Đây không phải là quyển tiểu thuyết vì toàn thể câu chuyện đều thật, kể cả những mẫu đối thoại. Những nhân vật liên hệ đều còn sống vì thế tác giả tránh không mô tả hoặc nêu tên các địa danh. Câu chuyện xảy ra ở Phi Châu, nhưng những vấn đề nêu lên đều là những vấn đề chung của mọi nơi và của mọi nền văn hoá.
Chuyện Trăm Năm 9
Sáng hôm sau tôi thức dậy lúc sáu giờ và thu xếp hai va-li. Trước bảy giờ, tôi gõ cửa phòng Ingrid để xem nàng đã thức chưa. Nàng nói cứ mở cửa. Tôi bước vào phòng ngồi bên giường ngủ. Mắt nhà tôi nhắm lại nhưng hai má ướt đẫm nước mắt. – Em ngủ không ngon à? Nhà tôi lắc đầu không nói gì. – Này Ingrid, làm sao vậy? Tối hôm qua chúng ta hạnh phúc lắm mà. Em trải qua một buổi tối đặc biệt. Rồi anh hôn em từ giã… – Không, anh không có hôn. – Có, anh đã hôn em. – Em không gọi đó là một cái hôn. Chỉ là một cái hít nhẹ. Nên em mong đợi là anh sẽ qua phòng em sau đó. – Ingrid, đừng như thế! Anh biết em đang nói chuyện với Miriam và anh không muốn quấy rầy, hơn nữa anh còn phải lo cho bài giảng. – Đó, bài giảng của anh là quan trọng hơn mọi điều khác. – Nhưng anh phải giảng về hôn nhân bữa nay. – Em suy nghĩ không biết anh sẽ nói gì. Anh không hiểu một người phụ nữ. Anh không biết hôn nhân là gì. Nếu anh biết rằng khó khăn biết bao nhiêu để được lấy anh. Nhiều lúc em nghĩ chúng ta chẳng tiến xa hơn chút nào trong suốt mười tám năm nay. Bây giờ đến lượt tôi im lặng. Ingrid tiếp tục: – Khi anh nói rằng anh không có thì giờ để nghe những gì em chia sẻ, em cảm thấy như bị tát vào mặt. Nàng ngừng lại. Tôi không nói gì. Nàng tiếp: – Em nhận ra ý anh muốn nói: “Đừng quấy rầy anh!” Suốt cả đêm em vật lộn với sự cám dỗ tin rằng hầu như mọi sự hay mọi người khác đều quan trọng trong cuộc đời anh hơn là em. Em vẫn không thắng được ước muốn của em là được ở một mình với anh. – Nhưng nghe này Ingrid. Em không có lòng cảm tạ chút nào hết. Chúng ta đã được dẫn dắt trong một con đường kỳ diệu cho tới giờ này. Sáng hôm nay có một Hội Thánh đầy người đang chờ đợi một sứ điệp về hôn nhân nơi chúng ta. Chúng ta có thể cùng đi với nhau, cùng làm việc với nhau. Em có nhớ chúng ta bắt đầu cuộc sống hôn nhân của mình thế nào không? – Vâng, trong một căn gác nhỏ với bức tường xiêu vẹo. Nơi chỉ có đủ chỗ cho hai chúng ta đứng thẳng được. Nhà bếp chúng ta là một cái bếp điện kê cạnh chỗ giặt rửa. Tối hôm qua em cứ mơ ước chúng ta trở lại căn phòng đó với nhau thay vì ở trong hai căn phòng của khách sạn sang trọng này. – Em đúng là chẳng biết ơn… – Không, em chỉ là một người đàn bà. Đó là những gì anh không hiểu. Anh có thể viết và nói về hôn nhân tuỳ ý anh muốn, nhưng nhiều lúc em nghĩ rằng anh không hề hiểu những luật căn bản. Đối với anh, em chỉ là một người đồng sự, một cộng tác viên – một người để giới thiệu – mà không phải là vợ anh. Tôi đứng lên, bước tới cửa sổ, lưng quay lại phía nhà tôi. Tôi nói, không quay lại: – Ingrid, dầu gì chúng ta đã cưới nhau. Chúng ta sống chung với nhau. – Vâng – nhà tôi nói – chúng ta ở chung nhưng luôn luôn là trên đường đi công tác, không bao giờ ở trong bầu không khí thoải mái, giãn xả và hầu như không bao giờ sống chung dưới mái nhà của chúng ta. Tôi đáp: – Cái gì cũng cần có sự hy sinh. – Tất cả những gì em biết là chức vụ của anh kết quả là vì nó đã phải trả bằng nhiều nước mắt và lao khổ trong công việc. – Nhưng em nói điều này với lòng cay đắng. – Em rất tiếc, nhưng cảm xúc của em đã bị tê liệt, em không còn sức lực để vui mừng. Tôi tiếp tục nhìn ra cửa sổ, nhìn ra gác chuông nhà thờ. Chuông sắp vang lên. Chốc nữa chúng tôi sẽ được đón đến giờ nhóm. Bây giờ tôi không thể giảng được. Tôi nghĩ, tôi chẳng có sứ điệp nào. Khi tôi hạnh phúc nhất là luôn luôn nàng làm như thế, nàng phá sập. Ingrid nói: – Bây giờ anh đang ước ao phải chi anh là một tu sĩ Công giáo. Tôi quay bật lại: – Đúng vậy! – Tôi đáp và không cố che giấu sự trách móc trong giọng nói. Ingrid trả đũa: – Chế độ một vợ một chồng là một cuộc mạo hiểm đầy hứng thú! Tôi biết nàng hiểu rõ nhắc lại câu ấy sẽ làm tôi đau đớn. – Em biết đó, nếu em là Esther, anh sẽ biết chính xác phải nói với em điều gì. Nhưng em là vợ anh, anh bất lực. – Và nếu anh là Daniel, em cũng sẽ biết phải nói với anh điều gì, nhưng vì… – Thay vì tiếp tục, gương mặt nhà tôi thoáng lên nét mỉm cười. Tôi ngồi xuống bên giường, nhiều phút trôi qua. Không có ai để giăng trại của tôi. Tôi thầm nghĩ: một tuần qua đầy đắc thắng: Maurice, Miriam, Daniel, Fatma. Và bây giờ tôi đứng đây là một kẻ bại trận. Ai sẽ giúp tôi giăng lều của tôi đây? Cuối cùng sự yên tĩnh bị khuấy động bởi tiếng chuông điện thoại. – Người thường đến đón ông đã có mặt ở đây. Giọng Maurice vang lên: – Ông có cần tôi lên phụ khiêng hành lý xuống không? – Maurice này, chúng tôi chưa sẵn sàng. Ingrid vẫn còn đang nằm trên giường. – Bà bị bịnh sao? – Không, nhưng mà cũng đúng. – Có chuyện gì vậy? – Lều của chúng tôi bị sập. – Ông có ý nói là ông… – Vâng, chúng tôi đang gặp khủng hoảng hôn nhân. – Ông chỉ nói đùa thôi. Làm sao một nhà khải đạo hôn nhân lại bị khủng hoảng hôn nhân được? – Hỏi như vậy chẳng khác nào nói làm sao bác sĩ lại bịnh? – Tôi có thể làm gì được? – Đợi một chút. Anh có thể gọi cà-phê, bánh mì và nhờ đem lên phòng nhà tôi không? Tôi sẽ gọi lại anh ngay. Tôi gác máy. Tôi biết Maurice sẽ cầu nguyện. Đức Chúa Trời đã nghe lời cầu nguyện của anh ấy cho tôi một lần rồi. Bây giờ Ingrid đã dịu lại. Tôi cúi xuống ôm đầu nàng vào lòng. – Anh muốn chia sẻ chức vụ của anh với em, nhưng thật ra nó làm mọi sự khó hơn chớ không dễ hơn. Phải chi anh không giảng về “Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh!” Ingrid cố gắng mỉm cười: – Anh muốn nói gì khi anh nói là “lều của chúng tôi bị sập”? – Một trong các cô gái đến nghe thuyết trình tên Fatma, khi nhìn thấy hình tam giác của anh, cô bảo nó nhắc cô nhớ đến một chiếc lều. – Một chiếc lều! – Ingrid suy nghĩ – Thật là một ý hay. Đó là một hình ảnh mà mỗi người phụ nữ đều có thể hiểu. Nó gần như làm em hoà lại với hình tam giác xương xẩu của anh với mọi góc bén nhọn của nó. – Anh biết em sẽ thích nó. – Anh còn nhớ lần cắm trại ngoài trời chỉ có hai đứa mình không? Tối đến bão tới và lều chúng ta sập xuống. – Có, anh nhớ. Mấy cây dựng lều bị gãy và mình phải trải qua một đêm trong tấm bạt trong khi cơn bão gầm thét chung quanh. – Đúng vậy, căn lều sập nhưng mình vẫn được che phủ dầu có là một chiếc lều sập. – Còn bây giờ? Mình vẫn còn được che phủ phải không? Mình vẫn còn kết hôn phải không? Thay vì trả lời, Ingrid nói: – Anh xem, Walter, đây là điều em muốn anh làm tối hôm qua, vào phòng em và che phủ em với tấm chăn. Tôi thở ra nhẹ nhõm, nhưng cùng một lúc lại thấy gánh nặng. – Ingrid, anh có thể làm như vậy một cách dễ dàng và vui mừng. Nhưng em xem, đây chính là điều khiến anh cảm thấy bất an và lo lắng cho hôn nhân, cho sứ điệp, cho chức vụ của chúng ta – đó là em làm cho mọi sự phải lệ thuộc vào một cử chỉ nhỏ nhặt. – Đối với em đó không phải là một cử chỉ nhỏ nhặt nhưng nó đầy ý nghĩa. Nó khiến em cảm thấy được che chở và bảo vệ trong tình yêu của anh. Người phục vụ đem chiếc khay đựng thức ăn sáng cho Ingrid. Đang khi uống cà phê Ingrid hỏi: – Cái anh Maurice mà anh nói chuyện là ai vậy? – Anh ấy làm việc cho một công ty xây dựng. Không phải là một nhà tâm lý học hay thần học. Hơn nữa, còn độc thân. Anh có nên gọi anh ấy lên làm người phân giải cho chúng ta không? Ảnh rất thông minh. – Đối với em thì được. Câu trả lời của Ingrid khiến tôi ngạc nhiên. Thật là một bước mới mẻ cho cả hai chúng tôi. Tận từ Âu Châu đến đây để giúp đỡ người Phi Châu với những nan đề về hôn nhân của họ, và rồi lại nhờ một người Phi Châu giúp đỡ chúng tôi. Nhưng điều đó rất ích lợi cho chúng tôi. Được giúp đỡ là cách tốt nhất, nếu không nói là cách duy nhất để học biết cách giúp đỡ người khác. Maurice lên phòng ngay, nhìn chúng tôi một cách lạ lùng khi bước vào phòng. Vì chúng tôi không có vẻ gì là đang gặp một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Ingrid và tôi đang ngồi với nhau, tay nàng trong tay tôi. Maurice ngồi xuống