GIÔ-NA VÀ CON CÁ LỚN
Qua nhiêu năm, câu chuyện về Giô-na và con cá voi (theo bản Anh văn, Whale: con cá voi) là mục tiêu đắc ý mà người không tin Chúa nhằm vào để chế nhạo, và nó cũng từng gây nhiều lúng túng cho những kẻ “dốt nát và tin không quyết”.
Nói chung thì câu chuyện ấy đã không được các nhà phê bình phá hoại tin tưởng, và họ thắc mắc đặt vấn đề chẳng hay nó có thật trong lịch sử hay không. Họ tìm cách giải thích đó là một dụ ngôn hay ẩn dụ.
Những kẻ muốn không tin toàn thể phần linh cảm và tính cách có thật tuyệt đối của Thánh kinh đã nhiều lần quả quyết với chúng tôi kèm theo sự phô trương về kiến thức khoa học của họ, rằng cách cấu trúc của miệng con cá voi và hình dạng của cổ họng nó sẽ không thể nào để cho qua lọt cả một con người còn nguyên vẹn, đó là chưa kể việc người ấy lại còn có thể sống sót và nguyên vẹn. Chúng ta có thể nói gì về tất cả những chuyện này?
Trước hết, xin lưu ý cái sự kiện rằng đã không có chỗ nào trong Thánh Kinh bảo với chúng ta rằng Giô-na đã bị một con cá voi nuốt sống. Trong Giona 2:1 chúng ta được cho biết là “Đức Giê-hô-va sắm sửa một con cá lớn đặng nuốt Giô-na, Giô-na ở trong bụng cá ba ngày ba đêm”. Ở đây không hề chép rằng con cá lớn đó là một con cá voi, với cấu trúc cá biệt về cái miệng và cổ họng của nó. Đây có thể là một con cá to đã được chuẩn bị đặc biệt cho cơ hội ấy, hoặc là một con cá đã được quyền năng thần hữu của Đức Chúa Trời sắp xếp để có sẵn tại đó để thi hành chủ đích mà Đức Chúa Trờiđã hoạch định.
Khi đề cập biến cố lịch sử này. Chúa Giê-xu bảo rằng Giô-na đã ở trong bụng cá ba ngày ba đêm” (Mathio 12:40). Còn con cá lớn đó là cá gì thì chúng ta không được cho biết; nhưng ai ai cũng biết cái sự kiện rằng có rất nhiều loại cá mà người Hi-lạp xưa gọi là “những con quái vật của biển” – danh từ đã được các học giả dùng để dịch con cá lớn trong truyện tích của Giô-na trong bộ Bảy Mươi Dịch Giả (Septuagint) – những con cá mập, to đủ để nuốt cả một người hay một con ngựa, và vẫn còn tồn tại mãi đến gần đây trong Địa Trung hải, nơi mà dường như theo phần ký thuật ở đây, là biến cố ấy đã xảy ra. Thật vậy, có tài liệu ghi lại rằng một người nọ, từ trên tàu đã rơi xuống Địa Trung hải và bị một trong những con quái vật ấy nuốt sống, con quái vật bị giết, và người kia được cứu mà vẫn còn sống. Người ta cũng từng lấy từ trong bụng một con cá to khác ra cả một con ngựa nữa.
MỘT LOẠI CÁ VOI CÁ BIỆT
Hơn nữa, cho dù Thánh Kinh có chép rằng con cá lớn kia là cá voi đi chăng nữa, phần thuật sự cũng chẳng hề gặp khó khăn gì như những người vô tín và thiếu hiểu biết đã cho là như thế. Nếu quả thật có những loại cá voi mà miệng và cổ họng có hình dạng khiến chúng không thể nào nuốt được trọn vẹn một người đã trưởng thành, thì điều đó không được nghiệm đúng với tất cả các loại cá voi.
Trong quyển sách của ông nhan đề là “Một con cá mập dài 5 mét (15 feet) đã được tìm th61y trong bụng một con cá nhà táng “. Ông viết thêm rằng “khi hấp hối, con cá nhà táng luôn luôn mửa những gì đang có trong dạ dày của nó ra”. Quyển sách của ông kể lại cho chúng ta về một con cá voi đã bị bắt và giết đi như sau:
Số thức ăn từ dạ dày ói ra đó có khối lượng rất lớn mà một vài người trong đám họ ước lượng cỡ bằng cả một căn phòng chứa ngư cụ của chúng tp6o, nghĩa là khoảng gần 3x2x2 mét (8x6x6 feet).
Lẽ dĩ nhiên, một con cá cỡ đó thì chẳng gặp khó khăn gì khi cần nuốt một người, cho nên cả phần phản bác đoạn thuật sự của Thánh Kinh theo luận điểm rằng một con cá voi không thể nào uốt được một người là vô căn cứ đối với một người có kiến thức cao, và vốn do sự dốt nát mà ra.
Có người có thể cãi: “nhưng tác dụng của các dịch vị tiêu hoá sẽ giết chết một người nằm trong bụng một con cá voi hay bất kỳ một con quái vật của biển nào khác”. Thế nhưng, nói như thế là loại Đức Chúa Trời ra khỏi bức tranh trong khi trong câu chuyện này của Thánh Kinh thì Đức Chúa Trời chính là Đấng có quyền áp đảo đối với cả quá trình tiêu hoá. Đức Chúa Trời đã tạo ra con quái vật, con người và các dịch vị tiêu hoá, rất có thể kiểm soát dễ dàng các dịch vị tiêu hoá để giữ cho người ấy còn sống. Chúng tôi không cố tìm cách vạch rõ rằng đây không phải là một phép lạ, nhưng những ai thật sự tin vào Đức Chúa Trời và thường có một kinh nghiệm quan trọng nào với Đức Chúa Trời cũng đều chẳng gặp rắc rối gì với một phép lạ.
Hơn nữa, thiết tưởng cần nói thêm rằng Thánh Kinh không có nói rằng Giô-na vẫn còn sống trong thời gian ông nằm trong bụng con cá lớn kia. Có nhiều điều trong đoạn thuật sự như đã được ghi lại trong sách Giô-na có vẻ như cho thấy rằng ông đã không còn sống (xem Giona 2:2,5-7). Dường như rất có thể rằng Giô-na đã thật sự chết rồi, rồi được khiến từ chết sống lại. Nếu quả thật Giô-na đã chết, thì điều đó chỉ thêm một lần nữa cho những lần sống lại đã được chép trong Thánh Kinh mà thôi, và khiến Giô-na càng trở thành một biểu tượng (hình bóng) đáng chú ý hơn nữa của Chúa Cứu Thế.
Với những người tin Đức Chúa Trời, thì chẳng có khó khăn gì để tin vào sự sống lại, nếu sự việc đã được chứng thực đầy đủ. Tại sao lại tưởng rằng việc Đức Chúa Trời khiến người chết sống lại, lại là điều không thể tin được? Đã có nhiều trường hợp mà Thánh Kinh đã ghi lại ít nhất là việc khiến sống lại nhiều người nam người nữ có vẻ như đã chết đến mấy ngày rồi. Sử tính của biến cố về Giô-na và con cá lớn này đã được chính Chúa Cứu Thế Giê-xu chuẩn nhận (Mathio 12:40). Cho rằng đây chỉ là dụ ngôn hay ẩn dụ là không tin lời của chính Chúa Giê-xu.
Cho nên sau khi xét kỹ những gì Kinh điển nói và các sử kiện, tất cả những khó khăn được giả định là đã có trong câu chuyện của Giô-na và “con cá voi” đều tan biến mất cả.
VÀI “MÂU THUẪN” QUAN TRỌNG TRONG THÁNH KINH
Tôi thường gặp nhiều người bảo rằng Thánh Kinh có “đầy dẫu mâu thuẫn”. Khi tôi bảo họ hãy thử chỉ cho tôi một chỗ, thì họ nói “Bộ sách ấy đầy dẫy những điểm như thế”. Khi tôi thúc giục họ chỉ ra một điểm mà thôi, thì thường thường, họ chẳng nói gì thêm nữa cả. Nhưng thỉnh thoảng tôi gặp một người không tin Chúa cũng biết về Thánh Kinh đủ để chỉ ra một vài chỗ có vẻ như có mâu thuẫn. Trong chương này, tôi sẽ xét đến một vài trong số đó”
CHÚNG TA CÓ THỂ NHÌN THẤY ĐỨC CHÚA TRỜI KHÔNG?
Một trong những phản bác như thế thườngđược chỉ ra nhất là chỗ dường như có mâu thuẫn giữa Giang 1:18 mà chúng ta đọc thấy “Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời”, với Xuat 24:10 chỗ chúng ta được bảo cho biết là Môi-se, A-rôn, Na-đáp, A-bi-hu và bảy mươi trưởng lão của dân Y-sơ-ra-ên, “ngó thấy Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên” (cũng có nhiều khúc sách khác nữa chép rằng nhiều người đã nhìn thấy Đức Chúa Trời). Vậy, trông có vẻ như đây là một điểm rõ ràng có mâu thuẫn, và nhiều người hoài nghi và ngoại đạo từng bị nó gây bối rối. Và đã có một trong những người tận hiến cho Chúa nhất của tôi từng biết đã bị nó gây bối rối đến độ đã rời chỗ ông ta đang làm việc, đi nhiều dặm đường với tinh thần rất bối rối, để đến hỏi tôi về vấn đề ấy. Giải pháp cho vấn đề khó khăn có vẻ như không thể nào giải đáp được này, thật ra, là rất đơn giản.
Trước hết, chúng ta phải nhớ rằng hễ khi nào có hai câu nói hoàn toàn mâu thuẫn với nhau về từ ngữ, thì cả hai đều vẫn có thể tuyệt đối đúng cả, vì các từ ngữ đã được dùng trong hai câu nói kia đã không được dùng theo cùng một ý nghĩa với nhau. Thí dụ nếu có người hỏi tôi rằng có bao giờ tôi nhìn thấy được phần sau của đầu mình không, thì tôi có thể trả lời là “không, tôi chẳng bao giờ nhìn thấy được cái ót của mình”, và câu này là hoàn toàn đúng. Hoặc tôi cũng có thể trả lời: “Vâng, tôi từng thấy cái ót của mình” mà câu này thì cũng đúng nữa, tuy hai câu trả lời của tôi có vẻ như hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Quả thật là tôi chưa bao giờ thật sự nhìn thấy cái ót của mình, nhưng tôi đã được nhìn thấy nó rất nhiều lần khi soi mình với một tấm gương khác đặt phía sau mình.
Câu trả lời của tôi hoàn toàn tuỳ thuộc vào điều mà người kia ngụ ý muốn nói khi ông ta đặt câu hỏi ấy cho tôi. Nếu ông ta ngụ ý muốn hiểu theo một ý này, thì tôi sẽ trả lời “không” mà như thế là đúng. Nếu ông ta ngụ ý muốn hiểu theo một ý khác, thì tôi sẽ trả lời là “Có, tôi từng nhìn thấy cái gáy củ amình” và câu này cũng đúng nữa. Dù vậy, có người sẽ phản đối: “Ở trường hợp sau, ông đã không thật sự nhìn thấy cái ót của mình. Điều ông thấy chỉ là ảnh chiếu của phần phía sau cái đầu của ông trong gương mà thôi”. Nhưng tôi sẽ đáp lại: “Cả ông cũng chẳng nhìn thấy được cái ót của một nơi khác khi nhìn thẳng vào đó nữa. Cái mà ông thấy chỉ là ảnh chiếu của cái đầu người ấy trên võng mạc của con mắt ông mà thôi”.
Nhưng mọi người đều biết mình muốn nói gì khi dùng cách nói theo nghĩa thông thường đó mỗi ngày. Ai cũng biết khi bạn nói mình nhìn thấy cái gáy của một người khác, là bạn muốn nói rằng bạn nhìn thấy một ảnh chiếu của nó trên võng mạc của con mắt của bạn; và họ cũng biết khi bạn nói bạn nhìn thấy chính cái ót của bạn trên một tấm gương, là bạn muốn nói rằng mình nhìn thấy cái ót của mình trên một mặt gương. Ở trường hợp trước, bạn thấy một ảnh chiếu; trong trường hợp sau, bạn thấy ảnh chiếu của cái ảnh chiếu đó, do đó, trong cả hai trường hợp điều bạn thật sự nhìn thấy là vật được hản chiếu lại.
Vậy, ở trường hợp trước mặt chúng ta đây trong Thánh Kinh, sự việc cũng tương tự như trong thí dụ minh hoạ ở phần trên. Trong yếu tính đời đời của Ngài thì Đức Chúa Trời vốn “vô hình” (ITimothe 1:17). Chưa hề có ai từng nhìn thấy Ngài, mà chúng ta cũng không thể nhìn thấy Ngài được (ITimothe 6:16). Ngài vốn là thần linh, chứ không phải là một sự vật có hình thức (Giang 4:23-24), cho nên Giăng mới nói cho chúng ta biết cái chân lý sâu nhiệm và kỳ diệu là:
“Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giãi bày Cha cho chúng ta biết” (1:18)
Nghĩa là Đức Chúa Trời “vô hình” (không thể nhìn thấy được) này đã được giãi bày, được lý giải cho chúng ta hiểu (từ ngữ được dịch ra là “giãi bày” ở đây là từ ngữ do đó mà có danh từ exegesis hay giải kinh) nhờ lời phán và nơi con người của chính Chúa Giê-xu. Cho nên Ngài đã được công bố thật đầy đủ, chẳng những bằng lời truyền phán của Chúa Giê-xu, mà bằng cả con người của Ngài nữa, khiến Chúa Giê-xu có thể bảo rằng: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha” (14:9)
Hơn nữa Đức Chúa Trời mà yếu tính là vô hình này, bởi ân điển lớn lao của Ngài, đã vui lòng tự bày tỏ mình ra bằng hình dáng (thức, thể) con người nhiều lần. Môi-se và bảy mươi trưởng lạo đã thấy một lần tự bày tỏ ra (thể hiện) của Đức Chúa Trời như thế lúc họ ở trên núi (XuXh 24:9-10). Ê-sai từng thấy một lần thể hiện như thế trong đền thờ (Esai 6:1), và khi mô tả điều đó, nhà tiên tri đã tuyên bố rất đúng rằng: “Tôi thấy Chúa”. Gióp cũng thấy một lần thể hiện như thế, và đã tự cảm thấy mình thấp hèn khi được gặp Đức Chúa Trời mặt đối mặt, đến độ ông đã phải kêu lên: “Tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi” (Giop 42:6).
Trong những lần “hiện hình” này, chính Đức Chúa Trời đã tự bày tỏ mình ra, cho nên các nhân vật vừa kể trên đã nhìn thấy Ngài. Thế thì chúng ta đã thấy là cả hai câu nói có vẻ như mâu thuẫn nhau – tức là “Chẳng hề (có) ai thấy Đức Chúa Trời” (Giang 1:18), và Môi-se cùng với nhiều người khác nữa “ngó thấy Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên” (Xuat 24:10) – đều hoàn toàn đúng.
Bản thân Chúa Cứu Thế Giê-xu là sự thể hiện (tự bày tỏ ra) tột định của Đức Chúa Trời. “Vì sự đầy dẫy của bổn tánh Đức Chúa Trời thảy đều ở trong Đấng ấy như có hình” (Colose 2:9). Cho nên Chúa Giê-xu đã nói hoàn toàn đúng sự thật với Phi-líp rằng: “Ai đã thấy ta tức là đã thấy Cha” (Giang 14:9). Rồi sẽ có lúc tất cả những người có lòng trong sạch đều sẽ được ngắm xem vĩnh viễn chính Đức Chúa Trời tự bày tỏ mình ra, có hình thể (thức, dáng) hẳn hoi (Mathio 5:8).
Hình thức mà Chúa Giê-xu đã hiện hữu trước trạng thái được vinh hiển, là “hình Đức Chúa Trời” (Phiero 23:6). Từ ngữ Hi-văn đã được dịch ra là “hình” trong khúc sách này có nghĩa là “hình thức bởi đó một người hay một vật đập mạnh vào tầm nhìn; diện mạo bên ngoài” do đó, chúng ta đã được dạy cho biết rõ ràng rằng diện mạo bên ngoài của Chúa Giê-xu trước khi Ngài nhập thể, là diện mạo bên ngoài của Đức Chúa Trời – nghĩa là Ngài chính là Đức Chúa Trời vô hình, Đấng vốn là thần linh trong yếu tính, tự biểu hiện (bày tỏ mình ra) bằng hình thức bên ngoài hữu hình, có thể nhìn thấy được.
CÂU GHI TRÊN THẬP TỰ GIÁ
Một “mâu thuận” thứ hai mà người không tin Chúa cho là quan trong và khiến nhiều tín hữu lúng túng, là ở trong bốn đoạn ký thuật về câu ghi trên tấm bảng treo tại thập tự giá. Chúng ta đọc thấy trong Mathio 27:37 “Phía trên đầu Ngài họ để cái bảng đề chữ, chỉ về Ngài rằng: NGƯỜI NÀY LÀ JÊSUS, VUA DÂN GIU-ĐA”. Chúng ta đọc thấy trong Mac 15:26 “Án Ngài có ghi vào cái bảng rằng: Vua dân Giu-đa”. Chúng ta đọc thấy trong Luca 23:38 “Phiá trên đầu Ngài có đề rằng: NGƯỜI NÀY LÀ VUA DÂN GIU-ĐA”. Và chúng ta cũng đọc thấy trong Giang 19:19 “Phi-lát cũng sai làm một tấm bảng, rồi treo lên trên thập tự giá. Trên bảng đó, có đề chữ rằng: JÊSUS NGƯỜI NA-XA-RÉT LÀ VUA DÂN GIU-ĐA”.
Nhưng, đã chẳng có hai câu nào trong số ấy lại nhất trí với nhau trong các từ ngữ đã được sử dụng. Cho nên người phản bác đã thắc mắc đặt câu hỏi: “Làm thế nào để cả bốn câu đều có thể cùng đúng cả được?” Người ta bảo rằng ít nhất phải có đến ba câu sai ở một phần nào đó. Những kẻ chống lại sự linh cảm về lời nói của Kinh điển đã bàn cãi rất nhiều về chỗ khó khăn này. Trong nhiều chủng viện thần học của chúng ta, người ta cũng đã thảo luận rất nhiều về điểm này.
Tôi rất ngạc nhiên khi có người lại quá quan tâm đến nó, vì câu trả lời được tìm thấy hết sức rõ ràng ngay trong chính các khúc sách đã được trích dẫn, rằng thật là điều đáng kinh ngạc khi có người nghiên cứu cẩn thận mà lại bỏ qua nó. Trong Giang 1:9-20 Giăng bảo rằng lời tố cáo khiến Chúa Giê-xu phải bị đóng đinh vào thập tự giá đã được viết bằng Hy-bá-lai văn, La-văn, và Hi-văn để cho tất cả mọi người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau hiện diện (lúc ấy) đều có thể đọc được bằng Hy-bá-lai văn dành cho thường dân, bằng La-văn dành cho người La-mã; và bằng Hi-văn là ngôn ngữ phổ quát (quốc tế). Phần cốt yếu của lời buộc tội là Chúa Giê-xu đã tự xưng là “Vua dân Giu-đa” và Ngài đã bị đóng đinh vaò thập tự giá là vì đã tự xưng như thế. Điều đó giải thích tại sao mấy chữ Vua dân Giu-đa đã xuất hiện trong Hy-bá-lai văn, La-văn và Hi-văn, và tại sao chúng cũng xuất hiện trong cả bốn phần ký thuật và các sách Phúc âm.
Lẽ tự nhiên là Ma-thi-ơ sẽ viết mấy chữ ghi trên tấm bảng đó theo Hy-bá-lai văn; Mác cũng viết chúng theo phong cách của La-văn, và Lu-ca thì viết nó theo phong cách của Hi-văn. Cuối cùng thì Giăng đã viết chúng theo hình thức hoàn toàn La-mã. “Giê-xu người Na-xa-rét” là một câu đầy đủ và rõ ràng cho biết Chúa Giê-xu là ai, còn lời kết án là “Vua dân Giu-đa”.
Điều duy nhất còn lại để phải “tính sổ” là điểm dị biệt giữa Mác và Giăng, nhưng nếu chúng ta đọc Mac 15:26 chúng ta sẽ thấy rằng Mác không bảo là mình viết thật đầy đủ câu đã được ghi trên tấm bảng kia. Ông chỉ nói: “Án Ngài có ghi vào cái bảng rằng: Vua dân Giu-đa”. Bản án là “Vua dân Giu-đa, và đó là câu Mác ghi lại, chỉ một câu đó mà thôi. Mấy chữ “Đây là Giê-xu người Na-xa-rét” không phải là bản án, mà là tên của bị cáo. Cho nên mọi khó khăn mà do đó thiên hạ đã bàn tán quá nhiêu, đều tan biến khi chúng ta lưu ý xem đúng ra thì điều gì đã được nói ra, và tất cả những gì đã được nói ra.
VIỆC ĂN NĂN QUY ĐẠO CỦA PHAO-LÔ
Một “mâu thuẫn” khác đã được to chuyện dường như là giữa hai phần ký thuật khác nhau về việc ăn năn quy đạo của Sau-lơ người Tạt-sơ. Trong Cong Vu 9:7 chúng ta được cho biết rằng những người cùng đi với Sau-lơ đến Đa-mách nghe tiếng nói phán với Sau-lơ mà chẳng thấy ai hết. Mặt khác, chính Phao-lô, khi kể lại với người Do-thái tại Giê-ru-sa-lem câu chuyện về việc ăn năn quy đạo của minh, lại nói “Những kẻ đi với tôi thấy ánh sáng rõ ràng, nhưng chẳng nghe tiếng của Đấng phán cùng tôi” (Cong Vu 22:9)
Vậy, hai câu này có vẻ như trực tiếp mâu thuẫn nhau. Khi kể lại câu chuyện về ăn năn quy đạo này, Lu-ca bảo rằng những người cùng đi với Phao-lô nghetiếng nói, nhưng bản thân Phao-lô khi kể lại chuyện ăn năn quy đạo của mình, lại bảo rằng họ đã không nghe tiếng nói ấy. Còn có gì có thể mâu thuẫn nhau rõ ràng hơn thế?
Dù vậy, điểm dường như mâu thuẫn nhau đó sẽ hoàn toàn biến mất khi chúng ta đọc hai khúc sách ấy trong Hi-văn. Từ ngữ Hi-văn được dịch ra là “nghe” là động từ “làm chủ, cai trị” trong cả hai trường hợp, đã được dùng theo hai “cách”, thuộc cách hay sở hữu cách và mệnh lệnh cách. Trường hợp thuộc cách được dùng khi một người hay một vật được đề cập, được nói đến, và khi tiếng nói được nghe thấy. Tuy nhiên, khi bức thông điệp được nghe nói ra, thì mệnh lệnh cách đã được sử dụng. Thường thường chỉ có khác nhau ở một mẫu tự mà thôi ở cuối từ ngữ, giữa hai trường hợp. Trong Cong Vu9:7 thuộc cách đã được sử dụng. Họ nghe tiếng nói, nghĩa là tiếng động của tiếng nói. Trong 22:9 những lời nói đã được dịch ra là “tiếng nói”, thuộc “mệnh lệnh cách”. Họ đã không nghe được, hay nghe mà không hiểu, bức thông điệp của Đấng đang nói.
Từ ngữ đã được dịch ra là “tiếng nói” cũng có hai nghĩa; một là “một tiếng động, một giọng nói”, và hai là một tiếng nói, nghĩa là “một tiếng động của những lời lẽ được nói ra”. Họ có nghe tiếng nói chỉ như tiếng động mà thôi. Nhưng họ không nghe tiếng nói là “tiếng động của những lời lẽ đã không được nói ra” tức là bức thông điệp. Thế là một chỗ có vẻ như khó hiểu khác hoàn toàn tan biến khi chúng ta xét xem đúng ra thì nguyên văn Thánh Kinh đã nói gì. Và thay vì có một phản bác chống lại Thánh Kinh, chúng ta lại có một thí dụ khác minh hoạ cho tính cách chính xác tuyệt đối, không phải chỉ do một từ ngữ, mà xuống tận đến một mẫu tự duy nhất kết thúc một từ ngữ, để nhờ đó một trường hợp khó khăn được làm sáng tỏ.
CÁC KÝ THUẬT VỀ SỰ SỐNG LẠI
Một số người phủ nhận tính chính xác của Thánh Kinh đã bàn nhiều về những chỗ có vẻ như mâu thuẫn nhau trong nhiều phần ký thuật khác nhau về việc Chúa Cứu thế Giê-xu đã từ chết sống lại. Có lần một nhân vật không tin Chúa nổi tiếng đã gởi cho một nhật báo vấn đề sau đây, yêu cầu tôi giải quyết.
Phần ký thuật về cuộc viếng mộ trong bốn sách Phúc âm đều khác hẳn nhau. Ở một trường hợp, có hai sách Phúc âm vạch rõ rằng hai phụ nữ đã thấy hai vị thiên sứ tại phần mộ, còn hai sách Phúc âm khác lại nhấn mạnh rằng họ chỉ thấy có một vị thiên sứ mà thôi. Vậy, đâu là giải pháp cho chỗ rõ ràng là khó hiểu này?
Trước hết, xin nói rằng người phản bác đã không nêu ra thật đương các sự kiện đã xảy ra trong trường hợp ở đây. Quả thật là Ma-thi-ơ có nói là họ thấy một vị thiên sứ (Mathio 28:1-5) còn Mác thì nói “Họ thấy một người trai trẻ (được cho là một thiên sứ Mac 16:5-7), nhưng cả Ma-thi-ơ lẫn Mác đều không có nói rằng “họ chỉ thấy có một vị thiên sứmà thôi”. bảo rằng họ thấy một không hề loại trừ được việc rất có thể là họ có thấy đến hai vị thiên sứ. Cho nên, thay vì bảo rằng quả thật là hai sách Phúc âm ấy nói rằng “họ chỉ thấy có một vị thiên sứ mà thôi”, ta có thể nói rằng thậm chí đã chẳng có một sách Phúc âm nào đã nói là chỉ có một vị thiên sứ duy nhất là đã được nhìn thấy mà thôi.
Hơn nữa, xin lưu ý là, như người phản bác đã vạch rõ, không phải là có hai sách Phúc âm đã nói là các phụ nữ kia đã thấy có hai vị thiên sừ tại phần mộ. Quả thật là Lu-ca có nói rằng sau khi vào trong mộ, họ thấy có hai người nam (được cho là hai vị thiên sứ) mặc áp sáng như chớp, hiện ra trước mặt họ (Luca24:3-4). Tuy nhiên rõ ràng là điều này không hề ám chỉ biến cố mà Ma-thi-ơ đề cập, vì vị thiên sứ được ông nói đến là một vị thiên sứ ở bên ngoài phần mộ.
Dường như ông cũng không hề đề cập cùng một sự kiện mà Mác nói đến, vì người nam (hay vị thiên sứ) trong sách Phúc âm Mác là một người đang ngồi bở bên phải phần mộ. Rất có thể rằng vị thiên sứ này đến trước, rồi sau đó, vị thiên sứ ở bên ngoài phần mộ mới đến sau, và cả hai đều cùng đứng bên cạnh hai phụ nữ kia. Sự việc rất có thể đã xảy ra như thế, như bức thông điệp đã được truyền phán bởi hai vị trong sách Lu-ca có phần giống với bức thông điệp được truyền phán bởi vị thiên sứ đứng ở phía ngoài ngôi mộ trong sách Ma-thi-ơ, và bởi người nam ở bên trong phần một trong sách Mác (xem Luca 24:5,6; Mathio28:5-7; Mac 16:5-7).
Giải pháp thật đơn giản cho tất cả sự việc, là có một vị thiên sứ ở phía ngoài phần mộ khi các phụ nữ đến nơi, và họ nhìn thấy một vị khác nữa ở bên trong phần mộ. Vị ở phía ngoài tiến vào, và vị đang ngồi đã đứng dậy để cùng nhau đứng bên cạnh hai phụ nữ, hoặc là một vị nói trước và một vị nói sau, và cùng thốt ra những lời lẽ như đã được ghi lại trong sách Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca.
Thế còn phần ký thuật trong sách Giăng thì sao? Giăng bảo với chúng ta rằng có hai vị thiên sứ mặc áp trắng đang ngồi, một vị ở đằng đầu và một vị ở đằng chân, chỗ xác Đức Chúa Giê-xu đã nằm (Giang 20:12-13). Chúng ta hoà giải thế nào chỗ này với ba chỗ kia? Rất dễ dàng thôi. Đây không phải là nhóm các phụ nữ đã nhìn thấy hai vị thiên sứ này, mà chúng ta được bảo cho biết thật phân biệt rằng chỉ có một mình bà Ma-ri nhìn thấy cảnh này mà thôi. Bà Ma-ri đã cùng khởi hành với các phụ nữ khác để đi đến mộ, đã đến trước cả nhóm một chút, và là người đầu tiên nhìn thấy tảng đá chận cửa một đã bị lăn ra khỏi cửa mộ rồi (Giang 20:1), và đã tức khắc kết luận rằng ngôi mộ đã bị ăn trộm, nên chạy thật nhanh đi trước để trở vào trong thành phố, báo tin cho hai sứ dồ Phi-e-rơ và Giăng (Giang 20:2).
Lúc bà đang ở trên đường trở vào thành phố, cá phụ nữ khác mới đến và vào trong mộ, và những việc được ghi lại trong các sách Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca đã xảy ra. Các bà này đã lìa khỏi phần mộ trước khi bà Ma-ri lại đến đó lần thứ hai. Phi-e-rơ và Giăng cũng lìa khỏi đó lúc bà Ma-ri đến nơi, và hai vị thiên sứ, một vị l1uc ấy, đang ở phía ngoài và vị kia thì ngồi bên trong, đều cùng đến ngồi, một vị ở đằng đầu và vị kia ở đằng chân, chỗ người ta đã đặt thi thể của Chúa Giê-xu.
Tất cả những chỗ có vẻ như mâu thuẫn nhau trong bốn phần ký thuật về Sự sống lại của Chúa Giê-xu (và chúng vốn có nhiều) cũng đều tan biến sau khi được nghiên cứu kỹ. Tự chúng, những điểm dường như mâu thuẫn ấy lại trở thành các chứng cứ của chân lý và tính chính xác của các phần ký thuật. Rõ ràng là cả bốn phần ký thuật đều riêng biệt và độc lập đối với nhau. Nếu bốn người khác nhau cùng ngồi lại để dựng lên một câu chuyện về một người đã sống lại mà không hề xảy ra, chắc họ phải tạo ra bốn câu chuyện có vẻ như ăn khớp với nhau. Ít nhất cũng là ở mặt ngoài. Bất cứ một điểm mâu thuẫn nào có thể có trong bốn phần ký thuật đều chỉ bộc lộ sau khi được nghiên cứu cặn kẽ và cẩn thận
Tuy nhiên, trong các sách Phúc âm trường hợp trái ngược lại đã xảy ra. Tất cả các điểm có vẻ như mâu thuẫn nhau đều chỉ có trên bề mặt. Chỉ sau khi nghiên cứu kỹ càng và công phu, sự nhất trí thật sự mới loé ra. Đây chính là loại hài hoà không thể nào có được giữa bốn phần ký thuật được tạo ra cùng một lúc. Đây chính là loại nhất trí chỉ có thể có được trong bốn phần ký thuật độc lập về đại thể và xảy ra trong cùng hững hoàn cảnh giống nhau – mỗi người ký thuật đều kể lại cùng một câu chuyện theo cách nhìn thấy của riêng mình, kể lại các chi tiết đã gây ấn tượng cho mình, bỏ qua các chi tiết cho một người ký thuật khác đến mức người ấy phải kể nó lại.
Lắm khi hai phần ký thuật thoạt trong có vẻ như mâu thuẫn nhau, nhưng phần ký thuật thứ ba chen vào và không cố ý, nhưng lại hoà giải được những chỗ có vẻ như khác nhau của hai phần ký thuật kia. Đây chính là điều chúng ta gặp trong bốn phần ký thuật về sự phục sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta có thể hết lòng tạ ơn Đức Chúa Trời vì có nhiều điểm dường như khác nhau giữa chúng. Và cả khi nếu chúng ta không tìm được lời giải đáp cho một vài điểm có vẻ như mâu thuẫn nhau đó, sự kiện nhờ nghiên cứu thật kỹ, chúng ta tìm được một giải pháp cho một điều có vẻ như là một mâu thuẫn không thể giải thích được, sẽ gợi ý cho chúng ta tin chắc chắn rằng nếu chúng ta biết được tất cả các sự kiện của trường hợp đã xảy ra đó, chúng ta cũng sẽ tìm ra được một giải pháp cho những chỗ có vẻ như khác nhau mà chúng ta vẫn chưa hoà giải được.
Càng nghiên cứu kỹ bốn phần ký thuật về sự Phục sinh, chúng ta sẽ càng tin quyết rằng nếu quả thật chúng ta có lòng chân thành muốn hiểu rõ vấn đề ấy, thì đó chính là những phần ký thuật sự chân thực về những gì đã thật sự xảy ra. Chúng không thể là một câu chuyện giả tạo đã được dựng lên cùng một lúc; bằng chứng cho điều đó là những điểm khác nhau giữa chúng. Chúng lại càng không thể được dựng lên độc lập đối với nhau. Bốn người độc lập đối với nhau ngồi lại để tạo ra một phần ký thuật về một việc gì đó chưa bao giờ xảy ra, sẽ không thể nhất trí ở bất cứ một điểm nào cả. Nhưng sự kiện là càng ghiên cứu bốn phần ký thuật, chúng ta càng khám phá ra rất rõ ràng rằng cả bốn phần ký thuật ấy đều ăn khớp với nhau.
Những gì đã được nói ra về những điểm dường như khác nhau giữa bốn phần ký thuật về sự Phục sinh cũng có thể đem áp dụng cho những chỗ có vẻ như dị biệt trong nhiều phần ký thuật khác về cùng một biến cố. Chúng vốn có nhiều, và nêu chúng ra với đầy đủ chi tiết sẽ đòi hỏi cả một quyển sách dày hơn quyển sách này rất nhiều; nhưng thí dụ minh hoạ trình bày trên đây sẽ có thể được dùng để chứng minh thế nào các điểm có vẻ như khác nhau đó đều có thể được hoà giải từng điểm một nếu chúng ta chịu nghiên cứu chúng thật cặn kẽ, thấu đáo. Và nếu còn có điểm nào vẫn chưa chịu khuất phục trước công tác nghiên cứu gian khổ nhất của chúng ta, chúng ta vẫn có thể tin quyết rằng nếu chúng ta biết rõ được tất cả cả các sự kiện của trường hợp đó, thì những điểm có vẻ như khác nhau đó đều sẽ có thể hoà giải được.
PHẢI CHĂNG ĐỨC CHÚA TRỜI ĐỔI Ý?
Một chỗ có vẽ như mâu thuẫn khác nữa trong Kinh điển từng gây nhiều tranh luận và đã khiến cho nhiều tín hữu bối rối là vấn đề sau đây. Chúng ta đọc thấy trong Malachi 3:6 “Vì ta là Đức Giê-hô-va, ta không hề thay đổi” và trong Gia Gc 1:17 thì “mọi ân điển tốt lành cùng mọi sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào”.
Còn trong ISamuen 15:29 chúng ta lại đọc thấy “Vả lại, Đấng phù hộ Y-sơ-ra-ên chẳng nói dối, và không ăn năn; vì Đấng ấy chẳng phải loài người mà ăn năn”
Tuy nhiên, còn mâu thuẫn rõ ràng hơn với mấy câu này, chúng ta đọc thấy trong Giona 3:10 “Bấy giờ Đức Chúa Trời thấy việc họ làm đều đã xây bỏ đường lối xấu của mình; Đức Chúa Trời bèn ăn năn sự hoạ mà Ngài đã phán sẽ làm cho họ, và Ngài không làm sự đó”. Thêm vào đó Sang The Ky 6:6 cũng chép “thì (Đức Giê-hô-va) tự trách (ăn năn) đã dựng nên loài người trên mặt đất và buồn rầu trong lòng”. Ở đây không những chép “Đức Giê-hô-va tự trách (ăn năn)” mà còn nói Ngài “buồn rầu trong lòng” nữa. Vậy đây có vẻ là một mâu thuẫn rõ ràng. Phải giải thích như thế nào đây?
Lời giải thích là như thế này những gì mà loạt câu thứ nhất dạy là tuyệt đối đúng; Đức Chúa Trời là Đấng bất biến tuyệt đối. Ngài vốn là Đấng “hôm qua ngày nay, và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Heboro 13:8). Nhưng điều mà những khúc sách thứ hai chép cũng đúng nữa, vì nếu Đức Chúa Trời vốn vẫn giữ nguyên cá tính của Ngài – nghĩa là tuyệt đối bất biến, vô cùng oán ghét tội lỗi, và chủ đích của Ngài là luôn luôn thăm phạt tội lỗi – thì nếu có một thành phố hay người nào thay đổi thái độ của mình đối với tội lỗi, Đức Chúa Trời nhất thiết cũng thay đổi thái độ của Ngài đối với thành phố hay con người đó.
Nếu Đức Chúa Trời vốn cứ y nguyên, nếu thái độ của Ngài đối với tội lỗi và sự công chính là bất biến, thì cách đối xử của Ngài với con người ta phải thay đổi khi họ biết xây bỏ tội lỗi để ăn năn. Cá tính của Ngài vốn chỉ là một, nhưng cách đối xử của Ngài với loài người sẽ thay đổi khi họ thay đổi, chuyển từ địa vị bị Ngài thù ghét, do lòng thù ghét bất biến của Ngài đối với tội lỗi, sang địa vị làm đẹp lòng tình yêu bất biến sự công chính của Ngài.
Chúng ta có thể minh hoạ cho việc này bằng vị trí của một nhà ga tàu hoả, vốn chỉ đứng nguyên một chỗ, so với con tàu hoả vẫn di chuyển trên các đường ray trước ngôi nhà ga ấy. Khi con tàu bắt đầu di chuyển, thì nó nằm tại hướng đông của nhà ga, nhưng khi nó chạy về hướng tây của nhà ga. Phương pháp duy nhất, để nhà ga có thể đứng nguyên một chỗ đối với con tàu đang di chuyển, là phải chuyển theo con tàu khi con tàu di chuyển. Thế nhưng nếu vị trí của nhà ga là bất biến, thì hướng của nó đối với con tàu phải thay đổi khi con tàu di chuyển.
Thái độ của Đức Chúa Trời đối với loài người cũng thế. Nếu Đức Chúa Trời vốn bất biến về cá tính chủ đích và lập trường, thì khi con người chuyển từ địa vị tội lỗi sang địa vị cùng chính thái độ của Ngài đối với con người ấy cũng phải thay đổi. Chính sự kiện Đức Chúa Trời không ăn năn (tự trách, đổi ý), mà luôn luôn luôn có cùng một thái độ đối với tội lỗi, khiến Ngài nhất thiết phải ăn năn (đổi ý) trong cách cư xử của mình (thay đổi trong cách cư xử với loài người) khi họ xây bỏ tội lỗi để quay về với sự công chính.
Về vấn đề Đức Giê-hô-va ăn năn vì đã dựng nên loài người trên đất, và việc điều đó đã khiến Ngài buồn lòng, thì cũng là điều cần thiết do thái độ bất biến của Ngài đối với tội lỗi. Nếu Đức Chúa Trời không ăn năn (đổi ý hay thay đổi thái độ đối với tội lỗi), nếu sự gian ác của loài người cứ ngày càng tăng, thì sự không ăn năn, lòng thù ghét bất biến của Ngài đối với tội lỗi nhất thiết phải đòi hỏi rằng con người mà Ngài đã tạo dựng, đã sa vào tội lỗi nghiêm trọng và đáng ghê tởm đối với Ngài như thế, phải trở thành đối tượng để Ngài hết sức buồn phiền và Ngài phải từ bỏ những cách đối xử sáng tạo của Ngài để chuyển sang những cách đối phó phá hoại của Ngài đối với họ.
Làm như thế là cần thiết đối với tội lỗi của loài người. Một Đức Chúa Trời thánh khiết bất biến phải tiêu diệt con người đã sa vào tội lỗi, vô phương cứu vãn. Điều kiện duy nhất để Ngài có thể dung thứ cho người ấy, là chính Ngài phải thay đổi từ một Đức Chúa Trời có cá tính thánh khiết lúc tao dựng con người, để trở thành một Đức Chúa Trời không thánh khiết. Thế là một lần nữa, chúng ta thấy dường như có mâu thuẫn khi thoạt nhìn, nhưng thật ra là chẳng có mâu thuẫn khi thoạt nhìn, nhưng thật ra là chẳng có mâu thuẫn gì cả, mà có sự hoàn toàn nhất trí do sự kiện và tư tưởng giữa hai khúc sách có vẻ như mâu thuẫn nhau ở các từ ngữ ở cách nói.
AI ĐÃ XUI GIỤC ĐA-VÍT TU BỘ DÂN Y-SƠ-RA-ÊN?
Một chỗ có vẽ như mâu thuẫn khác nữa trong Kinh điển rất thường được viện dẫn để bài bác là trong IISamuen 21:1 đối với ISu Ky 2:1. Trong IISamuen 24:1 chúng ta lại đọc thấy: “Cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va lại nổi phừng cùng dân Y-sơ-ra-ên, Ngài giục lòng Đa-vít nghịch cùng chúng, mà rằng: Hãy đi tu bộ dân Y-sơ-ra-ên ên và Giu-đa”. Trong câu trước, chúng ta được bảo cho biết là Đức Giê-hô-va đã giục lòng Đa-vít, khiến nhà vua chống lại dâ sự mình khi bảo rằng “hãy đi tu bộ dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa”. Còn trong câu sau, chúng ta lại được bảo cho biết là Sa-tan đã giục lòng Đa-vít đi tu bộ dân Y-sơ-ra-ên, và chúng ta bị chất vấn: “Phần ký thuật nào là đúng?”
Câu trả lời đơn giản cho thắc mắc này, là cả hai phần ký thuật đều đúng. Thật chính chúng ta không cần phải giả thiết là đã có một sai lầm len lỏi xâm nhập văn bản này, và rằng chữ “Ngài” đã xuất hiện ở đây thay vì chữ “Sa-tan”. Trong trường hợp này, thì những gì đã được chép trong IISamuen 24:1 thật ra là: “Cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va lại nổi phừng cùng dân Y-sơ-ra-ên. Sa-tan đã giục lòng Đa-vít nghịch cùng chúng…..” nghĩa là sở dĩ Đức Giê-hô-va nổi cơn thạnh nộ vì Ngài đã để cho Sa-tan giục lòng Đa-vít.
Lẽ dĩ nhiên, một sự nhầm lẫn như thế rất có thể len lõi xâm nhập văn bản, hoặc cũng có thể rằng đại danh từ Ngài thật ra ám chỉ Sa-tan tuy nó không được đề cập. Hoặc đại danh từ Ngài có thể được giải thíh là ám chỉ một “ai đó” không được cho biết đó là “ai” (trong trường hợp này bản Việt văn sẽ dịch là “nó” hay “hắn”). Nếu quả thật là như thế thì lẽ dĩ nhiên, đã chẳng có gì là khó hiểu trong khúc sách này cả, nhưng cũng sẽ chẳng có chỗ khó hiểu nào là không thể vượt qua đối với người hiểu rõ những gì Thánh Kinh truyền dạy liên quan đến mối liên hệ giữa Đức Chúa Trời với sự cám dỗ, và thái độ của Ngài đối với Sa-tan.
Trong IICo 2Cr 12:7 Phao-lô có bảo cho chúng ta biết vì e rằng ông lên mình kiêu ngạo vì đã được ban cho nhiều mặc khải, cho nên ông cũng bị một cái giằm xóc vào thịt, một “quỉ sứ” của Sa-tan “đã vả ông”, để ông khỏi kiêu ngạo quá đáng”. Vậy chủ đích của cái giằm xóc vào thịt, của con quỉ sứ của Sa-tan đó, rất có ích để giữ cho Phao-lô khỏi kiêu ngạo quá mức. Rõ ràng là chính Đức Chúa Trời đã khiến cho cây giằm kia xốc vào thịt, đã sai quỉ sứ của Sa-tan đến, nhưng con quỉ đó không phải là sứ giả của Sa-tan.
Nói khác đi, vì lợi ích cho chúng ta. Đức Chúa Trời có thể lợi dụng Sa-tan, tuy vốn là kẻ ác, để sửa trị chúng ta về phương diện đạo đức. Như Đức Chúa Trời từng khiến cho cơn giận của loài người ca tụng Ngài (Thi Thien 76:10) thể nào, thì Ngài cũng có thể khiến cho cơn giận của Sa-tan ca tụng Ngài y như thế. Điều mà Sa-tan muốn làm chỉ vì ác ý mà thôi, thì Đức Chúa Trời có thể lợi dụng để trở thành lợi ích cho chúng ta. Vậy trong trường hợp Đa-vít tu bộ dân Y-sơ-ra-ên thì chính là Sa-tan đã cám dỗ Đa-vít, nhưng là do Đức Chúa Trời cho phép Sa-tan cám dỗ nhà vua. Đức Chúa Trời vẫn đứng phía sau sự thử thách và sự thất bại tiếp theo đó của Đa-vít nhờ đó mà có. Theo nghĩa này, thì chính Đức Chúa Trời đã giục lòng nhà vua hành động, để Đa-vít có thể khám phá ra – qua thất bại của nhà vua – đã có gì ở ngay trong lòng mình.
NHỮNG “LỖI LẦM” TRONG THÁNH KINH
Chẳng những thiên hạ bảo rằng trong Thánh Kinh chứa nhiều “mâu thuẫn” mà còn có rất nhiều “nhầm lẫn”, nhiều “lỗi” nữa. Một trong những lầm lỗi thường được các nhà phê bình phá hoại đề cập nhất là Mathio 27:9-10
“Bấy giờ được ứng nghiệm lời đâng tiên tri Giê-rê-mi đã nói rằng: Họ lấy ba chục bạc, là giá cỉa Đấng đã bị định bởi con cái Y-sơ-ra-ên, và đưa bạc ấy và mua ruộng của kẻ làm đồ gốm y như lời Chúa dã truyền cho ta” .
Khúc sách được Ma-thi-ơ đề cập ở đây được tìm thấy trong một lời tiên tri mà Cựu ước kinh gán cho Xa-cha-ri (Xachari 11:11-13). Thoạt nhìn thì dường như Ma-thi-ơ đã sai lầm khi gán cho Giê-rê-mi một lời tiên tri thật ra vốn là của Xa-cha-ri cả đến John Calvin dường như cũng tưởng rằng Ma-thi-ơ đã lầm, vì ông viết:
Tôi thú nhận là không biết tên của Giê-rê-mi đã len lỏi vào đây như thế nào, cũng chẳng bận tâm nhiều để tra vấn. Chính khúc sách ấy đã rõ ràng nêu tên Giê-rê-mi và đã lầm với tên của Xa-cha-ri; vì chúng ta không thấy (trong sách) Giê-rê-mi có câu nào thuộc loại ấy, cũng chẳng có câu nào thậm chí gần gần như thế nữa.
Khúc sách này đã được đưa ra như một bằng cớ chứng minh rằng các phần thuật sự trong các sách Phúc âm không nhất thiết là “sử ký” của những việc tuỳ thật sự xảy ra. Chúng ta có phải thú nhận là Ma-thi-ơ đã lầm không? Không, chẳng hề có chút cần thiết nào nhỏ nhặt nhất để thừa nhận điều đó.
LỜI TIÊN TRI
Trước hết, trong một số cổ bản, chữ Giê-rê-mi đã không thấy có, và khúc sách ấy được chép như sau “Bấy giờ được ứng nghiệm lời tiên tri” mà không ghi đó là nhà tiên tri nào. Trong một cổ bản khác, Xa-cha-ri xuất hiện thay vì Giê-rê-mi. Westcott và Hort đã không chấp nhấn bản dịch không có chữ Giê-rê-mi, cũng không chấp nhận bản dịch thay chữ Xa-cha-ri cho chữ Giê-rê-mi, nhưng ghi rằng hai cách dịch này, nhất là cách thứ nhất “rõ ràng là những cách dịch nên chối bỏ”. Bà Lewis bảo rằng một số cổ bản cổ nhất và tốt nhất không có chỗ Giê-rê-mi, cho nên rõ ràng chỗ sai lầm ở đây có thể là do sai lầm của người sao chép.
Tuy nhiên, các nhà phê bình văn bản giỏi nhất đều chấp nhận cách dịch có chữ Giê-rê-mi trong khúc sách này, và theo tôi, thì dường như đây có thể là cách dịch đúng nhất. Nếu trong sách Phúc âm Ma-thi-ơ hồi mới viết ra, Ma-thi-ơ đã dùng chữ Giê-rê-mi ở đây, thì phải chăng đó là một sai lầm? Không nhất thiết phải là như thế. Những từ ngữ hoặc nhiều câu tương tự như thế được tìm thấy trong lời tiên tri mà Cựu ước kinh của chúng ta mang danh Xa-cha-ri, thì điều đó là đúng, không chối cãi vào đâu được. Nhưng nếu căn cứ vào tất cả những chỗ đó để bảo rằng Giê-rê-mi đã không hề nói như thế là không đúng, vì có một sự kiện mà ai ai cũng biết, là các nhà tiên tri về sau của Cựu ước kinh rất thường trích dẫn những câu đã được các nhà tiên tri trước đó nói. Thí dụ trong Xachari 1:4 chính Xa-cha-ri đã trích dẫn một câu được biết là của Giê-rê-mi (Gieremi 8:11) còn trong khúc sách chúng ta đang khảo xét đây, rất có thể rằng Xa-cha-ri cũng đã trích dẫn của nhà tiên tri Giê-rê-mi.
Đã chẳng có phần ký thuật nào trong sách Giê-rê-mi như chúng ta hiện có trong bộ Cựu ước kinh bảo rằng chính nhà tiên tri Giê-rê-mi đã nói như thế, nhưng cũng chẳng có lý do nào cho chúng ta nghĩ rằng trong sách Giê-rê-mi mà chúng ta hiện có, có ghi lại tất cả các lời tiên tri mà Giê-rê-mi từng nói. Rất có thể rằng Xa-cha-ri đã có được những lời tiên tri của Giê-rê-mi, nhưng đã không có ghi lại trong sách Giê-rê-mi.
Hơn nữa, chính Xa-cha-ri từng nói trong Xa chari 7:7 “Ấy há chẳng phải (đó là) những lời mà Đức Giê-hô-va cậy các đấng tiên tri đời trước rao ra…..hay sao?”; cho nên, rõ ràng là Xa-cha-ri đã xem như một phần nhiệm vụ của ông, là phải nhắc lại các lời tiên tri của nhiều nhà tiên tri đã qua đời trước ông rồi. Nhất là ông vốn có xu hướng nhắc lại các lời tiên tri của Giê-rê-mi, vì giữa vòng dân Do-thái đã có dư luận nói rằng “thần của Giê-rê-mi đã giáng trên Xa-cha-ri”, cho nên chúng ta mới thấy rằng điều “sai lầm” vẫn được rêu rao là của Ma-thi-ơ, có vẻ như chẳng phải là một sai lầm gì cả một khi chúng ta đã khảo xét điều đó thật kỹ.
Có lẽ cần nói thêm rằng các nhà phê bình từng có nhiều thắc mắc là chẳng hay các chương sách kết thúc sách Xa-cha-ri có quả thật là một phần của các lời tiên tri của Xa-cha-ri hay không. Đã chẳng có gì trong chính các chương ấy cho thấy như thế cả. Quả thật là qua rất nhiều thế kỷ rồi, chúng đã được gắn vào với các lời tiên tri của Xa-cha-ri, nhưng đã chằng có chỗ nào khác trong Thánh Kinh bảo rằng chúng vốn là của Xa-cha-ri, và nhiều người đã cho rằng quả thật chúng không phải là của Xa-cha-ri, mà là của Giê-rê-mi.
Tuy nhiên, đây đã trở thành một vấn đề cho các nhà phê bình. Nếu cần phải chứng minh là như thế, thiết tưởng chỉ cần đơn giản có thêm một phần xác quyết tính chính xác của câu trong sách Ma-thi-ơ. Nhưng cho dù không làm như thế, nếu Xa-cha-ri là trước giả của lời tiên tri này (Xachari 11:11-13) như chúng ta thấy chép trong Thánh Kinh, nó không hề chứng minh được rằng Giê-rê-mi đã không hề nói một lời tiên tri tương tự mà Xa-cha-ri đã trích dẫn, rồi Ma-thi-ơ đã trích dẫn thật chính xác. Còn các nhà phê bình thì lại phải sưu tầm nghiên cứu thêm nữa nếu họ muốn chứng minh rằng Ma-thi-ơ đã sai lầm.
CÁC KÝ THUẬT VỀ VIỆC MUA ĐẤT
Một chỗ thứ hai nữa bị cho là có nhầm lẫn trong Thánh Kinh, là câu nói của Ê-tiên trong Cong Vu 7:16 “sau được đem về Si-chem, chôn nơi mộ mà Áp-ra-ham đã lấy bạc mua của con cháu Hê-mô quê ở Si-chem”. Mặt khác, Sang The Ky 23:17-18 nêu rõ: “Vậy cái đồng của Ép-rôn tại Mặc-bê-la nằm ngang Nam-rê, nghĩa là cái đồng ruộng hang đá… dược nhận chắc cho Áp-ra-ham làm sản nghiệp”.
Theo câu thứ hai này, thì Ê-tiên dường như đã sai lầm trong câu ông nói rằng Áp-ra-ham đã mua phần mộ ấy của con cháu Hê-mô.
Tôi xin ghi lại điểm bị cho là sai lầm này bằng lời lẽ của một vị Tiến sĩ Thần học (DD) nổi tiếng. Ông nói:
“Theo lời chép của Lu-ca, thì Ê-tiên nói rằng Áp-ra-ham đã mua một ngôi mộ của con cháu Hê-mô, ở (là cha của) Si-chem (Cong Vu 7:16). Nhưng Sang The Ky 21:17-18 lại nói Áp-ra-ham đã mua nó của Ép-rôn, người Hê-tít, còn Sang The Ky 33:19 lại bảo rằng Gia-cốp đã mua nó của con (cháu) Hê-mô…. John Calvin từng nói “rõ ràng là Ê-tiên đã lầm”. Tién sĩ Hackett thừa nhận rằng dường như Ê-tiên đã nhầm lẫn về hai lần bán đổi này……nhưng những người chủ trương tính vô ngộ của Thánh Kinh sẽ nói sao đây?
Đây có vẻ như một điểm rắc rối cho đến khi ta ghi nhận thật chính xác ba khúc sách vừa đề cập trên đây ngụ ý nói gì, thì chỗ rắc rối kia sẽ biến mất. Giải pháp hết sức đơn giản là như sau đây:
Thứ nhất, Sang The Ky 23:17-18 không có nói điều mà người phản bác bảo là câu ấy nói; nghĩa là Sáng Thế ký không có nói rằng Áp-ra-ham đã mua ngôi mộ mà Ê-tiên đề cập của Ép-rôn, người Hê-tít. Sách ấy chép rằng Áp-ra-ham có mua một cánh đồng của Ép-rôn người Hê-tít trong đó có một hang đá, và Áp-ra-ham đã chôn Sa-ra, vợ ông, trong hang đá ấy.
Tuy nhiên, đã chẳng có lý do chắc chắn nào để cho rằng đó chính là phần mộ mà Gia-cốp và các vị tộc trưởng khác cũng đã được chôn trong đó. Đã chẳng có lý do nào để cho rằng trong suốt cuộc đời trường thọ của mình, Áp-ra-ham chỉ mua có một nơi duy nhất để làm nghĩa địa mà thôi. Bản thân tôi đã mua đến hai phần mộ, một để chôn anh tôi tại Chicago, còn một ngôi mộ nữa thì đã chôn con gái tôi tại Northfield, Massachusetts. Và tôi thì chú ý đến một phần mộ thứ ba nữa tại Brookly, nơi đã chôn cha mẹ và một người anh khác của tôi.
Kinh điển đã chẳng hề có một lời bóng gió dù là nhỏ nhặt nào bảo rằng hai phần mộ đã được đề cập trong Sang The Ky 23:17-18 và Cong Vu 7:16 chỉ là một. Còn về khúc sách trong Sang The Ky 33:19 chỗ mà theo người phản bác bảo là nói rằng Gia-cốp chứ không phải Áp-ra-ham (như Ê-tiên đã nói) đã mua một phần mộ, thì thật ra, khúc sách ấy đã không có nói rằng Gia-cốp mua một phần mộ. Câu ấy chép rằng ông đã mua “một miếng đất…. của con Hê-mô” (những người mà Ê-tiên bảo là Áp-ra-ham đã mua ngôi mộ thật sự).
Điểm giả định trong trường hợp này là cho rằng Áp-ra-ham đã mua phần mộ ấy vào một niên đại trước đó rồi, và Gia-cốp vào thời của ông, đã mua phần đất ấy (một “miếng đất”) nơi toạ lạc của ngôi mộ. Lúc Áp-ra-ham mua một phần mộ để chôn Sa-ra, ông đã cẩn thận mua luôn cả cánh đồng lẫn phần mộ; nhưng trong trường hợp sau, dường như ông chỉ mua phần mộ mà không có mua luôn cả miếng đất, do đó mà chính Gia-cốp đã phải mua vào một niên đại về sau này. Hoàn toàn rất có thể rằng Áp-ra-ham cũng đã mua một phần mộ tại nơi này vào cuối cuôc đời của ông, vì ông vốn có nhiều kỷ niệm đáng trân trọng tại mảnh đất thân yêu ấy (xem Sang The Ky 12:6-7).
Thế thì, rút cục, không phải là Ê-tiên đã nhầm lẫn, mà đó là chỗ sai lầm của các nhà giải kinh, vốn đã không cẩn thận lưu ý thật chính xác những gì Ê-tiên đã nói, và những gì các khúc sách trong Sáng Thế ký nói. Giô-suê cho chúng ta biết rằng trong miếng đất mà Gia-cốp đã mua này (được giả định là đã có phần mộ mà Áp-ra-ham đã mua vào một niên đại trước đó) cũng là nơi chôn hài cốt của Giô-sép nữa (Gios Gs 24:32). Rõ ràng rằng Ê-tiên vốn là một nhà nghiên cứu Kinh điển Cựu ước thận trọng hơn một số người phê bình ông.
Nhưng cả khi tạm cho rằng Ê-tiên đã nhầm lẫn trong trường hợp ở đây đi chăng nữa, điều đó cũng chẳng chứng minh gì được nhằm chống lại nguồn gốc của Thánh Kinh là từ Đức Chúa Trời và tính vô ngộ tuyệt đối của bộ sách ấy, vì Ê-tiên vốn không phải là một trong các trước giả của Thánh Kinh. Ông cũng chẳng phải là mộ nhà tiên tri hay một sứ đồ. Quả thật ông vốn là một người đầy dẫy Đức Thánh Linh, nhưng ông không phải là người viết một sách trong Thánh Kinh.
Trước giả được linh cảm của sách Công vụ các sứ đồ chép rằng Ê-tiên đã nói mấy lời này, và nếu những lời mà Ê-tiên đã nói đó có sai lầm, thì phần ký thuật rằng ông đã nói như thế vẫn đúng. Có thể rằng Lời Đức Chúa Trời ghi rằng Ê-tiên đã nói như thế, nhưng những gì Ê-tiên nói không phải là Lời Đức Chúa Trời. Người bênh vực cho nguồn gốc của Thánh Kinh là từ Đức Chúa Trời và tính vô ngộ tuyệt đối của bộ sách ấy không hề bị bắt buộc chút gì là phải chứng minh cho tính chính xác của từng câu nói một, của từng người một, đã nói trong Thánh Kinh, cả đếm từng người phát ngôn được đầy dẫy Đức Thánh Linh nữa, mà bộ sách ấy ghi lại là có nói (xem các tiểu mục các bản dịch không chính xác. Các lý giải sai, các ý niệm sai lầm về Thánh kinh, Ngôn ngữ nguyên thuỷ, sự thiếu hiểu biết của chúng ta… ở đầu sách này).
LỜI TRUYỀN DẠY LIÊN HỆ ĐẾN VẬT UỐNG SAY
Một chỗ khác nữa bị cho là nhầm lẫn trong Thánh Kinh, là Cham Ngon 31:6-7
“Hãy ban vật uống say cho người gần chết, và rượu cho người có lòng bị cay đắng; Họ hãy uống, và quên nỗi nghèo hổ mình. Chẳng nhớ đến đều cực nhọc của mình nữa”
Có người bảo rằng câu này bênh vực cho việc sử dụng rượu độc trong một số hoàn cảnh nào đó, cho nên, như việc dùng rượu độc trong bất cứ một hoàn cảnh nào và trong mọi hoàn cảnh đều là sai lầm, thì lời truyền dạy này của Thánh Kinh cũng là sai. Nhưng chỗ khó hiểu sẽ biến mất cũng như nhiều chỗ khó hiểu khác nữa cũng biến mất, nếu chúng ta không rứt các câu ra khỏi văn cảnh của chúng, mà nghiên cứu chúng trong văn cảnh của chúng, cũng như chúng ta phải nghiên cứu bất kỳ một khúc sách nào trong văn cảnh của nó vậy.
Cả đoạn từ câu một đến chín chương 31 của sách Châm ngôn là một lời phản đối chống lại các vua (và hàm ý chống lại những người đang ngồi ở địa vị có trách nhiệm) đang sử dụng rượu hoặc các vật uống say nói chung. Đoạn này truyền dạy rõ ràng rằng dùng bất kỳ một loại rượu nào cũng có xu hướng khiến cho họ say sưa, quên đi luật lệ, khiến họ xét xử lệch lạc. Chính hai câu thứ sáu và thứ bảy tiếp tục nói thêm rằng rượu và những vật uống say chỉ có thể được sử dụng trong những trường hợp và phần thuộc thể (thể xác) lâm vào tình trạng cực kỳ bạc nhược và tuyệt vọng mà thôi, khi con người “gần chết” (c.6), mà hậu quả là nó sẽ đưa người ấy vào tình trạng tuyệt vọng sâu thẩm nhất.
Lời lẽ trong mấy câu này đặc biệt dành cho nhà vua, và nhà vua nào có tiền để mua rượu, thì thay vì chính mình uống nó, sẽ được khuyên là hãy tặng nó cho những người đang làm vào tình trạng thuộc thể đòi hỏi phải có nó. Người trong tình trạng như thế sẽ bị rượu kích thích, được nâng cao tinh thần khỏi bị trầm uất, nhờ lòng hào hiệp của nhà vua đã cho mình rượu, để có thể quên đi “nỗi nghèo khổ mình”, là điều sẽ tự nhiên không cho phép người ấy tự mua rượu cho mình. Cả khúc sách tiếp tục khuyên nhà vua chú ý đến “chính nghĩa của người buồn thảm và nghèo nàn.” (31:9)
Thế thì chẳng còn chỗ khó hiểu nào nữa trong khúc sách này ngoại trừ đối với những người chủ trương rằng mọi việc sử dụng rượu đều là sai lầm, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nhưng vẫn còn rất nhiều người tin rằng trong những hoàn cảnh cực kỳ bạc nhược của thể xác, thì việc dùng rượu là khôn ngoan và được cho phép. Thiết tưởng chúng ta chẳng cần đi sâu vào vấn đề chẳng hay rượu (wine: rượu chát, nước nho) và vật uống say trong trường hợp ở đây có chất men hay không. Những người vẫn cãi rằng “vật uống say” trong Cựu ước kinh thường ám chỉ một loại nước nho hơi nặng, vị ngọt, không có men, chắc còn có nhiều điều để nói nhằm bênh vực cho lập trường của họ. Lẽ dĩ nhiên, nếu cách lý giải này là đúng, nó sẽ cất đi hết mọi khó khăn khỏi khúc sách của chúng ta ở đây. Cho dù có thể nào, thì quả thật là ở đây đã chẳng ó chút khó khăn gì cho người tin rằng có nhiều hoàn cảnh trong đó, việc khuyên nên dùng các chất kích thích bằng rượu là điêu khả dĩ chấp nhận được.
Có một lần trong đời tôi, khi các bác sĩ đều bỏ mặc để tôi chờ chết, nhưng rồi mạng sống của tôi đã được duy trì nhờ một đơn thốc của một nữ y tá cao tuổi, trong đó một trong các thành phần chủ yếu là rượu mạnh (brandy: cô-nhác). Do đó, theo lẽ tự nhiên, tôi là người rất sẵn sàng nghĩ rằng có nhiều trường hợp như trong văn bản này đã đề cập thì việc dùng rượu khả dĩ được cho phép. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn nhất trí với văn cảnh của khúc sách này rằng nên khước từ việc dùng rượu đối với những người có sức khoẻ, mạnh mẽ và thịnh vượng.
BIẾN NƯỚC THÀNH RƯỢU
Có một phản bác quan trọng chống lại Thánh Kinh, và không những chỉ chống lại Thánh Kinh mà thôi mà chống cả Chúa Cứu Thế Giê-xu nữa, là câu chuyện Chúa Giê-xu đã hoá nước thành rượu trong một tiệc cưới tại Ca-na xứ Ga-li-lê, như đã được ghi lại ở Giang 2:1-11. Nhưng thiết tưởng đã chẳng có gì khó hiểu trong hành động này của Chúa Giê-xu cả, ngay với người chủ trương cấm uống rượu cực đoan, nếu người ấy chịu xét thật kỹ xem đúng ra khúc sách ấy đã nói gì và biết thật chính xác là Chúa Giê-xu đã làm gì.
Rượu (nước nho: wine) dành cho tiệc cưới tại Ca-na đã cạn. Một đám mây sắp phủ xuống trên niềm vui đáng lẽ phải có nhân một lễ hội. Chúa Giê-xu đã đến để cứu vãn tình thế. Ngài đã cung cấp thêm rượu nhưng đã chẳng hề nói gì đụng chạm đến rượu cả. Chế phẩm của Ngài không có chất đọc. Đó là một loại rượu mới. Rượu mới vốn không có chất độc hại trước một thời gian nào đó cho đến khi kết thúc quá trình lên men, là quá trình làm hư hỏng. Đã chẳng có lời bóng gió nào ngụ ý bảo rằng Chúa chúng ta đã chế ra rượu, là một sản phẩm của sự hư hỏng hay chết chóc. Ngài đã chế ra một loại rượu (hằng) sống, không bị chất men gây ô nhiễm. Quả thật nó là chất rượu ngon hơn loại rượu họ đã uống trước đó, nhưng cũng không cho thấy là nó vốn được ủ cho lên men lâu hơn, nhiều hơn loại rượu họ vừa mới uống trước đó chút nào.
Tôi là một người triệt để chủ trương cấm uống rượu. Tôi không hề tin tưởng vào việc sử dụng các chết kích thích có rượu, cả trong những trường hợp bệnh tật, ngoại trừ trong những trường hợp cùng cực nhất, và thậm chí trong những trường hợp như thế cũng phải hết sức thận trọng. Nhưng tôi không có chút phản đối nào cũng nghĩ rằng bất cứ một người có chút lý trí nào, lại đi phản đối một người uống loạt rượu mới – nghĩa là chất nước nho nước ép. Đó là một thức uống lành mạnh. Cả khi một vài vị khách đã say rồi hay đã thoải mái uống loại rượu có lẽ là có chất độc hại, thì cũng sẽ chẳng có hại mà chỉ có lợi, nếu đem ra một loại rượu không độc hại để thay thế cho thức uống độc hại mà họ đang uống.
Theo như câu chuyện đã được kể lại, thì ít nhất, Chúa chúng ta đã không hề chế ra loại rượu độc hại cho ai uống cả, mà chỉ cứu vãn một cơ hội tiệc tùng khỏi cảnh tàn hại bằng cách cung cấp một thức uống thuần khiết, lành mạnh không phải là rượu. Bằng việc hoá nước thành rượu Ngài đã chứng minh quyền năng sáng tạo và biểu hiện vinh quang của mình.