“Tôi cầu xin Ngài rằng đức tin đó, là đức tin chung cho chúng ta, được có hiệu nghiệm, khiến người ta biết ấy là vì Đấng Christ mà mọi điều lành được làm trong chúng ta”
(câu 6).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô đã làm gì khi nghĩ đến ông Phi-lê-môn? Đức tin và tình yêu thương liên hệ với nhau thế nào và đem đến kết quả gì? Đức tin của bạn hiện nay giống và khác với đức tin của ông Phi-lê-môn ở điểm nào?
Sứ đồ Phao-lô hướng về ông Phi-lê-môn bằng một tình yêu thương và sự quan tâm thật lòng, bày tỏ qua việc “hằng ghi nhớ anh trong lời cầu nguyện” (câu 4). Ông không chỉ cầu nguyện để ông Phi-lê-môn chấp nhận yêu cầu của ông nhưng ông vẫn luôn nhớ và “hằng” cầu nguyện cho bạn hữu mình. Có nhiều điều chúng ta không thể làm cho nhau vì hạn chế về khả năng, thời gian, không gian… nhưng có một điều chúng ta luôn có thể làm, đó là “hằng” cầu nguyện cho nhau.
Và cũng giống như Sứ đồ Phao-lô, ông Phi-lê-môn cũng là người được biết đến nhờ “đức tin của anh nơi Chúa là Đức Chúa Giê-xu, và lòng yêu thương của anh đối với tất cả các thánh đồ” (câu 5 BTTHĐ). Một người có đức tin thật nơi Chúa Giê-xu phải bày tỏ tình yêu thương đối với anh chị em cùng niềm tin. Sứ đồ Giăng đã khẳng định mạnh mẽ rằng: “Ví có ai nói rằng: Ta yêu Đức Chúa Trời, mà lại ghét anh em mình, thì là kẻ nói dối; vì kẻ nào chẳng yêu anh em mình thấy, thì không thể yêu Đức Chúa Trời mình chẳng thấy được” (I Giăng 4:20). Tác giả David Jackman đã viết: “Khi một người cho mình là con cái Chúa, nhưng không có thời gian để thông công với anh chị em, chỉ trích và coi thường Hội Thánh, thực hành sự tận hiến cô độc, chúng ta cần phải hỏi xem người đó có bị lừa dối hay không, và Chúa có thật sự sống trong người đó hay không? Nơi đâu sự sống của Chúa đang tác động, thì sẽ làm dịu đi sự cay đắng, làm tan đi sự cứng cỏi, và làm nảy nở tình yêu.”
Chính sự bày tỏ tình yêu của ông Phi-lê-môn đã giúp đức tin ông trở nên “hiệu nghiệm,” giúp những người chung quanh nhận biết Chúa (câu 6). Chúa Giê-xu dạy: “Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đệ Ta” (Giăng 13:35). Nếu mỗi công ty hay sản phẩm đều có nhãn hàng để thị trường nhận biết, thì dấu hiệu của Cơ Đốc nhân chính là tình yêu thương. Thực hành nếp sống yêu thương trong Hội Thánh cũng đem đến “vui mừng yên ủi” (câu 7) cho con dân Chúa ngay khi họ ở trong hoàn cảnh khó khăn. Đức tin thật nơi Chúa Giê-xu không chỉ được bày tỏ qua những sinh hoạt hay lễ nghi tôn giáo, nhưng quan trọng hơn và hữu hiệu hơn, khi được bày tỏ qua tình yêu thương anh chị em.
Bạn bày tỏ đức tin thật của mình qua những điều gì?
Cầu xin Chúa Thánh Linh hành động và sản sinh trong con bông trái của tình yêu thương. Xin giúp con sống bày tỏ tình yêu cho người khác và tôn Danh Chúa qua đời sống con.
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Dân Số Ký 32.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien