Một lần nữa cả thế giới lại hân hoan kỷ niệm ngày Chúa Giê-xu giáng sinh. Dòng lịch sử của nhân loại đã được chia đôi qua sự kiện Chúa Cứu Thế ra đời. Người ta nói đến khoảng thời gian trước Chúa và sau Chúa.

Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của ngày lễ này là gì? Chúa Giê-xu giáng sinh có quan hệ gì đến cá nhân tôi? Khi Chúa Giê-xu giáng sinh, Ngài được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau. Mỗi danh hiệu nói lên ý nghĩa của sự việc Chúa ra đời và trong câu chuyện Phúc Âm hôm nay, chúng ta sẽ cùng nhau suy nghĩ đến một trong những danh hiệu đó. Đó là danh hiệu Em-ma-nu-ên. Em-ma-nu-ên là tiếng Do Thái có nghĩa là Đức Chúa Trời ở với chúng ta. Sự việc Chúa Giê-xu giáng sinh là để làm ứng nghiệm lời tiên tri đã được loan báo bảy trăm năm trước đó. Lời tiên tri nầy như sau: Một trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con Trai, rồi người ta sẽ gọi Con Trai đó là Em-ma-nu-ên, nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta (Phúc Âm Ma-thi-ơ 1:23). Đức Chúa Giê-xu được gọi là Em-ma-nu-ên, Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Đức Chúa Giê-xu là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta trong những ý nghĩa sau đây:

Trước hết, Chúa Giê-xu đã đến trần gian nầy để chúng ta có thể biết về Đức Chúa Trời. Con người trải mọi thời đại đều có một ý thức về Đấng Tạo Hóa Chí Cao mà chúng ta gọi là Ông Trời. Sâu kín trong đáy lòng, mỗi chúng ta đều biết có một Đấng Tối Cao tạo dựng và cầm quyền trên vũ trụ vạn vật nầy. Tuy nhiên, ý thức về Ông Trời đó có thể bị lệch lạc vì văn hóa, phong tục hay là vì điều kiện sống. Cũng có thể chúng ta đã không có cái nhìn đúng về Đấng Tạo Hóa vì những thông tin sai lạc. Đức Chúa Giê-xu đã đến trần gian nầy để cho con người biết rõ ràng đúng đắn về Đức Chúa Trời. Vì vậy, Đức Chúa Giê-xu được gọi là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta hay là hiện diện ở bên cạnh chúng ta. Đức Chúa Trời đã thể hiện cho con người biết về Ngài bằng những cách khác nhau như là qua thiên nhiên, qua dòng lịch sử nhân loại, qua lương tâm của con người. Nhưng, như đã nói, dù Đức Chúa Trời thể hiện cho con người biết về Ngài như vậy, chúng ta đã có cái nhìn sai lầm về Đấng Tạo Hóa. Khi quyền uy của Chúa thể hiện qua thiên nhiên thì người ta lại gán những điều đó cho thần nầy thần nọ và rồi đi tôn thờ tạo vật thay vì Tạo Hóa.

Thiên Chúa cũng phán dạy con người qua lương tâm, nhưng rồi vì bản tính tội lỗi, lương tâm con người đã trở nên chai lì và không còn nhạy cảm trước tiếng phán của Thiên Chúa. Vì vậy, Thiên Chúa đã đến với con người qua Chúa Giê-xu. Thánh Kinh cho biết: Thời xưa Đức Chúa Trời đã dùng các Đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau cùng nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài (Thư Hê-bơ-rơ 1:1-2). Trong những ngày sau cùng này Đức Chúa Trời phán dạy chúng ta bởi Con của Ngài, Chúa Giê-xu là tiếng nói cuối cùng của Đức Chúa Trời cho nhân loại, Vì vậy, sự việc Đức Chúa Giê-xu giáng sinh được gọi là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Làm sao Đức Chúa Trời có thể ở cùng chúng ta được? Nghĩa là làm thế nào mà một Đức Chúa Trời vô hạn có thể đến với con người giới hạn trong thế giới vật chất nầy? Đức Chúa Trời là Đấng Thần Linh không có thân xác. Vì vậy, để Đức Chúa Trời có thể ở với chúng ta là loài người, Đức Chúa Trời phải mang thân xác của con người. Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta nghĩa là Đức Chúa Trời mang thân xác như chúng ta. Chúng ta gọi đó là sự nhập thể, Đức Chúa Trời trở thành người.

Một câu nói ngắn gọn tóm tắt sự kiện này đó là Con Trời đã trở thành Con Người để con người có thể trở thành Con Trời. Đúng như vậy, chúng ta là những con người tội lỗi xa lìa Thiên Chúa. Chúng ta vốn là con của Đức Chúa Trời, nhưng vì bản tính phản loạn, chúng ta đã xa lìa Cha chúng ta. Để được nhận lại quyền làm con của Thiên Chúa, chính Thiên Chúa phải đến với con người chúng ta bởi vì Ngài yêu thương chúng ta. Chúa đã trở thành người mang tội thế cho chúng ta. Thiên Chúa chẳng những mang thân xác con người nhưng Ngài cũng đã hòa đồng với toàn thể nhân loại. Đức Chúa Trời mang thân xác con người đó là nhập thể, Đức Chúa Trời hòa mình với nhân loại đó là nhập thế. Đức Chúa Giê-xu chẳng những mang thân xác con người chúng ta nhưng Ngài cũng thông cảm với tất cả mọi điều mà con người chúng ta trải qua. Thánh Kinh cho biết Ngài đã từng khóc bên mộ của người thân yêu, Chúa đã chịu đói, chịu khát, chịu cám dỗ. Chúa sinh ra trong một gia đình nghèo nàn, phải di tản sang nước ngoài từ khi còn bé. Chúa phán: Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng con người, là chính Chúa, không có chỗ gối đầu (Phúc Âm Lu-ca 9:58). Chúa phải mượn thuyền để có chỗ giảng dạy, Chúa phải mượn con lừa để làm phương tiện di chuyển, mượn nhà để có chỗ ăn lễ Vượt Qua với môn đệ. Và khi chết Chúa phải sử dụng ngôi mộ của một người khác. Con của Đức Chúa Trời cao cả đã trở thành con người bần hàn, đau khổ, bị phản bội, chịu khổ nhục, chịu hiểu lầm, bị đòn roi, mắng chửi và cuối cùng chịu chết đau thương trên thập hình. Con Trời vô tội nhưng đã gánh chịu tất cả những điều đó vì chúng ta.

Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta chẳng những để cho chúng ta biết về Ngài, nhưng Đức Chúa Trời cũng ở cùng chúng ta để thông cảm với chúng ta và mang tội thế cho chúng ta. Chỉ một chữ Em-ma-nu-ên, Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta, cho thấy tất cả những ý nghĩa đó.

Nhưng sau cùng và quan trọng hơn cả trong danh hiệu đó là hai chữ chúng ta. Đó là bạn và tôi. Danh hiệu Em-ma-nu-ên không nói Đức Chúa Trời ở cùng nhân loại cách chung nhưng ở cùng chúng ta, mỗi một chúng ta cách riêng tư. Tiếng Việt chúng ta có hai chữ cho đại danh từ ngôi thứ nhất số nhiều đó là “chúng ta” và “chúng tôi.” Chúng ta bao gồm cả người nói và người nghe; chúng tôi chỉ kể những người nói mà thôi. Nói rằng “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” hàm ý rằng toàn thể nhân loại đều kinh nghiệm sự việc Đức Chúa Trời trở thành người sống giữa chúng ta để chúng ta biết Chúa và nhờ Ngài mà được lại quyền làm con Thiên Chúa. Tuy nhiên, danh hiệu Em-ma-nu-ên cũng có thể đọc là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng tôi” nghĩa là dù Thiên Chúa đến với nhân loại, chỉ những ai tiếp nhận Chúa thì người đó mới kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa ở trong đời sống. Chỉ những người đó mới có thể nói rằng: “Đức Chúa Trời ở cùng chúng tôi.”

Hôm nay, trong mùa Giáng Sinh này, chúng tôi là những người đã đến với Chúa Giê-xu, đã tìm thấy Đức Chúa Trời ở trong Đức Chúa Giê-xu và có thể nói rằng, “Đức Chúa Trời ở cùng chúng tôi.” Nhưng riêng Bạn thì sao? Bạn có thể cùng với chúng tôi để nói rằng, “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta” hay không? Chúa Giê-xu đã giáng sinh mang danh hiệu Em-ma-nu-ên với ý nghĩa Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta. Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta trong ý nghĩa mạc khải đó là thể hiện Thiên Chúa cho chúng ta biết. Chúa đến để mang ý nghĩa nhập thể, Đức Chúa Trời đã trở thành người giống như chúng ta. Chúa cũng đến mang ý nghĩa nhập thế hòa mình làm một với nhân loại trong mọi sự, đặc biệt là gánh thế tội của toàn thể nhân loại. Đức Chúa Trời đã ở cùng chúng ta như vậy qua sự giáng sinh, sự chết và sự phục sinh của Ngài. Còn chúng ta thì sao?

Câu hỏi trong mùa Giáng Sinh này là Đức Chúa Trời đã ở cùng chúng ta nhưng chúng ta có ở cùng Đức Chúa Trời không? Và chỉ một mình Bạn mới có thể trả lời câu hỏi đó.

NHV SUU TAM

*** Sau khi đọc bài này, nếu bạn thấy lòng mình cảm động và được thúc giục tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, thì xin bạn thành tâm cúi đầu cầu nguyện với Chúa như sau:

” Kính lạy Đấng Tạo Hóa, con biết con là người có tội. Con đã xa cách Chúa, sống theo đường lối và ý riêng mình. Hiện con đang đi trên đường dẫn đến sự hình phạt đời đời. Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã đến trong thế gian, chịu chết thay cho con để đền tội con trên thập tự giá. Giờ đây, con quyết tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của con, xin Chúa tha tội cho con và tiếp nhận con làm con cái yêu dấu của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Giê-su, Amen.”

www.vietchristian.com/niengiam/