Bây giờ chúng ta đến câu hỏi: Thế nào là một người cha?
Từ ngữ người cha cần được định nghĩa lại, vì chúng ta thường hay liên tưởng đến từ ngữ này một cách giới hạn qua những kinh nghiệm với người cha trên đất này.

Có lẽ vài người trong chúng ta nghĩ đến “cha” như một hình ảnh mù mờ vì chúng ta lớn lên mà không hề liên hệ đến cha. Những người khác liên tưởng từ ngữ ấy với một người lúc nào cũng la mắng ra lệnh cho từng người trong nhà. Đối với vài người, ông cha là một nhân vật xa lạ mà khi có cha hiện diện họ không dám chuyển động hoặc lên tiếng. Vẫn có những người suy nghĩ đến cha như một người bận rộn, quá sốt sắng để tận hiến những gì người ấy có được cho sinh kế gia đình đến nỗi không có thì giờ chìu nựng con. Vẫn có nhiều người trong chúng ta, chữ “cha” dấy lên những ký ức thỏa lòng, những giờ hạnh phúc và chúng ta nghĩ cha mình là những nhân vật “vĩ đại.” Tuy nhiên, người Cha Mẫu Mực của chúng ta là DCT. Chính Ngài nói rằng Ngài là Cha của chúng ta. Chúa Jêsus dạy các môn đồ cầu nguyện với DCT và gọi Ngài là “Cha của chúng con.” Vì thế những người cha Cơ Đốc cần phải suy xét đến loại người Cha như chính DCT đã bày tỏ và tập tành đời sống mình theo Ngài. Chúng ta đọc được trong Gieremi 31:9“Chúng nó khóc lóc mà đến, và Ta sẽ dẫn dắt trong khi chúng nó nài xin Ta; Ta sẽ đưa chúng nó đi dọc các bờ sông, theo đường bằng thẳng, chẳng bị vấp ngã. Vì Ta làm cha Ysơraên, còn Épraim là con đầu lòng Ta.” Cha có nghĩa là người mà con cái có thể chạy đến nương dựa những khi gặp cảnh khốn cùng, buồn thảm và đau khổ. Cha phải là người lau nước mắt cho con, làm vơi nỗi buồn thảm và làm dịu cơn đau của con. Các con trai và con gái của ông có thể giải bày tâm sự cách cởi mở và biết chắc cha chúng là người sẵn lòng lắng nghe, hiểu và giúp đỡ chúng. Chắc chắn người cha phải là người đầy cảm thông, nồng hậu và dễ gần gũi. Rủi thay, không có mấy người cha được như thế ngay cả những người cha Cơ Đốc. Hầu hết các ông cha đều ráng đóng vai của một “nhân vật siêu nhiên.” Họ làm như mình là người rất tốt lành chẳng hề có lỗi lầm nào, can đảm vô cùng chẳng hề sợ một thứ gì và hết sức mạnh mẽ đến nỗi không chịu đựng được một khuyết điểm nào. Một đứa trẻ đã có ấn tượng như thế về cha mình sẽ không hề dám đến gần ông khi nó cần sự giúp đỡ. Nó sẽ nghĩ rằng cha mình không thể nào cảm thông nỗi. Ông sẽ không thể nào hiểu nỗi. DCT là Cha chúng ta thì chẳng phải như vậy. Ngài rất cởi mở và sẵn lòng an ủi. Khi chúng ta đến cùng Ngài với nước mắt đau đớn hoặc sầu thảm, Ngài sẽ ôm chúng ta vào lòng với sự cảm thông. Rồi Ngài để chúng ta ra đi với những giọt nước mắt vui mừng vì đã được rịt lành và an ủi. Người cha có nghĩa là người dẫn đường, tức là phải làm gương và đưa lối bằng cách tỏ ra mình biết rất rõ mình chỉ là một người bất toàn. Trong một ẩn dụ của Giêrêmi, chúng ta nghe DCT công bố: “Ta sẽ trông nom và dẫn chúng về nhà. Chúng sẽ bước đi bên dòng suối bình tịnh và không hề vấp ngã.” Còn đứa con nào cần được dẫn về nhà nếu không phải là những đứa con đầy lỗi lầm, ương ngạnh và hư mất. Một số gia đình Cơ Đốc đang mang những vết thương vì có những đứa con trai cứng đầu và nổi loạn, phạm tội ác hoặc những đứa con gái nghiện thuốc phiện. Hầu hết những người cha này làm gì? Họ giận dữ và mắng chửi. Họ chỉ có thể nghĩ đến danh thể tốt đẹp hoặc chỗ đứng của họ trước xã hội mà thôi. Bậc làm cha cần ý thức rằng một phần trong trách nhiệm làm cha là dẫn dắt những người con hoang đàng ấy về nhà, nghĩa là trông mong con trở về và chào đón con. Trách nhiệm của người cha là phải phục hồi con về với sự ấm áp và tình thông công của gia đình, phục hồi niềm tự tin vào chính mình và nơi sự nhơn lành của DCT, để lại vui sống sau những ngày lầm lạc. Một người cha cũng có nghĩa là một nơi ẩn náu. Trong cơn thống khổ Đavít đã kêu la cùng DCT: “Hỡi DCT, xin hãy nghe tiếng kêu của tôi, lẳng nghe lời cầu nguyện tôi. Khi tôi cực lòng, tôi sẽ kêu cầu cùng Chúa từ nơi cực địa; xin hãy dẫn tôi lên hòn đá cao hơn tôi. Vì Chúa là nơi nương náu cho tôi. Một tháp vững bền để tránh khỏi kẻ thù nghịch. Tôi sẽ ở trong trại Chúa mãi mãi, nương náu mình dưới cánh của Chúa.” Theo Edith Schaeffer trong phần “Một Sứ Điệp Dành Cho Những Kẻ Làm Cha” của tờ Cơ Đốc Giáo Ngày Nay thì trong “nơi ẩn náu” chúng ta được tránh khỏi “gió, mưa, băng tuyết, lạnh, nóng, đất cát, muỗi mòng hay những đội quân của loài người.” Một người cha được xem như một tháp che vững chắc. Chính từ ngữ “cha” phải gợi lên trong chúng ta một cảm giác an ninh. Nơi nương náu của DCT đẩy lùi những cơn nguy hiểm nhưng đồng thời cũng đưa chúng ta đến những thực tại đầy trọn. Ít nhất, một gia đình vây quanh bên bếp lửa chia xẻ với nhau những suy nghĩ và kinh nghiệm trong bầu không khí ấm áp và quan tâm là nơi phản ảnh được sự trọn vẹn của Đức Chúa Trời. Ngài luôn sẵn sàng lắng nghe và khuyên nhủ, và ‘trong nơi Ngài hiện diện có đầy dẫy sự vui mừng’” Mạnh mẽ là một đặc tánh nữa của Đức Chúa Trời với tư cách là Cha. Tác giả Thi Thiên công bố trongThi Thien 46:1 rằng: “DCT là nơi nương náu và sức lực của chúng tôi, Ngài sẵn giúp đỡ trong cơn gian truân.” Có lẽ những người cha trên đất này không có loại sức lực của DCT nhưng bao lâu còn sống thì họ phải hết sức mình đem lại sức lực về thuộc thể, đạo đức và tâm linh cho các con. Trẻ con rất vui thích với một người cha khỏe mạnh vì chúng có thể đu lên tay cha hoặc bắt cha cõng trên lưng. Nhưng điều cần thiết nhất là những người cha mạnh mẽ về mặt đạo đức và là người nắm lấy những sự tin chắc mà DCT đã ban cho. Loại người cha Cơ Đốc mạnh mẽ này cần được phát huy và lưu truyền lại cho con cháu, vì đó là một di sản sẽ bảo đảm cho sự làm chứng về Chúa Jêsus cách liên tục từ đời này sang đời kia giữa xã hội trần tục này. Hỡi người làm chồng và làm cha, DCT đã nêu lên một Khuôn Mẫu Hoàn Hảo cho những người nam Cơ Đốc đã lập gia đình. Nguyện chúng ta cố gắng noi theo hình ảnh của Ngài!

VAI TRÒ NGƯỜI VỢ

DCT không dự định thành lập hôn nhân để chứng minh người nữ bình đẳng với người nam. Ngài đã lập ra hôn nhân để bày tỏ sự kết hợp hài hòa giữa nam nữ và cho thấy họ cần đến nhau biết bao. Êva bổ sung cho Ađam và Ađam bù khuyết cho Êva. Họ thuộc về nhau như một tổng thể gồm có hai phần, đó chính là công việc kỳ diệu của cánh tay Đấng Toàn Năng. Ađam thừa nhận vợ mình như là “xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra”. Trong tâm trí của DCT Ngài không hề thắc mắc họ có bình đẳng với nhau hay không. Không thể có sự liên hợp “một thịt” nếu người này là thấp kém đối với người kia. Phao Lô nói rằng: “Song trong Chúa thì người nữ vẫn cần đến người nam, người nam vẫn cần đến người nữ; Vì người nữ đã ra từ người nam, thì người nam cũng phải sanh bởi người nữ, và cả thảy đều ra bởi DCT…” Chúng ta phải hiểu thật rõ tư tưởng nói rằng chồng và vợ bổ sung cho nhau. Bổ sung cho nhau có nghĩa là bù vào những chỗ trống hay làm cho trọn những chỗ còn thiếu. Chồng và vợ bổ sung những nhu cầu của nhau một cách hỗ tương. Điều này hoàn toàn khác hẳn với sự thích hợp. Tính tương hợp là khả năng chung sống với nhau cách rất hòa thuận. Nếp sống này chủ yếu nhắm vào những sở thích chung và quan điểm giống nhau của cả hai về những điều họ cho là có giá trị. Những cặp vợ chồng có thể đem vào hôn nhân các sở thích chung là điều rất hay rất tốt. Nhưng kinh nghiệm hàng ngày cho chúng ta thấy đời sống hôn nhân bày tỏ những sự khác biệt hoàn toàn giữa chúng ta với người bạn đời. Chúng ta có thể kể ra hằng trăm điều khác biệt lớn nhỏ giữa mình với người kia và chỉ có thể kiếm được vài cái tương đồng. Và đôi khi nếu phải đồng ý thì chúng ta cũng làm điều ấy cách miễn cưỡng. Nếu hai người đã sẵn hòa hợp với nhau, thì chúng ta có rất ít công việc phải thực hiện để giữ cho hôn nhân tồn tại và có mục đích. Nhưng nếu chúng ta bước vào hôn nhân để bổ sung cho nhau, để chia xẻ, để ban cho, để yêu thương, để giúp người kia trở thành người trọn vẹn và đầy đủ, thì chúng ta sẽ làm trọn mục đích của DCT dành cho hôn nhân. Cô vợ là người nắm giữ chìa khóa về tư tưởng của ‘sự bù đắp’ ấy. Cô ta được tạo dựng nên để hỗ trợ, để trở thành một người ‘giúp đỡ’. “Vì người nam không phải được dựng nên từ người nữ, nhưng người nữ ra từ người nam. Không phải đàn ông vì cớ đàn bà mà được dựng nên, bèn là đàn bà vì cớ đàn ông vậy.’ Hầu hết phụ nữ chúng ta đều không ưa ý tưởng này. Từ ngữ ‘người giúp đỡ’ khiến chúng ta nghĩ đến một người kém cõi và ở vị trí thấp hơn. Chúng ta tưởng tượng chính mình phải cuối rạp xuống và khúm núm trước người nắm quyền hành. Chúng ta nghĩ trở nên một người giúp đỡ là trở nên một kẻ nô lệ. Tư tưởng ấy thật khác xa với ý nghĩ của DCT biết bao! Thành ngữ ‘người giúp đỡ’ đơn giản có nghĩa là “một người giúp đỡ đáp ứng cho anh ta” hay ‘một người đáp lời anh ta.” Cô chia xẻ những trách nhiệm của chồng, đáp ứng với bản chất của anh ta trong sự yêu thương, am hiểu và hết lòng cộng tác với anh trong việc thực hiện kế hoạch của DCT. Cô ta tiêu biểu cho một người nương dựa nơi chồng mình và không thể trọn vẹn được nếu thiếu chàng…Vì người nữ được tạo dựng nên từ xương sườn của người nam nên cô được cột chặt vào chàng và chịu trách nhiệm làm người giúp đỡ chàng.” Chia xẻ. Đáp ứng. Cộng tác. Đây là một nhiệm vụ thật nặng nề. Chia xẻ nghĩa là loại trừ sự ích kỷ, đáp ứng lại đòi hỏi sự nhạy bén, và muốn cộng tác được cần phải có nỗ lực. Bây giờ chúng ta hãy xem những trách nhiệm của chồng là gì và làm thế nào vợ có thể cùng chồng chia xẻ những trách nhiệm ấy? Ông chồng với tư cách là đầu gia đình được Chúa kêu gọi để thực hiện trọng trách xây dựng mái ấm. Người vợ chia xẻ trách nhiệm này bằng cách xem gia đình là mối quan tâm hàng đầu của mình. Hầu như chúng ta có thể nghe được tiếng phản đối của nhiều người nữ tân thời theo phái ‘tự do’, những cô gái có nghề nghiệp và các bà mẹ làm công việc bên ngoài. Ở nhà, giữ cho nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, giặt đồ, nấu ăn, sửa đổi và chỉnh đốn con cái từ năm này sang năm khác chẳng mang vẻ của cuộc đời đầy ý nghĩa chút nào. Chúng ta ao ước được bày tỏ chính mình qua công việc mà chúng ta đã được huấn luyện! Nóng lòng được nổi danh giữa đồng bạn. Chúng ta làm như vậy với một lý do tốt, để có thể thêm chút ít vào ngân quỹ gia đình. Chúng tôi không hề có ý nói rằng những người vợ, người mẹ như chúng ta đi làm công việc bên ngoài là hoàn toàn sai. Chúng ta nên đi làm việc nếu điều đó là cần thiết. Nhưng đừng bao giờ để cho nghề nghiệp, ngay cả sự kêu gọi vào “chức vụ hầu việc Chúa” nắm lấy quyền ưu tiên của chồng và con chúng ta. Khi một thiếu nữ đang hầu việc Chúa quyết định lập gia đình, thì chức vụ của cô chính là chồng và mái ấm gia đình và điều đó thật sự đến từ Chúa. Có lẽ chúng ta chống đối ý tưởng này nhưng vấn đề thực sự là thế. Peter Marshall là một nhà truyền giáo trứ danh vào thời của ông, đã khen ngợi các bà mẹ bằng cách nói rằng: Chúng ta nghe rất nhiều về những người nữ khác nhau, nào là những người nữ đẹp đẽ, những người nữ khôn ngoan, những người nữ tinh vi, những người nữ có tài, những người nữ bị li dị… nhưng thật hiếm khi chúng ta nghe tiếng tăm về một người nữ tin kính, hay một người nam tin kính. Tôi tin rằng gia đình là nơi những người nữ càng đến gần hơn với việc hoàn thành chức năng mà DCT ban cho họ hơn bất cứ nơi nào khác. Phao Lô đã khuyên Tít dạy dỗ những người đàn bà trẻ tuổi “phải biết yêu chồng con mình, có nết na, trinh chánh, trông nom việc nhà; lại biết ở lành, vâng phục chồng mình, hầu cho đạo DCT khỏi bị một lời chê bai nào.” (Tit Tt 3:4-5) Chúng ta cũng chia xẻ trách nhiệm với chồng trong việc thực hiện những quyết định. Thật ra ảnh hưởng của chúng ta rất lớn đến nỗi có thể khiến anh thay đổi suy nghĩ của mình. Chúng ta đã từng nghe câu thành ngữ, nếu chồng là đầu thì vợ là cổ. Và cô có thể quay anh theo bất cứ hướng nào mà cô muốn. Thật ra chúng ta chẳng nên làm thế. Ai trong chúng ta cũng nhận biết một cách mạnh mẽ rằng là người vợ Cơ Đốc chúng ta phải thật cẩn trọng trong việc sử dụng ảnh hưởng của mình trên chồng để anh ta phải thất bại trong việc làm trọn vai trò làm đầu mà DCT đã giao phó cho anh. Cô có thể đề nghị. Cô có thể giúp anh đo lường những điểm lợi và bất lợi. Cô có thể đưa ra những cái để chọn lựa. Nhưng cô nên trao quyền quyết định sau cùng cho chồng. Nếu anh ta phạm lỗi, hãy cho anh đặc ân ấy. Hãy chia xẻ lỗi lầm ấy với anh và đừng vì cớ gì mà đỗ lỗi cho anh. Nếu cô ta đỗ lỗi cho chồng (như cô vẫn bị cám dỗ để làm vậy) cô đã thất bại trong việc bù đắp vào khoảng trống của chồng. Thậm chí cô còn phạm lỗi vì đã tạo ra một khoảng cách giữa đôi bên. Lời Chúa trong Cham Ngon 31:12 nói rằng: “Trọn đời nàng làm cho chồng được ích lợi, chứ chẳng hề làm tổn hại.” Nếu chồng là người lao động chính của gia đình thì trách nhiệm của vợ là sử dụng đồng tiền khó nhọc cách khôn ngoan để chia xẻ với chồng. Các bà vợ Philippine hay có khuynh hướng sống rất phung phí. Chúng ta muốn mình trở nên xinh xắn và bắt mắt, thế là cứ làm mọi cách để đạt cho được. Chúng ta ao ước nhiều điều cho gia đình mình và muốn sống cách sung sướng. Đây là những ước muốn hợp lý nhưng chúng ta cần nhạy bén đủ để đặt những điều quan trọng nhất lên hàng đầu. Chúng tôi có biết một ông chồng nọ cứ mãi thay đổi công việc của mình. Ông luôn luôn tưởng tượng đến việc ăn cắp tiền vặt. Vì vợ ông, một Cơ Đốc Nhân, là người “bạn đời đắt giá” mà ông đang giữ trong nhà. Cô ta đòi hỏi nhiều thứ xinh xắn mà ông không thể cung phụng. Những người làm vợ nên nhớ rằng, chúng ta có thể mua được những vẻ đẹp đầy màu sắc, nhưng vẻ đẹp thật là vẻ đẹp bề trong và vẻ đẹp ấy cần phải được tăng trưởng. Thánh Kinh nhấn mạnh rằng: “Nhưng hãy tìm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quí trước mặt DCT.” (IPhiero 3:4) Cũng thật thú vị khi chúng ta thấy người vợ được mô tả trong Châm Ngôn 31 là người thật bận rộn với những công việc thực tế. Cô ta đã chia xẻ gánh nặng kinh tế của gia đình qua những công việc này. “Nàng lo tìm lông chiên và gai sợi, lạc ý lấy tay mình mà làm công việc…nàng tưởng đến một đồng ruộng bèn mua nó được; nhờ hoa lợi của hai tay mình, nàng trồng một vườn nho. Nàng thắt lưng bằng sức lực, và làm hai cánh tay mình ra mạnh mẽ. Nàng cảm thấy công việc mình được ích lợi; ban đêm đèn nàng chẳng tắt…Nàng chế áo và bán, cũng giao đai lưng cho con buôn.” Người vợ được bình đẳng với chồng trong việc chia xẻ trách nhiệm kỷ luật và huấn luyện con cái. Peter Marshall rất thích gọi các bà vợ một cách sinh động là “những người gìn giữ mùa xuân.” Từ khi con cái còn bé bỏng được ôm ấp trong tay, ngồi trên lòng, chúng ta nên bắt đầu dạy dỗ chúng về DCT, về chân lý, việc tôn trọng người khác, yêu thương và những đức tính khác nhau của CDN. “Hãy dạy trẻ thơ con đường nó phải đi, hầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó.” Cham Ngon 22:6. Billy Graham nói rằng: “Trừ khi bạn đã có trong tay đứa con khá tốt đẹp vào cỡ năm hoặc sáu tuổi, còn không thì dường như đã quá trễ. Kinh Thánh nói rằng, ‘chỗ này một chút, chỗ kia một chút…giềng mối thêm giềng mối.’ Bạn không thể đợi đến khi con được 12, 13 tuổi rồi mới đột nhiên tọng một mớ tôn giáo vào cổ họng chúng. Như vậy chẳng ích lợi gì đâu. Ngay từ khi còn nhỏ, chúng đã được bạn bắt đầu dạy dỗ cứ mỗi lần một ít. Chúng ta cũng biết đôi khi các bà mẹ có tấm lòng rất mềm yếu. Chúng ta không đánh con được. Và lại đau đớn mỗi khi thấy chúng bị cha đánh. Nhưng kinh nghiệm cho biết rằng cây roi là vật rất cần thiết. “Sự ngu dại vốn buộc vào lòng con trẻ song roi răn phạt sẽ làm cho sự ấy lìa xa nó.” 22:15. Đừng thả lỏng con cái nhưng hãy kỷ luật chúng, việc kỷ luật không làm tổn hại đến chúng đâu. Bạn cứ lấy roi đánh vào mông, chúng chẳng chết đâu! Sự sửa phạt sẽ cứu chúng khỏi địa ngục. Cuối cùng, chúng ta hãy cố gắng chia xẻ những