“Lạy Đức Chúa Trời của chúng tôi ôi! hãy nghe; vì chúng tôi bị khinh dể; xin hãy đổ lại sự nhục của chúng nó trên đầu của họ, và hãy phó chúng nó làm mồi trong một xứ bắt người ta làm phu tù kia” (câu 4).
Câu hỏi suy ngẫm: Trước sự chống đối của kẻ thù, ông Nê-hê-mi đã làm gì? Bạn nghĩ gì về lời cầu nguyện có vẻ nặng nề của ông? Bạn noi gương ông Nê-hê-mi về điều gì?
Là con người, ông Nê-hê-mi cũng bị tổn thương trước những lời nhạo báng và vu khống của kẻ thù, ông đã thưa với Chúa, “chúng tôi bị khinh dể.” Thay vì phản ứng lại, ông đã đến và chân thật cầu nguyện với Chúa trong cảm xúc giận dữ của người bị tổn thương. Cầu nguyện không bị giới hạn bởi những lễ nghi hay lời nói văn hoa, nhưng đó là thì giờ mỗi người có thể trải lòng mình ra trước Chúa cách thật lòng. Cảm xúc tổn thương, ngay cả giận dữ là điều không tránh khỏi, vấn đề là đừng để cho những cảm xúc tiêu cực đó dẫn dắt hành động. Đáp trả ngay khi nóng giận thường khiến chúng ta phạm sai lầm trong lời nói và hành động, khiến chúng ta từ chỗ đúng trở nên sai, từ chỗ là nạn nhân trở nên người làm tổn thương người khác. Khi đối diện với những khó khăn, chống đối, nhất là những lời làm tổn thương, thì cầu nguyện chính là giải pháp ưu tiên vì sẽ giúp chúng ta tránh được những phản ứng sai lầm, đồng thời nhận được sự hướng dẫn và sức lực từ nơi Chúa. Ông Nê-hê-mi đã hết lòng cầu nguyện với Chúa. Ông không xem cầu nguyện như là một nghi thức phải thực hiện trước khi đứng lên hành động theo ý mình. Cơ Đốc nhân phải tin rằng cầu nguyện là mặt trận then chốt của chúng ta, là nơi quyết định chiến thắng của chúng ta.
Nếu câu 4–5 là lời cầu nguyện cá nhân thì câu 9 ông Nê-hê-mi nói rằng, “chúng tôi cầu nguyện cùng Ðức Chúa Trời chúng tôi.” Ông và cả dân Chúa đều nhận biết tầm quan trọng của việc cầu nguyện. Hiệp một trong cầu nguyện đem đến sức mạnh cho Hội Thánh, nâng đỡ lẫn nhau, đem mọi người vào mục đích chung, và xóa bỏ những khoảng cách.
Một vấn đề được đặt ra là so với lời dạy tha thứ của Chúa Giê-xu (Ma-thi-ơ 5:44; 6:12), lời cầu nguyện của ông Nê-hê-mi dường như rất nặng nề, kêu gọi sự đoán phạt và rủa sả của Chúa đổ trên kẻ thù. Tuy nhiên, cần lưu ý ông Nê-hê-mi tức giận không vì cá nhân ông bị xúc phạm, nhưng vì Danh Chúa và dân Chúa bị xúc phạm. Lời cầu nguyện này cầu xin Đức Chúa Trời duy trì sự công chính, và bảo vệ Danh Ngài bằng việc trừng phạt người dối trá và phạm thượng. Mặc dù lời cầu nguyện này có thể không đúng nhưng cho thấy ông Nê-hê-mi từ chối trả thù và phó thác chúng cho sự đoán phạt của Chúa (Rô-ma 12:19). Kinh Thánh ký thuật trung thực lời cầu nguyện của ông Nê-hê-mi, chúng ta noi gương ông trong tinh thần cầu nguyện, không phải trong lời cầu nguyện.
Bạn thường làm gì khi đối diện với những lời nhạo báng, vu khống của người khác?
Lạy Chúa, xin cho con sự khôn ngoan khi đối diện với tổn thương do những lời nói nhạo báng và vu khống. Xin cho con luôn đặt lòng tin cậy trọn vẹn và phó thác mọi sự cho Ngài.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Lu-ca 5.