Tác giả:
Không rõ (ông Ba-na-ba?)
Thời kỳ hình thành sách:
Năm 50-70 SC

Mục đích: Nhằm bày tỏ rằng Chúa Giê-xu là Cứu Chúa Chí Tôn và Cơ Đốc giáo là tôn giáo cao trọng nhất.
Đối tượng: Thành phần tín hữu có nguy cơ quay trở lại lối sống cũ hoặc tôn giáo cũ vì cớ những gian khổ hoặc sự bắt bớ, hoạn nạn.
Tản mạn
Năm ngoái, khi tôi đến Sri Lanka, có người kể với tôi câu chuyện kinh dị về một vị tu sĩ Cơ Đốc bị kết án là đã giết vợ ông. Ông âm mưu với tình nhân giết dần vợ ông bằng cách mỗi ngày bỏ một tí thuốc độc vào thức ăn của bà. Bà vợ của vị tu sĩ mắc một chứng bệnh lạ rồi qua đời. Chẳng một ai nghi ngờ gì về cái chết của bà mãi đến khi ông chồng của bà tình nhân của vị tu sĩ cũng qua đời vì căn bệnh kỳ lạ tương tự. Mấy người con đã trưởng thành của vị tu sĩ bắt đầu điều tra vụ giết người. Cuối cùng, họ đã vạch trần tội ác của cha họ trước cảnh sát. Với những câu chuyện như thế, làm sao người Cơ Đốc có thể tuyên bố là họ có chân lý? Làm sao họ dám khẳng định rằng tôn giáo của họ là tôn giáo tối ưu trên thế giới? Chúng ta có thể tìm thấy giải đáp cho vấn nạn hóc búa này trong sách Hê-bơ-rơ. Thâm nhập Các Phúc Âm được viết nhằm thuyết phục người ta cải đạo tin theo Cơ Đốc giáo, sách Hê-bơ-rơ được viết để ngăn chặn người ta rời bỏ Cơ Đốc giáo. Đối tượng cần đọc sách này là những người bị cám dỗ từ bỏ Cơ Đốc giáo, rời khỏi Hội Thánh hoặc vì cớ họ bị bức hại, hoặc vì cớ họ phải chịu đựng những gian khổ trong cuộc sống. Sách Hê-bơ-rơ gồm có năm phần. Trong mỗi phần đều có một lời cảnh cáo cùng một lời khuyên bảo. Chúng ta có thể tìm thấy bốn lý do trong bốn phần đầu giải thích vì sao Cơ Đốc giáo là tôn giáo ưu việt nhất trên thế giới. Phần cuối cho chúng ta biết làm thế nào chúng ta có thể tiếp tục sống theo niềm tin của người Cơ Đốc và không trở lại với lối sống cũ hoặc tôn giáo cũ của chúng ta khi xưa.
I. Con cao trọng hơn thiên sứ (1-2)
Trước hết, Cơ Đốc giáo là tôn giáo ưu việt nhất vì Chúa Cứu Thế Giê-xu là Sứ Giả cao trọng nhất trong vũ trụ, Ngài cao trọng hơn cả thiên sứ (HeDt 1:4). Chúa Cứu Thế Giê-xu là Đấng cao trọng vì Ngài là Con Một của Đức Chúa Trời và Danh Ngài vượt trổi hơn bất cứ danh nào khác. Danh cao cả ấy biểu hiện quyền thế và địa vị cao trọng của Ngài. Lời cảnh cáo trong phần thứ nhất là chúng ta đừng để mình bị trôi giạt khỏi sứ điệp cứu rỗi (HeDt 2:1-4). Một số tôn giáo thường tuyên bố rằng sứ điệp của họ đến từ Đức Chúa Trời qua trung gian một thiên sứ hoặc nhiều thiên sứ. Như vậy, sứ điệp của Cơ Đốc giáo do Chính Con Đức Chúa Trời đem đến cho chúng ta há chẳng quan trọng, quý báu hơn sao? Lời khuyên bảo trong phân đoạn này là chúng ta phải giữ vững lấy sứ điệp do Con Đức Chúa Trời đem đến cho chúng ta hơn cả những lời do đầy tớ và thiên sứ của Đức Chúa Trời rao truyền (2:1).
II. Chúa Giê-xu là Đấng được sai phái cao trọng hơn các nhà tiên tri (3-4) Thứ hai, Cơ Đốc giáo là tôn giáo ưu việt nhất trên thế giới vì chúng ta có một vị sứ giả hoặc một Nhà Tiên Tri cao trọng hơn bất cứ nhà tiên tri nào đã từng sống trên đời này. Chúa Cứu Thế Giê-xu vinh hiển, cao trọng hơn cả tiên tri Môi-se (3:3). Ông Môi-se là vị tiên tri vĩ đại nhất trong thời Cựu Ước. Nhưng sự vinh hiển của ông chẳng khác nào một ngôi nhà sang trọng. Cũng theo lối so sánh này thì sự vinh hiển, cao trọng của Chúa Cứu Thế Giê-xu tương tự như sự vinh hiển của vị kiến trúc sư tài ba xây ngôi nhà sang trọng (3:3). Hiển nhiên, Ngài cao trọng hơn tất cả các vị tiên tri đã sống trước hoặc sau thời đại Ngài. Ngài là Đấng dựng nên tất cả các nhà tiên tri! Không một tôn giáo nào có thể tuyên bố là họ có một nhà tiên tri lớn hơn cả. Vì thế, lời khuyên trong phần này là chúng ta chớ cứng lòng và hoài nghi (3:7-19). Chúng ta đừng xây lưng khước từ Đức Chúa Trời hằng sống (3:12). Nhưng phải giữ vững niềm tin nơi Chúa Cứu Thế cho đến cuối cùng (3:14). Lời khuyên bảo giữ vững niềm tin quan trọng đến mức tác giả sách Hê-bơ-rơ tiếp tục bàn vào chi tiết về vấn đề đó trong trọn Chương kế tiếp (4:1-16). Dù ông Môi-se là một nhà lãnh đạo và một vị tiên tri vĩ đại, nhưng dưới sự lãnh đạo của ông, dân Do Thái vẫn không được vào “nơi an nghỉ” là Miền Đất Hứa. Con đường duy nhất để chúng ta được vào nơi an nghỉ của Đức Chúa Trời (tức là thiên đàng) là tin Chúa Cứu Thế Giê-xu, Đấng tiên tri vĩ đại nhất.
III. Thầy tế lễ Thượng phẩm tối cao, cao trọng hơn ông A-rôn (5-6) Lý do thứ ba chúng ta không nên từ bỏ Cơ Đốc giáo là vì chúng ta có một Thầy Tế Lễ Tối Cao trọn vẹn nhất trên thế gian này. Trong phần trước, tác giả so sánh Chúa Giê-xu với tiên tri Môi-se. Trong phần này, tác giả so sánh Chúa Giê-xu với anh của ông Môi-se là ông A-rôn, thầy tế lễ thượng phẩm đầu tiên và lớn nhất trong Do Thái giáo. Bởi đâu Chúa Giê-xu cao trọng hơn ông A-rôn? Bởi sự kêu gọi của Ngài (5:4). Ông A-rôn được Đức Chúa Trời kêu gọi qua trung gian ông Môi-se. Nhưng Chúa Giê-xu được Đức Chúa Trời trực tiếp kêu gọi (5:5). Đức Chúa Trời cũng gọi Chúa Giê-xu là “Con Ta”. không một thầy tế lễ nào, giữa vòng người sống hoặc kẻ đã qua đời, có thể tuyên bố họ được kêu gọi như vậy. Vì Chúa Giê-xu là Thầy Tế Lễ Tối Cao vĩ đại nhất, nên Ngài có quyền ban cho chúng ta niềm hy vọng vững chắc, là cái neo của linh hồn chúng ta (6:19-20). Bởi chúng ta có niềm hy vọng đó trong Chúa Cứu Thế, chúng ta phải sốt sắng trong các việc lành, là những việc đi kèm với sự cứu rỗi (6:4-12). Nhiều Cơ Đốc nhân trở nên biếng nhác không làm điều thiện (6:12) khi họ mất hy vọng. Tác giả khuyên họ nên sốt sắng làm việc lành và giữ vững đức tin cho đến cuối cùng (6:11-12). Đến đây, tác giả sách Hê-bơ-rơ nhận thấy rất khó giải thích thêm vì sao Chúa Giê-xu được xưng là Thầy Tế Lễ Tối Cao lớn nhất. Độc giả của ông không thể nắm bắt được vấn đề ở mức độ cao hơn mà ông muốn triển khai (5:11). Do đó, ông thách thức họ tiến đến giai đoạn trưởng thành để hiểu được những điều đó (6:1-3). IV. Chức Tế Lễ Tối Cao cao trọng hơn chức Tư Tế Lê-vi (7-10) Trong phần thứ tư, tác giả bắt đầu nói về “thức ăn đặc” dành cho Cơ Đốc nhân trưởng thành (5:14), tức là những điều khó hiểu hơn. Ông tiếp tục triển khai đề tài Chúa Cứu Thế Giê-xu là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm cao quý nhất trần gian. Ông đưa ra bốn lý do để chứng minh điểm này:
1. Chúa Cứu Thế Giê-xu có phẩm trật tế lễ cao trọng nhất (Chương 7)
2. Chúa Cứu Thế Giê-xu có giao ước cao quý nhất với Đức Chúa Trời (Chương 8)
3. Chúa Cứu Thế Giê-xu có đền thờ vinh hiển nhất (Chương 9)
4. Chúa Cứu Thế Giê-xu có sinh tế hoàn hảo nhất (Chương 10)
Trước tiên, phẩm trật tế lễ của Ngài là cao trọng nhất vì thuộc cấp bậc Mên-chi-xê-đéc. Đặc điểm của dòng tế lễ này là tồn tại đời đời (7:3, 16). Vì Chúa Giê-xu sống vĩnh cửu nên Ngài là Thầy Tế Lễ đời đời (7:21-24). Vì cớ đó, chúng ta có niềm hy vọng lớn lao hơn, nhờ niềm hy vọng đó chúng ta được đến gần Đức Chúa Trời (7:19).
Thứ hai, Đức Chúa Trời đã lập giao ước cao quý nhất với Chúa Cứu Thế Giê-xu vì lập trên những lời hứa quý báu hơn – những lời hứa vô điều kiện (8:6). Điều quý báu nhất về những lời hứa đó chính là Đức Chúa Trời sẽ tha thứ mọi tội lỗi chúng ta (8:12).
Thứ ba, Chúa Cứu Thế Giê-xu thi hành chức tế lễ tại nơi thánh hoặc đền thánh tốt nhất vì đó là đền thờ thật trên trời, chớ chẳng phải đền thờ trần gian. Bởi đó, Chúa Giê-xu chỉ vào Đền Thánh dâng sinh tế một lần đủ cả (9:25). Sinh tế Ngài đã dâng đem lại sự tẩy sạch hoặc sự thánh hoá hoàn toàn, tức là không chỉ tẩy sạch bề ngoài, nhưng hoàn toàn tẩy sạch lương tâm chúng ta (9:14, 9).
Thứ tư, Chúa Cứu Thế Giê-xu đã dâng sinh tế hoặc lễ vật tốt nhất. Ngài không dâng súc vật làm sinh tế để làm trọn nhiệm vụ của một thầy tế lễ nhưng Ngài dâng hiến chính Ngài làm sinh tế vì vâng lời Đức Chúa Trời. Bởi đó chúng ta nhờ huyết Ngài mà được nên thánh (10:10, 12). Hầu hết mọi tôn giáo trên thế gian đều có thầy tế lễ và thầy tế lễ tối cao riêng. Tất cả các tôn giáo đó, bất luận thời nào, cũng có những thầy tế lễ phạm đủ thứ tội ác ghê gớm. Và Cơ Đốc giáo cũng chẳng được miễn trừ. Đã bao lần, Hội Thánh phải bối rối và xấu hổ vì những tội lỗi khủng khiếp và ghê tởm do các thầy tế lễ của Hội Thánh phạm. Sự khác biệt duy nhất giữa Cơ Đốc giáo với các tôn giáo khác không phải là khác biệt về thầy tế lễ, nhưng khác biệt về Thầy Tế Lễ Tối Cao, tức là Chúa Cứu Thế Giê-xu. Thầy Tế Lễ Tối Cao của Hội Thánh không những là Đấng trọn vẹn (7:28), mà còn là Đấng sống vĩnh cửu (7:24) và Ngài hiện đang ngồi bên hữu Đức Chúa Trời (8:1, 10:12). Do đó, có lời cảnh cáo chúng ta chớ bỏ lòng dạn dĩ để đến gần Đức Chúa Trời (10:35). Chúng ta đừng trở lại với lối sống cũ đầy tội lỗi (10:26) chỉ vì muốn tránh cuộc sống gian khổ do tin Chúa Cứu Thế (như bị tước đoạt của cải chẳng hạn (10:34). Trái lại, chúng ta phải đến gần Đức Chúa Trời và gần gũi nhau để khích lệ nhau trong cuộc sống Cơ Đốc (10:19-25). Mọi tôn giáo trên trần gian đều dễ bị thay đổi. Có điều gì cản trở một sứ giả khác của Đức Chúa Trời đem đến cho chúng ta một sứ điệp mới để thay thế cho sứ điệp cũ chăng? Cơ Đốc giáo là tôn giáo duy nhất có thể tuyên bố là có được Lời Đức Chúa Trời vì Chính Con Đức Chúa Trời (8:6), chớ chẳng phải thiên sứ hoặc nhà tiên tri, làm trung gian đem Lời ấy đến cho chúng ta. Tất cả các tôn giáo của thế gian đều có nhà hội, đền, chùa, nhà thờ riêng. Một số điện đền này đã bị thiêu rụi, còn một số khác lại bị mạo phạm. Nhưng chỉ có Cơ Đốc giáo mới có thể tuyên bố là mình có đền thánh trên trời và tồn tại đời đời (9:24). Mọi tôn giáo trên thế gian đều dâng hiến sinh tế, lễ vật. Nhưng Cơ Đốc giáo là tôn giáo duy nhất có sinh tế hoàn hảo hoàn toàn được Đức Chúa Trời nhận lấy mà thôi. V. Có đức tin cao trọng hơn thối lui, nản lòng (11-13). Nhưng cho dù Chúa Cứu Thế Giê-xu là Sứ Giả, Nhà Tiên Tri, Thầy Tế Lễ Tối Cao và Sinh Tế hoàn hảo nhất; và cho dù Cơ Đốc giáo là tôn giáo ưu việt nhất trên trần gian, thì đã sao? Sự kiện đó chẳng làm cho chúng ta tốt hơn chút nào nếu chúng ta không có đức tin, nơi Chúa Giê-xu cứ lo quay về với tôn giáo cũ hoặc lối sống cũ đầy tội lỗi khi xưa. Trong phần thứ năm và cũng là phần cuối của sách Hê-bơ-rơ, tác giả khuyến giục chúng ta hãy có đức tin, đừng nản lòng (12:3, 5). Ông khích lệ chúng ta bằng cách nêu ra một nhóm anh hùng đức tin trong quá khứ, là những người đã bền đỗ trong đức tin dù gặp phải mọi sự bắt bớ, khốn khổ, hoạn nạn (Chương 11) . Ông cảnh cáo chúng ta đừng xem thường sự sửa dạy của Đức Chúa Trời đối với con cái yêu dấu của Ngài (12:5-11). Ông khuyên chúng ta loại bỏ mọi tội lỗi dễ vấn vương, và cứ tiếp tục giữ vững niềm tin nơi Chúa Cứu Thế Giê-xu (12:1-3). Trọng tâm Hãy giữ vững niềm tin của bạn vì Cứu Chúa của bạn là Đấng Cao Trọng, Chí Tôn. Thực hành Nhiều tín hữu thối chí, ngã lòng muốn từ bỏ niềm tin. Mấy người trong số họ nói rằng: “Hội Thánh đầy những người đạo đức giả”, hoặc “Cơ Đốc nhân không thực tế”, hoặc “Nếu có Đức Chúa Trời, sao tôi lại phải chịu đựng gian khổ như thế?” hoặc “Vì sao tôi phải chịu bức hại khi làm người Cơ Đốc?” Thành phần này có cùng một đặc điểm chung – họ không còn chăm chú vào Chúa Cứu Thế Giê-xu, nhưng lại tập trung chú ý vào Hội Thánh, vào vài vị lãnh đạo Hội Thánh hoặc vào những nỗi khổ đau, hoạn nạn của riêng họ. Thông thường, khi chúng ta chịu khổ, chúng ta quên rằng phần lớn nỗi khổ đau của chúng ta là do tội lỗi của chính chúng ta gây ra (12:16). Chúng ta cần xưng những tội lỗi đó với Đức Chúa Trời và tiếp tục sống đời sống thánh khiết (12:14). Nhưng đôi khi chúng ta chịu khổ vì đức tin chớ chẳng phải vì tội lỗi chúng ta. Trong đời sống của chúng ta vẫn còn nhiều điều khác, không phải là tội lỗi, nhưng có thể gọi là những “gánh nặng” (12:1). Tuy nhiên, đây là những điều cản trở chúng ta trong cuộc đua Cơ Đốc cũng như trong cuộc sống thánh khiết. Trong số các gánh nặng đó có thể kể sự cay đắng (12:15), tham tiền (13:5), và tin đạo lạ (13:9). Để chạy tốt trong cuộc đua, chúng ta cần loại bỏ những gánh nặng này và yêu thương nhau như anh em một thịt (13:1), ân cần tiếp đãi khách (13:2), nhớ đến những người chịu khổ trong lao tù vì cớ đức tin của họ (13:3), tôn trọng hôn nhân (13:4), vâng lời người lãnh đạo (13:7, 17), chịu khổ nhục (13:13). Và trên hết mọi sự hãy nhìn chăm Chúa Cứu Thế Giê-xu (12:2) là Sứ Giả, Nhà Tiên Tri, Thầy Tế Lễ Tối Cao vĩ đại, là Con Một của Đức Chúa Trời, và là Đấng hôm qua, ngày nay, cho đến muôn đời không hề thay đổi (13:8).
Hê-bơ-rơ
Từ chính: CHÚA CỨU THẾ (LÀ) ĐẤNG CAO TRỌNG Chủ đề chính: Sự cao trọng
Cụm từ chính: ‘tốt hơn/ cao trọng hơn’ (15 lần)
Câu chính: “Ấy vậy, vì chúng ta có thầy tế lễ thượng phẩm lớn đã trải qua các từng trời, tức là Đức Chúa Giê- xu, Con Đức Chúa Trời, thì hãy bền giữ đạo chúng ta đã nhận tin.” (HeDt 4:14)
Bài học chính: Hãy giữ vững niềm tin của bạn vì Cứu Chúa của bạn cao trọng hơn.