“Các ngươi phải ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần” (câu 2).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ điệp chính của ông Giăng Báp-tít là gì? Đối tượng ông kêu gọi là ai? Tầm quan trọng của sứ điệp này trong việc dọn đường cho Chúa Giê-xu là gì? Ăn năn quan trọng thế nào với bạn?

Câu chuyện về sự dọn đường của ông Giăng Báp-tít là một trong những câu chuyện hiếm hoi được cả bốn sách Phúc Âm ký thuật. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của sứ mệnh ông Giăng Báp-tít đảm nhận trong vai trò người dọn đường cho Chúa Giê-xu. Nội dung chính của sứ điệp ông kêu gọi là “hãy ăn năn.” Có thể nói đây là một trong những sứ điệp vô cùng quan trọng trong việc dọn đường cho Chúa Giê-xu vì nếu một người không chịu ăn năn thì không thể đáp ứng Tin Mừng của Chúa.

Điều đáng chú ý là sứ điệp này không phải kêu gọi Dân Ngoại mà là kêu gọi người Do Thái. Trong suốt bốn trăm năm vắng bóng lời tiên tri, có thể nói người Do Thái lúc bấy giờ chỉ còn cái danh là người Do Thái, nhưng thật ra đời sống họ xa cách Chúa hoàn toàn. Sứ đồ Ma-thi-ơ không phải vô tình khi ký thuật lại chi tiết ông Giăng Báp-tít mặc áo bằng lông lạc đà, thắt dây lưng da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ngoài việc gợi lên hình ảnh của Tiên tri Ê-li ngày trước (II Các Vua 1:8), đây cũng là cách ông cho thấy sự tương phản giữa lối sống giản dị của ông Giăng Báp-tít với lối sống tham lam, ích kỷ, đạo đức giả đáng lên án của các lãnh đạo tôn giáo thời bấy giờ. Đó là lý do vì sao khi thấy những người thuộc dòng Pha-ri-si và Sa-đu-sê đến, ông đã mạnh dạn quở trách: “Hỡi dòng dõi rắn lục kia, ai đã dạy các ngươi tránh khỏi cơn giận ngày sau?” Điều này cho thấy nghi thức tôn giáo không đem lại sự cứu rỗi, nhưng chỉ có sự ăn năn mới đem chúng ta đến gần với Chúa và nhận được ơn cứu chuộc.

Chúng ta thường nghĩ rằng sứ điệp ăn năn chỉ dành cho những người chưa biết về Chúa Giê-xu, nhưng thật ra, ăn năn cũng rất cần cho những người đã tin Chúa, thậm chí là những người tin Chúa lâu năm và cả những người có chức vụ trong Hội Thánh. Vì có thể chúng ta đi nhà thờ lâu năm, hăng hái làm công việc Chúa, nhưng lại xa cách với Chúa trong mối liên hệ với chính Ngài. Hoặc sâu thẳm bên trong tấm lòng là những góc tối mà chúng ta không muốn Chúa đụng vào. Cần nhớ rằng, những nghi thức tôn giáo không làm cho chúng ta gần Chúa hơn trong mối tương giao. Nhưng chỉ có một tấm lòng sẵn sàng ăn năn khi nhận biết mình sống chưa đúng với Lời Chúa dạy mới có thể kéo chúng ta lại gần bên Chúa để nhận lấy sự tha tội từ Ngài. Và bởi ân sủng cao sâu của Chúa, chúng ta tiếp tục bước đi trên hành trình về Thiên Quốc. Chỉ khi ấy, những nghi thức tôn giáo mới có giá trị.

Có điều gì bạn cần ăn năn với Chúa hôm nay không?

Lạy Chúa, tạ ơn Ngài đã tha thứ những tội lỗi trong đời sống của con. Xin cho con biết ăn năn khi phạm tội với Ngài, để con được gần Chúa luôn trong mối liên hệ với Ngài.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Nê-hê-mi 11.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien