Vì nhu cầu của chúng ta được Đấng Christ thỏa đáp, chúng ta không cần phải xem Hôn nhân như một môi trường để lấp đầy nhu cầu của mình, nhưng phải xem đó là một cơ hội để giúp đỡ một con người ý thức trọn vẹn tình yêu và mục đích của Đức Chúa Trời.

Trong vai trò người bạn đời trong Hôn nhân, mục tiêu của chúng ta phải là giúp đỡ người phối ngẫu của mình. Nhưng vì chúng ta ước ao người bạn đời giúp đỡ mình nên chúng ta khó tránh khỏi đau đớn khi vợ hay chồng không được như chúng ta mong mỏi. (*) Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất chúng ta có thể học là đáp ứng với sự chấp nhận (không nhất thiết phải đồng ý) khi người bạn đời biểu lộ những cảm xúc tiêu cực. Cuối chương này là một bài tập được tôi đề tựa “cách phản ứng khi người bạn đời biểu lộ tình cảm” giúp làm sáng tỏ những phản ứng thích hợp. Những nan đề trong truyền thông thường có liên hệ đến sự lẫn lộn giữa mục tiêu và nguyện vọng. Điều chúng ta ước ao nơi người phối ngẫu trở thành mục tiêu của chúng ta. Chúng ta cứ khăng khăng đòi người phối ngẫu đối xử với mình thế này, và khi họ không làm, chúng ta biểu lộ tình cảm tiêu cực đối với họ hoặc để trả đũa hoặc để thay đổi họ. Điều thiết yếu để xây dựng sự truyền thông đưa đến Hiệp nhất Tâm hồn là thường xuyên khẳng định mục tiêu của chúng ta là giúp đỡ người bạn đời và thận trọng bảo đảm nguyện vọng giúp đỡ cho người bạn đời không bị biến thành mục tiêu. Chúng ta có thể bày tỏ những cảm xúc tiêu cực đối với người bạn đời khi biết chắc mục tiêu chính đáng đã yên vị và cảm xúc dâng trào từ nguyện vọng khi bị phá ngang. Không bao giờ bày tỏ cảm xúc tiêu cực với vợ hay chồng chỉ vì mục tiêu của chúng ta bị chặn đứng, vì điều đó không đúng. Một mục tiêu mà chồng hay vợ có thể chặn đứng là mục tiêu sai lầm. Tôi phải đặt ra mục tiêu làm đẹp lòng Chúa bằng cách giúp đỡ vợ tôi. Với mục tiêu ấy yên vị đúng chỗ qua những biểu hiện yêu thương trong thái độ và tính cách, tôi thả sức bày tỏ những cảm xúc tiêu cực mình cảm nhận khi người bạn đời cản trở nguyện vọng của tôi. Phần cuối chương là phần thực tập phát huy kỹ năng đáp ứng với những cảm xúc được thổ lộ qua cách thức làm cho sự hoà hợp Tâm hồn được thăng hoa.
V. THỰC TẬP TRUYỀN THÔNG. Cách Thức Đáp Ưng Khi Người Bạn Đời Thổ Lộ Cảm Xúc. Một trong những kỹ năng khó nhất nhưng cũng quan trọng nhất để phát huy hướng đến sự Hòa hợp Tâm hồn qua việc truyền thông hữu hiệu là khả năng giúp người bạn đời cảm thấy được chấp nhận khi họ tâm tình với chúng ta. Phaolô bảo chúng ta nên chấp nhận nhau như Đấng Christ cũng chấp nhận chúng ta (RoRm 15:7) và Đấng Christ chấp nhận chúng ta như chúng ta vốn vậy (5:8) rồi cất sự đoán phạt khỏi chúng ta (8:1), lắng nghe, cảm thông và thương xót vì sự tranh chiến của chúng ta (HeDt 4:15). Vì thế chúng ta mạnh dạn đến với Ngài không chút sợ hãi để phơi bày nỗi lòng chúng ta cho Chúa (4:16). Tuy nhiên, trong hôn nhân, vốn dĩ là một đối tượng học tập lớn lao trong mối quan hệ Đấng Christ và Hội thánh, chúng ta lại thường thất bại trong việc chấp nhận con người thật của nhau! Có biết bao nhiêu người chồng, người vợ đã tự nhủ: “Tôi không thể thổ lộ cho vợ tôi biết cảm nghĩ của mình về đời sống tình dục, hoặc những lo âu của tôi về tiền bạc hoặc tôi nghĩ gì khi bị đàn áp. Mỗi khi tôi cố gắng cởi mở và chân thành chia sẻ nỗi niềm thì lại bị tổn thương”. Nhiều người trong chúng ta không ý thức được hàng chục cách chúng ta chỉ trích hoặc hẹp hòi, không tế nhị khi người bạn đời của mình tâm sự. Mỗi khi chúng ta phản ứng tiêu cực, người phối ngẫu bị tổn thương liền ẩn mình đằng sau bất cứ chiếc mặt nạ nào có được để khỏi bị xúc phạm nhiều hơn – và thế là tiến trình đi đến hợp nhất chấm dứt. Bài tập sau đây giúp bạn học cách làm thế nào đáp ứng với người bạn đời khi họ tâm sự để tạo sự ấm cúng, hiểu biết và gần gũi. Tôi mong các cặp vợ chồng cùng nhau hoàn tất bài tập này. Cơ bản có hai cách đáp ứng với cảm xúc của người bạn đời. Hoặc chúng ta chấp nhận họ hoặc từ khước họ. Dù không phải là trung tâm của nhân cách chúng ta, nhưng có lẽ là phần nhạy cảm nhất. Khi người bạn đời tâm sự cho biết người ấy cảm thấy như thế nào, bạn phải đối xử với cảm xúc ấy thật cẩn thận y như khi bạn khẽ khàng vuốt ve một em bé sơ sinh được người mẹ rạng rỡ trao cho bạn. Thường thì, những ông chồng, bà vợ đối xử với cảm xúc của nhau y như cách họ sẽ xử lý nếu có ai đó đưa cho họ một bịch rác, bảo họ “Này, vứt đi đâu thì vứt”. Xin đọc những phần đối thoại sau đây giữa vợ chồng khi một trong hai người tâm sự và người kia đáp ứng. Trong mỗi trường hợp, hãy cho biết người đáp ứng (người nói thứ nhì) có thật sự chuyển tải được sự chấp nhận cảm xúc của người kia hay không. Nếu có, khoanh tròn chữ chấp nhận ở dưới phần đối thoại ấy. Khoanh tròn chữ khước từ nếu bạn cho rằng đáp ứng có phần nào từ khước cảm xúc. Xin nhớ cho là khi người ta thật sự chấp nhận cảm xúc của bạn, bạn có khuynh hướng cảm thấy được cảm thông và tôn trọng và bạn muốn thổ lộ tâm sự của mình.
Đối thoại 1 Vợ: “Tối qua em cảm thấy bị xúc phạm vì dường như anh đòi hỏi chăn gối mà không cần biết em có thích hay không – Em cảm thấy mình chẳng đáng gì đối với anh” Chồng: “Em yêu, anh không hề có ý định ép buộc em điều gì. Anh tưởng em muốn được yêu”.
Chấp nhận Khước từ
Đối thoại 2 Chồng: “Tuần rồi trong giờ học Kinh thánh, khi anh nói lên ý nghĩa câu Kinh thánh theo ý anh, em cau mày và nói :’Ồ, em không nghĩ câu Kinh thánh có ý nói như thế’. Anh muốn bỏ đi và không bao giờ quay lại nữa. Anh hãy còn tức giận lên đây!” Vợ: “Ôi anh yêu, em rất tiếc, em thấy ân hận hết sức vì đã lỡ làm như vậy”.
Chấp nhận Khước từ
Đối thoại 3 Vợ: “Mỗi lần anh đề cập đến sự cân nặng của em, em cảm thấy nản lòng hết sức đến độ muốn ăn nhiều hơn nữa, nhất là khi anh nói trước bao nhiêu người ta. Em cảm thấy hoàn toàn bẽ mặt mỗi khi anh nói cái gì liên quan đến cân nặng của em. Bản thân em đã thấy tệ hại lắm rồi”. Chồng: “Anh cho rằng mỗi lần anh nói những điều đại loại như vậy là để trả đũa những nhận xét của em về vấn đề tài chánh của chúng ta. Mỗi khi em nói với người ta rằng mình phải đi xe cũ vì không sắm nỗi xe mới, anh có cảm tưởng lãnh nguyên cái tát vào mặt và thế là anh nổi khùng lên!”.
Chấp nhận Khước từ
Đối thoại 4 Chồng: “Những áp lực công việc thật là nặng nề đối với anh. Anh ngán ngẩm và ớn đi làm quá. Tất cả những điều anh làm trong ngày là lo không biết mình có bán được hàng hay không – Áp lực quá nặng đi!”. Vợ: “Anh yêu, có lẽ anh nên tìm công việc khác không có nhiều áp lực như thế”.
Chấp nhận Khước từ
Đối thoại 5 Vợ: “Ngày mai em phải dậy, nói chuyện với nhóm phụ nữ để báo cáo về dự án của chúng em. Em lo quá đi thôi!” Chồng: “Em yêu, em sẽ làm ngon lành thôi mà! Em luôn luôn lo lắng trước những việc như vậy, nhưng rồi lần nào cũng xuất sắc. Em đâu cần phải lo”
Chấp nhận Khước từ
Đối thoại 6 Chồng: “Anh cảm thấy mình thật là có lỗi vì xa gia đình quá lâu. Mấy tháng rồi anh chưa hề ngồi chơi cờ với em và sấp nhỏ”. Vợ: “Em cho rằng vấn đề thật ra là do anh quá lo về vấn đề tài chánh của chúng ta. Vì thế anh làm quá nhiều giờ. Mẹ con em thích thà ít tiền hơn mà anh ở nhà nhiều hơn.”
Chấp nhận Khước từ
Bây giờ xin đọc lại đối thoại 1. Một cách thông thường để khước từ một cảm xúc là bào chữa hay giải thích sau khi người bạn đời thổ lộ cảm xúc của họ. Tác dụng là nhằm điều chỉnh cách bạn cảm nhận và bỏ lỡ cách người bạn đời cảm nhận. Người chồng trong đối thoại 1 đã khước từ cảm xúc của vợ mình. Xem lại đối thoại 2. Những lời xin lỗi đưa ra quá sớm, trước khi bạn cho người bạn đời biết bạn hiểu những cảm xúc người ấy đang thổ lộ, thường chẳng mang ý nghĩa gì. Xin lỗi như vậy thật ra có ý nói “Tôi không muốn cãi cọ lôi thôi và thật ra tôi cũng chẳng muốn nghe anh nói tôi xúc phạm anh đến mức nào. May ra một lời xin lỗi tức khắc sẽ kết thúc cuộc nói chuyện đau khổ này”. Chúng ta phải khoanh tròn chữ khước từ trong đối thoại 2. Trong đối thoại 3, ông chồng đã khước từ cảm xúc của người vợ với có lẽ là kỹ thuật tiêu chuẩn nhất:Tấn công . Nếu người bạn đời báo cho biết bạn gây tổn thương cho cô ấy, rồi bạn báo ngược lại cô ta đã xúc phạm bạn khi nào, thì đó là một sự tấn công tinh tế nhưng rất thực và gây choáng váng. Kết quả là một sự công kích lẫn nhau kéo dài và nóng mặt hoặc một cuộc chiến tranh lạnh. Ông chồng trong thí dụ này rõ ràng từ khước cảm xúc của vợ. Đến đối thoại 4, khi người bạn đời chia sẻ gánh nặng hoặc cuộc tranh chiến, đừng hấp tấp đưa ra lời khuyên. Người chồng đang ngã lòng cần sự khích lệ từ người vợ tôn trọng mình, chứ không cần lời khuyên giải của nhà tư vấn nào nghĩ rằng anh ta cần “giúp đỡ”. Những bà vợ thiện chí thường đưa ra lời khuyên cho những ông chồng đang có vấn đề, mà không ý thức rằng lời khuyên ấy sẽ biến thành ý nghĩa sau đây trong lỗ tai các ông “Nghe này, ông chồng mềm yếu kia, tôi sẽ chỉ cho ông cách xử lý, vì ông đã làm nát bét mọi sự rồi!” Xin khoanh tròn chữ “khước từ” trong phần này. Xin đọc lại đối thoại 5. Khi người phối ngẫu chia sẻ những cảm xúc, đừng bao giờ bảo người ấy là đừng nên cảm thấy “như thế”. Ngay cả khi bạn cố động viên đi nữa, nếu bảo ai đó đừng kinh nghiệm một tình cảm mà anh ấy hoặc cô ấy vừa bày tỏ, thường bị hiểu lầm là áp bức. Những câu như “Cưng này, anh không cần cảm thấy như thế đâu” hoặc “Đâu có lý do gì phải lo lắng thế “ (tổn thương thế, v…v…) phải tránh né. Người bạn đời trong đối thoại 5 đã từ khước cảm xúc của vợ mình. Sau cùng, xin đọc lại đối thoại 6. Một kỹ thuật tinh tế nhưng rất hiệu quả để từ khước những cảm xúc là sửa sai sự đánh giá của một người về vấn đề khiến phát sinh tình cảm. Bảo người ta rằng vấn đề “thật ra là” và lẽ ra người ấy nên cảm thấy thế này thế kia …. không chuyển tải được sự chấp nhận. Lẽ tất nhiên ở một điểm nào đó, có thể cần gợi ý một nhận thức chính xác về những sự kiện, nhưng làm như vậy ngay sau khi người ta tâm sự thì đó là truyền thông sự khước từ. Một lẫn nữa, đối thoại 6 minh họa chiến lược từ khước cảm xúc. Tôi đề nghị mỗi cặp vợ chồng khi đọc bài tập này nên có giấy bút. Những người chồng đọc phần tâm sự của các bà vợ trong đối thoại 1, 3, 5, viết ra câu trả lời cho mỗi tâm sự mà bạn cho rằng sẽ chuyển tải sự chấp nhận cảm xúc ấy. Những người vợ cũng làm như thế với những đối thoại 2, 4 và 6. Sau khi đã hoàn tất câu trả lời, hãy đưa cho người bạn đời. Những người chồng hãy quyết định xem câu trả lời của vợ bạn có giúp bạn cảm nhận sự chấp nhận không nếu bạn ở trong tình huống đó. Những người vợ đánh giá xem bạn có cảm thấy được chấp nhận không nếu như chồng các bạn trả lời câu ông ấy viết ra. Tuỳ theo cách bạn cảm nhận mà viết chữ chấp nhận hay khước từ bên cạnh câu trả lời của người phối ngẫu. Xin dành thì giờ giải thích tại sao bạn ghi như vậy. Để kết thúc bài tập này, xin đọc phần đối thoại sau đây. Mỗi người bắt đầu với một người chia sẻ cảm xúc y như thí dụ trước. Nhưng người đáp ứng trả lời với những từ ngữ dường như chuyển tải sự chấp nhận cảm xúc. So sánh những câu trả lời từ khước trước đây với câu trả lời chấp nhận này.
Đối thoại 1 Vợ: “Tối qua em cảm thấy bị xúc phạm vì dường như anh đòi hỏi chăn gối mà không cần biết em có thích hay không. Em cảm thấy mình chẳng đáng gì đối với anh”. Chồng: “Anh đoán dường như đối với em thật là ích kỷ như thế anh chỉ quan tâm đến những gì anh muốn thôi”. Một phương cách tốt để chấp nhận một cảm xúc là giả vờ như mình là tấm gương phản chiếu cảm xúc mà người kia tâm sự.
Đối thoại 2 Chồng: “Tuần rồi trong giờ học Kinh thánh, anh nói lên ý nghĩa câu Kinh thánh theo ý anh, em cau mày và nói ‘Ồ, em không nghĩa câu ấy có ý nghĩa như thế!’ Anh muốn bỏ đi và không bao giờ quay lại nữa. Anh hãy còn tức điên lên đây”. Vợ: “Em không chắc là em hiểu được cái gì làm anh giận dữ vậy. Anh cảm thấy rằng em áp bức anh chăng?” Hãy lắng nghe chăm chú điều người bạn đời nói. Nếu bạn không chắc mình hiểu được điều đang được thổ lộ, hãy khám phá xem họ muốn nói gì bằng cách đặt câu hỏi. Người bạn đời sẽ diễn dịch rằng bạn thật sự muốn biết người ấy cảm thấy như thế nào.
Đối thoại 3 Vợ: “Mỗi lần anh đề cập đến cân nặng của em, em cảm thấy nản lòng hết sức đến độ muốn ăn nhiều hơn nữa, nhất là khi anh nói trước bao nhiêu người ta. Em cảm thấy hoàn toàn bẽ mặt mỗi khi anh nói cái gì liên quan tới cân nặng của em. Bản thân em đã thấy tệ hại lắm rồi!’. Chồng: “Em yêu, theo anh hiểu thì dường như em thấy bị tổn thương khi anh có vẻ không chấp nhận và yêu em như con người thật của em. Có phải vậy không?” Một phương cách khác để chấp nhận cảm xúc là làm cho rõ điều người bạn đời chia sẻ. Hãy mô tả cách bạn nghĩ là người ấy cảm nhận và hỏi xem bạn nghe có đúng không.
Đối thoại 4 Chồng: “Những áp lực công việc thật là nặng nề đối với anh. Anh ngán ngẩm và ớn đi làm quá. Những điều anh làm trong ngày là lo không biết mình có bán được hàng hay không. Áp lựa quá nặng đi” Vợ: “Anh yêu, áp lực chắc là phải khó khăn lắm. Em nhớ có lần anh bảo rằng đây không phải là công việc anh ưa thích lắm. Em tự hỏi không biết một vài vấn đề phải chăng không phát xuất từ sự nản lòng do bị dính chặt vào công việc này”. Phương cách thứ tư để chấp nhận cảm xúc là diễn giải rộng ra điều bạn nghe được, không chối bỏ điều người ta nói nhưng gợi ý những cảm xúc khác có thể liên quan đến điều họ tâm sự.
Đối thoại 5 Vợ: “Ngày mai em phải dậy, nói chuyện với nhóm phụ nữ để báo cáo về dự án của chúng em. Em lo quá đi thôi!” Tôi đề nghị các qúi phu nhân đọc quyển sách này xin viết câu trả lời khiến quí ông cảm thấy được chấp nhận. Phần sau đây tóm tắt những điểm chính trong bài tập này:
VI. PHƯƠNG CÁCH ĐÁP ỨNG KHI NGƯỜI BẠN ĐỜI TÂM SỰ: VÀI HƯỚNG DẪN Cách Thức Từ Khước Cảm Xúc
1. Bào chữa/ giải thích “Lý do anh nói như thế …” “Điều em muốn nói là ….” 2. Xin lỗi “Em rất tiếc rằng …” “Đáng lẽ anh không nên nói thế …”
3. Tấn công “Anh nhận rằng điều anh làm là sai, nhưng em ….” “À, có thể em đúng, nhưng điều anh khó hiểu là tại sao em …”
4. Khuyên bảo “Có lẽ anh nên …” “Dường như theo anh thì nếu em …”
5. Khinh khi “Anh không thấy tại sao em lại cảm thấy …” “Ôi cưng ơi, không cần phải nghĩ ngợi thế …”
6. Sửa sai “Em cho rằng thật sự là anh muốn nói …” “Anh không nghĩ là em cảm nhận …”
Cách chấp nhận cảm xúc 1. Phản chiếu “Dường như em cảm thấy …” “Đoán là em thật sự cảm thấy … khi …”
2. Minh định “Có phải em nói rằng …” “Em tự hỏi nếu anh cảm thấy …”
3. Khám phá “Anh không hiểu em muốn nói gì …” “Em cảm thấy như vậy từ lúc nào? Anh thật sự không hiểu sao em có thể cảm thấy …”
4. Mở rộng ra “Em thật sự thấy … Em có/ cũng cảm thấy …?” “Em thấy anh cảm nhận …. Nếu em mà là anh, em cũng thấy … Anh có cảm thấy thế không?”