Kinh Thánh: Sáng-thế ký (Genesis) 2:15-17
Giê-hô-va Ðức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn. Rồi, Giê-hô-va Ðức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết. 

Then the LORD God took the man and put him into the garden of Eden to cultivate it and keep it. The LORD God commanded the man, saying, “From any tree of the garden you may eat freely; but from the tree of the knowledge of good and evil you shall not eat, for in the day that you eat from it you will surely die.”

Dưỡng linh: 

Đức Chúa Trời tạo dựng nên con người theo hình ảnh của Ngài để quản trị muôn loài vạn vật do Ngài dựng nên. Ngài dựng nên cảnh vườn địa đàng Ê-đen và đặt con người trong đó. Theo các nhà khảo cổ, vườn Ê-đen ngày xưa chính là vùng đất phía Nam của nước I-rắc ngày nay. Trong bốn con sông đề trong Sáng-thế ký 2:10-14 nay chỉ còn lại hai con sông là Euphrates và Tigris. Hai sông còn lại là Pishon và Gihon đã bị vùi lấp và biến dạng từ lâu. Đức Chúa Trời khiến giữa vườn mọc lên các thứ cây đẹp mắt và trái thì ngon để cho con người hưởng thụ. Còn ngay giữa vườn Đức Chúa Trời đặt để hai cây: cây sự sống và cây biết điều thiện và điều ác. Con người được Đức Chúa Trời ban cho đặc ân hưởng tất cả những cây ăn trái do Ngài dựng nên, Ngược lại, con người được giao thác việc “trồng và giữ vườn.” Điều đáng cho chúng ta lưu ý ở đây là tác giả sách Sáng-thế ký sử dụng hai động từ “trồng” và “giữ” này rất đặc biệt. 

Chúng chỉ được sử dụng chỉ về chức dịch của các thầy tế lễ phục vụ trong đền thờ. Như thế, đối với Đức Chúa Trời, khi dựng nên thế giới này, Ngài xem nó như là nơi con người gặp gỡ Đức Chúa Trời và thờ phượng Ngài. Con người có thể gặp gỡ Đấng tạo hóa ngay trong thiên nhiên và qua vũ trụ vạn vật. Hành động con người thờ phượng Đức Chúa Trời không chỉ bị giới hạn trong đền thờ là nơi dành riêng cho sự thờ phượng. Trước sự sa ngã, cả thế giới này là nơi con người có thể thờ phượng Ngài. Khi con người làm bất cứ công việc nào trong cuộc sống thường nhật của mình đều được xem như là sự thờ phượng Đức Chúa Trời hằng sống và chân thật. Sau sự sa ngã, con người chỉ tìm lại sự thờ phượng đích thực qua Chúa Jesus Christ. Chính Ngài khôi phục lại cho con người sự thờ phượng vượt ra khỏi khuôn khổ của đền thờ.

Giê-ru-sa-lem, đến với mọi khía cạnh của cuộc sống và ngay trong chính con người (Rô-ma 12:1-2).

“Trồng và giữ vườn” nói đến trách nhiệm của con người đối với tạo vật mà Đức Chúa Trời ban cho. Đức Chúa Trời không dựng thế giới này cho con người chỉ để hưởng thụ, nhưng còn phải có trách nhiệm đối với công trình sáng tạo mà Ngài dựng nên và ban cho con người. Con người phải có trách nhiệm phát triển và bảo vệ những gì Đức Chúa Trời ban cho vì Ngài đã ban cho con người khả năng và sự khôn ngoan. Bên cạnh bổn phận và trách nhiệm mà Đức Chúa Trời trao cho con người đối với vườn Ê-đen do Ngài dựng nên, Ngài còn nhấn mạnh đến quyền tự do của con người: “Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn.” Tự do là một món quà quý Chúa ban cho con người và phản ánh bản tánh của Ngài trong con người. Đức Chúa Trời đặt trước mặt con người những gì để qua đó con người nhận biết mình có quyền tự do và biết cách sử dụng quyền tự do đó như thế nào. Tuy nhiên, để cho con người không đi quá trớn với quyền tự do Chúa ban cho, Ngài đặt ra những giới hạn để con người biết quý trọng những gì Chúa ban cho và bày tỏ sự vâng phục đối với Ngài. Vì thế, Chúa phán: “Nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn chắc sẽ chết.” Vấn đề ở đây không phải là Đức Chúa Trời tiếc nuối trái của cây biết điều thiện và điều ác đối với con người. Nhưng để giúp cho con người nhận thức được quyền tự do của mình và biết quý trọng điều Đức Chúa Trời ban cho, giới hạn cần phải được đặt ra ở đây. Khi con người đối diện với giới hạn sẽ giúp cho người nhận thức cách sâu xa về quyền tự do mình có và biết quý trọng nó. Hơn thế nữa, chính giới hạn là điều Đức Chúa Trời dùng để thử nghiệm lòng vâng phục của con người đối với Ngài. Đức Chúa Trời là Đấng hào phóng trong sự ban của Ngài, vì thế Ngài không cần phải giữ lại bất cứ điều nào Ngài ban cho con người. Nhưng vì lợi ích cho con người,

Đức Chúa Trời đặt trước mặt họ những giới hạn cần thiết để gìn giữ họ trong sự ban cho đời đời của Ngài. Nhưng rất tiếc, con người không thể kiên nhẫn và tin cậy Đức Chúa Trời nên đã vượt qua giới hạn của mình và để lại hậu quả không thể lường hết được cho dòng dõi loài người.

Sự hiện hữu của mỗi chúng ta trên trái đất này không phải là sự tình cờ hay ngẫu nhiên nhưng nằm trong kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời. Nó là kết quả của sự tính toán rất cẩn thận và chuẩn bị đầy đủ của Đức Chúa Trời. Vì thế, cuộc sống này là sự ban cho của Ngài và thế giới được dựng nên để cung ứng cho chúng ta nhu cầu thiết thực hằng ngày. Cơ-đốc nhân là người hơn ai hết phải nhận thức về điều này rất rõ ràng và sâu xa để bày tỏ lòng biết ơn Chúa về những gì Ngài ban cho chúng ta trong cuộc sống này.

Chẳng những Cơ-đốc nhân là người phải biết ơn Chúa và biết hưởng thụ những gì Ngài ban cho, nhưng còn phải sống với tinh thần trách nhiệm và bổn phận của mình về thế giới chung quanh Ngài dựng nên.

Cơ-đốc nhân chân chính sẽ xem việc phục vụ trong thế giới mình đang sống như là cơ hội để nhận biết sự hiện diện của Đức Chúa Trời và phục vụ Ngài qua những công việc mình làm. Sự thờ phượng Đức Chúa Trời phải xảy ra ngay trong gia đình, tại nơi sở làm, và bất cứ nơi nào Đức Chúa Trời đặt để Cơ-đốc nhân sống trong đó. Cả thế giới này là đền thờ của Đức Chúa Trời và mỗi người chúng ta thuộc trong thế giới này là những thầy tế lễ để dâng của lễ cho Ngài qua mỗi công việc chúng ta đóng góp, xây dựng, và bảo tồn công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời.

Điều cao quý nhất Đức Chúa Trời ban cho chúng ta là quyền tự do để chọn lựa và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng nên mình hay không. Đức Chúa Trời ban cho chúng ta sự tự do để hành động, để nói và làm mọi điều. Nhưng ngay trong quyền tự do đó, chúng ta bị ràng buộc bởi những trách nhiệm.

 

Viện Thần Học Liên Hiệp Alliance Theological College

www.alliancetheologicalcollege.info