Bạn đã tin nhận Chúa và sẵn sàng nhận thánh lễ báp-têm. Đây là quyển sách để bạn ôn lại những điều bạn đã tin và biết thêm một số vấn đề cần thiết cho cuộc sống tâm linh.

Bạn có thể dùng sách nầy để tự học nhưng tốt hơn Bạn nên học chung với những người sắp nhận lễ báp-têm như bạn để có thể trao đổi ý kiến và học hỏi chung với nhau. Nếu có những điểm không hiểu, xin bạn hỏi những người đã trưởng thành trong Chúa hoặc vị lãnh đạo tin thần nơi bạn ở.

Ước mong đức tin của bạn sẽ được củng cố và Bạn sẽ sẵn sàng sống cho Chúa sau khi đã biết rõ những Giáo Lý Căn Bản.

Nếu Bạn chưa bao giờ cầu nguyện đặt lòng tin nơi Chúa, xin làm điều đó hôm nay. Nếu Bạn không biết cầu nguyện như thế nào, xin nhờ một người đã tin nhận Chúa hoặc vị lãnh đạo tinh thần hướng dẫn Bạn.

CĂN BẢN PHÚC ÂM

Đạo của Chúa bao gồm nhiều giáo lý quan trọng, nhưng năm điểm sau đây là những điều căn bản:

1. Mọi người đều có tội

Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh hiển của Đức Chúa Trời (Rô-ma 3:23).

Tội không nhất thiết là phạm những điều kinh khủng như cướp của, giết người, tà dâm v.v… nhưng tội là KHÔNG ĐẠT ĐẾN TIÊU CHUẨN CỦA THIÊN CHÚA. Tiêu chuẩn này được trình bày trong Kinh Thánh như sau:

a. Tội là trái luật pháp

Ai phạm tội tức là trái luật pháp và tội lỗi tức là trái luật pháp (I Giăng 3:4).

Câu Thánh Kinh này cho thấy người không tuân giữ luật của Chúa là tội nhân trước mặt Ngài. Luật của Chúa bao gồm mười điều, được ghi trong sách Xuất Ê-díp-tô-ký 20:3-17 như sau:

1. Trước mặt Ta, ngươi chớ có các thần khác.
2. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình…Ngươi chớ quỳ lạy trước các hình tượng đó và cũng đừng hầu việc chúng nó.
3. Ngươi chớ lấy Danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi.
4. Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh.
5. Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho.
6. Ngươi chớ giết người.
7. Ngươi chớ phạm tội tà dâm.
8. Ngươi chớ trộm cướp.
9. Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình.
10. Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi.

Chúa Giê-xu đã tóm tắt 10 điều răn trên thành hai điều như sau:

“Đức Chúa Giê-xu đáp rằng: NGƯƠI HÃY HẾT LÒNG, HẾT LINH HỒN, HẾT Ý MÀ YÊU MẾN CHÚA, LÀ ĐỨC CHÚA TRỜI NGƯƠI. Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết.

Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: NGƯƠI HÃY YÊU KẺ LÂN CẬN NHƯ MÌNH. Hết thảy luật pháp và lời tiên tri đều bởi hai điều răn đó mà ra.” (Ma-thi-ơ 22:37-40).

KÍNH CHÚA và YÊU NGƯỜI là hai mệnh lệnh con người phải tuân hành. Thiếu lòng kính Chúa và yêu người, chúng ta bị kể là tội nhân trước mặt Chúa.

b. Tội là không làm theo điều mình tin: …Làm điều chi không bởi đức tin thì điều đó là tội lỗi (Rô-ma 14:23).

Chữ “đức tin” trong câu này nói đến điều mà trong thâm tâm chúng ta đã biết hay đã đồng ý. Nếu có một điều gì trong thâm tâm chúng ta đã biết là sai mà chúng ta vẫn cứ làm thì chúng ta bị kể là có tội trước mặt Chúa.

c. Tội là biết điều lành mà không làm

Kẻ biết làm điều lành mà chẳng làm, thì phạm tội (Gia-cơ 4:17).

Thường ở đời người ta chỉ kết án những người phạm lỗi, làm điều sai quấy, hay biết điều sai mà vẫn làm. Nhưng lời Chúa cho chúng ta thấy một tiêu chuẩn cao hơn: biết điều phải mà không làm thì đã bị kể là có tội trước mặt Chúa rồi.

Dựa vào những tiêu chuẩn trên, không ai có thể cho mình là vô tội được cả. Con người do Thượng-Đế tạo dựng, là tạo vật của Ngài mà không thờ phượng Ngài, đó là tội (Rô-ma 1:18-23). TỘI CĂN BẢN của con người là KHÔNG TIN CHÚA. Chúa Giê-xu phán: “Về tội lỗi thì họ không tin Ta” (Giăng 16:9)

2. Hậu quả của tội là sự chết

Tiền công của tội lỗi là sự chết, nhưng sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Chúa Cứu Thế Giê-xu, Chúa chúng ta (Rô-ma 6:23).

Chữ “tiền công” trong câu Thánh kinh nầy nói về kết quả. Khi đi làm chúng ta được trả tiền như thế nào thì khi phạm tội chúng ta cũng nhận được kết quả do hành động tội lỗi của chúng ta như vậy. Kết quả đó là sự chết. Chết nghĩa là ngăn cách. Điều đau khổ và rùng rợn nhất trong sự chết là ngăn cách. Khi một người bị chết, chúng ta hoàn toàn bị ngăn cách với người đó. “Tiền công của tội lỗi là sự chết” nghĩa là chúng ta bị phân cách với Thượng Đế. Thượng Đế thánh khiết không thể dung dưỡng tội lỗi. Chúng ta là con người có tội nên bị phân cách với Ngài. Dù đang sống, nhưng vì tội lỗi, trước mặt Chúa chúng ta bị kể như chết. Thánh Kinh dạy:” Anh em đã chết vì lầm lỗi và tội ác mình”. ( Ê-phê-sô 2:1).

Vì bị phân tách khỏi Thượng Đế nên đời sống con người không còn ý nghĩa, như cành cầy lìa khỏi gốc, không còn sự sống. Đó chính là nỗi thất vọng, niềm khắc khỏi nơi con người và chính vì vậy, con người ở mọi thời đại đều đi tìm một con đường giải thoát.

3.Không ai cứu chúng ta được

Chẳng có sự cứu rỗi trong Đấng nào khác, vì ở dưới trời chẳng có Danh nào khác ban cho loài người để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu (Công vụ các sứ đồ 4:12).

Vấn đề căn bản của con người là tội lỗi và bị phân cách khỏi Thượng Đế. Ý thức điều đó, con người đi tìm con đường giải thoát, hoặc bằng khổ tu, hoặc bằng những việc phước đức, hoặc vâng giữ một số giới răn… Tuy nhiên, tất cả đều là việc làm của con người, cố vươn lên Thượng Đế cho nên không thể nào thành công. Con người, dù là bậc thánh nhân, cũng có tội và vì vậy không thể dùng việc làm của mình để chuộc tội. Việc lành của con người bị kể như chiếc áo bẩn trước mặt Thượng Đế. “Mọi việc công bình của chúng tôi như áo bẩn” (Ê-sai 64:6). Con người không thể tự cứu mình nên dĩ nhiên không thể cứu ai khác.

4.Chúa Giê-xu là giải pháp duy nhất

Đức Chúa Giê-xu đán rằng: Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống; chẳng bởi Ta thì không ai được đến cùng Cha. (Giăng 14:6).

Đây là điểm quan trọng nhất của Phúc Âm mà nhiều người thấy khó chấp nhận. đạo nào cũng tốt, tôn giáo nào cũng dạy người ta làm điều lành, tại sao Chúa Giê-xu tuyên bố Ngài là con đường duy nhất? Chúa Giê-xu là con đường duy nhất vì những lý do sau:

(1) Chúa Giê-xu là Thượng-Đế. Điểm khác biệt giữa Chúa Giê-xu là các giáo chủ khác là Chúa Giê-xu chính là Thượng- Đế còn các giáo chủ khác chỉ là người. Chúa Giê-xu là Thượng-Đế cũng có nghĩa Ngài là Đấng vô tội. Chỉ Đấng vô tội mới có thể chịu chết thế cho con người có tội.

(2) Chúa Giê-xu chịu chết. Các giáo chủ khác chỉ hướng dẫn hay dạy cho con người về con đường giải thoát còn Chúa Giê-xu chính là giải pháp. Chúa Giê-xu vô tội nhưng Ngài đã chịu chết như một tội nhân để thay thế và chuộc tội cho chúng ta. Xưa nay chưa có một giáo chủ nào chịu chết để cứu nhân loại cả.

(3) Chúa Giê-xu sống lại. Chúa Giê-xu cũng là vị giáo chủ duy nhất đã chiến thắng tử thần. Chúa chẳng những đã chết vì tội của nhân loại, Ngài cũng đã sống lại.

5.Tin Chúa Giê-xu sẽ được cứu

Nhưng hễ ai đã nhận Ngài thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời là ban cho những kẻ tin danh Ngài (Giăng 1:12)

Mọi người đều có tội, có tội thì phải chết, không ai cứu chúng ta được, Chúa Giê-xu là con đường duy nhất, tất cả những điều này đưa đến việc chúng ta phải tin Chúa để được cứu. Chữ “tin” bao gồm những ý nghĩa sau:

(1) Chấp nhận. Tin Chúa Giê-xu nghĩa là nhận Chúa Giê-xu là Thượng-Đế, Đấng vô tội chịu chết thế cho chúng ta.
(2) Ký thác. Tin cũng bao gồm nghĩa ký thác, nghĩa là giao trọn đời sống vào tay Chúa, để cho Chúa điều khiển.
(3) Cam kết. Tin Chúa cũng hàm ý cam kết suốt đời theo Chúa, không từ bỏ Ngài.
(4) Tôn thờ. Nhiều người tin Chúa Giê-xu đã chịu chết để cứu họ, nhưng lại không để cho Chúa làm chủ đời sống. Tin cũng có nghĩa là tôn thờ, để Chúa ở địa vị độc tôn trong đời sống.

Trong câu Kinh Thánh trên, Chúa hứa người nào tin Chúa sẽ được quyền làm con của Chúa. Con người do Thượng-Đế tạo dựng nên đương nhiên là con của Ngài, nhưng khi phạm tội, quyền làm con đó đã mất. Đặt lòng tin nơi Chúa, chúng ta được phục hồi quyền đó.

Đồng ý với bốn điểm đầu và làm điều thứ năm, nghĩa là đặt lòng tin nơi Chúa, chúng ta được làm con của Chúa và được hưởng tất cả những quyền lợi của một người con đó là được tha thứ, cứu rỗi và giải thoát.

BÀI TẬP ÔN

1. Năm điểm căn bản của đạo Chúa là:
(1)_____________________________
(2)_____________________________
(3)_____________________________
(4)_____________________________
(5)_____________________________
2. Tội là không đạt đến___________của Thiên Chúa.
3. “Tiền công của tội lỗi là sự chết” nghĩa là chúng ta bị_______________với Thượng Đế.
4. Tại sao con người không thể cứu con người_____________________?
5. Ba lý do cho thấy:
(1) Chúa Giê-xu là_________________________
(2) Chúa Giê-xu ___________________________
(3) Chúa Giê-xu ___________________________
6. “Tin” bao gồm những lý do sau:
(1)________________________________
(2)________________________________
(3)________________________________
(4)________________________________

BÀI CẦU NGUYỆN CHUNG

Lạy Cha chúng con ở trên trời,

Danh Cha được thánh,

Nước Cha được đến,

Ý Cha được nên, ở đất như trời.

Xin cho chúng con hôm nay đồ ăn đủ ngày.

Xin tha tội lỗi cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con.

Xin chớ để chúng con bị cám dỗ mà cứu chúng con khỏi điều ác!

Vì nước, quyền, vinh hiển đều thuộc về Cha đời đời. A-men.

(Phúc Âm Ma-thi-ơ 6:9-13)

Đây không phải là bài cầu nguyện để chúng ta học thuộc lòng và tụng niệm nhưng đây là KHUÔN MẪU Chúa dạy để chúng ta theo đó mà cầu nguyện. Bài cầu nguyện nầy dạy chúng ta những điều sau

1. Đối tượng cầu nguyện

Khi cầu nguyện, chúng ta gọi Chúa là Cha: “Lạy CHA chúng con ở trên trời.” Điều nầy cho thấy cầu nguyện là một quan hệ mật thiết như quan hệ cha con. Chúng ta đến với Chúa chẳng những để cầu xin nhưng cũng để giải bày tâm sự, chuyện trò thân mật

2. Người cầu nguyện

Khi cầu nguyện chúng ta xưng “CHÚNG CON” cho thấy chúng ta không phải là người duy nhất cầu xin nhưng cùng với nhiều người khác cùng gọi Chúa là Cha. Cầu nguyện “Lạy Cha CHÚNG CON ở trên trời” vì vậy đồng thời cũng nhắc chúng ta về mối quan hệ với người chung quanh. Chúng ta phải sống và cư xử với nhau như anh em một nhà vì chúng ta có cùng một Cha trên trời.

3. Nơi chốn chúng ta hướng về để cầu nguyện

Chúa dạy chúng ta cầu nguyện “Lạy cha chúng con Ở TRÊN TRỜI.” Trời là nơi Chúa ngự, đồng thời cũng hàm ý Chúa là Đấng vĩ đại, cao cả, cầm quan trên cả cõi vũ trụ. Chúng ta đến với Chúa như một người Cha nhân từ nhưng đồng thời cũng là một người Cha vĩ đại, có đầy đủ quyền năng để cứu chúng ta.

4. Nội dung lời cầu nguyện.

a. Cho Chúa: “Danh Cha được thánh, nước Cha được đến, ý Cha được nên ở đất như trời.”

Mở đầu lời cầu nguyện là một lời suy tôn, ca ngợi. Đồng thời đây cũng là cách chúng ta hứa sống thế nào để danh Chúa được thánh, nước Chúa được đến và ý Chúa được nên.

DANH Chúa là nói đến chính Chúa. Cầu nguyện “Danh Cha được thánh” không có nghĩa là cầu nguyện để Chúa được thánh (vì Chúa lúc nào cũng thánh), nhưng để nhắc nhở chúng ta nhớ rằng Chúa là đấng thánh khiết, chúng ta phải sống thế nào để chính chúng ta và người khác không coi thường đức thánh khiết của Chúa.

NƯỚC Chúa nói đến quyền cai trị của Chúa. Cầu nguyện cho “Nước Cha được đến” nghĩa là cầu nguyện cho có nhiều người thần phục dưới quyền của Chúa. Nước Chúa sẽ đến hoàn toàn trong ngày Ngài trở lại trần gian cho nên cầu nguyện “nước Cha được đến” cũng hàm ý trông mong Chúa mau trở lại.

Cầu nguyện “Ý Cha được nên ở đất như trời” nghĩa là chúng ta mong muốn chương trình và ý định của Chúa được thành tựu trên trần gian nầy như đã được thành tựu trên trời. Cầu nguyện như vậy cũng hàm ý là chúng ta sẵn sàng làm theo ý Chúa.

Cầu nguyện là ca tụng danh Chúa, nước Chúa và ý Chúa, đồng thời cũng tự nhắc mình hãy tôn trọng Chúa, thần phục Chúa, trông mong Chúa trở lại và sẵn sàng làm theo ý muốn của Ngài.

b. Chúa dạy chúng ta xin ba điều:

– Nhu cầu vật chất.

Chúng ta có những nhu cầu thể xác và Chúa muốn chúng ta tùy thuộc nơi Ngài mỗi ngày. Chúa không bảo chúng ta xin thức ăn dư dật trọn năm nhưng mỗi ngày. Cầu xin thức ăn cũng hàm ý tất cả những nhu cầu vật chất khác như áo quần, nhà ở v.v…

– Nhu cầu tâm linh

Quan hệ giữa chúng ta với Chúa sẽ bị trở ngại nếu có tội lỗi chen vào vì vậy chúng ta cần ơn tha thứ của Chúa mỗi ngày. Chúng ta cầu xin Chúa tha thứ trong ý thức là chúng ta cũng sẵn sàng tha thứ người khác dù họ có lỗi với chúng ta. Chúng ta tội lỗi xấu xa mà Chúa còn tha thứ, chúng ta cũng cần tha thứ người khác như vậy.

– Nhu cầu được bảo vệ

Cám dỗ là điều chúng ta phải đối diện mỗi ngày.

Cầu nguyện “Xin chớ để chúng con bị cám dỗ” không có nghĩa là bảo Chúa đừng để cám dỗ đến với mình nhưng hàm ý xin Chúa giúp mình thắng cám dỗ. “Xin đừng để con bị cám dỗ đến độ rơi vào cạm bẫy của ma quỉ.”

Lời cầu xin tiếp theo cho thấy rõ ý nầy: “Mà cứu chúng con khỏi điều ác.” Chữ “điều ác” cũng có thể dịch là người ác hay ma quỉ. Do đó, “Xin chớ để chúng con bị cám dỗ” cũng có nghĩa là “xin giải thoát chúng con khỏi bàn tay ma quỷ.” Tự sức chúng ta không thể nào đương đầu với ma quỷ, chúng ta chỉ có thể chiến thắng ma quỷ nhờ sức mạnh của Chúa.

Câu cuối cùng của bài cầu nguyện là lời suy tôn của người tín đồ ý thức rằng Chúa nắm giữ quyền cai trị (“nước”), sức mạnh (“quyền”) và vinh quang (“vinh hiển”) cho đến muôn đời.

BÀI TẬP ÔN

1. Bài cầu nguyện chung là________________Chúa dạy để chúng ta theo đó cầu nguyện.
2. Cầu nguyện là một quan hệ mật thiết như quan hệ______________.
3. Cầu nguyện cũng nhắc chúng ta về mối quan hệ với________________.
4. “Trời” là nơi Chúa ngự, đồng thời cũng hàm ý Chúa là Đấng___________.
5. Nội dung bài cầu nguyện gồm hai phần chính:
(1) Cho__________.
(2) Cho __________.
6 . Mở đầu lời cầu nguyện là một lời__________. Đồng thời đây cũng lá cách chúng ta hứa________để danh Chúa được _________, nước Chúa được__________và ý Chúa được__________.
7. Cầu nguyện ”Nước Cha được đến” cũng hàm ý trông mong______________.
8. Cầu nguyện “Ý Cha được nên” hàm ý chúng ta sẵn sàng________________.
9. Ba điều Chúa dạy chúng ta cầu xin cho chúng ta là:
(1) Nhu cầu___________________
(2) Nhu cầu___________________
(3) Nhu cầu___________________
10. Tại sao Chúa dạy chúng ta chỉ xin đồ ăn ĐỦ NGÀY mà thôi? _________________
11. Chúng ta cầu xin Chúa tha thứ trong ý thức là chúng ta cũng sẵn sàng____________người khác.