“Hãy cầu nguyện cho chúng tôi, xin Đức Chúa Trời mở cửa cho sự giảng đạo, hầu cho tôi được rao truyền lẽ mầu nhiệm của Đấng Christ, vì lẽ đó mà tôi bị xiềng xích” (Cô-lô-se 4:3).
Câu hỏi suy ngẫm: Ông Ê-pháp-ra là ai? Ông khẩn thiết cầu nguyện cho ai? Về vấn đề gì? Bạn học gì về gương cầu nguyện của ông Ê-pháp-ra?
Chương 1 và 2 của thư Cô-lô-se cho chúng ta hiểu rõ hơn về ông Ê-pháp-ra. Ông là thuộc viên của Hội Thánh tại Cô-lô-se thuộc vùng Tiểu Á (hiện nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ). Sứ đồ Phao-lô chưa hề đến Cô-lô-se (2:1), nhưng trong hành trình truyền giáo lần thứ ba, ông đã truyền giáo và dạy dỗ tại Ê-phê-sô đến ba năm (Công Vụ 19:8–12; 20:31), ảnh hưởng của Sứ đồ Phao-lô lan rộng cả vùng Tiểu Á. Có lẽ ông Ê-pháp-ra đã tiếp nhận Chúa qua Sứ đồ Phao-lô tại Ê-phê-sô, rồi về thành lập Hội Thánh tại Cô-lô-se là quê hương ông (1:6–7).
Ông Ê-pháp-ra đã chia sẻ cho Sứ đồ Phao-lô biết tình trạng của Hội Thánh Cô-lô-se khi vị sứ đồ đang ở trong tù. Các giáo sư giả đến Hội Thánh còn non trẻ này, gieo rắc giáo lý sai lạc về niềm tin Đấng Christ mà Sứ đồ Phao-lô đã dạy. Họ cho rằng tín hữu cần phải giữ thêm những lề luật của Do Thái giáo như chịu phép cắt bì, tuân giữ luật lệ về ăn uống, về ngày Sa-bát và các ngày lễ. Sứ đồ Phao-lô cho biết những luật lệ đó chỉ là bóng, còn hình thật là Chúa
Giê-xu Christ (2:11–17). Giáo lý sai lầm thứ nhì là từ triết học hư không của thế tục, tìm sự khôn ngoan với những sự hiện thấy đặc biệt (2:8, 18). Sứ đồ Phao-lô vạch rõ rằng trong Chúa Giê-xu ẩn chứa mọi kho tàng của sự khôn ngoan và tri thức cho đời sống thuộc linh (2:30). Nhìn chung, các giáo sư giả dạy phải thêm vào Cơ Đốc giáo việc giữ lề luật và tìm kiếm những tri thức đặc biệt của triết học.
Trước tình trạng đó, ông Ê-pháp-ra đã “chiến đấu không thôi trong khi cầu nguyện” để các tín hữu tại Hội Thánh Cô-lô-se thấy rõ những lời dạy sai trật của các giáo sư giả. Và cũng để họ thấy Chúa Giê-xu thể hiện đầy trọn thần tính của Đức Chúa Trời (2:9), Ngài là Đấng chúng ta phải thờ phượng chứ không cần thờ thêm các thiên sứ (2:18). Và để các tín hữu thấy rằng sự cứu rỗi trong Đức Chúa Giê-xu là đầy trọn, không cần phải thêm những lề luật và sự khôn ngoan của loài người (2:23).
Như tình trạng của Hội Thánh Cô-lô-se ngày xưa, Hội Thánh Chúa ngày nay cũng phải đối phó với những tư tưởng muốn pha trộn niềm tin Cơ Đốc với những tà giáo và triết học thế tục. Chúng ta cần hết lòng cầu nguyện và đứng vững trong niềm tin rằng Đức Chúa Giê-xu có địa vị cao trọng hàng đầu đáng để chúng ta thờ phượng; và sự chết thay của Chúa trên cây thập tự cùng sự phục sinh của Ngài là đầy trọn cho sự cứu rỗi cho bất cứ ai đặt niềm tin nơi Ngài (Giăng 3:16).
Gương ông Ê-pháp-ra thúc giục bạn chiến đấu trong sự cầu nguyện như thế nào?
Lạy Chúa Giê-xu là Chúa Cứu Thế của con, xin giúp con biết quan tâm, cầu thay và giúp đỡ những anh chị em đang bị dao động vì những tư tưởng sai lạc của thế tục.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 64—65.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien