NGỤ NGÔN VÀ PHÚNG DỤ
(Parables and Allegories )
NGỤ NGÔN
Ngụ ngôn thường được định nghĩa là một câu chuyện kể với mục đích đưa ra một chân lý về luân lý hay tâm linh. Đó là một chuyện thường có trên đời nhưng không thật sự xảy ra. Có người gọi ngụ ngôn là “một chuyện trần gian có nghĩa thiên thượng.” Chúng ta cũng có thể gọi nó là một tỉ dụ (simile) nới rộng vì nó cũng so sánh. Thường trong các sách Phúc Âm, Chúa Giê-xu mở đầu các ngụ ngôn bằng câu “Nước thiên đàng giống như …” (xem Mat Mt 22:1). Tuy nhiên nhiều ngụ ngôn không bắt đầu giống như vậy, như trong 21:33, “Hãy nghe lời ví dụ khác: Có một chủ nhà kia. ..”
Trong Tân Ước có nhiều ngụ ngôn , nhưng hầu hết ở ba sách Phúc Âm đầu. Sách Phúc Âm Giăng không có ngụ ngôn nào, nhưng Giăng có ghi một số phúng dụ, như trong chương 10 và 15.
Ngụ ngôn có ba yếu tố: khung cảnh, câu chuyện và ứng dụng. Một số ngụ ngôn của Chúa không có ghi khung cảnh, một số khác không có phần ứng dụng. Một vài ngụ ngôn chỉ kể chuyện, Chúa kể ngụ ngôn về Người Sa-ma-ri Nhân Từ để trả lời cho câu hỏi của vị luật sư, đến phút chót, Ngài ứng dụng sứ điệp (LuLc 10:25-37). Trong Mat Mt 21:33-41 khung cảnh là vụ tranh cãi về quyền hành, lời cảnh cáo về sự phán xét là phần ứng dụng. Trong 13:3-9 và LuLc 13:18-19 thiếu một vài yếu tố – trong phần đầu thiếu khung cảnh, phần sau thiếu cả khung cảnh lẫn phần ứng dụng. Nơi nào văn mạch cho biết khung cảnh và cách ứng dụng, thì việc giải ngụ ngôn dễ dàng hơn; nếu không có một hay cả hai yếu tố đó ta sẽ khó khăn hơn.
Thường khung cảnh là chìa khóa mở vào câu chuyện. Ví dụ, trong 15:1-32, những lời phản đối của nhóm Pha-ri-si và các thầy thông giáo đã khiến Chúa kể ba ngụ ngôn. Cả ba ngụ ngôn đều xoay quanh bài học dạy rằng Thượng Đế vui mừng khi tội nhân ăn năn, như vậy không nên phản đối khi Chúa Giê-xu tiếp nhận họ.
Các ngụ ngôn thường có một điểm chính. Chúng ta không cần phải tìm cho ra ý nghĩa trong mọi chi tiết nhưng tìm sứ điệp trung tâm. Chúng ta làm như vậy vì chính Chúa Giê-xu áp dụng cách đó cho các ngụ ngôn của Ngài. Trong 15:1-32, Chúa Giê-xu ứng dụng ngụ ngôn về Con Chiên lạc: “Trên trời sẽ vui mừng vì một tội nhân ăn năn hơn là chín mươi chín người công bình không cần ăn năn ” (c.7). Câu 10 cũng giải thích tương tự cho ngụ ngôn kế tiếp. Phần cốt lõi của Con Trai Phóng Đãng cũng ý như vậy, tuy có thêm nhiều chi tiết. Chúa giải thích ngụ ngôn Người Sa-ma-ri Nhân Từ như thế nào? Ngài để cho ông luật sư giải thích: Người Sa-ma-ri chứng tỏ là người lân cận. Chúa bảo, “Hãy đi và làm như vậy. ” Ngài chẳng nhắc gì đến ý nghĩa của tên cướp, hai người qua đường, con lừa, đồng tiền và chủ quán.
Trong ngụ ngôn không phải lúc nào Chúa cũng chỉ nêu có một điểm. Ngài ứng dụng nhiều chi tiết trong ngụ ngôn về Người Làm Công Trong Vườn Nho cũng vậy (Ma 20). Trong khi chúng ta tìm hiểu những khác biệt của chúng, chúng ta vẫn cần nhớ rằng đó là ngoại lệ, qui luật chung là ngụ ngôn chỉ có một bài học chính.
Trong thời sơ khai của Hội Thánh, một số nhà thần học hình bóng hóa các đoạn Kinh Thánh đã tìm ra những ý nghĩa lạ lùng trong các chi tiết ngụ ngôn. Origen là một trong các nhà thần học đó, ông đã đưa ra lời giải thích như sau về người Sa-ma-ri Nhân từ: A-đam là người bị lọt vào tay bọn cướp. Giê-ru-sa-lem tượng trưng cho thiên đàng, Giê-ri-cô là thế gian. Bọn cướp là ma quỉ và quỉ sứ, còn thầy tế lễ đại diện cho lụât pháp và người Lê-vi đại diện cho các vị tiên tri. Dĩ nhiên Chúa Giê-xu là người Sa-ma-ri, thân thể Ngài là con vật cỡi, Hội Thánh là quán trọ. Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con là hai đồng Đơ-ni-ê. Sự tái lâm của Chúa là lời hứa trở lại của người Sa-ma-ri. Sự giải nghĩa nầy ăn khớp với một số chi tiết, nhưng trong đoạn Kinh Thánh chẳng có một chút xíu nào gợi ý cho những lời giải thích đó. Như vậy lời giải của Origen không dựa căn bản trên Kinh Thánh, nếu chúng ta theo ông chúng ta sẽ đi lông bông.
Có lẽ Chúa Giê-xu đã kể một số ngụ ngôn nhiều lần. Chuyện Con Chiên Lạc thấy có hai khung cảnh. Trong Ma 18 nó liên quan đến sự săn sóc của Thượng Đế đối với trẻ em, còn trong 15:1-32 thì lại liên hệ đến sự quan tâm Ngài đối với tội nhân. Tuy nhiên, cả hai trường hợp đều nhấn mạnh sự săn sóc yêu thương của Thượng Đế.
CÁC QUI TẮC HƯỚNG DẪN
1. Trước hết nghĩ đến nghĩa tự nhiên của câu chuyện
Bài học thuộc linh phải căn cứ trên đó.
2. Để ý cơ hội kể chuyện nếu có
Ví dụ, hãy xét tình hình đã đưa đến ngụ ngôn ngắn Chúa kể trong nhà người Pha-ri-si (7:41-43). Bạn không cần phải bận tâm nếu đoạn sách không ghi rõ khung cảnh, vì bạn có thể nhờ những điều khác để hiểu ý nghĩa. Nếu có ghi rõ khung cảnh thì nó rất quan trọng; và bạn phải nhận ra tương quan giữa nó và sứ điệp.
3. Kiểm tra ý nghĩa với giáo huấn trực tiếp của Kinh Thánh
Vì ngụ ngôn là ngôn ngữ hình bóng, nên chúng ta không dùng chúng để thiết lập giáo lý; nhưng chúng xác nhận chân lý đã được trình bày ở nơi khác trong Kinh Thánh. Ví dụ, nếu chúng ta dùng ngụ ngôn Con Trai Phóng Đãng để qui định phương cách tội nhân trở về cùng Thượng Đế, thì chúng ta sẽ bảo chỉ cần ăn năn là đủ, không cần phải có sự chuộc tội của Chúa Cứu Thế.
4. Nếu câu chuyện có những nan đề khó hiểu, hãy tìm ánh sáng trong bối cảnh văn hóa và lịch sử.
Ví dụ, nhiều học giả biết rằng theo phong tục, người chủ tiệc cưới phân phát áo lễ cho khách đến dự. Điều nầy giải thích tại sao người không có áo lễ lại bị đối xử nghiêm khắc như thế (Mat Mt 22:11-13): Ông ta đã được cung cấp mà không chịu dùng.
NHỮNG NGƯỜI LÀM CÔNG TRONG VƯỜN NHO
Chúng ta thử áp dụng qui tắc hướng dẫn trên để giải ngụ ngôn những Người Làm Công Trong Vườn Nho (20:1-16).
Trước hết theo nguyên tắc căn bản là đọc và quan sát khúc sách với cả văn mạch của nó. Vì câu 1 bắt đầu bằng chữ vả, chúng ta biết rằng ngụ ngôn liên hệ với chương 19. Để ý chữ cuối cùng của chương 19 và liên kết nó với câu 16 của chương 20. Trong mấy câu nầy, những chữ nào có ý nghĩa nhấ? Bạn có thấy những chữ đó nhiều lần trong câu chuyện không (xem c.8, 10, 12, 14)? Bạn có thấy mối liên hệ giữa chữ vả trong câu 20:1 với chữ như vậy trong 20:16 không?
Tiếp theo, xem câu chuyện soi sáng hai câu nầy thể nào? Trong câu chuyện có điều gì chót trở thành đầu và đầu trở thành chót không? Dĩ nhiên họ được trả trước, nhưng họ là người dẫn đầu không? Nếu so sánh lương giờ thì sao?
Tại sao người chủ lại đối xử với những người công nhân đến sau đặc biệt vậy? So sánh điều kiện làm việc của hai nhóm người (c.2, 7). Bạn thấy có tinh thần khác nhau giữa hai nhóm người không? Trở lại chương 19 xem Phi-e-rơ tỏ ra tinh thần như thế nào, nên nhớ rằng lời ông nói đã đem lại cơ hội để Chúa kể câu chuyện. Người luật sư giàu trẻ tuổi (19:22) có tỏ ra tinh thần như Phi-e-rơ không? Có lẽ những chữ có và nhận được trong 19:21, 27, 29 và 20:9, 10 có thể cho thấy mối liên kết. Bây giờ bạn có thể nói ra ý nghĩa trung tâm của ngụ ngôn không?
Chúng ta đã xét cẩn thận khung cảnh của ngụ ngôn và cách Chúa Giê-xu ứng dụng nó. Chúng ta đã quan sát cẩn thận những chữ lặp nhiều lần và những liên từ. Ngụ ngôn trong văn mạch của nó có một sứ điệp mạnh mẽ – một lời cảnh báo nghiêm trọng cho những người giống như Phi-e-rơ quá chú tâm tới những sự gì mình sẽ nhận được. Chúa Giê-xu muốn bảo họ rằng, coi chừng, những kẻ đứng hàng đầu sẽ xuống hàng chót trong ngày cuối cùng.
Sau đây là một số ngụ ngôn để nghiên cứu:
Mac Mc 4:30-32: Hột cải
LuLc 7:41-43 : Hai con nợ
11:5-8 : Người bạn giữa đêm khuya
16:19-31 : Người giàu và La-xa-rơ (đây có phải là ngụ ngôn không?)
18:1-8: Quan tòa bất công
PHÚNG DỤ (Allegory)
Tưởng cần nên xét qua loại phúng dụ cùng với ngụ ngôn vì chúng có phần giống nhau. Một phúng dụ cũng có thể gọi là một ẩn dụ (metaphor) nới rộng. Ẩn dụ đơn giản nói A là B. Phúng dụ nói A là B, C là D và E là F, khi A, C và E biểu thị những phần liên quan trong một câu chuyện hay một bức tranh. Phúng dụ trong Giăng 10 là một câu chuyện nhiều hơn, còn trong chương 15 là một bức tranh nhiều hơn.
Trong GiGa 15:1-27 Chúa Giê-xu nói, “Ta là cây nho thật, Cha ta là người trồng nho, …các ngươi là nhánh ” (c.1, 5). Đây là cấu trúc căn bản của phúng dụ. Rồi Chúa Giê-xu đưa ra ý nghĩa thuộc linh của những đặc điểm khác trong mối liên hệ nầy: Nhánh phải ở trong cây nho và sinh trái; người trồng nho tỉa sửa nhánh nho để có trái và cắt bỏ những nhánh không ra trái; trái đem vinh dự cho người trồng nho.
Chúng ta có thể thấy ý nghĩa cơ bản ngay trong phúng dụ, không cần phải đi ra ngoài (Vì lý do đó, phúng dụ thường dễ thông giải hơn các hình thức ngôn ngữ khác). Nói thế không có nghĩa là mọi đều trong phúng dụ đều rõ ràng. Có một số đặc điểm bị bỏ qua không giải đến, và chúng ta gặp khó khăn khi tìm ý nghĩa đúng cho chúng. Những nhánh không trái bị chặt đi và đem đốt. Ý nghĩa thuộc linh của nó là gì? Câu 6 nói đây là một thật sự kinh khiếp nhưng không nói rõ ý như thế nào. Như vậy chúng ta phải tự tìm lấy.
10:1-42 dùng phúng dụ về Người Chăn Tốt và Bầy Chiên. Chúng ta thử ghi ra những đặc điểm và những điều diễn giải trong đó:
Người chăn Chúa Giê-xu
Chiên Không nói tới
Người giữ cửa Không nói tới
Chuồng chiên Không nói tới
Cửa Chúa Giê-xu
Quân cướp Những kẻ “đến trước” Chúa
Người lạ Không nói tới
Muông sói Không nói tới
Kẻ chăn thuê Không nói tới
Có điều lạ là Chúa nói rất ít ý nghĩa của phúng dụ nầy, và để cho chúng ta tự tìm thấy. Ngài chẳng nói gì nhiều hơn là tự nhận mình là người chăn và cái cửa. Chúng ta còn phải tìm những ai đã đến trước Ngài. Trong phân đoạn này có những gợi ý giải thích những đặc điểm khác. Ngài biết chiên mình và họ biết tiếng Ngài, điều đó chỉ cho biết họ là những người tin Ngài (môn đồ Ngài ). Quân cướp không đi vào cửa chính chắc phải là những lãnh tụ tôn giáo giả không chịu nhìn nhận Chúa Giê-xu. Kẻ chăn thuê cũng là người chăn giả, như vậy là chỉ về lãnh tụ tôn giáo. Nhưng chuồng chiên, muông sói và người lạ thì không biết là gì. Từ đó ta kết luận rằng không cần thiết phải tìm cho hết ý nghĩa của từng chi tiết. Tuy trong phúng dụ có những chi tiết có ý nghĩa, nó vẫn tập trung vào một số diểm chính, như chúng ta thấy cách Chúa giải 10:1-42.
Cựu Ước có một số phúng dụ trong Thi Tv 80:8-15, ChCn 5:15-20, TrGv 12:3-7.
QUI TẮC HƯỚNG DẪN
1. Chú ý những chi tiết hay đặc điểm của phúng dụ. Nên liệt kê ra như đã làm trên kia.
2. Để ý cách thông giải mọi đặc điểm. Cũng liệt kê ra
3. Xét những đặc điểm khác, xem có thể tìm hiểu ý nghĩa từ những khúc Kinh Thánh khác không? Ví dụ, hình ảnh ấy có dùng nơi nào khác trong Kinh Thánh không? Tuy vậy, đừng vội căn cứ vào đó mà quyết giải, nên nhớ rằng một vật có thể dùng cho những ẩn dụ có nghĩa trái ngược nhau. Hãy xem cách giải đó là có thể chấp nhận, chứ không phải là chắc chắn.
4. Đừng cố tìm cho ra hết ý nghĩa của mọi đặc điểm. Chúa đã không làm điều nầy cho các phúng dụ trong GiGa 10:1-42, 15:1-37. Chỉ xét những cách giải nào thật rõ ràng, không thể nghi ngờ. Đừng gán ép ý nghĩa tưởng tượng.