“Nhưng chúng tôi cầu nguyện cùng Đức Chúa Trời chúng tôi, và lập kẻ ngày và đêm canh giữ họ” (câu 9).
Câu hỏi suy ngẫm: Kẻ thù nghịch của ông Nê-hê-mi và dân thành Giê-ru-sa-lem là ai? Họ sử dụng phương cách nào để ngăn trở công tác sửa chữa vách thành? Ông Nê-hê-mi và dân chúng đã làm gì? Bạn cần có thái độ nào khi đối diện với sự chống đối?
Ngay từ khi ông Nê-hê-mi trở về Giê-ru-sa-lem và công trình tái thiết vách thành chưa khởi động thì những kẻ thù trong vùng bắt đầu tấn công (Nê-hê-mi 2:19–20). Chúng vây hãm Giê-ru-sa-lem cả bốn hướng: San-ba-lát và người Sa-ma-ri ở phía bắc, Tô-bi-gia và người Am-môn ở phía đông, Ghê-sam và người A-rập ở phía nam, và người Ách-đốt ở phía tây. Vũ khí những người chống đối này sử dụng chính là sự nhạo báng (câu 1), một phương cách dễ thực hiện nhất nhưng lại đem đến hiệu quả cao nhất trong việc làm nản lòng người khác vì nó làm tổn hại đến giá trị bên trong của một con người và công việc người đó đang thực hiện. Nhà phê bình và tác giả người Anh Thomas Carlyle gọi sự nhạo báng là “ngôn ngữ của quỷ dữ.” Những người chống đối này đã nhạo báng sự “yếu nhược” của người Giu-đa trước một công việc to tát. Họ cũng tấn công vào chính động cơ của người Giu-đa khi nói rằng những gì họ làm là vì chính họ, không phải vì Chúa và vinh quang của Ngài hay vì dân tộc. Họ cũng trực tiếp thách thức niềm tin của dân Chúa và chế giễu người Giu-đa (câu 2–3). Bên cạnh đó, họ còn đe dọa hãm đánh Giê-ru-sa-lem và giết người Giu-đa khiến công việc phải dừng lại (câu 7, 11).
Không những giặc ngoài vây hãm bốn bề, nhưng ngay giữa vòng dân Chúa, những người thuộc chi phái Giu-đa đã nói những lời tiêu cực làm nản lòng dân chúng (câu 10). Chi phái Giu-đa là chi phái đóng vai trò lãnh đạo, là chi phái trung thành và mạnh mẽ nhất (Sáng Thế Ký 49:8–10), thế nhưng tại đây chính Giu-đa lại làm cho dân Chúa nản lòng nhiều nhất. Hơn nữa, những người Do Thái sống ở gần những kẻ thù cũng làm dấy lên sự hoang mang sợ hãi trong dân chúng (câu 12). Họ bắt đầu lắng nghe những người nhạo báng thay vì lắng nghe Đức Chúa Trời, và những người Do Thái này, dù vô tình hay cố ý, đã trở nên công cụ của kẻ thù để chống lại dân Chúa.
Rõ ràng sự chống đối ngày càng gia tăng cả về số lượng kẻ thù lẫn mức độ nguy hiểm. Điều này đúng với ông Nê-hê-mi và người Giu-đa thời đó cũng như với những người theo Chúa trải qua các thời đại. Ông Nê-hê-mi đã lập người canh gác ngày đêm thể nào, chúng ta cũng phải cẩn thận và cảnh giác với những mưu chước của kẻ thù thể ấy (Ma-thi-ơ 7:15). Điều quan trọng hơn hết là ưu tiên cầu nguyện chứ không phải đối phó theo ý riêng (Nê-hê-mi 4:9, 14). Chúng ta phải học ông Nê-hê-mi và dân Chúa trong sự cầu nguyện và nhờ cậy Chúa để thắng thù trong giặc ngoài.
Cách đối phó với sự chống đối của ông Nê-hê-mi giúp bạn điều gì?
Lạy Chúa, mỗi ngày con sống trong đời này phải đối diện với biết bao thử thách, khó khăn, chống đối…, xin cho con nhìn thấy sự tể trị của Ngài trong mọi chi tiết của đời sống, nhìn chăm lên Chúa, và bởi đó vững vàng trong đức tin.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Lu-ca 4.

Lịch Cầu Nguyện Tháng:
https://nguonhyvong.com/lichcn-22025

Văn Phẩm Nguồn Sống:
https://www.vpns.org/dang-hien

Nghe Kinh Thánh hôm nay:

Nghe Kinh Thánh trong ba năm:

Nghe Kinh Thánh online:
https://nghekinhthanhviet.org

Nghe Kinh Thánh trên Youtube:
https://www.youtube.com/kinhthanhviet