Đây không phải là quyển tiểu thuyết vì toàn thể câu chuyện đều thật, kể cả những mẫu đối thoại. Những nhân vật liên hệ đều còn sống vì thế tác giả tránh không mô tả hoặc nêu tên các địa danh. Câu chuyện xảy ra ở Phi Châu, nhưng những vấn đề nêu lên đều là những vấn đề chung của mọi nơi và của mọi nền văn hoá.
Chuyện Trăm Năm 7
Vừa dứt lời, tôi vội đi ra cửa. Lòng tôi cảm thấy không an tâm về Fatma. Thậm chí tôi không thể chờ hát xong bài thánh ca. Điều cuối cùng tôi nghe được là vài lời Daniel nói bằng tiếng bản xứ. Tôi đoán ông ấy đang thông báo tối thứ bảy không nhóm, nhưng thay vào đó tôi muốn giảng vào Chúa nhật, và hy vọng vợ tôi cũng sẽ có mặt hôm ấy.
Tôi hỏi về Fatma với vài thanh niên mà tôi biết có thể nói tiếng Anh. Họ chỉ nói là thấy cô ấy ra đi vội vã.
Tôi càng lo ngại hơn.
– Có ai đi với cô ấy không?
– Thưa không, cô ấy đi một mình.
Maurice chở tôi về, nhưng anh ấy đi một con đường khác.
– Anh đi đâu đấy?
– Tôi chở mẹ tôi về trước. Sau đó tôi muốn mời ông dùng cơm với tôi trong một nhà hàng.
– Mẹ anh có muốn đi cùng với chúng ta không?
– Ồ! Không. Bà không thấy thoải mái khi vào nhà hàng. Bà thuộc về thế hệ thích chiếc ghế đẩu ba chân.
Shilah mệt mỏi nên không nói gì cả. Chúng tôi đưa bà về nhà rồi trở lại phố. Maurice dừng xe trước một toà nhà sang trọng.
Vừa an vị và gọi thức ăn xong, Maurice bắt đầu hỏi tới tấp:
– Ông có biết tối nay ông đã tự mâu thuẫn không?
– Vậy sao?
– Vâng, trước hết ông nói theo sứ đồ Phao-lô, hành động tính dục tạo nên mối quan hệ một thịt, thậm chí ngay cả khi một người ăn nằm với một cô gái giang hồ. Sau đó ông lại nói Kinh Thánh chỉ dùng chữ “một thịt” khi nói đến hôn nhân.
Maurice cười đắc thắng.
Tôi nói:
– Anh đúng đấy. Theo bản văn Hy Lạp, ICo1Cr 6:16 là chỗ duy nhất dùng từ này không ở trong hôn nhân. Nhưng tôi nghĩ ấy là với mục đích bày tỏ sự phi lý của việc trở nên một thịt ngoài hôn nhân. Trở nên một thịt với một cô gái giang hồ là một điều phi lý. Phao-lô muốn nói: “Ngoài hôn nhân, hành động ấy hoàn toàn sai lạc”.
Maurice yên lặng suy nghĩ trong lúc súp được mang ra. Sau đó anh ta nói:
– Vâng, như thế họ là một thịt hay chưa một thịt. Ông thấy không, thoạt tiên ông bảo người ta trở nên một thịt qua sự kết hiệp thân xác, dù họ không có ý kết hôn, nói cách khác, thậm chí họ không có ý muốn dựng một túp lều – và rồi ông lại nói chỉ có thể hoàn toàn trở nên một thịt ở trong túp lều, ở trong hôn nhân.
– Ồ Maurice, anh thông minh quá. Anh chỉ ngay vào điểm yếu nhất của bài giảng.
– Nếu một người đàn ông có thể trở nên một thịt với một cô gái giang hồ thì những ai chỉ ngủ một lần với cô ta sẽ đều được kể như cưới cô ta.
– Tôi đã nói hành động ấy tạo họ thành một cặp vợ chồng, tôi không nói họ đã cưới nhau.
– Có gì khác biệt đâu?
– Vấn đề nằm ở tại đó.
Maurice có vẻ không hiểu. Chúng tôi yên lặng một lúc.
– Maurice, anh thấy đó, điều anh vừa đề cập quả là một vấn đề chưa giải quyết. Nhưng tôi thấy rõ hai điều này. Thứ nhất, sự kết hợp thân xác là một hành động có hậu quả cho dầu với một cô gái giang hồ. Thứ hai, trở nên một thịt bao gồm nhiều điều chớ không chỉ có sự kết hợp thân thể dù là với chính vợ anh. Chúng ta phải nắm cho được đường lối đúng đắn giữa hai sự thực này.
Maurice thở dài. Hai sự thật – Phải chi mọi sự đều thẳng tắp thì dễ chịu hơn nhiều.
Maurice gợi ý:
– Như vậy họ là một cặp chưa cưới.
– Hãy đảo lại thế này: họ chưa cưới mà đã là một cặp. Như vậy nghe có vẻ phi lý hơn.
– Sự tà dâm đặt ở đâu trong tam giác của ông?
– Đó là phần hoàn toàn biệt lập ở góc bên phải. Chỉ có tính dục mà thôi, tính dục tách rời khỏi tình yêu và hôn nhân.
– Thế mà họ lại chui vào lều? Trở nên một?
– Làm sao tôi có thể mô tả sự phi lý này bằng một hình ảnh nhỉ? Ấy cũng giống như họ bước vào túp lều, rồi khám phá ra nó không có mái. Họ mở cửa bước vào một căn nhà, khoá cửa lại và rồi khám phá ra nó không có tường cũng chẳng có mái. Họ bước vào nhưng rốt lại, họ vẫn còn đứng bên ngoài.
Chúng tôi ngừng đối thoại vì người ta dọn món tiếp theo. Khi họ đã đi, Maurice nói:
– Chiều nay ông đã cáo trách lương tâm tôi. Tôi bị cáo trách vì không chịu cưới một người nữ vì cô ấy không còn là trinh nữ. Có phải ông muốn nói rằng theo qui luật chung, một người có thể kết hôn với những người nữ không còn trong trắng mà không phải thẩm định, quan tâm gì tới điều đó cả?
– Không, dĩ nhiên là không. Mọi sự tuỳ thuộc vào người nữ, tư cách của cô ta, hoàn cảnh xảy ra vấn đề, thái độ của cô ta trong sự việc này. Nhưng khi tôi thấy những người nữ này, phần đông chỉ mới mười ba, mười bốn tuổi, tôi không khỏi cảm thấy thương xót họ. Chẳng ai dạy dỗ họ về tính dục. Họ chỉ được dạy một điều duy nhất, ấy là vì họ là người nữ, họ phải vâng phục mọi người nam. Thế rồi một người nam đến và họ vâng theo. Họ không được huấn luyện để chống cự… Anh thấy không, Maurice, tiết trinh không chỉ là dấu hiệu của thân xác, không chỉ là dấu hiệu còn màng trinh hay không. Đối với tôi, vấn đề ở tấm lòng còn quan trọng hơn nhiều. Vấn đề ở khả năng yêu thương. Ấy không phải là điều một người nữ đánh mất, mà là điều nàng đã ban cho.
– Tôi chưa hiểu ý ông.
– Mỗi thiếu nữ có một ơn độc nhất. Ấy là khả năng hiến mình hoàn toàn cho một người nam. Ơn này giống như một số vốn trong ngân hàng. Nhưng nhiều người nữ tiêu nó qua những đồng tiền nhỏ. Mỗi ngày họ rút một ít từ số tiền họ có trong sự cợt nhả đó đây, họ ném chúng vào trong gió. Nói cho đúng, thiếu nữ ấy vẫn có thể là trinh nữ, nhưng nàng đã đánh mất khả năng yêu qua nhiều kinh nghiệm ôm ấp, âu yếm với những người nam. Ngược lại, có thể có một thiếu nữ bị một vài người lợi dụng vì nàng không có kinh nghiệm. Nói rõ ra, nàng đã mất trinh, nhưng căn cứ trên tấm lòng của nàng, tôi gọi nàng là một trinh nữ.
Maurice nói có vẻ suy nghĩ:
– Tôi muốn nói với ông điều này, dầu ông tin tôi hay không, tôi vẫn là người chưa có kinh nghiệm. Tôi vẫn còn tân.
– Cám ơn anh đã nói điều đó với tôi, Maurice, tôi tin anh.
– Walter, bây giờ ông đã hiểu vì sao tôi cảm thấy khó chấp nhận cưới một người nữ không còn là trinh nữ không?
– Không.
– Dù là một Cơ Đốc nhân?
– Chính vì là Cơ Đốc nhân mà anh có thể làm được điều đó. Nếu không, tôi không thể hiểu làm thế nào anh có thể thành khẩn cầu nguyện: “Xin tha tội lỗi chúng con như chúng con tha kẻ phạm tội nghịch cùng chúng con”.
– Nhưng tha thứ là một vấn đề hỗ tương.
– Cô ta dại dột trong lãnh vực này. Còn anh lại vấp váp trong lãnh vực khác. Có gì khác nhau đâu. Tôi không thể nghĩ đến một bí quyết nào tốt hơn cho sự gắn bó là tha thứ nhau. Đó chính là sự sống hiệp nhất với Đức Chúa Trời. Ngài luôn luôn sẵn sàng bắt đầu lại với chúng ta để chúng ta có thể khởi đầu lại với những người khác. Và tôi nói với anh, không có một ngày nào trong hôn nhân mà anh không phải bắt đầu một cách mới mẻ với vợ anh trong phương diện nào đó, và nàng đối với anh cũng vậy.
Chúng tôi yên lặng ăn cho đến xong bữa. Nhưng sự yên lặng này không kết thúc câu chuyện mà là một phần câu chuyện. Trên đường trở về khách sạn, tôi hỏi Maurice xem anh ấy có bao giờ nghĩ đến việc kết hôn với một goá phụ không.
Tôi chưa từng hỏi một điều nào kỳ dị đối với quan niệm của anh ta bằng điều đó. Nếu không lái xe có lẽ anh ta đã đưa thẳng hai tay lên trời.
– Điều gì khiến ông hỏi tôi như vậy?
– Tôi có một thương cảm sâu sắc đối với những goá phụ trẻ ở Phi Châu. Không ai đoái hoài đến họ. Họ sống không trợ cấp, không được xã hội bảo bọc. Đâu phải họ đều là gái mãi dâm. Một số người muốn sống cuộc đời chân chính. Tôi ước ao họ có một người chồng như anh. Hãy nhận một goá phụ và con cái của họ. Ở tuổi anh, anh sẽ là một người cha tốt. Tôi có thể mường tượng ra gương mặt mẹ anh khi thấy anh đem về cho bà năm đứa cháu nội một lượt.
– Ông đùa đấy à?
– Không, tôi nói thật đấy.
– Ông thật sự nghĩ rằng một goá phụ trạc tuổi tôi có thể lại là người bạn đời tốt hơn một thiếu nữ ư?
– Cô ấy là bạn đời chớ không là con gái anh.
– Và khi tôi có con với nàng, khó khăn có nảy sinh không?
– Có chớ, nhưng sẽ ít khó khăn hơn là nuôi dạy các đứa trẻ không cha, còn đối với đám trẻ như thế ít khó khăn hơn là có một người mẹ đáng tuổi con của bố chúng nó.
– Vậy tôi cũng có thể cưới một người đã ly dị?
– Vâng, tuỳ trường hợp. Tuỳ chúng ta có tin ở sự tha thứ hay không.
Đến khách sạn, tôi vào phòng đợi để lấy chìa khoá phòng. Maurice nói:
– Walter, ông đã lật ngược mọi vấn đề trong tôi.
– Tôi không muốn anh làm ông già độc thân.
Nhân viên khách sạn tình cờ nghe những lời cuối, ngạc nhiên nhìn chúng tôi. Ông ta báo cáo:
– Có một ông điện thoại cho ông nhiều lần.
– Ông ta có để lại số điện thoại không?
– Thưa ông không. Ông ấy bảo sẽ gọi lại.
Ngay lúc ấy cô điện thoại viên bước ra cho biết người ấy đang gọi lại.
– Xin đừng cúp máy, tôi sẽ về phòng nói chuyện.
Tôi vội vàng chào Maurice. Đang khi tôi chờ thang máy, anh ta trở lại trao cho tôi một tấm thiếp.
– Ông có thể gọi tôi bất cứ khi nào cần. Ngày mai tôi rảnh.
Vừa đến phòng, tôi nhấc ống nghe ngay.
– Tôi là John.
– Tôi rất vui được tiếp chuyện với anh. Anh khoẻ không? Anh có suy nghĩ kỹ về câu chuyện chúng ta bàn tối hôm qua không?
Anh ta nói bằng giọng lạnh lùng, khàn khàn:
– Thưa ông, tôi muốn nói với ông một vài điều. Bụi đất trên hai bàn tay tôi là bụi đất chân chính, do làm việc cần cù. Tôi hãnh diện về điều này. Công việc của tôi nặng nhọc hơn công việc trò chuyện với gái trong các khách sạn. Và cách chúng tôi ăn mặc là việc của tôi, không liên hệ gì đến ông. Fatma cũng là việc của tôi. Tôi biết cách chăm sóc nàng. Tôi kể cho ông nghe câu chuyện rời khỏi nước này để dò phản ứng của ông. Tôi biết điều tôi muốn làm. Ông không được xen vào việc của tôi. Nếu ông không trả Fatma về nhà ngay lập tức, tôi sẽ gọi cảnh sát.
– Cô ấy không có ở đây.
– Tôi không tin ông.
– Tôi bảo đảm với anh, cô ấy không có ở đây.
– Tôi không tin bất cứ một lời nào của ông cả. Cô ấy không có mặt ở nhà khi tôi đi làm về. Cô ấy lẻn đi qua cửa sổ. Tôi biết cô ấy đi nhà thờ.
– Xin hãy nghe tôi, John. Tôi thành thật xin lỗi anh vì tôi đã làm tổn thương anh. Tôi xin lỗi anh về những lời nhận xét đôi tay anh. Nhưng điều quan trọng ngay bây giờ là đi tìm Fatma.
– Tôi biết cô ấy đi nhà thờ.
– Vâng, cô ấy có mặt ở nhà thờ, nhưng cô ấy ra về sớm hơn. Tôi đã tưởng cô ấy phải về gặp anh.
– Bây giờ là 11 giờ. Nếu cô ấy không về nhà trước nửa đêm, tôi sẽ gọi cảnh sát và buộc tội ông nếu có điều gì xảy ra cho cô ấy.
– Xin cho tôi biết, John…
Nhưng anh ta đã cúp máy. Tôi cố gắng thở nhẹ nhàng. Tôi đã phạm một lỗi nặng. Những nhận xét về đôi tay anh ấy thật không cần thiết. Tôi nghĩ mỗi lời nhận xét xấu về người nào là một lời cầu nguyện với ma quỉ, và ứng nghiệm ngay lập tức.
Dầu vậy, làm sao anh ta biết? Có lẽ nào Fatma đã thuật lại? Nhưng anh ta bảo cả ngày nay anh ta không gặp cô ấy. Hay anh ta nói dối mình?
Và Fatma ở đâu? Một thiếu nữ đi ra ngoài một mình vào ban đêm thật nguy hiểm. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra cho cô ấy. Ước gì tôi có được một chút gì về nơi cô ấy ở. Cô ta đi đâu?
Tôi lên giường, cố ngủ. Một cảm giác vô vọng, bất lực xâm chiếm tôi. Tôi không thể làm gì ngoài việc đặt Fatma vào đôi tay quyền năng duy nhất. Tôi nghĩ một cố vấn hôn nhân mà không biết cầu nguyện thật chẳng khác nào một kỵ sĩ không có ngựa.
Khi giật mình thức dậy, tôi không biết mình đã ngủ bao lâu. Dường như tôi nghe một giọng nói vang lên trong phòng. Giọng nói của John. Tôi nhớ lại trong giấc mơ tôi đã gặp John, anh ta đến gặp tôi rồi khi anh ta sắp đi, tôi hỏi: ‘Anh về có xa lắm không?’ – Anh ta đáp: ‘Không, chỉ qua bên kia sông thôi’.
Bây giờ đã gần ba giờ sáng.
Một tư tưởng lo ngại thoáng qua trong đầu.
Tôi bước tới điện thoại, nhấc ống nghe. Một giọng nói ngái ngủ đáp lời tôi. Ấy là nhân viên trực đêm.
– Xin cho biết thành phố này có một con sông chớ?
– Vâng, thưa ông.
– Một con sông lớn?
– Khá lớn.
– Cách đây bao xa?
– Khá xa.
– Đi bộ từ đây đến đó mất bao lâu?
– Khá lâu.
Khá lâu có nghĩa là có thể mất từ mười lăm phút cho đến hai tiếng đồng hồ.
– Tôi không thấy một con sông nào khi tôi đi giảng ở nhà thờ.
– Vì ông có thể đến đó mà không phải qua cầu.
– Nếu một người ở khách sạn này mà nói “tôi ở ngay bên kia sông” thì người ấy có phải qua cầu không?
– Dạ, có.
– Nếu đi từ nhà thờ để qua bên kia sông, có phải đi qua cây cầu ấy không?
– Thưa ông có.
– Chỉ một chiếc cầu thôi à?
– Dạ chỉ có một.
– Có chiếc tắc-xi nào sẵn đây không?
– Điều đó thì khó đấy. Tôi khuyên ông giờ này không nên đi tắc-xi một mình.
– Thế thì gọi hộ tôi số điện thoại này.
Tôi nghe chuông reo một lúc lâu và Maurice trả lời.
– Maurice hả, Walter đây. Anh bảo tôi có thể gọi anh bất cứ lúc nào, ngay bây giờ tôi đang cần anh.
– Tôi sẵn sàng giúp ông.
– Anh mất bao lâu để đến khách sạn?
– Mười lăm phút.
– Anh cố gắng đến trong vòng mười phút thôi.
Tôi ăn mặc chỉnh tề, xuống lầu chờ Maurice trước khách sạn. Những con đường hoàn toàn vắng lặng, không người, không xe cộ. Cuối cùng ánh đèn xe Maurice xuất hiện. Anh ngừng cho tôi lên.
– Anh biết ở gần đây có cây cầu nào không?
Anh ấy cười thành tiếng.
– Đừng hỏi tôi gì hết, chỉ chở tôi đến cái cầu ấy, nhưng dừng sát lề trước khi lên cầu.
Chúng tôi yên lặng khi xe chạy. Tôi mừng vì Maurice không hỏi gì. Rồi chiếc cầu xuất hiện, dài và hẹp, hai bên là lan can bằng đá, có một lối đi hẹp dành cho người đi bộ. Maurice dừng xe ở một chỗ có thể nhìn thấy cả cây cầu. Không có ánh đèn đường nhưng nhờ ánh trăng chúng tôi có thể thấy rõ đầu cầu bên kia.
Cô ta đứng đó, Fatma đứng đó, dựa vào lan can, chăm chú nhìn dòng nước chảy xiết.
– Anh có thấy thiếu nữ ấy không?
– Thấy.
– Tôi không thể thuật về câu chuyện của cô ta cho anh ngay bây giờ. Nhưng tôi biết cô ấy đang tuyệt vọng và có thể tự tử. Có đồn cảnh sát nào gần đây không?
– Có một đồn bên kia cầu.
– Được rồi, hãy lái xe lên cầu đi qua khỏi cô ta chừng sáu mét, để cô ta nghĩ rằng chúng ta đang tiếp tục đi, rồi dừng lại, tôi sẽ nhảy ra bắt lấy cô ta trước khi cô ta nhảy xuống sông.
– Nếu như cô ấy nhảy xuống sông?
– Thì anh hãy lái xe thật nhanh đến đồn cảnh sát kêu cứu.
– Vâng.
– Nếu anh thấy tôi nói chuyện với cô ấy cách yên ổn thì hãy quay xe đậu ở một nơi xa một chút để không nghe câu chuyện chúng tôi nói, nhưng anh phải thấy chúng tôi.
– Vì sao?
– Có thể có sự kiện tụng. Tôi cần một nhân chứng về mọi cách tôi đối xử với cô ấy. Bây giờ chúng ta đi.
– Chúng ta nên cầu nguyện chăng?
– Anh hãy cầu nguyện.
Không để mất thì giờ, Maruice cầu nguyện, hai tay anh ấy đan vào nhau trên tay lái. Tôi nhìn đôi tay tin kính ấy và biết chúng không chỉ là đôi tay của loài người.
Fatma không chuyển động khi chúng tôi lại gần. Cô ấy vẫn đứng quay lưng về phía chúng tôi, tựa người trên hai khuỷu tay, mắt chăm chăm nhìn dòng nước.
Maurice lái xe qua chầm chậm rồi dừng lại. Tôi tung cửa xe nhảy ra, chạy thật nhanh về phía Fatma. Cô ta xoay người lại, sợ hãi. Trước khi cô ta có phản ứng, tôi chụp lấy cánh tay cô ta.
– Fatma, thật là dại dột. Cô đang làm gì ở đây? – Tôi la lên.
Cô ta nhìn tôi trong giây lát rồi vùng tay ra, trở về vị trí cũ. Không nói một lời, tiếp tục chăm chăm nhìn dòng nước.
Maurice cho xe chạy tới một quãng, quay trở lại và đậu ở phía bên kia, cách chừng trên mười mét. Anh ấy tắt đèn xe. Trên cầu không có ai khác trừ ba chúng tôi.
Sự yên tĩnh chỉ bị khuấy động vì tiếng nước chảy róc rách dưới cầu.
Tôi đứng cạnh Fatma, chống tay vào lan can đá và nhìn xuống nước y như cô ta.
