Trên thế giới hiện có hơn hai triệu người Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài, nhiều nhất là ở Mỹ, ở Canada, ở Úc và ở Âu Châu.

Trong những năm gần đây người Việt đi du học, lấy chồng ngoại quốc, hay đi lao động ở các nước ngoài càng ngày càng nhiều, làm gia tăng con số những người Việt tha hương trên thế giới. Người trong nước gọi những người Việt sống ở hải ngoại là Việt kiều hay kiều bào. Tôi thích gọi những Việt kiều là những người Việt tha hương. Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa người tha hương là người đang sống xa nơi chôn nhau cắt rún của mình thì đa số người Việt chúng ta đều là người tha hương. Ngày nay ít người nào mà suốt đời cứ sống quanh quẩn mãi nơi lũy tre làng, đám ruộng, luống khoai, cây đa, con đò như thời xưa trước. Thế giới có nhiều chuyển biến. Cuộc sống thúc đẩy nhiều người đi xa. Bạn và tôi đang là người tha hương.

Hầu hết mọi người Việt đều đồng ý rằng trong tình hình đất nước hiện nay, chỉ có ra khỏi quê hương mới có cơ hội đổi đời, cải thiện đời sống và có điều kiện giúp đỡ thân nhân. Kinh nghiệm cho thấy người tha hương có nhiều tự do lựa chọn, ít bị truyền thống ràng buộc, có nhiều cơ hội tiến thân, có tầm nhìn rộng rãi, có khả năng làm chủ đời sống và tương lai. Vì thế có nhiều người mong muốn và sẵn sàng nắm lấy cơ hội tha hương.

Trong số hàng vạn người đang sống trên quê hương, bạn là một người được gọi ra khỏi quê hương. Bạn nghe được tiếng gọi, bạn được ban cho có cơ hội, bạn nắm lấy cơ hội và bạn trở nên người tha hương. Có nhiều nguyên nhân dẫn bạn đến chỗ tha hương, có thể bạn tình nguyện, cũng có thể bạn vì hoàn cảnh bắt buộc, nhưng bạn đang là người tha hương và bạn là người may mắn hơn nhiều người khác. Bạn là một người may mắn vì bạn đang sống ở một đất nước văn minh tiến bộ, tự do, dân chủ, bạn cũng may mắn vì bạn còn sống và bạn đang có sức khỏe để làm việc. Sự sống và sức khỏe là những ơn ban từ trên. Đức Chúa Trời đang ban cho bạn sự sống và sức khỏe. “Tóc trên đầu chúng ta Chúa đã đếm hết rồi.” Rất nhiều người Việt tha hương đã ngã xuống hay đã mất tích trên con đường tha hương. Nhiều người tha hương không còn sức làm việc, cũng có người đã phung phí sức lực của họ trước những cám dỗ của cuộc sống tự do. Bạn đang còn sống và đang làm việc nghĩa là bạn đang là người tha hương may mắn.   Thân nhân của bạn biết bạn còn sống và cũng biết bạn đang ở đâu.

Sau ba mươi năm tha hương, người Việt khắp nơi đã thành công và thành danh rất nhiều.

Tuy nhiên, làm người tha hương có mục đích và có trách nhiệm không phải dễ. Có những người thành công, cũng có không ít người thất bại. Có người ý thức mục đích tha hương của mình, có người không để ý đến. Có người thấy mình có trách nhiệm đối với người khác, có người chỉ nghĩ đến mình. Có người biết ơn Trời, có người vô ơn. Vua Đa-vít là một người tha hương, xuất thân từ người chăn chiên ở làng Bết-lê-hem đã tiến đến địa vị làm Vua nước Do Thái tại thủ đô Giê-ru-sa-lem, khi nhìn lại chặng đường đã qua trong cuộc đời, ông đã thưa với Đức Chúa Trời những lời chân thành từ đáy lòng, “Lạy Chúa, tôi là ai, họ hàng tôi là gì mà Ngài đã đưa tôi đến nơi nầy, địa vị nầy.” Vua Đa-vít được kể là người sống đẹp lòng Trời. Ông nêu gương của người tha hương biết cội nguồn và nhớ ơn trên.

