Ngày hôm nay tôi muốn chia sẻ với các bạn về lời của Chúa, và tôi nghĩ rằng các bạn sẽ được động viên nhiều. Bài giảng có chủ đề : “Hãy trở nên trọn vẹn”. 

Trước kia những lời “hãy trở nên trọn vẹn” luôn luôn làm tôi lo sợ vì tôi biết rằng tôi luôn là con người chưa trọn vẹn, vì có biết bao lỗi lầm hàng ngày tôi vi phạm. Ngay khi cả tôi đã là cơ đốc nhân tôi thỉnh thoảng vẫn còn phạm lỗi lầm: đôi lúc tôi tức giận, đôi lúc tôi trở nên theo cảm xúc và đôi lúc tôi thực sự là sai lầm nữa. Và tôi thường nghĩ, Ôi, mình thật không trọn vẹn.

Nhưng Chúa Jesus nói với chúng ta: “Hãy trở nên trọn vẹn như Cha chúng ta trên trời”.

Tôi đã từng nghĩ rằng trở nên trọn vẹn tức là không làm một lỗi lầm nào cả – vì chúng ta là những cơ đốc nhân mà, cho nên chúng ta sẽ không làm một lỗi lầm nào cả, chúng ta không được sai lầm, không được ngã khi nào cả. Trước đây tôi nghĩ như vậy và luôn luôn sống trong sự căng thẳng, làm thế nào để không phạm sai lầm và làm thế nào để khỏi ngã. Và khi tôi cố gắng để không phạm sai lầm bao nhiêu thì tôi lại phạm nhiều sai lầm bấy nhiêu.

Mỗi ngày tôi lại càng cầu nguyện nhiều thêm: “Chúa ơi hãy gìn giữ con để ngày hôm nay con không lớn tiếng với ai cả”, và kết quả là lúc nào tôi đi đứng trong sự căng thẳng “lên gân” như vậy… Và các bạn cũng biết quả bóng bay căng đầy không khí, chỉ cần một mũi kim chọc vào là nó sẽ bùng nổ. Tôi cũng nổ như vậy… và tôi không biết làm thế nào để trở nên trọn vẹn bây giờ.

Trong sách Mathiơ đoạn 5 từ câu thứ 43 Chúa Jesus có nói:

“Các ngươi có nghe lời phán rằng hãy yêu người lân cận và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. Song ta nói cùng các ngươi rằng hãy yêu kẻ thù nghịch mình, chúc phước cho kẻ rủa sả mình, làm ơn cho kẻ ghét mình và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi, hầu cho các ngươi được làm con của Cha các ngươi ở trên trời bởi vì Ngài khiến mặt trời mọc lên soi cho kẻ dữ và kẻ lành, làm mưa cho kẻ công bình cùng kẻ độc ác. Nếu các ngươi yêu kẻ yêu mình thì có được thưởng gì đâu. Những kẻ thâu thuế há chẳng làm như vậy sao. Vả nếu các ngươi tiếp đãi anh em mình mà thôi thì có lạ gì hơn ai. Người ngoại há chẳng làm như vậy sao? Thế thì các ngươi hãy nên trọn vẹn như Cha các ngươi ở trên trời là trọn vẹn.”

Như vậy Ngài đã định nghĩa cho chúng ta thế nào là trở nên trọn vẹn. ở đây Ngài không nói gì đến các lỗi lầm, thất bại và những sự mất mát. Cách hiểu của Đức Chúa Trời về sự trọn vẹn khác với cách hiểu của chúng ta về sự trọn vẹn.

Kinh thánh nói rằng: “Người công bình bảy lần ngã, nhưng bảy lần đều đứng dậy”.

Nói một cách khác, người công bình không phải là người không bao giờ ngã. Người công bình là người khi ngã rồi sau đó đứng dậy. Như vậy người công bình không phải là người không phạm lỗi lầm nào hết. Người công bình là những người sau những lỗi lầm đó còn làm được một điều gì đó nữa.

Còn người không công bình ngã là không đứng dậy nữa. Không quan trọng anh ta làm nhiều hay ít lỗi lầm, bạn có thể làm nhiều lỗi lầm hơn cả người không công bình, nhưng điều quan trọng là bạn làm gì sau mỗi lần sai lầm.

Chúa Jesus không nói rằng con người trọn vẹn là con người có phạm lỗi hay không phạm lỗi, mà ở đây Ngài miêu tả thế nào là con người trọn vẹn. Ngài nói rằng khi người ta rủa sả các bạn các bạn hãy chúc phước lại, khi người ta bắt bớ các bạn, các bạn hãy cầu nguyện, khi người ta căm ghét các bạn, các bạn hãy yêu thương họ. Nói một cách khác, như vậy các ngươi sẽ trở nên người trọn vẹn.

Điều đó có nghĩa là hãy mang tình yêu thương đến, trở nên trọn vẹn tức là hãy mang tình yêu thương đến thế gian, mang ánh sáng đến chỗ tối tăm. Đó là mang tình yêu thương đến những nơi đầy sự căm ghét, mang phước lành đến những nơi bị rủa sả, cầu nguyện ở những nơi mà họ đang đuổi bắt các bạn, mang những gì tốt nhất cho thế gian tồi tệ này để làm cho nó trở nên tốt hơn, mang ánh sáng đến nơi tối tăm để ở đó sáng hơn lên, chúc phước cho những kẻ rủa sả mình để chính họ cũng được phước và cuộc sống của họ được thay đổi, và để sau đó họ thôi không rủa sả nữa.

Chúng ta đem tình yêu thương đến không chỉ đơn giản để trở thành người nhân ái, chúng ta đem tình yêu thương đến để thay đổi thế gian.

Các bạn có biết không, có một số người nghĩ rằng chúng ta làm việc lành bởi vì Đức Chúa Trời nói chúng ta cần phải làm như vậy. Nhưng không chỉ có vậy. Ngài đã nói và cũng giải thích để chúng ta biết điều chúng ta làm đó sẽ mang lại kết quả như thế nào. Ngài không muốn các bạn làm các việc lành chỉ để mà làm việc lành. Các bạn có biết không, có nhiều người chỉ muốn người khác cầu nguyện cho mình, chỉ đơn giản là cầu nguyện thôi, không quan trọng có kết quả như thế nào. Nhiều khi họ không tin được lành bệnh, nhưng họ cứ muốn người khác cầu nguyện cho mình, họ quên mất cái gì thật sự họ muốn, mà đơn giản bây giờ họ chỉ muốn người ta cầu nguyện cho họ. Họ quên mất cái kết quả mong muốn – đó mới là mục đích, mà họ chỉ thích cái quá trình đó thôi.

Nhưng Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết nhìn đến kết quả. Khi mà Ngài nói rằng chúng ta đem điều lành, tình yêu thương đến thế gian này, là Ngài muốn chúng ta nhìn thấy kết quả nào sẽ đến. Chỉ khi các bạn nhìn thấy kết quả, các bạn mới muốn mang tình yêu thương đi. Trong Kinh thánh nói rằng Chúa Jesus đã nhìn thấy sự vui mừng sau thập tự giá, và vì thế trong Kinh thánh có nói Ngài đã nhìn vào việc mình làm với một sự hài lòng. Ngài không hài lòng khi bị người ta đánh đập, đóng đinh Ngài. Nhưng Ngài nhìn thấy cái kết quả mà việc sẽ đem đến sau đó: sự vui mừng sau thập tự giá. Cũng như người phụ nữ có mang sanh con. Họ không chỉ có mang để mà có mang. Họ không vui sướng gì về cái quá trình đó cả. Nhất là khi họ sanh con là lúc rất đau đớn. Nhưng cái kết quả thì nó xứng đáng với sự đau đớn đó vì sau đó có một sự vui sướng đến như thế nào, một cuộc sống, một cuộc đời mới đã sinh ra rất là đẹp đẽ, cái gì quí giá nhất – đó là con người.

Đức Chúa Trời muốn chúng ta nhìn thấy kết quả. Khi mà chúng ta có mục đích, khi các bạn nhìn thấy điều này sẽ dẫn đến cái gì. Khi bạn nhìn thấy sự truyền giảng của bạn, sự hầu việc Chúa của bạn sẽ sản sinh ra cái gì thì không ai có thể đánh lạc hướng các bạn được. Các bạn có biết không, có một câu thường nói như thế này: Muốn thắng được kẻ thù hãy đánh lạc hướng nó. Nghĩa là đánh lạc hướng, không cho nó chú ý vào mục đích nữa. Hãy để cho nó làm việc và làm việc, nhưng làm sao cho kẻ thù làm việc không có mục đích. Và cũng có nhiều cơ-đốc nhân làm việc rất là nhiều, khiến cho mình trở nên mệt mỏi, kiệt sức nhưng mà khi bạn hỏi họ đi đâu, mục đích của họ là gì thì họ không biết.

Các bạn hãy tưởng tưởng một vụ gặt, cần phải cứu mùa màng, cần phải gặt được lúa, một người ngồi vào trong máy gặt đập mà không biết hướng mình đi đâu, anh ta đi ra khỏi cánh đồng và đi lên đường cái, và cả ngày đi trên đường cái đó và lúc về nhà mệt mỏi và không thu được một kết quả nào hết, bởi vì anh ta không có một cái hướng đi đúng.

Các bạn có thấy không thật quan trọng là có một mục đích, một hướng đi.

Chúng ta mang tình yêu thương để mà thay đổi thế gian, ánh sáng để xua đuổi bóng tối, tình yêu để xua đuổi hận thù, điều lành bao giờ cũng thắng điều ác đó cũng như qui luật tự nhiên như định luật vạn vật hấp dẫn vậy. Đó là những định luật vật lý, Đức Chúa Trời đã đặt ra những định luật này trên đất: Điều lành bao giờ cũng chiến thắng điều ác. Tình yêu thương bao giờ cũng thắng sự thù hận. Phước lành bao giờ cũng tiêu diệt sự rủa sả, và sức khoẻ từ Đức Chúa Trời bao giờ cũng đuổi bệnh tật ra.

Như vậy chúng ta đang nói như thế nào trở lên trọn vẹn. Trở lên trọn vẹn là đem điều lành, đem phước hạnh, tình yêu thương đến thế gian này. Các bạn cũng biết Chúa Jesus đã từng nói: Khốn nạn thay cho các ngươi, nếu thành Sô-đôm thời đó có các phép lạ như vậy đã tỏ cho các ngươi thì họ đã ăn năn rồi, nhưng vì bởi cớ các ngươi không tiếp nhận ánh sáng, nên các ngươi sẽ bị đoán xét.

Đức Chúa Trời không xét đoán theo những điều xấu, hay những tội lỗi các bạn đã làm, Đức Chúa Trời không xét đoán theo số lượng tội lỗi hay bóng tối có trong con người các bạn. Ngài xét đoán theo số lượng ánh sáng và những điều tốt lành mà bạn đã chối bỏ. Những con người không có Đức Chúa Trời họ đều phạm tội. Nhưng khi có ánh sáng, tình yêu thương, lẽ thật đó chính là Chúa Jesus mà các bạn còn chối bỏ Ngài thì đó mới thực sự là tội lỗi – và đó mới chính là điều bị đoán xét.

Tôi sẽ nói với các bạn cách nhìn nhận của Đức Chúa Trời về những sai lầm, thất bại của chúng ta là như thế nào.

Thất bại không có nghĩa bạn là kẻ thất bại mà có nghĩa là hiện tại bạn chưa đạt đến thành công.

Thường trong những lúc như vậy ma quỉ thường đến và qui tội lỗi cho bạn. Các bạn đừng ngồi trong hố thất bại của mình, cùng sự dày vò mặc cảm tội lỗi của mình mà hãy đứng dậy đi ra khỏi hố ngay. Kinh thánh nói rằng người công binh dù bảy lần ngã, nhưng rồi cả bảy lần đều đứng dậy. Các bạn hãy nhớ các bạn là người công bình. Bạn là con cái của Đức Chúa Trời không có nghĩa là vì bạn không phạm lỗi lầm mà là vì cớ bạn sẽ làm điều gì sau khi bạn phạm sai lầm. Đó là: đứng dậy, không đầu hàng, không kết tội mình, không kết tội Đức Chúa Trời, ra khỏi hố, phủi bụi, nhìn lên và đi tiếp, và ta lại bắt đầu một lần nữa.

Ngay từ đầu tiên trong vườn E đem Đức Chúa Trời đã cho con người (A-đam và E-va) quyền lựa chọn tức là khả năng phạm sai lầm. Và con người đã phạm sai lầm ăn trái cấm. Đối với Đức Chúa Trời lỗi lầm không phải là vấn đề, mà đối với Ngài vấn đề ở chỗ là con người không chịu thú nhận cái sai lầm của mình. E-va và A-đam đã ngồi trong cái hố đó hàng nghìn hàng nghìn năm và chúng ta cùng với họ. Nan đề không phải là sự sai lầm, mà ở chỗ họ không chịu tiếp nhận sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời để bò ra khỏi cái hố đó. Không có một cái lỗi lầm nào mà Đức Chúa Trời không thể không sửa được. Không thể có một cái nan đề nào mà Đức Chúa Trời không thể biến nó thành điều tốt lành cho bạn cả. Nói một cách khác, khi bạn vấp ngã, bạn hãy đứng dậy, đi tiếp con đường của mình. Đức Chúa Trời tiếp sức cho bạn và Ngài sẽ còn nâng các bạn lên một bậc cao hơn cả trước kia nữa.

Chúng ta đang nói về cách nhìn nhận của Đức Chúa Trời về những thất bại.

Thất bại không có nghĩa là bạn không đạt được gì cả. Mà có nghĩa bạn học được một điều gì đó.

Hãy biến những dấu trừ thành những dấu cộng. Các bạn có nhớ không lần trước tôi đã kể với các bạn về câu chuyện của một nhà truyền giảng: “Khi mà cuộc đời dành cho bạn một quả chanh chua và chát, thì các bạn hãy vắt nó, thêm đường vào thành nước chanh cho mình uống và nếu còn thi bán lấy tiền.”

Các bạn đừng nắm chặt lấy những nan đề đó, mà hãy nhìn nhận nó theo một cách khác và gìn giữ lòng bình an của mình hơn hết. Để các bạn có thể tỉnh táo nhìn vào mọi sự kiện và dữ liệu rồi nghiên cứu nó, chia nó thành những phần nhỏ và sửa nó để sao nó lại quay trở lại phục vụ mình. Để về sau nó có thể trở thành bài học tuyệt vời cho biết bao con người mà sẽ gặp phải tình huống giống như của bạn trước đây.

Thất bại không có nghĩa là bạn ngu và đần độn, mà có nghĩa là bạn có nhiều đức tin.

Các bạn chắc còn nhớ câu chuyện trong Kinh thánh: Phi-e-rơ đi ra khỏi thuyền trên mặt nước biển, các môn đồ còn lại ngồi trong thuyền, và khi Phi-e-rơ sắp chìm thì chắc trong thuyền các môn đồ còn lại có thể cười chế nhạo. Nhưng Đức Chúa Trời nhìn nhận các thất bại của chúng ta như một bằng chứng cho đức tin của chúng ta. Mặc dù Phierơ đã gần chìm, nhưng dù sao ông cũng đã dám bước chân xuống nước, còn những môn đồ kia họ không bị chìm, nhưng họ không dám bước ra khỏi thuyền để đi…

Tốt hơn hết là dám làm, dù có thể phạm sai lầm, để hướng tới đạt một điều vĩ đại trong cuộc sống mình còn hơn là sợ phạm lỗi mà không làm một cái gì hết. Mỗi một phát minh vĩ đại không đơn giản mà có được, nó được sinh ra sau hàng ngàn, hàng ngàn lần thất bại, hàng lần thử, thí nghiệm lặp đi lặp lại cho đến khi nhận được kết quả. Những sai lầm có thể có, khi mà các bạn thử để đạt được điều gì đó trong cuộc sống, nhưng quan trọng hơn là sau những sai lầm đó các bạn không đầu hàng mà vẫn tiếp tục đứng dậy và đi tiếp. Điều đó nói lên đức tin của các bạn. Các bạn thấy không, ma quỉ luôn qui lỗi lầm như là tội lỗi còn Đức Chúa Trời nhìn nhận lỗi lầm như là một bằng chứng của đức tin.

Thất bại không có nghĩa bạn thấp kém hơn người khác, mà chỉ có nghĩa là bạn chưa thật trọn vẹn mà thôi, chúng ta đang ở trong quá trình trở nên trọn vẹn.

Con người bề trong, con người thuộc linh thì trọn vẹn, nhưng tâm hồn của các bạn, những thói quen suy nghĩ, thói quen hành động, thói quen cư xử của các bạn là những điều chúng ta cần phải hoàn thiện. Các bạn đừng nhìn thất bại như là lãng phí vô ích một phần cuộc sống mình, mà thất bại là nguyên do để mình bắt đầu lại mọi sự. Vì Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời của mọi sự bắt đầu mới. Đức Chúa Trời đã đặt ra mọi định luật trong thiên nhiên này. Mặt trời mọc lên mỗi một ngày. Ngày lại đổi ra đêm, và trái tim của bạn đập không ngừng, và các bạn lại thở – sự lặp đi lặp lại.

Kinh thánh nói rằng sự thương xót của Ngài đổi mới chúng ta mỗi ngày, sự tha thứ của Ngài thêm theo mỗi ngày. Mặt trời cuộc sống của bạn lại chiếu sáng, tình yêu cuộc sống bạn lại đến. Sự tha thứ của Ngài đối với bạn lại có trong ngày hôm nay. Đức Chúa Trời bao giờ cũng có một cái gì đó dành cho bạn, mọi sự trong ngày hôm nay bắt đầu lại từ đầu. Bạn không bao giờ rơi vào hoàn cảnh không lối thoát cả. Đức Chúa Trời bao giờ cũng có ý tưởng còn tốt hơn trước kia cho bạn.

Hãy đừng bao giờ để mặt trời không mọc lại nữa trong đời sống của bạn. Khi mà các bạn thấy hầu như không còn làm gì được nữa, cảm tưỏng như mình đã đập đầu vào tường, cảm tưởng như tất cả những điều mình làm trước đây không có kết quả gì hết, đừng có bao giờ đầu hàng trong những giây phút như vậy. Đây là những giây phút mà Đức Chúa Trời đã sẵn sàng mang đến những phước lành dư dật cho bạn. Rất nhiều người đã không đợi được đến những giây phút đó để nhận những phước lành từ Đức Chúa Trời và họ đã đầu hàng. Các bạn hãy nhớ rằng đêm không dài quá đâu. Và khi các bạn đã làm hết, làm hết những gì cần và có thể làm được thì các bạn hãy nghỉ ngơi đi và hãy ngợi ca Đức Chúa Trời vì bây giờ là đến phần việc của Đức Chúa Trời làm.

Không bao giờ đầu hàng cả, các bạn hãy xem tất cả nhưng người vĩ đại trong lịch sử không phải là những người có tài năng nhất mà là nhưng người không chịu đầu hàng.

“Thế thì các ngươi hãy trở nên trọn vẹn như Cha các ngươi trên trời là trọn vẹn.”

SUU TAM