Sau một lúc yên lặng. Tôi cố gắng hỏi bằng giọng hết sức bình tĩnh, nhẹ nhàng:
– Cô có biết cô sẽ đi về đâu sau khi nhảy xuống dòng nước kia?
Cô ấy không trả lời, tôi chờ đợi. Nhiều phút trôi qua, cuối cùng cô ấy nói:
– Tôi không cần biết. Điều chính yếu là mọi sự sẽ chấm dứt.
– Không chấm dứt đâu, ấy chính là điều cô lầm.
– Khi tôi chết, mọi sự sẽ chấm hết.
– Cô sẽ không chết và không có gì hết cả.
– Nhưng gánh nặng sẽ không còn.
– Ngược lại, cô sẽ đem gánh nặng theo với cô vào cõi đời đời. Và gánh nặng vì đã tự tử sẽ thêm vào những gánh nặng khác. Điều đó không giải quyết được gì cả, tuyệt đối không.
– Vậy sao? Tất cả những gì tôi biết ấy là tôi không thể tiếp tục sống như thế này. Tôi không thể mang gánh nặng này lâu hơn nữa.
– Tôi đâu bảo cô phải mang. Tôi muốn cô sống không có gánh nặng.
– Thưa mục sư, tôi không hiểu ông đang nói gì. Ông chẳng hiểu lấy phân nửa gánh nặng của tôi. Tôi đã nói dối với ông, nói dối mọi người. Sự thật tệ hơn ông nghĩ nhiều lắm. Ông sẽ kinh khiếp nếu ông biết sự thật về tôi, tất cả sự thật.
– Tôi hứa với cô, tôi sẽ không kinh khiếp đâu.
Vẫn bất động, cô ta nhìn dòng nước tối đen và nói:
– Nếu tôi không chết, tôi sẽ giết người khác. Tôi chỉ đáng chết.
– Tôi đồng ý.
– Ông đồng ý à?
– Vâng, dầu tôi có biết mọi sự về cô hay không – cô vẫn đáng chết. Tôi cũng vậy. Mọi người đều như vậy. Điểm khác biệt là có người biết điều đó, có người thì không. Tôi mừng vì cô biết.
– Thế thì tại sao ông không để cho tôi chết?
– Bởi vì cô quyết định quá trễ. Có người đã chết thay cho cô rồi.
– Làm lại cuộc đời tôi là điều quá trễ. Nhưng chết thì chưa quá trễ đâu.
– Sự thật ngược lại Fatma à. Chưa trễ để thay đổi cuộc đời cô. Nhưng chết thì trễ quá đấy.
Cô ấy quay nhìn tôi:
– Quá trễ để chết ư? Tôi không hiểu.
– Để tôi kể cho cô nghe một câu chuyện. Có bao giờ cô nghe về Ba-ra-ba chưa?
– Có phải ông muốn nói đến tên sát nhân, bạn tù với Giê-xu?
– Đúng rồi! Bây giờ hãy tưởng tượng nhé – Ba-ra-ba đã được tự do và đang đi trên đường phố Giê-ru-sa-lem vào ngày thương khó ấy. Ông ta thấy những đám đông túa ra đường để đi đến đồi Gô-gô-tha và ông ta bước theo họ. Khi đến đấy ông ta thấy ai?
– Chúa Giê-xu trên thập tự.
– Cô đã học hành chăm chỉ ở trường làng đấy.
– Tôi đã nghe câu chuyện ấy hàng chục lần, nhưng chẳng thấy có ý nghĩa gì đối với mình cả.
– Bây giờ hãy nghe tôi: Ba-ra-ba nhận ra người bạn tù. Thình lình ánh sáng đến với anh ta: Nếu Giê-xu không bị treo ở đó… Cô nói tiếp được không Fatma?
– Thì tôi phải ở chỗ của Ngài.
– Vâng, Fatma, cô phải ở đó, tôi phải ở đó. Cả hai chúng ta.
Chúng tôi lại yên lặng nhìn dòng nước chảy cuồn cuộn. Sau một lúc cô ấy nói, vẫn không nhìn tôi.
– Ông kể tiếp câu chuyện đi.
– Hãy tưởng tượng Ba-ra-ba có thể nghĩ: Ngài chết thật là bất công. Tôi là kẻ sát nhân, không phải Ngài. Tôi đáng chết, không phải Ngài. Mọi điều tôi có thể làm bây giờ là tự tử. Cô nghĩ gì về điều đó?
– Như vậy là ngu dại quá.
– Đúng lắm, cũng ngu dại như vậy nếu cô nhảy xuống đó. Cô biết quá trễ, Fatma à. Giê-xu đã chết, sự chết mà cô đáng phải chịu. Kể từ sự chết của Ngài mọi cuộc tự tử đều quá trễ, không cần thiết. Cô được tự do, tự do như Ba-ra-ba.
– Tự do à? – Cô ta quay nhìn thẳng vào mặt tôi, lưng dựa vào thành cầu bằng đá. Vẻ thờ ơ biến mất. Đôi mắt cô lộ vẻ tuyệt vọng. – Tự do? Tự do à?
Cô ấy cười khẩy, cay đắng:
– Tôi đã bị nhốt ở bên trong, thưa mục sư. Cánh cửa đã đóng sập lại đằng sau tôi. Cánh cửa không có quả nắm.
– Có phải đó là lý do cô rời nhà thờ sớm?
– Vâng, ông đã lấy mất cọng rơm hy vọng cuối cùng của tôi.
Tôi nhắm mắt lại. Tôi đã làm gì? Thế thì tôi đã rao giảng một sứ điệp gì?
– Tôi vào trong căn lều, và khi tôi đã ở bên trong, tôi thấy nó không có mái. Mưa đang đổ vào. Nhưng tôi không thể ra được. Tôi kinh hoàng với cảm giác bị nhốt. Tôi muốn nhảy xuống bất cứ chỗ nào.
Tôi đứng trước mặt cô ấy với đôi mắt nhắm lại, tôi run rẩy.
– Tôi lập gia đình rồi hay chưa nào có quan hệ gì? Ông nói rằng “cuối cùng họ đã là một cặp, bất kể họ là ai”. Tôi đã thành đôi bất chấp chính mình.
Cô ta bắt đầu la to, phó thác chính mình cho cơn giận dữ và tuyệt vọng:
– Tôi đã bị mang vết. Ông đã nói rằng dấu vết trên xác thịt sẽ không thể tẩy xoá được. Tôi đã bị mang vết, mang vết, mang vết. Không phải chỉ với John, mà trước đó ít nhất sáu người. Cánh cửa tôi đã sáu lần đóng lại mục sư à, hoặc có lẽ sáu lớp cửa mà không ai phá ổ khoá cho tôi.
Fatma tiếp tục:
– Một thịt, vâng, một thịt. Nhưng không là một thịt với chính tôi và mọi sự tôi có, mà chỉ là với thân xác nghèo hèn, ô nhơ đáng rủa này. Ông đã nói: “Bạn không thể ly dị với chính thân thể mình”. Đúng rồi. Tôi chưa kết hôn, và vì vậy, không thể ly hôn.
Tôi suy nghĩ: luật pháp làm cho chết, luật pháp giết người. Nếu cô ấy đã nhảy xuống đó, hoàn toàn do lỗi của tôi, không phải của John. Ôi Chúa, Đấng đã đánh thức con dậy tối hôm nay, xin ban cho con lời phải nói ngay giờ này. Trên chiếc cầu này, ở giữa trời và đất, ở giữa hai bờ sông, ở giữa sự chết và sự sống, xin ban cho con Lời Ngài.
– Fatma, nhà thờ đầy những người trẻ. Họ chưa từng dựng căn lều của mình. Tôi phải báo trước cho họ, để cứu họ khỏi những số phận giống như cô. Đó không phải là sứ điệp dành cho cô!
Cô ấy xoay người dựa vào thành cầu:
– Vậy sứ điệp của tôi là gì?
– Ấy là Đức Chúa Trời có thể phá vỡ cánh cửa cho nó mở ra từ bên ngoài – Bất chấp nó là một, sáu hay mười.
– Còn sự ly dị chính thân tôi thì sao?
– Với người đó là điều bất khả, nhưng với Đức Chúa Trời thì không như vậy, vì Đức Chúa Trời làm mọi việc đều được.
– Làm sao Ngài có thể thực hiện được điều bất khả ấy cho tôi?
– Tôi chưa thuật cho cô phần cuối câu chuyện. Ba-ra-ba nhận thấy nếu Giê-xu không treo mình ở đó thì anh ta phải chịu hình. Ba-ra-ba không ngừng ở đó, anh ta quay trở lại và nói: “Vì Ngài đã chết cho tôi, ít nhất tôi sẽ sống cho Ngài”.
Fatma không nói gì cả. Tôi chờ đợi. Chợt GiGa 8:11 đến với tôi:
– Chúa Giê-xu phán cùng người nữ tà dâm: “Ta cũng không định tội ngươi, hãy đi, từ rày trở đi đừng phạm tội nữa”.
– Đi đâu?
– Cô có đọc Thi Thiên 27 như tôi có dặn trong điện thoại không?
– Vâng, và tôi tìm được câu Kinh Thánh cho tôi.
– Cô đọc lên được không?
– “Khi cha mẹ bỏ tôi đi”, vì đối với tôi mọi sự đều ngược lại không giống như ông đã nói trong bài giảng, không phải tôi lìa cha mẹ mà là họ đã từ bỏ tôi.
– Tôi đã không nghĩ rằng câu ấy dành cho cô. Nhưng nếu cô đã trích câu ấy, cô cũng phải nghe phần sau của câu ấy nữa: “Khi cha mẹ bỏ tôi đi thì Đức Giê-hô-va sẽ tiếp nhận tôi”.
– Vậy thì Chúa ở đâu?
– Ngay bây giờ tôi là phát ngôn viên của Ngài và trong danh Ngài tôi thuật cho cô nghe câu Kinh Thánh đã an ủi lòng tôi hôm qua cách sâu xa và tôi nghĩ câu Kinh Thánh này dành cho cô:
Trong ngày tai hoạ,
Ngài sẽ che khuất tôi trong lều của Ngài
Giấu tôi nơi kín mật của trại Ngài
Cũng sẽ đỡ tôi lên trên một hòn đá.
(Thi Tv 27:5)
Cô ấy đáp:
– Không, lời trong Giê-rê-mi phù hợp với tôi hơn: “Trại của tôi bị phá huỷ, những dây của tôi đều đứt, con cái tôi bỏ tôi, chúng nó không…” Ông hãy nhớ, tôi đã phá thai, tôi đã giết chúng. “Không có người để giương trại của tôi và căng màn tôi”.
– Có chớ Fatma. Chính Đức Chúa Trời là trại của cô.
– Ông có ý nói tôi có thể có một cái lều – dầu sống một mình, đơn độc, không lập gia đình?
– Vâng, một cái lều toàn vẹn, nước không vào được, có mái và mọi sự, một nơi ở cho cô trong ngày hoạn nạn.
Cô ấy lại quay người vào thành cầu nhưng không nhìn xuống dòng nước nữa. Đôi mắt cô xuôi theo dòng sông, nhìn về phía chân trời. Bầu trời Phi Châu về đêm đen và trong đang nhường chỗ cho một tia nắng xam xám nhẹ nhàng – Dấu hiệu đầu tiên của một ngày mới.
– Tôi không thể bước vào lều của Đức Chúa Trời với mọi tội lỗi của tôi. Tôi đã quên Ngài, bỏ Ngài ra ngoài cuộc đời.
– Ngài không quên cô nhưng quên mọi tội cô.
– Sao ông có thể nói điều đó khi không biết những tội ấy là gì?
– Tôi có thể nói một cách quả quyết dầu không biết gì về chúng.
– Đức Chúa Trời quên chúng thế nào?
– Như chúng chưa từng xảy ra.
– Tôi không thể tin điều đó. Chưa tin được. Xin cho tôi thời gian để suy nghĩ. Hãy giúp tôi dựng lều của tôi.
– Tôi sẽ giúp cô.
– Bây giờ tôi không thể về được. Tôi sợ…
– Tôi đề nghị trước hết cô nên về nhà Mục sư Daniel.
Tôi ra dấu Maurice. Anh mở máy xe và lái đến bên chúng tôi. Tôi để Fatma ngồi bên anh ấy và tôi ngồi phía sau.
Tôi nói:
– Xin lỗi vì đã để anh chờ lâu.
Maurice đáp:
– Không sao, tôi cũng bận.
– Tôi hiểu Maurice à. Công việc của anh thật không vô ích đâu.
Maurice yên lặng lái xe, thỉnh thoảng đưa mắt e dè nhìn người hành khách khủng hoảng đang ngồi cạnh mình.
Khi chúng tôi đến nhà Mục sư Daniel, tôi thấy có một bảng nhỏ trước cửa, rõ ràng do Esther viết:
– Bạn thân mến, nếu có thể được xin bạn vui lòng chỉ gõ cửa trong khoảng từ 8 đến 9 giờ sáng và 5 đến 6 giờ chiều. Bây giờ mới khoảng 5 đến 6 giờ sáng. Một lần nữa tôi lại phải hành động trái với lời tôi khuyên Daniel.
Chúng tôi gõ cửa một lúc lâu. Mãi đến khi Maurice gõ cửa sổ phòng ngủ mới có tiếng trả lời.
– Ai đấy?
– Một vài người đến thăm sớm. Vô kỷ luật đến nỗi không thể giữ theo giờ làm việc của ông bà được.
– Walter!
Daniel mở cửa sau khi vội vàng khoác áo choàng vào.
– Các anh đã dậy rồi đấy à?
Maurice nói:
– Dạ trực ca đêm.
Daniel nhìn từ tôi qua Fatma và từ Fatma qua Maurice. Chúng tôi có vẻ là một nhóm người trông lạ lùng lắm.
– Xin mời vào.
Tôi vắn tắt cắt nghĩa mọi điều. Sau đó chúng tôi bàn xem ai nên gọi John. Fatma từ chối. Daniel tình nguyện, nhưng Fatma sợ như thế John sẽ biết cô đang ở đâu. Cô ấy yêu cầu Daniel đừng tiết lộ.
Tôi nói:
– Tôi không biết trong trường hợp này tôi đúng hay sai. Tôi không muốn nói chuyện với anh ta, ít nhất cho đến khi Fatma quyết định. Anh ấy rất giận tôi… Fatma, có bao giờ cô thuật cho anh ấy nghe những câu chuyện điện thoại giữa tôi và cô không?
– Không bao giờ.
– Nhưng anh ấy biết tôi đã có những nhận xét về đôi tay bẩn của anh ấy.
– Anh ấy thâu băng những cuộc điện thoại của chúng ta.
– Tất cả à?
– Vâng.
– Kể cả lần cô gọi đến nhà mục sư ở đây à?
– Vâng, chiều hôm qua tôi mới khám phá ra anh ấy nối một máy thâu băng gắn vào điện thoại. Tôi sợ anh ấy sẽ đánh tôi khi anh ấy về. Nhưng khi ông nói về cánh cửa không có chốt cửa bên trong, tôi cảm thấy tôi bị nhốt còn nặng nề hơn khi tôi ở nhà, tôi mất hết hy vọng. Tôi không thể trở về với John, không thể trở về với cha mẹ, và cũng không thể đến nghe ông.
Maurice xung phong gọi John. Không ai trả lời.
Esther vào phòng, ẵm theo đứa bé vừa mới thức dậy. Tôi giới thiệu Fatma với bà.
– Đây là một thiếu phụ rất mệt mỏi. Cô ta phải chuẩn bị để quyết định một việc quan trọng và cần được yên tĩnh. Dầu vậy, trước hết, cô ấy cần ăn và ngủ.
Esther đáp:
– Cô có thể ở trong căn phòng dành cho khách của chúng tôi.
– Khi cô nghỉ ngơi xong, tôi mong bà sẽ trò chuyện với cô ấy.
Daniel mỉm cười cảm thông. Esther đồng ý. Bà hỏi tôi:
– Khi nào bà nhà đến?
– Bốn giờ chiều nay, nếu máy bay không trễ.
– Esther và tôi sẽ đón ông tại khách sạn lúc ba giờ rưỡi. Nếu được, chúng ta sẽ ăn tối với nhau tại nhà hàng ở phi trường.
Tôi đồng ý và ra về với Maurice.
Trong khi chở tôi về khách sạn, Maurice lúc đầu rất yên lặng, sau đó anh ấy nói:
– Trước đây có bao giờ những cuộc nói chuyện qua điện thoại của ông bị thâu băng chưa?
– Chưa Maurice à, thậm chí tôi chẳng hề nghĩ đến điều đó.
– Nhưng có lẽ anh ta cần những lời phê bình về diện mạo của anh ta. Có lẽ đó là một điều tốt.
– Maurice à, nếu tôi không tin Đức Chúa Trời có thể dùng ngay cả những lỗi lầm của chúng ta, tôi hẳn đã bỏ công việc này ngay lập tức. Cũng như nhận định của tôi về cánh cửa không có quả nắm bên trong – điều ấy đúng – dầu vậy, đối với Fatma lúc ấy như thế là sai.
Maurice nói:
– Nhưng Đức Chúa Trời đã dùng điều ấy với Fatma.
– Chúng ta gọi đó là “ân điển” Maurice ạ. Đức Chúa Trời “đánh bi-da”. Chúng ta có thể đẩy banh đi sai hướng, nhưng Ngài dội nó lại và đưa nó đến đích – trúng mục tiêu.
Đến khách sạn, Maurice đưa tôi vào tận phòng đợi theo phép lịch sự Phi Châu. Anh không nói gì cả, tôi có cảm tưởng anh lo ra. John đứng sẵn trong hành lang. Trông anh có vẻ tiều tuỵ, mắt lờ đờ, nhưng ăn mặc rất chỉnh tề.
Chúng tôi chào nhau. Tôi kể lại mọi chuyện đã xảy ra. Tôi cho John thời gian suy nghĩ. Tôi thấy anh ta đang tranh chiến với chính mình. Cuối cùng anh nói:
– Tôi muốn nói với ông một điều: Fatma được tự do để làm điều nàng muốn. Nàng có thể ở với tôi hoặc ra đi.
– Cám ơn John, tôi rất vui nghe anh nói như vậy.
Tôi hứa sẽ cho anh ta biết tin tức Fatma. Anh chào tôi lãnh đạm, nhưng ít nhất anh ta ra về bình an.
Khi nhìn John rời khách sạn, lòng tôi không khỏi cảm thương. Chuyện của anh ta ra sao? Có lẽ anh ta gặp chuyện rắc rối ở Âu Châu. Có thể là một cuộc tranh chấp với ông chủ hoặc một cuộc hứa hôn tan vỡ. Có thể là một đứa con ngoại hôn hay một cuộc ly dị. Hoặc có thể chưa ly dị và nghĩ rằng đi xa sẽ giải quyết được vấn đề. Nhưng sự xa cách không thể giải quyết vấn đề nào cả dầu cho có che đậy bằng nhiệt tình tôn giáo.
Tôi quay sang Maurice lúc ấy đang đắm mình trong suy tư, tôi cảm ơn anh ta một lần nữa đã giúp đỡ tôi. Chúng tôi chào nhau. Khi đến nhận chìa khoá ở bàn, tôi yêu cầu điện thoại viên đừng gọi tôi hoặc cho ai lên thăm vì tôi cần ngủ đến trưa.
– Xin cô vui lòng giải thích thật nhã nhặn rằng tôi đã phải dậy từ ba giờ sáng. Những người gọi tôi thường là đang gặp chuyện khó xử.
– Ông làm nghề gì vậy, thưa ông?
– Tôi cố gắng giúp đỡ những người gặp rắc rối.
Tôi có cảm tưởng cô ấy muốn nói thêm điều gì đó, nhưng các nhân viên ở bàn giấy đang lắng nghe chăm chú. Cho nên cô ấy hứa sẽ hết sức cố gắng và trở về bàn tổng đài điện thoại.
Tôi lên phòng và ngủ ngay lập tức.
Chuyện Trăm Năm 8
Vào đúng giữa trưa, chuông điện thoại thức tôi dậy.
– Xin lỗi đã đánh thức ông, nhưng ông có điện thoại.
– Không sao. Có nhiều người gọi tôi không?
– Dạ nhiều. Và một cặp tên là Timothy và Miriam đã đợi ông từ 10giờ đến giờ. Họ muốn gặp ông.
– Xin bảo họ chờ tôi ăn trưa qua loa rồi tôi sẽ tiếp.
– Vâng, và còn một điều nữa. Tôi cũng muốn nói chuyện với ông được không?
– Được chớ, cô có muốn lên đây không?
– Như thế trái nội qui, nhân viên khách sạn không được lên phòng của khách. Chúng tôi phải nói chuyện qua điện thoại.
– Khi nào cô xong việc?
– Lúc 11 giờ đêm.
– Được rồi, cô có thể gọi tôi đêm nay trước khi cô về. Rồi cô điện thoại viên nối đường dây cho tôi nói chuyện với bà Esther. Bà cho biết Fatma đã nghỉ ngơi và bà đã nói chuyện với cô ấy vui vẻ. Fatma chưa quyết định gì vì còn đang băn khoăn lắm.
– Tôi bảo tạm thời cô ấy có thể ở với chúng tôi.
– Tốt lắm bà Esther ạ. Cám ơn bà. Tôi nhớ lại những trường hợp tự tử, họ có thể tìm được cách giải quyết nếu chờ thêm một ngày nữa. Đương nhiên ở với ông bà chưa phải là biện pháp cuối cùng, chưa thoả đáp được nguyện vọng sâu xa nhất. Dầu vậy có một điều tôi không thể hiểu được, bà Esther. Tôi đã đọc rất nhiều về “đại gia đình” ở Phi Châu, nhưng trong trường hợp khẩn cấp như thế này, chẳng có người nào giúp đỡ cả.