Một lần nữa, lễ Giáng Sinh lại đến với chúng ta. Vẫn những khúc nhạc Giáng Sinh tưng bừng, vẫn những cây Noel hoa đèn rực rỡ, vẫn những đồ chơi cho trẻ con được bày bán khắp nơi. Nhưng những đồ chơi nầy càng ngày càng tối tân hiện đại chứ không còn thô sơ như những năm về trước.

Có thể nói, chưa bao giờ con người được hưởng lắm tiện nghi vật chất như trong thời hiện đại nầy của chúng ta. Ðiện thoại viễn liên, máy chuyển tài liệu fax, truyền hình màn ảnh lớn, compact disk, lò microwave, máy in laser sử dụng trong nhà với những hệ thống điện toán cá nhân… Không còn là những vật dụng hiếm hoi trong cuộc sống hằng ngày nữa. Các nhà khoa học nói rằng tại nước Mỹ chẳng hạn, những khám phá về khoa học và kỹ thuật trong 50 năm qua đã vượt hẳn những khám phá tương tự của cả thế giới từ trước đến nay cộng lại. Những chuyến phi hành trên các phi thuyền con thoi (shuttle) ngày nay được bắn lên như cơm bữa. Gởi hình ảnh và tiếng nói qua không gian không còn là một giấc mơ nữa, mà là mộät sự thật tầm thường. Chỉ cần bấm nút TV, chúng ta thấy xuất hiện trên màn ảnh những sinh hoạt đang xảy ra cách chỗ chúng ta ở hàng nghìn dặm. Một nhà sản xuất Nhật Bản cho biết rồi đây, chiếc đồng hồ đeo tay của chúng ta sẽ là một màn ảnh TV tí hon thu nhận trực tiếp các làn sóng của vệ tinh viễn thông để chúng ta có thể xem đài truyền hình của bất cứ nước nào trên thế giới.
Về điện toán, thì chiếc computer hiện nay chỉ cần vài giây đồng hồ là có thể giải quyết những bài toán mà bộ óc thường của chúng ta phải làm việc mấy năm mới xong. Về y học, việc thay tim, ghép thận v.v… Không còn là hiếm hoi nữa. Nhờ y khoa tiến bộ, con người sống lâu hơn, khỏe mạnh dài hơn, và người ta đang cố gắng đi vào lãnh vực phân tích DNA để loại bỏ các yếu tố bệnh hoạn ra khỏi con người ngay từ khi còn là một bào thai trong lòng mẹ, hầu con người có thể sống hoàn toàn khỏe mạnh và lâu dài, nếu không nói là trường sinh bất tử! Những tiến bộ vượt bực của con người trong thời đại chúng ta đã làm cho một số người dám đặt câu hỏi sau đây: “Con người có thật sự cần đến Thượng Ðế nữa không?” – Còn có ai cần Thượng Ðế nữa khi y học có thể sẽ bảo đảm cho con người một đời sống mạnh khỏe và sống lâu? – Còn có ai cần Thượng Ðế nữa khi rồi đây khoa học sẽ giúp con người loại bỏ bệnh tật từ trong trứng nước và con người có thể chỉ sinh đẻ ra những thần đồng mà thôi? – Còn có ai cần Thượng Ðế nữa khi con người sẽ có thể du hành vũ trụ, đặt chân lên các hành tinh xa xôi, và khắc phục các định luật vật lý? Con người đang tìm cách loại bỏ hẳn Thượng Ðế ra khỏi đời sống, cũng như họ đã loại bỏ Thượng Ðế ra khỏi trường học, tòa án, Quốc Hội, Tối Cao Pháp Viện v.v… ở nước Mỹ! Một số người không còn cảm thấy cần Thượng Ðế nữa. Một số triết gia đã tuyên bố: “Thượng Ðế đã chết!” Một nhà khoa học đã dám vỗ ngực nói rằng thời đại hiện nay là thời đại của loài người chứ không còn là thời đại của Thượng Ðế!
I. Con Người Vẫn Cần Thượng Ðế
Nhưng có thật con người không cần Thượng Ðế nữa không? Những tiến bộ khoa học có cách nào làm dịu đi những khổ đau của hàng trăm phụ nữ Việt Nam bị hải tặc hãm hiếp trên biển cả và hoang đảo trên đường đi tìm tự do không? Có những loại thuốc nào chữa niềm tủi hận cho những người đàn bà đáng thương nầy không? Khoa học tiến bộ có cách nào làm vơi đi những vết thương tâm lý của những con người bị đày đọa mười mấy năm liên tiếp trong các trại tù ở Việt Nam không? Khoa học tiến bộ có thể nào làm bớt cơn đau của những người mẹ có con bị xe tăng nghiền nát trước Thiên An Môn ở Trung Quốc không? Khoa học tiến bộ có cách nào xoa dịu khổ đau của hàng trăm sinh viên Miến Ðiện bị tra tấn trong ngục tù của chế độ quân sự tại nước nầy không? Khoa học tiến bộ có cách nào ngăn chận được làn sóng phạm pháp của thanh thiếu niên ở Mỹ và các nước mệnh danh là siêu cường không? Khoa học tiến bộ có cách nào làm bớt khổ đau cho dân Do-thái và Ả Rập trong cuộc chiến triền miên không? Hội nghị Paris đem lại hòa bình và trung lập cho nước Cambodge và Thái Tử Sihanouk đã về nước giữa tiếng hoan hô của dân chúng. Nhưng khoa học tiến bộ có làm vui lại tâm hồn của thân nhân bốn triệu người Cambodge bị giết chết dưới thời Pol Pot như được diễn lại trong cuốn phim The Killing Field không? Chiến tranh lạnh đã chấm dứt, Do-thái và Palestine đã bắt tay nhau, nhưng liệu thế giới chúng ta có chắc chắn tránh được hiểm họa của một cuộc chiến nguyên tử không? Chưa ai biết Saddam Hussein và Kim Nhật Thành đang giấu ở đâu những vật liệu làm bom nguyên tử. Giữa cơn lốc cuồng loạn của một thế giới đầy hận thù, dối gạt, khổ đau, bấp bênh và tuyệt vọng, con người cần Thượng Ðế hơn bao giờ hết! Trước hết, chúng ta không thể nào phủ nhận sự thực hữu của Thượng Ðế. Sự có mặt của chính chúng ta cũng đủ chứng minh có Ðấng Tạo Hóa rồi. Dù người ta dùng lý luận gì đi nữa thì cũng không thể nào gạt bỏ ý thức về Thượng Ðế trong tâm khảm con người. Trong Thánh Kinh có chép rằng: “Vì sự thật về Thượng Ðế đã được giãi bày cho họ, chính Thượng Ðế đã tỏ cho họ biết. Từ khi sáng tạo trời đất, những đặc tính vô hình của Thượng Ðế – tức là quyền năng vô tận và bản tính thần linh – đã hiển nhiên trước mắt mọi người, ai cũng có thể nhận thấy nhờ những vật hữu hình, nên họ không còn lý do chữa tội. Dù biết Thượng Ðế, nhưng họ chẳng tôn vinh hay tri ân Ngài. Họ suy tư trong vòng lẩn quẩn, tâm hồn bị sa lầy trong bóng tối. Họ tự nhận là khôn ngoan nhưng hóa ra mê muội. Thay vì thờ phượng Thượng Ðế vinh quang hằng sống, họ tôn thờ thần tượng con người phù du, đến cả hình tượng của điểu, thú, côn trùng” (Rô-ma 1:19-22).
Người ta cho hay trước đây, trong một trường học ở Liên Xô, thầy giáo lúc nào cũng dạy học trò là không có Ông Trời. Một ngày nọ, sau khi nhắc lại rằng không có Ông Trời, thầy giáo bảo các em học sinh đứng dậy đưa tay lên trời và hô khẩu hiệu chống Trời. Một học sinh không chịu giơ tay. Thầy giáo hỏi lý do thì em trả lời: “Thầy nói không có Ông Trời, thì chống làm gì? Nếu nói chống Ông Trời thì chắc phải có Ông Trời!” Miệng phủ nhận sự thực hữu của Thượng Ðế chỉ là bằng chứng cho tiềm thức tin có Thượng Ðế! Thánh Kinh cho biết “Ban đầu, Ðức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng-thế-ký 1:1). Ngài là Ðấng Tạo Hóa của muôn loài muôn vật, Ngài là sở hữu chủ của con người. Dầu chúng ta đang sống giữa cơn mê hồn trận của nền kỹ thuật hiện đại, đang bước đi với “đôi hia bảy dặm” của khoa học, nhưng không vì thế mà con người có thể khước từ sự hiện hữu của Thượng Ðế. Chỉ có Thượng Ðế mới có đủ khả năng hướng dẫn chúng ta xuyên qua thời đại tối tăm rùng rợn nầy. Thượng Ðế là Ðấng Tự Hữu Hằng Hữu, Ngài có từ trước muôn đời, Ngài đưa mọi sự vào sự hiện hữu và trật tự.
Chẳng những Thượng Ðế thực hữu mà vì Ngài là Ðấng Tạo Hóa đã tạo nên chúng ta, nên Ngài có quyền trên chúng ta. Cách đây nhiều nghìn năm, một nhân sĩ phương Ðông tên là Gióp đã từng chất vấn Thượng Ðế về quyền uy của Ngài trên loài người. Nhưng Thượng Ðế đã hỏi lại Gióp: “Khi ta đặt nền trái đất thì ngươi ở đâu? Nếu ngươi cho mình là thông sáng, hãy tuyên bố đi: Ai đã định độ lượng nó? Và ai đã giăng dây chuẩn mực trên nó, ngươi có biết không?” (Gióp 38:4,5). Trước quyền uy vĩ đại của Thượng Ðế, cuối cùng Gióp đã thưa: “Trước tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ mắt tôi đã thấy Ngài. Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi!” (Gióp 42:5,6). Lời thú tội của Gióp là thái độ đúng đắn nhất của mỗi người chúng ta. Chúng ta rất cần Thượng Ðế, và có thể “gặp” Ngài qua những bằng chứng hiển nhiên trong vũ trụ nầy.
II. Thượng Ðế Ði Tìm Loài Người Lạc Lối
Dù Thượng Ðế thực hữu và bằng chứng về sự thực hữu của Ngài rõ ràng như vậy, nhưng loài người tội lỗi không cách nào đến gần Thượng Ðế được. Thánh Kinh chép rằng ai thấy Thượng Ðế thì phải chết (Xuất Ai-cập Ký 19:21). Nhà tiên tri Ê-sai ngày xưa dù chỉ thấy vinh quang của Thượng Ðế trong một mạc khải, nhưng cũng khiếp đảm la lên rằng: “Khốn nạn cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi miệng dơ bẩn, ở giữa một dân tộc có môi miệng dơ bẩn, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Ðức Giê-hô-va Vạn Quân!” (Ê-sai 6:5). Vì loài người tội lỗi không thể đến gần Thượng Ðế thánh khiết được, nên Thượng Ðế phải đến với loài người, vì Ngài yêu thương loài người và muốn cứu vớt họ. Nhưng để đến với loài người, Thượng Ðế phải đến trong hình hài thể xác của một người. Vì vậy mà Ngôi Hai Thượng Ðế đã nhập thể và nhập thế. Chúa Giê-xu đã vào đời qua trinh nữa Ma-ri, đúng như lời báo trước của Thượng Ðế với nhà tiên tri Ê-sai “Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sinh một con trai. Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên – nghĩa là Ðức Chúa Trời ở với chúng ta” (Ê-sai 7:14).
Quí vị và tôi cũng như muôn triệu người trên thế giới đang kỷ niệm lễ Giáng Sinh của Chúa Cứu Thế Giê-xu. Ngài đã đến trần gian làm người, nhưng là một người tuyệt đối vô tội, để chịu chết trên cây thập tự với mục đích chuộc tội cho toàn thể nhân loại. Thánh Kinh chép rằng “Ðức Chúa Trời đã làm cho Ðấng vốn chẳng biết tội lỗi trở nên tội lỗi vì chúng ta, hầu cho chúng ta nhờ Ðấng đó mà được trở nên sự công bình của Ðức Chúa Trời” (II Cô-rinh-tô 5:21).
Học giả Phao-lô đã viết thư cho một môn đệ là Ti-mô-thê như sau: “Ðức Chúa Trời muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết chân lý. Vì chỉ có một Ðức Chúa Trời, và chỉ có một Ðấng Trung Bảo ở giữa Ðức Chúa Trời và loài người, tức là Chúa Cứu Thế Giê-xu, là người. Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người…” (I Ti-mô-thê 2:4-6). Tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, chẳng những chúng ta được Ðấng Tạo Hóa tha thứ tội lỗi và ban cho chúng ta địa vị làm con của Ngài (Giăng 1:12), mà chúng ta còn được sự sống đời đời, và hưởng mọi ân huệ tốt lành của Ngài. Nhưng niềm tin nơi Chúa Giê-xu đòi hỏi chúng ta phải xét lại quan điểm của mình đối với Thượng Ðế:
(1) Trước hết, chúng ta phải tùy thuộc và nương cậy vào Thượng Ðế hơn là tùy thuộc và nương cậy vào chính mình. Khi đã ý thức được rằng chúng ta do Thượng Ðế dựng nên, thì chúng ta phải tôn Ngài làm chủ chúng ta. Khi con người tách mình ra khỏi Thượng Ðế, tự vạch ra cho mình một hướng đi riêng rẽ, thì đó là lúc con người tự đào hố chôn mình! Tội lỗi đầu tiên mà con người phạm với Thượng Ðế là gạt bỏ ảnh hưởng của Thượng Ðế trên đời sống mình. A-đam và Ê-va ngày xưa đã khước từ và phản nghịch Thượng Ðế nên từ đó lún sâu vào mọi tội lỗi khác. Khi tin nhận Chúa Cứu Thế Giê-xu, chúng ta đồng thời chấp nhận con đường trở lại cùng Thượng Ðế, vì nếu không, chúng ta sẽ tiếp tục đi trên con đường dẫn đến diệt vong. Tin Chúa Giê-xu không có nghĩa là khoác lên mình một bộ áo đạo đức, nhưng là dâng cả cuộc đời chúng ta cho Chúa ngự trị và biến đổi cho thích hợp với thiên đàng là nơi chúng ta sẽ sống đời đời với ngài. Người tin Chúa Giê-xu không còn sống theo những đòi hỏi thấp hèn của xác thể nầy nữa, nhưng sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. Trong Chúa Giê-xu, cái “tôi” của chúng ta phải thoái vị, nhường ngôi lại cho Ngài chủ trị chúng ta.
(2) Chúng ta phải thật sự đặt mình dưới sự điều khiển của Chúa. Quyền hành của Chúa phải là “nhu cầu hàng đầu” của con người. Bác sĩ Paul Tournier, một nhà phân tâm học nổi tiếng của Thụy sĩ đã khám phá ra rằng căn bệnh cơ bản của loài người là sự phản nghịch Ðấng Tạo Hóa. Tất cả những xáo trộn tâm lý của con người chính là cuộc tranh chấp bên trong chúng ta: Thượng Ðế là Chủ hay chúng ta là Chủ? Thất bại lớn nhất của con người là không chịu “đầu hàng” Thượng Ðế.
Loài người được Chúa dựng nên để sống dưới quyền hướng dẫn của Ngài và hưởng hạnh phúc của Ngài. Nhưng con người đã bị cám dỗ đi vào con đường phản nghịch Ðấng đã dựng nên mình. Con người đã chọn cho mình một con đường có vẻ như là cách mạng đầy hào hứng và mạo hiểm, nhưng thật sự là một sự nhầm lẫn to lớn về ý nghĩa của đời sống, về đạo đức, về tâm ý và tâm linh.
Khi quan niệm của chúng ta về Thượng Ðế thay đổi, hạnh phúc thật sẽ đến với chúng ta. Chúng ta cần Thượng Ðế vì đó là nhu cầu đứng đầu của con người.
Lễ Giáng Sinh là tiếng chuông báo thức của Thượng Ðế cho loài người đang miệt mài trong bóng tối của khổ đau và tội lỗi. Lễ Giáng Sinh là tiếng gọi tha thiết của Thượng Ðế mời những con người lạc lối quay về với Ngài qua Chúa Cứu Thế Giê-xu – Ngài là đường đi, chân lý, và sự sống. Lễ Giáng Sinh là mạc khải cuối cùng và toàn vẹn của Thượng Ðế để con người tội lỗi được tha thứ và gặp ngài mà không sợ bị trừng phạt.
Khi nói trước về biến cố Chúa Giê-xu vào đời để cứu chuộc nhân loại, nhà tiên tri Ê-sai đã viết: “Dân đi trong nơi tối tăm đã thấy ánh sáng lớn; và ánh sáng đã chiếu trên những kẻ ở trong xứ thuộc về bóng của sự chết” (Ê-sai 9:1). Hàng trăm năm sau đó, sứ đồ Giăng cũng viết: “Trong Ngài (Chúa Giê-xu) có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người” (Giăng 1:4). Chúa Giê-xu cũng đã tuyên bố: “Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống” (Giăng 8:12). Khi Chúa Giê-xu giáng sinh tại Bết-lê-hem, một số các nhà bác học phương đông đã theo sự hướng dẫn của một ngôi sao lạ đi tìm Chúa và tôn thờ Ngài. Ánh sáng của muôn vàn thiên sứ cũng đánh thức một nhóm mục đồng Do-thái dậy và theo lời chỉ dẫn của thiên sứ, họ đã tìm gặp Chúa Cứu Thế, tôn vinh Ðức Chúa Trời và làm sáng danh Ngài. Mời quí vị hãy bước vào ánh sáng cứu độ trong Chúa Giê-xu để trở về với Ðấng Tạo Hóa đang mở rộng cánh tay ân sủng chờ đón chúng ta.
Mục Sư Nguyễn Bá Quang

Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]