Tác giả:
Ông Phi-e-rơ
Thời kỳ hình thành sách:
Thập niên 60 SC
Mục đích: Nhằm khuyên bảo giới tín hữu đang chịu khổ đau đừng trả đũa khi bị bức hại.
Đối tượng: Thành phần tín hữu chịu khổ đau dưới sự bất công của người cầm quyền, người làm chủ, người lãnh đạo và người làm chồng.
Tản mạn
Vào tháng 5 năm 1990, một sự việc bi thảm đã xảy ra tại thành phố Durban, Nam Phi. Một người đàn ông bị xé thành từng mảnh khi thang máy đóng cửa kẹp đôi chân ông ta rồi chuyển động. Chi tiết làm cho tai nạn này càng bi thảm hơn là trong lúc người đàn ông lo giữ cửa thang máy ở vị trí mở cho các hành khách khác, thì sự trục trặc xảy ra, cửa thang máy đóng sầm lại và thang máy lập tức chuyển động. Người đàn ông hầu như chết ngay tức khắc. Khi đọc câu chuyện này, chắc là lòng bạn xốn xang muốn phản đối. Vì sao, trong tất cả mọi người, tai hoạ này lại xảy đến với một người đang lo giúp đỡ người khác? Nếu ông ta là người xấu xa đang làm một việc gian tà, thì có thể chúng ta còn chấp nhận tai hoạ đó. Nhưng vì tai hoạ lại xảy đến cho một người đang làm điều tốt, nên chúng ta cảm thấy tức tối. Chúng ta xót thương cho ông và chia buồn với gia đình ông. Kinh Thánh không cho chúng ta biết vì sao có người phải chịu khổ vì làm điều đúng. Nhưng Kinh Thánh cho biết chúng ta nên chịu khổ như thế nào khi chúng ta làm điều phải.
Thâm nhập
Chủ đề của thư 1Phi-e-rơ là Sự khổ đau bất công . Khổ đau mà ông Phao-lô muốn nói đến không phải là khổ đau vì bệnh tật và tai nạn. Nhưng ông nói đến nỗi khổ đau bất công vì nó xảy đến trong khi chúng ta làm điều đúng. Các tín hữu kiên quyết làm điều ngay thẳng thường nhận thấy mình bị người chủ, người chồng hoặc người cầm quyền ngược đãi mình. Người Cơ Đốc nên làm gì khi gặp phải hình thức thử thách này? Chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời trong thư 1Phi-e-rơ. Bức thư này gồm hai phần xấp xỉ bằng nhau. Do thư có năm chương, nên mỗi phần gồm hai chương rưỡi. Cả hai phần đều bàn đến cùng một chủ đề. Nhưng nửa phần đầu của thư trực tiếp nói đến người phụ nữ và đầy tớ (người làm công) , thì nửa phần sau nói về người nam và người làm chủ.
I. Người làm công và người phụ nữ chịu khổ cách bất công (1:1-3:6) Trong nửa phần đầu của thư, ông Phi-e-rơ đưa ra lời chỉ dạy về ba thái độ người làm công và làm vợ nên chịu khổ khi họ bị đối xử bất công. 1. Họ phải chịu khổ với niềm hy vọng về sự cứu rỗi cuối cùng trong vinh quang (1:3-12). Lý do chúng ta phải chịu khổ là vì nỗi khổ đau đó chứng tỏ đức tin chúng ta là chân thật và thuần khiết (1:7). 2. Họ phải sống thánh khiết và ngày càng tăng trưởng trong Chúa (1:13-2:3). Chúng ta phải ăn ở thánh thiện vì chúng ta được tạo nên để làm những hòn đá sống trong Hội Thánh Đức Chúa Trời, là nhà được xây trên Tảng Đá móng sống là Chúa Cứu Thế Giê-xu (2:4-10). 3. Họ phải vâng phục những người cầm quyền, dù họ là người làm chủ hoặc làm chồng (2:11-3:6). Đức Chúa Trời muốn bạn làm lành để làm câm miệng những kẻ bạc đãi bạn (2:12, 15, 3:1). Khi đưa ra lời chỉ dạy về ba cách đối phó với sự ngược đãi, ba lần ông Phi-e-rơ nhắc nhở chúng ta đừng phạm tội (1:14, 2:1, 11). Sở dĩ ông nhắc nhở như vậy vì trong những lúc chúng ta gặp thử thách và khổ đau thì chúng ta cũng bị cám dỗ phạm tội rất mạnh. Bạn sẽ bị cám dỗ làm điều sai trái nhằm thử “sửa sai” những cách cư xử của người khác đối với bạn. Bạn cũng sẽ bị cám dỗ: 1. Mất niềm hy vọng về tương lai. 2. Ngừng tăng trưởng tâm linh; và 3. Không tôn trọng những người bạc đãi bạn. Đây là lý do khiến ông Phi-e-rơ chỉ dạy chúng ta ba cách cụ thể để cứ tiếp tục làm lành. Động cơ thúc đẩy chúng ta làm lành xuất phát từ Chúa Cứu Thế Giê-xu chúng ta, là Đấng đã chịu khổ mà chẳng hề phạm tội (2:21-22).
II. Người nam và người làm chủ chịu khổ cách bất công (3:7-5:14) Không những người làm công và người làm vợ lắm khi bị bạc đãi. Đôi khi người làm chồng, người lãnh đạo và người làm chủ cũng bị đối xử bất công. Nửa phần sau bức thư này bàn về trường hợp của họ. Trong nửa phần sau, ông Phi-e-rơ cũng chỉ dạy người nam về ba cách chịu khổ: 1. Họ phải chịu khổ mà không phạm tội (3:8-4:6). Với tư cách là đầy tớ Đức Chúa Trời, họ nên trung tín phục vụ người khác (4:7-11). 2. Họ đừng kinh ngạc và hổ thẹn khi phải chịu khổ (4:12-19). Nhiều Cơ Đốc nhân thường trông mong Đức Chúa Trời ban cho họ những điều tốt đẹp khi họ làm lành. Họ ngạc nhiên khi bị bạc đãi. Đôi khi họ cảm thấy hổ thẹn vì làm người Cơ Đốc. Ông Phi-e-rơ bảo họ đừng hổ thẹn vì làm môn đệ của Chúa. Nhưng họ chỉ nên hổ thẹn khi họ chịu khổ vì phạm tội ác (4:15). 3. Họ phải chịu khổ trong tinh thần khiêm nhường (5:1-11). Các trưởng lão nên chăm sóc, chớ đừng áp chế bầy chiên mà Đức Chúa Trời giao cho họ (5:2-3). Các bạn thanh niên hãy vâng phục các trưởng lão (5:5), người làm chồng nên săn sóc vợ, quan tâm đến những nhu cầu của vợ (3:7). Mọi người hãy phục vụ nhau với tinh thần khiêm nhường (5:5-6). Ba thái độ khi gánh chịu sự khổ đau tương ứng với ba sự cám dỗ mà người nam phải đương đầu trong những hoàn cảnh đó. 1. Bị cám dỗ trả thù. Vì thế, chúng ta đừng lấy ác trả ác (3:9). 2. Bị cám dỗ buồn chán. Do đó, chúng ta phải vui mừng (4:13). 3. Bị cám dỗ xúc phạm người cầm quyền chúng ta. Do đó, chúng ta hãy tích cực phục vụ những người dưới quyền chúng ta (5:2). Trên hết mọi sự, khi chúng ta phải chịu khổ cách bất công chúng ta phải có tinh thần sống cho Đức Chúa Trời tương tự như Chúa Cứu Thế Giê-xu (4:1-2).
Trọng tâm
Hãy chịu khổ như Chúa Cứu Thế đã chịu.
Thực hành
Bạn thử mường tượng tình huống sau đây: một ông chồng chưa tin Chúa về nhà trong tình trạng say rượu. Ông đòi hỏi người vợ đã tin Chúa, sau khi làm việc ở sở suốt cả ngày, phải nấu bữa ăn tối rồi sau đó lau dọn nhà cửa. Ông nói rằng bà không được đi nhà thờ tham gia buổi nhóm cầu nguyện khi chưa làm xong việc nhà. Cảnh tượng này lặp đi lặp lại suốt mười hai năm qua trong cuộc sống vợ chồng của họ. Ông cũng không cho phép bà đưa cậu con trai một của họ đến nhà thờ. Nếu người phụ nữ này đến với bạn xin một lời khuyên, thì bạn khuyên bà nên làm gì? Câu trả lời rất đơn giản, có thể gói trọn trong mấy chữ: Làm điều hay lẽ phải (3:6). Điều lành mà bà vợ cần làm là vâng phục chồng bà (3:1-2). Không mấy ai chuộng lời khuyên này vì cũng chẳng dễ thực hiện. Đúng ra, hết sức khó thực hiện theo lời khuyên này. Vấn đề không phải là bà này không biết phải làm gì. Vấn đề là làm sao thực hiện được việc đó suốt nhiều năm ròng rã. Nhưng niềm hy vọng của bà là ở chỗ đó – hy vọng không nằm trong hoàn cảnh hiện tại nhưng trong vinh quang chung cuộc (1:7, 8, 11). Hãy làm việc lành chứ không phải làm việc thực tiễn, việc phổ biến, việc được nhiều người ưa thích, việc hợp lý, việc thuận lợi, việc dễ làm, việc dễ chịu. Cứ lo làm điều lành , thế thôi. Đây là cách chịu khổ như Chúa Cứu Thế đã chịu.
1 Phi-e-rơ
Từ chính: KIÊN NHẪN (CHỊU) BẮT BỚ
Chủ đề chính: Chịu khổ
Cụm từ chính: (chịu khổ theo) ‘ý muốn của Đức Chúa Trời’ (4 lần) Câu chính: “Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chơn Ngài.” dc IPhi 2:21;)
Bài học chính: Phải trải nghiệm nỗi khổ đau như Chúa Cứu Thế đã chịu.