NGHIÊN CỨU BỐI CẢNH
Nguyên tắc thứ năm là: thông giải dưới ánh sáng của bối cảnh lịch sử, địa lý, văn hóa, được nhiều chừng nào tốt chừng nấy.
Các biến cố trong Kinh Thánh xảy ra vào một thời điểm nào đó trong lịch sử. Chúng có dự phần trong văn hóa của những người sống lúc đó, phần lớn là người Do Thái. Tân Ước liên hệ với văn hóa của Palestine vào thế kỷ đầu tiên cũng như lịch sử lúc đó và trước đó. Chúng ta sẽ hiểu sai Tân Ước nếu ta giải thích theo văn hóa chúng ta ngày nay.
Chúng ta nên nhớ rằng, cùng một hành động, lời nói hay sự việc rất có thể có những ý nghĩa rất khác nhau trong những nền văn hóa khác nhau. Ví dụ ở Ấn Độ bạn gọi ai là con cú hay con loài cú là bạn nhục mạ người đó, nhưng ở Mỹ thì đó là lời khen. Đối với người Ấn Độ nó có nghĩa là ngu ngốc, nhưng đối với người Mỹ thì lại là khôn ngoan!
Một thành ngữ có nghĩa nào đó trong một nền văn hóa hay trong một thời kỳ nào đó có thể không có ý nghĩa trong một nền văn hóa khác, trong một thời kỳ khác. Vì ý nghĩa thay đổi nên ta cần biết ý nghĩa của câu Kinh Thánh trong bối cảnh văn hóa của nó. Trong IIVua 2V 2:9, Ê-li-sê xin Ê-li được phần gấp đôi thần linh của Ê-li. Nhưng xét theo bối cảnh văn hóa của hai vị nầy (nhất là PhuDnl 2:1-7) thì hình như Ê-li-sê được phần gia tài của người con đầu lòng: ông ấy muốn làm người kế nghiệp Ê-li.
Vậy hãy nhớ rằng, ý nghĩa đầu tiên sơ khởi của một khúc sách là ý nghĩa mà nó có trong bối cảnh văn hóa và lịch sử, nghĩa là ý nghĩa của nó đối với những người đang sống lúc đó. Chúng ta cần phải hiểu nghĩa đó càng đúng càng tốt.
Trong LuLc 9:23, Chúa Giê-xu nói rằng ai muốn theo Ngài phải “Vác thập tự giá mình mỗi ngày ”. Chúng ta nói đến thập tự giá là nói đến những nỗi khó khăn, khổ sở, thử thách. Tuy nhiên vào thời Chúa Giê-xu người vác thập tự giá là người tử tội đi đến pháp trường. Người ấy vác thập tự giá đi đến chỗ chết. Người thời Chúa Giê-xu hiểu lời Ngài theo nghĩa đó. Họ biết rằng Ngài nói về sự chết (thể xác hay tinh thần), chứ không phải về sự khổ sở. Các đoạn khác trong các sách Phúc Âm, nhất là những đoạn nói về sự chết của Chúa, nêu rõ ý nghĩa nầy. Chúng ta chỉ nên diễn giải theo ý nghĩa đó.
Chúng ta biết rằng chúng ta không thể nào tìm biết ý nghĩa nguyên thủy của tất cả các đoạn, chẳng hạn như XuXh 28:30 “ U-rim và Thu-mim ” ICo1Cr 15:29 “Vì người chết chịu báp-têm …” không một học giả nào có thể biết chắc nghĩa nguyên thủy của nó là gì. Tuy nhiên, nhờ dùng các nguyên tắc giải kinh, ta có thể biết ý nghĩa nguyên thủy của phần lớn, và căn cứ vào đó mà thông giải.
