“Các sứ đồ vẫn ở tại thành Giê-ru-sa-lem, nghe tin xứ Sa-ma-ri đã nhận lấy đạo Đức Chúa Trời, bèn sai Phi-e-rơ và Giăng đến đó” (câu 14).

Câu hỏi suy ngẫm: Khi Hội Thánh đầu tiên bị bức hại, việc gì đã xảy ra? Tinh thần truyền giảng của các tín hữu lúc bấy giờ thế nào? Kết quả ra sao? Tinh thần sẵn lòng hỗ trợ và khích lệ nhau trong việc rao giảng Phúc Âm của bạn như thế nào?

Sự bức hại Cơ Đốc nhân trong thế kỷ đầu tiên đã khiến cho nhiều tín hữu phải rời khỏi Giê-ru-sa-lem đi tản mác khắp nơi để lánh nạn. Họ đi tới đâu cũng truyền giảng Phúc Âm, nhờ đó mà Tin Lành được rao truyền rộng rãi. Khi Hội Thánh Chúa càng bị bức hại thì đạo Chúa càng được phát triển. Trong số những tín hữu đi tản lạc có ông Phi-líp là một trong bảy người được chọn trước đó (Công Vụ 6:5) cũng rời Giê-ru-sa-lem mà đến thành Sa-ma-ri để giảng về Chúa Cứu Thế (câu 5).
Sa-ma-ri là khu vực bị cấm đối với các sứ đồ (Ma-thi-ơ 10:5-6) nhưng Kinh Thánh cho biết việc giảng đạo của ông Phi-líp rất có kết quả. “Đoàn dân nghe người giảng và thấy các phép lạ người làm, thì đồng lòng lắng tai nghe người nói” (câu 6). Chứng nhân của Chúa không nên có tinh thần phân biệt hay thù hằn như trước nữa. Những môn đệ của Chúa phải có tấm lòng yêu thương như Chúa mới đem Tin Lành đến với tội nhân được. Cảm tạ Chúa vì sự can đảm vượt qua truyền thống mà ông Phi-líp được Chúa ban cho kết quả lớn lao. Cả thành phố Sa-ma-ri tràn ngập niềm vui khi nghe đạo Chúa, nhận sự cứu rỗi và nhìn thấy phép lạ xảy ra (câu 8).

Khi các sứ đồ còn ở lại tại Giê-ru-sa-lem hay tin có nhiều người đã tin Chúa qua sự giảng dạy của ông Phi-líp, họ liền sai Sứ đồ Phi-e-rơ và Sứ đồ Giăng đến Sa-ma-ri để hỗ trợ. Hai sứ đồ này đến cầu nguyện cho những người mới tin Chúa để họ được nhận lãnh Đức Thánh Linh và kinh nghiệm Chúa cách rõ ràng hơn. Chắc hẳn hai ông cũng giúp củng cố đức tin của những tân tín hữu này để họ có thể đứng vững (câu 15–17). Đó là tinh thần hiệp một và sẵn lòng hỗ trợ nhau giữa vòng các sứ đồ cùng những tín hữu đầu tiên. Sứ đồ Phi-e-rơ và Sứ đồ Giăng đã được cử đến để giúp ông Phi-líp khi giáo hội biết được công việc giảng đạo của ông có kết quả và nhiều người mới tin Chúa cần được chăm sóc. Nhờ đó, công việc Chúa được gây dựng và phát triển.

Con dân Chúa trong Hội Thánh ngày nay cần phải có tinh thần hiệp một hỗ trợ nhau để công việc Chúa được kết quả hơn. Khi Hội Thánh truyền giảng có nhiều người tin Chúa, hoặc các tín hữu làm chứng cho nhiều người trong khu vực tin Chúa, con dân Chúa cần noi gương các sứ đồ, góp phần để hỗ trợ trong việc chăm sóc những tân tín hữu, hầu cho Hội Thánh Chúa được mở rộng khắp nơi.

Bạn có tinh thần hiệp một hỗ trợ trong công tác truyền giảng của Hội Thánh không?

Lạy Chúa, xin ban cho con tinh thần luôn sẵn sàng hiệp một và hỗ trợ anh chị em con trong công việc Chúa, nhất là trong công tác rao giảng Tin Lành để nhiều người được cứu.

∗ Đọc Kinh Thánh trong ba năm: Giê-rê-mi 27.

Văn Phẩm Nguồn Sống: https://www.vpns.org/dang-hien