Mỗi một Cơ-đốc-nhân đều phải đọc Kinh Thánh vì Kinh Thánh được “Đức Chúa Trời hà hơi vào, có ích cho sự dạy dỗ, cáo trách, sửa trị, giáo huấn trong sự công chính” (2 Tim. 3:16). Kinh Thánh bày tỏ cho chúng ta nhiều điều Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta và phương cách Ngài dẫn dắt loài người trong quá khứ.

Nếu muốn biết sự cung ứng của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta phong phú, bao la như thế nào, chúng ta phải đọc Kinh Thánh. Nếu muốn thấy Đức Chúa Trời dẫn dắt loài người từng bước một như thế nào, chúng ta cũng phải đọc Kinh Thánh.

Đức Chúa Trời phán với loài người ngày nay dựa trên những gì Ngài đã phán trong quá khứ. Đức Chúa Trời hiếm khi nào nói những điều Ngài chưa từng phán trong Kinh Thánh. Dầu một người rất tiến bộ trên bước đường thuộc linh, khải thị của Đức Chúa Trời dành cho người ấy vẫn giới hạn trong những lời Ngài đã phán trong Kinh Thánh. Vì vậy, những gì Đức Chúa Trời phán ngày nay chỉ là lặp lại chính lời Ngài. Nếu chưa biết những gì Đức Chúa Trời phán trong quá khứ, một người rất khó nhận được sự khải thị của Ngài trong hiện tại vì người ấy thiếu nền tảng để Đức Chúa Trời có thể phán với mình.

Hơn nữa, nếu Đức Chúa Trời muốn phán một điều gì đó cho những người khác qua chúng ta, Ngài cũng sẽ làm điều này trên nền tảng những gì Ngài đã phán trong quá khứ. Nếu chúng ta không biết những gì Đức Chúa Trời đã phán trong quá khứ, Ngài không thể phán với người khác qua chúng ta, và theo mắt Ngài thì chúng ta vô dụng.

Đó là lý do vì sao chúng ta cần để cho lời của Đức Chúa Trời cư trú trong chúng ta cách phong phú. Bằng cách để lời Ngài cư trú trong chúng ta cách dồi dào, chúng ta biết được đường lối Ngài trong quá khứ và nghe được lời Ngài phán trong hiện tại. Chỉ khi ấy Đức Chúa Trời mới có thể dùng chúng ta phán với người khác.

Kinh Thánh là quyển sách vĩ đại, một tác phẩm bất hủ. Dầu dành trọn đời mình cho Kinh Thánh, chúng ta chỉ có thể đụng chạm một phần nào sự phong phú của Kinh Thánh. Không ai có thể hiểu Kinh Thánh nếu không để thì giờ nghiên cứu Kinh Thánh. Mỗi Cơ-đốc-nhân trẻ tuổi nên hết sức lao tác trên Lời Đức Chúa Trời để khi lớn lên có thể nuôi dưỡng chính mình và cung ứng cho người khác sự giàu có của Lời Ngài.

Tất cả những ai muốn biết Đức Chúa Trời phải học Lời Ngài một cách nghiêm túc, và mọi tín đồ nên nhận biết tầm quan trọng của việc đọc Lời Đức Chúa Trời ngay từ khi bắt đầu đời sống Cơ-đốc của mình.

II. NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢNTRONG VIỆC ĐỌC KINH THÁNH

Có bốn nguyên tắc cơ bản trong việc đọc Kinh Thánh: (1) Khám phá các sự kiện, (2) học thuộc và đọc thuộc lòng lời Kinh Thánh, (3) phân tích, phân loại, so sánh, và (4) nhận sự soi sáng từ Đức Chúa Trời.

Chúng ta cần phải theo trình tự của bốn bước này khi đọc Kinh Thánh. Chúng ta không thể nhảy từ bước thứ ba sang bước thứ nhất, hay từ bước thứ nhất sang bước thứ ba. Trước hết, hãy khám phá những sự kiện trong Kinh Thánh. Thứ hai, học thuộc lòng những sự kiện này. Chúng ta phải biết và học thuộc lòng Lời Đức Chúa Trời cách đúng đắn và chính xác. Chúng ta không được gạt đi hay bỏ qua bất cứ phần nào. Nếu như vậy, việc đọc Kinh Thánh của chúng ta sẽ không được mấy ích lợi. Thứ ba, phân tích, phân loại và so sánh các sự kiện. Sau khi đã phân tích các sự kiện cách chính xác, và phân loại chúng cách đúng đắn rồi so sánh chúng cách rõ ràng trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ có nền tảng để tiến đến điểm thứ tư, là sự soi sáng của Đức Chúa Trời.

Kinh Thánh chứa đựng nhiều sự kiện có bản chất thuộc linh. Khi mắt bên trong của chúng ta mù lòa, chúng ta không thể thấy những sự kiện này. Nhưng một khi khám phá được những sự kiện này trong Kinh Thánh, phân nửa ánh sáng chứa đựng trong Lời sẽ thuộc về chúng ta. Sự soi sáng của Đức Chúa Trời chính là Ngài soi sáng trên những sự kiện được ghi lại trong Lời Ngài. Khám phá ra các sự kiện là phân nửa công việc của chúng ta trong việc đọc Kinh Thánh. Khi đọc Kinh Thánh, điều đầu tiên chúng ta phải làm là khám phá ra những sự kiện này.

Chẳng hạn như trọng lực là một sự kiện. Luật về trọng lực đã có trước Newton rất lâu, nhưng suốt hàng ngàn năm, không ai khám phá ra luật này. Ngày kia, một trái táo rơi trên New ­ton đang khi ông ngủ dưới bóng cây. Qua điều này, ông khám phá ra luật về trọng lực. Sự hiện hữu của các sự kiện không phải là vấn đề. Vấn đề là người ta có khám phá ra những sự kiện này hay không.

Chẳng hạn như Kinh Thánh đề cập đến một điều gì đó trong một vài chỗ nhưng lại không đề cập đến điều ấy trong những chỗ khác. Một chỗ nói đến điều đó trong khi chỗ khác lại bỏ qua điều ấy. Một chỗ nói về điều đó bằng cách này trong khi chỗ khác lại nói về điều đó bằng cách khác. Một chỗ dùng cùng một từ ngữ như vậy ở số nhiều trong khi chỗ khác lại ở số ít. Có lúc Kinh Thánh nhấn mạnh danh Chúa trong khi những lúc khác nhấn mạnh tên một người. Thời điểm các sự kiện xảy ra được đề cập đến ở một vài chỗ, nhưng hoàn toàn bị bỏ qua và dường như bị quên hẳn ở những chỗ khác. Tất cả những điều này đều là sự kiện.

Một người đọc Kinh Thánh giỏi chắc chắn phải là một người cẩn thận trước mặt Đức Chúa Trời. Người ấy không thể là người cẩu thả hay bừa bãi. Mỗi một chấm, một nét của Đức Chúa Trời đều không thể sửa đổi. Lời Đức Chúa Trời đã nói như vậy và là như vậy. Giây phút Lời Đức Chúa Trời được mở ra, anh em sẽ biết Lời nhấn mạnh đến điều gì. Nhiều người rất cẩu thả. Họ nghe lời của con người cách cẩu thả và đọc Lời Đức Chúa Trời cách cẩu thả. Họ không thấy Lời Đức Chúa Trời nhấn mạnh điều gì và không hiểu biết chiều sâu của Lời Ngài. Điều đầu tiên một người phải làm là khám phá sự kiện. Sau đó, người ấy phải học thuộc lòng những sự kiện này và phân tích, phân loại, so sánh chúng. Chỉ khi đó người ấy mới nhận được ánh sáng từ Chúa. Bằng cách đó, người ấy sẽ được cung ứng và sẽ cung ứng cho người khác. Người ấy sẽ nhận được sự nuôi dưỡng và cũng nuôi dưỡng người khác.

Tôi xin đưa ra một minh họa đơn giản như sau: Nếu đọc Kinh Thánh cách cẩn thận, chúng ta sẽ thấy những lời diễn đạt của Tân Ước như trong Chúa, trong Christ, trong Christ Giê-su, v.v… Kinh Thánh không bao giờ nói trong Giê-su hay trong Giê-su Christ. Kinh Thánh chỉ nói trong Christ Giê-su, chứ không nói trong Giê-su Christ. Đó là những sự kiện. Chúng ta phải học thuộc lòng và ghi lại từng sự kiện một. Tìm xem chỗ nào nói trong Chúa và văn mạch ra sao. Tìm xem chỗ nào nói trong Christ và văn mạch như thế nào. Rồi cũng tìm xem chỗ khác nói trong Christ Giê-su và văn mạch thế nào. Nếu biết nằm lòng những phần này, chúng ta có thể so sánh chúng. Vì sao trong một trường hợp nào đó Kinh Thánh nói trong Christ thay vì nói trong Giê-su? Vì sao một chỗ Kinh Thánh nói trong Christ Giê-su mà không nói trong Giê-su Christ? Vì sao Kinh Thánh không bao giờ nói trong Giê-su hay trong Giê-su Christ? Vì lý do nào? Khi phân tích và so sánh Kinh Thánh như vậy, ngưỡng trông Đức Chúa Trời để được soi sáng, chúng ta sẽ thấy một điều gì đó.

Một khi ánh sáng đến, mọi sự sẽ trở nên rất rõ ràng. Giê-su là danh được ban cho Chúa khi Ngài ở trên đất. Christ là danh ban cho Ngài khi Đức Chúa Trời xức dầu cho Ngài sau khi Ngài sống lại. “Đức Chúa Trời đã lập Ngài làm Chúa và Christ”. Anh em có nhớ những lời này trong Công-vụ chương 2 không? Christ là danh được ban cho Ngài trong sự phục sinh. Khi đọc Rô-ma chúng ta tìm thấy từ ngữ Christ Giê-su, có nghĩa rằng Đấng Christ ngày nay chính là Giê-su ở trên đất trong quá khứ. Christ Giê-su là danh Ngài ngày nay, có nghĩa rằng Christ ngày nay chính là Giê-su ở trên đất trước kia. Danh Ngài trước sự phục sinh là Giê-su Christ. Danh này ngụ ý Giê-su một ngày kia sẽ là Christ. Giê-su là danh Ngài khi Ngài sống trên đất như một con người. Hai cách diễn đạt này — Christ từng là Giê-su và Giê-su cuối cùng trở nên Christ — có ý chỉ về hai điều khác nhau. Hơn nữa, chúng ta chỉ có thể ở trong Christ, chứ không ở trong Giê-su. Chúng ta chỉ có thể ở trong Chúa và trong Christ Giê-su, chứ không trong Giê-su Christ. Khi Chúa ở trên đất, chúng ta không thể ở trong Ngài. Nếu chúng ta ở trong Ngài khi Ngài còn trên đất, chúng ta đã dự phần trong thập tự giá và sự cứu chuộc của Ngài. Điều này trái với lẽ thật. Chúng ta không có phần gì trong sự nhập thể của Ngài tại Bết-lê-hem. Ngài là Con độc sanh của Đức Chúa Trời, chúng ta không có phần gì trong điều đó.

Như vậy làm thế nào chúng ta ở trong Christ được? 1 Cô-rin-tô 1:30 nói: “Nhưng nhờ Ngài (Đức Chúa Trời) anh em ở trong Christ Giê-su”. Câu này không nói trong Giê-su. Sau khi Chúa Giê-su chết và sống lại, chúng ta trở nên liên kết với Ngài trong sự phục sinh. Qua sự chết và sự sống lại của Ngài, Đức Chúa Trời đã lập Ngài làm Đấng Christ, và Đức Chúa Trời liên kết chúng ta với Ngài nhờ Linh. Chúng ta nhận được sự sống của Ngài khi Ngài phục sinh. Sự tái sinh không đến qua sự nhập thể nhưng qua sự phục sinh. Bây giờ chúng ta cần phải sáng tỏ như vậy.

Đó là cách đọc Kinh Thánh. Đó là cách chúng ta học Kinh Thánh. Trước hết, khám phá sự kiện. Sau đó học thuộc lòng, phân tích, phân loại và so sánh các sự kiện này. Sau đó, cầu nguyện với Chúa và chờ đợi Ngài, Ngài sẽ soi sáng anh em và ban cho anh em ánh sáng. Đó là bốn nguyên tắc trong việc đọc Kinh Thánh. Chúng ta không thể bỏ qua một nguyên tắc nào.

Chúng tôi xin nêu một minh họa khác. Xin xem lời Chúa trong Giăng chương 14 và 15, nói về Thánh Linh đến. Khi đọc những phân đoạn này, chúng ta phải chú ý đến lời hứa của Chúa Giê-su và khám phá xem có sự kiện đặc biệt nào liên quan đến lời hứa ấy không.

Giăng 14:16-20 nói: “Ta sẽ xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng An Ủi khác, để Ngài có thể ở với các ngươi mãi mãi, tức là Linh thực tại, Đấng mà thế gian không thể nhận lãnh, vì không thấy Ngài, cũng không biết Ngài, nhưng các ngươi biết Ngài, vì Ngài ở với các ngươi và sẽ ở trong các ngươi. Ta sẽ không bỏ các ngươi như trẻ mồ côi đâu, Ta đang đến cùng các ngươi. Ít lâu nữa thế gian không còn thấy Ta, nhưng các ngươi thấy Ta, vì Ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống. Trong ngày đó các ngươi sẽ biết Ta ở trong Cha Ta, các ngươi ở trong Ta và Ta ở trong các ngươi”. Chúng ta có thể khám phá những sự kiện nào ở đây? Những câu này ban đầu dùng Ngàinhưng về sau đổi sang Ta. Có một sự thay đổi về đại danh từ. Đây là một sự kiện: Các từ ngữ Ngàiđã được đổi thành Ta.

Theo bốn nguyên tắc trong việc đọc Kinh Thánh, làm thế nào chúng ta học hỏi phân đoạn này? Trước hết chúng ta nên khám phá các sự kiện. Trong trường hợp này, đại danh từ Ngài đổi sang Ta là một sự kiện. Thứ hai, chúng ta phải nhớ sự kiện này. Thứ ba, chúng ta phải phân tích sự kiện này. Đây là hai Đấng An Ủi. Chúa phán: “Ta sẽ xin Cha, Ngài (Cha) sẽ ban cho các ngươi một Đấng An Ủi khác”. Từ ngữ khác trong cách diễn tả “Đấng An Ủi khác” có nghĩa là Đấng An Ủi thứ hai. “Ngài (Cha) sẽ ban cho các ngươi một Đấng An Ủi khác”. Điều này có nghĩa là Cha sẽ ban một Đấng An Ủi thứ hai. Nếu có Đấng An Ủi thứ hai, thì phải có Đấng An Ủi thứ nhất.
Điều đầu tiên chúng ta có thể khẳng định là Chúa nói về hai Đấng An Ủi. Chúa nói các môn đồ đã có một Đấng An Ủi, nhưng Ngài sẽ ban cho họ một Đấng An Ủi khác. Đấng An Ủi thứ hai ra sao? “Để Ngài có thể ở với các ngươi mãi mãi”. Ngài là ai? Chúa Giê-su phán: “Thế gian… không biết Ngài, nhưng các ngươi biết Ngài”. Vì sao? “Vì Ngài ở với các ngươi”. Ngài ở với họ luôn luôn. Thế gian không thể nhận lãnh Ngài và thậm chí không thấy Ngài. Còn họ thì sao? Các môn đồ đã thấy Ngài, họ biết Ngài. Họ biết Ngài vì Ngài ở với họ luôn luôn.

Chúa phán: “Vì Ngài ở với các ngươi và sẽ ở trong các ngươi”. Sau điểm này, đại danh từ Ngài không còn được dùng nữa. Trong câu tiếp theo, Chúa phán: “Ta sẽ không bỏ các ngươi như trẻ mồ côi đâu, Ta đang đến cùng các ngươi”. Khi học điều này, chúng ta thấy Ngài là Ta và Ta là Ngài. Nói cách khác, trong khi Chúa Giê-su đang sống trên đất, Ngài là Đấng An Ủi. Thánh Linh ở trong Chúa và Chúa là Đấng An Ủi. Khi Chúa ở trên đất, Thánh Linh ở trong Ngài, Ngài và Thánh Linh là một. Đó là lý do vì sao Ngài phán rằng các môn đồ thấy Ngài và biết Ngài và Ngài đã ở với họ.

Nhưng sau đó điều gì xảy ra? Chúa tiếp tục bảo họ rằng một Đấng An Ủi khác sẽ đến. Sau sự chết và sự phục sinh, Chúa phán Ngài sẽ trở lại với họ và Đức Chúa Trời sẽ ban Thánh Linh cho họ. Nhưng điều này được hoàn thành như thế nào? Chính Chúa sẽ lại đến với họ trong Thánh Linh. Ngài không bỏ họ như trẻ mồ côi. Sau ít lâu họ sẽ không thấy Ngài, nhưng họ sẽ lại thấy Ngài và Ngài sẽ cư ngụ trong họ. Câu 17 nói: “Ngài… ở trong các ngươi”. Kế đến câu 20 nói: “Ta ở trong các ngươi”. Như vậy,Ta trong phần thứ hai là Ngài trong phần thứ nhất. Một khi chúng ta thấy sự thay đổi về đại danh từ, chúng ta thấy sự khác biệt trong hai Đấng An Ủi. Phần đầu chỉ về Thánh Linh trong Đấng Christ. Phần thứ hai chỉ về Đấng Christ trong Thánh Linh. Ngài chỉ về Thánh Linh trong Đấng Christ.Ta chỉ về Đấng Christ trong Thánh Linh. Thánh Linh là ai? Thánh Linh là Chúa Giê-su trong một hình thái khác. Con là Cha trong một hình thái khác. Cũng vậy, Thánh Linh là Con trong một hình thái khác. Chỉ có sự thay đổi về hình thái.

Từ ví dụ này, chúng ta thấy nguyên tắc cơ bản trong việc đọc Kinh Thánh là khám phá các sự kiện. Nếu không khám phá ra sự kiện, chúng ta không thể mong nhận được ánh sáng nào từ Đức Chúa Trời. Vấn đề không phải chúng ta đọc Kinh Thánh bao nhiêu lần, nhưng vấn đề là những sự kiện chúng ta đã khám phá qua nhiều lần đọc Kinh Thánh.

Phao-lô là người biết cách khám phá ra các sự kiện. Xin hãy xem những gì ông nói trong Ga-la-ti chương 3. Ông thấy từ Sáng-thế Ký Đức Chúa Trời ban phước cho các dân tộc qua dòng dõi của Áp-ra-ham. Đức Chúa Trời dùng từ ngữ dòng dõi dưới hình thức số ít, không phải dưới hình thức số nhiều. Điều này chỉ về Đấng Christ. Trước hết, Phao-lô khám phá sự kiện này. Ông thấy các dân tộc sẽ được phước nhờ dòng dõi của Áp-ra-ham và ông thấy đó là một dòng dõi duy nhất. Qua điều này, ông nhận thức rằng dòng dõi hay hạt giống này chỉ về Đấng Christ. Nếu đó là số nhiều, hẳn đã chỉ về nhiều con cái của Áp-ra-ham, tức là người Do-thái và ý nghĩa sẽ hoàn toàn khác hẳn. Phao-lô đọc Kinh Thánh cách thấu đáo và khám phá ra những sự kiện.

Trong Kinh Thánh, có nhiều sự kiện. Một người có phong phú trong Lời Đức Chúa Trời hay không tùy thuộc vào việc người ấy khám phá ra bao nhiêu sự kiện. Càng khám phá nhiều sự kiện, người ấy càng trở nên phong phú. Nếu không thể khám phá ra sự kiện nào cả, và nếu đọc suốt Kinh Thánh cách vội vàng và thiếu suy nghĩ, người ấy sẽ không hiểu được nhiều.

Trong việc đọc Kinh Thánh, chúng ta cần phải học tập khám phá ra những sự kiện. Sau đó, chúng ta nên học thuộc lòng, phân tích và so sánh những sự kiện này. Cuối cùng, chúng ta nên quì gối xuống trước mặt Đức Chúa Trời và xin Ngài ban ánh sáng.

III. CÁC PHƯƠNG CÁCH ĐỌC KINH THÁNH

Chúng ta nên đọc Kinh Thánh vào hai thời điểm khác nhau. Chúng ta nên có hai bản Kinh Thánh để dùng cho hai thời giờ này. Một thời giờ có thể vào buổi sáng và thời giờ kia vào buổi chiều. Hay chúng ta có thể đọc cả hai vào lúc sáng sớm bằng cách đọc theo một phương cách trong phân nửa thời gian đầu rồi đọc theo phương cách thứ hai trong phân nửa thời gian còn lại. Hai giai đoạn này phải tách rời nhau. Giai đoạn buổi sáng hay phân nửa thời gian đầu vào lúc sáng sớm đọc Kinh Thánh, chúng ta nên suy gẫm, ngợi khen và cầu nguyện khi đọc Lời, hòa lẫn việc đọc Kinh Thánh với sự suy gẫm, ngợi khen và cầu nguyện. Giai đoạn đọc Kinh Thánh này là để nhận lãnh thức ăn thuộc linh và làm cho linh chúng ta mạnh mẽ. Đừng đọc quá nhiều trong thì giờ này, ba hay bốn câu là đủ. Vào buổi chiều, hay phân nửa sau của giờ đọc Kinh Thánh lúc sáng sớm cần phải dài hơn. Trong khoảng thời gian này, chúng ta nên đọc với mục đích học hỏi Lời Đức Chúa Trời nhiều hơn.

Nếu có thể được, chúng ta nên có hai quyển Kinh Thánh. Về quyển Kinh Thánh dùng trong phần đầu, chúng ta không nên đánh dấu hay ghi nhiều lời chú thích (ngoại trừ ngày tháng, mà chúng tôi sẽ đề cập sau). Về quyển Kinh Thánh dùng trong phần sau, chúng ta có thể ghi lại bất cứ điều gì chúng ta được [Chúa] chạm đến, hoặc bằng cách ghi lời chú thích, hay khoanh tròn hoặc gạch dưới các từ ngữ hay phân đoạn. Kinh Thánh dùng trong phần đầu có thể bao gồm ngày tháng, tức là ngày tháng chúng ta tình cờ gặp một câu đặc biệt, giải quyết một điều gì đó với Chúa hay có một kinh nghiệm đặc biệt. Chúng ta nên viết ngày tháng ngay bên cạnh một câu như vậy, cho thấy chúng ta gặp gỡ Đức Chúa Trời qua câu ấy, vào ngày tháng ấy. Đừng viết điều gì khác hơn ngày tháng. Quyển Kinh Thánh dùng trong phần thì giờ thứ hai là để hiểu biết, và chúng ta nên viết tất cả những sự kiện thuộc linh mình khám phá được và ánh sáng chúng ta đã nhận lãnh. Bây giờ chúng ta hãy thảo luận về cách đọc Kinh Thánh trong hai giai đoạn này.

A. Suy Gẫm Lời Chúa Trong Phần Thì Giờ Đầu

Về việc suy gẫm Lời Chúa, tôi nghĩ tốt hơn hết nên trích dẫn lời của George Muller. Ông nói:

“Gần đây, Chúa đã vui lòng dạy tôi một lẽ thật, mà theo tôi biết cho dầu tình trạng con người thế nào, tôi đã không đánh mất ích lợi của lẽ thật ấy, mặc dầu đến bây giờ trong khi chuẩn bị ấn bản thứ năm thì mười bốn năm đã trôi qua kể từ khi tôi nhận được lẽ thật này. Điều tôi muốn nói là: tôi thấy rõ hơn bao giờ hết điều quan trọng và chính yếu hàng đầu tôi nên quan tâm đến mỗi ngày là để cho hồn tôi vui thỏa trong Chúa. Điều đầu tiên cần quan tâm không phải là tôi có thể hầu việc Chúa nhiều bao nhiêu, tôi có thể tôn vinh Ngài bao nhiêu, mà là tôi có thể đem hồn tôi vào tình trạng vui thỏa như thế nào, người bề trong của tôi được nuôi dưỡng ra sao. Vì có thể tôi tìm cách trình bày lẽ thật cho người chưa được cứu, có thể tôi tìm cách làm sao cho các tín đồ được ích lợi, tôi tìm cách an ủi người buồn rầu, tìm nhiều cách để cư xử cho xứng đáng là con của Đức Chúa Trời trên thế gian này, nhưng tôi lại không vui thỏa trong Chúa, không được nuôi dưỡng và mạnh mẽ nơi người bề trong mỗi ngày, thì có lẽ tất cả các công việc ấy không được tôi chăm lo với một linh đúng đắn. Trước thời gian này, ít nhất là mười năm về trước, tôi thường có thói quen hết lòng cầu nguyện sau khi thay quần áo vào buổi sáng. Bây giơ, tôi thấy điều quan trọng nhất tôi phải làm là hết lòng đọc lời của Đức Chúa Trời và suy gẫm lời ấy, nhờ đó lòng tôi được an ủi, khích lệ, cảnh cáo, khiển trách, giáo huấn, và do đó, nhờ phương tiện của lời Đức Chúa Trời, đang khi suy gẫm lời ấy, lòng tôi được đưa vào sự thông công có tính cách thực nghiệm với Chúa.

Vì vậy, ngay từ lúc sáng sớm, tôi bắt đầu suy gẫm Tân Ước. Sau khi cầu nguyện vài lời xin Chúa ban phước cho lời quí báu của Ngài, điều đầu tiên tôi làm là bắt đầu suy gẫm lời của Đức Chúa Trời, xem xét mỗi câu để từ đó nhận được ơn phước, không phải vì chức vụ lời nơi công cộng, không phải để giảng dạy những gì tôi suy gẫm, nhưng để nhận lãnh thức ăn cho chính hồn mình. Kết quả tôi tìm được hầu như luôn luôn là như thế này: ấy là sau vài phút hồn tôi được dắt đến chỗ xưng tội, hay cảm tạ hoặc cầu thay, khẩn nài, để rồi dầu tôi không đem mình vào sự cầu nguyện, mà chỉ suy gẫm, nhưng có thể nói gần như ngay sau đó, không nhiều thì ít tôi đã chuyển sang cầu nguyện. Do đó, sau khi xưng tội, hay cầu thay, khẩn nài, hay cảm tạ một lúc, tôi tiếp tục chuyển sang đọc lời hay câu Kinh Thánh tiếp theo, rồi chuyển tất cả thành lời cầu nguyện cho chính mình hay người khác, theo như lời dẫn dắt tôi, nhưng vẫn liên tục giữ mục tiêu cho sự suy gẫm của mình là tìm thức ăn cho chính hồn mình. Kết quả của điều này là luôn luôn có nhiều sự xưng tội, cảm tạ, khẩn nài, cầu thay hòa lẫn với sự suy gẫm và người bề trong của tôi hầu như luôn luôn được nuôi dưỡng, làm cho mạnh mẽ theo cách tôi có thể cảm biết, và trước giờ điểm tâm, hiếm có trường hợp ngoại lệ, tôi luôn luôn được ở trong tình trạng bình an nếu không phải là vui vẻ của tấm lòng. Như vậy, không sớm thì muộn Chúa cũng đẹp lòng truyền đạt cho tôi điều tôi tìm được để trở nên thức ăn cho các tín đồ khác, dầu không phải vì chức vụ công khai của lời mà tôi đã hết lòng suy gẫm, nhưng vì lợi ích cho chính người bề trong của mình…

Tuy nhiên bây giờ, vì Đức Chúa Trời đã dạy tôi điều này, nên đối với tôi, đơn giản là mỗi sáng, con cái của Đức Chúa Trời trước hết phải nhận lãnh thức ăn cho người bề trong của mình. Cũng như con người bề ngoài không thích hợp để làm việc chút nào trừ phi chúng ta ăn uống, và đó là một trong những điều đầu tiên chúng ta làm vào buổi sáng, cho nên đối với người bề trong cũng cần phải như vậy. Mỗi người phải cho phép mình tiếp nhận thực phẩm. Vậy, bây giờ thức ăn cho người bề trong là gì? Không phải cầu nguyện, mà là Lời của Đức Chúa Trời, một lần nữa, không phải đơn giản đọc lời Đức Chúa Trời, để lời chỉ đi qua tâm trí chúng ta, y như nước chảy ngang qua ống, nhưng hãy suy xét những gì chúng ta đọc, suy nghĩ và áp dụng lời cho lòng mình. Khi cầu nguyện, chúng ta nói với Đức Chúa Trời. Bây giờ, để có thể tiếp tục cầu nguyện dầu dài hay ngắn với mục đích khác hơn là nghi thức bề ngoài, nói chung đòi hỏi phải có một mức độ sức mạnh hay nỗi ước ao thánh và đúng thời điểm, vì vậy, lúc hồn có thể thực hiện hoạt động này cách hiệu quả hơn hết là sau khi người bề trong đã được nuôi dưỡng nhờ suy gẫm lời Đức Chúa Trời, là chỗ chúng ta thấy Cha chúng ta nói chuyện với mình, khích lệ, an ủi, dạy dỗ, hạ chúng ta xuống, quở trách chúng ta. Vì vậy, chúng ta có thể suy gẫm cách ích lợi, với sự ban phước của Chúa, mặc dầu chúng ta bao giờ cũng yếu ớt về mặt thuộc linh, hơn nữa, càng yếu đuối, chúng ta càng cần suy gẫm để người bề trong được mạnh mẽ, như vậy, chúng ta ít sợ bị lang thang trong tâm trí hơn là nếu chúng ta để lòng cầu nguyện mà không có thì giờ suy gẫm trước đó. Tôi xin đặc biệt nhấn mạnh điều này vì tôi ý thức rằng ích lợi thuộc linh lớn lao và sự tươi mới chính tôi đã nhận được từ đó và tôi lấy tình yêu, nghiêm trang nài khuyên các tín hữu suy nghĩ đến vấn đề này. Nhờ sự ban phước của Đức Chúa Trời, tôi cho rằng do sự giúp đỡ và sức mạnh tôi nhận được từ Đức Chúa Trời trong việc suy gẫm Kinh Thánh nên tôi đã trải qua những thử thách sâu xa hơn trong nhiều phương diện cách bình an hơn tôi từng biết trước đây, và bây giờ sau hơn mười bốn năm thử theo cách này, trong sự kính sợ Đức Chúa Trời, tôi có thể giới thiệu điều này cách đầy đủ…

Lúc hồn được làm cho tươi mới và vui thỏa vào sáng sớm, thì thật khác biệt với tình trạng khi không có sự chuẩn bị thuộc linh, mà công tác phục vụ, những thử thách và sự cám dỗ trong ngày lại ập đến trên một người! — George Mul ler, Tiểu Sử Tự Thuật của George Mul ler, Đời Sống Tin Cậy, 1861, tái bản 1981, các trang 206-10.

B. Đọc Lời Cách Tổng Quát Trong Phần Thì Giờ Thứ Hai

Tín đồ mới tiếp nhận Chúa gần đây không nên tham gia vào việc tra cứu Kinh Thánh cách sâu xa ít nhất là sáu tháng vì họ chưa quen với toàn bộ Kinh Thánh. Họ nên dành vài tháng đọc suốt cả Kinh Thánh và để chính mình làm quen với Kinh Thánh cách tổng quát. Sau đó, họ có thể bắt đầu nghiên cứu Kinh Thánh cách nghiêm túc.
Trong việc làm quen với Kinh Thánh, họ nên đọc cả Kinh Thánh từng chương liên tục nhiều lần. Cách tốt nhất là quyết định số chương trong Cựu Ước và Tân Ước mà một người muốn đọc mỗi ngày. Không nên đọc quá nhanh hay quá chậm. Việc đọc Kinh Thánh theo cách này nên mang tính cách thường xuyên, liên tục và tổng quát. George Mul ler đọc Cựu Ước và Tân Ước một trăm lần suốt đời mình. Những ai vừa mới tiếp nhận Chúa nên tập đọc Kinh Thánh và nhớ số lần mình đã đọc. Viết thư báo cho một anh em lớn tuổi hơn biết lần đầu mình đọc xong Tân Ước là điều rất tốt. Chừa một trang giấy trắng trong Kinh Thánh để ghi lại số lần mình đọc suốt Kinh Thánh cũng là điều tốt. Anh em nên viết ngày tháng và nơi chốn mình đọc xong lần đầu, lần thứ hai, v.v… Mỗi lần đọc xong, anh em nên đánh dấu thời điểm, cần biết rõ anh em đã đọc xong Tân Ước hay Cựu Ước. Tôi hi vọng rằng, giống như George Mul ler, anh em có thể đọc suốt Kinh Thánh một trăm lần trong đời mình. Nếu ai muốn đọc Kinh Thánh một trăm lần, giả sử người ấy sống làm Cơ-đốc-nhân năm mươi năm, người ấy sẽ phải đọc qua cả Kinh Thánh ít nhất một năm hai lần. Anh em có thể thấy vì sao mình cần để nhiều thì giờ đọc Kinh Thánh.

Nguyên tắc đọc Kinh Thánh là đọc suốt từng chương, đọc đi, đọc lại. Những ai trưởng thành hơn trong Chúa nên chú ý đến cách người mới được cứu đọc Kinh Thánh. Đôi khi xem xét ngày họ ghi trong quyển Kinh Thánh của họ là điều tốt để kiểm tra xem mỗi ngày họ đọc bao nhiêu chương và tìm xem mỗi tuần họ đang đọc đến đâu. Chúng ta nên luôn luôn chú ý đến điều này và đừng xao lãng. Chúng ta nên nhắc nhở những ai tiến lên cách quá chậm chạp: “Nửa năm đã trôi qua, sao anh vẫn chưa đọc xong Tân Ước một lần?”

Nếu một người đọc Kinh Thánh theo cách trên, sau ít lâu, kiến thức Kinh Thánh của người ấy sẽ gia tăng. Nếu có thể được, người ấy nên cố gắng học thuộc một hay hai câu Kinh Thánh mỗi ngày. Ban đầu, có thể người ấy phải bắt buộc mình chút ít để làm điều đó. Có thể đây là công việc buồn chán. Nhưng sau ít lâu, qua đó người ấy sẽ gặt hái nhiều ích lợi.

C. Nghiên Cứu Cách Kỹ Lưỡng Theo Giờ Giấc Được Ấn Định Cụ Thể

Hằng ngày, cách đọc Kinh Thánh thứ nhất, tức cầu nguyện và suy gẫm Lời, là cách phải thực hành suốt đời. Cách đọc Kinh Thánh thứ hai, tức là đọc tổng quát, liên hệ đến một loại nghiên cứu Kinh Thánh nào đó, có thể bắt đầu ít nhất sau sáu tháng để có được một ít kiến thức về Kinh Thánh.
Mỗi một Cơ-đốc-nhân nên có một chương trình học Kinh Thánh rõ ràng. Nếu anh em có thể dành riêng nửa giờ mỗi ngày, hãy khai triển một chương trình học Kinh Thánh nửa giờ một ngày. Nếu anh em có thể để ra một giờ mỗi ngày, hãy khai triển một chương trình học tập một giờ. Dầu anh em có thể dành ra bao nhiêu thì giờ, hãy lập một chương trình phù hợp với thời khóa biểu của mình. Cách tệ nhất là đọc “theo cảm hứng”, tức là đọc cách thất thường, không có chương trình và bắt đầu từ bất cứ trang nào mình muốn, có khi đọc ngấu nghiến mười ngày và vào những khi khác suốt mười ngày không đọc gì cả. Đó là phương cách sai lầm. Chúng ta không nên chấp nhận phương pháp “theo cảm hứng” này. Mọi người nên có một chương trình đọc rõ ràng. Trong việc đọc Kinh Thánh, chúng ta cần nghiêm túc và có kỷ luật.
Tuy nhiên, đừng đặt một tiêu chuẩn quá cao, hay một thời gian quá dài cho mình. Nếu đặt ra một thời gian quá dài, anh em sẽ khó duy trì thời khóa biểu. Điều này còn tệ hơn là không có chương trình gì cả. Một khi đã quyết định làm điều gì, hãy bám sát suốt năm năm, mười năm, hay mười lăm năm. Đừng dừng lại sau hai, ba, năm hoặc sáu tháng. Đó là lý do vì sao anh em nên cân nhắc cẩn thận trước mặt Chúa khoảng thời gian mình dành riêng để học tập. Mỗi ngày một giờ là rất đầy đủ. Nửa giờ có thể quá ngắn, chúng ta không học được bao nhiêu trong vòng nửa giờ. Dĩ nhiên, nếu thì giờ không cho phép, anh em dành ra khoảng thời gian nửa giờ vẫn tốt. Tuy nhiên, một giờ là khoảng thời gian tốt nhất. Nếu ai có thể để ra hai giờ cũng tốt. Bình thường không cần dành nhiều hơn hai giờ. Chúng tôi chưa thấy một anh chị em nào học tập ba giờ một ngày mà lại có thể duy trì thời khóa biểu của mình lâu dài.

Có hai mươi tám cách khác nhau để học Kinh Thánh, bao gồm trong quyển Các Phương Pháp Nghiên Cứu Kinh Thánh. Trong hai mươi tám cách, việc nghiên cứu diễn tiến của lẽ thật suốt Kinh Thánh là cách khó nhất. Đối với nhiều người, không nên cố gắng áp dụng phương pháp này, mà hãy để thời gian về sau hãy sử dụng. Phương pháp nghiên cứu lời là phương pháp dễ dàng hơn nhiều. Người ta cũng có thể học về kim loại, khoáng chất, những con số, tên người, địa lý, v.v… Đây là những sự nghiên cứu bổ sung, chúng ta không cần phải dành tất cả thì giờ cho những phương pháp đặc biệt này. Cũng có những bảng niên đại trong Kinh Thánh. Nếu có thì giờ, chúng ta có thể xem sơ qua. Ngoài ra, có những cách khác để học Kinh Thánh, chẳng hạn như học tập các lời tiên tri, biểu tượng, ẩn dụ, phép lạ, sự dạy dỗ của Chúa khi Ngài còn trên đất, hay nghiên cứu từng sách một, v.v… Chúng ta nên xem qua tất cả những phương pháp này, từng phương pháp một.

Bây giờ giả sử một người có mỗi ngày một giờ để học Kinh Thánh. Người ấy có thể phân chia thì giờ của mình như sau:

1. Hai Mươi Phút Đầu, Học Theo Đề Tài

Kinh nghiệm của một số người cho thấy một giờ học tập có thể được chia ra làm bốn phần. Phần đầu gồm hai mươi phút dành cho việc nghiên cứu những đề tài cụ thể chẳng hạn như các lời tiên tri, biểu tượng, ẩn dụ, các thời đại, những sự dạy dỗ của Chúa khi Ngài còn trên đất, hay một sách cụ thể nào đó. Một người có thể đọc tất cả những phân đoạn có liên quan và tìm ra các câu Kinh Thánh bàn đến đề tài mình chọn lựa. Nếu cố gắng học mỗi lần một sách, người ấy nên chọn sách mình muốn học. Người ấy có thể chọn sách Rô-ma hay Phúc-âm theo Giăng. Sau khi hoàn tất một sách, người ấy nên tiếp tục qua sách tiếp theo. Người ấy nên học tập trọn một sách và tìm ra toàn bộ nội dung của sách ấy. Nếu quyết định dành ra hai mươi phút mỗi ngày cho loại học tập này, anh em đừng kéo dài hay rút ngắn khoảng thời gian ấy. Chúng ta phải học tập giới hạn chính mình và đừng bao giờ làm một người cẩu thả hay bừa bãi.

2. Hai Mươi Phút Trong Phần Thứ Hai — Nghiên Cứu Lời

Hai mươi phút tiếp theo có thể được dùng để nghiên cứu lời. Có nhiều từ ngữ đặc biệt chẳng hạn như sự giải hòa, huyết, đức tin, vui mừng, bình an, hi vọng, tình yêu, sự vâng phục, sự công chính, sự cứu chuộc, sự thương xót, v.v… rải rác khắp Kinh Thánh và tất cả đều rất ý nghĩa. Nếu những từ ngữ này được phân nhóm và sắp xếp lại với nhau, chúng ta có thể nắm ý nghĩa của chúng cách tốt hơn. Chẳng hạn như chúng ta có thể nghiên cứu về chữ huyết. Trước hết, chúng ta nên ghi xuống tất cả những chương và câu nào đề cập đến huyết. Sau đó, chúng ta nên phân tích ý nghĩa mỗi trường hợp từ ngữ này xuất hiện. Huyết làm gì cho chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời? Huyết liên quan đến loại người nào? Huyết hoàn thành điều gì và hoàn thành bao nhiêu cho chúng ta? Trong Cựu Ước và Tân Ước, chúng ta có thể tìm được nhiều câu nói về huyết. Chúng ta có thể phân tích tất cả. Điều này không thể hoàn tất chỉ trong một lần ngồi lại học tập. Chúng ta không thể hi vọng thấy được nhiều kết quả vào ngày đầu tiên. Nếu có sách phù dẫn (con cor dance), chúng ta sẽ đỡ tốn công.

3. Mười Phút Trong Phần Thứ Ba — Góp Nhặt Dữ Kiện

Chúng ta có thể chọn những đề tài đặc biệt và dành mười phút tiếp theo để chỉ góp nhặt dữ kiện liên quan đến những đề tài ấy. Có nhiều đề tài trong Kinh Thánh, chẳng hạn như sự sáng tạo, con người, tội lỗi, sự cứu rỗi, sự ăn năn, Thánh Linh, sự tái sinh, sự thánh hóa, sự xưng công chính, sự tha thứ, sự tự do, Thân Thể của Đấng Christ, sự trở lại của Chúa, sự phán xét, vương quốc, cõi đời đời, v.v… Anh em có thể chọn một số đề tài nào đó và góp nhặt dữ kiện về những đề tài này trong Kinh Thánh. Chúng ta có thể giải quyết nhiều nhất là mỗi lần năm đề tài, nếu có nhiều hơn năm đề tài, thì sẽ có quá nhiều chứng cứ và rất khó giải quyết tất cả cùng một lúc. Đừng chỉ góp nhặt tài liệu cho một đề tài, như vậy sẽ mất quá nhiều thì giờ. Chúng ta có thể tìm được tài liệu cho hơn một đề tài trong một chương. Chẳng hạn như anh em có thể học tập về Thánh Linh. Nhưng chương mà anh em đang học không liên quan gì đến Thánh Linh cả. Dầu vậy, anh em chắc chắn có thể tìm được những đề tài khác ngay trong chính chương đó. Góp nhặt dữ kiện cho hai, ba, bốn hay năm đề tài cùng một lúc không phải là điều không tốt. Nhưng đừng chọn nhiều hơn năm đề tài cùng một lúc.

Mỗi đề tài có thể đòi hỏi một ít thì giờ để hoàn tất việc nghiên cứu đề tài ấy. Mỗi ngày, anh em phải thêm tài liệu cho sự nghiên cứu của mình. Hãy viết xuống tất cả các tài liệu (những câu Kinh Thánh) anh em góp nhặt được và từ đó, viết xuống những từ ngữ chính và những ý nghĩa chính của mỗi phân đoạn. Chỉ viết xuống các câu Kinh Thánh thì không ích lợi gì. Anh em cần phải biết những câu ấy nói gì. Giả sử anh em đang học tập về Thánh Linh trong Thư Ê-phê-sô. Khi viết xuống “đóng ấn bằng Thánh Linh” trong 1:13, anh em cũng nên viết xuống ý nghĩa của từ ngữ đóng ấn. Trước hết, viết câu Kinh Thánh xuống, sau đó viết các từ ngữ có liên hệ và cuối cùng là ý nghĩa của câu. Anh em nên góp nhặt mọi dữ kiện theo cách ấy. Một ngày kia, khi cần bàn đến một đề tài nào, anh em sẽ có sẵn những tài liệu này để áp dụng.

4. Mười Phút Trong Phần Thứ Tư — Diễn Ý

Mười phút sau cùng có thể được dùng để diễn ý Kinh Thánh. Cách thực hành này rất ích lợi. Diễn ý Kinh Thánh đem lại sự hiểu biết tươi mới cho một phân đoạn. Bằng cách diễn ý Kinh Thánh với những từ ngữ đơn giản, chúng ta diễn tả một phân đoạn theo một cách mà người khác có thể hiểu ngay khi xem qua.

Chẳng hạn như anh em có thể nghiên cứu từng chương một của sách Rô-ma. Nếu một em thiếu niên đến hỏi: “Em đã đọc lời Phao-lô viết trong sách Rô-ma, nhưng em không hiểu được”, anh em sẽ phải nghĩ ra một vài phương cách nào đó để giải thích sách này cho em ấy bằng cách dùng từ ngữ của mình. Diễn ý không phải là bình luận, anh em chỉ dùng từ ngữ của mình truyền đạt những gì Phao-lô nói để những ai không hiểu Thư này có thể hiểu được. Để có thể làm điều này, anh em phải học cách diễn ý Kinh Thánh bằng cách dùng từ ngữ của mình. Hãy lấy sách Rô-ma và cố gắng diễn ý sách này bằng từ ngữ của mình. Phao-lô viết các Thư-tín bằng từ ngữ của ông. Bây giờ anh em nên thử viết lại cùng một ý bằng từ ngữ của mình. Hãy hết sức cố gắng làm điều đó. Hãy làm điều này cách đúng đắn và khôn ngoan để anh em có thể hiểu Thư ấy, và những anh chị em khác đọc đến cũng có thể hiểu được.

Diễn ý như vậy sẽ chứng tỏ chúng ta hiểu biết Kinh Thánh rõ đến mức độ nào. Dùng từ ngữ của chính anh em để lặp lại tư tưởng của vị sứ đồ là một cách rất tốt để chuẩn bị chúng ta cho việc trình bày Kinh Thánh. Diễn ý là bước thứ nhất, giảng giải là bước thứ hai. Trước hết chúng ta phải học diễn ý nguyên văn của Kinh Thánh bằng từ ngữ của mình. Sự huấn luyện của chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời phải theo thứ tự đúng đắn. Đừng cố gắng giảng giải khi chưa học diễn ý Kinh Thánh, như vậy là quá vội vàng. Hãy học diễn ý Kinh Thánh trước hết và sau đó học cách giảng giải. Nếu không thể diễn ý Kinh Thánh cách đúng đắn, chúng ta không thể giảng giải tốt được. Chúng ta phải diễn ý trước rồi sau đó mới giảng giải. Tất cả chúng ta phải học bài học cơ bản này. Trước hết, diễn ý các Thư của Phao-lô, sau đó diễn ý phần còn lại của Tân Ước.

Trong việc diễn ý Kinh Thánh, cố tránh dùng từ ngữ của Kinh Thánh. Thay vào đó, hãy dùng từ ngữ của chính mình. Ở đây, bài học chính yếu là diễn tả ý nghĩa của một phân đoạn với những từ ngữ trong phạm vi hiểu biết của mình. Sau khi thử một sách, anh em sẽ biết kinh nghiệm này quí báu ra sao và việc tập luyện này ích lợi như thế nào. Một người cẩu thả và biếng nhác không thể diễn ý Kinh Thánh. Anh em phải cầu nguyện nhiều trước mặt Chúa và đọc Kinh Thánh cách đúng đắn trước khi có thể diễn ý Kinh Thánh cách chính xác. Sau khi hoàn tất một sách, trở lại nhuận chính bài làm của mình một hay hai lần, bổ túc bằng những từ ngữ thích hợp và chải chuốt câu văn. Như vậy anh em sẽ có ấn tượng tốt hơn về sách ấy, anh em sẽ đi đến chỗ biết vị sứ đồ đang muốn nói về điều gì. Anh em cần diễn ý một phân đoạn trước khi có thể có ấn tượng sâu xa về phân đoạn ấy.

Để diễn ý Kinh Thánh, trước hết, một người cần nghiên cứu Kinh Thánh cách thấu đáo. Người ấy phải hiểu một phân đoạn nói gì và ngụ ý gì. Sau đó, người ấy có thể bao gồm tất cả kiến thức của mình vào trong sự diễn ý ấy. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết thấu đáo về một câu Kinh Thánh. Một người chỉ có thể diễn ý Kinh Thánh khi nắm rõ những gì Kinh Thánh nói. Nhờ thực hành mỗi ngày một ít, nhờ đọc cẩn thận và viết tỉ mỉ, cuối cùng người ấy có thể diễn ý một trong các Thư của Phao-lô. Khi ấy người ấy có thể hiểu lời Phao-lô và có thể dùng những từ ngữ khác để truyền đạt cùng một ý nghĩa.

Chúng tôi đã đề cập bốn điều này. Trước hết, học tập theo đề tài, thứ hai, nghiên cứu lời, thứ ba, góp nhặt dữ kiện, và thứ tư, diễn ý. Chúng ta nên thông qua tất cả hai mươi tám phương pháp, từng phương pháp một. Thời khóa biểu nhất định để học Kinh Thánh là một sự luyện tập cho chúng ta. Chúng ta phải thắt lưng mình, chịu giới hạn và điều chỉnh trước mặt Chúa và đừng bê bối. Nếu đã quyết định học một giờ, chúng ta hãy giữ giờ ấy. Không nên rút ngắn hay kéo dài thì giờ, trừ phi chúng ta đau ốm hay đi nghỉ mát. Ngoài những trường hợp ngoại lệ ấy, chúng ta nên giữ theo thời khóa biểu luôn luôn. Nếu kiên trì tập luyện như vậy hằng ngày, chẳng bao lâu, chúng ta sẽ gặt hái kết quả.

(W. Nee)

vnsalvation.com