Theo một ý nghĩa nào đó, sự tăng trưởng thuộc thể cần những yếu tố nào thì sự tăng trưởng thuộc linh cũng cần y như vậy. Có những nền tảng đòi buộc cần thiết mà bậc cha mẹ cần cung cấp cho con để có thể nuôi dạy con cho Đức Chúa Trời. Cũng có những điều cản trở khiến cho con trẻ không thể trưởng thành về mặt tâm linh.

MỤC LỤC
GIỚI THIỆU KHÓA TRÌNH
NHỮNG LỜI HƯỚNG DẪN HỌC VIÊN
ĐƠN VỊ I – NUÔI DƯỠNG MÓN QUÀ TỪ ĐỨC CHÚA TRỜI
Bài học 1- Nuôi Dạy Một Đứa Trẻ
Phụ Lục A- Những Lời Đề Nghị về Giờ Gia Đình Lễ Bái
Phụ Lục B- Những Nguồn Sách Vở Cho Giờ Lễ Bái
Bài Học 2- Xây Dựng Gia Đình Trong Sự Khôn Ngoan
Bài Học 3- Khuôn Mẫu Cho Các Bậc Cha Mẹ
ĐƠN VỊ II – HIỂU CON
Bài Học 4- Nuôi Dạy Con Trẻ Từ Khi Lọt Lòng Đến Sáu Tuổi
Bài Học 5- Nuôi Dạy Con Trẻ Từ Bảy Tuổi Đến Mười Hai Tuổi
Phụ Lục C- Những Đề Nghị Để Giáo Dục Con Trẻ Về Tính Dục
Bài Học 6. Nuôi Dạy Con Trong Lứa Tuổi Thanh Thiếu Niên
ĐƠN VỊ III – KỶ LUẬT CON TRONG TÌNH YÊU THƯƠNG
Bài Học 7- Kỷ Luật
Bài Học 8- Đứa Trẻ Cứng Đầu
Bài Học 9- Đứa Trẻ Nổi Loạn Trong Lứa Tuổi Thanh Thiếu Niên
ĐƠN VỊ IV – LẤY SỰ TRƯỞNG THÀNH LÀM MỤC TIÊU CHO CON
Bài Học 10- Dạy Con Bước Đi Với Đức Chúa Trời
Bài Học 11- Dạy Con Vững Vàng
Bài Học 12- Cho Con Được Sống Tự Lập

GIỚI THIỆU KHÓA TRÌNH

Bạn có bao giờ suy nghĩ thật nhiều rằng đâu là những điều cần có trong một quá trình tăng trưởng không?
Từ một hạt giống chỉ với đường kính 1,6 milimét, một cây to khổng lồ đã được mọc lên, rồi nó có chiều cao đến chín mươi mét. Các nhà khoa học phải dùng kính hiển vi mới có thể nhìn được trứng của một con cá voi, nhưng khi một cá voi đã tăng trưởng đầy đủ thì nó có chiều dài hơn ba mươi mét, với sức nặng trên bảy mươi hai ngàn ký lô.

Quá trình kỳ bí và đẹp lộng lẫy của sự tăng trưởng đã được Đức Chúa Trời qui định kể từ thời sáng tạo thế giới này. Sự tăng trưởng về cơ thể của cây cối và sinh vật đi theo một khuôn mẫu mà người ta có thể đoán biết trước qua sự phân chia, nhân cấp hoặc sự phân biệt tế bào. Sự tăng trưởng có thể được nuôi dưỡng hoặc hỗ trợ. Trong sự tăng trưởng, có những sự đòi buộc cơ bản rất cần thiết chẳng hạn như cần có ánh sáng, hoặc chất dinh dưỡng đầy đủ. Cũng vậy, sự tăng trưởng có thể bị ngăn chận bởi những yếu tố như bệnh tật.

Theo một ý nghĩa nào đó, sự tăng trưởng thuộc thể cần những yếu tố nào thì sự tăng trưởng thuộc linh cũng cần y như vậy. Có những nền tảng đòi buộc cần thiết mà bậc cha mẹ cần cung cấp cho con để có thể nuôi dạy con cho Đức Chúa Trời. Cũng có những điều cản trở khiến cho con trẻ không thể trưởng thành về mặt tâm linh.

Khóa trình này được soạn thảo với ý định làm sách hướng dẫn cho các bậc cha mẹ có ao ước nuôi dạy con cái mình thành một Cơ Đốc Nhân trưởng thành và có tinh thần trách nhiệm. Có một số “chất bỗ dưỡng” cần thiết cho sự tăng trưởng đến mức độ trưởng thành mà chúng ta phải xử lý, cũng như có những sự ngăn trở nghiêm trọng làm cho cây non bị bứng gốc trước khi người ta nhìn thấy sự lớn mạnh ở nơi nó.

Sự trưởng thành là kết quả mà chta luôn ao ước trong cả quá trình tăng trưởng. Ao ước của chúng ta là nhìn thấy cây con trở thành một cây được đâm rễ vững vàng, có thể ra hoa và kết trái. Mặc dầu chúng ta lấy cây cối làm ẩn dụ, nhưng chúng ta đang nói về một vấn đề quí báu và riêng tư hơn cây cối nhiều, đó là con trẻ, là món quà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta, Ngài đặt vào tay chúng ta để chúng ta nuôi dưỡng. Chúng ta có thể nhận được món quà nào lớn hơn là một con trẻ được tạo dựng nên theo ảnh tượng của Đức Chúa Trời chăng! Còn có trách nhiệm và đặc ân nào lớn hơn là chúng ta được nuôi dạy con giùm Đức Chúa Trời cho khôn lớn và sau đó trả lại cho Ngài để dùng trong công việc Ngài.

Khóa Trình này được soạn thảo để hướng dẫn bạn kết ước vào quá trình nuôi dưỡng con cái đến mức độ trưởng thành tâm linh. Chúng ta sẽ xem những lời dạy dỗ của Kinh Thánh về việc nuôi dạy con và chúng tôi đưa ra những đề nghị thực tiễn để bạn có thể áp dụng những ý tưởng mà chúng ta đã tìm thấy trong Kinh Thánh vào đời sống hằng ngày. Chúng tôi hi vọng bạn sẽ rất thích khóa học này và khóa trình cũng sẽ giúp bạn có một đời sống gắn bó sâu xa hơn với những vấn đề có giá trị trong gia đình, có một mối quan hệ sâu đậm hơn với con, và hiểu biết nhiều hơn về cách thức nuôi dạy con cho Đức Chúa Trời.

MỤC TIÊU CỦA KHÓA TRÌNH

Khi bạn đã học xong khóa trình này, bạn sẽ có thể:
1. Chứng minh rằng bạn biết những phần Kinh Thánh chủ yếu xử lý trực tiếp về việc dạy con.
2. Phát họa được một kế hoạch để làm cho ý chí con trẻ được sắc bén mà không làm gãy nát tâm hồn của con trẻ.
3. Giải thích được những lãnh vực khác nhau về trách nhiệm của cha mẹ trong việc nuôi dạy con và thảo luận về những hạn chế trong trách nhiệm của cha mẹ và cho thấy ý chí của đứa trẻ đóng vai trò như thế nào.
4. Hiểu thấu được tâm tánh của con trẻ ở những lứa tuổi khác nhau và đưa ra một mục tiêu thích hợp, có hiểu biết để huấn luyện con ở những độ tuổi khác nhau.
5. Giải thích lý do tại sao cần có sự kỷ luật mạnh mẽ và yêu thương và nhận biết rằng ở những độ tuổi khác nhau thì sẽ thích hợp với những hình thức kỷ luật khác nhau.
6. Có thể nhìn thấy những tiến bộ trong lãnh vực truyền thông, yêu thương, tôn trọng và với lòng chân thật bạn quan tâm đến con cái mình.
7. Dẫn con trẻ đến chỗ tiếp nhận Chúa và nuôi dưỡng con trong niềm tin Cơ Đốc.
8. Nhắm vào mục tiêu tối hậu là bạn sẽ giải phóng đứa con của mình để nó có thể sống như một người lớn độc lập và có tinh thần trách nhiệm.

LỜI HƯỚNG DẪN DÀNH CHO HỌC VIÊN

Để bạn có thể nhận được nhiều lợi ích nhất qua việc nghiên cứu tài liệu này, bạn nên lập kế hoạch để làm tất cả bài tập của các đơn vị và các bài học theo thứ tự của tập tài liệu này. Nói cách khác, bạn cần những hiểu biết nền tảng của Đơn Vị 1 trước khi bạn có thể bắt đầu với Đơn Vị 2 và cứ tiếp tục như vậy. Chúng tôi khích lệ bạn nên học chương trình này một cách có hệ thống, không nên chọn một chủ đề mà bạn ưa thích ở giữa quyển rồi từ đó bắt đầu học.
Sách hướng dẫn học tập này được chia ra làm bốn đơn vị. Mỗi đơn vị đều có những câu hỏi, bài tập, và những đề án để giúp bạn am hiểu và áp dụng những nền tảng của việc nuôi dạy con cái như đã được hướng dẫn, để giúp con được gây dựng theo đường lối tin kính Chúa. Nhiều bậc ông bà cũng như những bậc cha mẹ đã thừa nhận rằng tập tài liệu này thật có giá trị trong việc giúp họ xử lý những vấn đề như đã được trình bày ở đây. Ao ước của chúng tôi là khi bạn học khóa trình này cách siêng năng, thì sự tăng trưởng ấy sẽ là bằng chứng được nhìn thấy trong chính cuộc đời của bạn và của con cái bạn.
Bạn phải dành ra cho mình ít nhất sáu tiếng đồng hồ để hoàn tất mỗi bài học. Thì giờ ấy bao gồm cả phần đọc theo như yêu cầu của bài, trả lời câu hỏi, làm bài tập và hoàn tất những đề án.

Nếu sau này bạn có dạy lại chương trình học này cho những người nào đó, thì bạn cần có sổ tay ghi chép lại xem thử bạn đã dành bao nhiêu tiếng đồng hồ để hoàn tất từng bài học. Nếu bây giờ bạn ghi lại những nan đề hoặc những thắc mắc nào bạn chợt nghĩ đến khi đang làm bài tập của khóa trình này, thì tất cả những việc làm ấy đều sẽ rất ích lợi cho tương lai.

Cách Trình Bày Một Đơn Vị

Gần ngay phần bắt đầu của một đơn vị bạn sẽ thấy một bảng liệt kê Những Mục Tiêu Của Đơn Vị, bảng này tóm tắt những điều quan trọng nhất mà bạn sẽ học khi bạn đi qua từng bài trong đơn vị đó. Bạn sẽ thấy mình cần phải nghiên cứu những mục tiêu này cách chăm chú và thường xuyên đánh giá xem thử mình đã nắm vững khóa trình này ở mức độ nào. Bảng liệt kê này cũng có thể được dùng như những lời hướng dẫn cho phần Bài Thi Đơn Vị được tìm thấy trong phần sau cùng của sách hướng dẫn học tập này.

Vì hầu hết những người tham dự chương trình học này đều là những người cực kỳ bận rộn, cho nên chúng tôi đã tìm cách để trình bày mỗi đơn vị và bài học với những bước được định nghĩa một cách rõ ràng để chúng ta dễ dàng tham khảo. Và cũng vì qua bảng Những Mục Tiêu Của Đơn Vị, bạn đã biết bạn cần phải nghiên cứu ở những phần nào, nên ngay khi bắt đầu bước vào một đơn vị, bạn biết những chủ đề nào bạn cần phải dành thì giờ nhiều nhất. Nếu một chủ đề có nội dung trình bày một mục tiêu của đơn vị, chắc chắn những hiểu biết của bạn về chủ đề đó phải được đánh giá qua phần thực hiện một đề án hoặc một bài tập cụ thể nào đó, hoặc qua một câu hỏi trong bài thi đơn vị.

Trưởng nhóm của bạn sẽ cho biết mỗi bạn phải tự làm Bài Thi Đơn Vị ở tại nhà hoặc làm tại lớp chung với cả nhóm.

Cách Trình Bày Một Bài Học

Có những thành phần nhất định được xây dựng trong mỗi bài học để hỗ trợ cho việc học hỏi của bạn. Những phần ấy được giải thích như sau để bạn có thể nhận diện và sử dụng chúng một cách đầy đủ nhất:

1. Dàn Bài đưa ra một cái nhìn tổng quát của từng phần trong mỗi bài học. Theo cách này bạn có thể biết trước thứ tự của những bài học nối tiếp nhau theo những chủ đề khác nhau trước khi bạn bắt đầu nghiên cứu.
2. Mục Tiêu Của Bài Học được đưa ra để giúp bạn nhận diện những phần quan trọng nhất trong mỗi bài học và nhờ vậy, nó hướng bạn đến việc sử dụng thì giờ học hỏi của mình một cách có hiệu quả nhất. Khi bạn đã học xong một bài, bạn có thể tự đánh giá mức độ mình đã am hiểu bài học này bằng cách xem thử mình có thực hiện được những Mục Tiêu của Bài Học hay không. Trưởng nhóm của bạn sẽ chọn những phần nào nên được đem ra thảo luận tại lớp, vì vậy, bạn hãy chuẩn bị!
3. Những câu hỏi thường được đặt ra ở giữa các phần trong bài học để giúp bạn đáp ứng với phần bài đang được trình bày. Những câu hỏi này kêu gọi bạn hãy đáp ứng ngay lập tức. Bất cứ lúc nào bạn thấy chữ “Câu Hỏi”, hãy dừng lại để viết câu trả lời vào vở. Bạn có thể kiểm tra những câu trả lời của mình với phần “Giải Đáp Câu Hỏi” ở cuối bài mà bạn đang học. Những câu hỏi và câu Trả Lời được đánh số thứ tự theo mỗi bài học để giúp bạn kiểm tra bài tập của mình.
4. Bài Tập là những sinh hoạt học tập được giới hạn lại. Bài tập sẽ chỉ ra những điều cụ thể mà bạn phải làm và để tâm trí mình hướng vào bài học. Bạn cần phải chuẩn bị để thảo luận và đánh giá những bài tập chỉ định này khi bạn cùng ngồi lại để học theo nhóm.
5. Những Đề Án Nghiên Cứu là những phần nghiên cứu hoặc sinh hoạt thực tiễn mang tính bao quát, được soạn thảo ra để giúp bạn tiếp nhận những ý niệm của bài học. Đây là những phần quan trọng nhất của khóa trình. Chính nhờ những đề án này mà bạn có thể thấy được những ý niệm chúng ta đã nghiên cứu trong bài học có thể được thực hiện trong đời sống bạn như thế nào. Chúng tôi sẽ không có câu trả lời cho các đề án, nhưng mỗi đề án sẽ được đánh giá và thảo luận kỹ càng trong mỗi lần có khóa hội thảo. Chúng tôi có liệt kê Một danh sách của tất cả những đề án nghiên cứu trong phần kết luận của phần giới thiệu khóa trình này.
6. Những Phần Phụ Lục gồm có cả những nguồn tài liệu cần thiết để hoàn tất bài học cũng như những phần tài liệu tham khảo rất hữu dụng có thể đem lại ích lợi cho bạn mà không nằm trong phần đòi buộc của khóa trình này. Chúng tôi xếp những phần phụ lục nằm ngay sau mỗi bài học mà phần phụ lục đó được giới thiệu. Bạn hãy đọc những phần phụ lục đó theo đúng như lời hướng dẫn thích hợp cho mỗi bài học.
7. Bài Tự Kiểm Tra được nằm trong một số bài học để giúp bạn tự đánh giá những ý niệm gì bạn đã nắm bắt được trong bài học ấy. Khi bạn đã học xong một bài, hãy làm bài tự kiểm tra, sau đó so sánh câu trả lời của bạn với phần trả lời đã được cho sẵn.
8. Bài Thi cũng là phần rất quan trọng của khóa trình này. Có tất cả bốn kỳ thi, cuối mỗi đơn vị là một kỳ thi. Mỗi kỳ thi bàn về những điểm chính của đơn vị ấy. Kết quả của tất cả bốn kỳ thi sẽ được cộng chung vào điểm kỳ thi cuối khóa của bạn.

Những Tài Liệu Cần Có

Để có thể học suốt khóa trình này, bạn cần có một quyển Kinh Thánh, một sách hướng dẫn nghiên cứu, và một quyển vở để bạn làm bài. Mỗi lần bạn gặp chữ “Câu hỏi”, là bạn biết mình phải trả lời bằng cách viết câu trả lời vào vở của mình. Trong một số “Bài Tập” và “Đề Án” bạn cũng sẽ được hướng dẫn để viết một số điều vào vở. Một số bài tập bạn không cần trả lời; một số bạn lại phải trả lời! Những câu hỏi này chủ yếu được dự định để kích thích những cuộc thảo luận và bàn thảo tại nhà.

Chấm Điểm

Trong những nền văn hóa khác nhau thường có những tư tưởng khác nhau về việc nuôi dạy con, và những thói quen trong việc nuôi dạy con lại có những sự khác biệt từ cực đoan này đến cực đoan khác. Những bậc cha mẹ giàu có trên nhiều xứ sở tin rằng họ đang làm điều tốt nhất trong khả năng của mình để gây dựng con cái của họ. Đặc biệt những bậc cha mẹ Cơ đốc khi nói đến việc dạy con thì họ có thì có một ao ước làm bất cứ điều gì đáng phải làm cho con, tuy nhiên nhiều người cũng ý thức được sự thiếu sót của mình. Kinh Thánh là hướng đi cho cuộc đời chúng ta, và chúng ta phải tìm cho ra những sự giúp đỡ từ trong những trang giấy đó, cả trong từ ngữ của việc chu cấp một triết lý Cơ Đốc trong việc nuôi dạy con lẫn những lời đề nghị cụ thể về cách thức huấn luyện chúng.

Trong Đơn vị I chúng ta sẽ quan tâm đến những gì Kinh Thánh nói về con trẻ và làm thế nào để nuôi dạy chúng. Chúng ta sẽ xem xét đến nhiều phân đoạn Kinh Thánh xử lý về chủ đề này. Mục đích của chúng ta là đặt một nền tảng dựa trên Kinh Thánh về việc nuôi dạy con cái và phải căn cứ trên nền tảng ấy mà trình bày và thảo luận những phần còn lại của khóa trình. Chúng ta cũng xem xét đến một vài cách dạy con tiêu cực nơi một số bậc cha mẹ và so sánh những cách dạy tiêu cực ấy với một khuôn mẫu quân bình mà cha mẹ được khích lệ để dạy dỗ con bước đi với Đức Chúa Trời.

DÀN BÀI

Bài Học 1: Huấn Luyện Một Đứa Trẻ
Bài Học 2: Xây Dựng Một Gia Đình Khôn Ngoan
Bài Học 3: Các Khuôn Mẫu Của Cha Mẹ

MỤC TIÊU CỦA ĐƠN VỊ

Khi đã hoàn tất đơn vị này, bạn sẽ có khả năng để:
1. Bày tỏ sự hiểu biết của bạn về những phần Kinh Thánh quan trọng nói trực tiếp về cách nuôi dạy con.
2. Giải thích trách nhiệm chính của cha mẹ trong vai trò tích cực huấn luyện con cái về phương diện tâm linh.
3. Khẳng định sự đóng góp của sách Châm Ngôn, giúp huấn luyện con trẻ bước đi cách khôn ngoan, trong sự kính sợ Đức Chúa Trời.
4. Lập một kế hoạch để phát huy và làm cho sự huấn luyện đời tâm linh của con càng được sâu sắc hơn bằng cách vừa lấy chính đời sống mình làm gương vừa dạy dỗ con một cách nhẹ nhàng, tự nhiên trong mọi tình huống của đời sống hằng ngày nhưng không thiếu sự chuẩn bị.
5. Phác họa một số khuôn mẫu tiêu cực của các bậc cha mẹ và những nan đề có thể là hậu quả của những khuôn mẫu này.
6. Mô tả một số phương cách dạy con tích cực theo đúng Kinh Thánh.

BÀI HỌC 1: HUẤN LUYỆN MỘT ĐỨA TRẺ

Hầu hết các loại nghề nghiệp đều đòi hỏi phải có nhiều năm tháng học hỏi để chuẩn bị. Các thầy cô giáo thì phải hoàn tất một số đòi buộc nào đó để có thể dạy dỗ trong những trường công. Còn trong một số đất nước, muốn trở thành bác sĩ phải mất đến hai mươi năm trường lớp. Ngay cả những người thợ mộc và thợ hàn cũng phải trãi qua nhiều năm học nghề và huấn luyện trước khi họ có thể trở nên hiệu quả đầy đủ trong lãnh vực của họ. Nhưng đối với công việc nuôi dạy con trẻ từ thuở còn nằm nôi, thật chúng ta không được chính thức huấn luyện gì cả!

Có lẽ chúng ta cho rằng, nếu thụ thai, mang bầu, sinh con cái là tất cả những chức năng tự nhiên của thân thể vốn không cần bất cứ một khóa huấn luyện đặc biệt nào, thì sự nuôi dạy con cái cũng sẽ đến một cách tự nhiên. Nhưng điều này đã trở thành một sự hiển nhiên đầy đau đớn vì vấn đề chẳng phải như vậy. Chúng ta đã từng nghe nhiều câu chuyện về những gia đình không hạnh phúc và sự xa lạ của cha mẹ đối với con cái, cũng như nan đề ngày càng gia tăng giữa vòng những người trẻ sử dụng thuốc phiện và rượu. Tất cả những nan đề này chỉ ra một sự thất bại rõ ràng trong lãnh vực nuôi dạy con cái và con người cần phải trở về với một phương pháp được đâm rễ vững nền trong lời dạy dỗ của Kinh Thánh.

Trong bài học này chúng ta sẽ nghiên cứu về quá trình huấn luyện và hãy xem quá trình ấy đòi hỏi điều gì. Chúng ta sẽ nghiên cứu một số phân đoạn Kinh Thánh liên hệ đến việc nuôi dạy con và việc áp dụng vào thực tế những phần Kinh Thánh này.

DÀN BÀI

Nuôi Dạy Con Trẻ- Một Trách Nhiệm Đáng Kinh Sợ
Quan Điểm Của Kinh Thánh Về Con Trẻ
Chúa Jêsus Quan Tâm Đến Con Trẻ
Những Lời Dạy Dỗ Của Tân Ước Đối Với Bậc Cha Mẹ
Những Lời Dạy Dỗ Của Cựu Ước Đối Với Bậc Cha Mẹ
Xem Châm Ngôn 22:6
Những Lời Dạy Từ Ngàn Xưa Của Đức Chúa Trời Cho Việc Nuôi Dạy Con Cái
Lớp Huấn Luyện Về Mái Ấm Đầy Quân Bằng Của Chúa Jêsus
Kết Luận

MỤC TIÊU BÀI HỌC

Khi đã hoàn tất bài học này, bạn sẽ có khả năng để:
1. Tóm tắt những quan điểm và lời dạy dỗ của Tân ước trong việc nuôi dạy con cái.
2. Nêu lên một trường hợp để giải nghĩa Châm Ngôn 22:6.
3. Giải thích trách nhiệm chủ yếu của cha mẹ trong việc huấn luyện đời tâm linh cho con cái mình và chấp nhận sự thách thức trở thành người lãnh đạo thuộc linh trong gia đình.
4. Việc xem lại mối tương giao của bạn với Chúa là điểm quan trọng để tất cả những sự huấn luyện có hiệu quả được bắt đầu.
5. Thảo luận về những đặc điểm của sự huấn luyện như đã được liệt kê trong Phục Truyền 6:4-9
6. Mô tả hai loại huấn luyện được thực hiện trong gia đình.
7. Phác họa bốn lãnh vực của sự tăng trưởng như đã được định nghĩa trong Luca 2:52, là những lãnh vực đem lại một đời sống rất cân đối.
Nuôi Dạy Con Trẻ, Một Trách Nhiệm Đáng Kinh Sợ
Có thể bàn tay của đứa bé đang rất rít rắm vì nó vừa nắm mấy cục kẹo hoặc rất dơ bẩn vì vừa chạy chơi từ ngoài sân vào hoặc có một vết băng bó nơi ngón tay nhỏ xíu… nhưng đôi tay ấy đang đặt vào tay chta một cách đầy tin cậy. Và điều quan trọng là đôi tay ấy đang được đặt vào tay của chúng ta. Đức Chúa Trời đặt để từng đứa trẻ một vào gia đình của chúng ta, giao cho chúng ta trách nhiệm nắm tay và dẫn dắt chúng đến sự trưởng thành trong Chúa.

HUẤN LUYỆN LÀ DẪN DẮT

Loại gia đình mà chúng ta nuôi dưỡng con đóng vai trò rất quan trọng. Trên một số phương diện nào đó, chúng ta có thể so sánh căn nhà với cái lồng kính, là nơi có một bối cảnh để nuôi dưỡng con trẻ cách đặt biệt mà nếu không bỏ trẻ vào đó, nó có thể chết. Một gia đình có thể đem lại những sự hủy hoại lớn hoặc đem lại phước hạnh lớn lao cho đứa trẻ. Ảnh hưởng của bối cảnh gia đình đã được trình bày với đầy kịch tính trong bài thơ rất nổi tiếng sau đây:

Nếu con trẻ sống trong sự phê bình,
Nó sẽ học biết cách định tội người khác.
Nếu con trẻ sống trong sự thù địch,
nó sẽ học biết đánh nhau.
Nếu con trẻ sống trong sự chế nhạo,
Nó sẽ biết mắc cỡ.
Nếu con trẻ sống trong sự xấu hổ,
Nó sẽ mang đầy mặc cảm tội lỗi.
Nếu con trẻ sống trong sự dung chịu,
nó sẽ học kiên nhẫn.
Nếu con trẻ sống trong sự khích lệ,
Nó sẽ rất vững vàng.
Nếu con trẻ sống trong sự khen ngợi,
nó sẽ biết thưởng thức.
Nếu con trẻ sống trong sự công bằng,
nó sẽ biết sống công bằng.
Nếu con trẻ sống trong sự an ninh,
nó sẽ học biết để có đức tin.
Nếu con trẻ sống trong sự chấp thuận,
nó sẽ học biết ưa thích chính mình.
Nếu đứa trẻ sống trong sự chấp nhận và tình bạn,
nó sẽ biết tìm tình yêu thương trong thế giới này.

Dorothy Law

Đứa trẻ sẽ học biết hầu hết những giá trị nền tảng ngay tại gia đình. Nhiều thái độ, tư tưởng và những thói quen của trẻ sẽ được hình thành dựa vào nền tảng của những gì nó đã học được trong gia đình. Như một Mục sư đã diễn đạt điều này, “Dấu ngón tay của nhiều bậc cha mẹ được soi rọi lại trên con cháu của họ.”

Nói như vậy không có nghĩa con trẻ là một cục đất sét ướt chỉ bị cha mẹ và hoàn cảnh gọt đẽo mà thôi. Mỗi đứa trẻ đều có một tính khí và một ý chí bẩm sinh. Vì thế, nó có thể chọn chấp nhận hoặc chống đối lời dạy dỗ hoặc những điều bạn cho là có giá trị. Cuối cùng, chính con trẻ phải đứng một mình trước mặt Chúa, chịu trách nhiệm về những hành động của mình.

Nhưng bây giờ con trẻ là con của bạn. Tay của con đang nằm trong tay bạn. Và trách nhiệm của bạn là huấn luyện con với mục tiêu con sẽ trở thành người trưởng thành tâm linh. Một ngày kia, khi con rời gia đình, nó sẽ mang theo nhiều điều làm hành trang, không cần thiết đó phải là đồ đạc, tiền bạc, nhưng là những tư tưởng, những điều con xem là có giá trị, những thói quen mà con đã tích lũy được dưới mái gia đình của bạn. Con cái sẽ mang theo rất nhiều điều, cả tốt lẫn xấu vào gia đình mà nó sẽ xây dựng. Vì thế, sự huấn luyện mà bạn đang thực hiện trong gia đình mình có thể được lưu truyền lại cho các thế hệ sau này. Sự nhận biết này cho chúng ta một quan điểm mới về trách nhiệm của mình trong việc huấn luyện con cái, biết rằng ở một mức độ nào đó thì tương lai sẽ tùy thuộc vào những gì chúng ta đang thực hiện ngay giờ này.

Trong bài học này chúng ta sẽ thảo luận về chủ đề huấn luyện, xem một số phần Kinh Thánh mấu chốt để dẫn dắt tư tưởng của chúng ta. Trước hết, chúng ta hãy xem vài câu Kinh Thánh nói về con trẻ, là người nhận lấy sự huấn luyện.

Quan Điểm Của Kinh Thánh Về Con Trẻ

Đôi lúc con trẻ coi thường diện mạo của mình, đặc biệt là khi bạn nhìn một đứa trẻ ngồi trên chiếc ghế cao đổ tô nuôi đầy đầu nó, chỉ với mục đích cảm thấy vui khi có nước tuôn xuống mặt mình. Thật chúng ta chẳng ngạc nhiên gì khi người ta thường dùng những ẩn dụ để mô tả con trẻ là một nhân vật kỳ lạ.

Thi Thiên 127 do Salomon viết ra, trong đó ông đã sử dụng những ẩn dụ để mô tả con trẻ.4* Ví dụ như câu 3 nói, “Con cái là cơ nghiệp bởi Đức Giêhôva mà ra.” Khi con bạn ra đời, là bạn được giao cho gia sản của Đức Chúa Trời (từ ngữ Hêbơrơ dịch chữ “món quà” là tài sản, di sản, phần sản nghiệp.”)
Vì tình yêu mà Đức Chúa Trời muốn giao cho bạn đứa con bạn đang có. Bởi sự đổi ý, trong kế hoạch của Ngài biết đâu Ngài có thể giữ con trẻ lại như trường hợp của Anne, Ngài đã khép bụng bà lại (ISamuen. 1). Anne là một người nữ tin kính. Kinh Thánh không nói rằng sự son sẻ của bà là do Chúa hành phạt. Nhưng Kinh Thánh nói rằng con cái là món quà, một món quà mà không phải ai cũng có và không phải mỗi phần quà đều bằng nhau.
Thật là dại dột nếu chúng ta căn cứ trên số con cái của một người để khẳng định về tình trạng tâm linh của người ấy. Có vô số bà trong Kinh Thánh chẳng tin kính Chúa nhưng lại có đông con. Con cái là cơ nghiệp của Đức Chúa Trời mà Ngài đã chọn lựa để ấn định cho một gia đình.

Tất cả các ông chồng và các bà vợ đều đang vay mượn con cái. Con cái của chúng ta không phải là của chúng ta đâu. Con cái chúng ta thuộc về Chúa. Ngài đã cho chúng ta mượn vì một lý do…Không phải Ngài ban cho để chúng ta giữ, nhưng để chúng ta nuôi dạy…Không phải Ngài ban cho để chúng ta ép buộc chúng làm trọn những ước muốn của đời sống mình và như thế, trên một phương diện nào đó, chúng đỡ đần cho những thất bại của chúng ta. Con cái không phải là những đồ dùng để được sử dụng đâu, nhưng là những linh hồn để được yêu thương.
Bạn phải có thái độ xem trọng món quà mà Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta.

Nếu chúng ta thật sự xem con cái là món quà Chúa ban, cái nhìn ấy phải đem lại sự thay đổi hoàn toàn trong thái độ của chúng ta đối với con. Thái độ mới này phải bao gồm sự kính sợ Chúa, tin rằng Ngài đã hết sức quan tâm đến bạn đến nỗi ban cho bạn món quà này, và bạn phải có thái độ tôn trọng với chính món quà ấy. Đó có phải là những thái độ của bạn không? Con bạn có nhìn thấy sự thỏa mãn trong mắt bạn khi bạn ngắm xem con không? Bạn có tôn trọng con bằng cách lắng nghe con và xem trọng những suy nghĩ, lời nói và cảm xúc của con không? Những lời đối thoại của bạn có bày tỏ rằng con bạn là đáng giá không?

Câu 4 của Thi Thiên 127 nói rằng con trẻ “khác nào mũi tên nơi tay người dõng sĩ.” Không phải ai cũng có bao tên như nhau. Có những người khẳng định về số con cái mà họ phải có, tuyên bố rằng một bao tên thì phải có năm mũi tên. Tuy vậy, chúng ta thấy nhiều người nam tin kính trong Kinh Thánh đôi khi có dưới năm mũi tên hoặc có trên năm mũi tên trong bao tên của họ. Không hề có chỗ nào trong Kinh Thánh hỗ trợ cho lời khẳng định về số người phải có trong mỗi gia đình của Cơ Đốc Nhân.

Khi tác giả Thi Thiên so sánh con cái với những mũi tên nơi tay người dõng sĩ, ông có ý nói đến sức mạnh và niềm kiêu hãnh mà một người cảm nhận một cách phải lẽ về gia đình của mình. Từ một quan điểm rất thực tế, con cái trong thời Cựu ước đóng một vai trò rất có giá trị trong gia đình, họ làm việc để hỗ trợ cho nền tài chánh của gia đình và khi cần thiết thì chiến đấu để bảo vệ chính sự sống của gia đình ấy.

Trong Thi Thiên 128:3, con cái được so sánh với những chồi ôlive hay những cây con. Trong giai đoạn thai nghén, Đức Chúa Trời đã thiết lập và đặt nơi mỗi cây con những nhân cách riêng biệt. Khi bạn trở thành cha mẹ, bạn nhận lấy những cây con ấy để nuôi dưỡng, để tưới nước và chăm xem cây lớn lên cho đến chừng nó trở thành một cây olive mạnh mẽ và ra trái.

Thi Thiên 128 mô tả phước hạnh của người kính sợ Đức Giêhôva và bước đi trong đường lối Ngài: vợ người sẽ như cây nho sai trái trong nhà người và con cái sẽ như những chồi ôlive ở chung quanh bàn. Đây là hình ảnh của một gia đình bình an và hòa thuận, khi cha mẹ vui thỏa nhìn xem những cây con của mình lớn lên. Rõ ràng Đức Chúa Trời xem con cái là món quà và là phước hạnh của gia đình. Chúng ta cần phải nuôi dưỡng và tỉa sửa những chồi ôlive của mình, khích lệ chúng và kỷ luật chúng bằng sự dịu dàng, yêu thương sao cho chúng được sai trái.

Chúa Jêsus Quan Tâm Đến Con Trẻ

Chúa Jêsus rất xem trọng con trẻ, thậm chí Ngài còn gọi con trẻ đến đứng giữa vòng các môn đồ và nói với họ rằng, “Nếu các ngươi…không trở nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu.” (Mathiơ 18:3). Và vẫn để đứa trẻ đứng ở giữa đó, Ngài lại tiếp tục, “Vậy, hễ ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ này, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên đàng. Hễ ai vì danh Ta chịu tiếp một đứa trẻ thể này, tức là chịu tiếp ta.” (câu 4-5). Chữ “tiếp nhận” là một từ Hi lạp có nghĩa là “chấp nhận hoặc chào đón.” Ai trong chúng ta là những người đã được ban cho con cái như những món quà hãy chấp nhận và chào đón chúng.

Chúa Jêsus nói tiếp, “Song, nếu ai làm cho một đứa trong những đứa nhỏ này đã tin Ta sa vào tội lỗi, thì thà buộc cối đá vào cổ, mà quăng nó xuống đáy biển còn hơn.” Chúa có ý nói đến trách nhiệm huấn luyện tâm linh ở đây, với lời cảnh cáo rằng sự huấn luyện của cha mẹ không được gây cớ vấp phạm cho con cái. Đức Chúa Trời thật rất quan tâm đến phúc lợi của con trẻ, và trong Mathiơ 18:10 và câu 14 cho biết rằng con trẻ có những thiên sứ canh giữ chúng trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời, 7* vì Đức Chúa Trời không muốn cho một đứa nào trong những đứa trẻ này phải hư mất.
Những Sự Dạy Dỗ Của Tân Ước Đối Với Cha Mẹ.

Người ta có thể cho rằng vì trách nhiệm này, lẽ ra Tân Ước phải đầy những lời hướng dẫn dành cho cha mẹ. Thật đáng ngạc nhiên, trong cả Tân Ước, chỉ có hai câu Kinh Thánh trực tiếp khuyên nhủ bậc làm cha mẹ. Một câu nằm trong Êphêsô 6:4 và câu kia ở Côlôse 3:21. Cả hai câu này đều cảnh cáo cha mẹ đừng làm hòn đá vấp chân cho con. Những người làm cha được nhắc nhở rằng đừng chọc cho con cái mình giận dữ, nhưng “dùng sự dạy dỗ khuyên bảo của Chúa mà nuôi nấng chúng nó.” (Êphêsô 6:4, NIV). Những lời nhắc nhở như vậy chứng tỏ rằng cha mẹ có thể lôi kéo con cái vào đường lối sai trật, xa cách Đức Chúa Trời, như nhiều bậc cha mẹ giàu có đã làm.

Sự hiếm hoi của Tân ước về cách nuôi dạy con cái chứng tỏ rằng Tân ước không tạo ra một bộ nguyên tắc mới mẻ nào trong việc dạy dỗ con cái. Vì Tân ước thật sự yên lặng về chủ đề này, chúng ta có thể kết luận rằng Tân ước chỉ tái khẳng định những ý niệm nuôi dạy con cái đã được nói ở Cựu Ước mà thôi. Thứ hai, chúng ta có thể kết luận rằng Đức Chúa Trời mong đợi chúng ta sử dụng những nguyên tắc Tân ước trong mối quan hệ của chúng ta đối với người khác khi chúng ta nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái của mình. Chúng ta hãy xem những lời dạy chủ yếu dành cho cha mẹ trong Cựu ước.
__
Những Lời Hướng Dẫn Của Cựu Ước Dành Cho Cha Mẹ
Trong khi Tân Ước rất giới hạn về những lời hướng dẫn dành cho cha mẹ, thì Cựu ước lại có rất nhiều lời hướng dẫn, dạy dỗ. Có lẽ câu Kinh Thánh quen thuộc hơn hết giữa rất nhiều câu nói về việc nuôi dạy con cái là Châm Ngôn 22:6
Hãy dạy trẻ thơ con đường nó phải theo,
Dầu khi nó trở về già cũng không hề lìa khỏi đó.