“Ngài phán rằng: Vì cớ lòng các ngươi cứng cỏi, nên Môi-se cho phép để vợ; nhưng, lúc ban đầu, không có như vậy đâu” (Ma-thi-ơ 19:8).
Câu hỏi suy ngẫm: Chúa Giê-xu dạy thế nào về vấn đề ly dị? Trong Ma-thi-ơ 19:8, Chúa Giê-xu giải thích vì sao ông Môi-se cho phép ly dị? Bạn làm gì để vượt qua những khủng hoảng trong hôn nhân?
Từ “để” ở đây có nghĩa là “ly dị.” Chúa Giê-xu đang dạy về vấn đề ly dị trong hôn nhân. Trước hết, Chúa phán luật pháp dạy rằng khi người nam muốn ly dị vợ thì cần phải viết một chứng thư ly dị, mục đích của chứng thư này là để bảo đảm người nam sẽ không bao giờ lấy nàng làm vợ nữa. Điều này cũng đồng nghĩa là nàng có thể tự do lấy chồng khác. Nguồn gốc của luật định này tìm thấy trong sách Phục Truyền 24:1–4. Theo luật định đó, người nam có thể ly dị vợ khi nàng không được ơn trước mặt người, vì thấy nơi nàng có điều gì không đoan chính.
Nhưng ở đây Chúa Giê-xu dạy rằng người chồng chỉ được phép ly dị vợ mình khi vợ phạm tội ngoại tình, nếu không, sự ly dị ấy làm cho người vợ trở nên người ngoại tình. Từ đó cho thấy Chúa Giê-xu đang hạn chế tình trạng ly dị với những lý do không chính đáng đang diễn ra trong vòng con dân Do Thái, và Ngài đang bảo vệ quyền lợi của người nữ giữa một xã hội mà người nam được xem là quan trọng hơn người nữ. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là Chúa Giê-xu ủng hộ ly dị, chúng ta có thể thấy được điều này trong Ma-thi-ơ 19:1–12. Trong đó, Chúa Giê-xu khẳng định rằng, việc ông Môi-se chấp thuận cho người nam được ly dị vợ là bởi sự cứng lòng của họ, chứ định chế hôn nhân của Đức Chúa Trời là sự kết hiệp hoàn hảo, gắn bó bền chắc giữa người nam và người nữ. Đây mới là ý định ban đầu của Đức Chúa Trời trong hôn nhân, còn luật về ly dị vợ của ông Môi-se chẳng qua là sự nhượng bộ bản chất thoái hóa của con người mà thôi.
Sứ đồ Phao-lô đã ví sự mầu nhiệm của hôn nhân như sự mầu nhiệm của Đấng Christ với Hội Thánh (Ê-phê-sô 5:22–33). Cơ Đốc nhân cần phải có cái nhìn cao cả hơn về hôn nhân, ấy là chúng ta được kêu gọi để bày tỏ về một Đức Chúa Trời của tình yêu trong đời sống hôn nhân, trong đó người chồng và người vợ được kêu gọi để làm nhân chứng cho tình yêu vĩnh cửu này. Khi chúng ta chỉ tập trung vào những vấn đề như hôn nhân mang đến hạnh phúc gì cho tôi, hay là tôi đã chịu đựng quá nhiều trong mối quan hệ này, thì rất dễ dẫn đến thất bại trong hôn nhân. Tuy nhiên khi chúng ta tập trung vào việc Chúa muốn tôi làm gì để bày tỏ tình yêu của Ngài giữa những mâu thuẫn trong hôn nhân mà tôi đang đối diện, thì chính Chúa Thánh Linh sẽ thêm sức để chúng ta có thể vượt qua được những khủng hoảng của hôn nhân.
Đời sống hôn nhân của bạn làm chứng gì về Chúa cho những người chung quanh?
Lạy Chúa là cội nguồn của tình yêu. Xin giúp con dù đối diện với những khó khăn nào trong hôn nhân, cũng trung tín bày tỏ Chúa là tình yêu qua đời sống hôn nhân của con.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Sáng Thế Ký 18:1–15.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien