“Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi, và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy” (câu 7).
Câu hỏi suy ngẫm: Những mệnh lệnh nào được ông Môi-se nêu ra ở đây? Sự dạy dỗ Lời Chúa có tầm quan trọng như thế nào? Ai là người có trách nhiệm trong sự dạy dỗ Lời Chúa? Bạn thực hiện mệnh lệnh này ra sao?
Hầu hết các bậc cha mẹ đều coi trọng việc học hành của con cái vì cho rằng bằng cấp sẽ quyết định tương lai, nhưng phần nhiều trong số họ lại ít quan tâm đến việc dạy dỗ Lời Chúa cho con cái. Về phương diện Hội Thánh, nhiều nơi không tiếc tiền để xây dựng cơ sở vật chất và trang bị những tiện nghi trong nhà thờ nhưng lại thiếu hẳn sự quan tâm và đầu tư cho việc dạy đạo trong Hội Thánh. Nhưng Kinh Thánh lại đặc biệt quan tâm đến công tác giảng dạy Lời Chúa. Chính nhờ Lời Chúa được rao giảng mà con dân Chúa mới có đức tin và trưởng thành trong đức tin: “Như vậy, đức tin đến bởi sự người ta nghe, mà người ta nghe, là khi Lời của Đấng Christ được rao giảng” (Rô-ma 10:17). Sự giảng dạy Lời Chúa là một tiến trình dạy và học đặt nền tảng trên Kinh Thánh và trong sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh, với mục đích là giúp mỗi tín hữu hiểu biết, kinh nghiệm Đức Chúa Trời qua chương trình của Ngài, và được trang bị để phục vụ hiệu quả.
Vấn đề đầu tiên thường được đặt ra là ai là người chịu trách nhiệm trong công tác giảng dạy Lời Chúa? Có lẽ câu trả lời phổ biến nhất là mục sư hoặc các giáo viên trường Chúa Nhật, tức là những người được đào tạo “chuyên nghiệp,” hoặc những người có chức vụ được bầu chọn trong Hội Thánh. Nhưng trong Phục Truyền 6:5–9, trách nhiệm dạy đạo được giao phó cho “ngươi”—tức là những người đã “nghe” (câu 4), đã được “truyền” Lời Chúa cho (câu 6). Nói cách khác, trách nhiệm dạy Lời Chúa đặt trên tất cả tín hữu, những người đã được nghe và nhận sự dạy dỗ từ Lời Chúa.
Câu 7 nhấn mạnh đến vai trò dạy đạo của cha mẹ đối với con cái, “khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi” (câu 7). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa chỉ có cha mẹ mới có trách nhiệm dạy dỗ cho con cái, nhưng tại đây nói đến việc chúng ta phải dạy dỗ Lời Chúa cho những người ở trong trách nhiệm hay trong ảnh hưởng của mình. Đối với cha mẹ thì đó là con cái, đối với anh chị thì đó là các em, đối với mục sư thì đó là tín hữu, đối với các giáo viên thì đó là các học viên, đối với các tín hữu thì đó là những tân tín hữu hoặc những tín hữu khác mà mình đang chăm sóc. Mỗi người trong chúng ta đều là những người dạy dỗ Lời Chúa trong môi trường Chúa đặt để mình.
Bạn có hết lòng chia sẻ Lời Chúa cho những người chung quanh mình chưa?
Tạ ơn Chúa đã dùng nhiều người để giúp con hiểu biết và lớn lên trong Lời Ngài. Xin Chúa cũng dùng con để chia sẻ Lời Chúa cho những người quanh con, và xin cho con luôn trung tín trong công tác này.
∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giê-rê-mi 28.
Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien