Như đa số người sanh đẻ tại mảnh đất hình chữ S Việt- Nam, tôi được sanh trưởng trong một gia đình thờ cúng ông Bà và tự xưng là theo đạo Phật. Tôi từng theo bà nội và má tôi đi Chùa từ thuở nhỏ.
Tôi vẫn còn nhớ là đã thường được ngồi trong lòng quý ông bà Sải cả- ông Sư chủ trì Chùa ở miền Nam. Tôi cũng từng ăn chay với má tôi, cũng như thắp nhang lạy Phật, lạy bàn thờ hình ông bà. Khi Phật giáo bị đàn áp, má tôi và tôi chính thức quy y tam bảo tại Chùa Phật Học Xá Lợi Nam Việt. Tôi vẫn thường ăn chay tụng kinh gõ mõ, niệm Phật, luyện Yoga; dù đang dạy trường của các Linh Mục, các thầy Công Giáo. Lòng đầy kiêu hãnh với việc học đầy tiến bộ, và sẽ đi du học để có mảnh bằng cao hơn, ngõ hầu sau này có thể làm lớn trong chính quyền. Tôi đã luôn nghĩ rằng: Phật Giáo là tôn giáo hay nhứt. Hay ở chỗ là mình có thể tự tu tập để trở thành Phật, nếu kiếp này không thành thì kiếp sau, hay kiếp sau đó nữa… Vả lại, sống trong xã hội đại đa số là Phật Tử, tôi nên giữ là đạo Phật để dễ làm lớn sau này. Đó là lập trường phải nhứt. Tôi đã giữ lập trường này rất lâu. Bằng cớ được kể như sau. Khi tôi bị động viên và được đưa lên Đà Lạt dạy văn hoá, tôi thuộc khoa Toán, cho sinh viên sĩ quan trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, tôi có ý xin đi Mỹ để có bằng cao hơn. Học Anh Văn đã hơn mười mấy năm, đọc được, viết được và nói được. Ấy vậy, khi tôi nói chuyện với vị cố vấn Mỹ của phân khoa tôi, ông ấy không hiểu tôi nói gì và tôi cũng không hiểu ông ấy nói gì! Một sáng thứ Bảy nọ, khi đi phép trên đường Minh Mạng từ chợ Đà Lạt đổ dốc xuống Phan Đình Phùng, tôi đi ngang qua một căn phố nọ và thấy một ông Mỹ đang dạy tiếng Anh cho vài người Việt. Tôi vào và xin học. Tôi được chấp nhận. Ông ấy là Giáo Sĩ Jim Gayle. Ông ấy cho tôi quyển “Good News” và các sách học Anh Ngữ. Sau đó tôi được học bổng của USAID đi học bên Mỹ. Khi tôi đang học tại “The University of Texas at Austin” ông ấy về nghĩ một năm và vô tận trường thăm tôi, cũng giới thiệu tôi cho một Baptist Church gần trường. Trọn một “semester” Hội Thánh này cho một thanh niên Mỹ đến chở tôi đi học trường Chủ Nhật và dự mỗi buổi thờ phượng. Sau khi tốt nghiệp tôi trở về Việt Nam cưới vợ, dạy Võ Bị và Viện Đại Học Đà Lạt, Trường Chính Trị Kinh Doanh. Trong một buổi lễ khai trường, một Linh Mục giảng ” Nếu ngươi không theo Ta là ngươi chống Ta,” cả vợ và tôi cố ý chống tư tưởng đó, và nói với nhau; tại sao trung lập không được? Ghi lại các điều này để chứng tỏ rằng tôi đã giữ rất lâu lập trường tiếp tục ở trong đạo Phật. (Cả việc hai anh chị sinh viên Chính Trị Kinh Doanh nọ mời hai vợ chồng tôi đến dự đám cưới của họ ở trong Hội Thánh Tin Lành Đà Lạt. Cả vợ tôi giáo sư kế toán của họ, cũng không đến dự. Bây giờ tôi mới biết. Chúa đã cho người săn sóc hướng dẫn tôi mọi bề. Ngày 30 tháng 3 năm 1975, theo lệnh truyền, tôi một sĩ quan giáo sư chưa từng cầm quân, được “hân hạnh” dẫn đại đội binh sĩ đi sau cùng của đoàn sinh viên Đà Lạt, rút lui xuống Phan-rang, Phan-thiết, rồi về trại Long Thành. Nhờ bị bỏ lại một đêm với binh sĩ mà ngày hôm sau vẫn dẫn binh sĩ về đầy đủ tôi “được đưa lên” làm trong văn phòng ông Tướng Chỉ Huy Trưởng rồi kế đó, đi nuôi ông trong trại giam bộ Tổng Tham Mưu. Ngày 20 tháng 4 nghe thấy thiên hạ đi Mỹ, tôi viết thơ lên Tây Ninh bảo vợ con xuống Sài Gòn để đi Mỹ, cho đi thì được đi vì tôi đã xin USAID cấp giấy xác nhận vợ và tôi đều đã du học sinh của Mỹ. Thấy vợ con không xuống, vào ngày 28 tháng 4 tôi đi xe Honda đến dầu võ thì bị lính Việt Nam Cộng Hòa chặn lại vì Việt Cộng đang chiếm cái cầu vào Tỉnh Lỵ Tây Ninh. Ngày 30 tháng 4, khi bom đạn nổ đầy trời Saigon, tôi nhảy lên tàu Đại Hàn tại Tân Cảng và được đến tạm trú tại đảo Wake sau khi qua căn cứ Mỹ ở Phi Luật Tân. Lòng buồn vô hạn dù có ý nghĩ là phen này mình sẽ “enjoy life!”