Quang và Hà quen nhau gần năm năm mới quyết định làm đám cưới, nhưng về sống chung với nhau chưa đầy một năm, đôi vợ chồng trẻ có nhiều điều bất hòa, hai người phiền giận nhau thường xuyên.

Một trong những nguyên nhân khiến vợ chồng có vấn đề là vì mỗi lần hai vợ chồng đồng ý quyết định một điều gì, vài ngày sau người chồng lại đổi ý. Lý do là vì Quang đem chuyện hai vợ chồng đã bàn nói với cha mẹ, khi cha mẹ anh góp ý hay bàn ra là anh nghe theo và không đồng ý với vợ nữa. Gần đây nhất là chuyện người vợ muốn đi học lại cho xong mảnh bằng đang dang dở. Người chồng đồng ý, nói đó là điều tốt. Anh bảo vợ nên ghi tên học vào mùa tới và hứa sẽ đến trường xin thời khóa biểu về cho vợ xem. Nhưng sau đó anh nói chuyện với cha mẹ, cha mẹ anh bảo rằng hai vợ chồng nên nghĩ đến chuyện có con cái chứ nếu bây giờ mà còn đi học nữa thì bao giờ mới có con. Ông bà mong có cháu bồng bế nên thấy chuyện con dâu đi học lại là không cần thiết. Quang là người không có lập trường và lại chịu ảnh hưởng của cha mẹ nhiều nên liền về nói với vợ là chuyện đi học cho xong mảnh bằng là điều không cần thiết. Lời nói của Quang làm vợ buồn và thất vọng, nàng đang vui vì thấy chồng hỗ trợ ước mơ của mình nhưng bây giờ, vì lời bàn của cha mẹ, anh đã đổi ý.

Vợ chồng bất hòa vì sự can dự của cha mẹ

Ngoài những lý do khiến vợ chồng có điều bất hòa với nhau như: tính tình khác nhau, sở thích và nhu cầu khác nhau, vì quá bận rộn với con cái nên không có thì giờ cho nhau, vì những hoạn nạn bất ngờ xảy đến trong đời sống, vì thiếu thốn về vật chất, vì có cái nhìn khác nhau trước những vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, lắm khi giữa vợ chồng có vấn đề là vì sự can dự của cha mẹ chồng hay cha mẹ vợ, như trường hợp chúng tôi vừa trình bày. Nếu chúng ta đã có gia đình riêng nhưng cha mẹ đôi bên vẫn còn nhiều ảnh hưởng hay vẫn có thẩm quyền trên gia đình chúng ta, bất đồng ý kiến giữa vợ chồng là điều rất khó tránh được. Nếu người chồng còn ràng buộc quá nhiều với cha mẹ, việc gì cũng hỏi ý cha mẹ chứ không hỏi ý vợ; làm theo lời đề nghị của cha mẹ mà không cho vợ biết, hoặc khi người vợ quá gần với cha mẹ, lúc nào cũng muốn về nhà cha mẹ, tâm sự với cha mẹ chứ không dành thì giờ cho chồng, giữa hai vợ chồng sẽ có nan đề. Nhiều người đã đồng ý với vợ hay chồng về những vấn đề riêng tư của hai người, nhưng sau đó vì lời bàn của cha mẹ nên đổi ý, đây là những lúc ảnh hưởng của cha mẹ có thể tạo chia rẽ và khiến vợ chồng bất đồng ý kiến với nhau.

Để tránh tình trạng này, chúng ta cần thực hành nguyên tắc Lời Chúa dạy cho những người sắp lập gia đình hoặc đã có gia đình, đặc biệt là các ông. Nguyên tắc đó là: Người nam sẽ lìa cha mẹ để kết hiệp với vợ và hai người trở nên một thân (Sáng thế ký 2:24, Bản Dịch Mới). Nguyên tắc này có nghĩa là, người có gia đình riêng phải độc lập với cha mẹ, không tùy thuộc vào cha mẹ, tách ra khỏi ảnh hưởng và thẩm quyền của cha mẹ thì mới thật sự làm chủ gia đình mình, và mới tránh được những dụng chạm giữa hai gia đình, hai thế hệ. Người làm con khi có vợ có chồng vẫn yêu thương và hiếu kính cha mẹ, nhưng vì đã có gia đình riêng nên có đời sống riêng. Các bậc làm cha mẹ và thế hệ làm con nếu nhận biết giới hạn này sẽ tránh được nhiều nan đề trong đời sống.

Những lúc vợ chồng dễ bất hòa với nhau

Ngoài những lý do gây ra bất hòa giữa vợ chồng, còn có những lúc hay những thời điểm khiến vợ chồng dễ phiền giận hay bất đồng ý kiến với nhau.

1. Lúc tâm trí căng thẳng, cơ thể mệt mỏi
Đây là những lúc chúng ta không sẵn sàng tiếp nhận những lời nói tiêu cực, sửa sai; cũng không sáng suốt để nhận định những điều không đúng với điều ta suy nghĩ. Chẳng hạn như khi chồng mới đi làm về, tinh thần căng thẳng, người vợ không nên nói cho chồng nghe về những khó khăn xảy ra trong ngày hay nhắc những điều cần làm mà chồng chưa làm. Tương tự như thế, khi người vợ mới đi làm về hoặc suốt ngày ở nhà trông con, lo việc nhà rất là mệt mỏi và mong chồng về giúp; lúc về gặp vợ, người chồng không nên chê trách những thiếu sót hay sai trật của vợ. Khi thân thể đau ốm chúng ta cũng rất yếu đuối trong tinh thần, vì thế vợ chồng cần tránh đem những chuyện không vui hay chuyện nghiêm trọng ra bàn bạc với nhau. Một điều các ông cần nhớ là khi vợ mới sinh con, thể xác, tinh thần và cảm xúc rất là yếu đuối, lúc đó người chồng nên tránh nói hay làm những điều khiến vợ buồn tủi, sẽ ảnh hưởng đến sự hồi phục của vợ. Lúc mệt mỏi hay đang đói, đang bệnh, chúng ta dễ bực bội, cáu kỉnh, một chuyện nhỏ cũng có thể gây ra bất hòa lớn. Chúng ta cần để ý và tế nhị về điều này để không vô tình khiến cho sự mệt mỏi hay căng thẳng trong tinh thần của vợ, của chồng càng gia tăng. Nếu có chuyện cần bàn, cần nhắc nhở, hãy chờ đến khi người phối ngẫu đã được nghỉ ngơi, ăn uống; tinh thần đã được thư duỗi, lúc đó hai vợ chồng mới có thể nhìn vào vấn đề cách sáng suốt và khách quan, nhờ đó tránh được những bất đồng ý kiến hay phiền giận vô lý, không cần thiết.

2. Lúc gia đình gặp khó khăn về mặt kinh tế
Lúc vợ chồng đang lo lắng vì bị mất việc làm, vì nợ nhà, nợ xe, v.v…, chúng ta cũng nên tránh nói chuyện tiền bạc, tránh than van về sự túng thiếu của gia đình, cũng đừng so sánh gia đình mình với những gia đình khá giả hơn. Điều chúng ta cần làm lúc đó là nhìn vào mặt tích cực của vấn đề. Có thể nhờ mất việc làm một thời gian mà vợ chồng rảnh rỗi, có thì giờ cho nhau và được ở gần bên con cái nhiều hơn; hoặc nhờ gặp khó khăn mà chúng ta biết nhờ cậy Chúa và kinh nghiệm sự tiếp trợ của Chúa cách đặc biệt hơn. Sứ đồ Phao-lô dạy: Chúng ta biết rằng, mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định (Rô-ma 8:28). Nếu chúng ta kính yêu Chúa và đi trong đường lối của Chúa, những khó khăn xảy đến sẽ mang lại ích lợi hơn là tai hại cho đời sống và gia đình chúng ta. Tương tự như thế, khi gia đình gặp tang chế, hoạn nạn hay có chuyện buồn, khiến vợ hay chồng buồn nản, tinh thần chao đảo, chúng ta cũng tránh nói đến những vấn đề tế nhị, ảnh hưởng đến tinh thần hay lòng tự tin của người bạn đời. Khi vợ hay chồng đang bối rối trước những quyết định lớn hay những trách nhiệm nặng nề trong công việc, chúng ta cũng nên tránh nhắc đến những trách nhiệm trong gia đình hay những công việc mà người đó cần phải làm. Nếu vợ chồng tế nhị với nhau, tránh nói hay làm những điều không hợp lúc, hợp cảnh, sẽ đỡ có bất hòa.

Có ông chồng kia có việc làm tốt, lương cao, nhưng sau đó ông bị mất việc. Ông buồn và mặc cảm vì không cung ứng nhu cầu cho gia đình được như trước. Bà vợ ông may mắn tìm được một việc làm khá tốt và bắt đầu lo cung ứng cho gia đình. Tuy nhiên, bà sốt ruột vì thấy chồng ở nhà lâu, không đi làm. Thỉnh thoảng có người giới thiệu với ông một vài việc, nhưng những việc đó không thích hợp nên ông không nhận. Người vợ không tế nhị và không thông cảm với hoàn cảnh của chồng nên thấy vậy đâm ra bực bội. Bà thường than túng thiếu, than đi làm mệt và nhắc nhở với giọng nuối tiếc về đời sống thoải mái ngày trước. Cách xử sự của người vợ này khiến ông chồng bị bệnh chán nản và vì thế hai vợ chồng cứ xích mích, cãi cọ với nhau luôn. Những lúc gặp khó khăn hay thất bại trong đời sống, vợ chồng cần thông cảm, nâng đỡ nhau và giúp nhau vượt qua khó khăn. Lòng thương yêu chân thật và những lời nói ân hậu là điều chúng ta rất cần trong hoàn cảnh khó khăn. Kinh Thánh dạy: Lời nói phải thì khác nào trái bình bát bằng vàng có cẩn bạc (Châm Ngôn 25:11). Những lời nói đúng chỗ đúng lúc có một giá trị lớn, có thể đem lại hòa khí trong gia đình, giúp người nghe được an ủi và khiến mối quan hệ giữa ta với người thân yêu được tốt đẹp.

Tuy nhiên, cũng có những lúc bất hòa giữa vợ chồng xảy đến cách bất ngờ, từ những chuyện không đâu, ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Chẳng hạn như, hai vợ chồng đang trao đổi một câu chuyện bâng quơ, tự nhiên câu chuyện đi hơi xa và đụng đến một việc không vui trong quá khứ. Lúc đó nếu không cẩn thận, chỉ trong giây phút, hai vợ chồng nói qua nói lại, khơi lại nỗi buồn giận trong quá khứ, và sẽ đưa đến bất đồng ý kiến và cãi vã nhau. Trong trường hợp này, chúng ta nên làm gì, xử sự như thế nào, để vợ chồng không đi đến chỗ giận nhau? Cách tốt nhất là chúng ta ngưng câu chuyện lại, không nói nữa, và nhắc nhau rằng mình không nên đem chuyện cũ ra nói. Sau đó đổi câu chuyện sang đề tài khác để không khí vui vẻ trở lại. Có người hễ thấy vợ không đồng ý với mình thì tỏ vẻ bất bình ngay và phản ứng bằng cách nạt nộ hay giận dữ. Các bà các cô, thì dùng sự im lặng hoặc dùng nước mắt làm vũ khí để giải quyết bất đồng ý kiến. Những vũ khí này rất nguy hiểm vì nó không giúp đem lại hòa khí giữa hai người. Khi giận chúng ta dễ hành động thiếu khôn ngoan, dù là ta bày tỏ sự giận dữ bằng cách nào, cách đó cũng đem lại tai hại hơn là xây dựng. Chúa không cấm chúng ta giận, nhưng Lời Chúa dạy rằng, Nếu anh em đang cơn giận thì chớ phạm tội, chớ căm giận cho đến khi mặt trời lặn và đừng cho ma quỷ nhân dịp (Ê-phê-sô 4:26, 27). Lời dạy này có nghĩa là, khi đang giận đừng hành động cho hả cơn giận, và đừng để ma quỷ lợi dụng, nó sẽ khiến chúng ta làm những điều nguy hại, nguy hại cho chúng ta và gia đình của chúng ta.

Minh Nguyên
Chương Trình Phát Thanh Tin Lành