì và nước nho trở thành thịt và huyết của Chúa thật.

Chúng ta phải có thái độ nào khi dự Tiệc Thánh?

Phao lô trong I Cô-rinh 11:26 nhắc nhở, “Cho nên khi anh chị em ăn bánh, uống ly tức là anh chị em rao truyền cho người khác biết về sự chết của Chúa cho đến lúc Ngài đến.” Rồi ông cảnh cáo, “Hãy tự xét lòng mình trước khi ăn bánh và uống ly vì người nào ăn bánh và uống ly mà không ý thức rằng chúng ta là thân thể Chúa là ăn uống án phạt cho mình đó.”

Như thế Tiệc Thánh là một lễ nghi quan trọng đối với Chúa. Một vài giáo hội buộc rằng chỉ những tín hữu đã chịu báp têm mới được dự Tiệc Thánh, một số khác thì chỉ buộc người nhận lễ Tiệc Thánh đã thành thật tin nhận Chúa Giê-xu làm Cứu Chúa của mình. Trường hợp đầu chú trọng nhiều về hình thức, trường hợp thứ hai chú trọng nhiều về tấm lòng.

Tóm lại Tiệc Thánh nhắc chúng ta làm 2 điều:

1. Xét lòng mình.
2. Rao truyền sự chết của chúa cho mọi người.

E. Lễ Dâng Con

Chúng ta tin rằng những gì chúng ta có là do Chúa ban cho kể cả con cái mà chúng ta sinh ra. Ngoài ra trong Thánh Kinh cũng cho thấy những gương dâng con cho Chúa như Áp-ra-ham dâng Y-sác (sáng thế ký 22:16-17), An-na dâng Sa-mu-ên (I Sa-mu-ên 1:11, 26-28) Và Ma-ri cùng Giô-sép dâng hài nhi Giê-xu nơi đền thờ (Lu-ca 2;22-24)

Khi dâng con, tức đem con mình ra trước hội chúng để làm lễ nầy, chúng ta công nhận con cái là quà Chúa ban cho, chúng ta dâng chúng lên để cám ơn Ngài, đồng thời chúng ta nhận lại con mình với lời cam kết dạy dỗ chúng đi theo con đường kính sợ Chúa bằng cách nêu gương sáng cho chúng nó. Cha mẹ hay người giám hộ làm điều cam kết nầy trước sự chứng kiến của hội thánh.

Nên dân con khi chúng nó bao lớn?

Không có quy tắc nào về việc nầy, có người dâng con khi chúng nó được vài tháng, có những người tin Chúa về sau lúc con cái đã khá lớn nên họ làm lễ dâng chúng nó sau khi họ tiếp nhận Chúa và hiểu rõ lễ nầy.

Đừng quên rằng lễ dâng con có một tầm quan trọng đối với cha mẹ vì liên quan đến sự cam kết của cha mẹ với Chúa.

Lễ dâng con gồm 2 phương diện:

1. Cha mẹ cam kết giáo huấn con cái đi theo đường lối Chúa.
2. Hội thánh cam kết giúp đỡ cha mẹ thực hiện điều cam kết nầy.

Đừng quên rằng Chúa chúng ta rất quan tâm đến trẻ thơ. Nhiều lần Ngài nhắc các môn đệ Ngài phải có tấm lòng như trẻ thơ mới có thể vào Nước Trời. Vì thế việc dâng con cho Chúa là một điều rất nên làm không phải vì lễ nghi của hội thánh và là vì chúng ta muốn dâng cho Chúa tài sản quí nhất của chúng ta tức là con cái mà Chúa ban cho.

F. Lễ Rửa Chân

Một vài giáo phái hay hội thánh giữ lễ Rửa Chân (washing of feet). Lễ nầy cũng do Chúa Giê-xu thiết lập trong bữa ăn cuối cùng. Sách Tin Mừng theo Giăng 13:3-5 viết. “Chúa Giê-xu biết Cha đã giao trọn quyền cho mình. Ngài biết mình đã từ Thượng Đế đến và sẽ trở về cùng Thượng Đế. Nên đang giữa bữa ăn, Ngài đứng dậy khỏi bàn, cởi áo ngoài, lấy khăn quấn ngang hông. Rồi Ngài đổ nước vào chậu và bắt đầu rửa chân cho các môn đệ, xong lấy khăn đã quấn ngang hông mà lau.”