ghế không nói gì hết. Rõ ràng anh ấy chẳng biết phải nói gì. Tôi bắt đầu kể: – Tối hôm qua, tôi đã phạm tất cả mọi lỗi lầm mà tôi khuyên những người chồng khác đừng vấp phải. Tôi chỉ nói về công việc của tôi. Tôi bảo vợ tôi lo bài thuyết trình cho Hội Thánh và chuẩn bị một bài khác cho buổi sáng hôm nay. Tôi quên hôn từ giã nhà tôi cách đầy đủ trước khi đi ngủ. – Và anh ấy cũng chẳng nói yêu tôi nữa. – Đúng rồi. Tôi đã không nói là tôi yêu nàng và cũng chẳng đắp mền cho nhà tôi. Ingrid thêm: – Điều cuối cùng anh ấy dặn tôi tối hôm qua là tôi phải thức dậy lúc bảy giờ và chuẩn bị xong hành lý trước khi đến nhà thờ. Cuối cùng Ingrid có thể mỉm cười. – Và anh ấy cũng không có thì giờ khi tôi muốn chia sẻ với anh ấy vài điều. – Vợ tôi nói đúng. Thay vào đó, tôi mắc lo chuẩn bị một bài giảng nói về người chồng phải yêu vợ mình thế nào. Ingrid giải thích thêm: – Anh xem, điều khiến tôi bực bội là anh ấy có đủ thì giờ cho mọi người khác nhưng với tôi thì không. Mọi người khác có thể đến với anh ấy ngay cả người trực điện thoại. Maurice rối trí. Sau đó anh bắt lấy chữ “người trực điện thoại” và nói với Ingrid cách hết sức êm dịu. – Tôi đã nói chuyện với cô trực điện thoại lúc ở dưới phòng khách. Ông nhà nói với cô ấy là hôn nhân nhiều khi là một cuộc mặc cả rất găng. Sao bà không đòi giá ở Walter. Ông ấy phải lắng nghe bà trong khi bà nói cho ông nghe những gì bà muốn chia sẻ và sau đó tới phiên ông ấy nói những điều ông ấy muốn. Không nói gì thêm, Ingrid lấy quyển sách nhỏ trên bàn ngủ. Đó là một quyển sách do dòng tu Công giáo Thuỵ sĩ ấn hành, trong đó có một bài nói về sự dịu dàng của Karl Krolow, một tác giả người Đức. Nàng đọc đoạn văn được gạch dưới. “Dịu dàng là sự êm ái của tấm lòng, nhỏ nhẹ hơn cả nhịp tim đập trong giấc ngủ. Nó tỉnh thức vô cùng, nó chăm chú trong ánh sáng của ban ngày và lặn sâu trong dòng nước của đêm khuya. Nó không bao giờ ngưng nghỉ, xinh đẹp vô cùng, chúng ta có thể vui mừng phó thác những cảm nghĩ sâu kín nhất của chúng ta cho nó…” Tôi ngắm nhìn vợ tôi, tôi yêu nàng. Vậy ra đây là những gì nàng muốn chia sẻ. Bây giờ tôi đã hiểu nhà tôi. – Đến phiên Walter nói những gì ông muốn bà nhà làm. Maurice đóng vai trọng tài rất chỉnh. Tôi đã sẵn sàng để nói: – Tôi muốn nhà tôi chia sẻ một bài ở nhà thờ sáng nay về mẹ Gerda. Ingrid bằng lòng: – Tôi chẳng còn sức lực để dựng lại chiếc lều của tôi. Nhưng tôi sẽ bò vào lều của Ngài và Ngài sẽ cho tôi nơi ẩn náu mà tôi cần. Maurice nói: – Chín giờ rồi, buổi nhóm đã bắt đầu. Chúng ta không thể chờ Ingrid được, chỉ còn vừa đủ thì giờ để chở ông đến giảng. – Vậy anh hãy chở tôi đến nhà thờ, sau đó trở lại đón Ingrid cùng hành lý. Tôi sẽ giảng cho đến lúc nhà tôi đến và giao cho bà ấy chia sẻ. Đang khi lái xe, Maurice nói rằng anh còn một câu hỏi nữa. Nhưng anh sẽ hỏi sau bài giảng hoặc trên đường ra phi trường. Khi chúng tôi bước vào nhà thờ, Hội Thánh đã hát đến bài hát trước bài giảng. Những hàng ghế đầy người. Nhưng trong một bầu không khí khác hẳn những buổi nhóm tối. Người ta nghiêm trang, mọi gương mặt lộ vẻ trang trọng. Đây là buổi nhóm thờ phượng của họ. Họ đã sẵn sàng đứng trước mặt Đức Chúa Trời để được Ngài phán với họ. Chúng tôi lên toà giảng ngay. Đêm đầu tiên với sáng nay thật khác nhau xa, tôi thầm nghĩ khi nhìn tấm thảm nhung của những mái tóc đen. Tôi cảm nhận một sợi dây ràng buộc giữa tôi với họ, như chúng tôi là một đại gia đình. Có một sự cởi mở và tiếp nhận. Trong không khí có một điều gì như hàng trăm bàn tay trống không đang đưa lên chờ đợi được đổ đầy. Tôi thấy mình nghèo nàn hơn bao giờ hết. Tuy vậy tôi thấy rằng tôi có một chút gì. Tôi là người mang sứ điệp và cùng một lúc, sứ điệp đã mang tôi lên. Tôi quyết định chỉ chọn Eph Ep 5:25-32, tôi đọc sứ điệp này của Phao-lô: Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh, để khiến Hội nên thánh, sau khi lấy nước rửa và dùng Đạo làm cho Hội tinh sạch đặng tỏ ra Hội Thánh đầy vinh hiển, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài. Cũng một thể ấy, chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy. Vì chẳng hề có người nào ghét chính thân mình nhưng nuôi nấng săn sóc nó như Đấng Christ đối với Hội Thánh, vì chúng ta là các chi thể của thân Ngài. Vậy nên người đàn ông phải lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, hai người cùng nên một thịt. Sự mầu nhiệm ấy là lớn, tôi nói về Đấng Christ và Hội Thánh vậy. Daniel cũng đọc đoạn Kinh Thánh ấy bằng tiếng mẹ đẻ, dịch bài giảng từng câu một cách trầm tĩnh, không gắng sức. Giống như chúng tôi đang cùng nói ra từ một môi miệng. Trong suốt bốn ngày chúng ta đã học về tam giác hôn nhân, đó là “lìa bỏ, gắn bó và trở nên một thịt”. Trong đoạn Kinh Thánh tôi vừa đọc, sứ đồ Phao-lô có thêm vào một yếu tố mới cho tam giác này. Ông nói đây là một sự mầu nhiệm lớn. Câu này được tìm thấy giữa hai khúc Kinh Thánh, đề cập đến câu trước và đồng thời cũng chỉ về câu sau. Phao-lô nói: Khi người nam lìa cha mẹ mình – đây là một sự mầu nhiệm lớn. Khi một người nam gắn bó với vợ mình – đây là một sự mầu nhiệm lớn. Khi hai người trở nên một thịt – đây là một sự mầu nhiệm lớn. Thật vậy, trong tuần lễ này chúng ta cảm động khi học về chiều sâu của lẽ mầu nhiệm này. Chúng ta được cảm động bởi Lời Đức Chúa Trời. Câu Kinh Thánh đã học như búa đập vỡ đá thành từng hòn sỏi giữa chúng ta. Nhưng nó cũng trang bị cho chúng ta niềm hy vọng mới. Fatma, Miriam và Esther cùng ngồi cạnh nhau bên phía mấy bà. Tôi không thể không liếc nhìn họ một chút. Có một nét vui mừng trên cả ba khuôn mặt. Với Esther là một khải tượng mới, sự sâu nhiệm mới. Một sự bảo đảm và giải quyết xong trên gương mặt Miriam, một sự chữa lành trên gương mặt Fatma. Tôi tiếp: Thật vậy, đây là một sự mầu nhiệm lớn. Nhưng sau đó Phao-lô nói tiếp: “Tôi nói về Đấng Christ và Hội Thánh vậy.” Phao-lô nói: Người nam phải lìa cha mẹ mình – tôi nói về Đấng Christ. Người nam gắn bó với vợ mình – tôi nói về Đấng Christ. Cả hai trở nên một thịt – tôi nói về Đấng Christ. Tôi mở hình tam giác một lần nữa. Nói một cách khác, lẽ mầu nhiệm sâu xa của tam giác chúng ta là chính mình Đấng Christ. Khi tôi đưa cho anh em tam giác – lìa bỏ, gắn bó, một thịt – như một lời hướng dẫn trong hôn nhân, tôi không đưa cho anh em một điều gì khác, một ai khác làm người hướng dẫn trừ ra chính mình Đấng Christ. Một người nam lìa cha mẹ mình – tôi nói về Đấng Christ. Vì Ngài yêu thương chúng ta, Đấng Christ lìa Cha mình vào đêm giáng sinh, Ngài trở nên con người, một hài nhi trong máng cỏ. Không kể sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ. Tự làm nên trống không, tự hạ mình xuống vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Một người nam lìa mẹ mình – tôi nói về Đấng Christ. Vì Ngài yêu chúng ta, Ngài đã lìa mẹ Ngài vào thứ sáu. Trên thập tự giá Ngài đã giao mẹ Ngài lại cho người khác. Ngài nói với bà: “Thưa mẹ, kìa là con của mẹ”, và quay sang Giăng, Ngài phán: “Kìa là mẹ ngươi”. Một người nam gắn bó với vợ mình – tôi nói về Đấng Christ. Vì Ngài yêu chúng ta, Ngài gắn bó với chúng ta, Hội Thánh, cô dâu của Ngài một cách chung thuỷ, không thể phân cách được. Kinh Thánh quan niệm về sự liên hiệp giữa Đấng Christ và Hội Thánh như là một cuộc hôn nhân. “Vì tiệc cưới Chiên Con đã đến, và cô dâu Ngài đã sửa soạn” (KhKh 19:7). “Tôi đã thấy một thành thánh… sửa soạn như một cô dâu trang sức cho chồng mình” (21:2). Không phải cuộc hôn nhân không bao giờ có khủng hoảng. Hội Thánh nhiều khi là một cô dâu khó tính. Chúng ta là những kẻ vô ơn, không vâng lời, không trung thành với Đấng Christ. Chúng ta từ chối việc lệ thuộc Ngài. Một lần Ngài phải nói với Hội Thánh Lao-đi-xê: “Vì ngươi hâm hẩm, không nóng cũng không lạnh nên Ta sẽ nhả ngươi ra khỏi miệng ta” (3:16). Tình yêu chân thật không mắc cỡ, không lui đi trước những lời nghiêm khắc. Nhưng Đấng Christ không bao giờ ra khỏi hẳn vợ Ngài, mặc dầu nhiều lần nàng đáng phải như vậy. Ngài không bao giờ đi xa hơn khỏi cửa. “Này, Ta đứng ngoài cửa mà gõ”. Hỡi những người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Đấng Christ đã yêu thương Hội Thánh. Ngài luôn luôn sẵn sàng tha thứ. Ngài khiến nàng nên thánh, tẩy rửa nàng, như một kẻ nô lệ rửa chân cho chủ mình. Không tì vít, không nhăn nheo, không một khuyết điểm. Không bao giờ có thể có sự ly dị giữa Đấng Christ và Hội Thánh. Ngài từ bỏ chính mình Ngài cho nàng. Đối với người vợ không vâng phục và khó tính này, Ngài đã tự bỏ mình đi. Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình như Đấng Christ đã yêu thương Hội Thánh. Nói về Đấng Christ, Phao-lô nói: “Cả hai sẽ trở nên một”, chúng ta cũng có thể nói: “Hỡi người làm vợ, hãy yêu chồng mình như Đấng Christ yêu thương Hội Thánh”. Vì nếu họ là một trong Đấng Christ, điều gì chân thật của người này cũng là chân thật với người kia. Cả hai trở nên một – tôi nói về Đấng Christ. Vì Ngài yêu chúng ta, Ngài trở nên một với chúng ta như là đầu và thân mình là một. Ngài chia sẻ mọi sự với chúng ta. Những gì của chúng ta trở nên của Ngài. Sự nghèo khó của chúng ta trở thành nghèo khó của Ngài. Sự lo sợ của chúng ta trở thành lo sợ của Ngài. Đau khổ của chúng ta trở thành đau khổ của Ngài. Tội của chúng ta trở nên tội của Ngài. Sự hình phạt của chúng ta trở nên sự hình phạt của Ngài. Cái chết của chúng ta trở thành cái chết của Ngài. Những gì của Ngài cũng là của chúng ta. Sự giàu có của Ngài là giàu có của chúng ta. Sự bình an của Ngài là bình an của chúng ta. Sự tha thứ của Ngài trở thành sự tha thứ của chúng ta. Sự vui mừng của Ngài trở thành sự vui mừng của chúng ta. Sự trong sạch của Ngài trở thành sự trong sạch của chúng ta. Sự sống của Ngài trở nên sự sống trong chúng ta. Ngài trở nên một với chúng ta trong một ý nghĩa cụ thể, trở nên một phần thân thể của chúng ta trong Tiệc Thánh. Tam giác hôn nhân chỉ về Chúa Giê-xu Christ. Bày tỏ những gì Ngài làm cho chúng ta. Tôi đã nói chuyện với Hội Thánh về hôn nhân suốt cả tuần lễ. Và tôi muốn nói với Hội Thánh như Phao-lô đã nói trong ICô-rinh-rô 2:2;: “Tôi đã quyết rằng tôi chẳng biết điều gì khác ngoài Chúa Giê-xu Christ và Giê-xu Christ bị đóng đinh trên thập tự giá”. Giọng nói Daniel trở nên ấm áp hơn. Tôi cảm nhận được rằng ông đã đặt trọn vẹn vào từng lời ông phiên dịch như thế nào. Như là ông góp phần vào mọi điều tôi sắp nói, như là ông lấy ra những lời của miệng tôi ngay trước khi tôi nói ra. Với tất cả tấm lòng ông ước ao Hội Thánh nắm giữ được sứ điệp này. Anh em có thể quên đi nhiều điều mà tôi và vợ tôi đã nói về hôn nhân, nhưng có một điều xin đừng quên, đó là: Đấng Christ lìa Cha Ngài vì anh em, vì Ngài yêu anh em, từng người một. Đấng Christ lìa bỏ mẹ Ngài vì anh em, vì Ngài yêu mỗi một người. Đấng Christ muốn gắn bó với anh em, vì Ngài yêu anh em, yêu anh em mặc dầu anh em không gắn bó với Ngài. Đấng Christ muốn trở nên một với anh em, một thịt, một cách thân thuộc và riêng tư, vì Ngài yêu anh em, yêu cho đến đời đời. Hội chúng hoàn toàn yên lặng. Bỗng nhiên một việc bất ngờ xảy ra. Một người đàn ông ở những hàng ghế đầu đứng lên và bắt đầu hát lớn. Trước khi tôi hiểu được thì cả Hội Thánh đã hoà theo và hát vang từ đáy lòng họ. Tôi quay nhìn Daniel: – Có phải họ muốn tôi ngừng nói không? Ông ấy khẽ nói: – Không. Điều này có nghĩa là họ vui mừng về sứ điệp vừa nghe. Họ phải bày tỏ nỗi vui mừng đó. Cùng một lúc họ muốn ông nghỉ ngơi một chút để có thể tiếp tục với quyền năng mới. Thành thật mà nói tôi chưa bao giờ chia sẻ với một hội chúng tế nhị như vậy. Tôi hỏi Daniel: – Họ hát về gì vậy? – Họ đang ngợi khen tình yêu thương của Đức Chúa Trời. Sau khi họ hát xong, tôi giảng tiếp, tôi thầm nguyện xin Chúa cho tôi một sứ điệp đặc biệt để đáp ứng nhu cầu của Fatma. Mỗi một người trong chúng ta đã nhìn thấy hình ảnh chiếc lều trong tam giác hôn nhân. Điều này làm cho tôi có một cái nhìn mới về lẽ mầu nhiệm của hôn nhân. Sau khi thế gian này qua đi và mỗi giọt nước mắt được lau ráo khỏi mắt chúng ta, Kinh Thánh mô tả một công cuộc sáng tạo mới. Rồi Đức Chúa Trời và dân sự Ngài sẽ chung sống với nhau thân mật như một đôi vợ chồng dưới sự che chở của một chiếc lều: “Này, trại của Ngài ở giữa loài người, Ngài sẽ ở với họ” (Khải Huyền 21:3;). Nhưng trước khi giờ này đến, Đấng Christ là trại của Đức Chúa Trời ở giữa chúng ta, một chiếc lều với ba cây cột: lìa bỏ, gắn bó và trở nên một thịt. Do đó, sứ điệp về chiếc lều của chúng ta không phải chỉ là một sứ điệp dành cho những người lập gia đình mà thôi. Trong Đấng Christ, tất cả những người không lập gia đình đều cũng ở trong sự bao phủ của lều Đức Chúa Trời như vậy. Vì Đấng Christ cũng đã lìa bỏ cha mẹ vì cớ họ, Ngài cũng gắn bó với họ, Ngài cũng nên một thịt với họ. Trong Đấng Christ đời sống họ có mục đích và sung mãn, có tự do và vui mừng. Trong Đấng Christ họ tìm thấy một chỗ cho họ, chiếc lều của họ. Từ khi Chúa Giê-xu Christ đến thế gian, không còn một ai không có lều nữa. Ngay lúc này cánh cửa chính sau nhà thờ mở ra, Ingrid và Maurice bước vào. Nhiều người quay đầu lại nhìn. Tôi bắt lấy cơ hội trong sự tạm ngưng này và nói: – Anh em có muốn tôi mời Ingrid kể cho chúng ta nghe một câu chuyện không? Mọi người rất bằng lòng. – Ingrid, xin hãy kể cho chúng tôi nghe câu chuyện mẹ Gerda như là một ví dụ điển hình về cuộc hôn nhân dưới sự che phủ của lều Đức Chúa Trời. Daniel ra dấu cho Esther phiên dịch cho Ingrid. Hai bà cùng đứng trước hội chúng, ngay phía trước, chính giữa đường đi. Trong khi Daniel và tôi vẫn đứng trên toà giảng. Tôi lập tức cảm nhận được Ingrid đã trở lại bình thường. Chẳng còn một dấu vết nào về một đêm không ngủ và nước mắt. Nàng nhìn vào hội chúng và gặp những ánh mắt của họ, Ingrid đã vượt qua trũng và điều này giúp nàng có một năng lực mới. Nàng bắt đầu: Ông mục sư cử hành lễ cưới cho vợ chồng tôi có bảy người con, sau ba mươi năm lấy nhau vợ ông ấy bị bệnh nặng. Bà bị một khối u trong não. Điều này làm nhiều lúc bà không thể tỉnh táo. Bà có một ước muốn kỳ lạ là chạy trốn khỏi gia đình. Chồng bà phải giúp đỡ bà trong mọi việc. Ông ấy phải cho bà ăn, tắm rửa cho bà, mặc áo quần, sửa soạn cho bà. Việc này kéo dài trong mười lăm năm. Có tiếng bày tỏ sự sửng sốt và thương cảm trong vòng hội chúng. Ingrid tiếp tục: Bất cứ khi nào bạn bè đề nghị ông hãy cho bà vào một nhà hay một bệnh viện dành riêng cho những bệnh nhân không thể chữa lành được, ông mục sư luôn luôn từ chối. Ông ấy nói: “Bà ấy là vợ tôi và là mẹ của bảy đứa con tôi, tôi không thể giao bà ấy cho một bệnh viện nào được”. Một thời gian ngắn trước khi bà mất, tôi đến thăm bà. Hôm ấy bà có thể nói chuyện được một ít, và đây là điều bà đã nói với tôi: “Ingrid, bất cứ khi nào bà và Walter có dịp nói chuyện về hôn nhân, tôi muốn bà hãy nói cho mọi người biết nhà tôi yêu thương tôi ngày nay giống như ông ấy đã yêu tôi khi tôi còn là một cô dâu”. Với những lời cuối này, hội chúng đáp lại bằng một sự im lặng sâu xa. Esther và Ingrid trở lại chỗ ngồi nơi hàng ghế đầu. Sau vài phút, tôi tiếp tục: Đây là tình yêu phản ánh tình yêu của Đấng Christ đối với Hội Thánh. Như chiếc gương soi, khi chúng ta nhìn vào tình yêu của Đấng Christ, chúng ta có thể thấy hình ảnh Đức Chúa Trời muốn chồng và vợ ăn ở với nhau thế nào. Khi vợ chồng chung sống với nhau theo ý chỉ Đức Chúa Trời, hôn nhân của họ sẽ giống như chiếc gương phản chiếu tình yêu của Đức Chúa Trời. Martin Luther nói: “Hôn nhân buộc chúng ta phải tin”. A-men. Tôi rời toà giảng đến ngồi cạnh nhà tôi, Daniel chấm dứt buổi nhóm bằng lời cầu nguyện chung, một thánh ca và chúc phước. Chúng tôi chỉ còn đủ thì giờ để bắt tay những người trên đường chúng tôi bước ra. Sau đó chúng tôi phải ra thẳng phi trường. Maurice muốn đưa chúng tôi bằng xe anh. Nhưng Daniel nhất định bắt chúng tôi phải đi cùng với vợ chồng ông. Điều này sẽ cho phép chúng tôi ở riêng với Daniel và Esther trong nửa giờ. Maurice chở Timothy, Miriam và Fatma. Tôi ngạc nhiên thấy đứa con ba tuổi của Daniel lúc nãy ngồi trong nhà thờ với mẹ nó cũng muốn đi với Fatma. Họ đã trở thành đôi bạn. Tôi vào xe với Ingrid, ngồi sau lưng Daniel thì Fatma gõ cửa bên hông xe. Tôi mở cửa, cô ấy đưa tôi một phong bì dày dán kín. Cô nói: – Xin ông hãy đọc trước khi chúng ta chia tay nhau”, rồi cô ấy quay lại phía xe Maurice. Bức thư gửi cho cả hai chúng tôi nên tôi để cho Ingrid đọc trước. Vừa mở thư nàng vừa hỏi Daniel: – Bài giảng mà tôi không nghe được sáng nay kết quả thế nào ông? – Rõ ràng là nàng không nghĩ rằng bức thư chứa đựng điều gì quan trọng. Daniel trả lời khi nổ máy xe: – Đối với tôi, bài giảng có ý nói rằng bất cứ một sự hướng dẫn hôn nhân nào loại bỏ ý nghĩa thuộc linh đều không xứng hiệp vì nó không nắm chắc được bản chất chân thật của hôn nhân – Ông thêm – Tiếc quá, ông bà không thể ở lâu hơn được. Tôi nói: – Tôi cũng tiếc lắm Daniel, phải chi chúng tôi có thể ở lâu hơn. Nhưng chúng tôi còn giảng mười ngày nữa ở chặng tiếp theo và buổi thuyết trình đầu tiên bắt đầu ngay từ tối nay. Sẽ có khoảng năm mươi cặp vợ chồng những người hướng dẫn tham dự, rồi chúng tôi sẽ có những lớp học vào buổi sáng và buổi chiều. Bốn ngày ở đây được đưa vào giữa chương trình sau khi tôi nhận được thư anh. Chúng tôi cũng không thể đến sớm hơn được vì các con chúng tôi. Để con cái bị đau khổ vì công việc của chúng tôi trong công tác hướng dẫn đời sống gia đình thật là một điều mâu thuẫn. Esther nói: – Chúng tôi hiểu, xin gởi lời cám ơn các con ông bà đã để cho ông bà đến đây. Tôi đáp: – Tôi sẽ nói lại. Tôi nhận ra Ingrid không theo dõi câu chuyện. Tôi nhìn thấy sự cảm động sâu xa của nàng về những điều nàng đang đọc. Nàng lặng lẽ chuyền cho tôi tờ thứ nhất. Từ đó trở đi chúng tôi không nói gì nữa cho đến phi trường. Fatma phơi bày quá khứ của cô trước mắt chúng tôi trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Bức thư bắt đầu: Trong suốt những ngày qua tôi đã nhìn thấy cuộc đời tôi lần đầu tiên trong ánh sáng của đôi mắt Đức Chúa Trời . bây giờ tôi thấy mọi sự tôi làm đều sai lầm , hoàn toàn sai lầm . Tôi đã quên Đức Chúa Trời . Tôi đi theo đường lối riêng . Điều quan trọng nhất trong đời tôi không phải là Đức Chúa Trời mà là chính tôi . Đó là lý do tại sao cuộc đời tôi là cả một sự hỗn độn rối rắm . Đoạn thư tiếp theo ghi rõ chi tiết cuộc đời cô. Đúng như những gì tôi nghĩ. Cô ấy luôn luôn tìm kiếm một nơi mà chẳng bao giờ gặp được. Khi cha cô khước từ việc cô lập gia đình với người theo đuổi cô đầu tiên, cô bỏ nhà trốn theo người đó ở cách xa làng. Cha cô gắng sức ép buộc cô trở về nhưng cô bướng bỉnh chối từ. Tình trạng pháp luật của mối liên hệ giữa cô với anh ta không rõ ràng. Cô viết: Tôi lập gia đình với anh ấy tự ý tôi mà không có Đức Chúa Trời . Sau khi sống với anh ta vài tháng, cô khám phá ra rằng anh ta đã có một đứa con với người đàn bà khác. Lúc đó cô có thai và không dám lìa anh ta. Đoạn tiếp theo là một ví dụ về hôn nhân có thể trở thành địa ngục như thế nào. Không sót một điều gì – không tin nhau, cãi lộn, đánh đập, ngoại tình. Tôi bắt đầu hút xách , uống rượu và đi tới mấy người bói khoa đồng cốt . Cuối cùng cô bỏ anh ta nhưng anh đó giữ đứa con trai của cô. Cô đeo đuổi từ làng này qua làng khác, tỉnh này qua tỉnh khác, chỉ để tìm kiếm một nơi và cuối cùng dừng lại tại thành phố này. Cô cũng không nhớ hết nổi tất cả những người đàn ông cô đã chung sống trước khi John đem cô về. Bức thư kết thúc: Tôi không đổ lỗi cho những người đàn ông này . Tôi nhận mọi phần lỗi về chính mình . Tôi nhận biết mình đã vượt qua mọi điều răn của Đức Chúa Trời . Tôi đã không vâng lời cha mẹ và lừa dối họ . Tôi là một người gian dâm và là kẻ giết người . Tôi đã giết đứa con tôi và muốn giết chính mình . Tôi biết rằng tôi đáng bị Đức Chúa Trời hình phạt . Nhưng tôi xin Đức Chúa Trời tha thứ cho tôi . Tôi không thể tự giải cứu mình bởi năng lực của tôi . Nhưng tôi tin rằng Đấng Christ đã chết thế cho tôi để tôi có thể sống cho Ngài . Tôi muốn bắt đầu mọi sự mới lại . Xin hãy giúp tôi dựng chiếc lều của tôi . Chúng tôi vừa đọc xong thư của Fatma xe cũng vừa đến phi trường. Maurice đến trước xe chúng tôi. Miriam đã đi vào trạm vì đến ca trực của cô. Fatma đang đứng giữa Maurice và Timothy, quay mặt đi vì xấu hổ khi nhìn thấy chúng tôi. Daniel đậu xe cạnh xe Maurice. Ingrid bước ra, ôm lấy Fatma một cách thân thiết trong tình chị em. Fatma oà khóc, cô gục đầu vào vai Ingrid khóc không còn kềm chế được nữa. Tôi hỏi Daniel: – Chúng ta còn khoảng bao nhiêu giờ nữa? – Bây giờ mười một giờ rồi. Khoảng nửa giờ nữa sẽ đến chuyến bay của anh. – Được rồi, chúng ta sẽ tiếp tục công việc chung của chúng ta, dầu là trong phút cuối. Đây là vé của chúng tôi. Anh Maurice thay chúng tôi kiểm lại hành lý được không? Còn anh và Esther giữ hộ xách tay và đưa lại cho chúng tôi ở cổng được không? Trong khi họ đi vào quầy với hành lý của chúng tôi, Ingrid và tôi đưa Fatma cùng đi vào phòng đợi, ở đây đầy người và ồn ào. Chúng tôi tìm được ba chiếc ghế cạnh nhau. Fatma hỏi: – Ông có kinh ngạc không mục sư? – Không, tôi rất vui mừng. – Vui mừng ư? – Vâng, vì trên thiên đàng có sự vui mừng lớn khi có một tội nhân ăn năn. Fatma có vẻ nhẹ nhàng khi chúng tôi không kết tội cô ấy. Cô hỏi: – Ông có nghĩ là tôi có thể được tha không? Tôi trả lời: – Có, nhưng trước hết cô phải nhận biết rằng không phải cô viết lá thư ấy cho chúng tôi mà là cho Đức Chúa Trời, chúng tôi chỉ là những nhân chứng thôi. – Vâng, tôi biết điều đó. – Cô có muốn nhận lời tha thứ của chúng tôi như lời tha thứ của Đức Chúa Trời không? – Dạ có. – Vậy xin hãy đọc đoạn cuối trong bức thư của cô lần nữa. Tôi đưa bức thư và cô mở ra để trên đùi. Cô nói: – Tôi muốn đọc phía trên phần cuối một ít. Cô đọc bằng một giọng khá lớn, rõ từng chữ một. – “Tôi nhận biết mình đã vượt ra mọi điều răn của Đức Chúa Trời. Tôi đã không vâng lời cha mẹ và lừa dối họ. Tôi là một người gian dâm và là kẻ giết người. Tôi đã giết đứa con tôi…” Giọng cô nghẹn lại, cô khóc, cả người rung lên. Cô nói lớn: – Ông có biết rằng tôi đã giết một người không? Phá thai là giết người, dầu người ta có nói gì. Làm sao tôi có thể đền bồi lại điều đó? Ingrid quàng tay qua vai Fatma: – Fatma, có những điều chúng ta không thể sửa đổi được, chúng ta chỉ có thể đem chúng đặt dưới thập tự giá. Lúc đó Fatma được xoa dịu và có thể đọc tiếp: “…và muốn giết chính mình. Tôi biết rằng tôi đáng bị Đức Chúa Trời hình phạt. Nhưng tôi xin Đức Chúa Trời tha thứ cho tôi. Tôi không thể tự giải cứu mình bởi năng lực của tôi. Nhưng tôi tin rằng Đấng Christ đã chết thế cho tôi để tôi có thể sống cho Ngài. Tôi muốn bắt đầu mọi sự mới lại. Xin hãy giúp tôi dựng lại chiếc lều của tôi”. Fatma bỏ thư vào phong bì. Đặt lên đùi, lấy hai tay ôm mặt. Cô nhắm mắt lại, khẽ cúi đầu. Cô ấy cầu nguyện. Một cảnh tượng lạ lùng. Người qua kẻ lại vội vàng. Một vài người nhìn chúng tôi, không biết họ nghĩ gì. Máy phóng thanh từng lúc thông báo chuyến bay đến và đi. Chúng tôi quên hết mọi sự xung quanh. Chúng tôi đang ở trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Ngài không chỉ có trong nhà thờ, Ngài cũng có mặt ở phi trường. Tôi đặt tay tôi lên đôi tay chắp lại của Fatma, Ingrid đặt tay lên trên, tay trái ôm vai Fatma. Tôi nói: – Lạy Chúa, con cám ơn Ngài vì Ngài đã tha thứ những tội của con và bây giờ con có thể chuyển giao những gì con nhận được. Sau đó, tôi đặt tay lên đầu Fatma và nói: – Vậy nên, Chúa phán như vầy: “Fatma, con chớ sợ, con thuộc về Ta. Dầu tội con đỏ như hồng điều sẽ nên trắng như tuyết, dầu đỏ như son sẽ nên trắng như lông chiên. Hãy nghe, Fatma, tội con đã được tha. Hãy đi và đừng phạm tội nữa. Ai phạm tội là nô lệ cho tội lỗi. Nếu Ta buông tha con, con sẽ thật được tự do”. Ingrid thêm vào: – Tôi muốn tặng cô Gie Gr 43:14 trong một lối văn riêng: “Hỡi Fatma, hãy trở về. Hỡi con cái vô tín, Chúa phán vậy, vì Ta đã chuộc con”. Fatma ngồi yên nhắm mắt, toàn thân run rẩy. Cô nói: – Tôi đã ở trong trại của Đức Chúa Trời hay chưa? Ingrid đáp: – Đúng vậy, đó là chỗ của cô. Đức Chúa Trời đã cưới cô. Fatma đáp: – Tôi sẽ đem hết đồ đạc của tôi ra khỏi nhà John tối nay. Tôi nói: – Hãy nhờ Esther đi cùng. – Vâng, tôi sẽ ở lại nhà bà ấy trong vài tuần. Bà ấy có nói với tôi những gì ông nói về một chỗ ở. Daniel sẽ kiếm cho tôi một chỗ ở. Chuyến bay chúng tôi được thông báo qua loa phóng thanh.