Ngày 17 tháng ba người Ireland (Ái Nhỉ Lan) mừng Lễ hội thánh Patrick của họ ở trong nước và ở nước ngoài như Mỹ, Canada, Úc, Argentina, Tân Tây Lan v.vv…
Thánh Patrick sanh năm 387 trước công nguyên trong gia đình theo Tin lành. Cha mẹ là chấp sự trong hội thánh.

Khi được mười sáu năm tuổi Patrick bị bọn cướp Ireland bắt làm nô lệ. Theo lời làm chứng của ông thì Chúa Trời trong giấc mộng, bảo ông hãy chạy trốn ra phía bờ biển, nơi có tàu sẽ cứu ông. Ông kể lại, “Tôi nhìn thấy một người dường như từ Ireland đến. Tên của người ấy là Victoricus, người đưa cho tôi một bức thư trong số những thư người mang. Tôi đọc hàng tựa: “Tiếng nói của người Ái nhỉ lan.” Khi bắt đầu đọc tôi tưởng tượng nghe tiếng của họ kêu ở gần rừng Foclut, về phìa bờ biển hướng tây. Họ đồng thanh kêu lên, “Hởi cậu thanh niên thánh, chúng tôi nài xin cậu hãy đến ở giữa vòng chúng tôi.”

Patrick trốn khỏi bọn cướp và về nhà. Sau đó ông gia nhập Hội thánh Auxerre ở Gaul, và đi học để làm linh mục.

Năm 432 ông trở lại Ireland với chức vụ Giám mục để truyền giáo cho người Ireland thờ cúng nhiều thần thánh. Thánh Patrick dùng lá ba cánh để dạy giáo lý Đức Chúa Trời Ba Ngôi. Sau ba mươi năm truyền giáo ở Ireland Thánh Patrick qua đời ngày 17 tháng ba năm 461. Mặc dù có nhiều giáo sỉ được giáo hội La mã gởi sang Ireland nhưng Thánh Patrick là người được quí trọng hơn hết trong hội thánh Ái nhỉ lan. Từ câu chuyện của Thánh Patrick tôi học được những điểm sau đây.

1. Tính Duy Nhất

Mỗi một chúng ta là một sinh vật duy nhất, không ai giống mình và mình không giống ai. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều lá shamrock giống như cái lá trên đây, nhưng không giống hệt như cái này. Thánh Patrick là một người thành công trong sứ mệnh của ông. Chúng ta cũng có thể thành công, nhưng ở một lãnh vực khác. Quan sát tiểu sử của những danh nhân, chúng ta thấy họ có những điểm chung.

2. Ước Mơ

Người thành công là người có một ước muốn. Martin Luther King, Mục sư da màu người Mỹ nói một câu đáng ghi nhớ, “Tôi có một ước mơ, nhưng tôi không phải là người mơ mộng.” Mơ ước của Mục sư King là người Mỹ gốc châu Phi được đối xử bình đẳng với người Mỹ da trắng.

Thánh Patrick bị bắt làm nô lệ. Ông có hai lựa chọn: một là chấp nhận trọn đời làm nô lệ, hai là thoát ra khỏi sự áp bức của kẻ cướp. Ông mơ được tự do. Chẳng những muốn được tự do, ông còn muốn giúp người dân Ái nhỉ lan hiểu chân lý. Ông không muốn được tự do để vui hưởng đời sống của mình, nhưng muốn dùng cuộc đời mình phục vụ người Ái nhỉ lan. Ước mơ và mơ mộng là hai việc khác nhau. Trong khi mơ mộng thì tiêu cực, còn ước mơ là hành động. Mơ mộng không muốn thật nhiều, ước mơ tìm cách thực hiện điều mình mong đạt được.

Có một thanh niên tìm đến một nhà hiền triết danh tiếng và hỏi, “Thưa thầy làm sao có tri thức?” Nhà hiền triết đem thanh niên xuống sông, và nhận đầu em xuống 30 giây, rồi để em đứng dậy.” Ông hỏi em, “Cháu cần gì?” “Cháu cần tri thức,” em trả lời. Nhà hiền triết lại nhận đầu em xuống nước, lần này lâu hơn một chút, rồi ông để em đứng lên. Ông hỏi, “Cháu cần gì?” Người thanh niên lại đáp, “Dạ, cháu cần không khí.” Lúc ấy, nhà hiền triết dạy, “Nếu cháu muốn tri thức như không khí thì cháu sẽ có.” Các nhà tâm lý học đều đồng ý là khi nào chúng ta thật muốn điều gì chúng ta sẽ đạt được vì chúng ta sẽ làm mọi cách để chiếm hữu nó.

3. Hành Động

Mục sư King mơ ước người Mỹ da màu được đối xử bình đẳng với người da trắng. Ông tranh đấu chống lại sự bất công trong xã hội Mỹ thời bấy giờ. Ông phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Kết quả là năm 2008 người dân Mỹ bước qua hàng rào phân biệt chủng tộc để bầu chọn một Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Mục sư King đã thực hiện giấc mơ của ông sau khi qua đời.

Trong trường hợp của Thánh Patrick, nhờ sự trợ giúp thiêng liêng ông đã thoát khỏi tay kẻ cướp và trở về nước Anh. Ông đi học để thành nhà truyền giáo cho người Ái nhỉ lan. Mặc dù giấc mơ của ông đến từ một đấng vô hình, nhưng ông trung tín thực hiện giấc mơ của ông.

Bài Học Thuộc Linh

Sứ đồ Gia Cơ dạy trong thư lấy tên ông,
“Thưa anh chị em, nếu có ai bảo mình có đức tin nhưng không hành động thì có ích gì không? Đức tin ấy cứu người đó được không?”
Gia cơ 2:14

Khoảng 78% người Mỹ nhận họ là môn đệ của Chúa Cứu Thế Giê-Su, nhưng lối sống của họ không phản ánh lời dạy của Vị Giáo Chủ của họ. Họ giống như người mơ mộng và không thực sự thấy cần không khí khi bị chìm dưới nước. Họ không thực sự sống theo lời Chúa Cứu Thế dạy, không làm công tác từ thiện. Có những yêu cầu tối thiểu của người tin Chúa như đi nhóm, học lời Chúa và cầu nguyện, nhưng họ cũng không cần đáp ứng. Những tín đồ này không thể nào sống sung mãn theo như Chúa Cứu Thế mong muốn.

Người Mẫu Vĩ Đại của Cơ Đốc Nhân

Sách Tin lành Lu-ca ghi chép việc Chúa Giê-Su đến sông Giô-đanh nơi Giăng làm phép báp tem và yêu cầu Giăng báp tem Ngài. Sau khi chịu phép báp tem Ngài được Đức Thánh Linh đưa vào đồng hoang để tranh chiến cùng Sa-tan. Sau khi chiến thắng, Lu-ca kể:

“Đức Giê-su đầy quyền năng của Đức Thánh Linh, trở về Ga-li-lê. Tiếng đồn về Ngài lan khắp các vùng lân cận. Ngài dạy dỗ trong các hội đường của họ; mọi người đều ca ngợi Ngài.”
Lu-ca 4:14-15

Về mặt tâm lý, ước mơ mạnh mẽ, sự quyết tâm là những động lực thúc đẫy một người hành động và thành công. Nhưng về mặt tâm linh muốn thành công con cái Chúa cần Đức Thánh Linh thêm sức. Trong trường hợp Chúa Giê-Su, dù Ngài là Con Đức Chúa Trời, Ngài vẫn cần sự hổ trợ của Đức Thánh Linh. Lu-ca kể tiếp:

“Đức Giê-su về Na-xa-rét là nơi Ngài được trưởng dưỡng. Theo thói quen Ngài vào hội đường trong ngày Sa-bát và đứng đọc Kinh Thánh. Có người trao cho Ngài sách tiên tri I-sa. Chúa mở sách, tìm thấy đoạn văn chép rằng:
“Thần Chúa ngự trên Ta
Vì Ngài đã xức dầu cho Ta
Để truyền giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ,
Ngài đã sai Ta công bố cho kẻ bị tù được phóng thích,
Cho kẻ mù lòa được sáng mắt,
Cho người bị áp bức được giải thoát,”
Lu-ca 4:16-18

Những nhà tâm lý lọc nói rằng Chúa Giê-Su ước muốn:
– Truyền giảng Tin Mừng cho người nghèo khổ,
– Công bố cho kẻ bị tù được phóng thích,
– Cho kẻ mù lòa được sáng mắt,
– Cho người bị áp bức được giải thoát,”

Người có tính thiêng liêng thì nói rằng Chúa được kêu gọi để làm những việc trên. Dù cho Ngài được kêu gọi hay Ngài mơ ước thì Chúa Cứu Thế đã chuyên tâm thực hiện những điếu được ghi ra ở trên. Ngài đã bị kẻ vô tín đóng đinh, nhưng Ngài đã thành công.

Hoàng đế Napoleon của nước Pháp bị người Anh bắt cầm tù ở đảo Elba. Trong lúc bị giam Napoleon có cơ hội suy gẫm về cuộc đời. Ông so sánh cuộc đời của ông với Chúa Giê-Su. Từ một sỉ quan pháo binh trong quân đội Pháp ông lên làm Hoàng đế. Ông chiến thắng nhiều nước, nhiếu lần, nhưng cuối cùng thua quân đội Anh và bị đày ra đảo Elba. Ông nhìn thấy mình đã lên tuyệt đỉnh vinh quang, và kết thúc qua đời dưới vực sâu, không được ai mến thương. Ông nhìn nhận Chúa Giê-Su chỉ là con của người thợ mộc tầm thường. Nhưng 1800 năm sau khi Chúa bị đóng đinh thì người theo Ngài đã lên đến cả tỉ. Đó là một sự thành công thật.

Người tin và theo Chúa Cứu Thế nên làm chi? Chúng ta cần có một giấc mơ, một giấc mơ hợp ý Chúa, không mong được nâng lên cao, nhưng mong Chúa được tôn cao qua đời sống của chúng ta. Lúc ấy Chúa sẽ giúp chúng ta thành công. Chúa đã chiến thắng thế gian để chúng ta thành công trong cuộc đời này. Muốn thành công chúng ta nên nghe lời Phao lô: “…hãy dâng hiến chính mình như những sinh tế sống, thánh khiết, đẹp lòng Đức Chúa Trời, đó là sự thờ phượng hợp lẽ của anh chị em” (Rô-ma 12:1).

Kính chúc hết thảy con cái Chúa đọc bài này được khích lệ và lựa chọn hầu việc Ngài dư dật luôn.

Người Đầy tớ
Ngày 9/3/2012

Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]

www.nguonhyvong.com