Lưu ý mấy điều trong lễ nầy:

1.Chúa Giê-xu là thầy mà vẫn khiêm nhường hạ mình rửa chân cho các môn đệ.
2.Hành động rửa chân của Chúa Giê-xu chứng tỏ một tinh thần phục vụ.

Sau lễ rửa chân, Ngài giải thích ý nghĩa lễ nầy như sau: “Các con gọi Ta là Thầy, là Chúa rất đúng vì Ta là Chúa. Vậy nếu Ta là Thầy là Chúa mà đã rửa chân cho các con thì các con cũng phải rửa chân lẫn cho nhau.” (Giăng 13:13-14)

Rửa chân cho nhau tức là phục vụ và tha thứ lẫn nhau. Đây là một lễ mang một ý nghĩa sâu sắc mà các tín hữu nên giữ.

G. Hôn lễ

Đây là một trong những nghi lễ quan trọng trong hội thánh. Thánh Kinh dạy rằng lễ nầy do Thượng Đế thiết lập lần đầu tiên trong vườn Ê-đen giữ A-đam, một người đàn ông, và Ê-va, một người đan bà. Chúa Giê-xu cũng dạy các người Pha-ri-xi về định chế nầy. Ngài bảo, “Khi Thượng Đế sáng tạo thế gian, ‘Ngài dựng nên loài người gồm nam và nữ.’ Thượng Đế phán rằng, ‘Người nam sẽ rời cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và hai người sẽ trở thành một thân.’ Cho nên họ không còn là hai người nữa mà chỉ có một mà thôi. Vì Thượng Đế đã kết hợp hai người, cho nên không ai được phân rẽ họ.” (Ma 19:4-6)

Ta nên lưu ý mấy điểm sau đây về hôn nhân trong hội thánh:

1.Hôn nhân do Thượng Đế thiết lập.
2.Hôn nhân do Thượng Đế kết hợp giữa người nam và người nữ.
3.Hôn nhân có tính cách vĩnh viễn.

Vì tầm quan trọng của hôn nhân cho nên lễ nầy phải được thực hiện trước sự chứng kiến của hội thánh.

Tuy nhiên điều nầy không có nghĩa là những tín hữu đã ly dị vì lý do ngoài ý muốn (chẳng hạn khi một tín hữu tiếp nhận Chúa nhưng người phối ngẫu tức vợ hay chồng không đồng ý và quyết định ly dị) không thể tham gia vào các hoạt động trong hội thánh. Chúa Giê-xu bao giờ cũng cho con cái Ngài một cơ hội thứ nhì để tái lập lại cuộc đời.

H. Tang lễ

Vì là loài người nên con cái Chúa cũng qua chu kỳ sinh ra, lớn lên, già cỗi và qua đời. Tuy nhiên sự khác biệt lớn lao giữa những người tin Chúa và những người không tin đối với cái chết là con cái Chúa tin rằng khi chúng ta qua đời thì linh hồn chúng ta trở về cùng Thượng Đế tức Đấng Tạo Hóa. Thân xác chúng ta nằm trong mồ mả nhưng linh hồn chúng ta được tiếp lên nước thiên đàng ở cùng Chúa.

Vì thế con cái Chúa có một niềm hy vọng sẽ gặp lại người qua đời. Nghĩa là đối với con cái Chúa, cái chết chỉ là một sự tạm biệt chứ không phải một sự ra đi vĩnh viễn.

Thánh Kinh dạy rất rõ về vấn đề nầy. Thánh Phao lô viết trong thơ I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-17 như sau: “Thưa anh chị em, chúng tôi muốn anh chị em biết về các tín hữu đã qua đời để anh chị em không quá buồn rầu như những người không có niềm hy vọng. Chúng ta biết Chúa Giê-xu đã chết và sống lại. Cho nên, vì Ngài, Thượng Đế cũng sẽ khiến những người trong Chúa Giê-xu đã qua đời được sống lại. Điều chúng tôi sắp nói với anh chị em đây là lời của chính Chúa. Chúng ta là những người còn sống khi Chúa trở lại sẽ không đi trước những người đã chết. Sẽ có tiếng kêu lớn khi Chúa từ thiên đàng trở lại cùng với tiếng thiên sứ trưởng và tiếng kèn vang dội của Thượng Đế. Lúc ấy những tín hữu đã qua đời sẽ sống lại trước hết. Sau đó, chúng ta là những người còn sống, sẽ được tiếp lên cùng với họ trong đám mây để gặp Chúa giữa không trung. Rồi chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.”

Lưu ý mấy điểm sau đây về khúc Thánh Kinh vừa đọc:

1. Chúa Giê-xu sẽ trở lại thế gian một lần nữa để rước chúng ta về với Ngài.
2. Khi Ngài trở lại thì những tín hữu đã qua đời sẽ sống lại trước hết.
3. Chúngta là kẻ sống sẽ cùng nhau được cất lên và gặp họ giữ không trung.
4. Tất cả chúng ta cùng những người đã qua đời đều cùng nhau gặp Chúa rồi đồng sống chung với Ngài trong nước thiên đàng.

Đó là một niềm an ủi lớn cho tín hữu mà những người ở ngoài Chúa không có được.

Câu hỏi cho chương 17: các lễ nghi trong hội thánh

1. Lễ Báp têm do ai truyền dạy?
2. Hai ý nghĩa chính của lễ báp têm là gì?
3. Hình thức chịu báp têm có quan trọng so với tấm lòng chân thật bằng lòng tiếp nhận Chúa Cứu Thế không?
4. Ai thiết lập lễ Tiệc Thánh đầu tiên?
5. Hai yếu tố chính trong lễ Tiệc Thánh là gì?
6. Chúng ta phải có thái độ nào khi dự lễ Tiệc Thánh?
7. Lễ Dâng Con có ý nghĩa gì?
8. Khi mang con cái đến dâng cho Chúa cha mẹ cam kết điều gì?
9. Lễ Rửa Chân do ai thiết lập?
10. Lễ nầy có ý nghĩa gì giữa con cái Chúa với nhau?
11. Theo Thánh Kinh, hôn nhân do ai thiết lập và vào lúc nào?
12. Một đặc điểm quan trọng của hôn nhân, tức sự kết hiệp giữa hai người do Chúa thực hiện, là gì?
13. Đối với các tín hữu, qua đời là gì?
14. Chúng ta có hy vọng gì đối với những người tin Chúa đã ra đi?
15. Sau khi Chúa Giê-xu trở lại lần nữa thì chúng ta và những người đã qua đời sẽ như thế nào?

PHỤ LỤC

Sau khi bạn tin Chúa rồi, Sao nữa?

(Mười điều tân tín hữu cần biết)

Tiếp nhận Chúa là một quyết định vô cùng quan trọng trong đời bạn. Tuy nhiên đó chỉ là điểm khởi đầu. Bạn cần phải lớn lên trong Chúa về mặt thiêng liêng. Nên nhớ rằng khi bạn tiếp nhận Chúa không phải là bạn đi theo một đạo mới, không phải từ nay bạn tin theo Cơ-đốc-Giáo mà là bạn bắt đầu một mối tương quan mới: Giữa Chúa Cứu Thế Giê-Xu và bạn về một vài phương diện Cơ đốc Giáo là một đạo nhưng không cứu ai cả, chỉ có quyền năng Chúa Giê-xu mới cứu tội nhân thôi. Vì lầm lầm lẫn giữa việc theo đạo và mối tương quan với Chúa Giê-xu nên nhiều người mang tiếng theo đạo lâu mà thực sự không lớn lênđược.