NGƯỜI THA HƯƠNG CÓ MỤC ĐÍCH

Không phải tình cờ bạn làm người tha hương. Không phải tình cờ mà bạn trở nên khá giả hơn nhiều người khác. Dù biết hay không, dù muốn hay không, chính Đức Chúa Trời đã kêu gọi bạn và dắt dẫn bạn làm người tha hương. Ngài đã dựng nên bạn và Ngài có một mục đích cao cả cho đời sống của bạn. Tất cả những gì bạn đang có là do Trời ban. Ngài muốn bạn phục vụ mục đích của Ngài. Ngài muốn dùng bạn để yêu thương và giúp đỡ người khác. Bạn không thể thụ hưởng một mình mà quên đi thân nhân và bao nhiêu người bất hạnh, nghèo thiếu ở quê hương. Bạn được ban cho nhiều, bạn được trông đợi góp phần nhiều. “Vì ai đã được ban cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều; và ai đã được giao cho nhiều, thì sẽ bị đòi lại nhiều hơn” (Lu-ca 12:48). Bạn   và tôi đang là người tha hương có mục đích.

Kinh Thánh chép: “Đức Chúa Trời đã dựng nên thế giới và mọi vật trong đó là Chúa của trời đất… Ngài là Đấng ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài. Ngài đã làm cho muôn dân sanh ra bởi chỉ một người, và khiến ở khắp trên mặt đất, định trước thời giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở, hầu cho tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được, dẫu Ngài chẳng ở xa mỗi một người trong chúng ta” (Công Vụ Sứ Đồ 17:24-26).

Những chữ “định trước thời giờ đời người ta cùng giới hạn chỗ ở” cho thấy quyền tể trị của Chúa trên đời sống chúng ta, kể cả mạng sống và nơi ăn chốn ở của chúng ta. Những chữ “hầu cho tìm kiếm Đức Chúa Trời, và hết sức rờ tìm cho được” nói lên mục đích và trách nhiệm của đời sống chúng ta. Chúng ta có trách nhiệm với Trời và với người.

Lịch sử Thánh Kinh cho biết Áp-ra-ham, tổ phụ của dân Do Thái, là người tha hương đầu tiên có mục đích. Đức Chúa Trời đã kêu gọi ông ra khỏi quê hương (U-rơ thuộc I-rắc) để đi đến một xứ khác để sinh sống (Ca-na-an thuộc Israel ngày nay). Đức Chúa Trời đã ban cho ông một lời hứa quý báu. “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi và làm nổi danh người, và người sẽ thành một nguồn phước. Ta sẽ ban phước cho người nào chúc phước ngươi, rủa sả kẻ nào rủa sả người, và các dân tộc trên thế gian sẽ nhờ ngươi mà được phứớc” (Sáng Thế Ký 12:1-3). Lời hứa nầy đã hoàn toàn ứng nghiệm trong đời sống của Áp-ra-ham. Dân Do Thái là một bằng chứng.

Dân Do Thái là một dân tộc đặc biệt nhất. Ngày nay nước Israel đang có một vị trí quan trọng nhất tại Trung Đông và trên thế giới. Dân Do Thái chỉ chiếm một nửa của một phần trăm dân số thế giới, thế nhưng họ đã chiếm đến 20 phần trăm giải Nobel đã được tặng trên thế giới. Cả thế giới đều công nhận những thành quả của những danh nhân Do Thái như Jonas Salk đã phát triển thuốc ngừa bại liệt (polio vaccine); khoa học gia Albert Einstein, người phát triển thuyết tương đối đưa thế giới đến thời đại nguyên tử, và Sigmund Freud là cha đẻ của khoa Phân tâm học. Do Thái giáo của người Do Thái có mặt và phát triển trước cả Ấn Giáo, Phật giáo, Khổng giáo và Hồi giáo. Cơ-đốc Giáo tiếp nối Do Thái Giáo để đem sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đến cho toàn thế giới.

Chúa Cứu Thế Giê-su là người Do Thái và có lần Ngài đã tuyên bố: “Sự cưú rỗi bởi người Do Thái mà đến” (Giăng 4:22). Như vậy, sự cứu rỗi không đến từ gốc người Ấn độ hay Trung Hoa nhưng từ gốc người Do Thái là dân tuyển của Đức Chúa Trời. Đây là chân lý không thay đổi và khó khước từ.

