LIỆU KẾ HOẠCH ĐÓ CÓ CÒN KẾT QUẢ KHÔNG?

Năm vừa qua, có hơn một triệu vụ ly hôn xảy ra tại Mỹ. Khoảng 75% hộ gia đình Mỹ đến một lúc nào đó sẽ phải cần sự giúp đỡ hòa giải. Ít nhất là 40% các cặp vợ chồng mới cưới sẽ phải ly dị.

Liệu có phải những dự kiến này dựa trên số liệu thống kê năm ngoái có ý nói rằng hoạch định của Đức Chúa Trời dành cho hôn nhân không còn hiệu nghiệm nữa chăng? Chúng ta vừa mới công nhận mạng lệnh hôn nhân trong Sang 2:24 với tất cả sự khôn ngoan tuyệt vời của nó, nhưng chúng ta có thể chỉ ra cách chính xác rằng hôn nhân đó đã được ban hành trong một thế giới nguyên thủy hoàn toàn cho những con người vô tội chưa từng nếm trái cấm. Liệu kiểu mẫu hôn nhân kia có thực sự kết quả bên ngoài vườn Êđen không? Hay Đức Chúa Trời phải quan tâm việc các sự vật đã thay đổi như thế nào kể từ lúc đó? Hay là cuối cùng Ngài phải hiệu đính lại chương trình dành cho hôn nhân để phù hợp với những điều kiện của thời thế bây giờ?

Quan điểm này thường được người ta đưa ra để biện minh cho việc ly dị. Sau đây là nội dung một lá thư được gởi đến cho tổng biên tập một tờ báo Cơ đốc:

Tất cả vì nông nổi mà tôi đã chọn lầm người đàn ông , có phải vì thế mà chúng tôi phải ở với nhau để làm điều đó trở nên “đúng đắn ” không? Chúng tôi đã cầu nguyện bốn năm liền xin Chúa cho cảm giác của chúng tôi khi ở bên nhau được thay đổi , cho cuộc hôn nhân của chúng tôi thay đổi . Chúng tôi đi gặp nhiều nhà tư vấn và đi đến với các nhóm học về Hôn nhân Gia đình – Nhưng chúng tôi vẫn thấy chán ghét nhau ngày càng hơn . Sau 5 năm chung sống , chúng tôi quyết định ly dị để khỏi phải làm tan nát lòng nhau . Điều đó ít gây tai hại hơn cho cả hai chúng tôi , mỗi quyết định đều làm chúng tôi đau khổ . Nhờ thái độ của Hội thánh mà tôi cảm biết mình có tội, nhưng tôi cũng cảm thấy rằng Đức Chúa Trời hiểu tôi mà …

Một phụ nữ nói với tôi tại buổi họp về chuyên đề về Hôn nhân Cơ Đốc : “Dù sao Đức Chúa Trời cũng ban cho tôi một khối óc. Nếu tôi thấy mình sai lầm khi cưới người không phù hợp với mình, thì ly dị là giải pháp tốt nhất.”

Rõ ràng là bà này cũng cảm thấy rằng Đức Chúa Trời sẽ hiểu cho những cố gắng của bà để giải thoát cả hai khỏi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc bằng cách xóa bỏ hoàn toàn – cũng giống như sửa lỗi trên tờ giấy thi bằng cách tẩy xóa rất gọn.

Chúng ta cần phải đối diện vấn đề này một cách trực tiếp. Có phải Đức Chúa Trời vẫn còn mong những người đang sống trong thế giới đầy tội lỗi này thực hiện mạng lệnh hôn nhân được ban hành trong môi trường hoàn hảo của vườn địa đàng không?

Đức Chúa Jêsus Christ đã trả lời câu hỏi này. Trong Mac 10:2-12 mà chúng ta sẽ trích dẫn sau và trong Mathio 19:3-12, Chúa Jêsus truyền dạy quan điểm thiên thượng về hôn nhân. Khi bạn đọc lời Ngài bạn sẽ tìm thấy chân lý trong sạch vẫn không bị lu mờ bởi sự cứng cỏi của tấm lòng con người.

“Các người Pharisi bèn đến gần hỏi để thử Ngài rằng : người nam có phép để vợ mình chăng ? Ngài trả lời rằng : vậy chớ Môise dạy các ngươi điều chi ? Họ thưa rằng : Môise có cho phép viết tờ để và cho phép để vợ . Đức Chúa Jêsus phán rằng : ấy vì cớ lòng các ngươi cứng cỏi nên người đã truyền mạng này cho . Nhưng từ lúc đầu sáng thế , Đức Chúa Trời làm ra một người nam và một người nữ . Vì cớ đó, người nam lìa cha mẹ mình mà dính díu với vợ , và cả hai người cũng nên một thịt mà thôi. Như thế, vợ chồng chẳng phải là hai nữa , mà chỉ là một thịt. Vậy, người ta không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp.

Khi ở trong nhà, môn đồ lại hỏi Ngài về việc ấy . Ngài phán rằng : Ai để vợ mình mà cưới vợ khác, thì phạm tội tà dâm với người, còn nếu người đàn bà bỏ chồng mình mà lấy chồng khác thì cũng phạm tội tà dâm ” (Mac Mc 10:2-12)
Các người Pharisi đã đến với Chúa Jêsus, nhằm để lôi kéo Ngài vào cuộc tranh luận đầy sóng gió chung quanh vấn đề ly dị. Thời đó, những học sinh của ba trường giải luật Do thái khác nhau đều tranh cãi về vấn đề có chấp nhận ly dị hay không? Cuộc tranh luận xoay quanh Phục truyền 24 trong đó Môise ấn định luật về sự để vợ bằng cách giới hạn nguyên nhân gây ra sự vi phạm cấm kỵ hay sai lầm nghiêm trọng. Một bản nghiên cứu Cựu ước nói rằng về mặt pháp lý, hành động ngoại tình không được chấp nhận cho ly dị (Dan Ds 5:11-31, đưa ra những chỉ dẫn quan trọng liên quan đến sự ngoại tình). “Sự ô uế”, “Sự lõa lồ” hay “Sự bất chính” mà Môise đưa ra như là lý do duy nhất để hợïp pháp chuyện ly dị thường ám chỉ đến “sự loạn luân” “điếm đàng”, “thói quan hệ tình dục bừa bãi”. Trong Tân ước, Đức Chúa Jêsus gọi sự không trong sạch này là “thông dâm”. Chúng ta phải chú ý rằng ngoại tình và thông dâm là những từ được dùng cách rõ ràng và riêng biệt trong Tân ước, để nếu Chúa Jêsus có ý muốn nói rằng “ngoại tình” là cơ sở cho sự ly dị, thì Ngài sẽ gọi nó là “ngoại tình”. Nhưng Ngài đã nói rằng “Nếu ai để vợ mình, không phải vì cớ thông dâm , mà cưới vợ khác, thì người ấy phạm tội tà dâm. Và ai cưới người bị để thì phạm tội ngoại tình” (Mat Mt 19:9).

Như vậy là cách những người Do thái thời Chúa Jêsus đã suy luận sai câu nói của Môise về sự để vợ. Những người theo Shammai cho rằng bất cứ hành vi ngoại tình nào cũng là một sự không tinh sạch mà Môise đề cập đến. Những người theo Hillel định nghĩa sự không tinh sạch theo nghĩa rộng nhất. Người vợ có thể làm khét nồi canh. Đó là sự không tinh sạch. Bà ấy có thế nói quá lớn to tiếng ở trong nhà. Đó là sự không tinh sạch. Người phụ nữ có thể xuất hiện trước công chúng mà không trùm đầu. Ngoài ra sự không tinh sạch còn do nơi người chồng có kết điều đó là tội hay không. Điều này có nghĩa là nếu người vợ phạm bất cứ một tội nhỏ nào thì cũng có thể bị người chồng ly dị. Những tín đồ của vị rabbi tên Akiba tuyên bố thẳng thừng rằng nếu một người vợ không được chồng mình thương xót một chút nào cả là không sạch và có thể bị đuổi đi – Một sự cho phép mù quáng về ly dị.

Hãy chú ý rằng người Pharisi đã đi một bước xa hơn và không đếm xỉa đến điều ngoại lệ mà Môise đã nói cùng với sự để vợ. Khi họ chất vấn Chúa Jêsus: “không cứ vì cớ gì người ta có phép để vợ mình chăng?” (Mat 19:3). Họ nói rằng: “Người nam có phép để vợ mình chăng?” (Mac 10:2)

Cách mà Chúa Jêsus đáp lời cùng với những người Pharisi chỉ cho chính chúng ta thái độ nào cần phải có đối với hôn nhân và ly dị, đó là:

1) Ngài không đếm xỉa đến sự cãi nhau vặt với thẩm quyền “tôn giáo” thời đó và sự thắc mắc của họ về sự ly dị.
2) Ngài tập trung vào Kinh thánh như là thẩm quyền chân thật duy nhất.
3) Ngài trở lại kiểu mẫu hôn nhân nguyên thủy trong Sáng thế ký như là chủ đề xác đáng nhất để thảo luận. Mathiơ kể lại rằng Chúa Jêsus trước tiên trả lời họ như thế này: “Các ngươi há chưa đọc Sang 1:27 và 2:24 sao mà các ngươi lại luôn khoe khoang rằng mình biết Thánh kinh?” Hay là Ngài trả lời họ như thế này:”Tại sao các ngươi không trở lại với sự dạy dỗ căn bản để tìm câu trả lời?”

Rò ràng Chúa Jêsus đánh giá hai câu Kinh thánh trong Sáng thế ký như là mạng lịnh Thiên thượng dành cho Hôn nhân – chữ đầu tiên và chữ cuối cùng có ảnh hưởng rất lớn ngay cả trong một thế gian đầy tội lỗi này. Chúa Jêsus giải thích rằng sự nhượng bộ Luật pháp bởi Môise trong Phuc 24:1 tất nhiên không phải là vấn đề tranh cãi cho bất kỳ người nào muốn hiểu được chương trình và mục đích của Đức Chúa Trời dành cho hôn nhân. “Ngài phán rằng: vì cớ lòng các ngươi cứng cỏi, nên Môise cho phép để vợ; nhưng lúc ban đầu không có như vậy đâu” (Mat 19:8).

Lúc ban đầu không có như vậy đâu ! Với những lời này, Chúa Jêsus chỉ cho chúng ta trở về lúc ban đầu và tại đó chúng ta sẽ tìm thấy những lời khuyên về hôn nhân và những tiêu chuẩn mà chúng ta cần phải tuân giữ. Chúng ta hãy xem xét cách cẩn thận một câu nói mà con Đức Chúa Trời đã thêm vào mạng lịnh của Sáng thế ký: “Vậy loài người không nên phân rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp!” (19:6; Mac 10:9).

Điều này bổ sung cho ba dữ kiện quan trọng và kiến thức nền tảng của chúng ta về hôn nhân.

1. Chính Đức Chúa Trời đã phối hiệp người vợ và người chồng với nhau. Người nam và người nữ tự mình lựa chọn để đi đến hôn nhân với nhau, nhưng khi họ làm như vậy, Đức Chúa Trời buộc họ vào nhau, biến “hai” thành “một”.

2. Từ quan điểm Thiên thượng trên, hôn nhân là sự kết hợp bền vững và trường tồn mà tất cả những sự cám dỗ trên đất này đều không thể phá vỡ được. Làm sao một tờ giấy có thể thay đổi những gì mà chính Đức Chúa Trời đã làm? Chỉ có sự chết mới có thể chia lìa hai người được phối hiệp trong hôn nhân.

3. Bất cứ cá nhân nào tìm cách chia lìa điều mà Đức Chúa Trời đã phối hiệp thì đó là một hành động thách thức ngạo mạn đi ngược lại ý chí của Đức Chúa Trời. Bất cứ ai chọn làm như vậy đều phải sống với hậu quả của hành động mình.

Tóm lại Chúa Jêsus bảo những người tranh luận với Ngài về sựï ly dị rằng nhận định của họ sai lầm hoàn toàn. Quan điểm chân thật dưới con mắt của Đức Chúa Trời lúc đó và ngày nay là sự trường tồn của hôn nhân và mỗi chúng ta phải trân trọng điều đó.

Nếu ai bác bỏ những kết luận này và thật lòng cho rằng điều đó đã lỗi thời với thời đại ngày nay, tôi chỉ có thể trích dẫn những lời của Đức Chúa Jêsus Christ: “Vì giữa dòng dõi gian dâm, tội lỗi này, hễ ai hổ thẹn về ta và đạo ta, thì Con Người sẽ hổ thẹn về kẻ ấy, khi ngự trong sự vinh hiển của Cha Ngài mà đến với các Thiên sứ Thánh” (8:38).

Nào, sự dạy dỗ về ly dị này liên hệ như thế nào với trường hợp của bạn? Nếu bạn đang cố gắng xây dựng một mối quan hệ yêu thương trong hôn nhân của mình, hay nếu bạn đang cố gắng giải quyết những nan đề trong hôn nhân, hoặc ngay cả khi bạn đang cho phép việc ly dị ảnh hưởng đến những nỗ lực của bạn theo chiều hướng có hại. Việc lưu giữ những ý nghĩ ly dị trong ngôn từ xúc cảm của mình, ngay cả là quyền lực chọn từ bỏ – sẽ cản trở tất cả những nỗ lực mà bạn dành cho hôn nhân của mình. Nó sẽ ngấm ngầm phá hoại những cố gắng của bạn để cải tiến mối quan hệ hôn nhân của mình và tình huống không hạnh phúc có thể tiếp tục diễn ra không hạn định. Việc tiếp tục ly dị như là một lối thoát chỉ ra sai lầm của bạn trong sự cam kết của hai người với nhau, ngay cả một vết thương nhỏ xíu cũng có thể bị hổng to cách đáng sợ bởi nhiều thế lực đang hành động để phá hoại các gia đình.

Số liệu thống kê đáng buồn đã được nêu ra ở đầu chương này là bởi sự nỗ lực không ngừng của Satan để phá hoại gia đình, một tổ chức quan trọng nhất trên trái đất này. Họ có thể bị dẫn dụ theo ý niệm phổ biến kia là nếu hôn nhân không có kết quả thì cần phải chuyện ly dị và một nỗ lục khác được thực hiện với một người bạn đời mới – như chúng ta đã thấy, một tư tưởng hoàn toàn đi ngược với Thánh kinh đã được thăng tiến bởi hệ thống trần gian dưới ảnh hưởng của Satan.

Một nguyên nhân sâu xa nữa là sự không hòa hợp đã xuất hiện và chúng ta cần phải nhận biết điều đó và nỗ lục xây dựng một quan hệ tình yêu chân thực. Tôi đề nghị rằng bạn nên suy gẫm kỹ càng Sáng thế ký 3 trong đó mô tả sự thất bại của người nam và người nữ trong việc vâng lời Đức Chúa Trời khi sống trong điều kiện môi trường lý tưởng: họ đã rơi từ tình trạng vô tội sang tội lỗi và sự chết; lời hứa của Đức Chúa Trời về sự Cứu chuộc và Ngài đuổi hai người ra khỏi vườn Êđen để sống một cuộc sống đạo đức và có trách nhiệm trong những điều kiện mới và khó khăn.

Bạn sẽ tìm thấy trong chương 3 của Sáng thế ký nguồn gốc của tội lỗi và sự hổ thẹn, sự ích kỷ và sự tự cho mình là trung tâm và sự ngăn cách – tất cả những tật xấu đó làm hỏng đi tình yêu tuyệt vời và sự hiệp một mà Ađam và Êva đã từng tận hưởng.

Thế thì, theo một nghĩa nào đó mỗi cặp vợ chồng mặc quần áo kết bằng lá vả và núp sau những cây mà do chính mình trồng! Chúng ta đều có khuynh hướng lìa bỏ nhau, xa rời nhau, thu hút sự tập trung vào những nhu cầu và ước muốn của chính mình, để sống vì chính mình, đổ lỗi cho những người thân cận nhất của mình để bảo vệ hay biện hộ cho chính mình, và làm những điều không đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Tội lỗi tạo ra sự ham muốn làm điều sai trái, không phải để chia xẻ và thông công, nhưng để phục vụ cho bản chất tiêu cực và ích kỷ của con người. Tất nhiên Satan vui mừng khuyến khích khuynh hướng này. Hãy nhớ rằng tội lỗi đầu tiên đến thế gian trong hôn nhân đầu tiên, và trong chính gia đình đầu tiên đó, sự chia rẽ và căm hờn xuất hiện. Đó là nơi mà ma qủi bắt đầu những công việc chết người, và đây là lý do mà bạn sẽ không bao giờ có một hôn nhân hạnh phúc và bền vững và một cuộc sống gia đình hòa thuận theo lẽ thường tình.
Sự ích kỷ cá nhân dẫn đến sự chia rẽ giữa người chồng và người vợ có thể chứng minh cho chúng ta và thường được trình diễn trên truyền hình. Ví dụ như mẫu đối thoại này giữa người chồng và người vợ đã xuất hiện trên bộ phim truyền hình gia đình.

Một người chồng trẻ hớn hở trở về nhà với tin là anh ta có một cơ hội lớn để tiến xa hơn trong nghề bóng chày chuyên nghiệp ở Puerto Rico trong vài tháng. Anh ta rất hồi hộp với việc dắt vợ mình theo.

Người vợ trẻ hỏi cách lạnh lùng: “Tại sao em phải đến Puerto Rico?”

Người chồng (không thể tin được những điều này) lắp bắp: “Nhưng … nhưng … Susan ơi, em là vợ của anh mà!”

Susan trả lời cách tức giận: “Vâng, nhưng tôi cũng là một CON NGƯỜI, VÀ TÔI CÓ CUỘC SỐNG CỦA RIÊNG TÔI !”

Sự phân rẽ dần dần và đều đặn thường ảnh hưởng đến những cuộc hôn nhân mà người ta bắt đầu biến nó thành sở thích. Có nhiều người rất buồn khi đọc tờ báo nói về một ngôi sao Thế vận hội trở nên một người bình thường sau chiến thắng vẻ vang của anh ta. Anh và vợ đã được những người khác hâm mộ vì những nỗ lực liên tục của cả hai để cùng nhau đạt được mục đích đó đã nhiều năm rồi.

Hiệp hội báo chí Associated Press cho biết rằng người trai trẻ đó và vợ đã chính thức chia tay nhau sau 7 năm chung sống bởi vì theo như lời của người phát ngôn của họ: “Cả hai cảm thấy rằng cuộc sống của họ đã thay đổi trong năm ngoái và mỗi người đều muốn tập trung vào chính đời sống riêng của mình”. Hy vọng là cuộc hôn nhân này còn có thể cứu vãn được, nhưng hãy chú ý đến những lý do của việc họ chia tay: đó là mỗi người có thể tập trung vào chính đời sống của mình!

Thế là chúng ta lại thấy được những hậu quả của Sáng thế ký 3.

Trong chương 2, tôi đã kể cho các bạn về Dean và Carol, một đôi vợ chồng Cơ Đốc đã cam chịu đủ mọi sự tấn công dữ dội vào chính hôn nhân của họ, phía trong lẫn phía ngoài. Những áp lực đè nặng trên họ rất lớn. Chúng ta hãy phân tích một số áp lực đó và quan sát xem cách một tội lỗi kéo theo một tội lỗi khác như thế nào. Trong mỗi trường hợp đều không có sự hiểu biết hay thiếu sự ứng dụng những nguyên tắc của Thánh kinh để giúp đỡ và chữa lành những tình huống như thế.

1/ Trước hết, họ đã thất bại trong việc gắn bó với nhau trong suốt những năm thờ ơ mối quan hệ yêu thương của họ. Một cuộc tình giữa người chồng và người vợ phải được tiếp tục điều chỉnh và luôn luôn tăng trưởng.

2/ Điều này đã gây ra một khoảng trống tình cảm khiến cho người phụ nữ khác vui mừng thế vào, hy vọng chia rẽ Dean và vợ ông để cho bà có thể lấy Dean.

3/ Tội ngoại tình kế tiếp của Dean đã tấn công mối quan hệ một thịt của họ.

4/ Carol đã sai lầm khi đem chuyện hôn nhân của mình kể cho một người bạn mà người này lại luôn luôn chỉ trích Dean, làm cho bản thân Carol cảm thấy xa cách chồng mình.

5/ Người bạn này cũng đưa ra những lời khuyên phi Kinh thánh nhấn mạnh rằng cần phải ly dị khi chồng ngoại tình.

6/ Sự rút lui về thể xác lẫn tình cảm của Carol khỏi chồng trong lúc này đã gây nên sự chia rẽ sâu xa hơn giữa họ và dọn mâm sẵn cho người đàn bà khác tiếp tục theo đuổi Dean.

7/ Những lãnh đạo trong Hội thánh đã sai lầm trong việc khuyên giải Dean cách thích đáng liên quan đến sự tha thứ và phục hồi tâm linh của Dean sau khi ông đã xưng nhận tội lỗi mình trước Ban trị sự.

8/ Do đó, Dean bị mắc bẫy vào những mặc cảm tội lỗi mà chính chúng đã gây trở ngại cho ông khiến ông không thể nào phục hồi lại tình yêu và sự tin cậy trong gia đình của mình.

9/ Điều này cũng ảnh hưởng đến sự tăng trưởng tâm linh của ông. Những mặc cảm tội lỗi sau khi xưng tội và ăn năn bắt nguồn từ Satan để cản trở sự tăng trưởng thuộc linh của chúng ta.

10/ Cũng dễ hiểu thôi, Dean cảm thấy hình như ai cũng biết chuyện của mình và cảm thấy ngượng ngùng với những người trong Hội thánh đang đồn đại và phê bình ông. Ông bắt đầu xa rời những buổi nhóm.

11/ Một số bậc lãnh đạo Hội thánh đã phạm lỗi lầm khi tiên đoán sự ly dị là điều không thể nào tránh khỏi cho gia đình họ. Điều này làm cho Carol thêm bối rối khi bà cần được nghe lời khuyên từ lời của Đức Chúa Trời để chỉ cho bà cách giải quyết nan đề ấy theo đúng Kinh thánh.

12. Bởi vì Carol đã không tha thứ được cho chồng mình và bỏ lại quá khứ sau lưng theo những nguyên tắc của Thánh kinh, và cả hai hầu như trở nên tuyệt vọng khi vướng phải nan đề mà không thể mau chóng giải quyết được với sự khuyên răn đúng đắn.

13. Tất cả những yếu tố này, với nỗi đau tình cảm và sự bối rối đã thúc giục Dean tìm lối thoát là phải đi xa, cố cách ly với vợ mình để quyết định cho đúng đắn rằng họ có còn yêu nhau không. Sự xa cách ít khi cải tạo một hôn nhân không hạnh phúc và không ai nghĩ là nó có thể chứng tỏ điều gì về tình yêu. Sự hòa hợp trong hôn nhân là đúng với Kinh thánh. Sự chia rẽ là thuộc về Satan. Điều này có thể giống như sự quá đơn giản hóa nhưng hoàn toàn phù hợp với Kinh thánh về hôn nhân. Tôi hy vọng bạn sẽ ghi nhớ điều này như là một luật lệ phải được tuân hành trong những tình huống nghi ngờ.

Cả Dean và Carol nhận biết rằng những tình cảm đã dẫn họ đi lạc lối, rằng họ không thể để cho tình cảm hướng dẫn mình được.
Quay về bất kỳ phía nào, hầu như họ chỉ nghe từ “ly dị ”. Tất cả áp lực đè nặng trên họ gây ra sự chia rẽ hơn là sự hiệp một. Nhưng khi họ khám phá những nguyên tắc nền tảng về hôn nhân của Thánh kinh – rằng trước mặt Chúa, người vợ và người chồng là một và phải luôn là một. Họ có thể phục hồi lại mối quan hệ yêu thương và xây dựng lại gia đình mình. Ngày nay, họ có rất nhiều cơ hội để chăm sóc, nâng đỡ những đôi vợ chồng khác đang gặp những hoàn cảnh tương tự.

Các bạn thấy đấy, chúng ta có thể khám phá được vườn địa đàng trong hôn nhân, theo Tân ước. Chúng ta có thể, đến một chừng mực nào đó, trở về điểm lý tưởng trong hôn nhân của chúng ta và chúng ta phải làm điều đó nếu chúng ta muốn hôn nhân của mình được tràn ngập trong hạnh phúc và tình yêu. Mặc dầu khuynh hướng sống ích kỷ luôn luôn tồn tại do sự Sa ngã của loài người, nhưng chúng ta có thể phục hồi lại tình yêu của bản thân dành cho người bạn đời, sự hòa hợp, sự tự do thỏa lòng trong đời sống vợ chồng mà Ađam và Êva đã từng kinh nghiệm được. Nhờ quyền năng của Đức Chúa Jêsus Christ, các Cơ Đốc nhân chẳng những có mẫu hình hôn nhân lý tưởng mà còn có mục đích để hoàn thành và năng quyền để thực hiện điều đó nữa.

Trước đây chúng ta đã đặt ra câu hỏi: Đức Chúa Trời có phải hiệu đính lại chương trình của Ngài dành cho hôn nhân để phù hợp với những điều kiện của thế giới dẫy đầy tội lỗi không? Chúng ta thấy đấy, câu trả lời là KHÔNG. Trái lại Ngài mong muốn chúng ta phải sửa đổi lại thái độ của mình để cho phù hợp với những tiêu chuẩn của Ngài dành cho hôn nhân để “chúng ta được tốt lành và hưởng phước ”. Và Ngài biết rằng chúng ta có thể làm thế nhờ đời sống mới trong Chúa Jêsus Christ.

Tất nhiên là tôi đang viết cho bạn tại đúng vị trí của bạn bây giờ. Cho dù bạn đã phạm bất cứ tội lỗi nào trong lãnh vực hôn nhân và ly dị, hãy cầu xin sự tha thứ của Chúa và chấp nhận điều đó, hãy biết rằng bạn đã được giải phóng khỏi tội lỗi. Bây giờ Ngài luôn luôn gần gũi với chúng ta và bạn có nhiều cơ hội để tiến về phía trước trong một đường lối mới “quên lửng sự ở đằng sau mà bươn theo sự ở đằng trước” (Philip 3:13 NASB) với đôi mắt của bạn luôn chăm chú vào Chúa Jêsus và tâm trí bạn được tạo nên bởi Lời của Đức Chúa Trời, bạn có thế kiến tạo một đời sống mới cho chính bạn và người bạn đời của mình kể từ giây phút này.

Tôi tin rằng bạn sẽ đưa vào hôn nhân của mình một hướng giải quyết mới để vượt qua những ảnh hưởng bên ngoài khiến cho bạn cảm thấy bản thân xa cách với người bạn đời của mình, với một quyết định mới là bạn sẽ làm tất cả những gì mình có thể thiết lập mối quan hệ yêu thương theo chương trình của Đức Chúa Trời, và tôi cũng mong ước rằng bạn có thể cải tiến hôn nhân của mình và rập khuôn nó theo kiểu mẫu của hôn nhân trong vườn địa đàng ngày xưa.

Có lần một người đàn ông đã nói như thế này:”Những lý tưởng cũng giống như các vì sao, chúng ta sẽ thất bại nếu muốn sờ đến nó bằng đôi tay, nhưng đi theo chúng như người thủy thủ ở trên biển cả, thì chúng ta sẽ đạt được mục đích của mình”.

Chúng ta sẽ không thành tựu được sự trọn vẹn trong hôn nhân của chúng ta, nhưng khi chúng ta làm theo cách mà Chúa đã dạy dỗ trong Sang 2:24, chúng ta sẽ khám phá được những điều kỳ thú lạ lùng mà Ngài đã hoạch định cho chúng ta, và chúng ta sẽ hoàn thành mục đích mà Ngài đặt trước chúng ta là bày tỏ tình yêu của Ngài cho thế giới đang thiếu tình yêu qua đời sống tình yêu của chính mỗi chúng ta.

TÌNH YÊU – GIẢI QUYẾT NHỮNG ĐIỀU KÍN GIẤU

Đôi vợ chồng ngồi trước bàn làm việc của tôi đến từ một vùng khác của nước Mỹ để tìm lời khuyên giải. Hal, một chàng trai trẻ tuấn tú, đã thành công trong nghề nghiệp của mình, nói thay cho cả hai “Bác sĩ Wheat ơi, xin hãy giúp đỡ chúng tôi, nếu ông có thể: chúng tôi đang rất tuyệt vọng”

Khi chúng tôi cùng trò chuyện một vài tiếng đồng hồ, tôi nhận thấy Hal ít khi nhìn vợ mình là Genie. Và cô ta, với mái tóc vàng tuyệt đẹp, một giọng nói dịu dàng, một nụ cười đằm thắm dường như bị chinh phục trong sự hiện diện của chồng. Lúc đó, tôi khám phá tia ấm áp trong đôi mắt xanh của cô , nhưng không bao giờ hướng về phía người chồng. Họ như những người khách lạ tao nhã, không thân cận nhau đủ để thù địch, bị trói buộc vào những mối ràng buộc thân thiết nhất, và còn xa cách hơn cả giới hạn của bức tường trong văn phòng làm việc của tôi. Về phương diện tinh thần, họ đang đứng ở hai đầu tận cùng của trái đất!

Dù thế nào đi nữa họ đến đây là để chia sẻ nhiều hơn về vận mệnh tốt lành của họ. Họ là những người có sức hấp dẫn người khác, tài chính thong thả, học cao, và cả hai đều có nghề nghiệp, quan trọng hơn hết là họ biết và rất yêu mến Chúa. Thật ra, họ gặp nhau trong môi trường đại học, cùng nhận thấy rằng họ có chung mục đích thuộc linh, và quyết định cưới nhau sau một thời gian sốt sắng cầu nguyện. Đối với những người ngoài thì cuộc hôn nhân này thật là lý tưởng. Nhưng tôi tìm thấy trước tôi hai con người hoàn toàn không hạnh phúc, cố vượt qua tuần kế tiếp sống bên nhau.

“Chúng tôi đã suy nghĩ đó là do ý muốn của Chúa cho chúng tôi cưới nhau”. Hal lạnh lùng giải thích :”Chúng tôi đã suy gẫm những điều Kinh thánh dạy dỗ về hôn nhân, và chúng tôi biết rằng ly dị không phải là sự lựa chọn của chúng tôi vì là những Cơ Đốc nhân. Nhưng chúng tôi phải làm gì? Chúng tôi không còn yêu nhau nữa.”

Cuộc thảo luận xa hơn đã làm rõ biểu hiện đó. Hai vợ chồng họ rất tôn trọng nhau, thậm chí ngưỡng mộ nhau nữa, mỗi người như là những cá thể, tất nhiên là họ mong muốn cả hai đều tốt. Nhưng đó là giới hạn của sự quan tâm lẫn nhau. Điều gì đang thiếu ở họ?

“Thưa Bác sĩ Wheat, đó là tình cảm” cả hai đều đồng tình. “Chúng tôi không có tình cảm gì gọi là yêu cả. Không có sự rung động khi chúng tôi ở bên nhau. Chúng tôi không cảm thấy bị thu hút để gần nhau. Dường như chúng tôi không thể nói với nhau về quá khứ của chúng tôi hay lập bất cứ kế hoạch nào cho tương lai cả. Hal nói “Chúng tôi không cãi nhau, cũng không đánh nhau. Nhưng chúng tôi không thích nhau nữa.”

Bất kỳ buổi tối nào cũng trôi qua cách cô đơn và luôn đem lại sự buồn chán. Hal nhận thấy sự đáp ứng chăn gối của Genie không gây cảm hứng, mặc dù cả hai thường kinh nghiệm sự giải thoát của tình dục. Anh công nhận rằng anh không muốn ngồi gần cô hay choàng tay ôm cô . Anh nói rằng: “Tôi ước là tôi đã làm”. Genie nhận thấy Hal có vẻ tư lự và buồn rầu “nhưng anh ấy rất tốt trong nhiều mặt”. Cô nói “Từ khi cả hai cùng làm việc anh ấy giúp tôi làm việc nhà. Anh ấy chở tôi đến nơi nào tôi muốn. Anh ấy bảo tôi là một người vợ hiền với một cái đầu thông minh trên đôi vai của tôi. Và tôi còn biết là tôi đã không làm anh vui lòng. Ví dụ như anh ấy nghĩ rằng tôi là một người xấu xí nếu tôi không trang điểm trước tiên vào buổi sáng. Nếu anh ấy yêu tôi, thì việc đó có gì khác biệt đâu? Tôi đã luôn tin rằng tình yêu chân thật sẽ khỏa lấp những nhược điểm.”

Hal nói: “Thật ra cô ấy là người quá dễ thương và hoàn hảo. Có lẽ đó là lý do mà tôi cảm thấy rằng không cách gì khiến cô ấy có thể hiểu thấu tôi và cách sống của tôi trước khi tôi trở nên một Cơ Đốc nhân.”

“Chúng tôi không ở cùng một tầng số.” Genie nhận xét cách buồn bã. “Hôn nhân không giống như tôi đã mơ tưởng. Tôi cảm thấy hầu như lúc nào tôi cũng thất vọng và hụt hẫng”.

“Có lẽ chúng tôi đã lừa dối lẫn nhau” Hal nhún vai. Những người bạn thân của chúng tôi rất thích gần gũi với nhau. Họ làm cho khung cảnh bừng sáng khi họ ở bên nhau. Nhưng chúng tôi thì khác. Tôi không biết là chúng tôi có thể giải quyết điều đó như thế nào bây giờ. Chúng tôi đã lấy nhau và rất khốn khổ. Chúng tôi không còn yêu nhau nữa!”

Tôi đã nghe câu nói này nhiều lần. Thường là câu nói: “Chúng tôi không còn yêu nhau nữa” hay một sự thú nhận đau đớn “Chồng tôi (hay vợ tôi) không còn yêu tôi nữa”. Nhưng trong một số trường hợp những người bị ruồng bỏ nói với tôi rằng họ chưa bao giờ yêu nhau, ngay cả khi mới cưới nhau.

Là một nhà tư vấn, tôi phải chứng kiến nhiều hậu quả bi thương của các cuộc hôn nhân không có tình yêu. Sự thiếu thốn tình yêu sẽ làm cho những người được biết đến như là những lãnh đạo Cơ Đốc lại dính díu vào các cuộc ngoại tình, hay vợ của họ đi tìm kiếm tình yêu ở nơi khác vì họ cảm thấy thiếu thốn tình cảm. Ngay cả trong những trường hợp thương tâm hơn, mọi thứ đã được thực hiện theo đúng luật cũng như những hậu quả tinh thần gần như tiêu hủy toàn bộ gia đình.

Nếu không đi vào chi tiết, tôi chắc rằng bạn chưa có kinh nghiệm nhiều trong vấn đề khuyên giải người đàn ông và người đàn bà đã tuyệt vọng trong khi mong đợi những cảm xúc tình yêu trong hôn nhân của họ, và do đó đôi khi làm cho ngay cả những Cơ Đốc nhân cũng bị sốc bởi những gì họ sẽ làm để tìm người thay thế. Tất nhiên là một Cơ Đốc nhân không bao giờ muốn bị chi phối bởi tình cảm của anh ta – trong lãnh vực hôn nhân hay trong bất cứ lãnh vực nào của đời sống – Nhưng nếu hôn nhân mà thiếu những tình cảm tốt lành thì quả là cực kỳ thiếu thốn và nhiều cặp vợ chồng mà tôi khuyên giải hầu như thường liên quan đến cảm xúc tình yêu và sự thiếu thốn tình yêu trong một giai đoạn nào đó của mối quan hệ hôn nhân gia đình họ.

Theo cách nhìn của tôi, đó là lý do tại sao mà chỉ viết sách về hôn nhân thôi thì chưa đủ. Tôi thấy rõ nhu cầu phải tập trung tình yêu vào trong hôn nhân – Sự đầu tư trọn vẹn tình yêu trong đó có những sự thèm khát tình cảm mà Đức Chúa Trời đã đặt để trong chúng ta để chúng ta được thỏa mãn. Chúng ta biết rằng tình yêu bao gồm toàn bộ những tình cảm từ hồi hộp đến sự yên lặng ngọt ngào. Những điều này có thể được sẵn sàng đón nhận và cổ vũ nồng nhiệt. Chúng đem lại sắc màu và thêu dệt cho cuộc sống lứa đôi. Chúng đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc và tinh thần sung mãn sẵn sàng đối diện với những nan đề bên ngoài. Nhưng sự thiếu vắng những tình cảm như thế sẽ tạo nên một khoảng trống đau đớn cần phải được lấp đầy. Chúng ta không được coi thường những cảm xúc của tình yêu và những khao khát mà chúng gợi lên. Chỉ khi nào chúng ta hiểu được những tình cảm, khao khát ấy, và xử lý chúng theo một phương pháp xây dựng để chúng chiếm được một chỗ chính đáng trong cuộc đời chúng ta hầu làm phong phú mà không chi phối chúng ta.

Thật vậy trong cuộc sống hôn nhân thật sự, chúng ta phải nhận biết tầm quan trọng của tình yêu với những cảm xúc đi kèm với nó. Nhưhg chúng ta cũng cần chọn lựa lẽ thật về tình yêu, như chúng ta đã làm khi thảo luận những nền tảng của hôn nhân. Những giấc mơ và huyền thoại phải được loại bỏ. Tôi muốn phải phân biệt cách cẩn thận giữa điều sai và điều đúng trong lãnh vực tình yêu. Hãy hỏi chính bản thân mình, có phải bây giờ tôi đang hành động trên nền tảng của lẽ thật đó hay trên những ảo tưởng trong đời sống tình yêu của mình?

Một người quan sát có thể thấy được rằng không điều gì được khởi đầu với những hy vọng cao xa và với những dự tính sáng chói, lại thường xuyên bị thất bại như tình yêu đầy lãng mạn trong hôn nhân. Tỷ lệ ly dị hiện tại với hầu như một trong hai cuộc hôn nhân chứng tỏ sự thất bại của con người về vấn đề này. Nhưng tại sao tình yêu lại thường thất bại như vậy? Chắc chắn là bởi vì “những người yêu” không hiểu rõ ràng tình yêu là gì và không phải là gì; họ không biết cách yêu, và trong nhiều trường hợp họ chưa bao giờ hứa nguyện yêu nhau. Thái độ và sự đáp ứng của phần lớn các cặp vợ chồng bị ảnh hưởng không phải bởi lẽ thật nhưng là bởi những khái niệm sai lầm về tình yêu của chính họ.

Sự sai lầm này xuất phát từ đâu? Điều cơ bản là, Đức Chúa Trời là Tình Yêu Thương và truyền đạt lẽ thật về tình yêu cho chúng ta qua lời của Ngài, Thánh kinh. Satan là kẻ chống nghịch với tình yêu, cũng là kẻ địch lại Đấng Christ và nó gieo rắc những ý tưởng xuyên tạc và phá hủy tình yêu qua hệ thống thế gian mà nó sai khiến.

Có ba nguồn gốc chính của những ý tưởng sai lầm về tình yêu. Khi chúng ta thảo luận về những điều đó để phân tích những ý tưởng của riêng bạn về tình yêu và xác định nguồn gốc của chúng, ở chỗ nào có thể được.

a) Những ấn tượng lẫn lộn

Mỗi cá nhân đều thu thập những ấn tượng lẫn lộn về tình yêu, trong đó có những ý niệm tình cờ được thu thập ở một thời điểm nào đó, bắt đầu từ thời còn thơ ấu. Những quan niệm này bị ảnh hưởng bởi thông lệ hay triết lý sống của gia đình. Ví dụ như nghệ sĩ Zsa Zsa Gabor, một thành viên của hội những người kết hôn nhiều lần tên Gabor, bản thân bà lập gia đình bảy lần bày tỏ triết lý về gia đình của bà khi nói chuyện với phóng viên:

“Những phụ nữ thụ động luôn hỏi tôi tại sao tôi và gia đình đã có quá nhiều chồng như vậy. Họ không thể hiểu được rằng là bạn có thể yêu và bạn cũng có thể không yêu nữa. Khi bạn không còn yêu người bạn đời của mình nữa thì tốt hơn là nên tìm người thay thế và thà cứ xem nhau như là những người bạn còn hơn là cùng chung sống với nhau và ngày càng căm ghét nhau hơn”.

Tình trạng rối loạn của việc thông tin sai và những ấn tượng mơ hồ mà hầu hết mọi người đã thu thập lý giải một phần nào đó là tại sao quá nhiều người thích nhìn tình yêu như là một huyền nhiệm không thể giải thích được. Hiển nhiên đó là vì quan điểm của chính họ về tình yêu bị lầm lẫn và sai trật: tình yêu phải là một huyền nhiệm!

Bên cạnh đó, nếu tình yêu là một điều phi lý trí với tất cả những hứng thú huyền bí của nó, thì người ta có thể được tha thứ vì đã cư xử không hợp lý khi theo đuổi điều đó.

Quan niệm chung này về tình yêu là một huyền nhiệm không thể xoi mói được đã được bày tỏ bởi Thượng nghị sĩ Wiliam Proxmire khi chính phủ liên bang trợ cấp cho khoa học nghiên cứu sâu vào tình yêu. Ông kết luận rằng “200 triệu người Mỹ muốn để lại những thứ gì đó như là một huyền thoại, và trên cả những điều đó mà chúng tôi không muốn biết là tại sao một người nam yêu một người nữ và ngược lại”.

b) Những kết luận sai lầm dựa trên kinh nghiệm cá nhân.

Tôi đã nhận thấy rằng nhiều người làm việc trên nền tảng của những kết luận sai lầm từ những kinh nghiệm của chính họ về tình yêu lãng mạn. Các cuộc khảo sát cho biết rằng một số người cho rằng chính họ đã thật sự được kinh nghiệm. Một nhà xã hội học cho phỏng vấn hơn 1000 người nhận thấy rằng phần lớn đều bắt đầu với sự say mê cuồng nhiệt trong năm thứ 13 của họ và đến năm 24 tuổi đã có một hay nhiều “mối tình say đắm”. Nhưng những cuộc tình này thường đem lại hai khuynh hướng quan niệm khác nhau về tình yêu dẫn đến sự xung đột gây nên sự cãi nhau về tình cảm. Những người trong cuộc thường có khuynh hướng phát sinh sự chán nản đau đớn đối với tình yêu hay thuyết hoài nghi yếm thế hơn là sự khôn ngoan thật cho tương lai. Kinh nghiệm cá nhân thường tạo nên những dữ kiện đáng ngờ, luôn luôn giới hạn và đưa đến những kết luận sai lầm không thể nào hữu ích trong việc thiết lập một mối quan hệ yêu thương bền vững được.

c) Những suy luận có hại do những tác động của nền văn hóa.

Không cách gì đo lường được có bao nhiêu thái độ không gây dựng đối với tình yêu do những tác động của nền văn hóa: rạp chiếu bóng, tivi, quảng cáo dưới nhiều hình thức, tạp chí, tiểu thuyết, thái độ phổ biến của bạn bè, lời nói và gương mẫu của các danh nhân v…v… Những tác động này không thể được phân loại thành những thông tin đáng tin cậy về lẽ thật và sự khôn ngoan, nhưng ảnh hưởng đầy quyền năng và tinh vi của chúng trên chúng ta thì không thể nào chối cãi.

Trong khi con người đang thấm nhuần những niềm tin sai lạc về tình yêu, thì phần lớn giới trí thức và khoa học không thuộc trong lãnh vực này. Một người nào đó đã kiểm tra và nói rằng hầu hết những sách tâm lý học, phân tâm học, tâm thần học và những sách giáo khoa không có chữ tình yêu trong bảng mục lục. Ngay cả trong tự điển bách khoa Anh quốc cũng không có các mục về chủ đề này. Nhưng một nhà tâm thần học, nhận thấy nhu cầu cần những thông tin chính xác về tình yêu là lớn, đã viết rằng: “Mọi người đều tìm kiếm tình yêu khắp nơi. Đó là một sự quan tâm liên tục, trong nhu cầu không hề thay đổi. Con người có thể tìm thấy tình yêu không? Chúng ta tin chắc là được, nếu tình yêu được hiểu cách đầy đủ và theo đuổi cách chính đáng …”

Tất nhiên là tất cả chúng ta đều cần những thông tin chính xác và suy gẫm chính chắn về cái được gọi là tình cảm khó tìm nhất và được ưa thích nhất – quá được ưa thích đến nỗi nếu hôn nhân không có nó sẽ đi từ chán nản đến khốn khổ, quá khó tìm đến nỗi mà có nhiều người đã tìm kiếm nó suốt quãng đời còn lại của mình, để lại một lối mòn của những mối quan hệ đổ vỡ.

Mục đích của tôi khi viết sách này là để trao cho bạn những nguyên tắc nền tảng và những thông tin mà bạn cần để kinh nghiệm được sự trọn vẹn của tình yêu trong hôn nhân của chính bạn. Kinh thánh là nguồn cung cấp cơ bản cho thân thể chúng ta, nói tóm lại, Kinh thánh là quyển sách hoàn toàn chính xác và có thẩm quyền duy nhất về tình yêu và chúng ta có thể tìm thấy tình yêu ở bất cứ chỗ nào trong Thánh kinh.

Bây giờ chúng ta sẽ học bốn lẽ thật cơ bản để bạn có thể đổi lại những thái độ của mình và thiết lập lại phương cách để yêu của bạn, bạn phải nhận biết điều này: ngay lúc này điều bạn đang tin về tình yêu -dù đúng hay sai – hiện đang làm ba điều này cho bạn:

(1) Ảnh hưởng đến hôn nhân của bạn.
(2) Định hướng thái độ và phản ứng của bạn đối với người bạn đời.
(3) Giúp bạn quyết định hạnh phúc tương lai và sự sung mãn tình cảm. Bạn tin điều gì mới là quan trọng. Nếu bạn tin vào lẽ thật thì sẽ tốt đẹp hơn biết bao!

Mỗi nguyên tắc sau đây có thể giúp bạn phục hồi tình yêu trong hôn nhân của mình hoặc làm cho cuộc tình của bạn càng thêm hương vị. Mỗi nguyên tắc bù đắp cho quan niệm sai lầm thông thường về tình yêu và có thể ảnh hưởng đến quá khứ của bạn. Hãy nghiên cứu những nguyên tắc này cách cẩn thận, sau đó tôi sẽ chỉ cho bạn cách chúng đã giúp cho đôi vợ chồng được đề cập ở đầu chương này như thế nào.

1/ Tôi có thể học biết tình yêu là gì nhờ lời của Đức Chúa Trời . Tình yêu ấy là tình yêu hợp lý, chớ không phải phi lý. Tôi có thể hiểu tình yêu và ngày càng hiểu biết về tình yêu nhiều hơn trong suốt cuộc đời tôi.

Có lẽ bạn chưa từng suy nghĩ về tình yêu như thế này. Nhưng toàn bộ Kinh thánh là một câu truyện tình yêu mà chúng ta có thể học biết từ đó – câu truyện về tình yêu bền vững của Đức Chúa Trời dành cho loài người không xứng đáng để được yêu một chút nào cả. Đó là thứ tình yêu dai dẳng. Qua suốt Kinh thánh, chúng ta thấy Đức Chúa Trời Ngài nuôi dưỡng, chăm sóc và làm hết sức mình cho những người mà Ngài yêu, luôn tìm kiếm để kêu gọi những người nam, người nữ, những cậu bé, những cô bé đến với chính Ngài. Có một câu Kinh thánh để kết luận về tình yêu đó: “Đức Giê Hô Va từ thuở xưa hiện ra cùng tôi và phán rằng: Phải, ta đã lấy sự yêu thương đời đời mà yêu ngươi, nên đã lấy sự nhơn từ mà kéo ngươi đến” (Gieremi 31:3).

Thánh kinh Cựu ước kể về mối quan hệ tình yêu giữa Đức Giê Hô Va và dân Ysơraên, một thứ tình yêu như tình yêu của người chồng dành cho người vợ lầm lỗi, quyết định đem vợ về cho dù quá khứ của vợ thế nào đi nữa.

Trong Thánh kinh Tân ước, phạm vi mặc khải được mở rộng để giới thiệu một bức tranh nổi bật về tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho tất cả mọi người – một tình yêu không có giới hạn – khi Ngài làm vật hy sinh cuối cùng để đem chúng ta vào vòng chăm sóc đời đời của Ngài. Chúng ta thấy Ngài trong hình hài của Chúa Jêsus, Con Người sẵn sàng vượt qua sự chết để làm điều tốt nhất cho những người mà Ngài yêu qúi. Giang 3:16 nói cho chúng ta những người ấy là ai: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.

Nếu chúng ta tóm tắt tất cả những gì có thể học về tình yêu qua bài học Kinh thánh về sự đối xử của Đức Chúa Trời đối với nhân loại, thì có thể nói đơn giản thế này: tình yêu luôn làm những điều tốt nhất cho đối tượng của tình yêu. Đây chính là tình yêu là gì và tình yêu làm gì, không có gì bí ẩn cả.

Nhưng có lẽ sự thúc đẩy đến tình yêu này là sự huyền nhiệm. Điều gì khiến chúng ta muốn làm điều tốt nhất cho người mình yêu? Câu trả lời dựa trên nguyên tắc Kinh thánh, đó là tình yêu nhận thấy có một giá trị duy nhất trong người yêu và sự lựa chọn để khẳng định giá trị đó trong người yêu luôn luôn. Tình yêu là một sự lựa chọn.

Dĩ nhiên có nhiều điều hơn nữa mà chúng ta cần phải học biết về tình yêu trong Thánh Kinh. Khi chúng ta quan sát đời sống hằng ngày của Chúa Jêsus Christ, chúng ta có thể thấy Ngài bày tỏ tình yêu trọn vẹn trong mỗi một tình huống. Chúng ta có thể học theo tấm gương của Ngài . Trong Eph 5:1-33 chúng ta thấy sự mô tả các cách Chúa Jêsus bày tỏ tình yêu của Ngài đối với Hội thánh và những cách này cũng dành cho chúng ta như là một kiểu mẫu hoàn hảo cho tình yêu trong hôn nhân. Còn ICor 13:1-13 chỉ cho chúng ta bản chất của tình yêu với sự mô tả cách biểu lộ tình yêu, nhất là khi được thử nghiệm. Chúng ta biết rằng tình yêu chân thật luôn luôn là sự lựa chọn được ủng hộ bởi hành động.

Vì thế chúng ta, cần phải am hiểu về tình yêu. Chúng ta có thể học biết từ Lời Chúa, nguồn thông tin chính xác duy nhất về tình yêu, tình yêu là gì và tình yêu làm gì. Bạn và tôi cần phải hiểu tình yêu để xây dựng nó trong hôn nhân của chúng ta và điều này hoàn toàn có thể được bởi vì chúng ta có Thánh Kinh.

2/ Tình yêu không dễ dàng hay đơn giản : đó là một nghệ thuật tôi cần phải biết và dùng cả cuộc đời của tôi để trau dồi. Tôi có thể học cách để yêu.

Nguyên tắc này điều chỉnh một quan niệm sai lầm thông thường về tình yêu đặc biệt chiếm ưu thế ở các bạn trẻ, những người luôn nghĩ rằng tình yêu là điều đơn giản nhất để hiểu trên thế gian này, rằng yêu thì rất dễ, không cần phải suy nghĩ hay nỗ lực gì cả. Nói cách khác, không ai phải học về tình yêu hay ngay cả suy nghĩ về nó. Nó chỉ là làm những việc thoạt đến một cách tự nhiên!

Vấn đề ở đây là tình yêu thì rất đắt giá. Nó đòi hỏi nhiều từ phía người yêu ngay cả khi ban cho chỉ đơn thuần là niềm vui. Nếu bạn làm điều gì đến cách tự nhiên, thì hầu như lúc nào bạn cũng sai lầm. Tình yêu là một nghệ thuật mà bạn cần phải học và phải duy trì kỷ luật. Chúng ta có thể so sánh nghệ thuật yêu với nghệ thuật của âm nhạc hay bất cứ đời sống có kỷ luật nào khác. Trong trường hợp của tôi, tôi đã trải qua nhiều năm học về y khoa, sau đó học cách đem lý thuyết vào thực hành. Quan trọng nhất là tôi rất muốn học cách thực hành ngành y và tôi sẵn sàng đặt hết tâm trí của tôi vào đó. Nhiều năm sau, tôi đạt được nghệ thuật yêu vợ của tôi trong cùng cách đó!
Nếu bạn muốn chuyên sâu vào nghệ thuật yêu và muốn đạt được phần thưởng là một cuộc hôn nhân thật hạnh phúc, thì bạn phải học những nguyên tắc xây dựng tình yêu vào trong hôn nhân và thực hành chúng hằng ngày. Trên hết, bạn phải khao khát học biết và sẵn sàng đem ứng dụng nó vào cuộc sống của chính bạn. Theo kinh nghiệm của tôi thì tôi có thể nói rằng: nỗ lực đó rất xứng đáng.

Bạn làm thế nào để học? Tôi xin nhắc lại là Kinh thánh có thông tin mà bạn cần. Những bài học cốt lõi nhất về nghệ thuật yêu người bạn đời của bạn có thể tìm thấy trong Nhã ca của Salômôn, chúng ta sẽ thảo luận trong chương 12. Nhưng bàng bạc trong suốt Kinh thánh là những phân đoạn đưa ra những lời chỉ dẫn trực tiếp về nghệ thuật yêu. Chúng ta sẽ xem xét nhiều phân đoạn như vậy. Những nan đề khó khăn của cuộc sống không phải không liên hệ đến Lời Chúa, và bạn sẽ tìm thấy khi bạn đọc suốt qua tài liệu tư vấn này rằng Thánh kinh dạy bạn những điều cần phải biết để trở thành một người yêu thành thạo, dù bạn là chồng hay vợ.

3/ Tình yêu là một năng lực sinh động mà tôi có thể điều khiển bằng chính ý chí của tôi. Tôi không phải là tên đầy tớ vô ích của tình yêu . Tôi có thể lựa chọn để yêu .

Rất quan trọng khi chúng ta biết nắm lấy nguyên tắc này khi xét đến những lập luận mang tư tưởng xấu nói rằng tình yêu tự nó là một tình cảm không thể điều khiển được mà tình cảm này đến rồi đi. Giống như một con chim sẻ bướng bỉnh, đậu nơi nào nó muốn và bay đi khi tâm trạng của nó buồn. Hầu hết những cốt truyện của các phim về chàng trai gặp cô gái, cô gái mất chàng trai, vợ chồng chia tay và truyền hình đều dựa trên giả thuyết rằng tình yêu là một tình cảm phải xảy ra. Hay tình cảm đó có thể không xảy ra. Hay nó xảy ra và sau đó ngừng xảy ra và con người không thể làm gì để giữ tình cảm đó được một khi nó đã không còn nữa.

Lẽ thật ở đây là tình yêu là một năng lực sinh động mà mục đích của bạn là phải điều khiển được nó bằng ý chí của chính bạn. Bạn không phải “chỉ là một tù nhân của tình yêu” như lời của bài hát. Nếu bạn là một Cơ Đốc nhân với tình yêu của Đức Chúa Trời trong tấm lòng của mình, thì bạn có thể lựa chọn để yêu một cách khôn ngoan; bạn có thể làm điều gì cần thiết để phục hồi tình yêu của bạn trong hôn nhân của mình và bạn có thể từ chối làm nô lệ của những tình cảm thoáng qua.

4/ Tình yêu là năng lực có thể mang lại tình yêu như tôi đã học để ban cho nó hơn là cố gắng để thu hút nó.

Con người ngày nay được dạy dỗ rằng họ phải học cách để trở nên dễ thương hơn để được yêu qua những quảng cáo triền miên. Họ được mách bảo rằng họ sẽ trở nên đáng yêu hơn khi họ lựa chọn đúng hiệu kem đánh răng, nước hoa, kem cạo râu, dầu gội đầu hay một chai lăn nách – Thật ra các loại sản phẩm hầu như đều bảo đảm rằng sẽ đem lại những người yêu đang dộng cửa nhà bạn hoặc chận bạn trên đường phố thì vô số. Xã hội phương đông của chúng ta thường đo lường sự dễ thương bằng ba tiêu chuẩn: sự nổi tiếng, khêu gợi và việc sử dụng đúng sản phẩm.

Nhưng lời Chúa chỉ cho chúng ta điều bí mật thật sự trong cách để trở nên đáng yêu và đầy sức quyến rũ đối với người bạn đời của mình. Nó bao gồm việc học biết cách ban cho tình yêu hơn là cố gắng và nỗ lực để thu hút nó – một bí mật quyền năng mà rất ít người biết. Một lời cảnh cáo. Người ta đã nhân danh tình yêu mà phạm rất nhiều lỗi lầm – Bạn phải học biết cách ban cho tình yêu theo những phương pháp của Thánh Kinh để thật sự đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của người bạn đời mình. Kinh thánh chỉ cho chúng ta cách để yêu khôn ngoan và trung thực.

Nhà báo nổi tiếng, Frank Wright ở Palm Beach đã viết hàng trăm lá thư tình cho vợ của mình, trong đó có vài bức thư đã được xuất bản trong quyển sách nhỏ, “Chào em yêu !”. Ví dụ này chỉ cho chúng ta cách tình yêu đem lại tình yêu khi nó ban cho cách thoải mái (và khôn ngoan) là thể nào. Người chồng viết “Chúng ta càng cưới nhau lâu chừng nào thì anh càng thấy hạnh phúc trong hôn nhân không phải tự nhiên mà có. Chúng ta hãy cầm tay nhau và nói với nhau về tình yêu của chúng ta. Đừng bao giờ cho điều đó là dĩ nhiên. Chúng ta hãy ”ban cho” hay “nhịn nhục” với tinh thần vui vẻ. Đó là những gì chúng ta đã làm và đã có kết quả, phải không em?” Phần còn lại của bức thư trên đã chứng tỏ được rằng sự ban cho tình yêu cũng đem lại những cảm xúc tình yêu lãng mạn trong cách trọn vẹn của nó.

Ông viết thêm: “Anh thật sự đang suy nghĩ đến những điều đáng mơ ước sáng hôm nay. Em có thể thay quần áo, đi mua sắm và chúng ta sẽ cùng đi đến một tụ điểm lãng mạn nào đó vào cuối tuần, và nơi đến của chúng ta là bí mật!”

Tóm lại :
( ) Tình yêu chân thật không phải là huyền nhiệm hay phi lý.
( ) Tình yêu chân thật không phải là việc làm đơn giản , dễ dàng, hoặc làm một cách tự nhiên.
( ) Tình yêu chân thật không phải là một tình cảm không thể điều khiển được.
( ) Tình yêu chân thật không thể có được bằng cách cố thu hút nó.
( ) Tôi có thể hiểu được tình yêu là gì qua Lời của Đức Chúa Trời.
( ) Tôi có thể học biết nghệ thuật yêu.
( ) Tôi có thể lựa chọn để yêu.
( ) Tôi có thể đem lại tình yêu bằng cách ban cho trước tiên và ban cho cách khôn ngoan.
( ) Tình yêu nhận biết một giá trị duy nhất trong người yêu.
( ) Tình yêu luôn lựa chọn để khẳng định giá trị đó trong người yêu.
( ) Tình yêu luôn luôn làm điều tốt nhất cho người yêu.
( ) Tình yêu là một năng lực sinh động được điều khiển bởi ý chí.
( ) Tình yêu luôn là sự lựa chọn được ủng hộ bởi hành động
( ) Tình yêu rất đắt giá ngay cả khi sự dâng hiến chỉ đơn thuần là niềm vui.

Về cơ bản chúng ta đã thảo luận với nhau cách lý trí và cảm xúc kết hợp với nhau trong việc xây dựng một quan hệ tình yêu giữa vợ chồngï. Trong khi hầu hết mọi người xem cảm xúc là quan trọng nhất, tôi hy vọng bạn khám phá ra rằng việc bạn nghĩ gì về tình yêu sẽ chi phối hành vi của bạn và rằng những cảm xúc ước ao sẽ là kết quả của việc bạn suy nghĩ đúng và hành động đúng.

Có lẽ điều này có vẻ máy móc và cách xa tính lãng mạn quá nhưng không đúng đâu! Thật ra, nó chỉ cho chúng ta cách đạt được một cuộc tình thật sự cho bạn và người bạn đời mình và cuộc tình đó sẽ mang lại cho chúng ta đầy đủ những cảm giác vui sướng và thỏa mãn thật sự để thích hợp với ngay cả những người lãng mạn nhất. Khi lý trí bị ngăn cấm khỏi sự kích thích tình yêu thì kết quả nào cũng không phải là tình yêu gì cả, nhưng là sự thèm muốn, sự si mê hay thói đa tình giả dối. Và ai muốn điều đó trong hôn nhân của mình? Cơ Đốc nhân, nếu khôn ngoan, sẽ xây đắp cả cuộc đời mình trên lẽ thật. Không có lãnh vực nào điều này lại quan trọng hơn là trong tình yêu và hôn nhân cả.

Hal và Genie, đôi vợ chồng đã được đề cập ở đầu chương này đã thật sự mong muốn đặt cuộc đời mình trên lẽ thật. Tuy nhiên như bạn đã nhận thấy, nan đề chính của họ phụ thuộc vào những ý tưởng sai lầm về tình yêu. Trong những cuộc nói chuyện kế tiếp giữa chúng tôi, Hal đã thú nhận rằng lỗi ở anh ta hơn là ở Genie, mặc dù anh ta không thể xác định rõ nguyên nhân tại sao. “Tôi cho rằng đó là tội lỗi hay sự nổi loạn, hay sự dại dột đều do nơi tôi”. Hal nói “Bởi vì tôi biết tôi có thể làm cho Genie yêu tôi nếu tôi trao cho cô ấy điều gì đó để cô ấy đáp ứng lại cho tôi. Nhưng tôi cảm thấy hình như là Genie không phải là người phụ nữ đúng, người phụ nữ mà Đức Chúa Trời dành cho tôi, và dầu rằng tôi không tin vào sự ly dị, nhưng tất cả những mơ tưởng của tôi đều ở một nơi khác, vào một lúc khác và ở một người con gái khác”.

Tôi đề nghị Hal giữ lại bảng tóm tắt mà bạn vừa đọc liên quan đến những nguyên tắc của Thánh kinh về tình yêu và dò xét thái độ và hành động của chính mình đối với những khái niệm mà tôi đã giải thích cho anh ta. Kết quả là chàng trai đó đã sáng mắt.

Anh khám phá ra rằng mình đã có những ý tưởng sâu sắc nhưng sai lầm về tình yêu từ trước khi anh trở thành Cơ Đốc nhân vàtừ nhiều cuộc tình lãng mạn của mình trước kia. Anh vẫn nghĩ rằng tình yêu là một kinh nghiệm bí mật đầy những tình cảm tuyệt vời chợt đến.

Khi anh cưới Genie, bởi vì cô là một thiếu nữ Cơ Đốc xuất sắc và anh có thể nương dựa cô ở một mức độ nào đó, anh mong đợi những tình cảm rộn ràng sẽ chợt đến một lần nữa mà không cần sự nỗ lục nào ở phía anh cả. Khi những tình cảm không xuất hiện ngay, anh trở nên bực bội và thay vì phải học tập để trở nên một người tình, anh đi từ nhà tư vấn này đến nhà tư vấn khác, cố tìm một người nào đó có thể làm cho qui trình bắt đầu dùm anh (một cách thần thông diệu kỳ). Anh đồng ý rằng mặc dầu anh là một người chồng gương mẫu về hình thức bên ngoài, nhưng anh đã không thể đem lại cho vợ mình những gì cô thật sự cần và mong ước.

Anh muốn một người vợ khiến mình xúc động, nhưng lại không muốn vượt qua quá trình dẫn đến điều đó. Anh đã không hề lựa chọn để yêu Genie bởi vì cô ấy là vợ mình, anh chưa hề nhận biết hay đề cao giá trị duy nhất của cô ấy đối với mình. Anh không nỗ lực để học nghệ thuật yêu đương. Thay vào đó anh lại chờ đợi vợ mình khơi dậy cảm xúc tình yêu ở trong anh.

“Mặc dầu tôi không nhận thấy những điều này trước kia” Hal nói “Nhưng tôi biết rằng tôi phải chịu trách nhiệm về Genie như Đấng Christ chịu trách nhiệm về Hội thánh vậy. Tôi biết rằng tôi có trách nhiệm phải yêu cô ấy giống như Ngài yêu Hội thánh . Nhưng tôi đã sử dụng chìa khóa “người nữ thích hợp” như một lối thoát – thật ra nó như một sự bào chữa cho sự vị kỷ trung tâm của mình. Tôi đang tự lừa dối mình, bởi vì tôi biết mạng lệnh của Chúa trong Sáng thế ký là phải lìa bỏ mọi sự khác, gắn bó và trở nên một thịt với người con gái mà tôi kết hôn, chứ không phải với người con gái mà tôi đã từng mơ tưởng trong tâm trí mình”.

Hal đã sẵn sàng làm những gì tôi đề nghị. Việc học nghệ thuật yêu đương liên quan đến nhiều chi tiết được đề cập trong phần còn lại của sách cẩm nang này. Nhưng anh có thể bắt đầu bằng cách lựa chọn để yêu vợ mình và tự do ban tặng chính mình cho vợ, tin rằng những tình cảm tốt lành sẽ đến khi anh thay đổi thái độ của mình.

“Đức Chúa Trời sẽ làm một việc mau chóng đó là kích thích sự lãng mạn trong cậu khi cậu làm những điều đó và cô ấy sẽ đáp ứng tình yêu của cậu”. Tôi giải thích “Nếu cậu biết cách yêu cô ấy đúng theo Thánh Kinh và thực hiện điều đó, trong 6 tháng cả hai người sẽ yêu nhau thắm thiết. Hãy thử và các bạn sẽ thấy ngay màù”.

Hal và Genie đã có những giây phút tuyệt diệu ở phía trước ngay khi họ bắt đầu thực hành những điều đó để gây dựng tình yêu bền vững. Trong trường hợp của chính bạn, tôi để nghị rằng bạn hãy xem xét lại bảng tóm tắt như Hal đã làm. Hãy đánh dấu vào câu nào bạn muốn. Còn ý niệm khác thì sao? Hãy nhớ rằng khi bạn tin những ý niệm đó, thì hãy giữ lấy cho riêng mình và sống thực hành , bạn đang sửa soạn chính mình để sử dụng một cách hữu hiệu những lời khuyên thực tế trong suốt phần còn lại của sách này.

UNKNOWN

” Nhờ ơn lành của Chúa những cuốn sách này được phép tải về miễn phí trong phạm vi sử dụng cá nhân. Nếu bạn sao chép, tái xuất chuyển giao, ghi âm, dịch thuật hoặc sử dụng cách khác trong bất cứ cách nào thì phải được sự cho phép bằng văn bản của tác giả. Rất mong sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn để Thư viện có thêm nhiều sách. “