Đừng quên rằng quyền năng lớn lao nhất của cơ đốc giáo là quyền năng tái tạo (reform) và quyền năng thay đổi (change) nghĩa là biến một người xấu ra tốt, một tội nhân trở nên thánh thiện. Vì thế bạn cần lớn lên về phần thuộc linh để biết được quyền năng tái tạo và thay đổi của Chúa trên đời sống bạn. Khi đời bạn đã được thay đổi thì mọi người xung quanh sẽ nhận thấy điều đó. Thánh Kinh nói rõ về hiện tượng nầy, “Nếu ai thuộc về Chúa Cứu Thế, người ấy là một người mới. Mọi việc cũ đã qua đi hết; hiện giờ mọi việc đều đã đổi mới.”

Đó là kinh nghiệm quan trọng nhất của những người đã thật sự tiếp nhận chúa.

Muốn lớn lên bạn cần có mối tương quan chặt chẽ với Chúa Giê-xu. Mối tương quan nầy mỗi ngày phải được cải tiến khi chúng ta đồng đi với Chúa trên cuộc đời nầy. Làm sao để cải tiến mối tương quan đó? Có mấy điều quan trọng bạn có thể làm:

1. Gia nhập một hội thánh địa phương. Con người là một thành phần của một tập thể. Ít ai trong chúng ta có thể sống một mình không cần đến ai. Cũng thế, người mới tin cần sự hỗ trợ của các con cái Chúa khác để lớn lên.

2. Tham gia vào các hoạt động của hội thánh. Vì con cái Chúa trong hội thánh là chi thể của Chúa Giê-xu nên mỗi chi thể phải làm phần vụ của mình để cả thân thể được lớn lên. Bạn không nên xem hội thánh như một nơi giải trí mà mọi người đến chỉ là khán giả (spectator) mà phải xem hội thánh Chúa như một ngôi nhà, một đại gia đình trong đó mọi thành viên đều có nghĩa vụ góp tay xây dựng theo khả năng của mình. Bạn nên trở thành những tín hữu tích cực (active member) chứ đừng làm tín hữu tiêu cực (passive member). Tín hữu càng hoạt động trong hội thánh bao nhiêu càng mau lớn lên bấy nhiêu.

3. Góp phần xây dựng hội thánh qua sự dâng hiến và đóng góp theo ơn phước Chúa cho. Là con cái Chúa, chúng ta biết rằng tất cả những gì chúng ta có đều là của Chúa kể cả mạng sống, của cải, tiền bạc, thì giờ, tài năng…Vì thế khi chúng ta dâng hiến cho Chúa là chúng ta bày tỏ lòng cám ơn Ngài vì những điều Chúa ban cho mình. Ngoài việc dâng hiến bằng tiền bạc, lợi tức…để hội thánh (hay bất cứ tổ chức loài người nào) có thể hoạt động hữu hiệu, bạn nên tìm xem những ân tứ (gift) nào Chúa ban cho bạn có thể góp phần trong việc xây dựng thân thể Chúa.

4. Tìm mọi dịp tiện để giới thiệu Chúa cho những người chưa biết đến Ngài. Khi nhận một tin vui chúng ta thường muốn san sẻ tin ấy với nhiều người khác. Vì thế, nếu sự cứu rỗi mà bạn vừa mới nhận là một tin rất vui cho bạn thì chắc chắn bạn sẽ không giấu kín nó mà trái lại sẽ tìm cách cho nhiều người khác biết. Đó cũng là đại mệnh lệnh mà Chúa Giê-xu muốn mỗi chúng ta thi hành.

5. Đọc và học lời Chúa. Vì Kinh Thánh là lời của Chúa, là một bức thư cứu rỗi Thượng Đế gởi cho nhân loại, cho nên chúng ta phải siêng năng đọc (cá nhân) và học lời Ngài (tập thể) mỗi khi có dịp. Nhờ sự siêng năng đọc và học lời Chúa, đời thiêng liêng (spiritual life) của bạn sẽ lớn lên. Đi nghe giảng lời chúa rất tốt, nhưng sự nghe giảng không thể nào thay thế việc đọc và học lời Chúa cho chính mình.