Trong lịch sử, lãnh tụ Môi-se đã tuyên bố với dân chúng Do Thái: ” Đức Chúa Trời tríu mến và chọn lấy các ngươi, chẳng phải vì các ngươi đông hơn mọi dân khác đâu; thật số các ngươi là ít hơn những dân khác. Nhưng ấy là vì Đức Chúa Trời thương yêu các ngươi và giữ lời thề mà Ngài đã lập cùng tổ phụ các ngươi…” (Phục Truyền 7:7-8).

Không phải dễ để một người lớn tuổi với một đại gia đình như Áp-ra-ham ra khỏi quê hương. Quê hương có sức lôi kéo mạnh mẽ nhất. Quê hương là bà con, là huyết thống, là phong tục tập quán, là truyền thống tôn giáo. Quê hương giữ chặt mọi người không muốn buông ra. Vì thế, người dám ra khỏi quê hương là người có đức tin, có lý tưởng và có mục đích cao cả. Áp-ra-ham đã nghe được tiếng gọi của Chúa. Ông quyết tâm hướng về tương lai. Giống như những người tha hương khác, ông phải ra đi đến một nơi xa lạ, xa thân nhân và phải tiếp xúc với một thế giới mới mẻ khác hẳn với những cảnh trí, tập tục, truyền thống quen thuộc của mình. Nhưng nhờ tin cậy và vâng lời Chúa, ông đã trở thành người tha hương có phước và đã trở nên nguồn phước cho nhiều người khác. Ngày nay cả người Do Thái lẫn người Ả-rập đều công nhận Áp-ra-ham là tổ phụ phần xác và mọi người tin Chúa trên thế giới đều công nhận ông là tổ phụ đức tin của họ.

Phước lớn nhất Áp-ra-ham để lại cho nhân loại là từ dòng dõi của ông Đấng Cứu Thế đã ra đời. Danh Ngài là Chúa Giê-su. Bản thân Chúa Cứu Thế cũng là người tha hương có mục đích, Ngài   đã từ giã thiên quốc cao sang vinh hiển và giáng thế làm người với mục đích cứu người. Ngài sinh ra tại nước Do Thái, khi lớn lên Ngài ra đi để thực thi mục đích của mình, Ngài đi khắp nơi dạy dỗ, làm phước, rao giảng Tin Lành. Ngài sống một đời sống gương mẫu, vô tội, Ngài chịu chết đền tội cho nhân loại, Ngài chịu chôn và sau ba ngày Ngài đã từ cõi chết sống lại. Ngài đã thăng thiên trở về trời và hiện nay Ngài đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời. Ngài đang cầu thay cho chúng ta và đang chuẩn bị cho chúng ta một quê hương ở trên trời. Ngài hứa sẽ trở lại thế gian để tiếp rước chúng ta đến quê hương mới do Ngài sắm sẵn.

Chúng ta là người tha hương có mục đích. Chắc chắn Đức Chúa Trời đang có một mục đích cao cả cho đời sống chúng ta. Bạn đã khám phá thấy mục đích của đời sống tha hương của bạn chưa?

NGƯỜI THA HƯƠNG CÓ TRÁCH NHIỆM

Người tha hương chẳng những ý thức được mục đích nhưng cũng cần biết rõ nhiệm vụ của mình.

Nhiệm vụ đối với bản thân:

Chu toàn trách nhiệm bản thân, bạn mới có điều kiện và khả năng để giúp đỡ thân nhân và người khác.

Bạn cần tận dụng cơ hội và thời gian để học hỏi, tiếp thu, trau dồi nghề nghiệp, trang bị kiến thức kỹ năng để trở nên người hữu dụng. Nhiều người Việt tha hương đã thành công và thành danh nơi xứ người. Họ đã cố gắng, phấn đấu, chịu thương chịu khó, vượt thắng mọi trở lực trong mấy chục năm qua. Họ là tấm gương soi cho đồng hương và thế giới. Nhưng có một số ít người Việt tha hương thất bại, họ đã phá hủy mục đích đời sống của mình bằng cách phung phí sức khỏe, phung phí tiền bạc, phung phí thời gian. Hy vọng bạn không phải là người như thế. Bao nhiêu người đang đặt kỳ vọng nơi bạn, vì thế bạn đang có trách nhiệm lớn đối với bản thân mình.

Nhiệm vụ đối với thân nhân:

Theo một chuyên gia Việt Nam, thì “lợi tức hàng năm của 2 triệu người Mỹ gốc Việt cũng tương đương với lợi tức quốc gia hàng năm của Việt Nam với dân số 80 triệu người. Người Mỹ gốc Việt mỗi năm đã góp phần từ 5 tới 8 tỷ Mỹ kim cho nền kinh tế Việt Nam. Trong khi sống một đời sống thoải mái, tự do ở Hoa Kỳ, người Mỹ gốc Việt vẫn nặng lòng với những người thân còn sinh sống tại quê hương, họ đã gởi về Việt Nam qua đường chính thức cho những người thân hơn 3 tỷ Mỹ kim mỗi năm qua các cơ sở tài chánh và ngân hàng.”

Lịch sử Do Thái cho biết thanh niên Giô-sép đã bị những người anh ruột ghen ghét bán làm nô lệ ở nơi xứ người. Anh đã thành người tha hương vì hoàn cảnh bắt buộc. Từ năm 17 tuổi cho đến năm 30 tuổi anh đã trải qua tất cả những trường đời. Anh đã học trường lao động, trường rèn luyện nhân cách, trường xử thế, trường ngoại giao, trường kiên nhẩn, trường đức tin, trường tha thứ … và anh đã thi đậu. Cuối cùng anh trở thành người có địa vị, có khả năng cứu giúp gia đình, thân nhân và dân tộc. Đời sống Giô-sép là gương sáng chói đối với mọi người sống tha hương. Xem Sáng thế ký 37-50. Hoa Kỳ hãnh diện vì có những người tha hương đã thành công trên đất Mỹ như nhà bác học Albert Einstein (1879-1955) đến từ Germany; cựu nữ Ngoại trưởng Madeleine Albright (1937-   ) đến từ Czechoslovakia; nhà văn Joseph Pulitzer (1847-1911) đến từ Hungary. Người Việt cũng đang đóng góp nhiều nhân tài cho nước Mỹ hôm nay.

Nghĩa vụ đối với quê hương:

Nếu bạn đang là người tha hương sống tại Mỹ, bạn là người may mắn hơn nhiều người khác trên thế giới. Nếu bạn đang là người tha hương ở các nước tự do khác, bạn vẫn là người may mắn hơn nhiều người đang sống ở quê hương. Điều nầy nói lên cơ hội và trách nhiệm của những người tha hương đối với với đất nước của mình. Hãy xem những ngày tha hương của bạn như là những ngày du học. Bạn có thể góp phần giúp đỡ quê hương tiến bộ và phát triển hôm nay và mai sau. Ít nhất trong lúc nầy bạn có thể cầu nguyện cho quê hương, nhất là cầu nguyện cho những nhà lãnh đạo đất nước biết kính sợ Đức Chúa Trời, có đủ khôn ngoan để đưa nền kinh tế và mọi mặt của đất nước tiến lên ngang hàng với các nước tiên tiến khác.

Nghĩa vụ đối với Trời và với người:

Người Việt tha hương, dù thành công hay không, vẫn thường xuyên góp phần giúp đỡ thân nhân về phương diện vật chất. Nhiều người xem đây như là món nợ yêu thương cần phải trả. Tuy nhiên, nhu cầu của con người không chỉ là vật chất. Kinh Thánh khẳng định: “Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi nhưng còn nhờ mọi lời nói ra từ miệng của Đức Chúa Trời.” Điều nầy nói lên nhu cầu tâm linh của con người cần được thỏa mãn và nhu cầu đó chỉ được thỏa mãn nhờ Đức Chúa Trời. Chúng ta có nghĩa vụ với Trời và với người. Với Trời chúng ta thờ phượng và làm theo ý muốn của Ngài. Với người, chúng ta yêu thương và giúp đỡ người biết rõ mục đích và hướng đi của đời sống họ.

Thực tế cho thấy nhân dân ở các nước tự do vẫn hằng tuần cùng gia đình đến nhà thờ, đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, ca hát tôn vinh Đức Chúa Trời. Họ đã tìm được nguồn thỏa mãn đời sống tâm linh, họ đã kết nối được mối liên hệ thuận hòa với Đấng thiêng liêng mà người Việt chúng ta thường gọi là Ông Trời. Họ đang thờ Trời và muốn làm tròn nghĩa vụ với Trời.

Chúa Cứu Thế dạy, “Nhưng trước hết, hãy tìm kiếm nước Đức Chúa Trời và sự công bình của Ngài, thì Ngài sẽ cho thêm các ngươi mọi điều ấy nữa” (Ma-thi-ơ 6:33). Đây là thứ tự ưu tiên, là bí quyết của thành công. Ở những xã hội và đất nước càng văn minh tiến bộ, người ta càng nhờ cậy Đức Chúa Trời. Người Việt tin Trời, cầu Trời, biết ơn Trời, nhưng chưa biết thờ Trời cho đúng cách để sống đẹp lòng Trời. Chỉ có trở lại thờ Trời, nhân dân và quê hương chúng ta mới được phước Trời mà thôi. Bạn cần thờ Trời và giúp người khác thờ Trời. Đó là nghĩa vụ tinh thần của tất cả những người Việt tha hương.

NGƯỜI THA HƯƠNG CÓ PHƯỚC

Muốn chu toàn trách nhiệm đối với bản thân, thân nhân, và quê hương đất nước, bạn không thể chỉ dựa vào sự cố gắng riêng, bạn cần sự giúp sức và dẫn dắt từ trên. “Tôi làm được mọi sự nhờ Chúa ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13).

Có lẽ nhờ cố gắng làm việc bạn đang có đủ mọi thứ của cải vật chất mà người khác đều mong muốn có, nhưng riêng bạn lại không thấy thỏa mãn, tâm hồn bạn vẫn bất an. Bạn đang thấy thiếu. Thật ra, bạn đang thiếu chính sự sống của Đức Chúa Trời. Bạn giống như đứa trẻ mồ côi thiếu tình Thiên Phụ. Bạn đang cần Chúa và sự sống của Ngài. Nếu chưa có sự sống nầy thì dù bạn có thành công bao nhiêu đi nữa, bạn vẫn thấy đời mình trống rỗng, và sống không có ý nghĩa. Kinh Thánh khẳng định: “Ai có Con Đức Chúa Trời thì có sự sống, ai không Con Đức Chúa Trời thì không có sự sống” (I Giăng 5:12). Có Chúa trong đời sống là có nguồn phước vô tận. Đức Chúa Trời hằng sống đang muốn ngự vào lòng bạn để biến đổi và dẫn dắt bạn. Ngài muốn bạn trở thành nguồn phước cho nhiều người khác. Bạn có thể mở miệng kêu cầu Ngài ban phước. Hãy thưa với Ngài về nguyện vọng của bạn. Hãy mời Ngài bước vào đời sống bạn ngay hôm nay.

Bạn có thể mở miệng kêu cầu Chúa mấy lời chân thành như sau đây:”Kính lạy Đức Chúa Trời là Đấng ban sự sống cho con và dắt dẫn con trong những ngày tha hương cho đến nay. Con biết ơn Chúa về mọi sự Ngài đã ban cho con. Con tin cậy Chúa Cứu Thế Giê-su là Đấng đã yêu con, đền tội cho con và ban cho con mục đích sống đầy ý nghĩa. Con muốn sống một đời sống đẹp lòng Trời và hữu ích cho người. Xin Chúa ngự vào lòng con và hướng dẫn tương lai của con. Xin giúp con hết lòng yêu Chúa, yêu người. Xin sử dụng đời sống con theo ý muốn của Ngài. A-men.”

Chúc bạn thành công. “Vì ai kêu cầu danh Chúa thì được cứu!”

 

MS Nguyen Van Hue

 

*** Sau khi đọc bài này, nếu bạn thấy lòng mình cảm động và được thúc giục tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-su, thì xin bạn thành tâm cúi đầu cầu nguyện với Chúa như sau:

” Kính lạy Đấng Tạo Hóa, con biết con là người có tội. Con đã xa cách Chúa, sống theo đường lối và ý riêng mình. Hiện con đang đi trên đường dẫn đến sự hình phạt đời đời. Tạ ơn Chúa, vì Ngài đã đến trong thế gian, chịu chết thay cho con để đền tội con trên thập tự giá. Giờ đây, con quyết tin nhận Chúa làm Cứu Chúa của con, xin Chúa tha tội cho con và tiếp nhận con làm con cái yêu dấu của Ngài. Con cầu nguyện nhân danh Chúa Cứu Giê-su, Amen.”

________________________________________________________________________

www.vietchristian.com/niengiam/