Công-vụ các Sứ-đồ 11:19-26
“Những điều con đã nghe ta dạy trước nhiều nhân chứng, hãy truyền lại cho những người trung tín, để họ có khả năng huấn luyện người khác. Hãy cùng ta chịu gian khổ như một người lính giỏi của Chúa Cứu Thế Giê-xu” (2 Ti-mô-thê 2:2-3). 

Câu hỏi suy ngẫm: Tại sao Hội Thánh ban đầu gặp bắt bớ? Trong bối cảnh đó, họ làm gì cho Chúa? Ông Ba-na-ba hành động ra sao khi được cử đến An-ti-ốt? Việc làm của ông có ích lợi gì?

Trong ân sủng và quyền năng của Danh Chúa Giê-xu, Hội Thánh ban đầu không ngừng phát triển. Sứ đồ Phao-lô, trước là Sau-lơ, vốn “là người phạm thượng, hay bắt bớ, hung bạo” (1 Ti-mô-thê 1:13) đã được ân sủng biến đổi trở thành môn đệ Đấng Cơ Đốc, tuy nhiên, hành động trong quá khứ của ông đã tạo hố ngăn cách giữa ông và các tín hữu ban đầu tại Giê-ru-sa-lem vì lòng nghi ngại, và vì nhiều người tìm hại mạng sống, nên ông trở về quê mình ở thành Tạt-sơ (Công-vụ các Sứ-đồ 9:19-30). Ma quy luôn xui khiến chúng ta làm ngược ý Chúa muốn. Thời Cựu Ước, Đức Chúa Trời muốn con người tản ra, làm cho đầy dẫy trên đất, nhưng họ lại xây dựng Ba-bên để sống tập trung, nên Chúa phải làm cho họ lộn xộn tiếng nói. Vì các môn đệ chỉ lo phát triển đạo Chúa ngay tại Giê-ru-sa-lem, không giảng Phúc Âm khắp thế gian như Chúa Giê-xu đã căn dặn (Công-vụ các Sứ-đồ 1:8) nên Chúa cho ảnh hưởng của sự bách hại khiến các tín hữu ban đầu tản lạc khắp nơi để hoàn thành nhiệm vụ Chúa ủy thác (câu 19-21). Hội Thánh tại An-ti-ốt và các vùng phụ cận được thành lập từ đó, “quyền năng Chúa ở cùng họ nên một số đông người tin nhận và quay về với Chúa” (câu 21, BDM). Ông Ba-na-ba được Hội Thánh tại Giê-ru-sa-lem phái đến An-ti-ốt để xem rõ thực hư (câu 22-24). Dù đi với trách nhiệm được giao, dù vui mừng chứng kiến việc Chúa làm tại An-ti-ốt, dù bản thân là người được chứng tốt, đầy dẫy Chúa Thánh Linh và đức tin (câu 24), ông Ba-na-ba đã làm một điều đáng làm hơn nhiều tín hữu: nhớ đến ông Sau-lơ, tận dụng cơ hội này, nên đi đến Tạt-sơ, “tìm được rồi, ông đưa ông Sau-lơ về An-ti-ốt.” Suốt một năm, ông Ba-na-ba và ông Sau-lơ hợp với Hội Thánh và giảng dạy cho nhiều người. Tại An-ti-ốt, lần đầu tiên, các tín hữu được gọi là Cơ Đốc nhân (câu 26, BDM). Sự quan tâm của ông Ba-na-ba đến ông Sau-lơ mà Hội Thánh tại An-ti-ốt càng thêm phát triển và Danh Chúa được tôn cao. Chính sự quan tâm đo, ông Sau-lơ có cơ hội để trở nên người phục vụ Chúa. Sự khích lệ của ông Ba-na-ba để ông Sau-lơ đổi thành Sứ đồ Phao-lô, không phải là con người bị bỏ quên, mà là nhà truyền giáo nổi tiếng trong thế kỷ thứ nhất, là tác giả của nhiều thư tín trong Kinh Thánh Tân Ước, là người đi đầu trong việc truyền giáo thế giới, và là gương mẫu sáng chói cho nhiều cuộc đời được giục lòng phục vụ Chúa mạnh mẽ. Sự nghi ngại chỉ làm ngăn trở hợp tác, nhưng tinh thần quan tâm khích lệ anh chị em mình, chẳng những tạo điều kiện cho anh chị em mình trở nên người phục vụ, mà còn chung sức để hợp tác phục vụ (câu 25-26). Nếu ngày nay chúng ta nhớ đến anh chị em mình vì một điều kiện nào đó hay vì một lý do nào đó không còn sinh hoạt với Hội Thánh nữa, như ông Ba-na-ba nhớ đến ông Sau-lơ, thì chắc trong Hội Thánh cũng đã có nhiều người được trở lại, nhiều khả năng phục vụ, nhiều nhân lực hơn chung lo việc Chúa. 