. Trong khi xếp hàng làm thủ tục nhập nội địa, tôi có lấy quyển sách nhỏ bằng tiếng Anh về đọc. Sách nói về Chúa Jesus Christ. Đọc và thấy lòng được bình an. Tôi tự nhủ thầm là sẽ xin làm Báp têm ở bất cứ Hội Thánh nào khi đến Mỹ… Kế đó tôi được đưa vô trại Ft. Chaffee ở Arkansas. Nhưng ngày tháng dài đằng đẳng, lúc chờ người bảo trợ cho ra khỏi trại Ft. Chaffee, tôi theo một giáo sư Anh Văn hút thuốc, uống rượu và làm mọi công tác trong trại. Người thẫn thờ như kẻ điên dại, (Hẳn các sinh viên và người quen đều nhận thấy như vậy; bây giờ tôi mới nghĩ biết điều này). Người bạn đồng nghiệp đã được bảo trợ và ra trại rồi. Chỉ còn tôi ở lại một mình. Tưởng nghĩ có bằng cấp cao của Mỹ và độc thân, thế nào cũng có người bảo trợ và ra trại dễ dàng! Cuối cùng phải nhờ ông bạn đồng nghiệp đó nhờ người bảo trợ của ông tìm người bảo trợ cho tôi. Tôi được thơ hồi âm là có một gia đình ở đó, Indiana, bảo trợ và một gia đình khác sẽ cho việc làm và lái xe nông trại. Lòng cũng chịu mừng và chờ ngày ra trại! Trung tuần tháng Tám đó, ông chủ sự phòng điện toán rời nhiệm sở mà tôi đang cung phong công tác tại phòng này, nên có một buổi tiệc nhỏ chia tay. Sau tiệc, được về sớm. Tôi không đi xe bus về trại như mọi ngày, nhưng đi bộ trên đường “Catina” của trại. Khi đi ngang qua cửa một Chapel nọ, tôi thấy ông Mỹ nọ, và ông ấy thấy tôi. Ông buông rơi sách trên tay và chạy xuống ông choàng lấy tôi cũng kêu “Thuận!”. Tôi bộc thốt lên tiếng mà tôi đã chưa bao giờ nhớ đến, mãi đến lúc đó, “Gayle.” Ông đưa tôi vào văn phòng và hỏi chuyện. Hẳn thấy tay tôi không có đeo nhẫn, ông hỏi: “nghe nói anh đã có vợ rồi phải không?” và ông hỏi tôi có muốn ở lại Texas không? Ông ở trại đã lâu, tuần tới sẽ rời trại và về Texas, College Station, để cho các con ông tựu trường đi học. Hai tuần sau đó tôi được Calvary Baptist Church tại Baryan bảo trợ và được học tiến sĩ về thống kê của trường Texas A&M University, College Station. Ngay tuần đầu tiên trong Hội Thánh Calvary, tôi đã đi lên xin được Báp Têm. Ông mục sư hỏi lý do. Tôi nói khi đọc sách về Chúa Jêsus, lúc ở đảo Wake, tôi thấy lòng được bình an. Sau lễ Báp Têm, tôi đi nhà thờ mỗi sáng và chiều Chủ Nhật, mỗi tối thứ hai và thứ tư. Lòng tôi vẫn luôn buồn nhớ vợ, nhớ con, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ quê hương xứ sở. Lúc đi nhà thờ cũng không hiểu gì và không ca Thánh ca được. Đi học ở trường về, ngồi làm homework cũng không được và chỉ biết khóc nhớ vợ nhớ con… Lòng nghĩ, chắc chắn sẽ bỏ học mà đi làm. Khi được làm lễ Báp Têm hai tháng trước có một người Mỹ trong nhà thờ cho một quyển sách nhỏ. Tôi bỏ trong túi áo “vest” và không màng đọc tới. Vào một sáng thứ bảy của tháng 10 năm 1975 trời Texas đã lạnh. Lòng buồn thâm thẫm. Ngồi trong nhà “trailer” một mình. Tôi mặc áo “vest” thường mặc đi nhà thờ, cho đỡ lạnh. Kế đó, tay cầm và đọc quyển sách nhỏ đó, đã nằm trong túi non hai tháng rồi. Đó là quyển “Steps to Peace with God” của Billy Graham. Say sưa và chăm chú