sở thích của anh ta. Dầu cho đó có là cổ phần, việc chăn nuôi gà vịt hay điện đóm. Một Mục sư kia than thở, “Làm sao tôi có thể chia xẻ những khám phá kỳ diệu về thần học trong khi vợ tôi thậm chí còn không muốn nghe chứ đừng nói chi đến việc tìm xem những khám phá đó là gì!” Người làm vợ phải luôn ghi nhớ một nguyên tắc chung: bất cứ điều gì làm cho một người ham thích, người ấy sẽ bị thu hút vào đó và dành thì giờ, sức lực mà cứ suy nghĩ về nó. Người ấy muốn được nói thật nhiều về vấn đề đó. Nếu một bà vợ lơ là trước những sở thích của chồng, cô ta đang trong nguy cơ trầm trọng bị mất anh ta. Sự thông công của họ sẽ bị giới hạn. Họ không còn muốn chia xẻ với nhau về một vài vấn đề nữa. Một số niềm vui khi cùng có nhau trong công việc sẽ bị mất đi. Không gì có thể so sánh được với sự gặp gỡ chân thật của hai tâm trí trong tình yêu hôn nhân. Không những vợ là người hỗ trợ cho chồng trong lãnh vực chia xẻ những sở thích, nhưng cô còn dùng sự hiểu biết và tình yêu thương đáp ứng với chính con người của anh ta nữa. Có nghĩa là cô phải nhạy bén trước nhu cầu của anh và rất cảm thông trước những nỗi yếu đuối của anh. Khi anh ta có nhu cầu về tình dục để khẳng định tình yêu thương, cô sẵn lòng cho anh chính thân thể mình cách vui vẻ. Nếu anh ta bị nản lòng, cô nói lời an ủi và có những cử chỉ khẳng định tình yêu cô dành cho anh. Cô thấu hiểu những nỗi đau và xúc cảm của anh. Cô chấp nhận sự bất toàn của anh như cô đã chấp nhận con người của anh cách đây nhiều năm. Làm điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng đâu. Vì bẩm sinh người vợ không phải là một thiên thần. Cô cũng có những nỗi phiền muộn riêng và những tâm tánh xấu xa. Cô cũng muốn được yêu và được cảm thông như bất cứ con người nào. Chính cô cũng cần sự hỗ trợ của chồng. Chồng và vợ phải cùng nhau cầu nguyện thế nào để bởi ân điển, ý chỉ của Chúa phải được trọn vẹn trên đời sống của họ. Cuối cùng, chồng mong đợi vợ hết lòng cộng tác với anh trong việc thực hiện kế hoạch của DCT. Trong hôn nhân Cơ Đốc, kế hoạch của DCT là hình ảnh của Đấng Christ được bày tỏ qua đời sống của hai người. Ý chỉ của Ngài là qua tình yêu của chồng đối với vợ và sự vâng phục của vợ đối với chồng, người ta sẽ nhận biết Đấng Christ yêu Hội Thánh, là cô dâu mà Ngài đã mua chuộc bằng chính huyết Ngài biết bao. Những cặp vợ chồng Cơ Đốc cần có sự nhận biết Đấng Christ mỗi ngày để hôn nhân của họ được trọn vẹn và hạnh phúc. Chúng ta dễ có khuynh hướng quên DCT trong nỗi bận rộn kiếm sống hằng ngày. Có lẽ chúng ta cũng có giờ đọc Kinh Thánh và buổi nhóm gia đình gia đình lễ bái. Nhưng những thì giờ đó chỉ tô điểm cho sự khô khan vô vị của tâm linh chúng ta, chỉ là những nghi thức Cơ Đốc vô nghĩa mà thôi. Một lần kia, tôi nằm trong căn phòng giữa đêm đen không ngủ được và ôn lại những ngày vừa qua. Những điều không hay giữa nhà tôi và tôi. Chúng tôi cứ thường xuyên cãi nhau về những vấn đề mà ngày xưa chúng tôi cho là chuyện không đáng. Nhà tôi là người hay phê phán. Tôi bị tổn thương và ném trả lại bằng những lời phê bình nham hiểm. Tôi tự hỏi, “Tại sao điều này lại xảy đến với chúng tôi?” Những ngày qua đầy sự xa cách, lạnh nhạt, thờ ơ. Tôi đã làm gì sai? Có bổn phận nào mà tôi không chu toàn với anh ta? Tôi nhìn vào chính mình, và đã tìm thấy câu giải đáp. Tôi đã mất đi sự gần gũi với Chúa. Gần gũi Ngài là kết quả của mối quan hệ hạnh phúc giữa hai chúng tôi. Mấy ngày qua tôi không nhắc tên anh khi đến với Chúa. Thật ra lời cầu nguyện dường như khô cứng trên miệng tôi và lời Ngài không còn phán bảo với tôi nữa. Vì tôi quá bận rộn. Tôi nhận thức được tình trạng của mình và biết phải làm lại từ đầu. Nhưng đây không phải là lần cuối tôi vi phạm lỗi lầm này. Nhà tôi và tôi sẽ còn phải làm mới lại mối thông công và sự cảm thông nhau nhiều và nhiều lần nữa. Nhưng điểm bắt đầu phải luôn luôn với DCT. Hãy có mối quan hệ phải lẽ với Ngài. Vì chúng ta là những người hay quên biết bao.

VẤN NẠN TIỀN BẠC

Tôi sờ tay vào mấy củ hành không được ngon lắm chuẩn bị nấu chung với một nhúm đậu. Lòng tôi chùng xuống. Không có đủ thức ăn cho bữa trưa hôm nay. Tôi lại vừa mới vét thùng gạo để nấu lấy nước pha bình sữa cuối cùng cho đứa bé hai tháng. Quả là một ngày “sạch sẽ”, điều này thật sự đã xảy đến cho tôi. Không có thức ăn, không có sữa cho con mà cũng chẳng còn tiền. Tôi biết. Tôi đã lộn hết tất cả các túi của tất cả các giỏ xách mà chẳng có đồng nào rớt ra. Gia đình nào cũng bị vấn đề tiền bạc chi phối khi này khi khác, nếu không nói hầu như mọi lúc. Trong nhiều gia đình tiền bạc là nguyên nhân của những bực tức và những cuộc cãi vã vặt vãnh thường xuyên giữa vợ chồng. Sở dĩ như vậy vì từ những ngày đầu trong đời sống hôn nhân, hai người đã không vạch ra một phương hướng để đối phó với những cơn khủng hoảng đó. Thời còn con gái, tôi vẫn thường có đủ tiền để chi dùng, vì thế trong năm đầu tiên của thời kỳ hôn nhân lòng tôi rất âu lo mỗi khi chúng tôi chẳng có đồng nào suốt mấy ngày liền. Nhưng nhà tôi là Mục sư đã sớm dạy dỗ tôi. Anh nói, “khi chúng ta có tiền, hãy ngợi khen Chúa, và khi không có tiền, hãy kiên nhẫn. Nhưng vẫn cứ ngợi khen Ngài như khi có tiền vậy.” Tôi học tập để cũng biết yêu thích triết lý của nhà tôi, là triết lý mà sau bao nhiêu năm tháng tôi vẫn khám phá ra rằng đây là thái độ yên nghỉ tuyệt vời. Cũng không cảm thấy mình có nhu cầu nào nữa. Tuy nhiên, tôi không có ý nói rằng tiền bạc là không quan trọng. Tiền bạc rất quan trọng. Chúng ta cần tiền bạc để sống động trong nền kinh tế chuyên sử dụng tiền này. Tiền bạc có khuynh hướng trở thành chủ đề chính của những buổi chuyện trò, cãi vã, hoặc những niềm vui mừng của chúng ta, nghe thật đau đớn nhưng điều đó là thật và ngay cả trong chức vụ hầu việc Chúa cũng vậy. Những người sung túc chung quanh chúng ta đang bị cám dỗ để tích lũy sự giàu sang chỉ vì niềm vui được giữ nó. Một số người lại sử dụng tiền bạc của mình để sai khiến hay kiểm soát những cá nhân hay những nhóm người. Còn không thì dùng tiền bạc chất chứa mọi thứ xa xí phẩm khiến cho những người hàng xóm kém may đang mắn quằn quại trong nỗi đau đớn nghèo thiếu thấy được khoảng cách giữa hai cuộc đời giàu, nghèo. Còn chúng ta là người phải xoay xở một cách khó khăn lắm để giải quyết khoảng cách ấy lại rất đau đầu về vấn đề tài sản đến nỗi lấy việc “làm giàu” làm mục đích chính của đời sống mình. Thái độ trần tục này không chỉ cột trói những người không tin Chúa mà thôi. Nhưng nó còn là một bằng chứng rất hiển nhiên giữa vòng những người xưng nhận rằng mình là kẻ trung thành với Đấng Christ. Chẳng hạn như có một số nhà truyền giáo không chịu dời đến bất cứ một căn nhà nào nếu nhà ấy không được trang bị đầy đủ theo sở thích của họ. Có một vài Mục sư và những người hầu việc Chúa đặt sự phục vụ của họ vào một số cách mua bán đấu giá, bằng cách tuyên bố rằng nhóm truyền giáo nào có thể chi tiền trợ cấp một cách “ngon lành” nhất thì họ sẽ đến đó thi hành chức vụ. Và những tín hữu bình thường trong Hội Thánh cũng không thuộc trường hợp ngoại lệ. Sự tham lam và chủ nghĩa vật chất đã đầu độc quá nhiều người trong chúng ta, đến nỗi chúng ta không còn bị dằn vặt bởi mặc cảm tội lỗi nữa. Trừ khi chúng ta để cho Đức Thánh Linh đặt để sự nhạy bén vào lòng chúng ta một lần nữa, nếu không chúng ta sẽ chẳng khác với những người không biết gì về sự tốt lành của DCT. Sứ đồ Phao Lô nói rằng lòng yêu mến tiền bạc là bước đầu tiên dẫn người ta đến với mọi loại tội lỗi. Thậm chí có người đã bỏ DCT cũng chỉ vì ham mê tiền bạc, và hậu quả là phải mang lấy nhiều điều đau đớn. (ITimothe 6:10) Đối với những cặp vợ chồng mới lập gia đình, cách tốt nhất là nên ngồi lại với nhau, cùng cầu nguyện và đồng ý với nhau về thái độ đối với tiền bạc cũng như cách chúng ta sẽ sử dụng chúng. Hết sức cởi mở trong khi bàn bạc với nhau và có phương cách điềm đạm, bình tĩnh khi suy nghĩ đến vấn đề tài chánh là điều rất quan trọng. Nhờ vậy chúng ta sẽ tránh được những sự xích mích và hiểu lầm không cần thiết trong tương lai. Tiền bạc, cũng như đời sống, tài năng, thì giờ và mọi thứ tốt đẹp khác của đời này mà chúng ta đang sở hữu đều là những món quà từ DCT. Và chúng ta chỉ là những người quản lý món quà này mà thôi. Một người quản lý không xem những gì mình đang giữ là của mình. Tất cả những thứ ấy đều thuộc về người chủ của chúng. Vấn đề giữa DCT và con người cũng vậy. DCT là Đấng sở hữu tình trạng của chúng ta cũng như những gì chúng ta đang có. Nhưng Ngài cho chúng ta đặc ân được trông nom những tặng phẩm mà Ngài đã cho chúng ta, bao gồm cả tiền bạc. Ngài muốn những người quản lý tài sản của Ngài phải không chỗ trách được, trung tín và đáng tin cậy. Khi chúng ta ý thức được rằng số tiền chúng ta nhận lấy dầu ít hay nhiều đều đến từ Chúa, chúng ta sẽ rất cẩn trọng trong cách sử dụng tiền. Chúng ta xem tiền bạc như một điều gì đó được Chúa ủy thác, vì lý do đó cần phải hỏi ý Ngài về cách sử dụng nó. Và dường như bao giờ DCT cũng cung cấp tiền bạc cho chúng ta để đáp ứng nhu cầu chứ chẳng phải để thỏa mãn đời sống hoang phí. Nếu người vợ lấy tiền chợ của gia đình để mua chiếc áo khoác hết sức đắt tiền, và gia đình phải chịu đói thì không phải lỗi của DCT. Và tôi nghĩ, trong trường hợp này xin Chúa tiếp trợ là điều không phải lẽ. Để có được một ngân sách khôn ngoan về số tiền mình kiếm được chúng ta cần để thì giờ lập một kế hoạch chu đáo và có tính toán. Ngay từ những ngày đầu mới cưới, vợ chồng nên bàn thảo để có những phương hướng thỏa thuận. Đôi khi ông chồng chỉ nói, “Em muốn sử dụng sao tùy ý. Trách nhiệm của anh là đem tiền về. Em cứ làm theo cách em thấy là tốt nhất.” Cô vợ cảm thấy nhẹ nhàng khi nghe một câu nói như thế. Nhưng đôi khi điều tốt nhất cho chính chúng ta lại không phải là điều tốt nhất cho gia đình. Và trầm trọng hơn nữa là trong thực tế nhiều cô vợ lại không biết cách sử dụng tiền bạc. Nếu tôi là cô vợ ấy, tôi sẽ nói, “Nhưng em thích chúng ta cùng ngồi lại với nhau để lập một ngân sách hơn. Anh hãy nhớ rằng đây là đồng tiền của Chúa. Em rất cần sự giúp đỡ của anh để sử dụng tiền bạc thật khôn ngoan.” Trước hết, hãy khẳng định xem gia đình bạn kiếm được bao nhiêu tiền mỗi tháng, mỗi tuần hoặc bất cứ cách tính nào tiện lợi nhất cho bạn khi nói đến việc lập ngân sách. Sau đó liệt kê xuống những chi phí căn bản. Chi phí căn bản là những điều mà bạn không thể sống nếu thiếu nó, như thức ăn, tiền thuê nhà, tiền điện, quần áo, thuốc men, vv…Nếu đã trừ ra hết mọi thứ cần thiết rồi, mà bạn thấy mình may mắn còn dư tiền, hãy để riêng ra đó cho những nhu cầu khẩn cấp. Khi viết xuống một ngân sách, phải nhớ rằng số chi không được trội hơn số thu. Tôi thừa nhận là trong thời buổi này càng ngày càng khó làm cho mức chi luôn ở dưới mức thu. Nhưng lợi điểm của việc có một ngân sách giúp bạn khẳng định những thứ tự ưu tiên trong gia đình. Ít nhất bạn cũng được an ủi là không biết đã làm gì mà hết trơn tiền. Và thỉnh thoảng chồng có hỏi, “Ba trăm ngàn anh đưa em tuần trước đâu rồi?” Bạn luôn luôn có một danh sách để “trình diện”. Và đừng quá tức giận chỉ vì một chút tò mò của chồng. Như tôi đã đề cập đến vấn đề này, đừng mắc nợ ai chi hết là một nguyên tắc rất hay của Thánh Kinh mà bạn phải giữ trong hôn nhân. Gây nên những món nợ không cần thiết là làm căng thẳng ngân sách lẫn tâm trí gia đình, nhất là khi bạn không thấy được phương cách cụ thể nào để giải quyết nó. Những hàng hóa đẹp mắt, trang thiết bị ngày càng tiến bộ luôn lôi kéo lòng dạ của những bà nội trợ như chúng ta. Nhìn thấy những hình ảnh quảng cáo đẹp đẽ trên màn ảnh hoặc báo chí khiến chúng ta ao ước được thuộc về nhóm tinh hoa, tức những người “đẹp đẽ”. Chắc chắn, chúng ta ngồi trầm ngâm, cái bàn này có vẻ không hợp với chiếc đàn piano ở bên góc hay bộ ti vi đằng kia. Hoặc cách tốt nhất để giải quyết cái nóng trong những ngày hè này là một chiếc tủ lạnh trả góp. Dường như hai triệu rưỡi, ba triệu hay hơn nữa cũng không đáng là bao. Và rồi chẳng cần suy nghĩ, chúng ta biến ngay ao ước thành hành động. Bất cứ lúc nào quyết định một việc gì đó, chúng ta đều có vài lý do vì sao mình thực hiện. Và việc mua hàng theo lối”mua trước trả sau” cũng vậy. Nhưng đối với những cặp vợ chồng Cơ Đốc xem chức việc quản lý tài sản của DCT là một vấn đề hệ trọng thì tốt hơn nên chậm rãi và suy xét đến những hậu quả sau đó. Chúng ta có thật sự cần món hàng thời trang ấy không? Hay chỉ vì người hàng xóm đang có một cái. Liệu mức thu nhập có cho phép chúng ta trả toàn bộ số tiền ấy theo đúng thời hạn qui định mà không làm tê liệt ngân sách gia đình hay không? Liệu chúng ta có nên ăn cá khô và “cá rô cây” trong vòng 25 tháng tới chỉ với mục đích được nhìn thấy các “Siêu sao” trên Tivi không? Dĩ nhiên nhấn mạnh quá đáng đến việc ăn uống là điều không nên. Nhưng giữa vấn đề sức khỏe và sự giải trí (và có lẽ luôn với uy tín có được chiếc Tivi đời mới nhất) sức khỏe vẫn là vấn đề cơ bản hơn. Có phải mua hàng theo lối trả góp là cách tốt nhất để tích lũy những trang thiết bị gia đình không? Sao chúng ta không kiên nhẫn đợi cho đến lúc có đủ tiền rồi hãy mua. Mua như vậy mới rẻ hơn nhiều chứ. Và rồi đến câu hỏi quan trọng, chúng ta có chắc là Chúa muốn chúng ta có món hàng ấy không? Nan đề của hầu hết các gia đình không phải là không có tiền, nhưng là chúng ta muốn có thêm để sắm sửa, mà đó lại là những hàng thứ yếu không thật sự cần thiết. Trong thời đại mà dường như người ta bị ép buộc để mua sắm, thật khôn ngoan cho các cặp vợ chồng Cơ Đốc biết bao nếu chúng ta ghi nhớ lời cảnh cáo của Phao Lô trong Heboro 13:5, “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính DCT có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu.” Sự thỏa lòng không được đo lường bởi số lượng tiền chúng ta có trong nhà băng. Cũng không nằm trong chiếc đàn piano hay chiếc xe hơi. Nhiều người có cả những thứ này nhưng lại thấy đó là gánh nặng cho mình. Sự thỏa lòng là tình trạng bình an của một người. Đó là một sự tin cậy yên tịnh của sự nối kết phải lẽ với DCT, với chính mình và với người lân cận. Sự thỏa lòng tùy thuộc vào những mối quan hệ hơn là vào vật chất. Rốt lại, như vua Salômôn nhận xét, “Thà một miếng bánh khô mà hòa thuận, còn hơn là nhà đầy thịt tế lễ lại cãi lộn nhau.” (Cham Ngon 17:1) Thông thường, những gì chúng ta sở hữu hay số tiền chúng ta có được hay lập tức tạo nên một khoảng cách trong mối quan hệ và thông công của chúng ta với người khác. Nó làm căng thẳng mối quan hệ giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và con cái, và giữa những người lân cận. Khiến cho mối thông công của chúng ta trở thành lấn cấn. Lần nọ chúng tôi đến thăm một người hàng xóm mới sắm một bộ Tivi.