“Dù trong lúc cười cợt lòng vẫn buồn thảm; và cuối cùng sự vui, ấy là điều sầu não” (Châm Ngôn 14:13).

Câu hỏi suy ngẫm: Vua Bên-xát-sa đã làm gì để rồi phải trông thấy những ngón tay viết trên tường? Ông có thái độ nào khi thấy dòng chữ lạ đó? Vì sao chưa hiểu nghĩa của những chữ ấy nhưng vẫn khiến ông cảm thấy bối rối và khiếp sợ? Những lúc cao hứng thường lộ ra điều gì về con người của bạn? Có điều gì bạn cần cậy ơn Chúa để thay đổi?

Sách Ê-xơ-tê cho biết, trong lúc cao hứng, Vua A-suê-ru ra lệnh đem hoàng hậu mình ra khoe với quần thần như một món đồ trang sức, để rồi bị bẽ mặt và phải phế truất vị hoàng hậu mà ông mới tự hào khoe với mọi người. Tại đây, Vua Bên-xát-sa đã chiêu đãi cả ngàn đại thần, đã làm một việc vô cùng phạm thượng là đem những vật thánh trong đền thờ Đức Giê-hô-va ra cho họ dùng để uống (câu 2).

Vua A-suê-ru phải trả giá đắt cho hành động lúc cao hứng của mình! “Chính giờ đó,” từ tâm trạng phơi phới tự hào về quyền lực vô song, Tiên tri Đa-ni-ên ký thuật ba lần Vua Bên-xát-sa “biến sắc mặt,” “bối rối” (câu 6, 9 và 10), “các xương lưng rời khớp ra, và hai đầu gối chạm vào nhau” khi ông thấy các ngón tay của bàn tay người xuất hiện viết lên bức tường vôi trước mặt ông (câu 5–6). Rõ ràng cảnh tượng ấy quá lạ thường và vô cùng kinh hãi. Chắc rằng với những điều ông biết về việc Đức Chúa Trời đã làm cho vua cha của ông khi vua cha kiêu ngạo (câu 22–23), lương tâm ông cũng mách bảo việc mình làm là sai quấy, và ông cũng biết mức độ nghiêm trọng của việc làm sai quấy, bởi thế ông đã vô cùng khiếp sợ trước khi ông hiểu những chữ viết trên tường có nghĩa gì. Thậm chí, sau khi Tiên tri Đa-ni-ên giải nghĩa những chữ ấy cho ông, Kinh Thánh không còn ký thuật thêm cảm xúc sợ hãi nào nữa của ông trước những hậu quả kinh khiếp mà ông phải nhận (câu 26–27). Như vậy, phần giải nghĩa những chữ ấy chỉ củng cố thêm tiếng nói lương tâm, hay sự bẻ trách trong lòng ông về thái độ khinh lờn của ông với Đức Chúa Trời mà thôi.

Trong cuộc sống, việc chúng ta làm trong lúc vui, khi buồn cho chúng ta thấy rõ con người thật của mình. Sự cao hứng của Vua Bên-xát-sa cho thấy, dù biết rất nhiều về Đức Chúa Trời và việc mình làm, nhưng vua vẫn xem thường Ngài. Và hậu quả của sự xem thường Chúa, giành lấy vinh quang của Chúa thật là thảm khốc. Vua Bên-xát-sa bị giết “ngay đêm đó” (câu 30). Vua Nê-bu-cát-nết-sa phải bị đuổi ra sống ngoài đồng với muông thú (câu 20–21). Vua Hê-rốt phải chết ngay khi đang ngồi trên ngai (Công Vụ 12:23). Bài học lịch sử nhắc nhở chúng ta dù trong lúc vui hay buồn cũng luôn nhớ Chúa là Vua trên muôn vua để biết giữ mình, hết lòng tôn kính Chúa, giữ gìn môi miệng, việc làm để không phạm tội khinh lờn Chúa.

Có bao giờ bạn làm một việc mà sau đó bạn thấy bất an hoặc phải lãnh hậu quả nghiêm trọng chưa?

Lạy Chúa, xin giúp con nhớ Ngài là Vua của muôn vua để con luôn tôn kính Ngài, trong cả lúc vui lẫn khi buồn.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Sử Ký 12:1–37.

Nghe Kinh Thánh trong hôm nay: https://www.youtube.com/watch?v=Cnfy9KBlRmQ&list=PLy5dD_318r0WA4ClA4A5xBwoUeONjgWJF&index=6

Nghe Kinh Thánh trong ba năm: https://www.youtube.com/watch?v=TqFOlyI_qSQ&list=PLy5dD_318r0XyLKswQyYRYOdLuHbaZnRD&index=13

Nghe Kinh Thánh nhiều bản dịch:

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien