“Lòng người khôn ngoan dạy dỗ miệng mình, và thêm sự học thức nơi môi của mình. Lời lành giống như tàng ong, ngon ngọt cho tâm hồn, và khỏe mạnh cho xương cốt” (câu 23–24).

Câu hỏi suy ngẫm: Lời nói khôn ngoan xuất phát từ đâu và có những đặc điểm gì? Bạn thường thấy đặc điểm nào qua lời nói của những người ông, người cha trong gia đình? Những lời nói thiếu khôn ngoan ảnh hưởng thế nào trên con cháu? Bạn cần làm gì để lời nói của bạn làm sáng Danh Chúa và đem lại sự gây dựng cho người nghe?

Vua Sa-lô-môn nhấn mạnh hai đặc điểm quan trọng của lời nói khôn ngoan. Thứ nhất, lời nói khôn ngoan phải được xuất phát từ lòng khôn ngoan (câu 20–22). Người khôn ngoan là người giữ đạo lý, chú tâm vào Lời Chúa dạy. Vì vậy, lời nói khôn ngoan bày tỏ lòng trông cậy nơi Đức Giê-hô-va và có sức thuyết phục người nghe. Mục đích tối hậu của lời nói khôn ngoan là đem con người đến nguồn sự sống. Thứ hai, lời nói khôn ngoan được bày tỏ trong phương cách khôn ngoan (câu 23–24). Lời nói cần phải dịu dàng, giúp cho người nghe hiểu biết Chúa nhiều hơn. Lời người khôn ngoan được Vua Sa-lô-môn so sánh: “Lời lành giống như tàng ong, ngon ngọt cho tâm hồn, và khỏe mạnh cho xương cốt.” Lời lành là lời tử tế, dịu dàng, có ân hậu đem đến sự chữa lành từ xương cốt, ngọt ngào trong tâm hồn.

Trong tang lễ của người Việt, khi nhắc về người quá cố, đặc biệt là những người ông, người cha trong gia đình, họ được mô tả là đã thể hiện tình yêu thương, trách nhiệm với gia đình và con cháu qua hành động chứ ít khi qua lời nói và cũng ít bày tỏ cảm xúc ra bên ngoài. Bên cạnh đó, trong một số gia đình, cũng có những người con đã bị tổn thương từ những lời nói thiếu khôn ngoan hoặc lời mắng nhiếc nặng nề của người ông, người cha khi quá nóng giận. Cũng có nhiều gia đình đã phải tan vỡ vì những lời nói và hành động thiếu suy nghĩ của các phụ huynh trong khi thiếu kiềm chế. Cũng vì những lời dại dột thiếu khôn ngoan ấy mà đã làm tổn thương mối liên hệ giữa ông cháu, cha con, và các thành viên trong gia đình.

Trong ngày Lễ Từ Phụ năm nay, cầu xin Chúa cho những người cha, người mẹ, đặc biệt là những người ông, người cha, người chồng trong gia đình mạnh dạn chia sẻ, dạy dỗ con cháu sự khôn ngoan của Chúa, giúp cho con cháu và những người khác biết kính sợ Chúa và hướng mục đích đời mình về nguồn sự sống. Chúng ta cũng cầu xin Chúa cho quý ông biết kiềm chế nóng giận để có lời nói nhẹ nhàng, dịu dàng và ngọt ngào như tàng ong, mang đến sự vui vẻ, hạnh phúc trong gia đình, hài hòa trong Hội Thánh và xã hội.

Bạn cầu xin Chúa giúp mình thay đổi điều gì để có lời nói khôn ngoan, đẹp lòng Chúa, vui lòng người?

Tạ ơn Chúa đã dạy con về lời nói khôn ngoan. Xin Chúa cho con có lời nói đem lại thông điệp yêu thương, công bình, và sự sống đời đời cho người nghe; xin cho con có những cách trình bày lời nói dịu dàng đem lại sự thoải mái, gần gũi.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Thi Thiên 81—82.

Nghe Kinh Thánh hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=OuRTMsO7qyM&list=PLy5dD_318r0WooagkciCzgKt6EBd4YVIx&index=17

Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=AExQdLt4wjk&list=PLy5dD_318r0WzwrT1ZvxPLGIiE_iNqjTh&index=82

Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien