“Vậy chúng ta là kẻ mạnh, phải gánh vác sự yếu đuối cho những kẻ kém sức, chớ làm cho đẹp lòng mình” (Rô-ma 15:1).
Câu hỏi suy ngẫm: Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự có có nghĩa là gì? Tại sao Hội Thánh Cô-rinh-tô rất cần đến tình yêu thương này? Tình yêu thương chẳng nghi ngờ sự dữ và sự dung thứ liên hệ với nhau ra sao? Làm thế nào để bạn thực hành tình yêu thương hay dung thứ mọi sự?
Từ “dung thứ” trong tiếng Hy Lạp là “stego” có nghĩa là chịu đựng, nhịn chịu (I Cô-rinh-tô 9:12). “Tình yêu thương hay dung thứ mọi sự” có nghĩa là sẵn lòng chịu đựng mọi sự, bỏ qua mọi sự, che đậy mọi sự vì cớ tình yêu. Với những tổn thương mà các tín hữu tại Hội Thánh Cô-rinh-tô đang chịu vì những sai quấy họ gây ra cho nhau, thì không có phương cách nào khác hơn để phục hồi mối quan hệ sắp bị gãy đổ đó hiệu quả cho bằng tình yêu thương dung thứ mọi sự. Có bỏ qua tổn thương, có dung thứ những lầm lỗi thì sự phân rẽ sẽ được hàn gắn và tình yêu thương lại tiếp tục bày tỏ trong gia đình đức tin.
Không phải ngẫu nhiên khi Sứ đồ Phao-lô liệt kê đặc tính chẳng nghi ngờ sự dữ trong tình yêu thương trước khi đề cập sự dung thứ. Vì nếu cứ nuôi dưỡng hận thù trong lòng thì chắc chắn sự dung thứ không bao giờ xảy đến. Một động lực khác thôi thúc chúng ta thực hành “tình yêu thương hay dung thứ mọi sự” là vì chúng ta đã, đang, và sẽ kinh nghiệm điều tốt lành này từ Đức Chúa Trời. Mỗi thành viên trong gia đình đức tin đều có chung niềm tin nơi Đức Chúa Giê-xu Christ, “…chịu phép báp-tem chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa” (I Cô-rinh-tô 12:13), nhưng chúng ta vẫn rất riêng về tính cách, mức độ tăng trưởng thuộc linh…, cho nên sự dung thứ trong tình yêu là điều cần được bày tỏ: người mạnh mẽ trong đức tin, người trưởng thành thuộc linh sẵn sàng chấp nhận những người mới, yếu đuối và kém thiếu hơn mình và đang mang lấy gánh nặng cho nhau như điều Kinh Thánh truyền dạy (Ga-la-ti 6:2).
Sự dung thứ, chịu đựng, và chấp nhận tổn thương là những yếu tố giúp cho tình yêu thương được trọn vẹn. Nhiều khi chúng ta vẫn thường nói: Thôi không sao! Nhưng trong lòng chúng ta vẫn giữ sự buồn giận về lỗi lầm anh chị em đã làm tổn thương mình, thể hiện qua việc chúng ta vẫn phân trần, vẫn nhắc lại sai sót của anh chị em với người khác. Mặt khác, để tha thứ và bỏ qua cho những anh chị em liên tục làm cho chúng ta tổn thương cũng là một thách thức rất lớn khi chúng ta thực hành “tình yêu thương hay dung thứ mọi sự.” Dù thế, chúng ta cứ vững lòng vì biết rằng mình sẽ làm được mọi sự nhờ Đấng ban cho năng lực (Phi-líp 4:13).
Bạn thực hành tình yêu thương hay dung thứ mọi sự như thế nào?
Lạy Chúa, con biết ơn Ngài vô cùng khi được kinh nghiệm tình yêu thương hay dung thứ mọi sự Ngài dành cho con. Xin giúp con thực hành tình yêu thương hay dung thứ với anh chị em trong gia đình đức tin mà Ngài đặt để chung quanh con.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Sáng Thế Ký 44.
Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=j0PBr8csLHY&list=PLy5dD_318r0WxkWWB6GinRfoeioNxwwIA&index=13
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien