XUNG ĐỘT ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ XỨC DẦU NHƯ THẾ NÀO?

Sự xức dầu của Đức Thánh Linh là một trong những điều quan trọng nhất trong đời sống và sự hầu việc Chúa của tôi.

Sự xức dầu của Chúa đưa tôi đi vào sự hiện diện và năng quyền của Ngài. Sự xức dầu được bày tỏ trong khả năng, quyền phép và sức mạnh. Sự xức dầu đem lại sự sống cho tôi. Tôi cảm nhận sự sinh động và khỏe mạnh trong cơ thể khi sự xức dầu đang tuôn chảy. Tôi thấy tâm trí sáng suốt khi sự xức dầu của Chúa được biểu lộ.
Sự xức dầu của Chúa luôn luôn ngự trong lòng người tin nhận Ngài.
“Về phần các con, đã chịu xức dầu từ nơi Đấng thánh, thì đã biết mọi sự rồi…Về phần các con, sự xức dầu đã chịu từ nơi Chúa vẫn còn trong mình, thì không cần ai dạy cho hết; song vì sự xức dầu của Ngài dạy các con đủ mọi việc, mà sự ấy là thật, không phải dối, thì hãy ở trong Ngài, theo như sự dạy dỗ mà các con đã nhận”( IGiang 2:20, 27)
Sự xức dầu luôn luôn ở trong chúng ta, nhưng sự biểu hiện của việc xức dầu là điều kiện thiết yếu dẫn đến đời sống đầy năng quyền và sự hầu việc đầy năng quyền. Xung đột nhất định sẽ cản trở dòng chảy xức dầu của Chúa. Chính Đức Thánh Linh ban sự xức dầu, và sự xung đột làm buồn lòng Ngài.
“Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc. Phải bỏ khỏi anh em những sự cay đắng, buồn giận, tức mình, kêu rêu, mắng nhiếc, cùng mọi điều hung ác. Hãy ở với nhau cách nhơn từ, đầy dẫy lòng thương xót, tha thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha thứ anh em trong Đấng Christ vậy”( Eph 4:30-32)
Xung đột làm buồn Đức Thánh Linh. Nó sẽ ngăn trở chúng ta với nguồn năng quyền và sự xức dầu của Chúa Thánh Linh, nhưng năng quyền của sự bình an ràng buộc chúng ta với Đức Thánh Linh. Hãy hăng hái và chiến đấu cách sốt sắng để bảo vệ và gìn giữ sự hiệp một của Thánh Linh bằng sợi dây hòa bình (4:3).
Một người có thể nói rằng sự bình an và năng quyền sống chung với nhau. Chúng cưới nhau, chúng hỗ trợ lẫn nhau. Thi thiên 133 nói với chúng ta rằng sự xức dầu và sự hiệp nhất đồng nghĩa với nhau.
“Kìa, anh em ăn ở hòa thuận nhau Thật tốt đẹp thay! Ấy khác nào dầu quí giá đổ ra trên đầu, Chảy xuống râu, tức râu của A-rôn, Chảy đến trôn áo người”( Thi Thien 133:1-2)
Khi các vua và các thầy tế lễ được xức dầu cho chức vụ của họ dưới giao ước cũ. Dầu (tượng trưng cho Chúa Thánh Linh) được đổ trên đầu họ, và cho nó chảy xuống râu, cổ áo, váy trong trang phục của họ. Sự hiệp nhất cũng có cùng ảnh hưởng như vậy. Nếu sự hiệp nhất cũng sinh ra cùng những kết quả như sự xức dầu, thì xung đột – thứ đối nghịch với sự hiệp nhất – sẽ sinh ra những kết quả ngược lại.
Xung đột làm ngăn trở dòng chảy của sự xức dầu. Thật không ngạc nhiên khi Chúa Jêsus và các sứ đồ đã dạy về tầm quan trọng của sự tha thứ. Chúa Jêsus đã tuyên bố rằng Ngài đã được Đức Chúa Trời xức dầu để truyền giảng Tin Lành và mang lại sự chữa lành cho loài người về thể xác, tâm hồn và tâm linh (xem Esai 61:1-3; Luca 4:18). Chúa Jêsus được mệnh danh là Hoàng tử của sự bình an (Xem Esai 9:6). Là Hoàng tử của sự bình an được xức dầu, Chúa Jêsus là một gương mẫu để chúng ta nhìn thấy sự xức dầu và sự bình an cộng tác với nhau như thế nào.
Trong chương 10 của sách Phúc âm Luca, Chúa Jêsus đã gởi 70 môn đồ đi vào những thành lân cận nơi mà Ngài sắp sửa viếng thăm. Ngài đã bảo họ chữa bệnh và nói với mọi người rằng Nước của Đức Chúa Trời đã đến gần. Ngài đã bảo họ tìm một ngôi nhà và nói “Cầu sự bình an cho nhà nầy”. Nếu sự bình an được đón nhận thì họ có thể ở lại. Nếu không, họ sẽ đi đến một thành khác.
“Kế đó, Chúa chọn bảy mươi môn đồ khác, sai từng đôi đi trước Ngài, đến các thành các chỗ mà chính Ngài sẽ đi. Ngài phán cùng môn đồ rằng: Mùa gặt thì trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy xin Chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa của mình. Hãy đi; nầy, ta sai các ngươi đi, khác nào như chiên con ở giữa bầy muông sói. Đừng đem túi, bao, giày, và đừng chào ai dọc đường. Hễ các ngươi vào nhà nào, trước hết hãy nói rằng: Cầu sự bình an cho nhà nầy! Nếu nhà đó có người nào đáng được bình an, sự bình an của các ngươi sẽ giáng cho họ; bằng không, sẽ trở về các ngươi. Hãy ở nhà đó, ăn uống đồ người ta sẽ cho các ngươi, vì người làm công đáng được tiền lương mình. Đừng đi nhà nầy sang nhà khác” (Luca 10:1-7).
Nhiều năm trước đây tôi đã cảm nhận được dẫn dắt để dạy về chủ đề sự bình an. Tôi đã trải qua cả một ngày ngồi ở trên giường để nghiên cứu. Tôi đã cảm nhận như thể tôi đang tìm kiếm một cái gì đó liên quan đến chủ đề bình an, nhưng lúc ấy tôi đã không biết đó là cái gì. Tôi nghiên cứu những phân đoạn Kinh thánh, chờ đợi một tia sáng của sự khải thị đến với tôi.
Cuối cùng tôi đã thấy một vài điều trong Luca đoạn 10 mà tôi chưa từng thấy trước đây. Tôi đã cảm nhận Chúa đang chỉ cho tôi thấy sự bình an và năng quyền đi chung với nhau. Các môn đồ đã được gởi đi để chữa bệnh và công bố về vương quốc của Chúa. Một trong những sự hướng dẫn của họ là tìm một nơi bình an để trú ngụ và ở lại đó. Tôi đã cảm nhận Chúa Thánh Linh phán cùng tôi rằng “Joyce, nếu con muốn có một chức vụ đầy năng quyền để giúp con gấp bội, hãy tìm sự bình an và ở trong đó”
Lúc bấy giờ tôi không được bình an lắm. Tôi vẫn còn có nhiều những hỗn lộn nội tâm, và tôi cũng còn gây ra rất nhiều điều rối loạn. Tôi vẫn chưa học biết tầm quan trọng của một đời sống không có xung đột. Chúa Thánh Linh đã chỉ cho tôi cũng như Ngài đã bảo cho các sứ đồ tìm một nơi bình an và coi đó là một cơ sở hoạt động của họ. Tôi chính là nhà của Ngài – cơ sở hoạt động của Ngài – và Ngài muốn ngôi nhà mà Ngài đang làm việc phải ở trong sự bình an.
Tôi đã muốn hầu việc dưới một sự xức dầu mạnh mẽ, và tôi đã thường xuyên cầu nguyện cho điều này. Chúa đã trả lời cho sự cầu nguyện của tôi bằng cách chỉ cho tôi những gì tôi cần phải làm để sự xức dầu có thể chảy thông suốt.
Người tín hữu có sự xức dầu ngự trong lòng. Người được Chúa kêu gọi vào một chức vụ có sự xức dầu thường trú trong người đó để thi hành những gì mà Chúa đã kêu gọi. Nhưng thỉnh thoảng còn có nhiều thứ trong cuộc sống của người tin Chúa phải được vứt đi để sự xức dầu của Chúa được chảy thông suốt.
Tôi đã bắt đầu để ý cách mà ma quỉ thường cố gắng để khuấy lên xung đột giữa tôi Dave chỉ ngay trước một cuộc hội thảo mà chúng tôi sắp chia sẻ. Tôi đã bắt đầu nhận ra khuôn mẫu ấy.
Tôi cũng đã nhận ra lý do tại sao gia đình chúng tôi đã kinh nghiệm những sự tấn công mãnh liệt của Satan vào những buổi sáng Chúa Nhật trong suốt nhiều năm. Kinh Thánh dạy chúng ta rằng hạt giống của Lời Chúa phải được gieo vào một tấm lòng hòa bình bởi những người làm sự hòa bình.
“Vả bông trái của điều công bình thì gieo trong sự hòa bình, cho những kẻ nào làm sự hòa bình vậy” (Giaco 3:18).
Việc xem xét cẩn thận câu Kinh Thánh này soi sáng lý do ma quỉ cố gắng làm rối loạn người ta ngay trước khi họ sắp sửa nghe Lời Chúa và có những cơ hội tăng trưởng trong bước đi với Chúa. Quân thù cũng đến ngay tức thì ngay sau khi hạt giống được gieo xuống, hy vọng đánh cắp đi Lời của Ngài.
“Người gieo giống ấy là gieo Lời. Những kẻ ở dọc đường là kẻ đã chịu đạo gieo nơi mình; nhưng vừa mới nghe Lời, tức thì quỉ Sa-tan đến, cướp lấy Lời đã gieo trong lòng họ đi” (Mac 4:14, 15)
Satan có ý định cướp đi Lời Chúa trước khi Lời Ngài châm rễ trong đời sống của bạn. Hắn biết rằng nếu Lời Chúa châm rễ trong bạn thì sẽ bắt đầu sinh ra những kết quả tốt. Chúng ta phải hành động trong sự khôn ngoan của Chúa và tự bày tỏ chúng ta khôn ngoan hơn kẻ thù. Chúng ta không thể ngồi một cách thụ động, cho phép chúng làm chúng ta bối rối trước khi chúng ta đến nhà thờ, để rồi chúng ta không thể nghe hoặc ghi nhớ những gì đã được dạy dỗ. Chúng ta cũng không cho phép nó làm chúng ta bối rối sau khi rời nhà thờ.
Có thể suy nghĩ về Lời Chúa đã được giảng dạy cho chúng ta là một điều rất quan trọng.
“Ngài lại phán rằng: Hãy cẩn thận về điều mình nghe. Người ta sẽ đong cho các ngươi bằng lường các ngươi đã đong cho, và thêm vào đó nữa” (4:24)
Satan sẽ thường xuyên tấn công tâm trí của bạn sau khi nghe Lời Chúa để bạn khỏi phải bắt đầu suy gẫm nó. Tôi có thể nhớ trận cãi vả của gia đình chúng tôi suốt đường đi đến nhà thờ vào sáng Chúa nhật, nhưng chúng tôi làm bộ như chẳng có gì xảy ra khi gặp một người quen biết. Tôi “đóng kịch” trong suốt buổi nhóm, vỗ tay đúng chỗ, nói “Amen !” đúng lúc và làm như đang tập trung vào mục sư khi ông đang giảng luận.
Trong khi đó tôi suy nghĩ cách để phớt lờ Dave hoặc mấy đứa con cho đến khi họ đến xin lỗi tôi. Dĩ nhiên là tôi không có ý định về nhà và chuẩn bị chọ họ một bữa ăn tối ngon lành. Tôi thậm chí không định sẽ nói chuyện với họ nữa. Ma quỉ đã rất đẹp lòng trong những ngày đầy “xác thịt” ấy.
Tôi đã bị lừa. Tôi đã không hiểu những gì sắp xảy ra. Mọi chuyện sẽ tốt đẹp trong vòng một phút, và điều tiếp theo tôi biết là mọi người sẽ tức điên lên – hét lên, la lên. Hoặc có thể cực đoan theo kiểu khác, mọi người ở trong sự yên lặng chết người – quá lạnh lẽo và yên lặng đền nỗi có thể thấy rõ ràng rằng cảm xúc bị tổn thương và những suy nghĩ sai lầm đang hoạt động hùng hổ. Xung đột là cãi nhau, tranh luận, bất đồng gay gắt và một sự giận dữ ngấm ngầm. Rõ ràng chúng tôi đã xung đột, và tôi tin rằng rất nhiều gia đình và cá nhân khác cũng làm như vậy.
Satan có đang lừa gạt bạn như nó đã làm với tôi không? Bạn có nhận thấy nó đang tăng ca cố gắng gây sự với bạn trước và sau khi nghe hoặc đọc Lời Chúa không? Hắn thích giữ bạn ở nhà hơn, nhưng nếu bạn đang đi đến Hội Thánh, ít nhất là nó muốn bạn bị bối rối để bạn sẽ chẳng nhận được gì trong buổi thờ phượng.
Hãy cảnh giác với những chiến lược và mưu chước của hắn. Hãy chống lại hắn ngay từ đầu. Đừng để hắn có thời gian hoạt động trong cuộc đời bạn. Hắn đang cố gắng để giết, cướp và hủy diệt bạn. Hãy từ chối đừng chịu đựng nó.
Dù một diễn giả đầy ơn như thế nào đi chăng nữa, sự xức dầu sẽ không phát huy tác dụng trên người đó nếu ông ấy có xung đột. Sự xức dầu và sự xung đột không đồng công với nhau nhưng sự xức dầu và sự bình an thì cùng làm việc với nhau. Một điều rất quan trọng là cả diễn giả và những người nghe phải ở trong sự bình an. Hạt giống phải được gieo trong sự bình an bởi những ai làm việc vì sự bình an và làm nên sự bình an (trong chính họ và trong những người khác). Là một Mục sư, điều này có nghĩa là tôi phải ở trong sự bình an với chính mình và là một người làm cho người khác hòa thuận, nếu tôi muốn sự xức dầu tuôn tràn mạnh mẽ trong tôi để giúp đỡ người khác.
Khi chúng tôi đi đây đó và giúp đỡ các Hội thánh khác nhau, tôi nhận thấy một điều thú vị là các mục sư thường đến nhà thờ trong một xe hơi riêng chứ không đi chung với những người trong gia đình. Lúc đầu, tôi đã nghĩ có một tí gì đó bất thường, nhưng vài người trong họ đã chia xẻ với tôi rằng có hai lý do để làm như vậy. Thứ nhất, nhiều mục sư muốn đến nhà thờ sớm hơn để cầu nguyện và suy gẫm về bài họ sẽ chia sẻ. Và thứ hai là họ muốn tâm hồn bình an khi họ đến đó, và họ thấy rằng tự lái xe một mình thì dễ ở trong sự bình an hơn.

Lựa Chọn Trở Thành Một Người Làm Cho Hòa Thuận
Thậm chí tiếng động thông thường cũng có thể làm bối rối một người đang có nhiều điều phải suy nghĩ trong đầu. Ngay trước những buổi thờ phượng của chúng tôi, tôi rất bận rộn suy gẫm những gì Chúa đã cho tôi để chia sẻ trong ngày hôm ấy. Tôi không lánh xa khỏi gia đình, nhưng tôi đã yêu cầu mọi người hạn chế nói với tôi bất cứ điều gì ngay trước khi buổi nhóm nếu điều ấy có thể gây bối rối. Họ đã giúp đỡ tôi bằng cách cố gắng giữ một không khí an bình. Bạn cũng có thể giúp đỡ những người thương yêu của bạn bằng cách gìn giữ sự bình an. Đặc biệt là khi bạn biết họ đang chịu một áp lực nào đó.
Khi người chồng trở về nhà sau một ngày kiệt sức căng thẳng ở văn phòng. Vợ của anh có thể đem đến cho anh sự bình an bằng cách hướng dẫn các con làm một việc gì đó có thể tạo ra không khí yên tịnh hơn là những việc gây ồn ào mất trật tự.
Khi người vợ đang phải lau dọn và nấu nướng cả ngày cho một buổi họp mặt đặc biệt của gia đình trong ngày sau đó, người chồng có thể giúp vợ được bình an bằng cách dẫn các con đi đâu đó trong buổi tối, để cô ấy có thời gian yên tĩnh nghỉ ngơi.
Nếu một người con sắp thi thi tốt nghiệp vào tuần tới và nó đang ở dưới một áp lực, cha mẹ có thể có cách xử sự đúng đắn không quở trách căn phòng bề bộn của cậu ta hay chiếc xe máy vứt ở bên đường cho đến khi nào kỳ thi kết thúc.
Chúng ta có thể giúp đỡ người khác tránh xung đột bằng cách nhạy cảm hơn về những nhu cầu của người khác. Hãy gieo những hạt giống tốt và bạn sẽ gặt một vụ mùa bội thu trong lúc cần thiết cho chính bạn. Sau gần 20 năm làm vợ Dave, tôi có thể nói khi nào anh ấy mệt mỏi hay không khỏe. Tôi đã học cách giúp anh ấy có sự bình an thay vì mang đến một vấn đề cho anh trong lúc ấy.
Anh ấy là một người đàn ông rất hòa nhã và có thể chịu đựng rất giỏi, thậm chí nếu tôi có mang thêm đến cho anh một nan đề, nhưng ở đây không có lý do gì để làm nặng thêm một gánh nặng đã có sẵn rồi. Ma quỉ thích chồng chất trên chúng ta những gánh nặng rất khó chịu đựng và rồi cứ tiếp tục gây áp lực cho đến khi chúng ta nổ tung ra. Nhưng Lời Chúa dạy chúng ta hay quan tâm đến những người khác. Đây là một phần của bước đi yêu thương.
“Hãy hết sức sống bình an với mọi người và đuổi theo sự tận hiến và thánh khiết vì nếu không có sự thánh khiết thì chẳng ai thấy được thấy Đức Chúa Trời. Khá coi chừng (canh chừng lẫn nhau) kẻo có ai bị bỏ lại và trật phần ân điển của Đức Chúa Trời chăng”. Heboro 12:14, 15
An điển là một đặc ân nhưng không. Chúng ta có thể ban cho ai đó một đặc ân đơn giản là không đặt thêm áp lực cho anh ta trong suốt thời gian mệt mỏi. Đối với tôi, thời gian đó là lúc tôi chuẩn bị cho sự giảng dạy. Satan đang tìm kiếm bất cứ một kẻ hở nào có thể chui vào. Đối với bạn nó có thể là một lãnh vực khác nào đó, nhưng tất cả chúng ta đều có chúng. Ma quỉ theo đuổi để đẩy chúng ta vào xung đột để cho sự xức dầu không thể tuôn chảy.
Có một sự xức dầu cho mỗi công tác mà chúng ta được kêu gọi để thực hiện – không chỉ những vấn đề thuộc linh. Người ta có thể cười khi tôi nói điều này, nhưng có một sự xức dầu đối với tôi khi đi mua sắm. Nếu có sự xức dầu ở đó, chuyến đi sẽ rất thành công và vui vẻ. Nhưng nếu nó không có ở đó, tôi không thể tìm thấy những gì mà tôi tìm mua. Tôi không thể quyết định mình mua cái gì. Thậm chí nếu tôi tìm thấy một cái gì đó tôi thiếu, tôi cũng không thực sự có ao ước muốn mua nó. Nhiều lần tôi nói như thế này “Nếu tôi có mua bất cứ vật gì hôm nay, nó sẽ phải nhảy xuống trở giá treo và nhảy lên mình tôi”.
Một buổi tối gần đây, tôi và Dave đã đi mua sắm. Chúng tôi đã dừng lại để mua một chiếc bánh sandwich và có ý định cùng trải qua một buổi tối với nhau ở một khu mua sắm. Tôi muốn mua một món quà sinh nhật cho con gái chúng tôi và cũng muốn đi xem lòng vòng. Dave thường rất thích điều đó, nhưng trong buổi tối đặc biệt này anh cảm thấy cực kỳ mệt mỏi sau khi chúng tôi mới đến đó 30 phút.
Tôi đang say sưa với việc mua sắm thì anh ấy bắt đầu hối thúc tôi mua đại cái gì đó rồi về. Tôi cảm thấy bị tổn thương và bực mình. Tôi có thể cảm giác sự xung đột đến trong tích tắc và sự xức dầu tan biến. Bổng nhiên, tôi muốn ra về. Tôi cảm thấy chẳng bình an tí nào.
Tôi đã làm việc căng thẳng và không có thời gian ở riêng tư bên Dave như điều tôi muốn. Tôi đã thực sự mong chờ một buổi tối bên anh ấy, và khi anh hành động như không muốn ở đó với tôi. Thì ngay lúc ấy, tôi bắt đầu chống lại sự nóng giận, không tha thứ, xung đột, những suy nghĩ tiêu cực và những giọt nước mắt.
Tôi đã biết đó là một sự tấn công, nhưng điều ấy đã không làm giảm đi sự thật. Dave nhận biết rằng tôi đang cố gắng kiểm soát những cảm xúc mình, vì thế anh rất yên lặng. Chúng tôi đã rời khỏi bãi đậu xe và trở về nhà. Ngay khi chúng tôi chạy đến xa lộ, chỉ trong gang tấc là chúng tôi đã bị tai nạn. Nếu chúng tôi không được che chở bởi các thiên sứ của Đức Chúa Trời, chúng tôi đã đã bị tông ở cả hai phía trong cùng một lúc.
Sự khởi đầu của một buổi tối đáng yêu bỗng dưng biến thành một đống hỗn độn bối rối và xung đột. Đây là cách của linh xung đột vận hành. Chúng cố gắng bắt lấy bạn khi bạn thiếu cảnh giác hoặc là lúc bạn mỏi mệt và dễ nhượng bộ hơn là chống cự lại chúng.
Sau đó Dave đã kể với tôi rằng thật không thể tin được cảm xúc tệ hại mà anh có lúc đó, và nó đã đến với anh thật nhanh. Anh đã cảm thấy rất khỏe khi chúng tôi đến đó, và bổng dưng anh cảm thấy không thể chịu nổi việc ở lại đó.
Bạn có thể nghĩ rằng có vẻ có một tí gì đó quá khích khi nói về việc được xức dầu trong những chuyện như mua sắm, lau nhà hay những việc lặt vặt hằng ngày. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng Chúa Thánh Linh vẫn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta làm bất cứ điều gì trong ý muốn của Đức Chúa Trời và trong thời điểm của Ngài.
Tôi không nghĩ rằng chúng ta phải tranh chiến với mọi điều mà tôi tin rằng chúng ta nên vui hưởng mọi sự. Thật khó mà vui hưởng một đir62u gì nếu không có sự xức dầu của Chúa. Sự hiện diện của Chúa làm cho mọi thứ trở nên dễ dàng và vui hưởng. Tôi tin một phụ nữ có thể đi đến một cửa hiệu tạp hóa và được Chúa xức dầu để mua thứ bà ta cần cho gia đình nếu bà vận dụng đức tin để khai phóng sự xức dầu. Nếu bà ấy trở nên bực dọc với cửa hàng tạp hóa vì người ta không có những thứ mà bà muốn, sự xức dầu sẽ ngưng chảy trên chuyến đi của bà cho đến khi nào bà quay lại với trạng thái bình an và xung đột biến mất.
Xung đột có thể và thường xuyên làm ảnh hưởng đến chúng ta trước nhất là thái độ của chúng ta. Một ngày kia tôi đã nghe lỏm một người phụ nữ cứ trách cứ mãi về hệ thống bưu điện. Sau khi nghe bà cằn nhằn về việc phát thư trễ, mất hàng hóa và giá cước cao, tôi đã nghĩ, người đàn bà này đang ở trong tình trạng xung đột gay gắt với hệ thống bưu điện. Khi mà xung đột vẫn còn ngự trị trong lòng bà, chắc chắn bà không bao giờ thích đến bưu điện, thậm chí nhắc đến tên nó bà cũng cảm thấy bực bội.
Một lần kia tôi cũng đã có xung đột với một cửa hàng may mặc. Tôi đã mua một chiếc áo đầm ở đó mà chiếc áo bị hỏng một phần. Cửa hàng đã không đồng ý cho tôi trả lại. Tôi đã rất thất vọng về điều đó và tôi đã kể cho mọi người về cửa hàng đó và sự phục vụ khách thiếu nhã nhặn của họ. Tôi nhiệt tình ngăn trở bất cứ những ai nghe tiếng và muốn đến đó để mua sắm. Và lúc nào đi ngang qua cửa hiệu đó, tôi lại bắt đầu thấy bực bội. Nếu có ai đó đi với tôi, thì tôi sẽ lập lại câu chuyện đó và cảm thấy tức tối hơn.
Lúc ấy tôi đã chưa nhận được một sự mặc khải nào về những gì tôi đang làm trong việc đối phó với xung đột. Chúa đã bắt đầu chỉ cho tôi thấy rằng tôi cần phải tha thứ cho cửa hiệu đó về việc sự bảo hành của nó không làm tôi hài lòng. Đó là một mức độ mới trong việc học hỏi của tôi liên quan đến sự tha thứ. Tôi đã biết về sự tha thứ đối con người, chứ không phải là những địa điểm. Tôi đã biết rằng ở trong xung đột với một địa điểm cũng nguy hiểm như là ở trong xung đột với con người vậy. Điều khác nhau duy nhất là địa điểm không có cảm xúc, nhưng nó vẫn ảnh hưởng đến người bị xung đột cũng theo một cách như vậy.
Chúng ta có thể mong đợi Chúa xức dầu trên một vài điều gì khác nữa? Tôi tin có một sự xức dầu trên giấc ngủ mà chúng ta có thể hưởng thụ khi chúng ta lên giường vào buổi tối. Tuy nhiên nếu một người nằm trên giường và suy nghĩ những trường hợp xung đột, anh ta sẽ không thấy vui vẻ với giấc ngủ của anh ấy. Anh ấy sẽ không thấy ác mộng hay trở mình trằn trọc suốt đêm.
Tôi tin là có một sự xức dầu ở nơi làm việc của bạn và sự vui mừng có ở đó. Sự xức dầu sẽ giúp bạn thực hiện công việc của bạn dễ dàng. Một lần nữa nếu bạn có xung đột với ông chủ hay các nhân viên khác, sự xức dầu sẽ bị cản trở. Bất cứ một sự xung đột bộc phát hay kín giấu trong lòng bạn đều có ảnh hưởng tương tự.
Có một sự mặc khải khác trong câu thứ hai của Thi Thien 133:1-3. Khi các thầy tế lễ được dầu. Trước hết dầu sẽ đổ ra trên đầu. Rồi nó chảy xuống cổ áo rồi xuống váy trong trang phục của họ. Chúa đã nhắc tôi chú ý nguyên tắc này: Sự xức dầu chảy từ trên đầu xuống .
Chồng tôi được xức dầu để hướng dẫn gia đình chúng tôi. Nếu tôi có xung đột với anh ấy, sự xức dầu trên anh ấy không thể chảy qua tôi, và tôi sẽ cảm nhận sự tranh chiến trong mối quan hệ của chúng tôi. Nó có thể ảnh hưởng trên những vấn đề khác của gia đình mà đáng lẽ có thể giải quyết một cách dễ dàng nếu tôi ở trong sự che chở của anh ấy.
Có một sự xức dầu trên những vị lãnh đạo của công ty, thậm chí nếu bạn không ưa và đồng ý với anh ta. Khi một người nào đó có xung đột với những người đứng đầu (biểu hiện rõ ràng hay ngấm ngầm), sự xức dầu sẽ không chảy xuống đến người ấy, và công việc của anh sẽ trở thành một cơn tranh chiến. Anh ta sẽ sợ đi làm việc. Thậm chí anh ta có thể phạm phải những lỗi lầm ngu xuẩn. Mặc dù anh biết mình có khả năng để làm việc, vì lý do gì đó anh lại tiếp tục phạm sai lầm.
Đây là một nguyên tắc sự sống. Chúa đã thiết lập sự lãnh đạo theo thứ tự. Chúa kêu gọi Môise và xức dầu cho Arôn để giúp đỡ ông. Khi công việc quá nhiều đối với họ Chúa cho phép Môise xức dầu cho những người khác để làm người lãnh đạo cho những nhóm người nhỏ hơn. Mỗi nhóm người có một người quan trưởng và ngay cả những quan trưởng cũng có một người lãnh đạo. Đó là đường lối của Chúa, cho dù chúng ta không thích điều đó.

Sự Phản Loạn
Sự phản loạn và sự xung đột đồng hành với nhau. Nơi nào có sự xung đột thì nơi ấy cũng có sự phản loạn, rối rắm và mọi điều ác xảy ra (Giaco 3:16). Có một sự an toàn trong mối quan hệ lãnh đạo ở mức độ tự nhiên. Nếu một nhân viên thực hiện điều mà ông chủ đã bảo anh ấy người nhân viên sẽ được tự do phóng thích khỏi trách nhiệm trong việc ấy.
Ngoan ngoãn vâng theo những bậc có thẩm quyền trên chúng ta cũng đem lại một sự an toàn tâm linh cho chúng ta. Nếu tôi phục tùng các bậc có thẩm quyền vì lợi ích cho sự vinh hiển của Chúa và Lời của Ngài, thì tôi tự do bởi sự xức dầu tuôn tràn trên đời sống của tôi. Nếu tôi nổi loạn và từ chối đầu phục, tôi sẽ ngăn trở sự xức dầu. Tôi tin rằng sự phục tùng sẽ che chở tôi khỏi sự tấn công của ma quỉ nhưng trái lại sự nổi loạn mở cửa cho hắn.
Hãy bảo vệ sự xức dầu trên đời sống của bạn bằng cách giữ không xảy ra xung đột. Sống trong sự được xức dầu. Chúa đã tặng nó cho bạn để giúp đỡ bạn trong mọi công việc bạn làm. Mọi việc không đạt được bởi năng lực hay quyền thế, nhưng bởi Đức Thánh Linh (Xachari 4:6). Hãy sống an bình, điềm tĩnh, mau tha thứ, chậm nóng giận, kiên nhẫn và nhân từ.
Bạn có thể tưởng tượng Chúa Jêsus có khi nào cho phép ma quỉ đẩy Ngài vào tư thế mất tự chủ về cảm xúc không? Chúa Jêsus đã ứng xử trong sự chủ động hoàn hảo. Ngài đã làm điều ấy vì quyền lợi của vương quốc và để hoàn thành công việc mà Ngài được giao phó. Ngài đã tuyên bố rằng Ngài được xức dầu để có thể làm được mọi điều và đời sống Ngài là bằng cớ hiển nhiên cho thấy Ngài đã không cho phép linh của sự xung đột cản trở công việc của Ngài.
Chúa Jêsus đã có vô số cơ hội để ở trong sự xung đột, nhưng Ngài đã dẹp tan mọi điều đó một cách không do dự Ngài đã đóng lại mọi điều đó. Thậm chí ngay cả khi Ngài bị treo trên thập tự giá. Ngài đã cầu nguyện “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết mình làm điều gì” (Luca 23:34). Giuđa, Hêrốt, Philát và những người Pharisi gài bẫy Chúa vào trong những hoàn cảnh để xung đột nhưng Ngài đã đảo ngược tình thế biến chúng thành những cơ hội để bày tỏ phẩm tính của Cha Ngài. Thay vì xung đột, Ngài đã phản ứng lại với sự mềm mại, nhã nhặn và nhịn nhục.
Tôi khích lệ bạn hãy đối diện với ma quỷ! Đừng từ bỏ sự xức dầu trên đời sống bạn để làm thỏa mãn vài cảm xúc xác thịt của mình mà chúng đang đẩy bạn hành động giống như ma quỷ thay vì theo cách của Chúa.

ÁP LỰC CỦA SỰ THAY ĐỔI

Trong suốt thời gian có sự thay đổi, xung đột có cơ hội để bước vào. Không phải ai cũng thích sự thay đổi. Cho dù sự thay đổi đó là tích cực đi nữa, thì cũng có thể có một số người không vui về điều đó. Ví dụ một ông chủ có thể cảm thấy rằng ông ta cần phải làm một sự thay đổi, nhưng dĩ nhiên không phải tất cả nhân viên đều đồng ý.
