Ngày Chúa Nhật, 27 tháng 5 vừa qua đánh dấu 75 năm ngày khánh thành chiếc cầu Golden Gate tại San Francisco. Hàng ngàn người đã đi bộ ngang qua chiếc cầu dài gần 2 dặm nầy trong dịp kỷ niệm ngày chiếc cầu hoàn tất. 

Từ ngày chiếc cầu bắt đầu được sử dụng vào năm 1937 đến nay đã có trên 2 tỉ chiếc xe chạy qua cầu. Cầu Golden Gate là công trình tuyệt tác của vị kỹ sư tài giỏi Joseph Strauss trong những thập niên 20 của thế kỷ trước. Trên thế giới có nhiều chiếc cầu vĩ đại, lớn và dài hơn cầu Golden Gate, nhưng vì vị trí, hình dáng và thời điểm lúc cầu được xây cất mà cầu Golden Gate thường được xem là một trong những kỳ quan về xây cất của thế giới.

Dù là chiếc cầu nào, lớn hay nhỏ dài hay ngắn, mục đích của bất cứ chiếc cầu nào cũng là để nối liền hai điểm lại với nhau vì một ngăn cách nào đó. Ngăn cách đó có thể là sông, là suối, là biển, là núi rừng. Những chiếc cầu đã được xây cất để nối liền những khoảng cách nhưng cũng đã nhiều lần vì chiến tranh, vì khác biệt chính kiến, vì hoàn cảnh chính trị mà nhiều chiếc cầu đã phải đóng lại, không thể thông thương và chiếc cầu không còn mang ý nghĩa của chiếc cầu nữa. Thế giới chúng ta sống sẽ ra thế nào nếu không có một chiếc cầu nào cả? Những chiếc cầu chẳng những nói đến việc nối liền những khoảng cách địa lý nhưng nhịp cầu cũng là nối liền của những quan hệ tình cảm, tinh thần, tâm linh. Ta nói đến nhịp cầu tri âm hay nhịp cầu thông cảm hay nói đến việc bắc một nhịp cầu. Đời sống lúc nào cũng có nhiều khoảng cách, vì vậy sống là phải biết bắc những nhịp cầu để nối liền người với người, nối liền những đổ vỡ. Con người có nhiều khác biệt nhưng nếu biết nối liền, kết hợp, chúng ta sẽ có nhiều an vui, hòa hợp. Có những người muốn nối kết, hòa hợp, đem người lại với nhau, nhưng cũng có những người thích phá đổ, gieo nghi ngờ, hận thù, phá đổ những nhịp cầu thương yêu, thông cảm. Sống mỗi ngày ta cần tự hỏi: Tôi là người đứng ra xây những nhịp cầu thông cảm hay là người phá đổ những nhịp cầu đó? Có những mối quan hệ trong gia đình, giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái, anh chị em với nhau cần được nối kết, cần được củng cố cho bền chặt mà chính chúng ta thường phải là người đi bước đầu tiên để nối lại những rạn nứt, đổ vỡ. Nếu thế giới nầy luôn luôn có người đi bắc những nhịp cầu như vậy, chắc chắn là thế giới nầy sẽ đỡ đi rất nhiều đau khổ. Kỹ sư Joseph Strauss xây dựng cầu Golden Gate, nếu còn sống ngày nay chắc ông sẽ vô cùng hãnh diện vì công trình của mình, chẳng những vì đã xây cất một chiếc cầu vĩ đại nhưng cũng đã đem người hai bên bờ vịnh San Francisco gần nhau hơn và giúp cho giao thông Nam Bắc của bang Cali được dễ dàng, thông suốt.

75 năm trước, khi xây cầu Golden Gate người ta phải khắc phục rất nhiều trở ngại vì địa thế, địa chất, thời tiết, nguy hiểm và những trở ngại tinh thần khác vì đã có những tổ chức, những nhóm người chống lại việc xây chiếc cầu vĩ đại nầy. Nhưng cuối cùng người ta cũng đã vượt qua được những trở ngại đó và chiếc cầu đã hoàn tất. Thật ra thì không một chiếc cầu nào được xây cất mà lại không gặp trở ngại, không nhiều thí ít, không lớn thì nhỏ, không có trở ngại nầy thì cũng có những trở ngại khác. Với quyết tâm nối liền những khoảng cách, bao giờ người ta cũng xây được những nhịp cầu, dù khó khăn đến đâu đi nữa.