Chúng ta cũng nhận biết rằng nhiều phần Kinh Thánh có những ý nghĩa đầy đủ hơn mức độ hiểu biết của người đương thời. Khi Thượng Đế phán lời hứa đầu tiên về sự ra đời của Đấng Cứu Thế trong SaSt 3:15, không ai lúc ấy có thể biết ý nghĩa trọn vẹn “Gót chân ” của “dòng dõi người nữ ” và đầu “bị giày đạp là gì. ”
ISa1Sm 12:17 có thể dùng làm ví dụ về bối cảnh văn hóa giúp ta hiểu ý nghĩa như thế nào. Sa-mu-ên nói rằng ông sẽ kêu cầu Chúa giáng mưa xuống vào mùa giặt lúa mì. Bình thường từ tháng tư cho đến tháng mười không có mưa, vì mùa gặt lúa mì là từ giữa tháng tư đến giữa tháng năm. Đây là bằng chứng về quyền năng của Thượng Đế, chứng tỏ cho dân chúng biết rằng Sa-mu-ên nói theo lệnh Ngài.
Trong Mac Mc 11:12-14 (và Mat Mt 21:18-19) ghi lại chuyện Chúa rủa cây vả. Mac Mc 11:13 dường như nói rằng Chúa rủa cây vả vì nó không có trái dầu lúc đó không phải là mùa vả, nghe qua có vẻ bất công. Nhưng dầu không phải mùa, những cây vả tốt vẫn có một ít trái. Cây vả nầy không có chút trái nào chứng tỏ là nó đã cằn cỗi.
Bối cảnh gồm nhiều yếu tố:
1. Yếu tố lịch sử
DaDn 5:7 Đa-ni-ên được lập làm quan cai trị đứng hàng thứ ba vì Bên-xát-xa và cha vua đang cùng cai trị, nghĩa là đã có hai người cai trị hàng đầu rồi.
Mat Mt 2:22: Lịch sử cho biết rằng vua Ạc-chê-lau đe dọa tính mạng Chúa Giê-xu nhiều hơn cha ông ta.
2. Yếu tố địa lý
GiGa 4:4 Chúa Giê-xu phải đi ngang qua Sa-ma-ri vì tỉnh nầy nằm giữa Giu-đê và Ga-li-lê.
Gio Ge 2:23: Có hai mùa mưa chính, mưa sớm hay mùa thu vào gieo cấy, mưa muộn hay mưa vào mùa xuân lúc mùa màng sắp chín.
3. Yếu tố văn hóa (xã hội , tôn giáo hay vật chất)
LuLc 9:59. Chôn cha là nghĩa vụ thiêng liêng của người con trai trưởng và có thể phải đợi nhiều năm nếu người cha chưa chết.
GiGa 13:3-5: Rửa chân cho khách là bổn phận của đầy tớ, ắt hẳn không một môn đồ nào lúc ấy tình nguyện làm công việc nầy.
TÌM HIỂU BỐI CẢNH
Muốn dựa vào bối cảnh để giải kinh thì phải tìm hiểu bối cảnh đó. Làm thế nào để biết bối cảnh? Chúng ta có thể có những tài liệu quí báu nhờ công trình của các học giả Kinh Thánh trong các từ điển Kinh Thánh, sách địa lý bình giải vv… Nếu bạn có quyển nào, hãy dùng quyển đó. Một nguyên tắc mà chúng ta đã ghi nhận là Kinh Thánh chính là người giải kinh tốt nhất. Kinh Thánh cho ta các thông tin cần biết về bối cảnh của những đoạn khó hiểu nhất.
Sau đây là vài bước cần theo để biết được tin tức cần thiết.
1. Học Kinh Thánh
Hãy đọc, đọc và đọc Kinh Thánh. Bạn càng quen với toàn bộ Kinh Thánh, thì càng biết nhiều về bối cảnh để thông giải nó. Hãy đọc các sách lịch sử: Lịch sử Cựu Ước và Tân Ước. Bộ sách Ngũ Kinh chứa đựng nhiều bối cảnh văn hóa cho phần còn lại của Kinh Thánh, nhất là Tân Ước. Những phần sau cũng có thể soi rọi cho những phần trước. Nhờ đọc nhiều và nghiền ngẫm, bạn có thể biết được những thời kỳ và văn hóa của những người trong Kinh Thánh.
2. Ghi chép trong khi đọc
Hãy ghi chi tiết về những nhân vật trong Kinh Thánh, các phong tục, đặc điểm của xứ. Để ý những điều bất thường, những chữ lạ v.v… rồi đem tra từ điển và ghi nghĩa ra. Khi ghi một sự kiện nào thì ghi luôn câu Kinh Thánh tham chiếu. Nó sẽ giúp bạn dễ tìm sau nầy và kiểm tra cho chính xác. Ghi chép là một dụng cụ hữu ích để hiểu Kinh Thánh. Nó giúp bạn ghi nhớ và làm gia tăng kho kiến thức của bạn.
3. Nếu bạn có quyển Kinh Thánh có phần chú dẫn, hãy dùng nó
Thường những câu Tân Ước hay chú dẫn Cựu Ước. Bên cạnh GiGa 3:14 nói về Môi-se treo con rắn lên, có chú dẫn câu Dan Ds 21:9. Tuy nhiên, những chú dẫn ghi trong Kinh Thánh không đầy đủ, nên bạn cần ghi những chú dẫn riêng của bạn trong khi tra cứu. Khi một câu nào nhắc tới câu khác, hãy ghi nó vào lề.
4. Dùng bản đồ trong Kinh Thánh để tìm các địa điểm
Nếu bạn đọc sách Giô-suê mà biết được những địa điểm trong đó, bạn sẽ hiểu được kế hoạch chinh phục Ca-na-an.
5. Nếu bạn có các loại sách khác, hãy dùng chúng
Trước hết là từ điển. Chữ nào có liên quan đến văn hóa được giải thích trong phần định nghĩa nó. Những chữ như trống cơm, đờn cầm, diêm sinh, v.v. Đều có liên hệ đến văn hóa. Các từ điển và sách bình giải đều có giải thích những sự vật có tính cách văn hóa, vì chúng ảnh hưởng đến việc giải kinh.
CÁC QUI TẮC HƯỚNG DẪN
Sau khi đã có tin tức về bối cảnh của đoạn sách, bạn bắt đầu nghĩ đến việc thông giải. Có ba qui tắc hướng dẫn hữu ích:
1. Xem xét cẩn thận những điểm chưa biết hoặc lẫn lộn và để ý xem, nếu biết bối cảnh sẽ giúp ta hiểu hơn như thế nào.
2. Nghĩ xem khúc sách có nghĩa gì đối với người thời đó.
3. Tìm hiểu nghĩa nào thích hợp cho chúng ta trong nền văn hóa chúng ta ngày nay áp dụng nó.
Chúng ta hãy lấy Cac Tl 13:3-5 làm ví dụ, trong khúc nầy thiên sứ của Chúa nói với vợ Ma-nô-a rằng con trai mà bà sắp có thai sẽ là “người Na-xi-rê cho Đức Chúa Trời từ trong lòng mẹ ”. Thiên sứ nói người Na-xi-rê có nghĩa gì? Một quyển Kinh Thánh có chú dẫn chắc chắn sẽ chú dẫn Dân số ký 6. Nếu bạn không có Kinh Thánh chú dẫn, có thể tra từ điển Kinh Thánh, nó sẽ định nghĩa chữ đó và chỉ cho bạn Dân số ký đoạn 6 để bạn hiểu tường tận hơn. Theo sách Dân Số Ký, người Na-xi-rê là người tuyên thệ biệt mình riêng ra và dâng đời mình cho Chúa. Để thực hiện lời hứa nguyện đó, người ấy phải cử kiêng nhiều thứ trong cuộc sống hàng ngày: cử uống rượu nho và ăn những vật gì có liên hệ đến cây nho, cử cắt tóc và không được dụng đến người chết.
Ý nghĩa của việc nầy hình như là khi một người muốn biệt mình ra cho Chúa cho một mục đích đặc biệt nào đó để làm một công tác gì đó, và hứa nguyện sẽ làm như vậy, thì người ấy tự tách mình ra khỏi một số hoạt động mà bình thường vẫn được phép. Nho là một nông phẩm chính ở Palestine, một nguồn thức ăn và thức uống chính của người Do Thái. Cắt tóc hình như là bình thường đối với người đàn ông, vì không cắt tóc là dấu hiệu biệt riêng. Khi có đám tang, phải đụng chạm đến xác chết để chuẩn bị việc chôn cất, đó là một nghĩa vụ bình thường, dầu Dan Ds 19:1-22, LeLv 21:1-24 dạy rằng các thầy tế lễ không làm được việc đó ngoại trừ cho những thân nhân ruột thịt, nhưng người Na-xi-rê phải kiêng cử hoàn toàn. Kinh Thánh không nói lý do tại sao phải kiêng cử hoàn toàn. Kinh Thánh không nói lý do tại sao phải kiêng cử đặc biệt những thứ nầy mà không kiêng thứ khác. Chắc chắn là người Na-xi-rê vẫn được tự do trong hầu hết các nghề nghiệp bình thường.
Như vậy, điều dạy dỗ cho người thời bấy giờ là khi một người muốn biệt riêng ra cho Chúa, họ phải tuyên hứa, và để giữ lời hứa đó họ phải kiêng cử một số hoạt động và nhiệm vụ bình thường. Đây là điều kiện đặt cho cậu bé Sam-sôn từ trong lòng mẹ. Hẳn nhiên ở đây cha mẹ phải đứng ra tuyên hứa thay cho Sam-sôn.
Nếu chúng ta muốn áp dụng cho mình, thì Tân Ước không có những huấn thị chỉ dẫn rõ ràng phải làm cách nào. Thật ra trong Tân Ước không có dùng chữ Na-xi-rê. Như vậy chúng ta phải áp dụng nguyên tắc đã đề ra trong Cựu Ước. Một tín đồ thời nay có thể muốn biệt riêng ra cho một mục đích nào đó của Chúa. Như vậy người đó có thể hứa nguyện, và để thực hiện lời hứa đó, người ấy phải tách mình ra khỏi một số hoạt động. Các hoạt động trong Dân số ký đoạn 6 có lẽ không thích hợp, nhưng người ấy có thể nhờ Chúa hướng dẫn cần phải làm gì để đánh dấu sự biệt riêng của mình. Người ấy có thể hỏi ý kiến những người lãnh đạo tinh thần. Tuy nhiên, người ấy không bị ràng buộc pháp lý nào trong việc nầy.
Trên đây là phương hướng giải kinh nhờ ánh sáng của bối cảnh. Đối với nhiều đoạn kinh, việc tìm hiểu bối cảnh và ý nghĩa đương thời của nó áp dụng nó vào thời đại nầy là cả một vấn đề gai góc. Nhưng càng tra cứu nhiều những đoạn như vậy, ánh sáng càng đến nhiều hơn: bạn sẽ hiểu lời Chúa nhiều hơn.
Tra cứu thêm: IVua 1V 13:1-34 (ý nghĩa của Bê-tên trong tương quan với Giu-đa); IIVua 2V 3:11 (Ê-li-sê đổ nước) 4:1-7 (tình cảnh người đàn bà) Mat Mt 8:4 (tỏ mình cho thầy tế lễ) Cong Cv 15:20, 29 (tới mức độ nào những điều cần thiết nầy là những điều nền tảng, và tới mức độ nào chúng là những tiểu tiết phù phiếm của người Do Thái?) ICo1Cr 11:1-16 (mạng che mặt phụ nữ có phải là yếu tố văn hóa không?) IITi 2Tm 1:8 (kẻ tù của Chúa).