đọc. Rồi tôi theo lời khuyên của sách đó, tôi cầu nguyện xin Chúa tha tội lỗi của tôi, và tôi mời nhận Chúa vào lòng tôi làm Chúa Cứu Thế và Chủ đời tôi. Tôi điền tên và gửi đi để nhận được báo Decision đọc mỗi kỳ. Có các điều lạ đã xảy đến cho đời tôi mà tôi đã nhận biết được. Tôi không còn buồn than khóc lóc vì xa vợ xa con nữa… Việc học ở trường mỗi ngày một khá hơn (tôi được chữ B và chữ A trong mỗi lớp học). Một điều kỳ diệu nhứt mà chính các anh, chị, em trong Hội Thánh đều nói đến, đó là tôi học Kinh Thánh mỗi ngày mỗi hiểu hơn một chút ít. Tôi phát biểu ý kiến trong trường Chúa Nhựt và được anh chị em đều cho là đúng với Kinh Thánh. Tôi được thấy các việc làm và tư tưởng thuở trước của tôi là sai, là đầy tội lỗi. Tôi xin Chúa tha tội cho tôi từng tội một, từ lúc tôi lên ba, lên bốn, mà tôi được nhớ cho đến lúc gần nhứt. Cuộc đời tôi đã hoàn toàn đổi mới và khác hẳn với cuộc đời cũ. Cuộc sống đầy vui hưởng, bình an nội tâm, tư tưởng bình thản, ham học trong trường cũng thích học Kinh Thánh. Mỗi tối thứ hai kể từ ngày được tái sanh đó, tôi gia nhập đoàn chứng đạo và đến gõ cửa ba, bốn nhà mỗi đêm. Chứng kiến nhiều người tin nhận Chúa nên lòng luôn được hớn hở ca ngợi Chúa không thôi. Nhìn kỷ từng chi tiết, tôi thấy bàn tay của Chúa Trời trong mọi sự trong đời tôi. Lúc lên mười hai mười ba, vì tư tưởng gì đó, tôi ngừng xe đạp và đấm ngực để thốt ra lời: lỗi tại con! Lỗi tại con! Chúa đã luôn kêu gọi, soi dẫn, dù chưa được kiến thức gì về lời của Ngài. Sống trong môi trường văn hóa cổ truyền, Tin Lành của Ngài quả thật khó đến với kẻ hèn như tôi. Tôi đã chân thành có niềm tin. Một niềm tin tôi đã từng nghĩ là hay nhứt. Đức tin thành thật đó không đưa đến đâu cả mà trái lại là một cản trở lớn lao cho lẽ thật của Thượng Đế đến với lòng mình. Rồi đời trôi chảy. Định kiến càng kiên trì. Kiên trì đến nỗi dù chính lời của Ngài có đến chính mình, dù có tôi tớ của Ngài có săn sóc đời mình, dù có đi Nhà Thờ học Kinh Thánh, nghe thuyết giảng, lòng cũng không chịu mở ra để đón Thần Lẽ Thật. Chỉ có tha hương, chỉ có mất tất cả ràng buột vô hình và hữu hình của đời mình, chỉ có đang bị chết hụt trong biển sóng, lòng của mình mới chịu mở rộng để đón nhận Tin Lành của Chúa Cứu Thế Giê-xu Christ. Quả thật, lời Ngài không trở lại luống không! Giờ, tư tưởng mới được mở rộng, trao đổi và mới nhận thức rằng: Ngài quả thật là đường đi, lẽ thật, và sự sống duy nhứt. Chẳng có ai có thể cứu khỏi biển tội lỗi của mình mà không nhờ đến Ngài. Ngài quả thật là Chúa Cứu Thế của thế gian và của chính cá nhân mình. Khi đọc đến Giăng đoạn ba, tôi mới biết tôi đã được tái sanh và khi đọc đến Giăng 14-17, tôi mới biết chính Chúa Thánh Linh đã vào lòng tôi và đã luôn cai trị đời tôi, ở cùng tôi đời đời kiếp kiếp. Trường hợp cá nhân tôi, có là kẻ tha hương, mới có niềm tin chân thật trên trái đất này. Đó là do sự thương xót của Chúa Trời Chí Cao, Toàn Năng, Hằng Hữu, Hiện Hữu. Đó là nhờ tình yêu cao cả của Chúa Giê-xu Christ chết trên thập tự giá, sống lại, ngồi bên hữu của Chúa Cha, sai Chúa Thánh Linh đến cảnh cáo: tội lỗi sự công chính, và sự đoán phạt. Nay, chúng tôi biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ kính sợ Chúa Trời, cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Chính Ngài, Đức Chúa Trời: Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Linh, ban niềm tin cho người Việt tha hương.
Mục sư Lý Công Thuận