Chúng tôi đã phải thực hiện những thay đổi cần thiết đang khi công việc được phát triển. Những công việc mà ta có thể làm trước đây khi mà chúng tôi có năm nhân viên nhưng nay khôn còn làm được nữa. Gần đây chúng tôi đã thay đổi giờ làm việc và kéo dài thời gian ăn trưa trễ hơn. Trước đây, thời khóa biểu của chúng tôi là làm việc từ 8 giờ sáng đến 4 giờ 30 chiều, dành 30 phút cho bữa ăn trưa. Khi chúng tôi thực hiện chương trình truyền giáo trên ti vi, chúng tôi muốn văn phòng mở cửa càng lâu càng tốt để người ta có thể đặt mua băng từ. Không một nhân viên nào của chúng tôi phàn nàn về việc này, nhưng tôi chắc chắn có vài người trong họ thích sự thay đổi này trong khi những người khác thì không.
Tất cả chúng ta đều có những sở thích riêng trong mọi sự việc. Một số thay đổi có thể dể chịu cho chúng ta hơn những người khác. Đó là lý do tại sao người có trách nhiệm tổ chức phải quyết định điều tốt nhất cho toàn bộ công việc chứ không chỉ cố gắng làm vui lòng mọi người. Không ai có thể cũng làm vui lòng mọi người trong mọi lúc, đơn giản là vì mọi người rất khác nhau.
Chúng tôi đã lưu ý thấy rằng khi một Mục sư cảm nhận Đức Thánh Linh đang hướng dẫn ông vào một hứơng đi mới, một số người trong Hội Thánh đồng ý, số khác thì không. Hầu hết cảm nhận của con người dựa trên sở thích của riêng mình, nhưng một người sẽ phạm sai lầm khi cho rằng người lãnh đạo của mình không theo ý muốn của Chúa chỉ vì ông ta không đồng ý với sự thay đổi.
Ví dụ, một Mục sư có thể nhận thấy rằng Chúa đang hướng dẫn Hội Thánh vào chương trình mở rộng truyền giáo ở nước ngoài. Một số người trong Hội Thánh cho rằng đó là ý kiến tuyệt vời, trong khi số khác nghĩ rằng một chương trình truyền giáo mở rộng ở nội thành thì tốt hơn. Khi người ta không nhận thức ra rằng nhiều cảm nghĩ của họ dựa trên ý kiến và sở thích của chính họ, họ có thể nhanh chóng mở cửa cho xung đột bằng cách bùng nổ sự bất đồng của mình.
Những thay đổi mà không phải ai cũng hiểu và đồng ý đã dẫn đến nhiều cuộc xung đột không thể tin nổi đang khuấy động trong các Hội Thánh và mang đến sự hủy hoại. Tôi đã nói với những người đến cùng tôi trình bày những nan đề của họ rằng trước tiên họ phải để cho những sự thay đổi có một thời gian ngắn xem thay đổi đó tốt xấu ra sao. Rồi họ nên nói với Mục sư về những băn khoăn của họ chứ không phải nói cho những thành viên khác trong Hội Thánh. Thường một tí hiểu biết hoàn cảnh có thể làm thay đổi toàn bộ cái nhìn về một sự việc.
Cuối cùng, nếu bạn thấy rằng bạn không thể vui vẻ trong Hội Thánh được nữa vì những sự thay đổi, hãy tìm một nơi khác để đi – nhưng ra đi trong sự bình an. Đừng ra đi với suy nghĩ cho rằng mọi người khác đã sai. Những điều họ đang làm có thể đúng với họ, nhưng không thích hợp với bạn. Chúng ta hãy tôn trọng quyền tự do chọn lựa của nhau, và đừng xét đoán.
“Người nầy tin có thể ăn được cả mọi thứ; người kia là kẻ yếu đuối, chỉ ăn rau mà thôi. Người ăn chớ khinh dể kẻ không ăn; và người không ăn chớ xét đoán kẻ ăn, vì Đức Chúa Trời đã tiếp lấy người. Ngươi là ai mà dám xét đoán tôi tớ của kẻ khác? Nó đứng hay ngã, ấy là việc chủ nó; song nó sẽ đứng, vì Chúa có quyền cho nó đứng vững vàng. Người nầy tưởng ngày nầy hơn ngày khác, kẻ kia tưởng mọi ngày đều bằng nhau; ai nấy hãy tin chắc ở trí mình” (Roma 14:2-5).
Bất cứ một loại thay đổi nào cũng có thể là một cơ hội cho linh của sự xung đột. Một người phụ nữ trong kỳ kinh nguyệt kinh nghiệm những điều không bình thường bởi vì cơ thể và các nội tiết tố của cô đang thay đổi. Nhiều phụ nữ trở nên gắt gỏng trong thời kỳ này. Tại sao vậy? Bởi vì nhiều điều đang thay đổi và cô ấy cảm thấy sự khác biệt. Rất nhiều nan đề có thể tránh được nếu quí cô được nghỉ ngơi nhiều hơn và tránh những tình huống căng thẳng trong thời kỳ này. Chỉ trong vài ngày cô ta đã có thể giải quyết vấn đề cách tuyệt vời, những điều mà cô ta không thể giải quyết trong suốt giai đoạn có sự thay đổi trong cơ thể cô ấy.
Trường hợp tương tự xảy ra với những người phụ nữ ở tuổi trung niên đang trải qua thời kỳ mãn kinh. Cơ thể của họ đang trải qua những sự thay đổi rất mãnh liệt, và họ sẽ không còn làm những điều mà họ đã làm trước đây. Những sự thay đổi này ảnh hưởng nghiêm trọng trên một số người hơn so với số còn lại, nhưng nhìn chung đó là một thời kỳ thay đổi mà có thể mở rộng cửa cho sự xung đột trong những mối quan hệ. Những điều mà bà ta đã rất thích trước đây bổng nhiên trở nên không thể chấp nhận được. Hoặc những điều làm bà bực mình trước đây nay lại được bà chấp nhận. Sức chịu đựng của bà có thể cũng không còn như trước nữa.
Mức độ chịu đựng của bà đã xuống thấp, và nếu tiếng ồn ào trong gia đình lớn hơn một tí thì xung đột có thể xuất hiện. Nếu người chồng không dành cho bà sự yêu thương như bà mong muốn thì bà sẽ dễ bị tổn thương. Bà có thể co mình lại và hành động theo những cách mà bà chưa từng có bao giờ. Nhu cầu về sự âu yếm đơn thuần tăng lên trong suốt thời kỳ này. Bà ta muốn được ôm ấp vuốt ve, nhưng không muốn gì nhiều hơn.
Bà nên nhớ rằng chồng bà không thể đọc được suy nghĩ của bà. Bà đang thay đổi nhưng gia đình thì vẫn như vậy. Họ không cảm nhận theo cách bà ta cảm nhận, và nếu họ không chịu học hỏi, họ không thể hiểu được bà. Chính tôi đã trải qua giai đoạn này. Tôi đã khám phá việc tự nhủ: “Joyce, bạn đang cảm nhận những sự thay đổi này, nhưng mọi việc rồi sẽ tốt đẹp thôi” đã giúp tôi rất nhiều. Thỉnh thoảng hãy tự nói với chính bạn, có một sự thành thật với chính mình. Đừng cho phép sự thay đổi làm bạn lạc hướng dẫn đến sự xung đột.
Khi người ta chuyển nhà, đổi nghề, mất những mối quan hệ hoặc thiết lập những mối quan hệ mới – và hàng ngàn sự thay đổi khác, họ đều phải ở dưới một áp lực nhất định nào đó. Những thay đổi đòi hỏi sự quan tâm của chúng ta nhiều hơn đối với những khía cạnh thông thường của cuộc sống. Để đáp ứng nhu cầu, chúng ta phải để tâm nhiều vào sự thay đổi, những việc khác có thể phải bỏ qua hoặc điều chỉnh lại.
Bất cứ khi nào bạn đang đối diện với một thay đổi, nhớ rằng ma quỉ sẽ cố gắng lợi dụng bạn. Hắn hy vọng bắt được bạn đang khi bạn thiếu cảnh giác, vì thế bạn sẽ mở lối cho hắn mà không nhận thức được điều gì đang xảy ra. Hãy cảnh giác với linh của sự xung đột và từ chối nhường chỗ dung thân cho nó.
Trong nhiều trường hợp người ta muốn thay đổi nhưng họ lại sợ thay đổi. Thay đổi nghĩa là đối diện với điều chưa biết. Chúng ta thích để mọi công việc trước mắt mình, biết chính xác việc gì đang xảy ra, và mỗi bước tiếp theo của nó. Ví dụ khi bạn đang mở rộng mối quan hệ với những người khác, bạn phải học cách phản ứng lại với mọi trường hợp. Điều gì họ thích và điều gì họ không thích? Điều gì nên nói và điều gì không nên nói với họ? Họ có bị xúc phạm khi bạn trêu chọc họ không?
Mở rộng một mối quan hệ mới đòi hỏi nhiều cố gắng hơn là đối với những người bạn đã quen biết lâu nay. Nó có thể gây căng thẳng, thường làm cạn kiệt năng lực mà bạn dành cho những việc khác. Hãy cảnh giác sự xung đột trong suốt những thời kỳ có thay đổi.
Một sự thay đổi khác cũng có thể mở cửa cho sự xung đột bước vào là khi Chúa đang uốn nắn bạn. Chúa luôn thay đổi chúng ta để làm tăng mức độ vinh hiển (xem IICorinhto 3:18). Hêbơrơ đoạn 12 dạy chúng ta rằng Chúa sửa dạy chúng ta vì ích lợi của chúng ta, nhưng không có gì thú vị cả trong suốt thời kỳ được sửa dạy.
“Thật các sự sửa phạt lúc đầu coi như một cớ buồn bã, chớ không phải sự vui mừng; nhưng về sau sanh ra bông trái công bình và bình an cho những kẻ đã chịu luyện tập như vậy” (Heboro 12:11).
Sự sửa dạy thay đổi chúng ta và làm cho chúng ta ngày càng giống Chúa Jesus hơn trong ý tưởng, lời nói và hành động. Những câu Kinh Thánh sau đây khuyên chúng ta nên có thái độ phản ứng như thế nào khi đang được uốn nắn:
“Vậy, hãy dở bàn tay yếu đuối của anh em lên, luôn cả đầu gối lỏng lẻo nữa. Khá làm đường thẳng cho chơn anh em theo, hầu cho kẻ nào què khỏi lạc đường mà lại được chữa lành nữa (12:12, 13)
Một lời chú dẫn của câu 13 như sau: “Hãy ban bằng đường lối dưới chân ngươi, chọn lời Chúa làm ngọn đèn cho chơn ngươi, ánh sáng cho đường lối ngươi” (Thi Thien 119:105). Điều này không chỉ ích lợi cho bạn và đem lại sự vinh hiển cho Chúa mà còn ảnh hưởng đến người khác. Họ sẽ được khích lệ hoặc bị tổn thương vì tấm gương của bạn.
Những lời hướng dẫn này cho chúng ta thấy cách đáp ứng nên có trong những lúc được Chúa uốn nắn và thay đổi. Những lời hướng dẫn tiếp tục trong câu 14, nói rằng chúng ta phải “cầu sự bình an với mọi người cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai thấy được nước Đức Chúa Trời” (câu 14). Khi bạn theo đuổi sự nên thánh, để Chúa làm việc trong đời sống bạn và thay đổi bạn, hãy nhớ cố gắng sống trong sự hòa bình với mọi người.
Đôi khi chúng ta cảm thấy bối rối khi Chúa đang can thiệp vào chúng ta bởi vì chúng ta không hiểu hết những điều chúng ta cảm thấy bên trong. Dave và tôi đã học nhắc nhở với nhau khi chúng tôi tin rằng Chúa đang can thiệp vào chúng tôi. Chúng tôi có thể nói rằng “Chúa đang làm việc với tôi. Tôi không biết rõ điều gì cả, nhưng tôi nhận thấy có điều gì đó xảy ra trong tôi. Vì thế nếu tôi có làm điều gì hơi bất thường hay có vẻ yên lặng hơn, đó là lý do”.
Trước khi chúng tôi bắt đầu thực hiện như thế, những lúc có sự thay đổi riêng tư thường dễ mở ra cánh cửa cho sự xung đột. Nếu Dave không hiểu lý do tôi có những hành động lạ thường và tôi cũng không nói cho anh biết lý do, anh sẽ trở nên yên lặng. Rồi tôi nghĩ rằng anh có điều gì đó sai trật. Điều đó làm cho tôi nặng nề hơn, vì tôi nghĩ rằng tôi đã có quá nhiều điều để đối phó, mà anh ấy lại còn cư xử kỳ cục như thế với tôi.
Chắc chắn là bạn đã thấy cách mà ma quỉ sẽ lợi dụng những cơ hội như vậy, nếu không có sự cảm thông hoặc tự chủ. Và cuối cùng tôi đã học biết một điều nữa mà trước đó tôi không nhận ra là tôi không có quyền biểu lộ mọi cảm xúc mà tôi có. Nếu Chúa đang thay đổi tôi, tôi phải để Ngài thực hiện mà không trở nên quá bi thương và làm tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
Chịu khổ trong sự yên lặng thì tốt cho chúng ta. Chúng ta có thể học cách vượt qua những sự thay đổi mà Chúa mang vào trong đời sống của chúng ta mà không đổ những thất vọng của chúng ta trên những người khác. Chúng ta có thể và nên học mang những bông trái của Chúa Thánh Linh trong suốt những lần thay đổi. Cảm thông là điều cần thiết, nhưng hãy tiếp tục công việc của bạn và để Chúa làm điều gì Ngài cần làm. Bạn càng cố gắng chiến đấu, bạn càng mất thời gian. Đôi khi chúng ta cầu nguyện xin Chúa thay đổi chúng ta và rồi lại chống cự Ngài khi Ngài thực hiện. Chúng ta muốn thay đổi nhưng chúng ta lại hoảng sợ điều đó.

Thay Đổi Mang Lại Sự Tiến Bộ
Những thay đổi được sắp xếp để đem lại sự tiến bộ, và Satan sẽ luôn chống trả sự tiến bộ. Hắn sẽ kháng cự bạn một cách bền bỉ nếu bạn đang tiến về phía trước. Khi Chúa đang can thiệp bạn bên trong, nó thường mang sự thay đổi ra ngoài. Chương trình của Chúa là mang bạn vào một địa hạt mới của sự vinh hiển, nhưng Satan thích đem bạn đến chỗ xao lãng và ngăn trở bạn tiến bước vào Chúa.
Đã nhiều lần khi Chúa xử lý tôi về những trường hợp đặc biệt, những hành vi sai trái – những điều mà từ sâu thẳm trong tâm hồn tôi muốn được giải phóng và thật lòng tôi muốn vượt qua đến vùng tự do. Thường đang khi tôi học Kinh Thánh và cầu nguyện, tôi đã có thể cảm nhận là tôi gần vượt qua, nhưng rồi những khó khăn lại nổ ra trong đời sống của tôi thay vào đó.
Những khó khăn đã làm cho tôi quên hết những gì Chúa dạy và tôi lại bắt đầu chạy theo những vấn đề của tôi. Nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau đó, Đức Thánh Linh lại bắt đầu làm việc với tôi về những vấn đề như vậy một lần nữa. Lúc ấy tôi mới nhớ rằng trước đây tôi đã từng tiến đến gần sự tự do như thế nào, và một cách vô ý thức, tôi đã cho phép Satan làm tôi xao lãng lạc mất hướng. Thường “vấn đề” ma quỉ dùng là những điều gì đó mà có thể mở một cánh cửa cho sự xung đột, có thể tự trong chính tôi hoặc là từ một người nào khác.
Tôi thành thật tin rằng đây là một lĩnh vực xứng đáng để quan tâm nhiều đến nó. Hãy suy gẫm về nó và tôi tin rằng bạn có thể thấy một mối đe doạ tương tự như vậy trong suốt cuộc đời bạn. Bạn có nhận thấy rằng khi bạn cố gắng tiến đến một vài mục đích nào đó thì Satan dùng xung đột ở trong một lĩnh vực khác để ngăn chặn tiến trình của bạn không?
Tôi tin rằng chúng ta đang tiến đến một thời điểm mà chúng ta sẽ thấy rất nhiều sự chữa lành về thể xác ở trong thân thể của Đấng Christ. Tôi đã có sự chứng thực về điều này từ những người khác trong chức vụ, những người cũng cảm nhận Chúa đang hướng dẫn trong chiều hướng đó.
Trong suốt nhiều năm chức vụ của tôi, tôi đã thấy rằng Đức Thánh Linh chỉ cho tôi những điều ở tận chân trời phía trước để tôi có thể bắt đầu sửa soạn chính mình cho lĩnh vực đó. Sự chuẩn bị là điều tối quan trọng để được Chúa dùng. Trong trường hợp này, tôi có thể thấy những gì ở trước mặt, tôi biết tôi cần bắt đầu học hỏi Kinh Thánh, cầu nguyện, và tìm kiếm Đức Chúa Trời trong lĩnh vực chữa lành bệnh tật.
Tôi đã nghe tiếng Chúa bảo tôi theo đuổi điều gì và tôi đã bắt đầu. Trong vòng 24 giờ, tôi đã mở ra cho sự xung đột bốn cơ hội. Lúc đầu tôi đã không nhận biết điều gì đang xảy ra, đó chính là nhữngbgì Satan muốn. Sự lừa dối nghĩa là kẻ thù nắm sự chủ động, và chúng ta không biết điều gì đang xảy ra. Trong một ngày có ba nhân viên cần sự sửa trị nghiêm khắc. Tôi không muốn ngụ ý rằng một người nào trong những người có liên quan này là người “xấu”. Đó chỉ là cách mà Satan vận hành, hắn đã khuấy động mọi điều mà hắn có thể để làm xao lãng chúng ta. Hắn dùng sự xung đột để ngăn cản sự tiến bộ của chúng ta. Hắn sẽ cố gắng làm việc qua bất cứ sự yếu đuối nào có trong một người (và tất cả chúng ta đều có một vài yếu đuối) đúng lúc mà dường như chúng ta sắp đột phá đến một sự vinh hiển mới trong đời sống chúng ta.
Cả ba nhân viên đều là những con người đáng quí, những người đã từng bị tổn thương và đau đớn trong quá khứ và họ đang cố gắng vượt qua. Chúng tôi đang cố gắng giúp đỡ họ và làm như vậy chúng tôi phải cứ phải đối diện xử lý một số nan đề. Họ đã bị tổn thương về cảm xúc, và thỉnh thoảng cảm xúc của họ không thể kiểm soát được. Kẻ thù biết hắn có thể ấn đúng nút và khuấy động xúc cảm của họ.
Cuối cùng, sự yếu đuối này sẽ được Đức Thánh Linh kềm chế lại và trở nên một sức mạnh cho những người này. Nhưng hiện nay, nó vẫn là một lĩnh vực mà Satan có thể dùng nếu họ không cảnh giác trước những mưu mô xảo quyệt của hắn. Vì họ làm việc cho chúng tôi, nếu hắn làm cho họ bị khuấy động, tôi sẽ kết thúc công việc của mình để can thiệp với điều ấy. Tôi đã thấy rõ ràng có một sức mạnh “vô hình” đang hoạt động khi cả ba người ấy cùng có một vấn đề trong cùng một ngày.
Cũng trong 24 giờ đó tôi đã có cơ hội bằng vàng để xung đột với chồng tôi về việc liên quan đến con trai của chúng tôi và những ý kiến khác nhau của chúng tôi trong việc giải quyết vấn đề đó với nó. Tất cả cha mẹ đều thỉnh thoảng phải đối diện với những trường hợp này. Tôi cảm nhận một cách, và Dave lại cảm thấy một cách khác. Đây không phải là một vấn đề dài hạn nhưng mỗi lần nó đến, tôi đã phải đè nén cảm xúc của tôi và nhớ rằng Dave là người lãnh đạo của gia đình chúng tôi.
Khi chúng tôi bất đồng ý kiến, tôi có thể nói những gì tôi nghĩ trong một cung cách tôn trọng, nhưng tôi cần phải để quyết định cuối cùng cho anh ấy và giữ sự bình an. Ngay cả khi tôi biết mình nên làm gì, làm điều ấy vẫn đòi hỏi nơi tôi một sự tập trung cao độ nhất định. Vì thế, Satan sắp xếp cho trường hợp đặc biệt này xảy ra chính xác vào thời điểm mà hắn biết rằng nó có thể làm tôi bối rối và khai mở sự xung đột với chồng tôi.
Dĩ nhiên ma quỉ không muốn tôi tiến bộ trong một chức vụ chữa lành. Hắn không muốn tôi học hỏi và nhận được những mặc khải mới. Hắn không muốn tôi giúp đỡ nhiều người hơn và thấy nỗi đau đớn của họ thuyên giảm. Hắn chiến đấu chống lại Hội Thánh và sự phát triển của Hội Thánh bằng nhiều phương cách, nhưng xung đột là một trong những loại vũ khí lừa gạt mà hắn ưa thích nhất. Chúng ta phạm phải sai lầm khi nghĩ rằng những nan đề là con người , trong khi kẻ thù thực sự của chúng ta là linh của sự xung đột .
Hãy khôn ngoan tỉnh thức, đừng cho phép Satan dùng những vấn đề của chúng ta để cản trở công việc của Đức Chúa Trời trong đời sống của một người khác. Không ngạc nhiên khi lời Kinh Thánh trong Mathio 26:41 nói với chúng ta rằng: “Hãy thức canh và cầu nguyện”. Chúng ta phải thức canh với chính mình và tỉnh thức để nhận biết cách mà kẻ thù đang cố gắng làm việc qua những người khác và những hoàn cảnh để ngăn trở sự tiến triển của chúng ta.
Tôi đã làm gì trong bốn trường hợp này? Can thiệp vào những vấn đề này ngay lập tức là trách nhiệm của tôi, nhưng việc tiếp tục chú tâm nghiên cứu học hỏi những điều liên quan đến việc chữa lành bệnh tật cũng rất quan trọng đến nỗi tôi cứ bươn tới trong việc nghiên cứu ấy. Tôi đã cần phải giải quyết từng người có liên quan bằng một cách khôn ngoan trong sự chỉ dạy của Chúa, không để chính mình bị bối rối và nặng nề thêm vì nó.
Đôi khi tôi cũng đã bực mình với những điều cần được giải quyết. Dave thuờng bảo tôi rằng nếu tôi bỏ thì giờ để bực mình về một vấn đề, thì tốt hơn tôi dùng thì giờ ấy để giải quyết nó, và nó sẽ được giải quyết. Dĩ nhiên anh ấy nói đúng, nhưng điều này đang ở trong tiến trình học hỏi đối với tôi.
Cuối cùng tôi đã phải học biết rằng bất cứ ai phải làm việc với nhiều người khác sẽ luôn luôn có nhiều điều để giải quyết. Điều đó không có nghĩa con người là xấu xa; cuộc sống là thế. Chúa muốn chúng ta bước trong sự yêu thương và nâng đỡ nhau, soi sáng và làm mạnh mẽ lẫn nhau, khích lệ sự tăng trưởng của nhau.
Satan muốn xung đột, tranh cãi, xét đoán, công kích và sự yếu đuối. Hắn biết rằng hắn có thể làm mất đi sức mạnh của bất kỳ tập thể nào bằng sự chia rẽ. Tôi cần phải cầu nguyện và nương cậy sự dẫn dắt của Chúa để nói ra những điều đúng đắn với họ. Tôi không cần phải bỏ thời gian ngày đêm để tâm lặp đi lặp lại những gì tôi sẽ nói với họ. Satan muốn nhồi nhét vào đầu tôi những ý tưởng vô ích.
Đã bao lần chúng ta bỏ hằng giờ để lặp đi lặp lại những gì chúng ta sẽ phải nói với một người nào đó, và khi đối diện với họ, chúng ta không nói được gì về nó hết! Tất cả thời gian suy nghĩ đó đã trở nên lãng phí. Chúng ta lẽ ra đã có thể dùng khoảng thời gian ấy để suy gẫm Lời Chúa về sự tốt đẹp của Ngài.
Nếu chúng ta tin cậy Đức Chúa Trời, Ngài sẽ hướng dẫn chúng ta những gì chúng ta phải nói đúng thời điểm. Tôi nên đưa ra một số ý tưởng hợp lý về những gì tôi sẽ nói dể có được sự chuẩn bị đúng đắn, nhưng nếu đi vượt quá sự quân bình thì sẽ cho phép ma quỉ làm phung phí thì giờ của tôi và ngăn trở sự tiến bộ của tôi.
Hãy nhớ rằng ma quỉ có thể cố gắng dùng xung đột để ngăn chặn bạn tiến về phía trước trong suốt những lần thay đổi. Giai đoạn thay đổi thường rất khó khăn, nhưng chúng nó dẫn chúng ta vào những địa hạt mới của sự vinh hiển. Hãy tỉnh thức, cầu nguyện, và khôn ngoan đối với những sự lừa bịp và những chiến lược của kẻ thù.

HIỆP MỘT, CHÚNG TA SẼ ĐỨNG VỮNG.
CHIA RẼ, CHÚNG TA SẼ SỤP NGÃ

Trong suốt thời gian viết quyển sách này tôi đã nhận thấy một sự tấn công ngày càng gia tăng từ linh của sự xung đột. Tôi đã có nhiều cơ hội để vướng vào xung đột hơn bình thường. Tôi thấy kỳ lạ, điều gì đang xảy ra vậy? Mãi cho đến khi sắp hoàn thành quyển sách tôi mới nhận ra rằng Satan đã tấn công tôi bằng sự xung đột. Rõ ràng nó muốn làm tôi xao lãng, hoặc gây xung đột trong chính tấm lòng tôi để tôi không được Chúa xức dầu trên tài liệu này.
Những việc nhỏ nhặt thường không làm tôi bận tâm gì cả, những điều mà tôi đã từng chiến thắng trước đây rất lâu lại bắt đầu quấy nhiễu tôi. Tôi đã phải thực hiện quyết định tha thứ và không ở trong sự xung đột.
Suốt hai kỳ hội thảo của chúng tôi, đã có một vài va chạm giữa những thành viên trong chúng tôi. Hai nhân viên trong văn phòng của chúng tôi có sự xung đột với nhau, và chúng tôi cần phải giúp họ hòa giải.
Những trường hợp khác đã xảy ra, tất cả đều không nghiêm trọng, nhưng nếu không được can thiệp đúng mức, chúng sẽ biến thành những vấn đề nghiêm trọng. Để kết thúc quyển sách này, tôi muốn nhắc bạn nguyên tắc hàng đầu để vượt qua xung đột: Hãy học để có thể nhận diện và đối phó với xung đột.
Nếu bạn không nhận ra nó, nó sẽ xé toạc cuộc đời bạn ra từng mảnh, và bạn sẽ đổ lỗi vấn đề của bạn trên mọi thứ khác chớ không phải cội rễ của những vấn đề. Khi bạn nhận ra nó, bạn phải đối phó với nó. Nếu bạn không đối phó với nó, bạn sẽ bị nó hủy diệt.
Không ai tránh khỏi bị tấn công. Trong Luca đoạn 4 chính Chúa Jesus cũng bị ma quỉ cám dỗ và thử thách trong đồng vắng:
“Ma quỉ dùng hết cách cám dỗ Ngài rồi, bèn tạm lìa Ngài” (Luca 4:13).
Những nguyên tắc về sụ xung đột và những mối hiểm họa của nó đã được thiết lập trong đời sống và tâm hồn tôi khá lâu dài, nhưng Satan thấy việc viết quyển sách này là thời gian cơ hội để thử tôi một lần nữa. Tôi chia sẻ những điều này với bạn bởi vì tôi muốn bạn hiểu rằng Satan thường xuyên dùng xung đột trong việc cố gắng hủy hoại đời sống của chúng ta.
Vững vàng chống lại linh của sự xung đột thêm sức mạnh cho sự hiểu biết và nhận thức của tôi về nó. Tôi tin rằng chưa bao giờ tôi mạnh mẽ hơn lúc này trong việc chống cự lại nó. Khi bạn thực hành đức tin của bạn trên bất cứ lĩnh vực nào, điều ấy sẽ làm cho đức tin của bạn vững mạnh hơn.
Suốt cuộc hội thảo về linh của sự xúc phạm, tôi đã yêu cầu một nhóm người theo dõi bảng ghi lại mức độ thường xuyên họ đã có cơ hội để bước vào sự xung đột hoăc trở nên bực mình. Một phụ nữ đã cho biết bà ta đã có 40 cơ hội trong một tuần. Điều này có vẻ kinh ngạc, nhưng thật ra, có thể đây chỉ là một số nhỏ so với một số người khác.
Vòng tàn phá của sự xung đột có thể bắt đầu từ một sự ngẫu nhiên rất nhỏ. Cham Ngon 17:14 nói, “Khởi đầu tranh cạnh, ấy như người ta mở đường nước chảy; vậy khá thôi cãi lẫy trước khi đánh lộn”.
Nếu bạn nghĩ bạn đã làm ai đó bực mình, hãy đi thêm một dặm và đơn giản nói rằng: “Nếu tôi đã làm phiền bạn, cho tôi xin lỗi”. Rồi nếu bạn khám phá rằng họ đã thật sự bị xúc phạm, đơn giản cầu xin sự tha thứ của họ. Năng lực của những lời “Xin vui lòng tha thứ cho tôi” thật đáng ngạc nhiên! Có thể người ta từ chối tha thứ bạn, nhưng ít nhất bạn đã làm trọn phận sự của mình và có thể ở trong sự bình an.
Nếu ai đó đã xúc phạm bạn, hãy tha thứ cho họ – và tha thứ mau chóng. Hãy bảo vệ tấm lòng bạn. 4:23 nhắc chúng ta rằng: “Khá cẩn thận giữ tấm lòng con hơn hết, vì các nguồn sự sống do nơi nó mà ra”.
Một sự tuôn chảy quyền năng của sự sống sẽ bắt nguồn từ một tấm lòng đầy tràn Lời Chúa, nhưng tấm lòng phải được che chở khỏi những sự cay đắng và xung đột. Hãy chống cự lại ma quỉ ngay đợt tấn công đầu tiên của nó. Đừng chần chừ đợi xem vấn đề có nghiêm trọng không. Hãy đối xử với xung đột như là một bệnh dịch! Hãy nhận thức Satan đang lẫn trốn xung quanh, tìm bất cứ sơ hở nào để bò vào. Mục đích của hắn là sự chia rẽ.
“Đức Chúa Jêsus biết ý tưởng họ, thì phán rằng: Một nước mà chia xé nhau thì bị phá hoang; một thành hay là một nhà mà chia xé nhau thì không còn được” (Mathio 12:25).
Câu Kinh Thánh này mô tả sự tàn hại xảy ra khi xung đột phát triển. Điều căn bản câu Kinh Thánh muốn nói là một ngôi nhà, gia đình, Hội Thánh, thành phố hay vương quốc mà bị chia xé sẽ bị hoang tàn, hoang vu. Một nơi như thế sẽ không thể tiếp tục đứng vững được. Nó có thể tồn tại trong một khoảng thời gian nhưng nó sẽ không kéo dài đến muôn đời.
Tôi tin rằng gia đình của chúng ta sẽ tồn tại đến đời đời qua tài sản kế thừa là Lời của Chúa khi Chúa đã tạo lập gia đình của chúng tôi. Tôi tin rằng chức vụ của chúng tôi sẽ bền vững, và rồi con cháu chúng tôi sẽ nối tiếp chúng tôi từ thế hệ này sang thế hệ khác vì nó đã được thiết lập trên nền tảng của sự bình an. Tôi cũng hết sức cảnh giác những cơ hội liên tục của xung đột và chia rẽ, và chúng tôi phải luôn kiên quyết như thế nào để tránh khỏi xung đột.
Bạn có một sự kêu gọi đặc biệt trong đời sống của bạn. Bạn là một phần quan trọng trong thân thể Chúa Cưú Thế. Chúa đã dự định trước cho bạn một đời sống đầy quyền năng và kết quả. Chúa Jesus đã trả giá cho điều ấy. Nó là của bạn nếu bạn không cho phép ma quỉ cướp lấy nó khỏi bạn.
Bạn phải để lại một tài sản cho thế gian và hoàn tất công việc mà Ngài đã kêu gọi bạn. Sự xức dầu của Chúa ở trên bạn trong mỗi công việc của bạn. Đừng ngăn trở dòng chảy của sự chúc phước bằng cách để cho xung đột xâm phạm vào đời sống của bạn. Hãy sống làm theo mọi điều Chúa đã kêu gọi bạn. Hãy sống hòa bình với chính mình, với Chúa và với mọi người.
“Hãy cự những lời bàn luận điên dại và trái lẽ, vì biết rằng chỉ sanh ra điều tranh cạnh mà thôi. Vả, tôi tớ của Chúa không nên ưa sự tranh cạnh; nhưng phải ở tử tế với mọi người, có tài dạy dỗ, nhịn nhục” (IITimothe 2:23, 24).