Người Việt sống tại Việt Nam chịu ảnh hưởng quan niệm Phật giáo và thờ cúng ông bà. Gia đình tôi cũng như thế, lúc còn trẻ không quan tâm tìm hiểu về tôn giáo, đến nửa đời người mới thấy đời là bể khổ, chán nản. 

Cuộc đời

Người Việt sống tại Việt Nam chịu ảnh hưởng quan niệm Phật giáo và thờ cúng ông bà. Gia đình tôi cũng như thế, lúc còn trẻ không quan tâm tìm hiểu về tôn giáo, đến nửa đời người mới thấy đời là bể khổ, chán nản. Lại gặp cảnh đổi đời, tôi như từ thiên đàng rơi xuống địa ngục, biết bao cảnh bể dâu thống khổ, biết bao điều ức chế, cửa nhà biến đổi, gia đình ly tán, bao cảnh buồn đau dồn dập, chạy đôn chạy đáo vì cái ăn cái mặc để sống, đời người như vở kịch trên sân khấu, kiếp sống mỏng manh ngắn ngủi như kẻ lữ hành tạm trú qua đêm ở đời này rồi ra đi, nào biết về đâu, từ đâu đến?

Tìm học giáo lý Phật

Giữa lúc tâm hồn suy sụp tôi tìm kiếm triết lý cao siêu của Phật pháp hầu giải bớt nỗi khổ ở trần gian. Tôi đã gặp được vị sư thầy dạy cho giáo lý căn bản. Tôi nguyện học hết Tam Tạng Kinh là 8 muôn 4 ngàn pháp môn thời nguyên thủy lúc Phật cùng đại đức Anan và các đệ tử đi độ chúng sanh khắp nơi ở nước Ấn Độ. Tôi được học của sư thầy 12 chi pháp đến Vi diệu pháp và Thiền định. Tôi thấy chưa đủ nên tình nguyện làm công quả cho thư viện Phật giáo để được nghiên cứu Đại tạng kinh: Trung bộ, Trường bộ, Tương ưng, Tăng chi, Trưởng lão tăng kệ + ni kệ, Bổn sanh và Pháp cú kinh, là 7 bộ kinh gốc của Nam tông nguyên thủy. Hơn 20 năm tôi vùi đầu vào việc biên chép từng lời từng chữ hết 7 bộ kinh này xem là niềm vui an ủi cuộc đời mình (vì số kinh rất quý hiếm thời bấy giờ).

Có lần tôi cùng bạn đạo đến chùa chư tăng, các bạn khoe với các sư là tôi đã chép được mấy bộ Đại tạng kinh, thì vị tỳ kheo sư trưởng này thú nhận: “Tôi thật sự chưa đọc hết 2 bộ kinh Trung bộ và Trường bộ nữa vì mỗi bộ kinh rất dài, trò như vậy là siêu lắm.”

Những thắc mắc và bất an

Dù nhiệt tâm tìm hiểu giáo lý, tìm hiểu pháp môn tu tập, tôi luôn nhận định về chân lý cứu rỗi của Phật, để tu cho đúng mà không mù quáng gọi là cuồng tín hoặc dị đoan mê tín.

Rồi tôi đến trường học sư cô nêu thắc mắc lên sư cô trưởng là:” Thưa sư cô, ở kinh Bổn sanh nói về muôn vạn kiếp luân hồi của Đức Phật có câu chuyện Phật bố thí thân mình không thương tiếc cho một con cọp đói sắp chết với đàn con nhỏ. Phật đã leo lên cành cây phía trên, buông tay rơi thân mình xuống cho cọp ăn thịt! Qủa là một hành động phi phàm, thế gian ít ai dám làm như thế! Nhưng theo tôi nghĩ loài cọp là thú vật hung dữ ăn thịt sống, sao sánh bằng sinh mệnh con người là quý báu hơn. Dù lòng từ bi Phật cho xác thịt mình, song cọp chỉ sống qua vài ngày rồi lại đói, lại ăn thịt người nữa! Còn loài người chúng ta có tình cảm, có công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, tình yêu thương vợ chồng con cái, họ sẽ đau khổ biết bao vì người thân yêu mình chết. Như vậy, con cọp có đáng cho Phật hi sinh như thế không?“ Lúc đó sư cô chỉ cười không đáp lời tôi.

Tôi luôn tu tập 37 Phẩm Bồ Đề rồi thực hành thiền định: dùng thiền chỉ ”hơi thở” và thiền quán “vô thường, khổ não, vô ngã“ dốc tâm tu hành để tạo nghiệp tốt cho luân hồi kiếp sau.

Về việc luân hồi: con người sau khi chết qua 6 cõi luân hồi là: Trời, Người, Atula, Súc sanh, Địa ngục, Ngạ quỷ; tùy theo nghiệp tội mình đã tạo. Tất nhiên là khi luân hồi con người đều là tội nhân mang tội lỗi không ít thì nhiều. Có mấy ai tự hào mình không có tội lúc sống từ nhỏ đến lớn, dù ăn chay niệm phật suốt đời nhưng tham, sân, si mấy ai không vi phạm. Cả trong giới luật, nên khi chết phải mang một số tội.

Nếu trăm ngàn muôn kiếp luân hồi thì số tội ấy mỗi kiếp mãi chồng chất lên nhau, cao cho tới đâu nữa? Làm sao tôi có thể tự cứu mình đây? Vì Đức Phật không phải là vị thần có quyền tha tội hoặc ban phước, Ngài là bậc Đạo sư chỉ đường tu tập đến Niết bàn mà Phật đã chứng ngộ. Phật dạy: “Hãy tự mình đốt đuốt mà đi. Tự mình làm hòn đảo cho mình.” Tự tu tự chứng. Rất khó tầm cầu vì Ngài đã trải qua muôn ngàn kiếp mới đắc quả Phật.

Tôi cảm thấy hoang mang lo lắng, bất an, tự hỏi công tu hành hơn 20 năm của mình được gì? Tội lỗi làm sao xóa sạch?

Dù trong thâm tâm nặng lo điều đó tôi vẫn cố gắng tu thiền mong đạt đến cảnh giới không tưởng: Phi phi tưởng xứ, Vô sở hữu xứ sau đó mới nhập diệt.

Trước ngưỡng cửa Tin Lành của Chúa

Mãi cho đến một ngày tôi gặp lại người bạn ở Úc về sau 30 năm xa cách; bạn cố gắng làm chứng về Chúa cho tôi, nhưng không lọt vào tai tôi chút nào, đó là sự cứng lòng của Phật tử chúng ta! Chị ấy có con là Mục sư Tin lành nhờ các bạn Mục sư thần học ờ Việt Nam dốc lòng chăm sóc cho tôi; họ kiên trì một thời gian khá lâu, chịu khó giải đáp những thắc mắc, nhờ ơn Đức Thánh linh cảm động. Trước công khó đó tôi đồng ý làm lễ tin Chúa. Nói thật, lúc đó tôi vì vị tình họ đã bỏ quá nhiều thì giờ cho tôi khiến tôi khó lòng từ chối; thực ra trong lòng tôi chưa hẳn là tin Chúa; tôi thật ái ngại nói lên điều này, xin thứ lỗi!

Chân lý là đây

Đến khi tôi đọc đoạn Kinh thánh đầu tiên là Sáng Thế Ký, hiểu được Đấng Tạo Hóa đã tạo dựng trời đất, vũ trụ, loài người cùng vạn vật trong 6 ngày thật tuyệt diệu! Đấng Tối Cao ấy đã yêu thương chăm sóc để bảo tồn cùng sự ban cho không xiết kể đối với nhân loại, ấy là Đức Chúa Trời là Đấng Thiên Phụ từ ái của chúng ta.

Tôi như được Chúa chiếu sáng, bừng tỉnh ra, biết cả ơn cứu rổi của Chúa Jêsus Ngôi Hai giáng trần, vì tội lỗi loài người đã đổ huyết cứu chuộc trên thập tự giá, là một cực hình kinh khiếp cho đến chết. Sau 3 ngày Chúa phục sinh, sự khác biệt phi phàm đó là sự sống lại của Chúa Jêsus là Đấng Christ đã làm trung bảo cho loài người với Đức Chúa Trời vì Ngài có cả thần tánh và nhân tánh, dạy dỗ cho các môn đồ sau 40 ngày Chúa Jêsus thăng thiên trước 500 tín đồ.

Thế là sự thắc mắc lo lắng của tôi đã được giải đáp, tôi mừng rở thốt lên: “Chân lý là đây! Tội lỗi tôi được cứu là đây!”

Lúc đức tin về Chúa ở tôi được phát hiện, tâm hồn tôi tràn ngập lòng biết ơn, kính ngưỡng, tôn thờ Chúa của mình, Đấng đáng được tôn vinh và ngợi khen đời đời đối với thế nhân vậy.

Tôi nghĩ viết đến đây là lời cuối cùng, vì tôi đã tìm thấy chân lý cho đời mình, không còn điều gì để bận tâm nữa nhưng bạn tôi góp ý là tôi nói về đạo Phật nhiều mà nói về đạo Tin lành sao quá ít.

Giờ đây, ngồi suy tư cuộc đời thì giật mình vì tin nhận Chúa quá muộn, tôi đã bỏ phí thời tuổi trẻ nên bây giờ để bù lại, tôi nhiệt tâm năng nỗ góp phần phục vụ hầu việc Chúa đắc lực hơn để tỏ lòng biết ơn Chúa Jêsus đã xả thân mình làm sinh tế cứu chuộc tội lỗi cho chúng ta.

Song tôi lại nghĩ rằng: Đức Chúa Trời đã sắp đặt chương trình cho đời tôi là vậy, để giờ đây tôi nói lên được cảm nghĩ của mình với các bạn Phật tử.

Sai lầm trong sự thờ cúng

Ở Việt Nam sự thờ cúng xu hướng theo người Trung Hoa rất nhiều, vì dân ta bị họ đô hộ cả ngàn năm, ông bà ta bị ảnh hưởng là phải.

Con cháu đi theo ông bà dĩ nhiên biểu lộ lòng hiếu kính của mình đối với cha mẹ, lâu dần thành truyền thống về đạo. Có nhiều sai lầm trong sự thờ cúng là:

Tại sao lại thờ phượng ông Quan Công mặt đỏ?

Nói là để trừ tà ma, ví khi sống ông ta đã giết người vô số, ai cũng khiếp sợ, là quan tướng Trung Hoa ở thời tam quốc tên thật là Quan Vân Trường theo lý, người đáng tôn thờ phải là đấng đắc đạo quả, không phải người phạm tội sát sanh.

Đó là điều sai lầm trong thờ cúng theo người Hoa, còn chúng ta là người Việt Nam mà! Cả việc thờ cúng Ông Địa, Ông Thần Tài, Ông Táo, v.v.

Tại sao ta thờ Tam Tạng, Tề Thiên, Sa Tăng, Bát Giới?

Vì người ta tưởng là có thật rằng họ đã đắc đạo quả trên trời lúc đi thỉnh kinh nên thờ cúng, nhưng đây chỉ là tác phẩm Tây Du Kí của Ngô Thừa Ân dựa theo việc nhà sư Tam Tạng đi thỉnh kinh và dịch thuật ở Ấn Độ thời nhà Đường, truyện phóng tác thêm vào sự tưởng tượng cho bộ phim sinh động chứ không có thật.

Còn vô số việc thờ lạy hình tượng, Vía Bà và cả những hồn ma nhập cốt nữa, v.v. Tôi chỉ nói vắn tắt về sự sai lầm đó để góp ý chia sẽ với các bạn. Tại sao điều chánh đáng mà ta không biết để thờ phượng Đấng Tạo Hóa Đức Chúa Trời đã sáng tạo ra tổ phụ loài người mới có tổ tiên, ông bà của chúng ta cũng là Đấng tể trị trên trời, dưới đất và định đoạt cả sinh tử, định mệnh của chúng ta.

Sự sống hiện tại của ta đang được hưởng biết bao ân huệ của Đức Chúa Trời trong thiên nhiên như: dưỡng khí để thở ở trong không khí, ánh mặt trời, mặt trăng, mưa, nắng, gió, mây, sương mù kể cả dưới lòng đất mỏ than vàng bạc,….dưới biển mỏ dầu, trên đất súc vật cỏ cây rau trái, chim trời cá nước, v.v. đều do Đức Chúa Trời ban cho, chẳng phải là thành hoàng thổ địa có quyền ban cho mà sao ta thờ cúng.

Hãy về cùng Cha

Cây có cội nước có nguồn. Ta thấy lá rụng về cội, nước chảy về nguồn. Chúng ta đã sai lầm quá nhiều rồi giống như câu chuyện về đứa con đi hoang bị khốn khổ, nhưng sau khi nhận biết đâu là cội nguồn thì quay về với cha yêu thương là Đấng Thiên Phụ từ ái của mình. Ngài luôn tha thứ yêu thương như người cha thấy con biết ăn năn trở về nhìn nhận lại thì được cha ôm vào lòng vui mừng cảm động tha thứ ban thưởng cho đứa con này vì tưởng mất đi mà nay tìm lại được. Thật là ơn phước mà Đức Chúa Trời dành cho chúng ta các bạn ạ. Đừng mặc cảm tội lổi, hãy mạnh dạn tin nhận Chúa chúng ta sẽ có chổ nương tựa linh hồn cách bình an trong Chúa, sẽ không còn sợ tội lỗi nặng quằn vai ở giờ phút lâm chung, vì tội được tha linh hồn được cứu.

Ngọc Xuân – Cần thơ

Ngày 5 tháng 10 năm 2010

 


Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về info@nguonhyvong.com