Bạn có thể lập một thời khóa biểu đọc Kinh Thánh bắt đầu bằng Tân Ước. (Nếu mỗi ngày bạn dành khoảng 12 phút để đọc Thánh Kinh thì bạn có thể đọc xong Tân Ước trong vòng 3 tháng). Sau đó bạn có thể đọc Cựu Ước. Khi đọc Thánh Kinh, nên gạch dưới những câu có tính cách dạy dỗ cho mình hay cho gia đình mình.

6. Cầu nguyện mỗi ngày. Nếu đọc kinh Thánh là nghe lời Chúa dạy chúng ta thưa với Chúa. Vì là một cuộc nói chuyện giữa chúng ta với Chúa cho nên không cần phải văn hoa chải chuốc mà chỉ cần thành thật vì Chúa thấy tấm lòng chúng ta. Trong sự cầu nguyện có 3 phương diện: cảm tạ, cầu xin, và cầu thay. Chúng ta cảm tạ Chúa vì sự gìn giữ bảo bọc và ơn phước của ngài, chúng ta cầu xin những điều chúng ta cần, và chúng ta cầu thay cho người khác hay cho hội thánh…Có khi sự cầu nguyện là dốc đổ tấm lòng chúng ta trước mặt Chúa.

7. Tìm cách đem mọi con cái Chúa không phân biệt giáo phái đến gần nhau. Các tín hữu dù thuộc hội thánh nào đều là con cái chung của một Chúa. Chúng ta không khác nhau bao nhiêu về mặt giáo lý (doctrine) mà chỉ khác nhau về mặt tổ chức. Vì thế con cái Chúa có bổn phận phải kết thân với nhau và đừng để hàng rào giáo phái (denominational barrier) ngăn cách chúng ta. Vì trước mặt Chúa chúng ta chỉ thuộc một trong hai loại: được cứu (saved) và chưa được cứu (unsaved) mà thôi. Nghĩa là chúng ta hoặc là ở trong Chúa hoặc ở ngoài Chúa, không có tình trạng trung dung.

8. Chứng tỏ nếp sống mới của mình ở mọi nơi. Vì là con cái Chúa, chúng ta làm công dân Nước Trời cho nên chúng ta phải chứng tỏ mình xứng đáng là con Trời qua nếp sống hằng ngày trong lời ăn, tiếng nói, việc làm…vì những người chưa tin không thể thấy và biết Chúa nếu sự sống của Ngài không thể hiện qua đời sống chúng ta.

9. Ủng hộ mạnh mẽ các công việc truyền giáo. Đừng quên rằng trên thế giới nầy còn hàng triệu người chưa hề nghe đến Chúa Giê-xu và quyền năng cứu rỗi của Ngài cho nên chúng ta có nhiệm vụ yểm trợ tích cực các công tác mang lời Chúa đến cho họ qua việc truyền giáo, in ấn và phát hành Thánh Kinh, các sách nhỏ, truyền đạo đơn…Bổn phận của các con cái thật của Chúa Giê-xu là tìm mọi cách để mang tin Mừng đến cho những người chưa biết đến Ngài.

10. Đừng quên giúp đỡ và khuyến khích các con cái Chúa khác tham gia vào công tác xã hội. Con người ta có phần xác lẫn phần hồn cho nên chúng ta không nên xem thường các công tác xã hội như thăm viếng người đau, trợ giúp những người túng thiếu…để làm dịu sự đau khổ của họ. Chúa Giê-xu của chúng ta đã nêu gương nầy rất rõ khi Ngài sống trên thế gian qua sự chữa bệnh những kẻ đau và thết đãi đoàn dân động bị đói.

Làm được nhựng điều trên đây bạn sẽ thấy không những vui mừng trong lòng mà còn nhận được vô số ân phúc lớn lao Chúa Giê-xu dành cho những con cai trung tín của Ngài, “Con là đầy tớ giỏi và trung thành. Hãy đến chung hưởng niềm vui với ta.” (Ma 25:21)

Tóm lại, tất cả những hoạt độngtrên đây nhằm giúp chúng ta hiểu Chúa hơn, gần gũi với Ngài hơn và yêu mến Ngài hơn.

Giáo sư Phạm Quang Tâm

www.nguonhyvong.com