Khi tôi gặp một người mới quen, họ thường đưa tay ra để chào và bắt tay tôi nhưng chỉ nhận lại được một tiếng chào mà thôi. Vài người mau chóng lấy lại được bình tĩnh, rút tay lại và chào tôi bằng một nụ cười hoặc ôm siết lấy tôi một cái. Một số khác trở nên ngượng ngùng quá đỗi và không biết làm thế nào để thoát khỏi tình huống vô cùng lúng túng đó.
Nhiều năm sau, thỉnh thoảng những người như vậy đến hỏi tôi có còn nhớ hoàn cảnh lúng túng khi tôi gặp họ lần đầu tiên đó không, bởi vì họ đã không chào tôi đúng cách. May mắn thay, tôi không luôn nhớ những trường hợp như vậy. Tôi không thể bắt tay mọi người bởi vì tôi không có cánh tay nào cả.
Người ta phản ứng bằng nhiều cách rất khác nhau đối với tôi và khuyết tật của tôi. Vài năm trước đây một bà đã đến gặp tôi để cho tôi ít tiền bởi vì bà cảm thấy thương hại cho tôi.
Khi tôi còn là một đứa bé và cùng đi ăn với cha mẹ tôi trong một nhà hàng, thói quen ăn uống của tôi gây nhiều chú ý cho đám trẻ ở một bàn kế cận đến nỗi chúng rút tay ra khỏi tay áo thun của chúng, đưa chân lên bàn và thử ăn giống như cách tôi ăn. Tôi nghĩ phản ứng của chúng thật hay, mặc dù đã làm cho bố mẹ chúng nó cảm thấy lúng túng.
Thật là lợi điểm khi không có cánh tay và bàn tay vì sẽ chẳng bao giờ làm mất nhẫn hoặc găng tay. Một lần nọ, khi tôi còn nhỏ và chơi đùa ở nhà một người bạn học, cha tôi đến đón tôi. Tôi đội mũ mặc áo và mang giầy trong khi mẹ của bạn tôi phải chạy vòng quanh tìm kiếm găng tay để mang cho tôi.
Cha tôi nói: “Ô cháu nó không cần đâu.”
Người mẹ kia nói: “Nhưng bên ngoài lạnh quá, cháu hẳn phải cần găng tay chứ.”
Tuy nhiên, cuối cùng thì bà ta cũng nhận ra ngay rằng tôi không cần găng tay…
Và khi lên lớp Sáu, tôi có người giúp đỡ rất tốt bụng, cô mua cho tôi một món quà Giáng Sinh. Ngày trước lễ Giáng Sinh cô ấy mới sực nhớ ra sai lầm của mình: cô đã mua cho tôi một chiếc nhẫn!… Cô bèn phải vội chạy trở lại tiệm và mua cho tôi một chiếc vòng đeo cổ thay vào đó.
Một trường hợp khác, tôi nhớ rằng mình mang một chiếc lắc trên cổ chân phải. Lúc bấy giờ, mang một chiếc lắc như vậy thật là khác thường, một bạn học đến và hỏi tôi tại sao tôi lại đeo lắc quanh cổ chân như vậy mà không đeo trên tay.
Tôi nói: “Nếu đeo như vậy thật khó cho tôi…” và hai má cô ta đỏ lên dần.
Những chuyện như vậy thường làm tôi buồn cười. Ít nhiều thì tôi cũng thật sự thích thú khi thấy người khác mắc lỗi ngớ ngẩn như vậy.
Không phải vì tôi muốn họ phải cảm thấy lúng túng, nhưng bởi vì nó bày tỏ rằng họ đã không chú ý, hay không nghĩ gì về sự kiện tôi là kẻ khuyết tật. Thật tuyệt diệu khi những người đã quen biết tôi một khoảng thời gian rồi thì xem tôi và sự khuyết tật của tôi theo cùng một cách như tôi suy nghĩ. Thường thì họ quên mất khuyết tật của tôi.
Trong sách này tôi muốn thuật với bạn một ít về chính mình tôi và những điều đã góp phần cho sự hiện hữu và con người của tôi ngày nay. Trong khi viết những dòng chữ này thì chẳng bao lâu nữa tôi sẽ được ba mươi tuổi, nhưng tôi đã kinh nghiệm thật nhiều điều sung sướng – và thật nhiều điều mà có lẽ không ai có thể tưởng tượng được khi tôi mới chào đời.
Lẽ tự nhiên sự khuyết tật của tôi đã chi phối tôi nhiều mặt, nhưng tôi cũng chịu ảnh hưởng thật nhiều bởi âm nhạc và việc ca hát cũng như tất cả mọi điều đã đến với đời sống tôi qua âm nhạc và sự nghiệp ca hát đó. Tôi cũng chịu ảnh hưởng bởi những thành công của mình trong việc bơi lội, chịu ảnh hưởng của gia đình và bạn hữu, và của đức tin của tôi nơi Đức Chúa Trời. Đây là những điều mà tôi muốn nói với các bạn trong sách này.
Viết sách thật là một kinh nghiệm mới mẻ đối với tôi, tôi chưa từng tập làm điều này nếu không có sự giúp đỡ của Inger Lundin. Tôi muốn dùng cơ hội này để gởi đến cô ấy một lời cảm ơn nồng nhiệt!
Tôi sẽ quá khoe khoang khi gọi câu chuyện của tôi là “Hồi Ký” cho dù có lẽ nó cũng không sai. Nhưng nó thật sự chỉ là một vài ghi chú và suy nghĩ về cuộc đời mà tôi đã sống qua.
Chúng là những lời ghi chú viết bằng chân (Footnotes) của tôi.
Lena Maria Klingvall
“DÙ THẾ NÀO, NÓ VẪN CẦN MỘT MÁI ẤM GIA ĐÌNH”
Không ai nói gì cả.
Ngay sau khi tôi vừa được sinh ra, bà mụ ôm lấy tôi xoay qua hướng khác, đặt tôi vào trong một chiếc khăn và mang tôi vào một phòng kế cận. Mọi sự diễn ra thật nhanh. Phòng sinh đông chật những người. Dĩ nhiên, có mẹ tôi, bà mụ và cha tôi bên cạnh mẹ và lúc ấy có đông đảo các bác sĩ, y tá đang làm những công việc thường nhật của họ quanh đó. Nhưng mọi sự đã diễn ra hết sức mau chóng, tất cả những người đến thăm đều được hướng dẫn ra ngoài, cha tôi cũng được bảo phải ra ngồi tại phòng đợi và mẹ tôi được ở một mình. Không ai nói điều gì cả.
Hôm đó là 28 tháng 9, lúc 8 giờ sáng, và tôi mới vừa được thấy ánh sáng ban ngày.
Không ai nghĩ rằng tôi không giống những trẻ khác. Không ai có thể tưởng tượng rằng tôi bị “dị dạng”. Việc mang thai bình thường trong mọi sự như điều người ta có thể nghĩ đến. Dĩ nhiên mọi sự này đã diễn ra trước khi công cụ siêu âm chẩn đoán bào thai trở thành thông dụng trong việc chăm sóc sản phụ trước khi sinh, cho nên không hề có điều bất thường nào được phát hiện trước cả.
Việc sinh nở thật khó khăn cho mẹ tôi là bà Anna. Khi nước trong bào thai vỡ ra vào chiều 26 tháng Chín, mẹ tôi đã đến phòng hộ sinh bệnh viện Jưnkưping. Cha tôi là Rolf chỉ mới vừa được phục viên sau một tháng thi hành nghĩa vụ quân sự tại Uddevalla. Mẹ tôi cảm thấy nhẹ nhỏm và vui mừng khi biết cha tôi đã về bởi vì việc sinh nở rất khó nhọc. Một đêm, một ngày, rồi một đêm nữa đểø rồi sau ba mươi bốn tiếng đồng hồ cực nhọc thì tôi mới sinh ra.
Mình tôi dài 48; cm nhưng chỉ nặng có 2,4; kg. Ở chỗ mà đáng ra phải có hai cánh tay thì không có gì cả. Cánh vai của tôi kết thúc bằng hai mẩu tay cụt nhỏ xíu. Chân phải của tôi xem ra rất bình thường, nhưng chân trái chỉ độ nửa kích thước chân phải mà thôi. Bàn Chân trái của tôi nhô ra dường như thẳng đứng và nằm dọc theo chân tôi. Hơn nữa, khi mới sinh, mặt tôi tái mét. Có thể cũng có những thương tật nào bên trong chăng? Tôi sẽ chết hay là sẽ sống còn? Ban Giám Đốc Bệnh Viện không rõ. Đây là lý do khiến họ phải đem tôi sang một phòng khác.
Khởi đầu cha mẹ tôi chẳng hiểu gì cả. Bởi vì tôi là con đầu lòng cho nên họ không có kinh nghiệm nào về điều thường diễn ra sau khi sinh, mặc dù ở tại bệnh viện Jưnkưping hay bất cứ nơi nào khác. Cho nên việc đem tôi sang một phòng khác và cha tôi được mời ra phòng đợi là những điều họ nghĩ là bình thường.
Sau một vài giờ, bác sĩ đến giải thích về trường hợp tật nguyền của tôi, ban đầu cho cha tôi trong phòng đợi và rồi sau đó cho mẹ tôi. Bác sĩ cho họ biết điều đã xảy ra và cố gắng làm điều đó một cách hết sức êm dịu, tự nhiên. Ông cho họ uống thuốc an thần. Bác sĩ không thể bảo đảm việc tôi có thể sống còn cho đến khi nào họ kiểm tra xong những bộ phận bên trong có bị tổn thương hay không. Họ cho biết rằng nếu tôi sống thì có khả năng họ phải đưa một đứa khuyết tật nặng nề như vậy vào viện từ thiện.
Cha mẹ tôi đang phải thực hiện một quyết định khó khăn.
Bác sĩ nói rằng: “Ông bà sẽ phải cân nhắc việc chăm sóc cho cháu bé này, nếu ông bà phải tự mình làm điều đó thì ít nhất phải là 20 năm trường ròng rã.”
Mẹ tôi đã quá mệt mỏi sau khi sinh tôi ra và trí óc không được minh mẫn lắm bởi vì bà đã được cho uống chi đó, chẳng hạn như một viên thuốc trấn thống, đến nỗi lúc đầu bà không hiểu gì hơn là đã có một điều gì đó bất ổn. Mẹ tôi đã không hiểu rõ được sự việc cho đến khi cha tôi đến và giải thích lại một lần nữa cho bà. Nhưng cả hai người vẫn chưa được trông thấy tôi.
Ba ngày tiếp sau đó trở nên vô cùng nặng nề đối với họ. Điều đáng ra phải là một thông điệp vui mừng cho những người bà con thân thuộc nay đã trở thành một tin tức buồn bã. Cha tôi điện thoại cho những người thân thích của chúng tôi. Ông bà ngoại của tôi và dì của tôi là Brita đã đến bệnh viện ngồi bên giường của mẹ tôi khóc lóc. Tôi có sống được không? Cuộc đời của tôi rồi sẽ thế nào? Hình trạng của tôi thật sự ra sao? Và Đức Chúa Trời có ý gì khi để cho mọi việc diễn ra như thế? Cha mẹ tôi đều là những Cơđốc nhân, là những thành viên tích cực trong một hội thánh địa phương, họ có đức tin mạnh mẽ trong Chúa, nhưng lúc này có rất nhiều tư tưởng thoáng qua tâm trí của họ. Khi cha tôi từ bệnh viện trở về nhà lần đầu tiên sau khi tôi sinh ra, ông quì gối xuống bên giường và cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Tôi biết ông có hàng loạt những thắc mắc phải hỏi Chúa, và ông đã thưa với Chúa rằng bây giờ Ngài hẳn phải chăm lo về tương lai sắp đến.
Cha mẹ tôi cố gắng an ủi lẫn nhau. Không lâu sau đó mẹ tôi phải bắt đầu vắt sữa của bà cho tôi. Tôi được nuôi bằng thứ sữa này trong khu vực riêng nơi tôi ở, và điều này đã là một bước tiến triển. Tôi có thể giữ được thức ăn và bộ máy bên trong đã hoạt động.
Cuối cùng, ba ngày sau ba mẹ tôi đã được cho phép nhìn thấy tôi. Mẹ tôi, vẫn còn yếu ớt sau khi sinh nở, đã được đẩy trong một xe lăn tay đưa đến khu vực tôi đang nằm. Họ có vẻ hơi nôn nóng. Từ những lời mô tả của bác sĩ về tình trạng tật nguyền của tôi, họ không biết phải trông đợi điều gì đây.
Họ đã nhìn thấy tôi xuyên qua khung kính trong. Ở đó, đang nằm trong một cái nôi là Lena Johansson, 2,4 kg, đang chu miệng mút và trông có vẻ khỏe mạnh như bất cứ em bé nào. Họ cảm thấy rằng tôi có vẻ dễ thương, tốt đẹp hơn điều họ đã được cho biết trước rất nhiều!
Tôi không biết rõ, nhưng nghĩ rằng chính lúc đó là lúc cha mẹ của tôi đã quyết định họ sẽ tự lo việc chăm sóc và nuôi dạy tôi lớn lên. Đó không phải là điều gì được chấp nhận một cách tự nhiên. Nhiều người đã nói về viện từ thiện, và cả cha mẹ tôi đều nhận thức rõ rằng một đứa khuyết tật nặng nề như tôi sẽ đồng nghĩa với vô số công việc phải làm.
Tôi nghĩ chính phán đoán của cha tôi đã khiến cho quyết định nầy được xác lập:
“Có tay hay là không tay, dù thế nào nó cũng vẫn cần một mái ấm gia đình.”
NGÓN CHÂN CÁI CỦA TÔI ÔM LẤY BÌNH SỮA
Tại sao tôi lại sinh ra như thế?
Nhiều người tin rằng tôi đã bị tổn thương bởi vì thuốc thalidomide, là thuốc an thần có những hiệu ứng phụ khiến cho một bào thai không phát triển một cách bình thường, kết quả là không hình thành được cánh tay và chân. Nhưng đây không phải là nguyên nhân cho trường hợp của tôi. Khi mẹ tôi mang thai tôi, loại thuốc đặc biệt nầy đã bị cấm. Tất cả những lời tranh luận trên báo chí và truyền hình đã khiến cho mẹ tôi cẩn thận phòng ngừa nên bà đã không dùng bất cứ loại thuốc nào trong thời gian mang thai. Trải qua một thời gian dài y giới hoàn toàn lúng túng, nhưng đến nay họ tin rằng tôi là một trong cơ may rất hiếm hoi của những người bị sinh ra cho dù tôi thật sự “không nên sinh ra.” Khi một bào thai bắt đầu phát triển một cách sai lầm, cơ thể của người mẹ thông thường sẽ đào thải nó. Tuy nhiên trong một số các trường hợp rất hiếm, hệ thống đào thải tự nhiên của thân thể đã không hoạt động, và việc mang thai cứ tiếp diễn để đến chỗ hoàn tất. Đó là lý do mà tôi đã sinh ra.
Hàng loạt những cuộc điều tra đã được thực hiện tại bệnh viện. Nhưng sau hai tuần lễ tôi đã được cho phép về nhà. Mẹ tôi có ý tưởng là tôi mang một bản tánh vui vẻ từ lúc ban đầu, điều này có lẽ đúng. Tại sao tôi lại không hạnh phúc? Tôi khó có thể biết rằng mình thiếu thốn những phần cơ thể nào đó, và tôi đã không bị tổn thương bất cứ chỗ nào. Tôi đã học tập nhanh hơn hầu hết mọi người để lăn tròn từ ngửa qua sấp ở trong giường bởi vì tôi không bị những cánh tay cản trở. Rồi tôi nằm sấp trên bụng mình tò mò nhấc đầu lên nhìn xung quanh xuyên qua thành nôi. Các bắp thịt cổ của tôi là một điều gì đó thật đáng kể.
Dĩ nhiên tôi đã sử dụng chân của mình thật nhiều. Nếu bạn quan sát một em bé trong một khoảng thời gian, bạn sẽ khám phá rằng nó nắm giữ đồ vật bằng cả tay lẫn chân. Khi những trẻ khác phải học sử dụng tay của chúng càng ngày càng thêm, thì tôi bắt đầu phát triển những công việc của bàn chân. Sau năm tuần lễ tôi đã bắt đầu chơi với thú nhồi bông bằng bàn chân của mình, và tôi cũng đã có thể mút ngón chân cái của tôi bất cứ khi nào tôi muốn làm điều đó. Sau một thời gian, mẹ tôi khám phá ra rằng nếu có một dải băng cao su quanh bình sữa và được gắn dính với ngón chân cái của tôi thì tôi có thể hoàn toàn tự bú lấy bình sữa của mình. Tôi thích làm điều đó. Tôi đã phát triển và học hỏi nhiều điều mới, mặc dù có lẽ tôi không học những điều đó theo cùng một tốc độ của một đứa trẻ trung bình.
Đối với mẹ tôi, năm đầu đời của tôi thật sự là nặng nhọc. Bà là người chăm sóc tôi nhiều hơn ai hết và đã cho phép tôi làm quen với môi trường xung quanh. Cha tôi ngần ngại làm điều này và có lẽ nguyên nhân cũng rất dễ hiểu. Bất cứ nơi nào mẹ tôi đem tôi đến thì bà đều phải gặp sự dòm ngó, tò mò, những lời bình phẩm và những câu hỏi ngớ ngẩn. Khi tôi phải đem đến bệnh viện để được kiểm tra lại lần đầu tiên sau khi sinh, mẹ tôi đã yêu cầu một thời điểm để không có bất cứ các bậc cha mẹ và trẻ con nào ở đó. Bà đã được dành cho một thời điểm mà không có ai khác hiện diện. Tuy nhiên, nhân viên y tá của vùng đó đã nói chuyện lâu với mẹ tôi về tầm quan trọng khi bước vào tương lai, những lúc sẽ phải có những người mẹ khác cùng con cái của họ ở đó. Vị y tá này bảo rằng những người khác cũng cần phải thấy rằng họ không thể đòi tất cả mọi người đều phải giống nhau.
Trước khi được hướng dẫn đến cho bác sĩ khám, chúng tôi yêu cầu cô y tá phải báo cho bác sĩ biết trước những điều liên quan đến thân thể của tôi để cho ông sẽ được chuẩn bị phần nào. Nhưng khi chúng tôi mới bước vào phòng, lưng của vị bác sĩ xoay lại về phía chúng tôi và ông yêu cầu mẹ tôi cởi áo cho tôi. Rồi ông ta quay lại và có lẽ đã hoàn toàn sửng sốt!
“Chao ôi! Kinh khủng quá!”
Mẹ tôi bật khóc. Cô y tá đã quên nói trước cho bác sĩ!… Mẹ tôi thấy thật là căng thẳng khi luôn luôn phải nói với những người quen biết về tình trạng khuyết tật của tôi. Bà mong muốn một cách tuyệt vọng được cảm thấy hãnh diện về tôi, nhưng điều đó đã không luôn luôn thực hiện được. Nó chỉ thỉnh thoảng xuất hiện khi có ai đó hỏi những câu hỏi thông thường mà bất cứ bà mẹ nào cũng thật vui khi trả lời:
“Cháu có ngủ ngon hằng đêm không?”
“Cháu có ăn giỏi không?”
“Cháu có lên ký không?”
“Gần đây nhất bà để ý thấy cháu phát triển được điều gì?”
Tôi biết được nhiều trò khéo làm được bằng bàn chân phải của mình và đã dần dần học để cầm đồ vật bằng vai và cằm, nhưng đối với những người quan sát thì họ chỉ mau chóng và dễ dàng chú ý vào những gì không hoạt động mà thôi.
Ví dụ như vấn đề của bàn chân trái. Nó bị dị dạng nghiêm trọng và nằm sát ngay bên cạnh đùi của tôi. Bàn chân thì chỉa lên. thoạt đầu, không ai nghĩ rằng tình trạng nầy có thể cải thiện được. Tuy nhiên đã có một người thấy được điều có thể làm, đó là Lars-Gưran Ottosson, bác sĩ thực tập chịu trách nhiệm về vật lý trị liệu tại bệnh viện Jưnkưping. Thật biết ơn ông vô cùng vì tôi đã được điều chỉnh cho vừa vặn với một thanh kim loại dành cho chân trái của tôi để giúp kéo nó ra cho thẳng về vị trí bình thường.
Các bác sĩ cũng đã đến để xem họ có thể làm gì hầu giúp tôi có thể cầm nắm tốt hơn bằng cằm. Tôi đã được giải phẩu để cho một trong những xương sườn của tôi có thể di chuyển lên và ở vị trí chính xác cùng một độ cao như vai của tôi. Điều này giúp tôi có được một khả năng cầm nắm với tầm hoạt động rộng hơn dựa trên vai phải của tôi. Phẩu thuật này đã được thực hiện khi tôi chỉ mới một tuổi, nhưng nó là một phương thức vẫn còn giúp đỡ cho tôi thật nhiều.
Phải mất một khoảng thời gian trước khi tôi học được cách di chuyển qua lại. Ngay từ lúc bắt đầu, trước khi tôi học được cách để ngồi dậy, tôi đã từng lăn tròn để có thể di chuyển về phía trước. Tiếp theo đó tôi phát triển khả năng di chuyển bằng mông của tôi bằng cách tự đẩy mình tiến về phía trước với sự giúp đỡ của chân phải.
Khi tôi được khoảng 3; tuổi, tôi nhận được chiếc chân giả đầu tiên dành cho chân trái của mình, lúc này chân trái của tôi đã có đủ thời gian để biến dạng theo sự uốn nắn của thanh kim loại và một dải băng và bây giờ đã trở về vị trí bình thường rất tốt đẹp. Nhưng lần tập đi lần đầu tiên thật là hết sức khó khăn. Việc nầy đòi hỏi phải có thời gian.
Cha mẹ tôi đã có ý tưởng rằng họ có thể dùng một bộ đai nịt khi họ dạy tôi đi. Bởi vì tôi không có cánh tay nào cũng không có bàn tay nữa cho nên không có gì để họ có thể vịn. Họ đã dùng một loại yên và đai thường được dùng trong các xe đẩy trẻ em để giữ các em bé khỏi bị té. Họ cũng nối một đai bằng da thêm vào giữa hai chân tôi để cho bộ yên cương đó không thể trượt lên trên đầu tôi, và nó đã đem lại sự giúp đỡ. Lại còn một sợi dây da khác dài hơn cột vào lưng để có thể giúp họ đỡ tôi và giữ cho tôi khi tôi sắp té.
Nói một cách khác, thật là “thử thách và lỗi lầm” luôn luôn, nhưng mỗi ngày thì sự việc lại tiến triển hơn một chút, và cuối cùng cho tới khi tôi đã có thể bước đi mà không cần ai giúp đỡ. Tôi giữ thăng bằng rất kém, cho nên tôi thường phải ngã nhào. Trong nhiều trường hợp tôi ngã dài. Cằm của tôi đã phải bị đập mạnh nhiều lần. Trong ngày lễ Giáng Sinh một năm nọ tôi đã trợt và té xuống một dãy cầu thang bám tuyết của những bậc cấp bằng đá và va cằm của mình vào đó một cách tệ hại đến nỗi tôi cần phải được đem đến phòng cấp cứu của bệnh viện để được may lại.
Nhưng sự kiện còn lại – đó là tôi đã đi được!
GIÚP ĐỠ MÀ KHÔNG CẢN TRỞ
Em trai tôi là đã được sinh ra khi tôi chỉ vừa mới hơn một tuổi. Cha mẹ tôi đã được khuyên phải cố gắng để có một em bé khác càng sớm càng tốt ngay sau khi tôi sinh ra để có thể so sánh sự phát triển của tôi với một đứa bé khác cùng gần độ tuổi. Những hiểu biết y khoa cho thấy sẽ chỉ có một nguy cơ rất nhỏ về đứa bé sau có thể cũng bị ảnh hưởng khuyết tật tương tự, và bảo đảm rằng đứa bé sau được sinh ra sẽ có đầy đủ tay và chân.
Khi tôi lên hai tuổi. Gia đình tôi mua một nông trại và chúng tôi đã trở thành “Mấy đứa nhà quê.” Nông trại được gọi là Nydala. Nó tọa lạc tại Klerebo ở Bankeryd, khoảng 9; dặm về phía bắc của Jưnkưping và là một nơi biệt lập và có vẻ đẹp thôn dã với cảnh quan đáng yêu bên một hồ nước. Chúng tôi sống trong tỉnh Västergưtland, dù vậy nơi ấy rất gần Jưnkưping. Chúng tôi lấy thơ ở tỉnh Småland, vì ranh giới chạy ngay giữa nhà tôi và hòm thư được phân chia bởi con đường chính.
Mẹ ở nhà trọn thời gian với tôi và Olle trong mười năm đầu đời của tôi. Bà đã từng có một thời gian làm công việc của một nhà vật lý trị liệu trước khi mang thai tôi. Bà đã sử dụng chuyên môn nghề nghiệp của mình thật tốt khi làm việc trọn thời gian trong vai trò một bà mẹ ở nhà.
Cha tôi là một cảnh sát viên hoạt động với những con chó. Vì ông phải làm việc di động theo ca, cho nên điều này có nghĩa là ông được ở nhà ban ngày rất nhiều. Cha và mẹ đã có thể cùng nhau chăm sóc cho cả tôi lẫn em trai tôi.
Tôi biết rằng người ta rất dễ nhìn về thời thơ ấu của mình trong cái nhìn lạc quan, tuy nhiên tôi phải nói rằng tôi thực sự đã rất hạnh phúc trong thời thơ ấu của mình.
Được lớn lên ở miền thôn dã, gần khu rừng và hồ nước là điều thật tuyệt diệu. Mùa hè, Olle và tôi dựng những túp lều trong rừng, hái trái dâu rừng và trái cơm nguội, chèo thuyền trên hồ trong chiếc thuyền nhỏ của chúng tôi và câu cá nữa. Tôi có thể nhớ rõ con cá rô đầu tiên khi mình câu được. Sau đó chúng tôi nướng cá vào buổi chiều, và lần đầu tiên trong đời mình, tôi cảm thấy ăn cá rô thật ngon!
Chúng tôi thường đi xuống ven bờ hồ, và những khi không câu cá thì chúng tôi bơi lội, thả mình trôi trên một tấm đệm nổi căng đầy hơi, hoặc cố ruợt đuổi, đua với nhau bơi lội qua bên kia bờ hồ. Trong một vài mùa hè, cha mẹ cùng dựng một túp lều mà tôi rất thích được ngủ và thức dậy ở trong đó. Được thức dậy trong khi hơi nóng như ở trong lò lửa vì mặt trời mọc lên chiếu sáng xuyên qua vải lều thật là một kỷ niệm dễ thương.
Trong mùa đông đôi khi tôi cố gắng đi trượt tuyết. Nhưng trượt không được giỏi lắm, cho nên tôi thật sung sướng vì mẹ đã cột một miếng đệm vào cho mông tôi.
Ngoài những điều này ra có thật nhiều việc phải làm ở nhà, và mẹ cố gắng giữ cho bọn trẻ chúng tôi luôn có điều gì đó để vui thích trọn ngày. Ngoài việc làm một cảnh sát viên, cha tôi cũng làm một nông dân trong lúc rảnh rang. Điều ông thích nhất là ngựa. Ban đầu chúng tôi có những con ngựa để cưỡi và rồi những con ngựa chạy nước kiệu, và các con ngựa này chiếm phần lớn thì giờ của ông.
Nông trại cần được sửa sang nhiều khi chúng tôi mới đến, cho nên luôn luôn có những việc cần phải làm. Tôi thường lân la ở gần cha tôi khi ông làm việc ở nhà. Mặc dù tôi không phải là người giúp đỡ nhiều cho ông, tôi được phép đi theo để coi ngó và trò chuyện. Khi những người lớn lát nền cho tầng hầm, tôi ở đó với họ mang đinh và giữ những tấm ván và khi họ mang cỏ vào tôi được cởi trên đống cỏ chở bằng xe. Những khi cha tôi huấn luyện các con ngựa phi nước kiệu trên những lối mòn của khu rừng, tôi được ngồi trên chiếc xe kéo hai bánh. Tôi cảm thấy mình thật gần với cha.
Bởi vì chúng tôi sống có vẻ hơi cô lập trong vùng đồng quê, chúng tôi đã không có nhiều bạn cùng tuổi chơi đùa ở gần đó. Olle và tôi chơi với nhau hầu hết thì giờ, thường chúng tôi là những người bạn tốt. Tuy nhiên cũng như hầu hết những anh chị em ruột khác, đôi khi cũng hay chọc ghẹo nhau. Thỉnh thoảng Olle cũng thử lợi dụng hoàn cảnh một chút ví dụ như kéo ghế ngay khi tôi sắp ngồi xuống, hoặc xô tôi khi đang đi xuống lầu. Nhưng nó không thường làm điều đó. Tôi luôn luôn mạnh hơn nó, và nó biết rằng tôi có thể sử dụng những “kỷ năng” khác khi cần thiết – chẳng hạn như ném cát vào mắt nó khi chúng tôi chơi trong hố cát. Nó vẫn có thể nhớ “bàn chân phải lợi hại” của tôi, và luôn luôn để ý xem chừng để nó khỏi bị đá.
Vâng, tôi đã có một khởi đầu tốt đẹp trong cuộc sống, nhưng điều này không hẳn do nơi bầu không khí đồng quê và những trò chơi thích thú. Mà phần lớn là nhờ cha mẹ tôi.
Có một đứa con khuyết tật phải chăm sóc rõ ràng là một gánh nặng lớn lao. Đây là một thách thức mà đối với nhiều người có thể cảm thấy không chịu nổi. Tuy nhiên, ngay từ buổi ban đầu cha mẹ tôi đã quyết định phải cư xử với tôi như một đứa trẻ bình thường được chừng nào tốt chừng nấy. Họ xem tôi như con gái Lena của họ đã bị một điều bất lợi – chứ không xem tôi là một đứa con khuyết tật. Điều đáng chú ý là họ đã yêu tôi vì chính con người của tôi, chứ không phải vì những điều tôi đã đạt được, hoặc vì những điều tôi không làm được. Điều này đem đến cho tôi sự an toàn lớn lao.
Cũng như em tôi, tôi được khích lệ để sốt sắng hết lòng cho những nghề nghiệp mà tôi ưa thích. Kết quả là về cơ bản tôi không bao giờ nổi giận hoặc cay đắng về hoàn cảnh của mình, vì tôi đã không suy nghĩ về khuyết tật của mình như một điều gì đó mang tính tiêu cực. Tôi luôn luôn nghĩ rằng tôi giống như mọi người khác. Tôi chỉ làm mọi việc bằng một cách khác mà thôi.
Cha mẹ tôi đã dành nhiều thì giờ giúp tôi tự khám phá cách giải quyết nhiều việc khác nhau, thay vì đợi sẵn mỗi lúc tôi yêu cầu giúp đỡ. Điều này làm cho tôi kiên cường, và tôi luôn luôn muốn hình dung ra cách để làm chủ môi trường của tôi. Tuy nhiên, nếu tôi thất bại, hoặc không có đủ sức lực, họ luôn luôn hiện diện. Họ không ngăn cản tôi khám phá ra cái cảm giác thất vọng khi có điều gì đó tôi không thể làm. Bằng cách này tôi đã có cơ hội lớn để thành công, mà cũng thích nghi được với thất bại. Tôi cảm nhận sự an toàn khi biết rằng cha và mẹ luôn luôn ở gần.
Bởi vì việc giữ thăng bằng của tôi rất tồi, tôi thường bị té ngã. Một ngày mùa hạ nọ, gia đình tôi được mời đến thăm vài người bạn. Cha mẹ tôi ngồi nói chuyện trong vườn với chủ nhà trong khi Olle và tôi đang chơi với các con của họ trên bãi cỏ bên ngoài bỗng nhiên tôi té và la lên gọi mẹ. Tôi mong bà đến để đỡ tôi dậy. Nhưng mẹ tôi không muốn làm điều đó. Bà nói: “Nếu con bò lên hàng rào ở chỗ kia và dựa vào đó thì có lẽ con sẽ đứng dậy được.” Và tôi đã làm được như vậy!
Mẹ tôi đặc biệt chú ý vào việc tôi có thể tự giúp mình, bởi vì trong công việc của một nhà vật lý trị liệu bà đã thấy rõ một số gương xấu khi cha mẹ quá bảo vệ con cái của họ.
Trong những năm đầu đời của mình, tôi đã đến tham dự đều đặn ở một trung tâm phục hồi chức năng cho trẻ em tại Jonkobing nơi mà tôi có cơ hội gặp những đứa trẻ khuyết tật khác với trường hợp của tôi. Tại đó tôi không cảm thấy dễ chịu chút nào mà chỉ thấy chán ngán. Theo lối nghĩ của tôi về mọi sự, thì ở tại đó quá ít việc để làm. Nó đã không làm cho hoàn cảnh tốt hơn mấy ngoại trừ tất cả các đứa trẻ đều phải có một giấc ngủ trưa.
Thay vào đó, mẹ tôi cho tôi được đi với bà đến “giờ dành cho trẻ con” tại nhà thờ. Tôi cảm thấy tốt hơn nhiều khi được gặp những đứa trẻ bình thường, và tôi thấy được vui thích hơn khi chơi đùa với nhau và chơi các trò chơi khác, hát và đánh đàn.
Cha mẹ khích lệ tôi bằng cách khiến cho tôi học khám phá điều mới một cách vui thích. Ví dụ như tôi yêu thích việc được ngồi xem mẹ tôi khi bà làm những việc thủ công, chẳng bao lâu tôi cố gắng làm theo điều bà làm – mặc dù tôi làm hết thảy với đôi chân của mình. Tôi rất thích thêu thùa, và tôi có thể ngồi hằng giờ để hình dung ra cách làm điều đó. Tôi biết rõ cách mẹ tôi đã làm, nhưng bây giờ làm sao biến đổi một chút để tôi có thể dùng bàn chân của mình. Tôi thực sự hãnh diện về bức tranh gà mẹ gà con mà tôi đã thực hiện khi mới lên năm tuổi, và tấm trải bàn bằng mũi chữ thập nhỏ mà tôi đã làm cho nhà vật lý trị liệu của tôi hai năm sau đó.
Ở độ tuổi rất nhỏ, tôi đã thích vẽ và tô màu, nếu không có ai khuấy rối, tôi có thể vẽ liên tục hàng nhiều giờ, tôi cầm cây viết chì giữa ngón chân cái và ngón chân trỏ và vịn tờ giấy bằng chân trái. Nó vẫn là cách tôi thường làm. Cho nên tôi thuận tay phải hay nói đúng hơn “thuận chân phải.”
Việc cha mẹ tôi đối với tôi như một đứa trẻ bình thường thật tốt không chỉ cho tôi mà cũng cho Olle nữa. Bởi vì những người khác không luôn luôn có cùng một thái độ như cha mẹ tôi, đôi khi tôi được đối xử đặc biệt bởi vì khuyết tật của mình. Những người “cô”, người “chú” tốt bụng dúi vào tay cha mẹ tôi những món quà nhỏ nhân dịp sinh nhật của tôi. Dĩ nhiên tôi đã nhận những món quà này, nhưng cha mẹ luôn luôn để ý số lượng quà để có quà cho Olle cũng như vậy khi sinh nhật của nó đến.
SUU TAM
*** Sau khi đọc bài này, nếu bạn thấy lòng mình cảm động và được thúc giục tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, thì xin bạn thành tâm cúi đầu cầu nguyện với Chúa như sau:
” Kính lạy Đấng Tạo Hóa, con biết con là người có tội. Con đã xa cách Chúa, sống theo đường lối và ý riêng mình. Hiện con đang đi trên đường dẫn đến sự hình phạt đời đời. Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã đến trong thế gian, chịu chết thay cho con để đền tội con trên thập tự giá. Giờ đây, con quyết tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của con, xin Chúa tha tội cho con và tiếp nhận con làm con cái yêu dấu của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Giê-su, Amen.”
________________________________________________________________________