9 Xin Hãy Bỏ Tay Ra!
10 Bỏ Trốn Gia Đình hay Sống Thử Với Nhau?

Xin hãy bỏ tay ra!

Một nữ sinh viên đại học rất xinh đẹp đến gặp nhà tôi để xin được cố vấn. Cô bộc bạch nỗi khổ tâm giữa những giọt nước mắt chua xót và những hơi thuốc bồn chồn lo lắng. Bạn em và em đã đi quá xa, em đã để anh ấy quá tự do và giờ đây em rất hoang mang. Dường như mọi sự… mọi sự hỏng bét cả! Tệ hơn nữa là, cô ấp úng, anh ấy muốn chúng em chia tay.”

Một mối tương giao đẹp đẽ giữa hai người có thể trở nên hoàn toàn chỉ còn là sự đam mê xác thịt. Chúng ta gọi đó là âu yếm. Trong giai đoạn hẹn hò với nhau, đây là một trong những cám dỗ lớn nhất các bạn sẽ vấp phải. Âu yếm có thể chỉ khởi đầu bằng những hành động thân mật và vô tư như nắm tay nhau, nhưng sau đó sẽ là hôn hít, vuốt ve và rồi mê mãi mơn trớn nhau. Lúc đó cả hai sẽ chìm trong khoái cảm của xác thịt, dù chưa dẫn đến sự ăn nằm với nhau. Ham muốn những sự gần gũi xác thịt như vậy thường cấp bách và mạnh mẽ hơn ở phái nam. Và khi sự chung đụng được tiếp diễn, nó sẽ trở thành một con thú cảm xúc dữ dội.

Nhiều nhà tâm lý thường cho rằng âu yếm không dẫn đến hậu quả gì. Nhưng thật ra nó hạ thấp phẩm cách con người. Sau khoảnh khắc được thoả mãn xác thịt, người ta chợt nhận ra điều mình đã làm chính là lợi dụng thân xác ai đó để thoả mãn dục vọng của mình mà không bận tâm đến trách nhiệm về sự thai nghén, về hôn nhân hay gia đình gì cả.

Âu yếm cũng không bảo đảm sẽ dẫn đến hôn nhân. Một vài cô gái tự do nghĩ rằng nếu mình để cho người yêu khám phá thân thể mình chắc sẽ bảo đảm cho tiếng chuông đám cưới vang lên rộn rã. Thật là một lầm lẫn tai hại! Một số đông các cặp bồ bịch với nhau đã rã đám sau một thời gian ngắn. Nếu âu yếm là một phần của mối quan hệ giữa hai người, cô gái biết rằng mình không hơn gì một cô gái làng chơi.

Hơn nữa, âu yếm có thể dẫn đến quan hệ xác thịt. Trong hôn nhân, điều đó là điều bình thường tự nhiên, vì chính Đức Chúa Trời đã tạo thành như vậy. Khi ở trong tình trạng tâm lý và sinh lý đã bị kích thích quá mức, ý chí muốn nói câu: “Thôi đủ rồi đó, chúng ta sẽ dừng lại thôi” cũng biến luôn. Và đằng sau quan hệ xác thịt là không ít những nỗi lo sợ: sợ sẽ có thai, sợ bị phát hiện sự thật, sợ bị mất danh dự, sợ vì chưa sẵn sàng để gánh vác những phận sự nặng nề của trách nhiệm làm cha mẹ. Tất cả sẽ thật sự làm choáng váng bất cứ người nào vướng vào tình thế khó xử ấy.

Nền tảng vững chắc của hôn nhân không thể nào xây trên một bãi cát hay dời đổi của khoái lạc thể xác là sự âu yếm. Một nền tảng bền vững phải làm bằng những chất liệu rắn chắc hơn – sự quý trọng, danh dự, trinh trắng, yêu thương và hy sinh. Đối với các bạn trẻ Cơ đốc, chúng tôi không cần nói gì thêm nữa. Nếu, trong định nghĩa của bạn, hẹn hò là âu yếm, thì nó phải hoàn toàn được dứt bỏ ra khỏi ý tưởng của bạn. Chúng ta hãy ghi sâu vào lòng và trí mình những câu Kinh Thánh trong ICorinhto 6:19-20: Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao? Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời”. Những đôi bạn nào chưa có dự định kết hôn ngay phải giảm những lần hẹn hò liên tục. Sự thân mật quá mức dễ dẫn tới khinh lờn. Đó là một cám dỗ rất lớn thường dẫn tới sự gần gũi thể xác. Các bạn trẻ đừng liều lĩnh nhắm mắt trước thực tế của cuộc sống. Chỉ vì một phút phiêu lưu tình dục ngắn ngủi mà nhiều cuộc đời đã bị phá hỏng, nhiều mơ ước thanh xuân tan vỡ. Không một đôi bạn Cơ đốc nào yêu nhau tha thiết có đủ tự tin để nói: Chúng tôi thì khác. Chẳng thể có chuyện đó xảy ra với chúng tôi đâu!” Chúng ta nhớ kỹ câu Kinh Thánh cảnh cáo chúng ta rằng: Ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã (ICorinhto 10:12).

Bỏ trốn gia đình hay sống thử với nhau?

Xã hội chúng ta quá quen với lối xử sự của một số bạn trẻ, lén trốn đi, xong đem nhau đến toà làm đám cưới vội vã, và rồi chạy về nhà cha mẹ để chính thức làm lễ kết hôn trong nhà thờ. Việc đó phổ biến đến nỗi đã xảy ra hay ít nhất cũng là sự cám dỗ với nhiều Cơ đốc nhân.

Bỏ nhà cùng nhau trốn đi có đúng không? Cơ đốc nhân có nên tính đến việc bỏ trốn như thế không? Đây là những câu hỏi cứ được nhắc đi nhắc lại mãi. Việc cùng nhau bỏ trốn khơi dậy trí tưởng tượng của chúng ta về một sự giải thoát hào hiệp, một hành động hiệp sĩ nhân danh tình yêu. Một cái gì đó thật lãng mạn. Hai người tha thiết yêu nhau, nhưng hạnh phúc của họ bị cấm cản bởi những bậc cha mẹ hay kén chọn, chê bai và cố chấp, nên họ tin rằng hy vọng duy nhất là phải đi tìm cái dường như là sự tự do. Bỏ trốn là giải pháp luôn được nghĩ đến trước tiên. Ngày nay điều này dễ làm hơn, không phải cần đến một chiếc thang trong một đêm tối trời như khi xưa. Tính năng động của tuổi trẻ ngày nay cho phép họ bỏ trốn theo cách bình thường nhất, có thể chỉ với sự giúp đỡ nho nhỏ của vài người đồng tình hay của một số bạn bè nào đó.

Trên thực tế, một quan chức hộ tịch địa phương cho biết cứ có 100 cặp lấy nhau thì đã có đến 10 cặp do bỏ trốn khỏi gia đình, đó chỉ mới là một sự ước lượng dè dặt. Một Hội Thánh địa phương cho biết trong suốt 10 năm chỉ có một đám cưới tại nhà thờ. Không phải vì không có những cặp trẻ tuổi lấy nhau. Nhiều người đã lập gia đình, nhưng theo phương cách riêng của họ – trốn đi.

Nguyên nhân thông thường nhất dẫn đến sự bỏ trốn là do cha mẹ phản đối cuộc hôn nhân những người trẻ dự tính. Trường hợp của Eddie và Laura là tiêu biểu. Eddie là một chàng trai vạm vỡ 19 tuổi, đang là sinh viên năm thứ hai. Laura thì vừa mới tốt nghiệp trung học. Tuy yêu nhau, nhưng cả hai không dám gặp gỡ công khai vì sợ bố của Laura, nhưng vào những ngày đã chọn lựa kỹ càng, họ đi khỏi khu xóm lên thành phố nơi họ có thể yên tâm hoà nhập vào giữa dòng người đông đảo. Tuy nhiên, một ngày nọ, bạn của bố Laura bắt gặp và thuật lại cho ông ta nghe mọi sự. Ông nổi trận lôi đình và đánh Laura nhừ tử, để lại nhiều thương tích trên thân thể cô. Laura khóc lóc năn nỉ: Hãy trốn đi, Eddie ơi, dắt em đi bất cứ nơi nào anh muốn”. Eddie thú thật với tôi: “Em rất muốn trốn nhưng em sợ. Em sẽ làm gì đây?”

Nhìn Eddie, tôi cảm nhận được nỗi đau khổ của cậu ta. Xem ra ông bố Laura ngăn cản, phản đối chỉ vì con gái mình còn trẻ quá, và vẫn còn phải đi học.

Tôi hỏi: “Nếu em trốn đi với cô ấy, em có đủ sức lo cho vợ không? Em sẽ đi đâu? Em sẽ làm gì?” Cậu ta mệt mỏi lắc đầu và lẩm bẩm: “Ba em sẽ giết em”.

Là con người, học hành là một trong những ham thích của chúng ta và chúng ta ý thức được tầm quan trọng của nó trong cuộc sống. Nhiều gia đình Philippine không đủ khả năng cho cùng một lúc năm sáu hay bảy đứa con đi học. Cho nên nhiều phụ huynh muốn con họ khoan nghĩ đến việc kết hôn vì họ cần sự phụ giúp tài chánh để có điều kiện cho những đứa bé hơn đến trường. Khi một đứa con trai vừa tốt nghiệp hay tìm được việc làm rồi lập gia đình ngay thì triển vọng giúp đỡ gia đình của cậu ta xem như tiêu biến.

Nhưng mà, chúng ta có thể bất mãn “bộ chúng tôi phải có trách nhiệm giúp các em mình đi học sao? Đó là trách nhiệm của bố mẹ tôi cơ mà? Tại sao tôi lại bị tước đoạt tự do và hạnh phúc cá nhân như thế?”

Đó là những thắc mắc hợp lý. Nhưng điều chúng ta cần nhớ là hầu hết các bậc cha mẹ đều ý thức được nghĩa vụ của mình đối với con cái. Mặt khác, chúng ta phải nhìn nhận rằng dân tộc ta còn nghèo khổ, đất nước ta còn khó khăn, cho nên nếu những thành viên trong gia đình biết trợ giúp nhau thì tình yêu thương của Đức Chúa Trời sẽ được bày tỏ ra một cách vô cùng đặc biệt. Hãy suy nghĩ vấn đề cách nghiêm túc. Trong khi một thanh niên hay thiếu nữ Cơ đốc còn độc thân thì chưa phải lo chu cấp cho vợ, chồng hay con mình. Khi đã kết hôn, trước mắt bạn sẽ phải dành cả một đời ràng buộc với những trách nhiệm của gia đình. Cho nên thời gian độc thân đem lại cho bạn một sự tự do không bao giờ lặp lại để bạn có thể giúp đỡ bố mẹ, anh em, chỉ là một hoặc hai năm mà thôi.

Có thể có những lý do khác khiến cha mẹ phản đối một cuộc hôn nhân, nhưng chúng ta phải thừa nhận rằng họ có sự hiểu biết sâu sắc và kinh nghiệm tích luỹ qua nhiều năm tháng. Chúng ta hay nhìn cha mẹ qua lăng kính thường là những tình cảm lãng mạn và bồng bột nhất thời của mình. Do đó cha mẹ dường như nghiêm khắc, khó khăn vô lý. Cơ đốc nhân cũng nên cân nhắc những lý lẽ do người lớn đưa ra, vì không có ông cha bà mẹ biết suy nghĩ nào, dù là tín hữu hay không, lại cố tình phá hoại hạnh phúc của con em mình. Chúa ban cha mẹ cho con cái là nhằm mục đích tốt lành.

Quan điểm của Kinh Thánh cho thấy rằng bỏ trốn gia đình không phải là sự lựa chọn của Cơ đốc nhân. Một mạng lịnh từ thời Cựu ước và được nhắc lại trong Tân ước ghi rằng: Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuat Edipto Ky 20:12). Trong Tân ước, Phaolô cũng nhấn mạnh điều ấy: Hỡi kẻ làm con cái, hãy vâng phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm. Hãy tôn kính cha mẹ ngươi (ấy là điều răn thứ nhất, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất” (Epheso 6:1-3).

Người Philippine vốn coi trọng sự chấp thuận của cha mẹ. Điều này không chỉ là quan niệm văn hoá của dân tộc mà cũng là tinh thần của Kinh Thánh, đó là một giá trị cần phải được phát huy và bảo tồn. Chúng ta nên xem xét cẩn thận và thông cảm với thái độ phản đối của cha mẹ. Vì đó có thể là cách Đức Chúa Trời cho biết rằng chúng ta chưa đến lúc lập gia đình. Sự trưởng thành và sẵn sàng của đôi bạn để thích ứng với hôn nhân có thể là vấn đề cần phải suy nghĩ đến, khả năng thu nhập ổn định (đôi khi chưa có) của đôi bạn cũng vậy. Chưa tìm được hoặc chưa tạo được mái nhà cho riêng mình có thể là lý do khiến đôi bạn phải chờ đợi thêm ít thời gian nữa.

Có lẽ còn những trở ngại thực tế khác khiến cuộc hôn nhân thiếu đi sự hạnh phúc và hoà hợp. Hôn nhân là chuyện của cả một đời, và gây ra sự thất vọng cho gia đình cùng những người thân yêu trong lãnh vực này sẽ đem đến sự đau buồn và phiền muộn cho cuộc sống cho cuộc sống lứa đôi của chúng ta trong suốt một thời gian dài. Trong khi đó chỉ cần sự tán thành và hỗ trợ của cả gia đình cũng đủ là một đảm bảo khiến chúng ta có thể cảm nhận được sự tốt đẹp và hạnh phúc trong hôn nhân. Người Philippine chúng ta, vốn tự hào về tính độc lập và tự do, vẫn phát triển, sống và yêu thương cùng với cha mẹ và gia đình.

Dù kín đáo đến đâu, việc dẫn nhau bỏ trốn vẫn đem đến sự xấu hổ cho cả gia đình cô gái. Ngay cả khi đôi bạn chạy trốn ấy có đến thẳng nhân viên hộ tịch hay tìm gặp Mục sư, thì tiếng đồn và xì căng đan vẫn là những điều không thể tránh khỏi. Tệ hại hơn, vì đa số đều bỏ trốn trong đêm tối hay tìm đến các thành phố xa lạ, gần như hầu hết các cặp đều chung đụng thể xác trước khi cưới nhau. Và cũng không ngạc nhiên khi đến 45% các cặp kết hôn đều sinh con đầu lòng trước khi đủ chín tháng kể từ ngày cưới.

Cuối cùng, việc bỏ trốn gia đình vô hiệu hoá những lời làm chứng về Tin Lành của chúng ta. Đức Chúa Trời mà chúng ta vẫn xưng nhận là Đấng chân thật, yêu thương, thánh khiết bị xem thường trong mắt những người thân và mọi người chung quanh chúng ta. Và nếu nhìn đến tương lai, gương mẫu Cơ đốc nào sẽ được chúng ta bày tỏ ra cho con cháu và thế hệ trẻ ở dưới sự hướng dẫn của chúng ta? William Orr, viết trong quyển TÌNH YÊU, TÌM HIỂU HÔN NHÂN rằng: Có một điều vô cùng đáng tiếc mà sự bỏ trốn đem đến, đó là nó khiến cả cô gái lẫn chàng trai mất đi một trong những kinh nghiệm thoả lòng nhất. Một đám cưới với mọi sự tốt đẹp “sẽ là một trong những kỷ niệm quí giá nhất trong đời”.

Việc thử sống chung với nhau lại là việc khác. Nhiều cặp cho rằng không nhất thiết phải cần đến hôn nhân, miễn họ thật sự yêu nhau là được rồi. Có một sinh viên chủng viện đã hùng hồn giảng giải cho tôi trong một bài thuyết trình: Có phải tình yêu là yếu tố quan trọng nhất trong hôn nhân không nào? Chứng nhận kết hôn chẳng qua chỉ là một tờ giấy, cho nên nó không cần thiết đối với hạnh phúc lứa đôi. Sống thử với nhau cũng tốt y như kết hôn nếu như cả hai thật sự gắn bó với nhau.” Vậy à, đó rõ ràng là dấu hiệu của một sự xuống dốc về tiêu chuẩn đạo đức của các sinh viên trường Kinh Thánh ở vài nơi. Nó cho thấy quan niệm đạo đức phổ biến của trần gian đã bén rễ trong tâm tưởng nhiều bạn trẻ ngày nay. Tuy vậy, anh bạn kia đã đưa ra một vấn đề. Chúng ta thường thấy những đôi cưới hỏi đàng hoàng mà vẫn có nhiều nan đề trầm trọng trong gia đình. Chúng ta cũng thấy quá nhiều gia đình tan vỡ để rồi nhận ra rằng tờ giấy được gọi là chứng nhận kết hôn đó mong manh như thế nào. Chúng ta còn chứng kiến nhiều cặp cùng chung sống dưới một mái nhà mà lòng họ đã ở nơi khác. Thế thì có gì khác nhau giữa một đám cưới linh đình hay một tờ chứng nhận kết hôn?

Đối với vấn đề này, chúng tôi xin đưa ra vài câu hỏi ngược lại: Những điển hình tiêu cực của hôn nhân nói trên có phải là cái cớ hợp lý để các Cơ đốc nhân sống thử với nhau không?

Có phải Đức Chúa Trời hoạch định hôn nhân là tạm sống chung với nhau như vậy không? Tình trạng tạm sống chung với nhau là một thử nghiệm. Một số ít thành công, nhưng đa số đã tan rã sau một thời gian. Trong cuộc sống chung ấy, qua những chung đụng thể xác và nếp sống giống như một gia đình, có một sự ngầm thoả thuận với nhau nhằm khám phá xem đôi bên có thích hợp với nhau và xem mối quan hệ đó có đáng để dẫn tới sự ràng buộc qua một hôn nhân hợp pháp công khai hay không. Nếu sau một thời gian, họ nhận thấy mình không thích ứng họ sẽ cắt đứt mối quan hệ ấy. Hoặc âm thầm rút lui để tìm đối tượng khác thích hợp hơn người trước, mà không hề có chút vướng bận lương tâm, hay ý thức bổn phận đối với những đứa trẻ sinh ra do mối quan hệ ấy. Xem ra rất tiện lợi và đơn giản. Trong thời đại tự do và cách mạng tình dục này, điều ấy có vẻ được đấy chứ. Đó là điều mà Lita, một cô bạn thân của tôi đã nghĩ.

Vài năm trước cô là một ca sĩ phòng trà nhiều tham vọng muốn được trở nên nổi tiếng. Trong khi cô chạy sô quanh các phòng trà địa phương, tình cờ cô gặp chàng trai trẻ đáng mến này vốn là một sinh viên năm thứ nhất. Say đắm nhau, họ nghĩ là sống chung sẽ đem hạnh phúc đến cho nhau. Họ thực hiện điều đó và thấy mình hạnh phúc.

Lita ngày càng trở nên một ca sĩ thành công. Cơ quan cử cô sang Nhật. Trong khi ở bên đó, tiền dành dụm hàng tháng của cô được gởi về để lo cho chàng trai ăn học, và hằng năm cô vẫn dành một khoảng thời gian về sống với chồng. Đến khi chàng tốt nghiệp và Lita cho rằng bây giờ đã đến lúc họ có thể công khai kết hôn với nhau. Nhưng cô thất vọng não nề vì gia đình đàng trai không chấp nhận cô. Cô chỉ là ca sĩ, một cái nghề đáng ngờ đối với một người vợ hiền. Khi cô biết được người yêu đang mê mệt với cô bạn thân nhất của mình, thì cuộc sống chung thử nghiệm đổ vỡ tan tành và Lita vô cùng đau khổ.

Không, không có sự công bằng hay bình đẳng trong một cuộc sống chung tạm bợ. Cô gái thường là người thua thiệt. Cô đã để cho mình bị lợi dụng, và có lẽ bị lợi dụng một cách tàn tệ về tình dục. Ngoài ra, đôi khi cuộc sống đó đem đến kết quả là một hay nhiều đứa bé ra đời, đến khi mối tình tan vỡ, đám trẻ sẽ bị bỏ lại cho ai, nếu không phải là người mẹ? Tôi biết một vài bà mẹ không chồng đã cố gắng nuôi dạy đàng hoàng những đứa con không cha với một công việc làm ổn định. Sự thiếu thốn trầm trọng về tình cảm cộng với nỗi hổ nhục giữa xã hội làm hao mòn sức mạnh và lòng can đảm của các gia đình không trọn vẹn ấy. Có những người không đủ nghị lực để chịu đựng. Vì lý do tài chính và/hoặc vì lý do tình cảm, họ buông mình vào trong vòng ràng buộc với hết người đàn ông nầy đến người đàn ông khác. Để rồi bị bỏ lại trong sự khinh bỉ. Sống thử với nhau có thể là mốt sống đang thịnh hành hiện nay nhưng không đáng cho chúng ta noi theo.

Tìm những sự hoà hợp để đảm bảo cho một hôn nhân tốt đẹp chỉ bằng cách sống thử trước với nhau sẽ không kết quả. Cuộc hôn nhân nào cũng có những điểm gay go hay bất đồng. Nhưng nhờ đôi vợ chồng có nhận thức chắc chắn về một mối quan hệ lâu dài, một sự ràng buộc cả đời với nhau nên họ có thể giải quyết mọi sự dị biệt đó. Tình yêu đối với nhau và sự hy sinh dành cho nhau sẽ giúp họ khoả lấp những điểm bất đồng. Một gia đình thử nghiệm sẽ không thể đưa đến kết quả như vậy.

Và sau cùng, đối với hôn nhân Đức Chúa Trời đã có một chủ đích bền vững tồn tại từ ban đầu. Hôn nhân không đặt nền tảng trên sự thích hợp với nhau mà là sự bổ sung cho nhau. Câu chuyện về sự sáng tạo cho thấy một chân lý quí giá đó là Êva đã trở thành đối tượng hoàn hảo của Ađam vì bà là người giúp đỡ tương xứng với ông (theo ý Sang The Ky 2:18). Sự bổ sung tương xứng đó tuyệt vời đến nỗi Ađam đã thốt lên khi thấy vợ mình, ngườii nầy là một phần xương thịt của tôi (Sang The Ky 2:23 – BDY). Và do vậy, sách Sáng thế ký đã công bố: Vì thế, người nam sẽ rời cha mẹ để gắn bó với vợ, hai người trở thành một” (Sang The Ky 2:24 – BDY).

Không có chỗ nào trong ký thuật về cuộc sáng tạo hay trong bất cứ phần Kinh Thánh nào lại tán thành một cuộc hôn nhân tạm thời, thử nghiệm, nửa vời cả. Lời Chúa nhắc nhở chúng ta: Hãy tôn trọng hôn nhân, giữ lòng chung thuỷ và thánh sạch, vì Thượng Đế sẽ đoán phạt người gian dâm, ngoại tình” (Heboro 13:4- BDY). Chờ đợi dấu hiệu mở đường của Đức Chúa Trời là một trong những điều khó làm nhất. Nhưng một Cơ đốc nhân đã nhận biết Chúa Jesus Christ là Chúa và Chủ của đời mình thì nên chờ đợi còn hơn hối hả bước vào hôn nhân bằng cách bỏ trốn cha mẹ hoặc thử sống chung với nhau trước. Đúng là những khởi đầu sai sót có thể sửa chữa và khắc phục, nhưng nỗi đau đớn và khổ sở về tinh thần không dễ gì quên được. Giá phải trả sẽ rất đắt. Vậy thì tại sao phải trả làm gì?

Lời Kết

Thánh Augustine đã cầu nguyện: “Cha đã tạo dựng chúng con cho chính Cha, nên tâm hồn chúng con vẫn bất an cho đến khi tìm được sự yên nghỉ trong Cha”. Sự bất an của tuổi trẻ không phải chỉ là một hiện tượng sinh lý hay thực trạng văn hoá xã hội mà còn là vấn đề của tâm linh. Đức Chúa Trời là nơi chúng ta neo chặt vào. Xa khỏi Ngài, chúng ta sẽ trôi dạt lênh đênh, bất định, tìm kiếm hướng đi cho mình một cách vô vọng.

Khi đặt niềm tin của mình nơi Chúa Jesus, Ngài sẽ làm cho chúng ta vững vàng, ổn định. Ngài mở rộng tầm nhìn vào tương lai của cuộc đời chúng ta, làm cho mọi sự trở nên rõ ràng. Chúa sẽ khiến chúng ta nhận thức được những đặc ân và trách nhiệm của chúng ta, những con cái tự do nhưng cũng mẫu mực của Ngài. Ở trong Chúa, tình yêu dành cho người khác phái không còn chỉ là cảm xúc nhất thời – dữ dội như một cơn bão nhưng cũng mỏng manh như một cành khô. Thay vào đó, tình yêu trở thành một sự gắn bó đầy trách nhiệm, tự chủ và chắc chắn với người khác. Và sau cùng, khi một người trẻ nói lên câu Anh yêu em thì điều ấy hàm ý gì? Nó có nghĩa là: “Chỉ có em, em, và em mà thôi. Em sẽ ngự trị trong trái tim anh. Em là người anh ao ước, nếu không có em, anh không thể nào trở nên trọn vẹn. Anh sẽ đánh đổi mọi sự, từ bỏ tất cả vì em, chính anh và những gì thuộc về anh. Anh sẽ sống vì một mình em, và sẽ làm việc vì một mình em. Anh đang chờ đợi để có được em. Anh sẽ luôn luôn nhịn nhục em. Không bao giờ cư xử thô bạo với em, dù chỉ bằng lời nói. Trước sự hiện diện của em, anh sẽ luôn luôn trong sáng, thành thật và chân thành. Anh sẽ chăm nom, che chở em và giữ cho em khỏi mọi điều ác. Anh sẽ chia xẻ với em tiền bạc, tư tưởng, cả tâm hồn và thân xác của anh. Anh không muốn làm điều gì mà không có em. Anh muốn luôn luôn ở bên cạnh em…”

Tôi Có Yêu một Thiếu Nữ, Walter Trobisch

Một lời cam kết như thế cần có sự đồng công của Đức Chúa Trời.