Bạn có nhớ ai hôm nay đang xa cách với Hội Thánh không? Bạn có nghĩ rằng mình sẽ là người tìm đến động viên người đó không? Bạn có muốn thêm người phụ giúp mình trong vai trò phục vụ không? 

Lạy Chúa, xin dạy con biết quan tâm đến những anh chị em đang bị xa lánh, dạy con biết khích lệ anh chị em lúc bị bỏ quên, dạy con biết kết hợp với anh chị em mình khi cần phục vụ. 
 

Vết In Lâu Bền

Đọc: Ma-thi-ơ 5:13-20


Sự sáng các ngươi hãy soi ra trước mặt mọi người, đặng họ thấy việc lành của các ngươi mà ngợi khen Cha các ngươi trên trời. – Ma-thi-ơ 5:16


Caerleon là một làng xứ Welsh có gốc lịch sử lâu đời. Đây là một trong ba địa danh của nước Anh, nơi các quân đoàn La Mã được bố trí suốt thời La Mã chiếm đóng nước Anh. Dù sự hiện diện quân sự đã kết thúc cách đây 1.500 năm, nhưng vết in của cuộc chiếm đóng vẫn còn lộ rõ ngày nay. Người dân trên khắp thế giới kéo tới viếng pháo đài quân sự, các doanh trại, và khán đài vòng cung, vốn là những điều nhắc nhở về thời La Mã cai trị thế giới và chiếm đóng xứ Wales. Tôi lấy làm ngạc nhiên rằng sau 15 thế kỷ, chứng cớ sự hiện diện của La Mã vẫn còn đậm nét như vậy trong cộng đồng nhỏ bé này. Dù vậy tôi lại thắc mắc về một loại vết in khác vết in của Đấng Cơ Đốc trong đời sống chúng ta. Chúng ta có để cho sự hiện diện của Ngài lộ rõ trước mắt người khác không? Người khác có thể giao tiếp với chúng ta để biết Chúa Giê-xu chiếm hữu đời sống mình không? Chúa Giê-xu kêu gọi chúng ta bày tỏ sự hiện diện của Ngài trong đời sống mình để làm vinh hiển Đức Chúa Cha. Ngài phán, “Sự sáng các ngươi hãy soi ra trước mặt mọi người, đặng họ thấy việc lành của các ngươi mà ngợi khen Cha các ngươi trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16). Qua ánh sáng của lời chứng chúng ta, cùng ảnh hưởng hành động phục vụ của chúng ta, người khác phải có thể thấy chứng cớ sự hiện diện của Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta. Đúng không? Họ có thể thấy vết in của Ngài không? – Bill Crowder 


Hãy để cho lời chứng của bạn viết bằng chữ lớn, đủ để thế gian luôn luôn có thể đọc được. 


Mọi bài vở cộng tác và góp ý xin gửi về [email protected]