Hôm nay tôi muốn nói với quý vị về một chiếc cầu vô cùng khó khăn, có rất nhiều trở ngại nhưng chiếc cầu nầy cũng đã được xây và đang chờ chúng ta bước đi trên chiếc cầu nầy. Tôi muốn nói đến khoảng cách giữa Trời với người và chiếc cầu cứu rỗi mà Chúa Cứu Thế Giê-xu đã xây. Thật ra Chúa Giê-xu chính là chiếc cầu đó. Vấn đề khó khăn của chiếc cầu nầy là khoảng cách phải vượt qua vô cùng rộng lớn. Chiếc cầu dài nhất thế giới hiện nay là Cầu Vịnh Giao Châu tại Trung Quốc với chiều dài hơn 26 dặm. Đó là khoảng cách mà người ta phải xây cầu. Nhưng khoảng cách giữa con người tội lỗi và Đức Chúa Trời công chính là khoảng cách vô tận, không một ai có thể nối liền được. Vấn đề là con người hữu hạn còn Thiên Chúa là vô hạn. Con người tội lỗi và Thiên Chúa thánh khiết. Tất cả mọi gắng công ra sức, mọi cố gắng của con người chúng ta thật như công dã tràng. Tất cả đều rồi sẽ không đi đến đâu cả. Giải pháp của Thiên Chúa hay chiếc cầu của Đức Chúa Trời là chiếc cầu phát xuất từ Đức Chúa Trời. Chúa phải đến với con người trước vì con người tội lỗi không thể tự cứu. Lời Chúa dạy: “Mọi người đều phạm tội.” Tất cả chúng ta đều là tội nhân, cùng chung số phận, không ai trong chúng ta có thể giải thoát hay cứu rỗi ai cả. Vấn đề cứu rỗi phải đến từ Đức Chúa Trời.

 

Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy, không bị hư vong nhưng được sự sống vĩnh hằng (Phúc Âm Giăng 3:16)

Chúa Giê-xu sinh ra làm người như chúng ta không theo công lệ thiên nhiên nhưng qua trinh nữ Ma-ri. Ngài không mang tội như chúng ta nên có thể cứu chúng ta. Một vấn đề khác nữa là tội lỗi nào cũng phải bị hình phạt, nếu không, Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa chí công và như vậy cũng nghĩa là Ngài không còn là Thiên Chúa nữa. Tội lỗi phải bị hình phạt, đó công lý của Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa cũng là Thiên Chúa yêu thương. Ngài không muốn một người nào phải trầm luân, hư mất cả. Do đó để xây chiếc cầu, để bắc nhịp cầu giữa Đức Chúa Trời với con người qua cái hố tội lỗi khổng lồ, phương cách duy nhất là Chúa Giê-xu phải đứng ra lãnh hình phạt thay cho chúng ta. Chính khi đứng ra lãnh bản án thay cho chúng ta bằng cái chết trên thập giá mà chiếc cầu cứu rỗi được dựng lên, nối liền khoảng cách giữa Đức Chúa Trời thánh khiết với con người tội lỗi. Nhưng Chúa Giê-xu chỉ là chiếc cầu, để được nối liền với Đức Chúa Trời, chúng ta phải bước đi trên chiếc cầu đó để đến với Đức Chúa Trời. Chúng ta bước đi trên chiếc cầu nầy bằng đức tin. Nói như vậy nghĩa là khi chúng ta công nhận mình là tội nhân, nhận rằng Chúa Giê-xu đã chịu chết thế cho mình, ăn năn tội và đặt lòng tin nơi Chúa. Đặt lòng tin nơi Chúa như vậy chính là bước lên chiếc cầu cứu rỗi để tiếp nhận ơn tha thứ và ơn tái sinh của Chúa. Khoảng cách nói đúng hơn mối quan hệ giữa chúng ta với Đức Chúa Trời được nối kết lại. Chúng ta được làm con của Chúa như trong tình trạng ban đầu. Nếu không, chúng ta sẽ mãi mãi xa cách Chúa, đời sống không có ý nghĩa và sẽ mãi mãi hư vong ở đời sau.

Chiếc cầu Golden Gate được xây lên 75 năm trước và hơn 2 tỉ chiếc xe đã chạy trên chiếc cầu nầy. Chúa Cứu Thế Giê-xu đã chịu chết trên thập tự giá 2,000 năm trước làm chiếc cầu nối liền giữa Đức Chúa Trời và con người và hàng tỉ người đã bước đi trên chiếc cầu nầy bằng đức tin của mình và kinh nghiệm ơn cứu rỗi của Ngài. Chiếc cầu cứu rỗi đã hoàn tất nhưng không bước lên cầu chúng ta sẽ chẳng bao giờ kinh nghiệm ơn tha thứ cả. Thiên Chúa đã làm tất cả và đang chờ đợi mỗi chúng ta bước lên chiếc cầu cứu rỗi đó với đức tin của mình. Khi nào quý vị sẽ bước lên chiếc cầu cứu rỗi nầy? Và quý vị biết không, một khi đã bước lên chiếc cầu cứu rỗi của Chúa Giê-xu, đời sống của chúng ta sẽ được thay đổi và rồi chính chúng ta cũng sẽ là những nhịp cầu nối kết mọi người với nhau trong tình yêu tuyệt vời Thiên Chúa ban cho chúng ta.

Mục sư Nguyễn Thỉ
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành

*** Sau khi đọc bài này, nếu bạn thấy lòng mình cảm động và được thúc giục tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, thì xin bạn thành tâm cúi đầu cầu nguyện với Chúa như sau:

” Kính lạy Đấng Tạo Hóa, con biết con là người có tội. Con đã xa cách Chúa, sống theo đường lối và ý riêng mình. Hiện con đang đi trên đường dẫn đến sự hình phạt đời đời. Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã đến trong thế gian, chịu chết thay cho con để đền tội con trên thập tự giá. Giờ đây, con quyết tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của con, xin Chúa tha tội cho con và tiếp nhận con làm con cái yêu dấu của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Giê-su, Amen.”

________________________________________________________________________

www.vietchristian.com/niengiam/